BỮA
CƠM GIỮA CHÙA QUÊ
Hè nắng đổ sân chùa như rực
lửa
Bảng hổi lên hiệu báo bữa
cơm thường
Những não phiền bao hệ
phược vấn vương
Tạm ngưng nghỉ để nhường
đường trai ngọ
Cơm một bát tròn xoe in để
đó
Dĩa muống rau mềm mại ngó
mà vui
Miếng đậu tương trắng
toát thiệt rõ bùi
Canh bí đỏ thêm lạc vùi
thơm tháp
Nâng ngang trán một lòng
y như pháp
Ngọt đắng cay chua mặn nhạt
cúng dường
Rõ trần ai khổ vô ngã vô
thường
Trang huyễn mộng chỉ trò
thương hải biến
Búp sen mở cánh xòe trên
bảo điện
Nỗi buồn lo vừa đổi chuyển
lạc an
Sáu căn trần dạ chẳng buộc
duyên phan
Cùng sáu thức quẳng mơ
màng trôi nổi
Cơm một bát đủ ấm lòng ba
buổi
Kinh vẹn thì lục khắc với
năm canh
Nguyện một lòng soi rọi
giúp quần sanh
Thuyền Bát nhã đáp vương
thành tịnh thổ
Trưa hè nắng nhưng mồ hôi
chẳng đổ
Bát cơm lành trưa đúng ngọ
cùng dâng…
Thích Tín Thuận
02.06.2016
ĐỌC
“BỮA
CƠM GIỮA CHÙA QUÊ” THƠ THÍCH TÍN THUẬN
Châu Thạch
Nhà sư
Thích Tín Thuận, chùa Chính Phước, Hải Lăng, Quảng Trị, là một một nhà thơ Phật
Giáo mà tôi ái mộ. Tôi có duyên cùng với nhà thơ Trần Văn Hạng (ĐồngHà) được
thăm thầy một lần. Trưa hôm đó, hai chúng tôi được thầy chiêu đãi bữa cơm chay.
Bữa cơm mời đột xuất cho nên rất thanh đạm nhưng tôi lại nhớ mãi. Thú thật,
trong đời tôi, lần đâu tiên được ăn bữa cơm “thanh tịnh” như thế, thanh tịnh vì
chùa yên lặng mà trong lòng tôi cũng bình tịnh, an vui, thoát tục.
Trưa hôm
nay mở trang web Hai Bờ Giấy, tôi lại đọc được bài thơ “Bữa Cơm Giữa Chùa Quê”
của thầy làm tôi sống lại một giờ năm ấy, trong ngôi chùa quê ấy, với bữa cơm
nhà Phật cho tôi cảm thụ điều thú vị khác lạ mà tôi khó tìm được trong đời.
Bài thơ của
thầy rất rõ ràng, không có ẩn dụ gì, không có từ ngữ khó hiểu như thơ của các
nhà sư hay các cư sĩ thường làm. Tuy thế trong thơ thầy, ẩn chứa một thứ hương
thiền nhẹ nhàng, khiến khi đọc, tâm hồn ta tự nhiên thanh thản, trút hết “Những
não phiền bao hệ phược vấn vương” như một câu thơ trong khổ thơ đầu sau đây:
Hè nắng đổ sân chùa như rực lửa
Bảng hổi lên hiệu báo bữa cơm thường
Những não phiền bao hệ phược vấn
vương
Tạm ngưng nghỉ để nhường đường
trai ngọ
“Trai ngọ”
là gì? Đó là bữa ăn trưa của các vị tu hành. Bữa ăn trưa của quý thầy thường được
gọi là “Thọ trai”. Thọ là thọ dụng, là nhận, ăn hay dùng…. Trai là đời sống
thanh tịnh, thiền định và trí huệ. Thọ trai là thọ dụng thức ăn nuôi sống thân
tâm bằng đời sống thanh tịnh, phẩm hạnh, giới đức, thiền định và trí hụê.”
“Ngày Phật
còn tại thế, phần lớn quần chúng theo Bà La Môn và tu Tứ Thiền Bát Định, nhiều
vị tu hành chỉ chăm chú vào thiền định mà lại không coi trọng ý nghĩa Giải
Thoát. Có người thì ngồi thiền định mãi chẳng ăn uống rồi bỏ thân, có vị thì mê
say trong lạc thú của thiền định an vui cho tự thân, chẳng gieo duyên giáo hóa;
có vị thì ăn uống phi thời trở thành phóng dật, chẳng giữ oai nghi… Vì thế, Phật
từ bi chế Giới Ngọ Trai.
Ngọ Trai có
hai phần là thọ thức ăn và giữ ngọ trai (ăn đúng giờ Ngọ)”
Khổ thơ
trên cho ta biết rằng các nhà sư không phải như ta, được gọi thì ngồi vào ăn bất
cứ lúc nào mà ngược lại, họ phải ăn vào giờ ngọ tức khoản từ 11 giờ trưa đến 1
giờ chiều. Khi được báo ăn, việc làm đầu tiên của họ là “Những não phiền bao hệ
phược vấn vương/Tạm ngưng nghĩ để nhường đường trai ngọ”.
Dầu người
Phật tử hay người không Phật tử, tôi nghĩ nếu cũng buông bỏ được như quý thầy
trước phút ngồi vào bàn ăn thì thức ăn sẽ thấy ngon hơn, tiêu hóa sẽ tốt hơn và
tất nhiên niềm vui sẽ len vào ngự trị tâm hồn ta lúc đó.
Bây giờ xin
hãy nhìn vào bữa ăn của tu sĩ được mô tả sau đây:
Cơm một bát tròn xoe in để đó
Dĩa muống rau mềm mại ngó mà vui
Miếng đậu tương trắng toát thiệt rõ bùi
Canh bí đỏ thêm lạc vùi thơm
tháp
Đúng như vậy,
bữa ăn mà thầy Thích Tín Thuân mời chúng tôi tại chùa Chính Phước năm nọ cũng
tương tự thế. Tôi còn nhớ có một món rất đặc biệt: Bẹ môn dầm muối (dưa môn) chấm
nước tương. Chúng tôi ăn hoài ăn mãi, đến nay nhớ lại thì thèm. Những món ăn này
không phải ngoài đời không có, nhưng sao ăn trong chùa nó trở nên rất ngon. Có
lẽ nhà chùa biết dầm muối đúng cách là một, cái ngon tâm lý trong lòng mình là
hai, cọng cả hai cái lại làm cho bữa ăn thành ra rất tuyệt. Chỉ thiếu một điều
là thầy thì “thọ trai” còn chúng tôi là “ăn trưa”. Tuy thế, nhờ vậy tôi cũng hiểu
được một chút hương vị của buổi “thọ trai” như thế nào. Tôi nghĩ, buổi trưa hôm
ấy, nếu tôi mà cũng “Trai Ngọ” được như thầy chì chắc trong bữa ăn, tâm thần
tôi sẽ an vui hơn nữa, linh hồn tôi sẽ nhẹ như một tờ giấy trắng.
Khổ thơ thứ
ba cho ta biết bữa ăn của người tu hành còn nhiều thủ tục phiền phức khác ta rất
nhiều :
Nâng ngang trán một lòng y như
pháp
Ngọt đắng cay chua mặn nhạt cúng
dường
Rõ trần ai khổ vô ngã vô thường
Trang huyễn mộng chỉ trò thương hải
biến
“Nâng ngang
trán một lòng y như pháp” nghĩa là ngoài những thủ tục mà người tu hành làm
trong bữa ăn thì tâm thần phải giữ cho bửa ăn phải là “Bữa cơm chánh niệm” đúng
như trong Phật pháp đã dạy. Bữa cơm chánh niệm đó, thầy, tác giả bài thơ đã
giãi thích một phần nào trong hai câu thơ cuối của khổ thơ nầy và cả khổ thơ
sau:
Rõ trần ai khổ vô ngã vô thường
Trang huyễn mộng chỉ trò thương hải
biến
Búp sen
mở cánh xòe trên bảo điện
Nỗi buồn lo vừa đổi chuyển lạc an
Sáu căn trần dạ chẳng buộc duyên
phan
Cùng sáu thức quẳng mơ màng trôi
nổi
Trước khi
hiểu ý nghĩa của những câu thơ trên đây, ta phải tìm hiểu ý nghĩa của “sáu căn
trần” và “sáu thức” mà tác giả đã đề cập đên trong khổ thơ trên.
“Trong 49
năm hành đạo, đức Phật luôn chỉ dạy chúng sinh phải giữ tâm mình cho được thanh
tịnh và loại bỏ tất cả mọi phiền não. Bởi vì vọng tưởng và phiền não biến tâm của
chúng ta thành mê muội, là cội nguồn của tham, sân, si. Chính nó là đại lộ kinh
hoàng đưa chúng ta vào đường ác nghiệp và mãi mãi trầm luân trong lục đạo luân
hồi. Cái gốc của vọng tưởng điên đảo là do sáu căn tiếp xúc với sáu trần, sanh
ra sáu thức. Tất cả những chủng tử nghiệp cộng với biết bao nhân duyên đều được
xuất phát từ đây. “
Vậy sáu căn
là gi?
“Lục căn là
chỗ nương tựa, làm gốc cho những cái khác nảy nở, tạo thành, bao gồm:
1. Nhãn là mắt, dùng để nhìn.
2. Nhĩ là tai, dùng để nghe.
3. Tỷ là mũi, dùng để ngửi.
4. Thiệt là lưỡi, dùng để nếm.
5. Thân là thân người, dùng để nhận biết những cảm
giác như nóng, lạnh...
6. Ý là tư tưởng, dùng để phân biệt.”
Sáu căn là
như vậy còn “Sáu căn trần” trong câu thơ là gì?
“Xung quanh
chúng ta có biết bao hiện tượng, vật thể biến đổi không ngừng, chi phối từ tư
tưởng đến hành động chúng ta từng giây từng phút, được gọi là “trần”. Như thế,
trần có nghĩa là bụi, luôn luôn đổi dời. Trần ở đây cũng còn có nghĩa là phần vật
chất, hay những cảnh vật xung quanh con người. Có 6 trần (lục trần):
1. Sắc là màu sắc, hình dáng.
2. Thanh là âm thanh phát ra.
3. Hương là mùi hương.
4. Vị là chất vị do lưỡi nếm được.
5. Xúc là cảm giác như cứng, mềm, nóng, lạnh.
6. Pháp là những hình ảnh, màu sắc, hương vị được lưu
lại từ 5 trần ở trên.
Bây giờ sáu
thức là gì?
“Khi Lục
căn tiếp xúc với Lục trần, có nghĩa là: mắt thấy được hình ảnh nào, mũi ngửi được
mùi thơm nào đó, lưỡi nếm được chất chua, cay hay ngọt, tai nghe được điệu nhạc
êm đềm, thân thì cảm thấy đau đớn, hay lạnh lẽo, còn ý thì bắt đầu suy nghĩ,
thì ký ức của chúng ta phát sinh ra sự phân biệt. Và chính sự phân biệt, hiểu
biết và phán đoánnày được gọi là thức. Cũng như Lục căn, thức cũng có 6 thức
nên thường được gọi là Lục thức. Do đó Lục thức gồm có: Nhản thức, Nhĩ thức, Tỷ
thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức.”
Hiểu được
căn, trần và thức thì ta hiểu được ý nghĩa thơ của tác giả trong bữa trai ngọ
hay là một bữa ăn chánh niệm. Trong bữa ăn chánh niệm đó, người tu sĩ phải quán
rõ sự vô ngã vô thường, sự huyễn mộng của kiếp sống, phải tách lìa sáu căn, quẳng
đi sự mơ màng của sáu thức để cho tâm thần trở nên an lạc.
Trong phần
thơ còn lại, tác giả thỏa lòng với những bữa ăn trong cuộc đời tu hành của
mình, nhà thơ nguyện với lòng sống vì đạo pháp để giãi cướu chúng sinh, đưa họ
lên thuyền Bát nhã để về cõi Phật nơi tây phương tịnh độ:
Cơm một bát đủ ấm lòng ba buổi
Kinh vẹn thì lục khắc với năm canh
Nguyện một lòng soi rọi giúp quần
sanh
Thuyền Bát nhã đáp vương thành tịnh
thổ
Trưa hè nắng nhưng mồ hôi chẳng đổ
Bát cơm lành trưa đúng ngọ cùng dâng…
“Thuyền Bát
Nhã là chiếc thuyền Trí huệ do pháp nhiệm của Phật tạo nên để rước các chơn hồn
đắc đạo lên cõi cực lạc.
Thuyền Bát Nhã là từ ngữ để nói ví dụ so sánh. Con người
sống trong cõi trần đầy ô trược nên bị tấm màn vô minh che lấp, để cho lục dục
thất tình cám dỗ khiến sai. Chừng nào phá bỏ được tấm màn vô minh ấy thì vượt
lên khỏi sự cám dỗ của lục dục thất tình, trở lại làm chủ chúng nó, lúc đó con
người hết vô minh, tức nhiên đạt được Trí huệ, và cái Trí huệ ấy ví như chiếc
Thuyền Bát Nhã, đưa con người đến cõi Cực Lạc Niết Bàn, đắc đạo thành Tiên Phật.”
Người viết
bài này, vì cảm động trước bài thơ nhẹ nhàng mà uyên thâm, thanh bai mà sâu nhiệm,
lại nhớ đến bữa ăn mà mình từng được thụ lảnh, nên tra cứu sách vở để hiểu thêm
bài thơ mà viết cảm nhận của mình, hầu cho những ai có đồng tâm tình thì thưởng
thức nó. Những gì người viết tra cứu được để viết, đều đóng trong ngoặc kép.
Kính mong qúy vị lượng thứ trước những điều sai trật.
Châu Thạch
No comments:
Post a Comment