Tác giả Hoàng Hương Trang
Từ trước đã có nhiều nhà nghiên cứu sử học đưa ra nhiều
giả thuyết về nơi chôn cất vị anh hùng vĩ đại Nguyễn Huệ Quang Trung, nhưng
chúng ta vẫn chưa tìm ra được cụ thể nơi nào là lăng tẩm của Người. Vừa rồi,
nhân đọc một số tư liệu văn học xứ Thanh, tôi tình cờ bắt gặp một bài thơ lạ từ
trước đến nay ít người đọc đến, chưa ai lưu tâm đến bài thơ này, nhưng lại là một
bài thơ đặc biệt có nhắc đến nơi chôn cất vua Quang Trung. Tác giả bài thơ đã từng
thấy linh cữu vị anh hùng áo vải cờ đào này một cách cụ thể, suy ra là chính
tác giả đã từng tham dự trong đám tang này nên mới có bài thơ như thế.
Nhà thơ chính là ông Cả Triệu (1771 – 1846). Tên thật
là Lê Triệu, tự Ôn Phủ, hiệu Liên Khê, sinh năm 1771 mất năm 1846, thọ 76 tuổi.
Quê ở làng Liên Sơn, nay thuộc xã Hoàng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Ông tuy là một nhà nho không đỗ đạt, nhưng được người đời ca tụng là rất giỏi
chữ nghĩa văn chương. Tài năng của ông được đánh giá qua câu nói cửa miệng của
dân chúng còn lưu truyền: “Nghệ Hai Hành,
Thanh Cả Triệu” (Hai Hành, tức Nguyễn Hành, cháu gọi Nguyễn Du là chú ruột).
Cả Triệu có tài xuất khẩu thành thơ, ứng đối nhanh nhẹn, thơ phú cứ tuôn ra một
cách tự nhiên. Nhưng ông lại rất phóng khoáng. Những bài thơ phú, ngâm vịnh, đọc
xong là ông quên luôn, không bao giờ ghi chép lại. Cho đến nổi những bài thơ
phú đó có khi bạn bè ông nhớ được, chép ra, và cũng tự nhiên “cho là bài của mình” ông cũng không có
ý kiến gì. Ông quan niệm “Thơ làm xong là
thả bốn phương, không còn là của mình nữa”. Do vậy tác phẩm của ông đã bị
tiếm dụng rất nhiều. Đến nay con cháu chỉ còn tìm thấy có một tập nhan đề “Liên Khê Nam Hành tạp vịnh” gồm trên 200
bài thơ. Trong cuốn này đặc biệt có bài “Kiến Quang Trung linh cữu” (thấy
linh cữu vua Quang Trung) như sau:
KIẾN
QUANG TRUNG LINH CỬU
“Trấp
niên sất sá tấu phong vân
Như
thử anh hùng cổ hãn văn
Hàm
Dã độc lưu thiên vạn cốt
Khuân
sơn họa tại bách niên phần
Không
hàm chỉ chỉ thiên thu hận
Cô
phụ đường đường bát xích thân
Quan
cảnh nhất ban thành phấn mị
Linh
nhân chung cổ tiếu Doanh Tần”.
Cả Triệu Dịch thơ:
NHÌN THẤY LINH CỮU VUA
QUANG TRUNG
“Bao
năm thét mắng át phong vân
Đủ
thấy anh hùng – bậc vĩ nhân
Hàm
Dã hận vùi muôn vạn xác
Khuân
Sơn phần mộ họa trăm năm
Ngậm
hờn chỉ trích ngàn thu hận
Nỡ
phụ đường đường tám thước thân
Quang
cảnh thảy đều thành cát bụi
Khiến
đời muôn thuở cợt Doanh Tần”.
(Hoàng Phi phiên âm và dịch)
Trong bài thơ này đã chỉ rõ địa danh nơi an táng vua
Quang Trung chính là núi Khuân Sơn. Khuân Sơn theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí
là một ngọn núi ở phía Nam, huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên – Ngọn núi này còn
có tên là Thương Sơn có hình dáng tròn như vựa thóc. Bài thơ trên đây là một tư
liệu quý giá, xin được trích đăng và đóng góp vào cuộc hành trình đi tìm lăng mộ
vua Quang Trung, một bậc anh hùng vĩ nhân của dân tộc ta. Có hai địa danh quý
báu về sự nghiệp của vua Quang Trung. Một là ngọn núi Bân, nơi vị anh hùng Nguyễn
Huệ lên đó tế cáo trời đất, xưng Hoàng Đế Quang Trung trước khi xuất binh thần
tốc Bắc tiến đánh tan 30 vạn quân Thanh xâm lược. Hai là nơi yên nghỉ cuối cùng
của Người mà lâu nay vẫn chưa tìm thấy. Núi Bân là đàn Nam Giao của vua Quang
Trung vẫn còn nguyên vẹn ở gần núi Ngự Bình thuộc địa phận Thừa Thiên-Huế (*).
Nhưng lăng mộ thì đã không còn, hay chưa tìm thấy. Các nhà sử học và nghiên cứu
Huế học cũng đã có nhiều giả thiết, nhưng riêng tôi chưa đọc thấy bài nào có
nêu địa danh núi Khuân Sơn ở huyện Phong Điền. Vây nên chăng, quý vị lại mở rộng
hướng truy tìm về địa danh này. May ra hồn thiêng sông núi phù hộ chúng ta sẽ
tìm được nơi yên nghỉ cuối cùng của hoàng đến Quang Trung chăng? Xuân năm Tuất
2006
Hoàng Hương Trang
(*)
Hiện nay tỉnh T.T. Huế đã lấy núi Bân xây dựng Quảng Trường Quang Trung.
No comments:
Post a Comment