Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, January 31, 2020

THƠ VIẾT CHO NGƯỜI - Thơ Trần Mai Ngân






GIẬN...

Em cắn môi chặt lại
Nụ hôn trượt ra ngoài
Xuân đi cánh Đào phai
Em giận anh nhiều lắm!


THÔI...

Thôi...
Em xin hứa... xin hứa
Ngưng ngay cuộc yêu này
Không một lần nhắc lại
Chuyện chúng mình đẹp đôi...

                    Trần Mai Ngân

READ MORE - THƠ VIẾT CHO NGƯỜI - Thơ Trần Mai Ngân

ĐÁ MÒN | NHƯ XONG | QUÊ NHÀ | XƯA VÀ NAY - Chùm thơ Chu Vương Miện




Đá Mòn

bao lâu nước chẩy đá mòn
cây đa bến cộ đá còn trơ trơ
hỏi thăm cõi thực cõi mơ
mà ta neo đó đơị chờ bao năm?
ví dầu 2 chữ thủy chung
thuỷ theo giòng chẩy lưng chừng cả sông
chung thì đầu có đuôi không
vô duyên như bụi xương rồng lắm gai
chẳng thơm đâu phải hoa nhài
hưũ duyên thiên lý đơì trai gã tình
ngươì về bên đó mần thinh
ta như ngọn nến còn lung linh nhiều
thơì xưa khăn đỏ cờ điều
bây giờ nản 1 con diều đứt dây
bao lâu nước cạn chưa đầy
cây đa bến cộ có ngày cuốn phăng


 Như Xong

thế thì cứ kể như xong?
Năm canh sáu khắc chả mong chả chờ
trên bàn toàn những quân cờ
con thắng ở lại con chờ qua sông?
củi khô theo nước chia dòng
nước trôi vật vã thuyền không không chèo?
người về ta vẫn tỉnh queo
thuyền không bánh lái lộn lèo lăn quay
trường giang một mặt nước đầy
ngươì đi kẻ lại chiều nay lên đường?
một đường tìm laị cố hương
một đường nhìn mỏi bóng chim dáng cò
đại giang vốn lụy phà đò
cầu phao tấp nập kẻ cho kẻ mời
sự đòi cũng chỉ thế thôi
trầu cay nhổ xuống nước trôi lạnh lùng
theo em lạc tuốt lên rừng?
khi không thành một ngươì dưng bến bờ
chờ em từ sáng tờ mờ
đến khi trăng giãi còn mơ còn mòng
thế thì cũng kể như xong?


Quê Nhà

con tắc kè còn đậu ngọn me
khan cổ gọi bậu từ năm nọ
                                * thơ Phan Thị Ngôn Ngữ

trước cổng nhà vẫn tàng cây so đũa
đữa đủ đôi mà ngươì lại so le
chả tống biệt hành mà bậu cũng xa
để nom sông đục ngầu qua vẫn đợi
hôm nay trăng non mai rằm quá tội
Một cái vèo mơí đó 30 năm
như cô gái mù nhấn nốt dương cầm
bản trăng sáng mà trăng sáng quá
bậu với qua trước quen sau lạ
bạc nghĩa bạc lòng kẻ dửng người dưng
ta vẫn nhìn nhau chả đứng quay lưng
y như tòa sao Nam Tào Bắc Đẩu
kẻ ngược sông Tiền ngươì xuôi sông Hậu
Bảy ngả trôi Phụng Hiệp phấn sen nồng
mơi xế đời bậu có dìa không ?
kinh Dốc Miếu vẫn con đò tam bản
gốc đợi ngọn về vô thời hạn
cội thân thương bao chiếc lá lìa cành
mới thủa nào lá biếc non xanh
giờ chớp mắt toàn vàng pha đỏ
quê hương bậu qua bao đời tất tả
chả lẽ chê nghèo chê khó chả về


Xưa Và Nay

có anh muốn sống không sống được?
có anh chờ chết chưa chết ngay?
chiến tranh đến rồi đi giống xe
rác ngày nào cũng có ? ngày nào
cũng đầy từ thuả nảo thuả nào?
có anh cơm no ấm cật có
anh luôn nghèo khó? cũng đồng môn
có anh làm quan có anh làm
 thợ? có anh lưng chừng ở giưã
làm thơ làm quan chết vì nước
được thờ? làm thợ có tiền mua
cơm đút vào mồm làm thơ thì
dở dở ương ương toàn nhịn đói?
tất cả chả có gì đáng noí
từ ngàn xưa tới nay? bây giờ
vẫn vậy?

Chu Vương Miện

Nguồn: hoiquantramhuong.org

READ MORE - ĐÁ MÒN | NHƯ XONG | QUÊ NHÀ | XƯA VÀ NAY - Chùm thơ Chu Vương Miện

Thursday, January 30, 2020

ĐỜI TRẢ LỜI CHO TA - Thơ Nguyên Lạc



                       Nhà thơ Nguyên Lạc



ĐỜI TRẢ LỜI CHO TA

1.

Bấy nhiêu năm có đủ
Quên cuộc tình cũ xưa?
Bấy nhiêu năm có đủ
Quên nỗi buồn tiễn đưa?

Chiều bên sông khói phủ
Bóng hình ai hắt hiu
Thuyền trôi xuôi ra biển
Đời chắc rồi cô liêu!

Bấy nhiêu năm có đủ?
Quên mối tình dấu yêu!
Đêm mắt đầy mong đợi
Người xa mãi phương nào

Bấy nhiêu năm mãi đợi
Tóc điểm màu xuân thu
Thời gian đâu chờ đợi
"Bạch vân ... không du du" [*]

2.

Chẳng thà không gặp nhau
Thì đâu buồn tiễn biệt!
Chẳng thà đừng hứa nhau
Thì trăm năm đâu là ...

Bấy nhiêu năm có đủ?
Đời trả lời cho ta!
Cho nỗi lòng đưa tiễn
Chiều khói phủ sông xưa

Chẳng thà đừng gặp lại
Mãi một nỗi đợi chờ
Gặp lại chi mắt lạ?
Nhạt màu tình xưa xa!

Ai bây giờ lạ lẫm
Phải người muôn năm xưa?
Đâu thật thà môi thắm?
Ta từng quen biết chưa?!

Bấy nhiêu năm dài đủ?
Để riêng đời nhớ mong!
Gặp chi rồi chia ngả
Người còn nhớ chi không?

Bấy nhiêu năm chắc đủ
Quên hứa nào phải không?
Phải chi đừng gặp lại
Giữ hình bóng riêng lòng!

3.

Bấy nhiêu năm hoài phí
Cả một đời thanh xuân!
Lạnh lùng người bước vội
Kẻ chờ đợi lưng tròng!

Người. lại rồi viễn xứ
Kẻ. một trời hư không!

Nguyên Lạc

...............

[*] Thơ Thôi Hiệu 

READ MORE - ĐỜI TRẢ LỜI CHO TA - Thơ Nguyên Lạc

MÙA XUÂN ĐẾN MUỘN - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

Tác giả Lê Hứa Huyền Trân

MÙA XUÂN ĐẾN MUỘN
Truyện ngắn
Lê Hứa Huyền Trân
(Tặng Chị)

Chị xếp vội mớ đồ vô cái túi rồi chần chừ suy nghĩ sao lại lấy ra, cứ ngồi lấy ra lấy vô mà non hết cả buổi chiều. Con bạn cùng phòng trọ xốc nhẹ cái túi lên vai quay lại đằng hắng:
-Dù sao mày cũng phải về, mọi năm thấy mày cứ rịt lại phòng trọ vắng teo tao cũng lo. Có trốn được mãi đâu.
Rồi quảy đi cho kịp chuyến xe cuối ngày. Tết lại cận kề, tết là ngày đoàn viên nhưng đối với chị bỗng trở thành những nỗi lo không lời mà chị biết rõ nguồn cơn. Chị đã cố gắng ở lì xóm trọ nhỏ cho tới những ngày giáp tết nhưng khi người cuối cùng rời đi thì chị cũng hiểu đến lúc mình phải đi rồi. Không phải chị không muốn về quê mà mỗi lần về thể nào cũng sẽ nhận được dè bỉu của hàng xóm khiến chị rối lòng.
Ba mươi lăm tuổi, chị chưa chồng. Ở phố thì đùa vui là gái “ế” rồi cũng qua ngày đoạn tháng nhưng ở quê thì việc lỡ thì bỗng trở thành cách đánh giá một còn người, nhất là ở miền quê nặng thị phi như chỗ chị. Hai mươi tuổi chị xách ba lô một mình lên phố tìm cơ hội đổi đời, ngày chị đi có người chắc mẩm sau này về cũng rủng rỉnh tiền, có người lại nói “gái hư” hẳn là đã vương vấn anh chàng nào nên bỏ chốn mà đi. Lời người ta cũng chỉ là lời ngoài tai, ngày đó định kiến trong chị đã rất rõ ràng, sống cho mình chứ nào phải cho người, quan trọng là có thể kiếm được tiền về nuôi ba mẹ. Ngày đó, tuổi còn trẻ công việc dồi dào, cơ hội đến mau, chị cũng nhanh chóng nhận được việc làm ở một cửa tiệm chẳng mấy chốc mà cũng dễ dàng tăng lương. Tết năm ấy, chị về lần đầu tiên mừng tuổi được cha mẹ món tiền lớn. Mấy bác hàng xóm cứ lấy chị làm gương cho trai gái trong làng khi ấy vẫn còn non tơ ăn bám bố mẹ. Nhưng cứ Tết về thì thể nào với con gái đến tuổi lấy chồng cũng nghe qua câu nói:
-Nhưng lên phố kiếm được anh nào chưa? Con gái cũng cần một chốn, đừng lo làm mãi.
-Ôi chao, trai thành phố thiếu gì, ở phố cũng chẳng như ở quê mình, toàn lấy chồng muộn. Cứ tạo dựng cuộc sống cho mình trước làm tiền đề đã ạ.
Người ta cũng ậm ừ cho qua, thực ra khi mình thành công những lời mình nói ra cũng trở nên giá trị. Vài mùa Tết sau lần nào chị về cũng nhận được câu hỏi đó. Trai gái trong làng bằng tuổi chị cũng lần lượt kết hôn chỉ mỗi chị vẫn còn lẻ bóng. Bố mẹ sốt ruột cũng hỏi dò nhưng quả thật những năm qua chị chưa kiếm được một người nào thuận lòng, từ đó mỗi lần về khi nhìn ánh mắt buồn của họ nhìn đám nhỏ chạy trước sân nhà chị bỗng trở nên áp lực. Những lí do việc làm hay sự thành công ban đầu chẳng đủ để khỏa lấp miệng đời. Hai mươi lăm tuổi chị bỗng trở thành gái ế trong mắt người làng. Cứ mỗi mùa Tết về khi thấy chị trong nhà người ta lại vờ hỏi ba mẹ chị, nhưng biết là chị nghe:
-Thế con Hoàng chừng nào lấy chồng? Bằng tuổi nó đứa nào cũng đùm đề cả rồi. Gái lớn mà không lấy chồng người ta cũng điều tiếng,
-Thì giờ nó đã vậy, ai ép được nó, coi như tùy vậy.
Ba mẹ chị không nói gì nhưng chị biết họ cũng buồn khi con gái mình lẻ bóng. Họ lo điều tiếng. Họ cũng thương con họ.
Rồi những mùa Tết sau lại qua đi, chị dần lỡ những mùa xuân. Những đứa bạn năm xưa giờ con cái đã vào tiểu học. Mỗi năm chị về không tránh khỏi những ánh mắt dè xét, có người không nói chỉ nhìn, có người lại phao tin đồn chị hẹn hò ông đại gia nào đó rồi bị đánh ghen… Nghĩ việc không lấy chồng chỉ đơn giản nhưng đúng là cứ Tết về thấy gái chưa chồng trong nhà hẳn ai cũng buông câu. Từ đó cứ Tết chị hầu như trốn tiệt không về, hoặc họa hoằn lắm có về thì cũng trốn rịt trong nhà. Thế mà cũng đã ba năm nữa trôi qua chị không về.
-Lâu rồi không thấy chị.
Giong ồm ồm của một người đàn ông khiến chị quay lại. Trước mặt chị là một người đàn ông khoảng độ ba mươi, da hơi ngăm và có phần cao ráo . Áo sơ mi đóng thùng gọn gàng, có lẽ là qua nhà chị chúc Tết nhưng chị vẫn ngờ ngợ chưa nhận ra ai. Mẹ chị trong nhà bước vội ra:
-Thầy giáo Tạp lại sang ạ? Gớm, đi mãi không nhớ, Tạp mà ngày xưa vẫn hay đánh đáo cùng mày đấy con ạ.
Đến đó thì chị mới sực nhớ ra thằng cu bé nhỏ hơn chị ba tuổi năm nào, lúc nào cũng lẽo đẽo theo chị, khi bị ăn hiếp thì về méc chị, trong mắt nó ngày ấy hẳn chị là một anh hùng. Năm chị đi nó mới mười bảy tuổi, khóc bù lu bù loa giữ chị lại, chị phải đe:
-Khi nào mày học thành thầy giáo thì chị về.
-Nhưng chị đã không về. – thầy Tạp nói như cắt ngang dòng suy nghĩ của chị. Sau khi chị đi, cậu vẫn nằm lòng lời chị, ba năm sau thi đậu vào đại học Sư phạm và mất bốn năm ở chốn xa xôi ấy. Anh toàn về sau Tết, ăn Tết muộn nên không gặp được chị, anh về là chị đi. Tuy nhiên năm nào cũng đều đặn anh qua chúc Tết gia đình chị. Những lần Tết sau chị ít về dần, anh sau khi tốt nghiệp cũng xin được việc làm ở trường làng, chẳng mấy chốc mà thành thầy giáo, tuy lần nào đều đặn cũng qua thăm nhưng chẳng lần nào gặp được chị.
-Thế cũng lâu rồi chưa gặp nhỉ? Cậu đã thành thầy rồi cơ à? Thế cậu đã lấy vợ chưa?
-Chưa. Tôi đợi chị.
Chị bật cười trước lời nói đùa của người đàn ông chững chạc ngồi trước mặt chị nhưng thấy gương mặt nghiêm nghị của anh chị bỗng im lặng. Còn nhớ năm ấy khi vẫn còn là hai đứa trẻ, được “người hùng” cứu quá nhiều lần, có một cậu nhóc đúng vào ngày giao thừa đã nhìn người chị cao hơn mình cả khúc mà nói:
-Sau này nhất định em sẽ lấy chị và bảo vệ chị lại.
Nhưng đó chỉ là lời bông đùa khi còn bé, hay ít ra là chị nghĩ thế. Tim chị bỗng đập thành từng nhịp hơi lỗi khác xa so với nhịp đập bình thường ba lăm năm qua. Anh cười: “Dù sao cũng đã mười mấy năm rồi, them một năm nữa cũng chẳng sao đâu, tôi chỉ muốn chị biết là có người đang đợi chị thôi”. Những ngày Tết ấy bỗng nhiên trở nên vui hơn, anh dẫn chị đi thăm lại làng xóm, chơi lại những trò ngày xưa mà hai người vẫn hay chơi, chị nhớ như in khi ấy chính chị là người đã ở bên khi anh chào đời… Và sau đó chẳng hiểu vì sao người con gái ấy lại quyết định ở bên “chăm sóc” người em hàng xóm nhỏ tuổi suốt từng ấy năm đến khi ra đi. Hẳn là tất cả đều là số phận sắp đặt, dù đã quá muộn màng.
-Chị xem này, một bông hoa mai nở muộn.
Chị lại gần anh, mùa xuân đến muộn cũng có nghĩa là đã đến.
-Ngày mai chị lại đi rồi. Khi nào chị sẽ lại về?
Chị ngẫm nghĩ một hồi rồi bỗng mỉm cười:
-Có lẽ lần này tôi sẽ về mau thôi.

Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định

READ MORE - MÙA XUÂN ĐẾN MUỘN - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

NHÌN EM TA THẤY MÌNH CÒN TRẺ | QUA PHỐ CŨ NGÀY XƯA | TRÊN ĐỒNG CHIỀU CUỐI VỤ - Chùm thơ Lê Thanh Hùng


Chùm thơ Lê Thanh Hùng

Nhìn em ta thấy mình còn trẻ

Anh cứ tưởng rằng ta còn trẻ
Mãi mê đua trên dặm đường đời
Mặc nắng sớm sương chiều rung nhẹ
Cứ tung tăng năm tháng ngập ngời
                       *
Trên bến vắng con thuyền nằm đợi
Gió nghịch mùa, chấp chới xa khơi
Đi đâu hết, không lời nhắn gởi
Thấy hoang linh, khoảng trống cách vời
                       *
Nghe bức bối bóng mờ dĩ vãng
Nuối tiếc gì năm tháng buông rơi
Đừng nói nữa, những điều lãng mạn
Gió cuốn bay đi, rớt xuống đời
                       *
Đứng phân vân bên đường lưỡng lự
Đắm đuối nhìn hoa cỏ mượt xanh
Tuổi hoa mộng, ngập ngừng níu giữ
Cứ loay hoay rối cả lòng anh
                      *
Anh cứ tưởng rằng ta còn trẻ
Khi nhìn em – góc cạnh phân vân
Để nguyên vậy giùm anh em nhé
Bóng hoàng hôn, xanh biếc trong ngần
                          L.T.H.

Qua phố cũ ngày xưa

Góc phố vần xoay, đẫm sắc màu
Xông xênh, áo mỏng, hong đầy gió
Lộ nét xuân thì, vương bước chân
Bùng nổ đường cong, chiều chật hẹp
Khép chặt tầm xuân, bóng đổ mờ
Lầm lũi rong rênh trên phố vắng
Trùng triềng, phai nhạt dấu phù hoa
Quên lãng màu chiều trôi nỗi nhớ
Phố cũ ngày xưa choáng ngợp tình
Hoang linh, lang thang nhìn lơ đễnh
Tìm dấu ngày xanh mộng ban đầu
Chợt thấy, bên đường rung tiếng hát
Bài “Tình ca – không thể xoá nhòa” ...
                                           III/17
                                           L.T.H.

Trên đồng chiều cuối vụ

Còn đâu em, mái tóc xanh mềm
Chiều xa vắng, đồng sâu bức bối
Đôi quang gánh oằn cong bước vội
Chếch nghiêng chiều, cỏ vướng chân êm
                      *
Hun hút đường xa, nắng trãi dài
Khẳng khiu cuống rạ vàng thu níu
Giữ lại hương mùa còn nặng trĩu
Và em, khóe mắt nét hồng phai
                      *
Tháng năm nào, đọng dấu chân ai
Trong vạt nắng thu phai đồng bãi
Tiếng Tu hú chập chờn ái ngại
Khắc khoải đong chiều rơi miệt mài
                     *
Êm trong tiếng vọng khúc xa xôi
Xoay trở vai, gượng rung nhè nhẹ
Chợt gió trở chiều, như giằng xé
Tóc rối, lệch trâm cài đơn côi
                      *
Mây trắng đường chiều xa mênh mông
Khép vạt áo hờ, qua lối hẹp
Một thoáng ngượng ngùng xưa khép nép
Gió liu riu dỗ dậy sóng lòng ... 

    Lê Thanh Hùng
    Bắc Bình, Bình Thuận


READ MORE - NHÌN EM TA THẤY MÌNH CÒN TRẺ | QUA PHỐ CŨ NGÀY XƯA | TRÊN ĐỒNG CHIỀU CUỐI VỤ - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

KHOẢNH KHẮC XUÂN - Thơ Thủy Điền




Khoảnh Khắc Xuân

Gió nhè nhẹ tiễn đưa ngày xuân, tết
Theo tiết trời lặng lẽ khuất dần xa
Mùa tháng giêng cũng sắp sửa nhạt nhoà
Bao chờ đợi thoáng qua trong bổng chốc

Thương cánh mai bao ngày vun phân gốc
Nay vội tàn còn lại chiếc lá xanh
Thương cành đào những hoa nhỏ mong manh
Còn trơ lại những thân cây cao vút

Tội ̣đàn em nhìn mùa đi. Bật khóc
Bao tháng ngày chờ đợi món quà xuân
Chiếc áo sơ mi vừa mới mặc một lần
Mẹ vội vả xếp vào ngăn tủ kính

Tội người thương sau năm dài câm nín
Đợi người về mừng sum họp đoàn viên
Cuộc vui chưa trút cạn những nỗi niềm
Là lại phải chia tay trong khoảnh khắc

Thương mẹ lắm từng đêm, trông, mẹ nhắc
Xuân nầy về chắc nó ở hơi lâu
Nhưng ngờ đâu! Nó có ở được đâu
Hoa mai rụng là vội vàng cất bước.

Thủy Điền
29-01-2020

READ MORE - KHOẢNH KHẮC XUÂN - Thơ Thủy Điền

Tuesday, January 28, 2020

CHÚC XUÂN - Nguyên Lạc


READ MORE - CHÚC XUÂN - Nguyên Lạc

Monday, January 27, 2020

GIỌT XUÂN - Thơ Nguyễn Kim Hương


      Nhà thơ Nguyễn Kim Hương



GIỌT XUÂN

Chim hiền cất tiếng mừng xuân             
Hót trong veo giữa buâng khuâng đất trời
Lộc đời xanh trải muôn nơi
Hoa tưng bừng nở nắng tươi bên ngàn

Gió về gọi thức mùa sang
Giấc mơ e ấp dịu dàng tuổi thơ
Bây giờ cho đến bao giờ
Lòng nghe xuân thắm trên bờ môi xinh.

Đời vui này khúc tâm tình
Ngày mai đẹp lại chuyện tình lứa đôi
Hoa lòng cánh nhỏ nhẹ rơi
Tình xuân vương vấn hồn đời mênh mông

Xuân nay đượm thắm môi hồng
Mênh mang sóng nhạc bềnh bồng ước mơ.
Lá vừa thay áo non tơ
Trời xuân đa sắc câu thơ đa tình

Em từ nguyện ước ba sinh
Bước về ôm trọn bình minh xuân đời.

                        Nguyễn Kim Hương
                      (Ngày đầu xuân 2020)


READ MORE - GIỌT XUÂN - Thơ Nguyễn Kim Hương

Sunday, January 26, 2020

HƯƠNG XUÂN CÒN THOANG THOẢNG... - Thơ Trần Mai Ngân






HƯƠNG XUÂN CÒN THOANG THOẢNG...

Chúng ta không còn bận bịu nhau nữa...
Anh đường anh và em đã đường em
Cứ mặc nhiên mưa hay nắng bên thềm
Ở bên ấy anh còn vui trăng gió

Em nơi đây như sương bên vạt cỏ
Sớm mai tan - xin tan hết muộn phiền
Năm tháng này dẫu có lắm triền miên
Em cứ thế... để mặc nhiên trôi mãi...

Chúng ta không còn yêu thương đối đãi
Đã lạ nhau từ mắt đến ngón tay
Mùa Xuân đi... vương vấn từng cánh mai
Bay tơi tả mà hương còn thoang thoảng

Lắm lúc em phải tin vào định mệnh
Phải tin rằng gặp gỡ để chia ly
Phải tin mình gạt nước mắt bước đi
Là vĩnh viễn là đã không quay lại

Thế nên chúng ta không là mãi mãi
Hà cớ gì... em khóc giữa cuộc Xuân!

                                Trần Mai Ngân
                                    27-1-2020

READ MORE - HƯƠNG XUÂN CÒN THOANG THOẢNG... - Thơ Trần Mai Ngân

TRƯỜNG TIỂU HỌC PHẬT GIÁO Ở CHÂU ÂU - Thanh Hòa dịch




Trường Tiểu Học Phật Giáo Ở Châu Âu

- Trường tiểu học Chánh Pháp (Dharma Primary School, website: http://www.dharmaschool.co.uk) ở Brighton, Anh quốc đưa ra một chương trình giáo dục học đường hoàn thiện dựa trên Chánh niệm - giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo, cảm thông, tự giác và tự tin. 

Trường tiểu học Chánh Pháp, ở Brighton, là trường tiểu học duy nhất ở nước Anh đưa ra một chương trình đào tạo dựa trên những giá trị Phật giáo. Trường tiểu học tư thục này dành cho trẻ em lớp tuổi từ 3-11 xuất thân từ mọi tín ngưỡng tôn giáo và nền tảng văn hóa, cung cấp một chương trình đạo tạo học đường chất lượng được kết hợp với giáo lý nhà Phật để giúp phát triển khả năng chánh niệm, từ bi và trách nhiệm cộng đồng.

Tuy chỉ là một trường học cộng đồng nhỏ, trường tiểu học Chánh Pháp được vận hành bởi một đội ngũ chuyên nghiệp và tận tâm, ở đó trẻ em được trang bị để trở nên xuất sắc trong một môi trường an toàn, yên ổn và chăm sóc.

Trường này cung cấp một chương trình giáo dục học đường đầy đủ chất lượng như được yêu cầu bởi hệ Đào tạo quốc gia nhưng với tính mềm dẻo và sáng tạo để đáp ứng được những nhu cầu, tài năng cũng như sở thích của trẻ em. Các em phát triển lòng tự tin, nguồn động lực và một niềm đam mê học hỏi giúp chúng học tốt và tạo nên một sự chuyển tiếp thành công lên các trường trung học tư thục cũng như công lập.

Thông qua những nét đặc thù của Phật giáo như thực tập thiền và chánh niệm hàng ngày, giáo viên khuyến khích các em tu tập sự chú tâm, nội quán, trí tuệ và từ bi. Phật giáo không được dạy như một “đức tin” mà như một hệ thống những nguyên tắc và công cụ để sống một đời sống hữu ích và có ý nghĩa.

Chánh niệm cho trẻ em

Ở trường tiểu học Chánh Pháp, chánh niệm được kết hợp như một bộ phận của việc tuân thủ những nguyên tắc Phật giáo. Những buổi họp mặt một hoặc hai phút trong yên lặng hoặc tập thiền, vài lần trong một tuần, được dạy cho trẻ, liên hệ chánh niệm với những hoạt động thường nhật như ăn, làm việc và vui chơi.

Những hoạt động này đã chứng tỏ hữu ích trong việc thực tập kiên nhẫn, từ bi và nội quán. Trong khi thực tập thiền, các em được hướng dẫn nhận diện những suy nghĩ của chúng và ý thức được tâm của chúng di chuyển từ ý tưởng này đến ý tưởng khác nhanh như thế nào. Bằng cách này, trẻ được hướng dẫn để hiểu được năng lực của tư tưởng và cảm xúc cũng như có cơ hội để quán chiếu và biết được chúng phản ứng lại với môi trường và mọi người xung quanh như thế nào.

Trong thời khóa thiền hàng ngày, các em lớn tuổi hơn được bố trí cho nhiều cơ hội để quán sát và thảo luận những kinh nghiệm mà chúng đã tác động lên thế giới nội tâm của các em. Đề tài cho những thời khóa thiền này có thể là những cảnh ngộ không như ý, chẳng hạn, đó có thể là trường hợp chúng không có được cái chúng đòi hỏi, hay là đưa cho chúng cái mà chúng chẳng thích, hoặc chia tách chúng khỏi những người đặc biệt hoặc các con vật cưng.

Các em được dạy quán chiếu trên kinh nghiệm và phát biểu về nó, sau đó chúng thường bày tỏ một vài cảm giác khoan thai hay hiểu biết. Điều này đòi hỏi một tâm thái cởi mở và một sự lắng nghe không có định kiến và nó thường xuyên được học sinh, giáo viên và người tham dự trải nghiệm một cách tích cực và đầy ý nghĩa.

Các giáo viên chú trọng đến phương pháp sống tích cực hơn là một sự sửa lỗi chóng vánh. Để có hiệu quả, điều đó cần được hợp nhất vào trong sự giáo dục của trẻ em như một nét đặc thù, như một bài tập hàng ngày cần được thực hành xuyên suốt khoảng thời gian lâu dài cũng như ăn uống lành mạnh và tập thể dục.

Sau đây là một vài câu hỏi thường được đặt ra từ trang web của trường.

Phật giáo được dạy như thế nào ở trường?

Phật giáo không được dạy như một đức tin mà như một hệ thống các nguyên tắc và công cụ để sống một đời sống hữu ích và có ý nghĩa. Trẻ em học tập Phật giáo nhưng cũng học cả những đức tin khác và các quan điểm của thế giới. Những nguyên tắc then chốt của Phật giáo được dạy một cách thực tế giúp các em hiểu được thế giới xung quanh và hiểu được ý nghĩa của những xúc cảm và rung động trong tâm. Chúng học về quy luật nhân  -quả, nghiệp, hợp - ly, nhân duyên và vô thường. Năm học giới của Phật giáo tạo nên một chuẩn mực đạo đức giúp các em thấy được những việc làm tốt mang lại kết quả tốt như thế nào. Thiền và chánh niệm được dạy như một sự thực tập hàng ngày giúp phát triển nội quán, tập trung và chuyên tâm; những buổi thực hành ngắn gọn hết sức phù hợp với trẻ em và có một tác dụng mạnh mẽ và tích lũy. Sau một thời khóa thiền tập, các em được khuyến khích chia sẻ bất kỳ sự hiểu biết hay cảm xúc nào mà chúng đã trải nghiệm trong suốt bài thiền tập. Các học sinh nhắc lại những buổi tập chánh niệm thường lệ ngắn gọn này như một phần tích cực của quá trình phát triển bản thân. Để tiếp cận thiền về mặt thể chất, chúng tôi vỡ lòng cho các em cách thực tập yoga hoặc giáo dục thể chất để phát triển sự nhận thức về thân - tâm cũng như sự hòa hợp, cân bằng và sức khỏe tốt.

Lợi ích chính của một trường tiểu học mang nét đặc thù Phật giáo là gì?

Chúng tôi tin rằng cùng với sự phát triển lòng tự tin, tự trọng và những kỹ năng xã hội, thông qua sự quán chiếu hàng ngày các em có ý thức trách nhiệm cao hơn và hiểu biết nhiều hơn cho sự đóng góp của bản thân và vị trí của mình trong thế giới. Thông qua việc thực hành này trẻ em hiểu rõ cảm xúc và tình cảm của chúng hơn, và tự tin hơn để thể hiện bản thân một cách có hiệu quả. Những nguyên tắc then chốt như từ bi, chia sẻ, tập trung, kiên nhẫn được dạy như một ứng dụng thực tế của Phật giáo song song với một chương trình giáo dục học đường chất lượng tuân thủ theo tiêu chuẩn đào tạo quốc gia. Nghiên cứu cho thấy rằng tính cách chính và những phản ứng tâm lý của trẻ em được hình thành trong độ bảy tuổi, cách chúng học giao tiếp với những người khác trong thời gian tiểu học là cái biểu kế quan trọng cho tư cách đạo đức ở tuổi dậy thì và trưởng thành. Chúng tôi tin phương pháp của chúng tôi sẽ trang bị cho các em những kỹ năng sống quan trọng cũng như một nền giáo dục học đường đầy đủ - trí tuệ cũng như tri thức.

Con của tôi có thích nghi với hệ thống giáo dục chính lưu sau khi rời trường tiểu học Chánh Pháp hay không?

Về khía cạnh học tập và xã hội, các em hòa nhập vào trường trung học rất tốt. Chúng thường thích thú đối với việc chuyển tiếp lên những thử thách lớn hơn và sự phong phú của chương trình đào tạo ở trường trung học. Chúng tôi đã nhận được nhiều hồi đáp tích cực từ các giáo viên trung học, họ nhận thấy các học sinh từ trường Chánh pháp tự tin, diễn tả tốt và tập trung. Theo lời của một học sinh cũ, “sự khác biệt chính giữa em và các bạn ở trường trung học chính là em có cá tính hơn và vui vẻ hơn trong vai trò của mình.” Phần lớn lớp trẻ của chúng tôi tiếp tục chương trình trung học ở các trường công như Dorothy Stringer, Blatchington Mill và Varndean, tuy một số phải tiếp tục ở trường tư thục và đã đạt được học bổng vào trường đại học Brighton, trường nữ sinh Brighton và Hove, trường Lewes Old Grammar và Shoreham.

Các em có phải ăn chay không? Có phải việc ăn chay được nhà trường truyền bá như một nét đặc thù của Phật giáo?

Trường chúng tôi phục vụ bữa chay như một sự lựa chọn, tuy nhiên, chúng tôi không đòi hỏi trẻ em hoặc gia đình của chúng trở thành những người ăn chay. Chúng tôi dạy các em biết quý mến và tôn trọng tất cả mọi thứ - con người, động vật và trái đất, và dạy chúng biết quan tâm đến phúc lợi của mọi chúng sinh, nhưng vẫn thừa nhận quyền lựa chọn một chế độ ăn chay là thuộc về gia đình hoặc cá nhân các em.

Lễ là gì?

“Lễ” (Pūjā) là tên gọi chung cho nhiều nghi thức cầu nguyện và hiến cúng khác nhau được thực hiện trong tất cả các truyền thống Phật giáo. Từ này (Pūjā) vốn bắt nguồn từ tiếng Phạn cổ chỉ cho hoạt động ‘sử dụng hoa’. Lễ (Pūjā) có lẽ đã được hình thành từ phong tục dùng hoa để cúng dường trong văn hóa Ấn độ nói chung, Phật giáo nói riêng. Ở trường tiểu học Chánh pháp, mỗi lớp thực hiện một buổi lễ ngắn gọn hàng ngày, và vào những ngày Thứ Sáu cả trường tập hợp lại lúc 9 giờ sáng cho buổi lễ hàng tuần. Trong những khóa lễ hàng tuần, phụ huynh và khách cũng được mời tham dự. Những khóa lễ hàng tuần ở trường chúng tôi chính là những buổi họp trường dưới hình thức một buổi lễ Phật giáo và thường bao gồm một bài nói chuyện của thầy hiệu trưởng Peter Murdock về một đề tài nào đó liên quan đến chánh niệm, hay một thời thiền ngắn hoặc đôi khi tụng niệm. Đó cũng là một cơ hội cho học sinh trình bày một số tác phẩm của chúng - mỗi lớp đóng góp mỗi tuần, hoặc kể chuyện hoặc đọc thơ, hoặc trình bày tác phẩm nghệ thuật, hoặc múa hát. Khi học sinh nhập học hoặc ra trường, mỗi em sẽ được tặng một bông hoa trong một buổi lễ đặc biệt để nhắc đến nguồn gốc của nghi thức Phật giáo cổ xưa này.

Thanh Hòa dịch.

(Theo The Buddhist Channel, 2-12-2013)

READ MORE - TRƯỜNG TIỂU HỌC PHẬT GIÁO Ở CHÂU ÂU - Thanh Hòa dịch