Tác giả Khê Giang |
KÝ SỰ: VỀ NHỮNG MIỀN
ĐẤT HỨA
Phần 3: Sau lưng
khúc tình ca Tây Nguyên và sự hóm hỉnh của già làng Đeng
Không có “Giang
sơn, bờ cõi” riêng cho mình, Hội VHNT tỉnh Kon Tum nương náu trong khu phức hợp
gồm nhiều cơ quan thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh. Chức chủ tịch
do cán bộ thuộc chính quyền kiêm nhiệm vì vậy phó chủ tịch được coi như thủ
lãnh của Hội. Cũng còm cõi như bao tỉnh thành khác, nhân sự thường trực cũng chỉ
có năm người, trong đó hết hai người là ngoại đạo (kế toán và thủ quỹ).
Có lẽ thấy sự mỏng
manh ấy nên gia chủ đã huy động 100% nhân sự để tiếp đoàn chúng tôi.
Buổi giao lưu với
hội VHNT Kon Tum tuy thời lượng không dài (vì đoàn còn phải về Kon Rẫy theo lịch
hành trình), thế nhưng các thành viên của Hội VHNT Bà Rịa - Vũng Tàu đã để lại
trong lòng bè bạn những khoảnh khắc lay động, ấm áp, luyến lưu. Cơn mưa chiều
cao nguyên cũng làm cho lòng người miên man, dịu vợi. Chẳng biết ăn nhằm phải
thứ gì mà giữa một chiều cao hứng những giọng đọc, lời ca của các vị khách đến
từ phố biển lại phiêu đến thế, phiêu một cách ngỡ ngàng. Phòng họp đang yên ắng
bỗng vỡ òa. Như một trận cầu giao hữu, biết mình hụt hơi nhưng đội chủ nhà cũng
cố gắng nhiệt tình bươn theo, hai cầu thủ dự bị được tung vào sân để đối trọng
nhưng cả hai đều ngán ngẫm lắc đầu khi chứng kiến những pha bóng quyến rũ, hút
hồn của đội khách.
Bản tình ca “Còn
chút gì để nhớ” của Phạm Duy là tiết mục cuối cùng được trưởng đoàn NVK cất lên
thay cho lời từ tạ. Cả khán phòng sững sờ yên lặng, lời ca như những giọt lòng
se thắt hòa vào tiếng mưa:
Phố núi cao, phố
núi đầy sương
Phố núi cây xanh
trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi
lên đi xuống
May mà có em đời
còn dễ thương.....
..Phố xá không xa
nên phố tình thân
Ði dăm phút đã về
chốn cũ
Một buổi chiều nao
lòng bỗng bâng khuâng
Xin cảm ơn thành
phố có em.....
Còn một chút gì để
nhớ để quên.
Khi phổ nhạc từ
thơ Vũ Hữu Định, Phạm Duy đã không bỏ một từ nào của bài thơ, Có lẽ vì thế nên
khi thể hiện ca khúc, NVK cũng đã không để rơi một ca từ nào của bản nhạc. Có
rơi chăng là rơi vào người nghe những giọt lòng sóng sánh, mênh mang. Cô gái ngồi
đối diện thẩn thờ, cúi mặt cố giấu những giọt mưa rưng rưng trên khóe mắt...Đọc
được sự xúc cảm, quyến luyến, tiếc nuối của chủ nhân, nhưng đã đến giờ lên đường,
chúng tôi đành phải chia tay sau những ánh nhìn bịn rịn và những cái bắt tay
giã từ....
Rời thành phố Kon
Tum, men theo Quốc lộ 24 khoảng 40 km chúng tôi đến làng Kon Brap Ju. Đây là
buôn làng của dân tộc Ba Na Ji Lâng. một điểm đến hấp dẫn được chủ quán
Evacoffee giới thiệu. Qua liên lạc điện thoại, chúng tôi đứng chờ Đeng tại một
góc đường của thị trấn Đắk Rve bên cạnh chiếc cầu treo dây văng bắc qua dòng
sông xanh ngắt, Chiều đã xuống thấp, Những tay máy tản ra tranh thủ tác nghiệp
trong thời gian chờ đợi.
Nhìn dáng vẽ thoăn
thoắt được cuộn trong chiếc áo mưa và chiếc nón che sụp nửa khuôn mặt chúng tôi
nhầm tưởng người đón chúng tôi là một thanh niên được già làng cử đến, thế
nhưng sau một hồi hỏi chuyện mới ngẫn người khi biết đây chính là già làng Đeng
với tên đầy đủ là A Jin Đeng. Xe chậm chạp bò theo lối dẫn đường của ông, con
đường vào làng ngập ngụa bởi những hố nước sâu. Một vũng nước mưa án ngữ gần hết
lối đi, mặc dầu kỹ lưởng cho người thám thính trước khi vượt qua, nhưng chiếc
Tank vẫn bị sa lầy. Tiến không được, lùi chẳng xong, những chiếc bánh xe quay
tròn bắn nước tung tóe...trong vòng quay bất lực. Thời gian chậm chạp trôi, phải
đến khi các tài xế hội ý thống nhất phương án và huy động toàn lực lượng xuống
hiện trường “ thúc ép” chiếc Tank mới chịu nhúc nhích sau cả buổi lì lợm cúi mặt
nằm vạ trên đường. Cả đoàn hối hả lên xe, tất cả đều lấm lem bùn đất nhưng phấn
chấn khi vừa trút được một gánh nặng..
Với vốn tiếng kinh
chuẩn và rành rõi, lại am tường về đời sống văn hóa của dân tộc mình. Già A Jin
Đeng đã vui vẻ tiếp chuyện và giải thích cho chúng tôi về những phong tục tập
quán của dân tộc Ji Lâng. Tự hào khi kể cho chúng tôi về lịch sử của làng, ông
A Jin Đeng cho biết: người Ba Na Ji lâng (hay còn gọi là Ba Na Jơ Lưng) ở vùng
Kon rẫy này, trước đây định cư ở tận vùng An Khê (Gia Lai), …do chỉ là một bộ tộc
nhỏ nên thường bị các bộ tộc lớn khác đuổi đánh, phải chạy giặc liên miên, cùng
với tập quán du canh, du cư nên liên tục thay chổ ở, phải đến gần ngày thống nhất
đất nước, làng mới định cư làm ăn, sinh sống ở đây cho đến ngày nay.
Qua phong thái
nhanh nhẹn, hoạt bát cùng lối kể chuyện hóm hỉnh trông A Jin Đeng trẻ hơn cái
tuổi sáu ba của mình. Thấy ông vui và hòa đồng chúng tôi kể cho ông câu chuyện
“ Cửu chương chín” đang lưu hành của người miền xuôi và coi đó như thước đo quy
chuẩn về số lần sinh hoạt gối chăn. Khi đọc chín sáu bằng năm bốn, nghĩa là năm
tuần ông phải gieo sạ bốn lần, nghe đến đây ông khoát tay cười: bốn lần thì ít
lắm, gieo thế thì có lúa đâu mà gặt... chúng tôi lăn ra cười và rất tin là ông
không nói vống.
Trước khi tạm gác
câu chuyện để đoàn nghỉ qua đêm, ông cẩn thận nhắc chúng tôi có mùng ở nhà bên
ai cần mùng thì qua lấy, LNA Tức khí xuất khẩu: “ Chúng tôi ngủ chẳng cần mùng/
chỉ cần cái thứ khùng khùng điên điên”. Ngỡ câu nói đùa ấy ông sẽ không hiểu, vậy
mà ông cất lên một tràng cười sảng khoái rồi trả lời bằng chất giọng hài hước: ở
dưới xuôi kia thì nhiều chứ ở đây không có cái đó. Cũng từ đây thuật ngữ “khùng
khùng điên điên” được cả đoàn coi như câu cửa miệng suốt dọc hành trình khi khuấy
động về nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì về đề tài yêu đương.
KÝ SỰ: VỀ NHỮNG MIỀN
ĐẤT HỨA
Phần 4: Làng Kon
Brap Ju, điểm đến tuyệt vời của những người thích du lịch xanh
Chúng tôi qua đêm
tại ngôi nhà sàn của A Jin Đeng, mọi người mạnh ai nấy ngủ, cái se lạnh của cao
nguyên trộn với sự rã rời sau một ngày quần thảo cùng sình lầy và bia rượu đã
quăng chúng tôi vào giấc ngủ sâu. 2g30 sáng, nửa tiểu đội lóp ngóp đội mền bò dậy,
ngoài trời lóng lánh ánh trăng, bếp lửa nhà sàn vẫn âm ỉ
cháy. Khều lửa, sắp củi lên bếp, phì phò thổi, lạch bạch quạt. Lì lợm một hồi
ngọn lửa cũng cựa mình bùng lên, chiếc ấm sần sùi muội khói khọt khẹt thở, những
tách cafe hòa tan bốc khói tỏa mùi quyến rũ. Vừa nhấm nháp cafe, anh em ngồi
vây quanh nghe BS kể chuyện thú rừng... chuyện rơm rẫy, ruộng vườn, rồi chuyện
“ khùng khùng, điên điên”. Không biết do sự chênh chao, hoang lạnh của núi rừng
hay cái giọng kể bùi tai của gã mà cả đám như bị hút theo câu chuyện.
Gà đua nhau gáy dồn
vào canh cuối, ngoài trời bàng bạc sương. Điệp khúc lập lại như lúc đi ngủ, mỗi
vị cầm máy tản đi một nẻo, mạnh ai nấy kiếm mồi. Đi săn ảnh cảm giác chẳng khác
gì như đi ăn trộm hay đi rình chuyện người lớn của trẻ con: rón rén, rình mò,
lê lết, nhếch nhác như thằng điên, chẳng trách gì khi người cao nguyên gọi tay
ảnh săn sương cự phách ở Đà Lạt là Phước Khùng. Vị BS đi theo đoàn cũng chẳng
kém phần bụi bặm, chỉ có chiếc I phone 5 cùi bắp vậy mà cũng bò trườn từ đầu
buôn cho đến cuối rẫy (có điều gã cẩn thận dặn trong đoàn đừng giới thiệu cho
ai về chức vụ của gã... vì sợ nghe ra người ta sốc).
Chẳng điên sao được
khi đứng trước ống kính là phong cảnh hút hồn của làng Kon Brap Ju. Vắt mình
qua dòng sông rộng chừng 100 mét, chiếc cầu treo chênh vênh lay động hồn người.
Mỗi bước đi chỉ cần khẽ chạm vào da thịt... là nó đã chao lòng, run rẩy, đong
đưa. Con sông xanh rờn ôm từng phiến đá vào lòng, lao xao, phập phồng giữa mùa
nắng hạn. Ngôi nhà Rông trầm mặc, đứng uy nghi như hình tượng bất khuất của vị
thần lửa trong sử thi Tây Nguyên. Chưa hết! trong lòng nó còn chứa chất nhiều vật
dụng rất ấn tượng: cung tên, đầu trâu, sừng hươu, xương hàm, nanh heo. Vết tích
của tục hiến sinh vật thiêng có từ thời trước.
8g00, thời gian
sáng tác ngoại cảnh chấm dứt, dằn bụng chớp nhoáng bằng khẩu phần xôi miền cao
( thơm, dẻo, bùi, ngon..) cả đoàn xắn tay vào công việc dựng cảnh chuẩn bị cho
phần thâm nhập “nội y”. Phông nền là ngôi nhà sàn của A Ji Đeng, nhân vật trung
tâm chính là hai cậu cháu của già làng. Tất bật như đoàn làm phim, đạo diễn
chính là nhiếp ảnh gia cự phách BTD. Do buổi sáng cao nguyên mặt trời dậy trể,
không đủ ánh sáng để bấm máy, phải dùng đèn chiếu, vì vậy những ai không tác
nghiệp được bố trí làm nhân viên khói lửa, anh sáng, hậu đài... Đoàn say sưa
sáng tác đến nỗi diễn viên cũng thấm mệt, ông cụ - một trong hai người mẫu lăn
đùng ra ngủ bên bếp nhà sàn, trong ánh lửa bập bùng, nhìn gương mặt ông trông hồn
nhiên như đứa trẻ mới lên ba.
Qua một buổi giao
lưu, sáng tác, được thưởng thức, được thu vào ống kính một thung lũng yên bình,
hoang sơ, được chìm đắm trong không gian văn hóa, tín ngưỡng tâm linh độc đáo ở
làng Kon Brap Ju, được tiếp xúc với già làng A Jin Đeng và người cậu ruột của mình,
chúng tôi như đang ruổi rong, lần tìm về quá khứ. Cảm giác nghe trong lòng như
có tiếng thì thầm của đất, tiếng hú gọi của cha ông từ ngàn xưa vọng lại.
Kỳ tới: Vô tình
tìm được của quý giữa Trường Sơn Đông và buổi hội ngộ những người bạn Sơn Tây.
No comments:
Post a Comment