Tác giả bài viết Đoàn Minh Lợi
TÌNH
BẠN, TÌNH THƠ TRONG CƠN SAY
Đoàn Minh Lợi
(Viết
tặng anh Lương Minh Vũ)
Tôi gặp Lương Minh Vũ trong đám giỗ đứa cháu ruột. Gặp
anh tôi buột miệng phẩm bình bài thơ “Đêm
say cùng La Thụy” của anh. Nào ngờ anh thích lời bình của tôi. Anh đề nghị
tôi viết thành bài bình thơ. Anh còn dặn phải viết như đã nói trong bữa đám giỗ.
Có nghĩa là giữ nguyên lời khen và lời chê.
ĐÊM SAY CÙNG LA THỤY
Rót
mông lung xuống bôi đầy
Đường
lô nhô bóng, phố gầy guộc đêm.
Trăng
bơi đáy chén trăng mềm.
Thơ
ai gẫy vận bên thềm khuya rơi.
Rót
hỗn mang xuống mộng đời.
Lăn
qua cho hết cuộc chơi khóc cười.
Rót
quạnh hiu xuống cõi người
Sông
xưa cuốn hết xanh tươi dấu nguồn.
Rót
niềm vui xuống nỗi buồn
Dù
mai cuối sóng đầu truông cũng về.
Rót
ta ta chảy tràn trề.
Trăng
say, còn bạn cận kề bên nhau.
Lagi tháng 6 năm 1996.
Lương Minh Vũ
Anh Lương Minh Vũ và anh La Thụy cùng mê thơ và thích
rượu. Hai anh xấp xỉ cùng tuổi. Một thời họ tâm đầu ý hợp. Bài thơ là chứng
tích cho tình bạn tình thơ và… tình rượu.
Bài lục bát 12 câu chia làm ba khổ. 12 câu, 5 lần rót
rượu. Mở đề rót một chung, say ra về rót một chung. Câu lục là rót rượu, cũng
là rót tâm tư, tâm tình. Mỗi tâm tình ứng với câu bát là hiện thực đời người.
i) Ly rượu khai tiệc “Rót mông lung xuống bôi đầy” mờ ảo sương khói và huyền hoặc. Đây
là câu thơ hay, rất hay. Cái tình bạn, tình thơ như mơ hồ mà rất thực. Ly rượu “mông lung” cũng mở đầu đầu cho cái nhìn
về phận đời, phận mình của một thế hệ, một lứa tuổi.
Bài thơ làm năm 1996, lúc đó các anh vừa qua tuổi 40.
Tứ thập nhi bất hoặc (tuổi 40 thì không bị mê hoặc). Có nghĩa là cái mông lung
rót xuống chén rượu là chiêm nghiệm, là nhận thức về cõi người. Không phải cái
nhìn mơ hồ, không phải bốc đồng, và cũng không phải là say vì chỉ mới bắt đầu
rót rượu.
Tôi không thích từ “bôi” trong câu thơ, từ Hán trong lục
bát thuần Việt. Bôi là ly uống rượu. Nhưng có lẽ anh Vũ chịu ảnh hưởng của Đường
thi. “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi” của
Vương Hàn hay “Khuyến quân cánh tận nhất
bôi tửu” của Vương Duy chẳng hạn. Một chút Đường thi rớt xuống lục bát người
yêu thơ âu cũng lẽ thường tình.
“Đường
lô nhô bóng, phố gầy guộc đêm” là cảnh thật, rất đời của
thị trấn Lagi về đêm thời kỳ đầu đổi mới. Cái bóng “lô nhô”, cái bóng “gầy guộc”
nói lên cái nghèo của thị trấn, thể hiện cái bi quan, cái buồn của người làm
thơ, của người uống rượu.
Tôi đọc đi, đọc lại hai câu này nhiều lần mà thấy
thích. Rót sương khói trần gian mơ hồ xuống hiện thực phố nghèo trong đêm trăng
tâm tình cùng bạn thơ, bạn rượu quả thực là tài hoa.
“Trăng
bơi đáy chén trăng mềm”. Câu thơ thật lãng mạn và nhuốm màu
Đường thi. Xưa Lý Bạch ngâm thơ uống rượu, nhảy xuống ôm bóng trăng đáy sông mà
đi vào thiên cổ. Điển tích huyền thoại Lý Bạch và câu thơ Lương Minh Vũ cứ mang
mang vào nhau. Đọc lần một thấy thích, đọc lần hai, lần ba càng thấy thích. Đọc
lần 4 bỗng phát hiện có vấn đề. Khi tôi nói lên điều này, anh Vũ sửng sốt hỏi “có vấn đề gì?”
Tôi cười kể anh câu chuyện Hoài Thanh- Hoài Chân bình
thơ Vũ Hoàng Chương. “Em ơi lửa tắt bình
khô rượu, Đời vắng em rồi say với ai?” là hai câu tuyệt tác trong bài khóc
vợ của Hoàng thi sỹ. Hoài Thanh hài hước cho rằng khi làm xong hai câu thơ, đọc
lại thấy hay không chừng thi sỹ Vũ Hoàng Chương vỗ đùi kêu lên “Ô, tuyệt vời quá” mà quên rằng mình
đang khóc vợ.*
Tôi mượn câu chuyện bình thơ để nói với anh Vũ rằng
câu thơ không thực. Tôi không tin có thực “trăng
bơi đáy chén”, tôi càng không tin rằng “trăng
mềm”. Bởi trừ câu bát kế tiếp, còn 8 câu còn lại của bài thơ tôi không thấy
bóng dáng, dù thấp thoáng, của ánh trăng nơi đáy cốc. Người xưa ngắm trăng, uống
rượu tìm thi hứng làm thơ. Cái thi hứng này chỉ hiện lên khi tâm tư lắng xuống.
Ở đây tâm tư tác giả đang trồi lên mà đòi bóng trăng hiện xuống đáy cốc… e là
khó.
Nhưng nếu xem câu lục của đoạn 2 này cũng như mọi câu
lục khác của bài thơ đều có tính tượng trưng, có tính tiêu biểu để nói lên tâm
tư ở câu bát liền kề thì vấn đề lại khác.
“Thơ
ai gẫy vận bên thềm khuya rơi”. Tôi nói với anh Vũ rằng
2 chữ “gẫy vận” nó trúc trắc và không
hay. Nếu thay bằng bất kỳ 2 chữ nào khác thì câu thơ mượt mà hơn. Ví như “thơ ai dìu dặt, thơ ai thánh thót, thơ ai
ngân vọng… bên thềm khuya rơi”. Anh nhìn tôi gật gật, cười cười.
Anh Vũ từng viết truyện ngắn “Tri Kỷ” đăng trên tạp
chí văn nghệ Hàm Tân. Truyện ngắn này dậy sóng “giang hồ” giới văn nghệ quê nhà một thời. Tôi kể chuyện này để thấy
anh sử dụng tiếng Việt rất nhuần nhuyễn và điệu nghệ. Anh quyết tâm để 2 chữ “gẫy vận” để nói lên cái thực của đêm
say. Khi tôi bình về 2 chữ này, anh La Thụy cười nói “thơ ai gẫy vận này” chắc là muốn nói thơ La Thụy gẫy vận. Dẫu thơ
La Thụy hay thơ Lương Minh Vũ hay thơ của ai đi nữa, thì cái “gẫy vận” của câu thơ làm bóng trăng bên
thềm thêm lung linh. Thơ rơi hay bóng trăng rơi?
Hôm đám giỗ tôi cố tình ghẹo anh Vũ khi bình 2 câu
trên. Câu thơ hay thì không thực, câu thơ thực thì… không hay. Quả thực lúc ấy
tôi chỉ thấy cái hay của câu bát chứ chứ chưa thấy cái hay của câu lục.
Giờ này ngồi lẩm nhẩm đọc 2 câu thơ, tôi phát hiện ra
điều thú vị. Cái vầng trăng ảo ảnh, vầng trăng biểu tượng kia ngộ nhận mình say
mềm bơi trong sóng rượu đáy chén. Nghe thi nhân ngâm thơ gãy vận, bỗng tỉnh thức
quẫy mình ra khỏi chén, rơi xuống lung linh vàng thềm phố khuya.
Bìa sau tập THƠ ĐỜI NGÂN VỌNG do Lương Minh Vũ vẽ
ii) Đương cuộc nhậu, ba lần rót rượu:
- Lần rót thứ nhất:
“Rót
hỗn mang xuống mộng đời,
Lăn
qua cho hết cuộc chơi khóc cười”
Miền Nam thời kỳ trước 1975 là thời loạn lạc. Nhiều
thanh niên miền Nam xem thời kỳ sau 1975 cũng là thời tao loạn. Từ 1975 đến
1977 tôi vừa học phổ thông vừa vác cuốc lên nương với nhiều anh cùng trạc tuổi
với anh Lương Minh Vũ và La Thụy. Nhờ vậy tôi hiểu họ, là những thanh niên mới
lớn với nhiều mộng mơ tuổi hoa niên. Thế sự xoay vần, họ mất phương hướng trước
cuộc đời. “Sinh bất phùng thời” là câu cửa miệng của họ. Tôi nghĩ “rót hỗn mang
xuống mộng đời” là tâm tư thật của nhà thơ sau 20 năm nhìn lại thời trai trẻ của
mình. 20 năm lăn lóc khóc cười là đời thực tác giả. Tôi thích hành xử “lăn qua cho hết” cái “cuộc chơi khóc cười” đời mình của thi
nhân. Vừa nhẫn nại vừa nghị lực. Đằng sau cam chịu là ý chí cầu tiến. Trong cái
bi hiện lên cái hùng.
- Lần rót thứ hai:
“Rót
quạnh hiu xuống cõi người
Sông
xưa cuốn hết xanh tươi dấu nguồn.”
Ly rượu này cũng buồn và bi quan hơn ly rượu thứ nhất.
Ly rượu thứ nhất là nỗi buồn nhiễu nhương thời tao loạn, thì ly rượu thứ hai là
nỗi buồn cô đơn, quạnh hiu. Hai bạn thơ ngồi uống rượu với nhau càng thầm thía
nỗi quạnh hiu. Xuân Diệu nói: “Hai người
nhưng chẳng hết cô đơn”. Bởi đằng sau nỗi cô đơn là nỗi trống trải của kiếp
người. “Sông xưa” đã “cuốn hết xanh tươi
dấu nguồn” thì có còn gì mà vui nữa. “Đời
có còn gì tươi đẹp nữa? Buồn thì đến khóc, chết thì chôn” (Nguyễn Bính).
Hôm kia sư huynh La Thụy copy lại bài viết bình 4 câu
thơ đầu của tôi đăng lên facebook của anh. Nhiều bằng hữu comments rất ngộ
nghĩnh. Có bằng hữu cho rằng tôi không bình thơ, chỉ giải thích từng câu thơ.
Còn tứ thơ của nguyên bài không thấy lời bình đâu hết. Có bằng hữu cho rằng tôi
chê từ “bôi”, từ “gẫy vận” của nhà thơ là không hay, chê câu “trăng bơi đáy chén trăng mềm” là không thật.
Văn chương cốt hay bởi ý tại ngôn ngoại. Đọc thơ người,
văn người phải đọc đằng sau câu chữ. Đọc thơ Lương Minh Vũ cũng vậy.
Bài viết của tôi theo lời đề nghị của anh Vũ là “bình thơ”, nhưng thực chất là bài ký,
bài chuyện kể về bài thơ của anh Vũ. Ký có tính chất phóng khoáng riêng của ký.
Vì vậy có bằng hữu còm về lời bình của tôi rất hay: anh gọi tôi là “người dẫn chuyện”.
Bài thơ của anh Vũ là bài thơ hay. Tôi e sợ rằng nó đã
bị lãng quên trong lòng người. Vì vậy gặp anh tôi cà khịa bình thơ. Hôm đám giỗ
đó thực sự tôi đã gợi dậy nỗi xúc động tâm tư một thời của anh. Bài thơ thể hiện
tài hoa của người lãng tử. Tám câu sau bài thơ anh viết rất cô đọng nỗi niềm
tâm tư của mình. Đọc để giải mã tám câu này đã khó. Đồng điệu cùng tâm hồn anh
còn khó hơn. Nhưng 4 câu đầu bài thơ mới thật sự khó bình. Anh Vũ viết ẩn giấu
tâm tư “Thâm tàng bất lộ”. Tôi đã mượn
lời “chê” để làm bật cái tài hoa của anh. Cám ơn anh Nguyễn Khôi ở Hà Nội đã chịu
khó đọc, chịu khó comment. Anh hiểu được tâm tư nhà thơ và người bình thơ.
Có đôi khi tiếng nói thầm kín ẩn sâu trong lòng không
thể hiện được rõ tình người nói cho người nghe. Vì vậy tôi có thêm đôi lời giải
thích lời bình của mình. Chủ đề bài thơ của anh Vũ là Tình bạn và … tình say.
Trong nội dung bài thơ có xuất hiện tình thơ. Tựa đề bài viết của tôi đầy đủ ba
thứ tình trên. Dẫn giải từng câu thơ bàng bạc các ý trên. Bạn đọc đành chịu khó
đọc vậy. Như khi tôi “giải mã” hai ly
rượu “hỗn mang” với “quạnh hiu” không thấy xuất hiện tình bạn
đâu cả. nhưng bàng bạc trong câu thơ của tác giả, trong lời bình của tôi, tình
bạn vẫn hiện hữu.
Anh Phạm Đức Nhì (Nhi Pham) cho rằng bài thơ này có tứ
hay, ngôn ngữ đẹp, có cảm xúc nhưng chỉ ở tầng 1 và 2 – nghĩa là từ câu chữ và
thế trận. Tôi hiểu anh Nhị muốn nói cái bộ ba tình (tình bạn, tình thơ, tình
say) của bài thơ không vượt qua biểu đạt của lời (con chữ), không vượt qua được
bố cục, kết cấu bài thơ (thế trận, tứ thơ).
Tôi cho rằng ở ba lần rót rượu trong đương cuộc nhậu
này, cái ý thơ vượt ngưỡng tầng 2, leo lên tầng 3 (mà tầng 3 là tầng gì thực sự
tôi chưa rõ ràng lắm, tôi chỉ “ăn theo”
anh Nhị và hiểu mang máng tầng 3… cao hơn tầng 2). Thí dụ như nãy giờ tôi diễn
giải 4 câu thơ của hai lần rót rượu của anh Vũ. Tôi nhìn ra cái mất phương hướng,
cái trống rỗng trong tâm thức của tác giả. Người làm thơ và người bình thơ hình
như không đề cập gì đến tình bạn. Chỉ thấy rót rượu và gặm nhấm nỗi buồn. Nhưng
tình bạn của họ hiện rất rõ. Tôi mượn Tỳ bà Hành của Bạch Cư Dị để làm rõ điều
này. “Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân,
Tương phùng hà tất tằng tương thức”. Phan Huy Vịnh dịch rất hay: “Cùng một lứa bên trời lận đận, gặp gỡ nhau
lọ sẵn quen nhau”. Lương Minh Vũ và La Thụy chắc chắn là “Cùng một lứa bên
trời lận đận”, họ vốn là bằng hữu “đồng thị thiên nhai luân lạc nhân”. Vậy thì
lời của Vũ há chẳng phải là lời của Giang Châu Tư Mã hay sao?
- Rót lần thứ 3:
“Rót
niềm vui xuống nổi buồn
Dầu
mai cuối sóng đầu truông cũng về”
Lần này ly rượu đượm hồng. Thả vui xuống buồn hòa vào
rượu. Nhưng vui là vui gượng? Hay tìm thấy trong buồn có vui. Hay nhà thơ tạo
được niềm vui mới?
Đọc thơ anh đến đây tôi liên tưởng đến 2 tác phẩm của
2 người nổi tiếng: “Mỗi ngày tôi chọn một
niềm vui” của Trịnh Công Sơn và trường ca “Ta Về” của Tô Thùy Yên.
Trong “Mỗi ngày
tôi chọn một niềm vui” của Trịnh Công Sơn, tựa đề bài hát là chọn niềm vui.
Cứ làm như niềm vui có sẵn để ngồi lựa. Nhưng trong ca từ thì niềm vui được tạo
dựng. Tôi xin trích dẫn vài ví dụ niềm vui được chọn trong ca từ bài hát:
“Mỗi
ngày tôi chọn một niềm vui
Chọn
những bông hoa và những nụ cười
Tôi
nhặt gió trời mời em giữ lấy
Để
mắt em cười tựa lá bay
Mỗi
ngày tôi chọn một niềm vui
Cùng
với anh em tìm đến mọi người
Tôi
chọn nơi này cùng nhau ca hát
Để
thấy tiếng cười rộn rã bay
Rõ ràng “mắt em
cười tựa lá bay” không tự có để chọn lựa, mà hệ quả của việc “Nhặt gió trời mời em giữ lấy”. Tương tự
“tiếng cười rộn rã bay” là hệ quả của
hành động “cùng nhau ca hát”. Chọn niềm
vui của Trịnh được hiểu là chọn hành động để có niềm vui.
Trong trường ca “Ta
về” của Tô Thùy Yên, có một khổ thơ nói về niềm vui giữa hằng chục câu thơ
nói về nỗi buồn:
“Ta
về cúi mái đầu sương điểm
Nghe
nặng từ tâm lượng đất trời.
Cám
ơn hoa vì ta đã nở.
Thế
giới vui hơn từ những lẻ loi.”
Rất nhiều bài báo danh tiếng bình về khổ thơ này. Đa số
cho rằng đoạn này ảnh hưởng tư tưởng Phật học. Tôi không nghĩ như vậy. Nhưng ở
bài viết này không bàn chuyện đó. Tôi đang nói về niềm vui trong khổ thơ. Hoa
muôn đời vẫn nở. Bao lâu nay hoa nở cho ta mà ta không hay. Bỗng trong một sát
na bất chợt, Tô Thùy Yên phát hiện hoa nở cho riêng mình. Thế giới bắt đầu vui
hơn. Niềm vui này là niềm vui của giác ngộ, của nhận thức.
Trở lại niềm vui trong câu thơ của Lương Minh Vũ. Niềm
vui ở đâu ra để mà rót xuống rượu? Lương Minh Vũ không phải là phù thủy để vẫy
cây đũa phép tạo niềm vui vô cớ xuất hiện giữa nỗi buồn. Tôi phải tìm đáp án
trong câu bát tiếp theo.
“Dù
mai cuối sóng, đầu truông cũng về”
Anh Vũ mượn hình ảnh mênh mông đầu ngọn sóng của bể cả,
cái hoang vắng của truông trên bờ để khẳng định lời son sắt: “cũng về”. Thú thật tôi đọc câu này nhiều
lần và thấy nó giống với lời hẹn thề.
Giang hồ nhậu thường có lời thề như sau. Tao thề với
mày, à không, tôi thề vời ông: Có chết, tôi cũng sẽ cùng về… nhậu với ông.
Sau những ly rượu bi quan là ly rượu hào hùng. Cái hào
hùng này có pha chút… cường điệu. Chính điều này tôi tin anh Vũ đã say. Say rượu
và say tình bạn. Tôi nhớ ca dao Nam bộ có câu: “Vi vu gió thổi đầu non, mấy thằng uống rượu là con Ngọc hoàng”.
Con Ngọc hoàng mà nhằm nhò gì. Khi say ta có thể làm ngọc hoàng, thậm chí là
cha của Ngọc hoàng.
Nhưng Ngọc hoàng cũng không hóa phép để niềm vui bất
chợt hiện ra đậu xuống nỗi buồn. Niềm vui này vốn đã hiện hữu trong tình bạn của
họ, và họ khẳng định niềm vui này sẽ tiếp diễn tiếp khi cùng …. nhậu. Cũng có
nghĩa là niềm vui được giác ngộ ra khi uống rượu, và họ quyết duy trì tạo niềm
vui bằng cách… hẹn gầy cuộc nhậu.
Nhờ phát hiện tác giả ra say thật (rất nhiều người làm
thơ say mà tỉnh queo), bỗng dưng tôi thấy câu thơ bất chợt… hay lạ thường.
Trong 6 câu này, câu nào cũng hay. Diễn đạt tứ thơ
tình bạn, tình thơ rất hay. Nhưng tôi vẫn ngờ ngợ câu bát thứ hai của ly rượu
thứ hai có vấn đề. Vấn đề ở đây không phải là tứ thơ, là ý tưởng. Vấn đề ở đây
là “thế trận”.
Tôi ví von như thế này, các câu lục của bài thơ là
nguyên liệu, là đầu vào, là input. Các câu bát là sản phẩm, là đầu ra, là output.
Tác giả đã mượn những điều trừu tượng mang tính biểu tượng để hòa vào rượu rót
xuống thực tiển cuộc sống chứa chan tình bạn. Có nghĩa là nguyên liệu thì trừu
tượng, còn sản phẩm thì cụ thể. Bài thơ cuốn hút, hấp dẫn đọc giả cũng nhờ vậy.
Mượn mông lung rót xuống thực tiễn phố phường. Mượn bóng trăng bơi đáy chén rót
xuống câu thơ đang ngâm, mượn hỗn mang mộng đời rót xuống khóc cười cuộc chơi.
Tới ly rượu thứ hai trong đương cuộc nhậu, tác giả mượn quạnh hiu để rót xuống
cái cõi người. Nhưng “Sông xưa cuốn hết
xanh tươi suối nguồn” của cái cõi người này mơ hồ và đầy biểu tượng. Với
tôi, trong hai câu này nguyên liệu thuộc hàng cực phẩm, nhưng sản phẩm thì… bị
lỗi.
iii) Tàn cuộc nhậu:
“Rót
ta chảy xuống tràn trề,
Trăng
say, còn bạn cận kề dìu nhau.”
Lần này cái nguyên liệu để hòa vào rượu rót là “ta”.
Ta là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, ta cũng là tiếng tự xưng, tự nói với
mình, ta cũng để chỉ cái tôi, cái bản ngã của mình.
Rót cái tôi xuống ly rượu. Nhưng rót cái gì của cái bản
ngã. Tôi tin đó là cái tâm, cái tình của tác giả. Anh Vũ là người ôn nhu, nho
nhã, ít khi nổi nóng với ai. Anh chỉ có cái nhược điểm là khi nhậu thì phải nhậu
tới bến, không say không về. Với khí chất chơi tới bến của anh tôi tin câu thơ
này là thực, là anh đang say thực. Anh đang say và anh sẵn mở lòng ra với bạn.
Mở hết lòng mình.
Tôi yêu sự đa thanh, đa nghĩa của tiếng Việt. Với định
nghĩa, “ta” là tiếng tự xưng, tôi tin câu thơ này anh Vũ tự nói với lòng mình,
không phải nói với bạn nhậu. Và nếu đúng như vậy thì câu thơ hay hơn. Khen hay,
bởi niềm tin làm tâm hồn con người đẹp lên. Ở đây là niềm tin “Trăng say, còn bạn cận kề dìu nhau”.
Lời nói thêm cho bài bình:
Cái tựa đề: “Tình
bạn, tình thơ trong cơn say” không chỉ nói về tình bạn của anh Vũ với anh
La Thụy, mà còn là tình bạn của nhà thơ với người bình thơ. Trên trang facebook
của sư huynh La Thụy, có hai người với tuệ nhãn của mình họ đã phát hiện ra
tình bạn của chúng tôi. Đó là anh Nguyễn Khôi và anh Nhi Phạm. Tôi thích lời
bình anh Nhi Phạm. Bình thơ là thú vui tao nhã. Tình bạn phát sinh và duy trì
qua văn thơ là tình bạn đẹp. Bởi đẹp nên anh mới “ké” vào để comments.
Tôi quen biết anh Vũ năm 1995, khi chúng tôi cùng đi bứng
mai về trồng làm cảnh. Tình bạn của chúng tôi dễ được 24 năm.
Hôm đám giỗ đứa cháu. Tôi kể anh nghe chuyện thời sự
sôi động ở “Văn Việt” liên quan đến các nhà văn, nhà thơ nổi danh như Nguyên Ngọc,
Hoàng Hưng, Lê Phú Khải, Hà Sỹ Phu. Tôi dẫn lời Hà Sỹ Phu nói đại ý là bình thơ
bạn bè là khó nhất, nói hết lòng thì sợ mất lòng bạn, nói theo bạn thì thẹn với
lòng mình.
Anh Vũ thích thú với câu chuyện. Anh nói những ngày đầu
mới quen tôi, anh sốc vì những lời nói thẳng khi bình thơ văn. Nhưng giờ này
anh thích được bình như vậy.
Trong men bia hôm đám giỗ. Lâng lâng với tình thơ,
tình người, tôi nhận lời bình bài thơ của anh Vũ. Nhưng trong sâu thẳm, tôi biết
rằng tôi sợ bài thơ hay thấm đẫm tình người bị lãng quên trong lòng thi hữu.
Đoàn Minh Lợi
No comments:
Post a Comment