Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, July 31, 2022

BA TÔI - Ký của Nguyễn Đại Duẫn

 

Nhà văn Nguyễn Đại Duẫn

BA TÔI

Ký của Nguyễn Đại Duẫn



Ba tôi năm nay đã 89 tuổi nhưng đang còn khỏe mạnh và minh mẫn lắm, ông cho biết có được sức khỏe như bây giờ là do luyện tập, ăn uống điều độ, không lạm dụng bia rượu và bỏ được  thuốc lá.

Ông là Nguyễn Đại Phơ, hội viên Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi thôn Nguyệt Áng, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ba tôi nói: “Sở dĩ có tên như vậy là do ông nội khi râu tóc đã bạc phơ rồi mới sinh ba”. Vì có nhiều trắc trở về đường vợ con nên ông nội sinh ba muộn mằn.

 Sinh ra trong một gia đình nghèo khó nên ba chẳng được học hành tử tế. Chưa đủ lớn đã lấy vợ, mười tám tuổi đã biết làm cha. Chị tôi sinh ra thì ông nội cũng đã  qua đời trước một ngày, đó là ngày 27 tháng 5 năm 1951 đầy  buồn thương.  

Mẹ đang ở cữ thì  bà ngoại qua đời do bị máy bay Pháp thả bom  khi  đi dự cưới cháu. Niềm vui chồng lên nỗi buồn, nỗi đau mất mát, làm cho cuộc sống gia đình có nhiều bất an. Việc làm ăn sa sút, rồi hạn hán, mất mùa, giặc giã nên cái nghèo cái khó cứ bám đuổi sau lưng, ba phải đi cày thuê cuốc mướn kiếm sống qua ngày.

Năm 1953, ông có lệnh nhập ngũ Quân đội khi vừa tròn 20 tuổi, thuộc  đơn vị C216, D229, tỉnh đội Quảng Bình, đóng quân ở xã Vạn Ninh. Cuộc sống quân ngũ đầy khó khăn, vất vả,  ăn ở dựa vào dân là chính. Tư trang đơn giản, vũ khí thô sơ chỉ khẩu súng trường vài chục viên đạn. Phải chuẩn bị giáo mác,  mã tấu đề phòng giáp la cà với địch. Quân địch bị thất bại nhiều nơi, co cụm lại nên chúng càng hung hãn. Trước một trận càn, chúng gọi cho ca nông (pháo hạm) bắn loạn xạ vào làng rồi mới thúc quân tiến đánh. Đi đến đâu là chúng đốt nhà, bắn giết dã man người vô tội. Bộ đội ta phải lợi dụng từng mô đất, từng bờ ruộng để đánh du kích với giặc. 

       Lăn lộn chiến trường hơn một năm, bố cũng tham gia được mấy trận đánh Pháp và bọn ngụy, tay sai tề điệp ở các đồn  Mỹ Trung, Chợ Chè, Xuân Bồ…  nhằm ngăn chặn đường tiến quân của địch chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Ba kể lại: “Đánh trận đầu thấy mấy tên lính mắt xanh, mũi lỏ to lớn, súng ống lăm lăm mà thấy run”. Nhưng với lòng căm thù giặc sâu sắc, quyết đền nợ nước trả thù nhà nên ông vững vàng tay súng, cùng đồng đội trận nào cũng lập được chiến công.

       Hòa bình lập lại 1954, đơn vị ba chuyển về thị xã Đồng Hới (nay là thành phố Đồng Hới) để bảo vệ chính quyền và ổn định cuộc sống cho người dân

        Năm 1958 ba tôi xuất ngũ.  Và tôi cũng chào đời vào cuối năm ấy. Nhà nghèo, Kỷ niệm chương,  Huân Chương kháng chiến chống Pháp cũng không có khung để treo, mà treo cũng sợ mưa dột ướt mất. Kỷ niệm đời lính để lại mà tôi còn nhớ là một chiếc ca sắt tráng men có vẽ hình bộ đội cầm lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc hầm  tướng Dờ Cát - tơ - ri. Chiếc ca vẫn còn giữ đến năm 1968, sau bị thủng một lổ do bị tróc men nên bỏ đi.

       Năm 1964, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, chúng thả bom đánh phá các trọng điểm quan trọng, rồi dần đánh khắp nơi trên quê tôi gây bao đau thương tang tóc. Lúc đó tôi mới vào lớp vỡ lòng là lớp đầu cấp. Tôi đã bắt đầu chứng kiến cảnh bom đạn, hầm hào. Ba tôi lúc đó đang là dân quân, ngày đêm luyện tập sẵn sàng chiến đấu. Em gái út của tôi chào đời trong căn hầm ẩm ướt mùi đất, mùi tre  mốc meo. Bao nhiêu khó khăn là thế cũng không giữ  được chân ba tôi, ông tái ngũ vào quân đội, đó là một ngày vào tháng 5  năm 1965, để lại nổi vất vả cho mẹ tôi một tay nuôi  bốn đứa con đang còn nhỏ dại và bà nội đã già,  

        Sau ba tháng huấn luyện ba tôi  được điều động vào chiến trường  B, địa bàn đóng quân thuộc tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.  Ba tôi được biên chế vào đơn vị pháo 105 li, thuộc đơn vị C1, D120, F2, Quân khu V. 

Tháng 10, năm 1965, ông được đề bạt làm trung đội phó. Để tu sửa doanh trại chuẩn bị cho mùa mưa sắp đến, Đại đội giao nhiệm vụ cho ông đưa trung đội vào rừng chặt tre, nứa, lá cọ.

         Buổi sáng, trời quang mây tạnh, chim chóc hót véo von báo hiệu một ngày nắng đẹp trời. Khi mọi người đã chặt đủ  tre, nứa, lá cọ chuẩn bị buộc lại thành bó để ra về.   Bỗng nhiên mây đen ùn ùn kéo đến, bầu trời xám xịt  bao trùm cả núi rừng. Trận cuồng phong nổi lên, mưa  như có ai múc nước trời đổ xuống trần gian. Chưa đầy 15 phút nước con khe cạn dâng lên nhanh chóng. Ba cho anh em trong trung đội nhanh chóng đưa vật liệu vượt  suối kẻo nước dâng to không qua được. Đợi cho anh em qua suối trót lọt, ba là người sang sau cùng. Tưởng có thể lội qua được, ba  vội bước xuống. Chao ôi! Nước ngập đến ngực, ba tôi chới với quay vào bờ  vì ông không biết bơi. Chú Thà trong đơn vị thấy vậy liền bơi sang, như con rái cá thoăn thoắt vừa bơi, vừa dìu ba vào bờ.

          Người ướt như chuột lột, ngồi thở chưa hoàn hồn thì chú Thà đã bơi sang bờ bên kia đưa gánh lá cọ của ba sang. Ba tôi nhìn  theo, không kịp ngăn chú lại. Khi chú dìu được gánh lá cọ sang gần bờ thì một cành cây to trên thượng nguồn cuốn về đâm ngang vào người chú, chú lảo đảo buông tay. Ba tôi cùng mấy anh em trong trung đội ngẫn người, mắt nhìn  theo gánh lá trôi và người chú cũng cuộn theo, theo mãi dòng nước hung dữ xa dần, xa dần.

         Sáng ngày sau nước rút cạn, con suối trở lại bình thường  như không có gì xảy ra. Đơn vị cho người lần theo con suối đi tìm chú Thà. Suốt mấy ngày, khi thì bì bõm trên suối, khi thì phát cây rừng mở đường mà đi, nhưng thân xác của chú đã theo nguồn nước trôi xa không để lại dấu vết. Toàn đơn vị ngậm ngùi tiễn đưa chú trong sụt sùi nước mắt trộn nước mưa 

       Ba kể. Năm 1967 khi đang cương vị Trung đội trưởng, đóng quân ở Quảng Ngãi, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, nhất là lương thực. Đơn vị đang ở hậu cứ trong rừng sâu, tiếp tế qua đường giao liên. Gạo do dân bản gùi xuống ít một, bộ đội đói vàng cả mắt, phải vào rừng mót sắn đồng bào để ăn qua bữa. Một lần trung đội đi lấy gạo, trên đường về bị thám báo phục nên phải ngủ đêm tại rừng, chờ sáng sớm lên đường. Đêm đó ba cùng một chú làm quản lý, một chú là liên  lạc đại đội mắc võng nằm ngủ chung một chỗ. Đang ngon giấc, một loạt bom tọa độ ào tới,  chú quản lý hy sinh tại chỗ, chú liên lạc bị thương nặng được ba băng bó tạm rồi đưa về trạm quân y. Chiếc võng của ba bị mãnh bom phạt đứt ngang vậy mà ông không bị trầy xước gì. Kể xong, ba nói: “Bom đạn nó tránh mình chứ mình không tránh được bom đạn”.

         Năm 1968, ba tôi được đề bạt làm Phó Chính trị viên Đại đội. Lúc này đơn vị đóng quân ở các huyện Trà My, Quế Sơn, Hiệp Đức tỉnh Quảng Nam. Cứ sau một trận đánh đơn vị ba lại rút về hậu cứ. Một dạo, lũ về sớm  gạo, nhu yếu phẩm không kịp đưa vào chỗ cao nên bị ướt, bị trôi gần hết. Đơn vị bị lũ chia cắt, không có lương thực, bộ đội ăn toàn thịt trâu chết của đồng bào do lũ cuốn trôi để cầm cự qua ngày. Ăn mãi rồi cái bụng lính ta sinh chuyện. Đơn vị đau bụng tiêu chảy hơn một nửa. Ba tôi cùng mấy chiến sĩ người địa phương đi kiếm lá thuốc về cho anh em uống. Trên đường trở về không may ba tôi bị con rắn lục cắn vào chân. Đã ga rô, rạch vết thương nặn hết máu ra vậy mà chân ông đã sưng vù, lên cơn sốt, phải nhờ anh em cõng đến Trạm quân y. Một tháng điều trị mới lành.    

 Năm 1970, ông được phong quân hàm Trung úy, làm Chính trị viên Đại đội, Bí thư chi bộ. Lúc này, đời sống đơn vị dựa vào người dân. Dân bản nơi ba đóng quân đa số là dân tộc Xơ Đăng, Cơ Tu. Cuộc sống người dân bản cũng cực khổ lắm nhưng họ thương bộ đội nhiều. Họ thường đưa gạo, nếp, bánh trái cho bộ đội ăn thêm. Đêm đêm các cô gái gùi gạo về cho bộ đội chuyện trò ríu rít. Mùi thuốc lá, mùi nắng trên người các cô càng làm cho không khí ấm cúng gia đình. Có những đêm pháo kích bắn nhiều các cô gái phải ở lại ngủ chung hầm với bộ đội. Ba nói, những đêm  như vậy không ngủ được bỗng thấy nhớ vợ nhớ con đến nao lòng.

          Những trận đánh, những cuộc hành quân, cuộc sống thiếu thốn đã làm cho ba lâm bệnh. Khớp sưng to, ba không thể hành quân và tham gia chiến đấu được. Năm 1971, ông được ra Bắc điều dưỡng. Năm 1972 ba tôi xuất ngũ chế độ mất sức. 

         Ngày ba về, tôi đi đón ông nhưng không gặp. Về nhà thấy một chú bộ đội ba lô bạc màu, quân hàm đỏ chói đang ôm eo mẹ. Tôi thấy tưng tức. Mẹ nhìn tôi, nước mắt nhạt nhòa: “Ba con đó”. Tôi ngập ngừng chẳng nhận ra ba. Ngày ba đi tôi mới hơn sáu tuổi, đã tám năm qua đi, bây giờ gặp lại tôi cũng không nhớ mặt ba. Ba ào tới ôm tôi vào lòng: “Ba đây”. Như có linh cảm tôi òa nức nở ôm chặt cổ ông nghẹn ngào: “Ba ơi!” 

Về rồi, bao nhiêu vất vả trút lên vai ba.  Bao nhiêu công việc phải làm để  bù đắp những năm tháng thiếu thốn tình cảm, vật chất. Ba đi, mẹ ở nhà làm không đủ ăn, cái đói cái rét cứ đeo đẵng lên cuộc sống mấy mẹ con. Ba về có chiếc đồng hồ, chiếc ra điô cũng phải bán đi để tu sửa nhà, mua áo quần cho con, lo cái ăn cho cả nhà. Bữa cơm nặng đũa hơn, tiếng cười ấm áp hơn, nhưng tấm lưng của ba nặng mùi mồ hôi khê nồng. Thương ba chiến chinh vất vả giờ về, lại lo toan cho cuộc sống gia đình, không phút nghỉ ngơi cho lại sức. Chiến tranh chưa kết thúc, phải sửa lại hầm hào cho cứng hơn, ba phải lên rừng chặt gỗ, xuống ruộng đào đất, tôi vừa đi học vừa chăn trâu vừa phụ việc giúp ba. Đứa con thứ 5 chào đời, ba càng vất vả nhiều hơn. Mùa rét cái chân sưng lên không làm việc nặng, ông đan lát, chẽ lạt bán lấy tiền chi tiêu. Thương ba tôi học nghề đan phụ ba, nhờ vậy mà nay tôi biết được nghề đan lát.

 Năm 1975, mẹ tôi sinh thêm em út, tôi vào học Trường trung cấp Sư phạm tỉnh, gia đình giảm đi 2 lao động nên cuộc sống thêm vất vả. Thương ba mẹ, hằng tuần nghỉ học tôi về phụ việc thêm giúp ba mẹ làm ruộng vườn. 

         Năm 1974 đến năm 1979, ba tôi làm đội trưởng đội sản xuất HTX nông nghiệp. Lúc này mọi tài sản của HTX đều là của tập thể. Sáng, tiếng kẽng báo hiệu đi làm, loanh quanh một lúc tiếng kẽng báo hết giờ. Khí thế làm việc của xã viên uể oải, ai làm được gì thì làm. Mùa màng sâu bệnh, năng suất thấp,  đời sống bấp bênh. Là người lính không khuất phục trước khó khăn, ba tôi từng bước tháo gỡ những khúc mắc trong công việc. Thay đổi lề lối sản xuất nên năng suất lúa, hoa màu của đội sản xuất của ba lúc nào cũng đạt và vượt năng suất. Năm 1980 ông được bầu vào Ban quản trị HTX, Trưởng Ban kiểm soát, Bí thư chi bộ. Công việc bề bộn nhưng cũng trôi chảy, thuận buồn xuôi gió. Năm 1994, ba thôi làm việc HTX về nghỉ do tuổi già sức yếu. Năm 2011, mẹ tôi mất, ba buồn người gầy sút nhiều. Nhưng con cháu quan tâm động viên nên ba tôi hồi phục sức khỏe, đọc sách nghe đài và vui chơi với con cháu.

 Với những thành tích đạt được ba tôi được Nhà nước tặng thưởng 01 Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba, 01 Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, 01 Huân chương giải phóng hạng Hai, 01  Huân chương giải phóng hạng Ba, 01 Huy hiệu dũng sỹ Quyết thắng và nhiều Bằng, giấy khen khác.

        Thỉnh thoảng tôi về quê thăm ba, hỏi thăm sức khỏe và động viên ông “sống vui, sống khỏe, sống có ích” an dưỡng tuổi già. Có lúc tò mò tôi hỏi ông về những trận đánh, có trận nào oanh liệt để con viết bài. Ông nói: “Tám năm chiến trường có thấy mặt mũi tên địch nào đâu. Đánh trận thì như Tôn Ngộ Không “đi mây về gió” thôi”. Tôi hỏi: “Thế là sao?”.  Ba tôi kể: “Ba là lính pháo. Trước mỗi trận đánh, trinh sát đi nắm tình hình một đồn địch hay một cứ điểm nào đó, rồi họ đo đạc khoảng cách, hướng. Đơn vị chỉ việc lắp đặt pháo trên cao điểm.  Các xạ thủ xác định tọa độ, hướng, tầm, góc độ. Khi mọi việc chuẩn bị xong, chỉ việc đạp cò. Nếu bắn chưa chính xác mục tiêu thì trinh sát báo về, rồi chỉnh lại nòng, góc độ. Đến khi nào trinh sát cho biết đã trúng mục tiêu thì lính ta bắn hết cơ số đạn. Bắn xong, nếu thuận lợi thì tháo pháo vác “chạy” về hậu cứ. Nếu không thuận lợi thì chôn pháo tại trận địa, người nhanh chóng rút về. “Thế thì làm sao biết ta thắng hay thua?”, tôi hỏi.  “Biết chứ”  Ba tôi nói: “ Khi ta bắn xong trinh sát ở cao điểm dùng ống nhòm quan sát xác minh.  Hoặc nếu không trúng mục tiêu chỉ vài phút sau sẽ bị pháo địch phản lại ngay. Do đó, để một trận đánh thắng lợi yếu tố trinh sát rất quan trọng. Lính trinh sát  phải là những người gan dạ, thông minh, tính toán giỏi. Ở từ xa họ có thể chỉ huy được thế trận”. Tôi tò mò hỏi: “Vậy pháo chôn xong vài bữa có lên lấy không?”. Ba tôi nói: “ Có khi lấy, có khi không vì có lúc bị pháo địch bắn trả tan nát hết. Nhiều khi thấy xót lắm con ạ. Đưa một khẩu pháo từ ngoài Bắc vào tốn biết bao tiền của, công sức. Đánh xong vất đi tiếc lắm. Nhưng nếu không bỏ lại lính ta không kịp rút về hậu cứ thì thương vong về người còn mất nhiều hơn”.  Rồi ông ngậm ngùi: “ Thắng cũng nhiều, mà mất mát cũng không ít. Có những lúc đơn vị đang chiến đấu bị máy bay phát hiện ném bom thương vong, chết chóc nhiều lắm”.  Kể đến đây ông quay mặt lau nước mắt. Rồi ông trầm ngâm: “Thương lắm các “chú lính trẻ măng tơ” đang tuổi ăn tuổi ngủ mà không đủ no. Rồi có mấy em bị dính bom, xác tan vào lòng đất mẹ, đơn vị đi nhặt từng mảnh chia đều phần, ghi tên cho từng người bỏ vào lọ thuốc Penicilin  chôn cùng. Đến giờ này không biết anh em có ai đã về được với gia đình chưa?. Đã gần nửa thế kỷ, thân xác các chú ấy đã hòa vào sông núi, cỏ cây rồi”. 

Nói rồi, ông chỉ vào mấy khung ảnh treo Huân chương, Kỷ niệm chương và nói: “Thành tích của ba nhưng công lao đâu chỉ mình ba, nhờ đồng đội đã đổ xương máu hy sinh mình mới làm nên thành tích này. Và con cũng là  Cựu chiến binh con cũng biết điều đó. Bây giờ đất nước thống nhất, mọi người phải biết giá trị sự hy sinh để giành độc lập, tự do. Phải biết ơn những người không tiếc xương máu đã anh dũng hy sinh để đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho mọi người. Phải giáo dục truyền thống cách mạng, sự hy sinh cao cả của người lính cho thế hệ trẻ chưa sống qua chiến tranh, cực khổ”. 

 Hai cha con, hai Cựu chiến binh một già một trẻ trầm ngâm với những hồi ức chiến tranh, về cuộc sống vất vả, thiếu thốn của người lính. Và vui mừng với những thành quả đạt được, những đổi mới hiện nay của đất nước, sự ấm cúng của gia đình mà lòng thêm phấn khởi, tự hào. Cảm ơn ba đã cho con cuộc đời này, đã nuôi dạy con nên người. Mong ba sống vui khỏe, trường thọ cùng con cháu động viên con cháu làm ăn để đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc.  


Quán Hàu, tháng 10 năm 2021

Nguyễn Đại Duẫn





No comments: