Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, August 30, 2020

VỌNG TƯỞNG BÌNH YÊN - Thơ Đỗ Anh Tuyến



 VỌNG TƯỞNG BÌNH YÊN


Cả thế giới đang gào thét tên em

Chỉ riêng anh âm thầm và vẫy gọi

Bình yên về trào dâng trong vọng tưởng

Suốt bốn mùa em vẫn chỉ là em.

 

Cả thế giới đang khao khát yêu em

Chỉ riêng anh là lao xao nức nở

Nụ thanh xuân ngọt ngào và rực rỡ

Đêm trái mùa chẳng có một giọt sương.

 

Còn lại em giữa thế giới yêu đương

Anh hát khúc du ca quạnh quẽ

Trên chuyến đò chỉ mình anh lặng lẽ

Làm Trương Chi đưa tiếng khóc vào bờ.

 

Nàng Mị Nương vẫn vô cảm thờ ơ

Em đi lại giữa muôn trùng khói nhạt

Niềm vọng tưởng bình yên anh khao khát

Chảy vào đời những kí ức loanh quanh.

*.

ĐỖ ANH TUYẾN

 Khu Cộng Hòa, thị trấn Thanh Nê,

huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình

Email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn


READ MORE - VỌNG TƯỞNG BÌNH YÊN - Thơ Đỗ Anh Tuyến

CHO SÓNG BẠC ĐẦU NHỚ THƯƠNG NHAU - Thơ Nguyễn An Bình

 


NGUYỄN AN BÌNH

 

CHO SÓNG BẠC ĐẦU NHỚ THƯƠNG NHAU


Chiều buông sợi nắng lên tiếng hát

Ngả xuống đồi tây những đóa vàng

Tìm bước chân người in trên cát

Chỉ thấy bờ hoang dấu dã tràng.


Tim tím mùa hoa rau muống biển

Yêu chi màu tím thuở xuân thì

Chân sóng vô tình làm khách lạ

Áo người bay qua cõi tà huy.


Khơi xa đèn biển trầm thiên cổ

Một kiếp phù sinh có đợi chờ

Cổ thạch chập chùng soi bóng núi

Tàn đêm còn thắp mãi tâm hư.


Chim nhạn lẻ bầy bay qua biển

Lô nhô ghềnh đá dẫu mưa ngàn

Hỏi người xa khuất tầm tay với

Neo bờ thuyền lạc bến trần gian. 


Tóc có bao giờ nguôi cơn gió

Thả trôi theo sóng tự lúc nào

Cúi hôn bờ cát buồn đến lạ

Cho sóng bạc đầu nhớ thương nhau.


*Mũi Kê Gà-Phan Thiết 27-7-20

  Sài Gòn 5-8-20

N.A.B.







 






READ MORE - CHO SÓNG BẠC ĐẦU NHỚ THƯƠNG NHAU - Thơ Nguyễn An Bình

ĐỀN KIẾP BẠC VÀ NIỀM TIN CẦU PHÚC, TRỪ TÀ, BAN CON, BAN CHỨC - Đặng Xuân Xuyến

 


ĐỀN KIẾP BẠC VÀ NIỀM TIN CẦU PHÚC, TRỪ TÀ, 

BAN CON, BAN CHỨC

 

Trong tâm thức dân gian, Hưng Đạo Đại Vương được vinh danh là đức Thánh Trần và đồng nhất Ngài với Ngọc Hoàng thượng đế, từ đó tạo nên một dòng Đạo Nội - đạo Thanh Đồng, mà đức Thánh Trần là giáo chủ.

 

 Suốt mấy trăm năm qua, Đức Thánh Trần đã thực sự có ảnh hưởng sâu đậm tới đời sống tâm linh của người dân Việt. Nhất là tín ngưỡng hầu đồng, ban ấn... ở đền Kiếp Bạc.

 

Hầu đồng là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Về bản chất, đây là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các ông đồng, bà đồng. Người ta tin các vị thần linh có thể nhập hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử. Khi thần linh nhập vào đồng thì lúc đó các ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào họ. Người đứng giá hầu đồng gọi chung là Thanh Đồng, Thanh Đồng là nam giới thì được gọi là "Cậu", nữ giới được gọi là "Cô hoặc Bà đồng".

 

Ngoài việc lên đồng để giao tiếp với thần linh, tín ngưỡng truyền thống Việt Nam còn tin rằng sau khi chết, linh hồn người chết vẫn còn và theo dõi cuộc sống của người thân đang sống.

 

Do đó, khi lên đồng, linh hồn của người chết có thể nhập vào Đồng Cô, Đồng Cậu để trò chuyện với thân nhân đang sống. Thông qua cuộc trò chuyện này, người sống sẽ biết được những yêu cầu của người thân đã quá cố và người sống cũng biết được vận mạng tương lai của mình.

 

Trong ngày hội, những người đàn bà mắc chứng vô sinh, hiếm muộn hoặc mắc các chứng bệnh của phụ nữ... đến Đền cúng bái. Thầy cúng sẽ dùng roi dâu đánh vào người “bệnh nhân” và “bệnh nhân” ấy lăn lộn, thậm chí lăn xuống sông, thì coi như tà ma đã được diệt trừ (xuất phát từ truyền thuyết Hưng Đạo Đại vương chém Phạm Nhan). Người ta tin rằng, với uy danh của đức Thánh Trần trừ diệt được Phạm Nhan thì mọi tà ma đều được trừ diệt.

 

Ngoài ra, trong hội đền Kiếp Bạc, nhân dân còn đến Đền mua thuốc ở Nam Tào (Dược Sơn) về uống rất là hiệu nghiệm.

 

Dân trong vùng có tục lệ đầu năm đến đền Kiếp Bạc để cầu được bình an, học hành hiển đạt, làm ăn phát tài, tránh được mọi điều xui xẻo và phổ biến nhất là việc cầu được có con nối dài hương hỏa.

 

Tục truyền, người đến cầu con khi đến Đền, phải tuân thủ: "Vào cửa cha, ra cửa mẹ" (Dưới pho tượng đồng của Đức Thánh Trần và Đức Quốc mẫu có cửa chui qua) hay xin một ít đất ở mô cao sau Đền thì thế nào cũng sẽ được thỏa nguyện. Dân gian còn tín: nhà nào "hữu sinh vô dưỡng" hoặc con sinh phạm vào giờ quan sát, thiết tỏa...  khó nuôi thì làm lễ bán khoán vào Đền. Đến năm đứa trẻ 12 tuổi thì gia đình biện lễ chuộc con về, làm như thế đứa trẻ sẽ được bình yên vô sự.

 

Theo lệ cổ, đêm 18 tháng 8 (Âm lịch), trước ngày ngày giỗ Đức Thánh Trần, chính quyền sở tại cùng với thủ từ làm lễ đóng ấn vào một tấm lụa màu vàng để đến hội ban cho khách thập phương.

 

- Ấn thứ nhất, kích thước 10cm x 10cm, khắc chữ Trần triều Hưng Đạo vương chi ấn (ấn của Hưng Đạo vương triều Trần).

 

- Ấn thứ hai, kích thước 5,5cm x 5,5cm, khắc 4 chữ Quốc pháp Đại vương (Đại vương nắm (giữ) phép nước).

 

- Ấn thứ ba, kích thước 4,3cm x 4,3cm, khắc 4 chữ Vạn Dược linh phù (Bùa thiêng Vạn Dược).

 

- Ấn thứ tư, kích thước 5,2cm x 7,8cm, khắc 6 chữ Phi thiên thần kiếm linh phù (Bùa thiêng phi thiên thần kiếm).

 

 Muốn cầu được thăng quan tiến chức thì xin ấn Triều triều Hưng Đạo vương chi ấn, hoặc Quốc pháp Đại vương; cầu được sinh con, cầu xin việc trừ tà sát quỷ, diệt giặc dã, giữa bệnh, thì xin ấn Phi thiên thần kiếm linh phù.

 

Sau khi làm lễ ban ấn, nhân dân xin ấn về treo ở nhà để gặp nhiều may mắn. 

 ***

(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT của Đặng Xuân Xuyến ; Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 2006)

 

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - ĐỀN KIẾP BẠC VÀ NIỀM TIN CẦU PHÚC, TRỪ TÀ, BAN CON, BAN CHỨC - Đặng Xuân Xuyến

THÊM MỘT TƯ LIỆU CHO CUỘC HÀNH TRÌNH ĐI TÌM LĂNG MỘ VUA QUANG TRUNG - Hoàng Hương Trang


 
         Tác giả Hoàng Hương Trang


Từ trước đã có nhiều nhà nghiên cứu sử học đưa ra nhiều giả thuyết về nơi chôn cất vị anh hùng vĩ đại Nguyễn Huệ Quang Trung, nhưng chúng ta vẫn chưa tìm ra được cụ thể nơi nào là lăng tẩm của Người. Vừa rồi, nhân đọc một số tư liệu văn học xứ Thanh, tôi tình cờ bắt gặp một bài thơ lạ từ trước đến nay ít người đọc đến, chưa ai lưu tâm đến bài thơ này, nhưng lại là một bài thơ đặc biệt có nhắc đến nơi chôn cất vua Quang Trung. Tác giả bài thơ đã từng thấy linh cữu vị anh hùng áo vải cờ đào này một cách cụ thể, suy ra là chính tác giả đã từng tham dự trong đám tang này nên mới có bài thơ như thế.

Nhà thơ chính là ông Cả Triệu (1771 – 1846). Tên thật là Lê Triệu, tự Ôn Phủ, hiệu Liên Khê, sinh năm 1771 mất năm 1846, thọ 76 tuổi. Quê ở làng Liên Sơn, nay thuộc xã Hoàng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông tuy là một nhà nho không đỗ đạt, nhưng được người đời ca tụng là rất giỏi chữ nghĩa văn chương. Tài năng của ông được đánh giá qua câu nói cửa miệng của dân chúng còn lưu truyền: “Nghệ Hai Hành, Thanh Cả Triệu” (Hai Hành, tức Nguyễn Hành, cháu gọi Nguyễn Du là chú ruột). Cả Triệu có tài xuất khẩu thành thơ, ứng đối nhanh nhẹn, thơ phú cứ tuôn ra một cách tự nhiên. Nhưng ông lại rất phóng khoáng. Những bài thơ phú, ngâm vịnh, đọc xong là ông quên luôn, không bao giờ ghi chép lại. Cho đến nổi những bài thơ phú đó có khi bạn bè ông nhớ được, chép ra, và cũng tự nhiên “cho là bài của mình” ông cũng không có ý kiến gì. Ông quan niệm “Thơ làm xong là thả bốn phương, không còn là của mình nữa”. Do vậy tác phẩm của ông đã bị tiếm dụng rất nhiều. Đến nay con cháu chỉ còn tìm thấy có một tập nhan đề “Liên Khê Nam Hành tạp vịnh” gồm trên 200 bài thơ. Trong cuốn này đặc biệt có bài “Kiến Quang Trung linh cữu” (thấy linh cữu vua Quang Trung) như sau:

KIẾN QUANG TRUNG LINH CỬU

“Trấp niên sất sá tấu phong vân
Như thử anh hùng cổ hãn văn
Hàm Dã độc lưu thiên vạn cốt
Khuân sơn họa tại bách niên phần
Không hàm chỉ chỉ thiên thu hận
Cô phụ đường đường bát xích thân
Quan cảnh nhất ban thành phấn mị
Linh nhân chung cổ tiếu Doanh Tần”.

Cả Triệu Dịch thơ:

NHÌN THẤY LINH CỮU VUA QUANG TRUNG

“Bao năm thét mắng át phong vân
Đủ thấy anh hùng – bậc vĩ nhân
Hàm Dã hận vùi muôn vạn xác
Khuân Sơn phần mộ họa trăm năm
Ngậm hờn chỉ trích ngàn thu hận
Nỡ phụ đường đường tám thước thân
Quang cảnh thảy đều thành cát bụi
Khiến đời muôn thuở cợt Doanh Tần”.

                     (Hoàng Phi phiên âm và dịch)

Trong bài thơ này đã chỉ rõ địa danh nơi an táng vua Quang Trung chính là núi Khuân Sơn. Khuân Sơn theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí là một ngọn núi ở phía Nam, huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên – Ngọn núi này còn có tên là Thương Sơn có hình dáng tròn như vựa thóc. Bài thơ trên đây là một tư liệu quý giá, xin được trích đăng và đóng góp vào cuộc hành trình đi tìm lăng mộ vua Quang Trung, một bậc anh hùng vĩ nhân của dân tộc ta. Có hai địa danh quý báu về sự nghiệp của vua Quang Trung. Một là ngọn núi Bân, nơi vị anh hùng Nguyễn Huệ lên đó tế cáo trời đất, xưng Hoàng Đế Quang Trung trước khi xuất binh thần tốc Bắc tiến đánh tan 30 vạn quân Thanh xâm lược. Hai là nơi yên nghỉ cuối cùng của Người mà lâu nay vẫn chưa tìm thấy. Núi Bân là đàn Nam Giao của vua Quang Trung vẫn còn nguyên vẹn ở gần núi Ngự Bình thuộc địa phận Thừa Thiên-Huế (*). Nhưng lăng mộ thì đã không còn, hay chưa tìm thấy. Các nhà sử học và nghiên cứu Huế học cũng đã có nhiều giả thiết, nhưng riêng tôi chưa đọc thấy bài nào có nêu địa danh núi Khuân Sơn ở huyện Phong Điền. Vây nên chăng, quý vị lại mở rộng hướng truy tìm về địa danh này. May ra hồn thiêng sông núi phù hộ chúng ta sẽ tìm được nơi yên nghỉ cuối cùng của hoàng đến Quang Trung chăng? Xuân năm Tuất 2006

                                                       Hoàng Hương Trang


(*) Hiện nay tỉnh T.T. Huế đã lấy núi Bân xây dựng Quảng Trường Quang Trung.

READ MORE - THÊM MỘT TƯ LIỆU CHO CUỘC HÀNH TRÌNH ĐI TÌM LĂNG MỘ VUA QUANG TRUNG - Hoàng Hương Trang

LỜI RU MẸ, CHUYẾN ĐÒ CHIỀU THU - Thơ Nguyên Lạc





LỜI RU MẸ

"Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chầy thức đủ vừa năm"
                          (Hát ru Nam bộ)

À ơi mẹ hỡi mùa thu
Mùa thu năm đó biệt mù con đi
Đem theo tàn mộng xuân thì
Bao năm chờ đợi... còn gì nữa đâu?!

Ngày về trông trước nhìn sau
Tìm đâu bóng mẹ? ... "Trên đầu mây bay"
Bao năm "cải tạo" đủ dài
Đủ cho mắt mẹ khóc ai hóa mù!

À ơi con hỡi mùa thu
Những lời ru mẹ nghìn thu vẫn còn
Bao năm mẹ đã ru con
Giờ con ru lại... lời buồn mẹ ru

À ơi con hỡi mùa thu
À ơi mẹ hỡi... Tìm đâu bóng hình?!


CHUYẾN ĐÒ CHIỀU THU

1.
"Chiều nay lòng sông rộng
Nắng đang khám nội soi" *
Tìm ra một căn bệnh
Bể dâu... nỗi đoạn đoài!

Trong ký ức phôi phai
Giăng giăng trời mây trắng
Bến xưa chiều nghiêng nắng
Sóng vỗ hồn mênh mang

Nhấp nhô chiếc đò ngang
Khách ra đi tìm mộng
Thẫn thờ người ở lại
Lặng lẽ bến vời trông

2.
Bao mùa tiếng thu không
Thầm lặng lòng mong ngóng
Phai tàn theo năm tháng
Người có biết hay không?

Chiều thu đi tìm mộng
Khách hẹn mùa xuân sang
Xuân thu người mắt đợi
Nhân ảnh chiếc đò ngang

3.
Khách trở về mắt lạ
Đâu phải người năm xưa
Kiêu hảnh khách ngẩng mặt
Từ chối nhìn quen xưa

Khách giờ trông lạ lẫm
Ngôn lời không như xưa
Quên mất chiều thu ấy
Chuyến đò ai tiễn đưa

4.
Hai mươi năm đủ chưa?
Cho một cuộc đợi chờ
Hẹn ước nào đã hứa
Thành hiện thực hay chưa?

Bến xưa chiều nghiêng nắng
Mây trắng vầng khăn tang
Sóng vỗ lời cay đắng
Gặp lại chi... phũ phàng!

.......

* thơ Thanh Van Pham

                     Nguyên Lạc

READ MORE - LỜI RU MẸ, CHUYẾN ĐÒ CHIỀU THU - Thơ Nguyên Lạc

Saturday, August 29, 2020

VU LAN, MẸ LÀ HƯƠNG TRẦM - Trần Mai Ngân





Mẹ là nén nhang trầm vừa tỏa hương vừa rụi tàn !

*** Khi mang con...
Mẹ ve vuốt, vỗ về con hãy ngoan nào, hãy để nỗi buồn mẹ nguôi dịu, để mẹ quên đi mà chỉ nghĩ đến con. Một hình hài trọn vẹn đang lớn dần theo mẹ từng ngà... từng ngày!

*** Khi con ra đời...
Mẹ đón con với nụ cười và cả giọt nước mắt khi nghe tiếng con khóc khỏe mạnh vang lớn nhất phòng sanh. Mẹ mỉm cười cảm ơn cuộc đời.

Năm tháng trôi qua từ con ấu thơ đến trưởng thành mẹ chỉ biết sống vui, buồn và thở theo con. Mẹ đã không nghĩ và nhớ đến mình là ai nữa, chẳng cần chi vui buồn... Mọi thứ trên đời như không có gì quan trọng với mẹ hơn là con. Con đã là tất cả.
Rồi con vu qui, rồi con trai sẽ lấy vợ. Con ra đời làm việc.
Mẹ hạnh phúc vì nhiệm vụ đã hoàn thành. Con của mẹ đã nên người, một người rất đàng hoàng tử tế !

*** Góc của Mẹ
Bây giờ thì mẹ sẽ thu về bóng mình, thu về góc của mẹ.
Làm sao khỏi đến lúc mẹ chậm chạp nhớ, chậm chạp đi đứng , chậm chạp trả lời... Ôi... lúc ấy có lẽ mẹ cần con thương yêu biết chừng nào.
Con hãy kiên nhẫn đợi mẹ nhớ, đợi mẹ một chút thôi con nhé ! Để mẹ từ từ nhớ... như thuở nhỏ mẹ đợi con cố nhớ tên gọi một đồ vật mà mẹ mới vừa dạy con. Hoặc có lúc mẹ sẽ ngớ ngẫn hỏi mãi một điều nhiều lần... xin con hãy đừng giận dỗi mà hãy nhớ lại ngày xưa mẹ đã dịu dàng trả lời mươi lần hơn chỉ một câu hỏi của con. Và còn nhiều nhiều điều nữa con ạ, kể sao cho hết...

Tà huy nhuộm vàng cuối Thu. Rồi cũng đến lúc mẹ nói lời chia tay con. Bao nhiêu năm tháng mẹ con mình có nhau con nhỉ... Con có nhớ và đã có nhìn kỹ gương mặt của mẹ, màu mắt của mẹ, môi cười tươi hay héo hắt của mẹ... như mẹ đã thuộc từng đường nét trên người của con...
Hãy ngắm nhìn kỹ con nhé, khi còn có thể và hãy nói lời yêu thương nhất khi còn có thể... Chắc chắn rồi tất cả sẽ mất đi , vĩnh viễn không còn quay lại cùng con lần nào nữa. Là một ngày mẹ phải buông tay con ra và bỏ con đi mãi dù lòng mẹ không nguôi yêu thương, không muốn xa lìa...

Vu Lan đến mọi người chúc tụng nhau về MẸ.
Mẹ thì lại muốn chúc con của mẹ luôn khỏe mạnh, an lành và hạnh phúc trong cuộc đời này.
Còn mẹ, riêng mẹ... mẹ chỉ xin mãi là nén nhang trầm vừa tỏa hương vừa rụi tàn theo năm tháng đã dành hết cho con.

                                                                  Trần Mai Ngân

READ MORE - VU LAN, MẸ LÀ HƯƠNG TRẦM - Trần Mai Ngân

BA TRĂM NĂM NỮA, BÃO HỒN TÔI CUỒN CUỘN BẾN SÔNG NGƯỜI, BẤT LỰC, BAY VỀ ĐÂY NHÉ CHIM ƠI - Thơ Lê Văn Trung



                   Nhà thơ Lê Văn Trung


BA TRĂM NĂM NỮA
“Bất tri tam bách dư niên hậu”
                             Nguyễn Du

ba trăm năm nữa quay về
cố hương lân lý bạn bè còn ai
ba trăm năm sẽ đầu thai
suối xưa rừng cũ sương mai gió chiều
làm con chim đứng quạnh hiu
bên mồ thiên cổ tiếng kêu đoạn trường

ba trăm năm còn một phương trời?
hay là lạc giữa vô thường phù du”
hay là lạc giữa thiên thu
cuối vòng sinh diệt tìm đâu cõi người?

trăm năm tàn cuộc đầy vơi
tàn cơn huyễn mộng cạn đời tài hoa
ráng chiều nhạt cuối trời xa
ba trăm năm gởi sầu qua vạn trùng

thuyền ai đậu bến vô cùng
mái chèo khua nhẹ nỗi buồn Tố Như
ba trăm năm nữa – bây giờ
giọt đàn vỡ xuống đôi bờ có – không.


BÃO HỒN TÔI CUỒN CUỘN BẾN SÔNG NGƯỜI

Trời đang mưa! Nơi ấy trời đang mưa?
Cơn bão rớt tràn qua thành phố nhỏ
Xin là gió tràn qua vùng biển nhớ
Chỉ nhẹ nhàng lay nhẹ tóc tương tư

Bão hồn tôi cuồn cuộn những dòng thơ
Thổi thao thiết qua vườn xưa xao xác
Thổi da diết qua vườn em xanh ngát
Cho áo chiều bay theo lá chiều lay

Cho nắng nằm ngủ muộn ở trong mây
Nghe bão chảy qua hồn chiều bối rối
Nghe tình chảy qua rừng tôi dữ dội
Tôi suối tràn khe, tôi vỡ tràn sông

Em có nghe sóng vỗ réo trong lòng
Môi tình ái cũng vỡ bừng cơn mộng
Em níu lại gió hồn tôi bão động
Em ôm ghì cơn gió tôi nôn nao

Em sợ tình xưa gió thổi về đâu?
Trời bão rớt trong lòng tôi bão rớt
Chiều bão rớt mà hồn tôi mưa ướt
Bão hồn tôi cuồn cuộn bến sông người.
                       

BẤT LỰC

Ai cũng đã một lần Ta cũng thế
Chạy loanh quanh qua rú rậm rừng già
Chợt ngoảnh lại thấy trùng trùng dâu bể
Mới biết mình không vượt nổi một sát na.
                              

BAY VỀ ĐÂY NHÉ CHIM ƠI
(Tặng một tấm lòng nhân ái)

Chim về đậu dưới hiên mây
Trên đôi cánh mỏng ướp đầy tình vui
Xuống đây chim nhé, chiều rồi
Lòng em vải hạt ngọc trời chim ăn

Xòe đôi cánh rất dịu dàng
Chim bay nhè nhẹ vào trang thơ hồng
Bay vào em một tấm lòng
Là bay vào cõi mênh mông thiện lành

Là bay vào cõi trời xanh
Hoa lòng nở tỏa hương tình từ tâm
Bay về đây nhé ơi chim
Lòng em dâng vẹn trái tim nguyện cầu.

                                       Lê Văn Trung

READ MORE - BA TRĂM NĂM NỮA, BÃO HỒN TÔI CUỒN CUỘN BẾN SÔNG NGƯỜI, BẤT LỰC, BAY VỀ ĐÂY NHÉ CHIM ƠI - Thơ Lê Văn Trung

Friday, August 28, 2020

KHI TRẺ CÓ TÍNH ĂN TRỘM, ĂN CẮP - Vũ Thị Hương Mai

 


KHI TRẺ CÓ TÍNH ĂN TRỘM, ĂN CẮP

 

Trẻ ăn cắp, ăn trộm là một hành vi không tốt, phát triển về sau có thể vi phạm pháp luật, là một trong những vấn đề các bậc cha mẹ quan tâm. Hành vi trộm cắp ở lứa tuổi nhi đồng cũng không hiếm thấy, nhưng tình tiết nặng nhẹ khác nhau: trẻ nhẹ, nói cho nghiêm túc thì không coi là trộm, trẻ nặng là đã hình thành thói xấu trộm cắp. Tình trạng trộm cắp tùy lứa tuổi hoặc nguyên nhân khác nhau, phương thức biểu hiện cũng khác nhau.

 

- Nguyên nhân trẻ ăn cắp

 

+ Để thỏa mãn nhu cầu về vật chất:

 

Trẻ 4 - 5 tuổi cầm đồ của người khác chỉ thuần túy là do thích. Chúng chưa hiểu cái gì là của mình, cái gì là của người khác, vẫn chưa hiểu được quy tắc đồ vật người khác khi chưa cho phép thì không được tùy tiện lấy. Nhưng trẻ ở thời kì này đã có sẵn năng lực biết phân biệt. Do đó, cha mẹ phải giúp con phân biệt đồ vật của mình và của người khác và dạy cho con biết quy tắc đồ vật của người khác là không được lấy.

 

Khi một đứa con đã phân biệt được cái gì là của mình, cái gì là của người khác, biết rõ cầm đồ vật của người khác là không đúng, không tốt, nhưng nhìn thấy đồ vật của người khác đẹp, lại không tự khống chế được bản thân, cố ý lấy đồ vật của người khác rón rén đưa về nhà mình đó là thuộc vào hành vi trộm cắp. Đối với việc làm đó, cha mẹ không thể xem nhẹ bỏ qua, cũng không thể giải quyết thô bạo, phải đối xử nhẫn nại, tìm phương pháp sửa chữa tốt đối với trẻ.

 

+ Trẻ ăn cắp ảnh hưởng không tốt của gia đình:

 

Các nhà tư vấn tâm lý phát hiện rất nhiều hành vi ăn cắp của trẻ có liên quan đến giáo dục của cha mẹ và ảnh hưởng không tốt của gia đình.

 

Tuy vấn đề là ở bản thân đứa trẻ, nhưng gốc rễ lại ở gia đình, cha mẹ. Ví dụ, cha mẹ nhặt được của rơi, về nhà thích thú, con sẽ để ý và nhớ trong lòng, ngấm ngầm học theo. Đó là mong muốn nhặt được của rơi dần dần tăng lên và rồi nhuốm phải hành vi ăn cắp, ăn trộm. Khi cha mẹ phát hiện đựơc hành vi ăn cắp của con, có cha mẹ làm ngơ không qủan, có cha mẹ đánh đập tàn bạo, kết quả của những việc làm đó thường sẽ làm con đi theo đường cực đoan, trượt dốc xa hơn. Cần phải nói rằng con ăn cắp, cha mẹ có phần trách nhiệm.

 

+ Ăn cắp là một loại phản xạ có điều kiện:

 

Trong quá trình tư vấn các nhà tâm lý học đã phát hiện: trước khi trẻ ăn cắp chúng thường có những hành vi không tốt như nói dối, ghét học, hút thuốc, trốn học... Nếu những hành vi không tốt đó, không được phát hiện và giáo dục kịp thời rất dễ phát triển thành hành vi ăn cắp. Nói chung, trước hết là ăn cắp trong nhà, một khi đã thành công thì từ trong nhà dần dần chuyển sang ăn cắp ngoài xã hội. Từ ăn cắp vặt phát triển thành những thói quen xấu hễ thấy vật gì của người khác, không quản có cần hay không, đều phải ăn cắp cho được. Cũng có nghĩa là ăn cắp đã hình thành phản xạ có điều kiện.

 

+ Ăn cắp vì đời sống bần cùng- xã hội sa đọa:

 

Trong xã hội còn phân giai cấp, trẻ em nghèo khó ăn cắp để kiếm sống, trẻ em hư hỏng ăn cắp để thỏa mãn nhu cầu vui chơi, nước ta ngày nay tệ nạn xã hội đó vẫn còn nhiều và ảnh hưởng của nó không dễ xóa bỏ được. Cho nên, trẻ em ăn cắp vì nguyên nhân nói trên vẫn còn khá nhiều, tạo thành một tệ nạn mà biện pháp giáo dục bình thường không thể sửa chữa được. Chính quyền phải tổ chức những nhà trường đặc biệt để cải huấn các em. Cha mẹ nên hợp tác với chính quyền để hoàn thành tốt công việc cải huấn đó.

 

Ngoài những lý do trên, cũng còn có những nguyên nhân phức tạp khác làm dẫn đến những hành động trên. Trẻ giận dữ hoặc chúng muốn người khác quan tâm đến chúng. Hành động ăn cắp phản ánh những vấn đề khó khăn và căng thẳng mà chúng gặp phải ở nhà, ở trường, hoặc trong quan hệ bạn bè. Một số trẻ ăn cắp vì chúng cảm nhận hành động đó như một lời kêu gọi giúp đỡ khi bị tử thương về tình cảm hoặc bị cha mẹ đánh đập.

 

Bác sĩ tâm lý Mary-C.Ghentile, bang MaryLand đã từng nói: “Bọn trẻ cũng thường ăn cắp nếu chúng đang nổi giận, hoặc bất hòa giữa cha mẹ hoặc cũng có thể chúng muốn níu kéo cuộc hôn nhân của cha mẹ. Lạ hơn nữa chúng ăn cắp vì chúng muốn làm như vậy chứ không có một nguyên nhân sâu xa nào cả”.

 

- Sửa chữa hành vi ăn cắp của trẻ như thế nào?

 

+ Bồi dưỡng quan niệm phải, trái:

 

Trẻ ăn cắp, tuyệt đại đa số đều bắt đầu từ sự thiếu hiểu biết đạo đức chính xác. Do đó, đối với việc sửa chữa loại trẻ này trước hết phải giúp chúng hình thành quan niệm phải trái đúng đắn, bắt đầu từ sự nhấn mạnh cảm giác phải trái. muốn làm được điều này cần phải xuất phát từ trình độ nhận thức thực tế của chúng dần dần nâng cao, phải làm cho trẻ hiểu được ăn cắp là một hành vi không tốt, nếu hôm nay chỉ ăn cắp vặt, thì ngày mai có thể ăn cắp lớn hơn, rồi dần dần sẽ đi vào con đường tội phạm. Như vậy, thông qua giáo dục nhiều lần, bồi dưỡng quan niệm phải trái cho trẻ sẽ làm tăng thêm quyết tâm cải tà quy chính của chúng.

 

+ Xác lập lòng tin, bảo vệ lòng tự tôn:

 

Trẻ có hành vi ăn cắp, có lòng tự tôn hay không? Rất nhiều người cho rằng, những đứa trẻ này giáo dục nhiều lần không chịu cải tạo, căn bản không có lòng tự tôn. Kì thực không như vậy bởi vì đòi hỏi được sự tôn trọng của người khác là đòi hỏi cơ bản của con người, trẻ cũng không ngoại lệ. Cha mẹ phải bảo vệ lòng tự tôn của con, phải cố gắng kéo chúng ra khỏi con đường lầm lỗi nếu không chúng sẽ không phân biệt được phải trái, chứng nào tật ấy, lấn sâu vào lỗi lầm. Cha me phải xuất phát từ nguyện vọng chân thành được tôn trọng, bảo vệ, cố gắng khai thác ưu điểm của trẻ, áp dụng nhiều biện pháp biểu dương, khen thưởng, tín nhiệm, thắp sáng lòng tự tôn của chúng, gợi dậy cảm giác vinh dự cho trẻ, loại trừ tình cảm đối kháng, xác lập lòng tin tiến thủ.

 

+ Tạo lập cơ hội tỉnh ngộ, thúc đẩy tâm lý biến chuỷên:

 

Khi đứa trẻ phạm sai lầm nhưng sau qua giáo dục, nhận thức được sai lầm và muốn sửa chữa sai lầm, thì gọi đó là sự tỉnh ngộ.  Cha mẹ nên tạo cơ hội tỉnh ngộ cho trẻ có hành vi ăn cắp. Ngòai việc động viên tinh thần cho trẻ, cha mẹ phải làm cho con hiểu rõ hành vi ăn cắp là xấu xa. Một khi thấy con sửa chữa, cha mẹ phải kịp thời nắm bắt cơ hội khẳng định cho con, làm cho con chuyển biến.

 

+ Tăng cường việc củng cố thói quen hành vi mới:

 

Trẻ có hành vi ăn cắp, sau khi tiếp thu giáo dục, có lúc có cải tạo thay đổi. Khi hành vi mới chưa được củng cố, trong thời gian ngắn hành vi cũ vẫn có thể ảnh hưởng tới trẻ. Nếu trẻ có thói quen ăn cắp, do không sửa chữa triệt để, khi chúng có cơ hội lại tiến hành ăn cắp, mà không làm chủ được. Nhất là khi có sự lôi kéo của bạn bè, lại có thể làm những điều sai trái khác. Do đó, khống chế điều kiện bên ngoài một cách thích đáng, trong một thời gian thích đáng, giúp cho trẻ tránh xa những sự lôi kéo mê hoặc nào đó là rất quan trọng và thông qua giáo dục để cho chúng quyết định lòng tin và quyết tâm đấu tranh với sai lầm. Khi trẻ đã có tiến bộ, cha mẹ phải kịp thời biểu dương, khen thưởng, cổ vũ. Nhưng khi trẻ “tái phát” cha mẹ cũng không nên sốt ruột lo lắng quá mà phải kiên trì thuyết phục, phê bình để trẻ cảm thấy hổ thẹn, động lòng tự giác sửa chữa sai lầm.

 

Như vậy có thể thấy nếp sống gia đình là thành trì bảo vệ trẻ chống lại mọi tật xấu, trong đó có tật ăn cắp. Nếu cha mẹ tổ chức được nếp sống tốt thì những đứa trẻ trong gia đình sẽ trở thành những đứa con ngoan. Nhưng nếu cha mẹ đã sơ hở, công việc giáo dục có phần lỏng lẻo và các con đã sinh tật ăn cắp thì các bậc làm cha làm mẹ phải bình tĩnh, giữ thái độ giáo dục, đồng thời chỉnh lại nếp sống cho con. 

*. 

VŨ THỊ HƯƠNG MAI

Long Biên, Hà Nội

Email: huongmai8081@yahoo.com.vn

READ MORE - KHI TRẺ CÓ TÍNH ĂN TRỘM, ĂN CẮP - Vũ Thị Hương Mai

ĐỀN CỬA ÔNG - Đặng Xuân Xuyến

 

Ảnh từ wikipedia


ĐỀN CỬA ÔNG 

 

Đền Cửa Ông là nơi thờ Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, một tướng lĩnh thời Trần đã lập nhiều công lớn trong cuộc chiến chống quân Nguyên xâm lược. Ông là con trai của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và Thiên Thành công chúa.

 

Tương truyền, trước khi thờ tướng Hưng Nhượng vương quân Trần Quốc Tảng, đền Cửa Ông là miếu thờ ông Hoàng Cần, người địa phương có nhiều công đánh phá giặc cướp, được các triều đại phong kiến phong "Khâm sai Đông Đạo Tiết chế".

 

Đền tọa lạc trên một ngọn đồi cao khoảng 100 mét, thuộc phường Cửa Ông, thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long hơn 40 km về phía đông bắc, nhìn xuống vịnh Bái Tử Long ở phía nam, hai bên có hai ngọn đồi nhỏ hộ vệ, phù hợp với quy tắc Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ, sau lưng là dãy núi xanh chạy dài qua Cẩm Phả, Mông Dương.

 

Đền được xây dựng thành ba khu, đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, nhưng đền Hạ và đền Trung đã bị bom Mỹ phá hủy.

 

Phía trước đền Thượng có một tam quan, bên trái là khu nhà để khách thập phương sắp lễ vào đền, bên phải là một ngôi chùa, phía sau là lăng Trần Quốc Tảng. Bên trong đền Thượng có rất nhiều tượng thờ các nhân vật nối tiếng của triều Trần, được phân bổ làm 3 lớp:

 

- Tiền đường: có Đỗ Khắc Chung, Lê Phụ Trần, Nguyễn Địa Lô.

 

- Bái Đường: có Trần Quốc Tảng, Trần Thì Kiến, Hà Đặc, Phạm Ngộ, Trần Khánh Dư.

 

- Hậu Cung: có Trần Quốc Tuấn, Yết Kiêu, Nguyễn Quyên, Nguyễn Tiễn, Huyền Du, Quyên Thánh Công Chúa, Đỗ Hành.

 

Lễ hội đền Cửa Ông được tổ chức 2 năm một lần vào năm chẵn, nhằm tôn vinh công đức của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng (Thần chủ đền Cửa Ông, là con trai thứ 3 của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn) và nhiều tướng lĩnh nhà Trần có công đánh thắng giặc Nguyên Mông, bảo vệ biên cương vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

 

Hội đền Cửa Ông chính thức mở vào ngày 3 tháng 2 âm lịch và kéo dài cho đến hết tháng 3 nhưng thường thì từ đêm 30 và sáng Mồng Một Tết đã nườm nượp du khách từ khắp mọi miền đã đến lễ đền.

 

Đền Cửa Ông nổi tiếng về tín ngưỡng tâm linh như cầu công danh, tài lộc... Mỗi khi xuân về, không chỉ người dân Quảng Ninh mà khách thập phương náo nức hành hương về dự lễ hội đền Cửa Ông để du xuân, để tưởng nhớ vị anh hùng của dân tộc và thực hành tín ngưỡng tâm linh, cầu xin Đức Ông phù hộ cho con đường công danh, sự nghiệp được hanh thông, phát đạt.

 

.....................

 

(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT của Đặng Xuân Xuyến ; Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 2006)

 

*

 

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

.

READ MORE - ĐỀN CỬA ÔNG - Đặng Xuân Xuyến

HƯƠNG ĐỜI - Thơ Lê Phước Sinh






HƯƠNG ĐỜI

1.
Mai nở hoa trái mùa
vẫn khoe tròn đủ cánh
lóng lánh đôi mắt xưa
môi tìm môi đỏng đảnh...

2.
nghe em nhắn tin đến
trái tim lại chộn rộn
ê, nằm yên ở đó
đừng bất tuân thượng lệnh...

             Lê Phước Sinh 
        An Sương, 28.8.2020

READ MORE - HƯƠNG ĐỜI - Thơ Lê Phước Sinh

Thursday, August 27, 2020

BIỂN ĐÊM, TRĂM NĂM VẪN MÙI HƯƠNG - Thơ Nguyên Lạc






BIỂN ĐÊM

Biệt ly từ cuộc bể dâu
Mất nhau từ thưở ba đào quê hương
Người về tìm lại mùi hương
Người về tìm lại thân thương đã rồi...

Biết rằng sương khói mà thôi
Thịt da trên cát hằn tôi nỗi sầu
Biển chiều trời vội trốn mau
Cô đơn lặng nhớ tình đau một thời

Biển xưa bãi cũ tôi ngồi
Hồn nghe sóng vỗ đôi mươi tình nào
Tay ôm thân ngất quyện nhau
Môi thơm ngực ngải cho nhau lần đầu

Đêm nay biển vắng người đâu?
Vầng trăng khuyết tật trên đầu đưa tang
Rì rào lớp sóng kêu than
Gió ngàn thông réo gọi oan khiên về

Cát luồn tuôn sợi tay mơ
Tình luồn ngăn nhớ hương mê thân nào
Thịt da nhung mượt đêm nao
Hằn trong ký ức biết làm sao đây?

Biển ơi có biết tình tôi?
Sóng ơi sao xóa dấu người tôi yêu?
Bãi xưa còn lại gì đâu?
Về chi nghe tiếng khóc gào sóng đau?

Vời kia một bóng trăng sầu
Nghìn trùng xa cách biết đâu dõi tìm?


TRĂM NĂM VẪN MÙI HƯƠNG

1.
Trăng khuyết đêm mênh mông
Vọng âm tiếng muôn trùng
Điệp khúc buồn kinh tụng
Nhạc lắng trầm cung thương

Gió lay lá thì thầm
Tiếng người gọi phải không?
Động hồn đời lữ thứ
Nến đêm thoảng làn hương

Lữ khách nhớ mùi hương
Đêm tóc xỏa môi hồng
Hở áo lộ nguyêt rằm
Thịt da ngát trầm hương

2.
Đêm lữ thứ cô đơn
Trăng khuyết mờ khói sương
Nến chong đêm tim lụn
Lữ khách hồn bâng khuâng

Bao năm rồi tha hương
Bể dâu nỗi đoạn trường
Lắng lòng đêm cô lữ
Muôn trùng sầu khuyết trăng

Chong đêm buồn nến lụn
Ngoài song vọng khôn cùng
Đêm tóc xỏa ngực rằm
Vấn vương đời trăm năm

Bao năm rồi cố nhân?
Sâm thương chia đôi đường
Xuân thu màu sương điểm
Ly biệt vẫn mùi hương

Mở chi ngăn ký ức?
Để bay toả làn hương!
"Sông Tương chia hai nguồn"
Thiên thu mãi còn thương!

                      Nguyên Lạc

READ MORE - BIỂN ĐÊM, TRĂM NĂM VẪN MÙI HƯƠNG - Thơ Nguyên Lạc