Tác giả Khê Giang |
KÝ SỰ: VỀ NHỮNG MIỀN ĐẤT HỨA
Khê Giang
Phần 5: Món quà quý giữa Trường
Sơn Đông và buổi hội ngộ những người bạn Sơn Tây.
Bữa cơm chia tay tại nhà sàn được
vợ và con gái A Ji Đeng vào bếp. Các món ăn được bày biện một cách đơn giản
nhưng ấm cúng. Già Đeng và ông cậu cùng ngồi ăn cơm chung với chúng tôi. Qua
chén rượu miền xuôi (do chúng tôi mang theo) ông hồ hởi kể tiếp chuyện buôn
làng, nương rẫy. Già Đeng thay mặt làng cám ơn đoàn “cán bộ” đã đến thăm và tỏ
lời tiếc nuối khi không mời được đoàn cùng uống rượu cần như lẽ thường (do thời
tiết, rượu đã không lên men như ý muốn). Lần lượt bắt tay hai Già làng với lời
chào tạm biệt, cầm đôi tay chai sạm chúng tôi cảm giác thèm và quý cái chân
tình mộc mạc của ông. Ngoài sân từng vạt nắng đang mon men trườn qua hơn phân nửa
mái nhà Rông.
Rời Kon Brap Ju chúng tôi tiếp tục
vượt quốc lộ 24 xuôi về huyện Tây Sơn, Quảng Ngãi. Đến cung đường Trường Sơn
Đông, đèo chỉ xuôi về hướng đổ, thời tiết như cô gái đỏng đảnh, chẳng nói chẳng
rằng, xoay mặt 180 độ, từ sương giá lạnh lùng chuyển ngay qua hừng hực nóng nảy.
Những buôn làng người K Dong lọt thỏm trong thung lũng với những nương cau gầy
guộc, khẳng khiu, những ngôi nhà chênh vênh, hiu hắt. Chúng tôi tranh thủ dừng
xe, bấm máy. Rừng ở đây do hiểm trở nên ít bị tàn sát hơn ở những cung đường
trước, Hai bên đường hoa dại vàng rực lối đi, khung cảnh đẹp rợn người, những
thung lũng, thác nước sâu hoắm, hùng vỹ, hoang sơ, Khác với Quốc lộ 27 và 28 đường
ở đây không thảm nhựa, chúng được đổ hoàn toàn bằng bê tông.
Vừa đổ đèo, xe thắng gấp, các tay ảnh
nhào xuống, chạy như bị ma rượt. Lại một màn săn bắt …ảnh. Cụ bà người dân tộc
đang trên đường hái củi về, với trang phục truyền thống, lưng mang gùi chất đầy
củi, tay chống gậy men theo triền dốc. Một rừng máy bao vây, mắt máy nhấp nháy
liên tục, một thoáng bối rối, chợt hiểu… cụ bà nhoẻn miệng cười, nụ cười hồn hậu
mang đậm chất Tây Nguyên. Với món quà quá bất ngờ, hình ảnh, dáng vẻ tự nhiên,
hoang dã gom vào máy trông đẹp như mơ. Bởi quá hời với món quà này, trưởng đoàn
tuyên bố xếp máy, xả trại nguyên chiều và tối nay.
Sơn tây là một thị trấn nhỏ nằm
phía cực tây của Quảng Ngãi, cách trung tâm thành phố 80km. Phía Tây và Tây Nam
giáp huyện Kon PLông ( Kon Tum); phía Đông và Đông Nam giáp huyện Sơn Hà; phía
Bắc giáp huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Dân số chỉ khoảng 17.000 người tương
đương 1/10 dân số huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu), dân tộc ít người chiếm
93% trong đó dân tộc KDong chiếm 86%, dân tộc kinh chỉ non 7%.
Đến đây cảm giác của du khách thấy
gì cũng nhỏ hẹp. Những căn phố bé tẹo đứng chen chúc men theo sườn núi, khó
lòng để nhét đủ một chiếc xe hơi. Khu chợ trung tâm nằm co ro dưới thung lũng,
kích thước chỉ tương đương một sân bóng chuyền, vì thế nên cũng chỉ đủ nuôi nấng,
bảo bọc dăm ba đứa con: Một quầy giải khát; một quầy giày dép, áo quần; một tiệm
tạp hóa; một gian bán cá lẫn thịt; thêm một gian rau, củ, quả và ….chấm hết. Bệnh
viện đa khoa huyện quanh quẩn chưa được nửa sào đất, nằm day mặt vô rừng trông
như chiếc xe 52 chổ bị trượt bánh xoay ngang đường. Nhiều cơ quan, công sở thậm
chí phải cúi mặt, dựa cả lưng và hông vào núi mới tìm được một chổ đứng ( Theo
thông tin từ TNH, Huyện đang thiếu quỹ đất trầm trọng). Các quán ăn nhậu tại
huyện không hoạt động từ chiều thứ sáu cho đến sáng đầu tuần, do hầu hết cán bộ
công chức đều là dân miền xuôi, họ phải về nhà trong những này cuối tuần. (xin
bật mí: Thu thuế của Sơn Tây chỉ đạt 1 tỷ / năm, bằng 1/800 tổng thu ngân sách
huyện Châu Đức. BR-VT).
Trái với sự chật hẹp của nhà cửa,
đường sá, hai vợ chồng TNH đã tiếp đoàn rất niềm nở với bữa tiệc thịnh soạn. Do
công việc kinh doanh tất bật nên để có đủ mồi màng đãi khách ngoài hai vợ chồng,
chủ nhà đã huy động thêm con cái, bạn bè, kể cả cọc chèo, cọc chống vào bếp.
Bữa tiệc ấm cúng, buổi giao lưu
văn nghệ của đoàn với chủ nhà và những người bạn chí cốt của họ diễn ra sôi nỗi,
hào hứng, những giọt rượu sâm Cao cay nồng đã gột rửa hết cái nhọc nhằn qua mấy
ngày băng đèo lội suối của chúng tôi.
***
Phần 6:
Tâm sự của người “thầy” Nhiếp ảnh
miền xuôi và đằng sau buổi phát thưởng Khuyến học.
Trên đường đến Quảng Ngãi mới hay
tin vị phó chủ tịch của hội VHNT vừa mới qua đời, đoàn quyết định chỉ gặp một
thành viên của hội để tặng quà thay vì tổ chức giao lưu gặp gỡ cùng Ban chấp
hành như dự định. Trước khi rời thành phố, Bùi Thái Dũng người con quê hương Quảng
Ngãi đã đến chia buồn cùng gia quyến. Tiếp tục hành trình đoàn kết nạp thêm
thành viên mới: Trịnh Nhân Hiếu – người thầy giáo đã tiếp chúng tôi tại Sơn
Tây.
Xe xuôi dần về ngoại ô, phố xá
quay đầu lùi lại. Thôn xóm hiền hòa hiện ra sau những lũy tre yên ả, bảng lảng
trong khói lam chiều những con ngõ thiêm thiếp phủ mình trong rơm rạ. Chiều uể
oải trút bỏ đôi vạt nắng còn lại trên cánh đồng đang xác xơ do khô hạn.
Bữa tiệc đón “Anh Hai ” cùng những
người bạn từ Bà Rịa- Vũng Tàu ghé thăm, được người nhà Bùi Thái Dũng bày biện
lên bàn từ sớm. Nhìn những món ăn đặc sản quê hương được chế biến công phu đang
co ro, nguội lạnh nằm chờ trên mâm; nghe những lời chào mời vồn vã thân thương
của các thành viên trong gia đình, chúng tôi cảm thấy mình có lỗi khi để cả nhà
phải chờ đợi, (mặc dù trên cung đường muộn bác tài cũng đã nhấn hết ga). Những
câu chuyện chân chất về tuổi thơ của anh em BTD cứ quặn thắt tâm can mỗi người.
Có ai ngờ với khuôn mặt nghệ sỹ
luôn thường trực nụ cười thân thiện như BTD lại có một tuổi thơ dữ dội đến thế.
Gần bốn mươi năm về trước, việc song thân phụ mẫu đột ngột rủ nhau qua đời giữa
cái đói đang tràn về quê hương đã đẩy anh em của vị nhiếp ảnh gia tầm quốc tế
này (đang còn trong tuổi ăn chưa no, co chưa ấm) phải liêu xiêu, lắt lay trước
giông gió cuộc đời. Đành rằng ai cũng biết quảng thơi gian này cả đất nước đều
còm cỏi trong cái ăn, cái mặc. Cả thế hệ chúng tôi đa phần đều xơ xác, gầy guộc,
tự lăn đi trong nỗi nhọc nhằn của cuộc sống. Nhưng việc năm anh em côi cút đùm
bọc cùng nhau vượt qua khốn khó là điều chẳng dễ dàng gì. Phải chăng chính những
năm tháng bươn chải trong cái nhọc nhằn ấy đã tạo nên một BTD nghiêm túc, chắt
lọc trong sáng tác để hôm nay anh có những tác phẩm để đời.
Để BTD ở lại Quảng Ngãi thăm gia
đình, chúng tôi thẳng tiến về Tiên Phước, Quảng Nam quê hương của Lê Nhật Ánh,
xe căng mắt băng đi trong đêm tối, qua mắt sét những giọt mưa lách tách ngoằn
ngoèo lăn trên cửa kính như khều vào nỗi nhớ của những người phố biển đang lang
thang, phiêu bạt...xa nhà.
Qua một đêm ngủ muộn, những tưởng
tất cả mọi người sẽ được nướng một giấc ngon lành, vậy mà giới săn ảnh đã vác
máy đi tự lờ mờ sáng, bỏ lại giới nhạc sỹ, văn học nằm co quắp chờ ...nắng lên.
Buổi tham dự lễ phát thưởng tại
trường PTCS Nguyễn Du do Lê Nhật Ánh và các bạn đồng môn quê hương Tiên phước đồng
tài trợ diễn ra hết sức trang trọng. Sau buổi lễ những người “đưa đò” vui mừng
đón đoàn như những người con đi xa mới về, những phân cảnh giao lưu tiếp nối diễn
ra. Địa điểm kết thúc cho phân cảnh cuối diễn ra tại một khu vườn cổ thuộc làng
Tiên Cẩm, chủ nhân ngôi nhà chính là mạnh thường quân Kiều Phương Trung, công
tác trong ngành ngân hàng. Trong ngôi vườn tĩnh mịch, hàng trăm cây cau cao vút
duyên dáng xỏa tóc trong nắng hanh vàng, những cây Bòn bon cổ thụ khoe dáng
xanh rợp lối đi, những cây bưởi phơi ngực đong đưa trước gió, những phiến đá trầm
tích nằm ôm nhau như ngủ, những cọng cỏ mượt mà run run...dưới mỗi bước chân.
Do say mê sáng tác, đến nỗi tiệc
đã bày ra nhưng cũng chỉ có một mình chủ nhân loay hoay bên bàn rượu... ai cũng
muốn lôi vào ống kính cái rong rêu, trầm mặc nhưng thanh thoát kiêu sa của khu
vườn cổ. Trong bữa tiệc ấm cúng, như nhập tâm, chủ nhân say sưa kể về những
danh nhân văn hóa, lịch sử của quê làng. Giữa không gian yên ắng cổ tịch, với
giọng kể tròn vành rõ chử (điều hiếm thấy đối với người “quổng Nôm”) hình ảnh
những nhà chí sỹ, danh nhân: Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Vĩnh Huy, Lê
Lượng, Tổng lãnh binh Trần Huỳnh, Danh sỹ Lê Vĩnh Khanh, Nguyễn Đình Tựu..., những
người con ưu tú của dân tộc, của quê hương Tiên Phước như đang nồn nột hiện về.
Trong khoảnh khắc lắng đọng giữa đôi bờ kim cổ, một thoáng se lòng khi nghĩ đến
lớp hậu sinh của các cụ đã lâu rồi vẫn trầy trật loay hoay trước con ngõ hẹp.
Trong chếnh choáng say, những chuyện
kể, giọng ca, lời thơ như miết vào da thịt,. Chúng tôi chia tay KPT trong ánh
vàng ươm của nắng đang nghiêng dần trên khu vườn cổ. Trong cảm xúc mênh mang về
tình người tình bạn, trong cái uy linh huyền diệu của vùng đất thiêng, vùng đất
đã sinh ra những chí sỹ kiên trung, yêu nước.
Kỳ tới: Làng cổ Lộc Yên và những
người thổi hồn vào đá.
No comments:
Post a Comment