Khê Giang
KÝ SỰ: VỀ NHỮNG
MIỀN ĐẤT HỨA
Phần 1: NHỮNG CUNG
ĐƯỜNG ĐẦU TIÊN
Đúng 7g30, xe lăn
bánh rời Châu Đức, cõng trên mình lỉnh kỉnh những trang thiết bị, máy móc của
dân nhiếp ảnh cùng non tiểu đội “Chi hội VHNT Châu Đức” chiếc “tank” 12 chỗ len lỏi qua những con đường tắt: Hòa Long- Láng Dài – Đất Đỏ - Bà Tô (ghé đón
anh Bùi Ngọc Phúc, chi hội VHNT Xuyên Mộc) sau đó nhắm hướng Bình Châu qua quốc
lộ 1A xuyên về Bình Thuận. Lăn theo quốc lộ 1A chưa kịp nóng chân chiếc “tank”
rẽ trái tiến về Di Linh theo Quốc lộ 28.
Qua khỏi ga Ma
Lâm, phía trước đồi núi, mây trời cao nguyên đang kiểng chân đứng nhìn, từng
hàng cây, phiến đá lấp ló, tò mò trông đám người miền xuôi với cái nhìn ngơ
ngác. 12g00 đoàn tiến vào Gung Ré, cao nguyên Di Linh từ từ hiện ra với dáng đứng
chênh vênh, khuôn mặt hút hồn, cái nhìn sâu thẳm loạng choạng lòng người. Còn
đường hẹp, ngoằn nghoèo, vắng lạnh, nhưng cái cùi chỏ như chực chờ lòng người
vô ý….
Rạo rực với cảnh
hùng vỹ của núi rừng Di Linh, các thành viên thi nhau bấm máy kể cả các tay ảnh
không chuyên. Khó ai có thể bỏ lỡ những cơ hội sáng tác hoang dã, ấn tượng thế
này. Hai tài xế của đoàn cũng là hai nghệ sỹ nên họ lái xe như xiếc, bay bổng,
biến hóa...phiêu diêu.. Là dân phượt cả nên chẳng mấy ai để tâm, cũng may trong
đoàn không có bóng hồng nào, nếu có chắc hẳn sẽ có những tiếng la hét thất
thanh, còn không cũng phải đành lòng nhắm mắt ..đưa chân.
Một quán cà phê được
treo trên lưng chừng đèo có bảng hiệu hẳn hoi: “Café Đa- Kơnia”. Chiếc “Tank”
nghiêng lưng, tấp sát lề phải đổ quân xuống hiện trường để đoàn tham quan cây
Kơnia cổ thụ với lời đùa: sợ ngày mai sẽ không còn cây Kơnia nào để ngắm. Như lời
vận vào cây, khi đến nơi đoàn mới phát hiện ra cây Kơ nia cô đơn kia đang bị
cây Đa ôm chặt từ chân cho đến ngực, đây chẳng phải là một hình thái cộng sinh
như những loài thực vật khác mà là một sự bức tử đến từ phía cây Đa. Với những
vòng tay xiết chặt như chú trăn Anaconda chẳng bao lâu cây Kơnia kia sẽ từ từ tắt
thở, lụi tàn. Tạm biệt hai vợ chồng chủ quán người gốc Hà Tỉnh với những câu
chuyện, lời chào trìu mến, đoàn tiếp tục lên đường.
Bữa cơm trưa quá
giờ tại Di Linh ai cũng cảm nhận ngon hơn món ăn Trạng Quỳnh đãi Chúa, chỉ một
loáng đã sạch nhẳn, thời gian không kịp cho những toan tính thường thức của da
dày về việc nghỉ ngơi sau bữa. Hướng về Đức Trọng theo quốc lộ 20 sau đó đoàn rời
Lâm Đồng rẽ trái tiếp tục tiến quân về Dalk lak theo quốc lộ 27. Không heo hút,
mỏng manh như quốc lộ 28, nhưng quốc lộ 27 qua mặt bạn nhiều lần về độ quái của
đèo dốc và hun hút vực sâu. Con đường trông như sợi dây cáp điện thoại vắt vẻo
mắc qua những hàng cây, chiếc xe bám gót trườn đi trong sự uốn lượn của núi rừng,
có những quảng đường, lòng người như chùng lại: rát buốt, quặn thắt, thảng thốt
nhìn những thân cây ngã gục, những lòng suối trơ đáy. Sự bức tử của con người đối
với rừng quá kinh khủng và tàn bạo. Hành trình đi tìm cái đẹp của những người cầm
máy, cầm bút… bất chợt bị những nhát roi thiên nhiên quất vào mặt nghe bầm tím
xa xót tận tim, tất cả đều im lặng lắc đầu.
Mưa bất ngờ ập xuống,
xe vẫn lao đi, ánh mắt bác tài dán chặt xuống đường, không dám chớp, cái gạt nước
hì hục lau mỏi tay, nhìn hàng cây hai bên đường sũng nước đứng run rẫy giữa cái
lạnh cao nguyên mọi người bất chợt nhớ về Châu Đức, xứ sở của đoàn quân đang từng
ngày, từng giờ rát mặt, gồng mình chờ đợi những cơn mưa đầu mùa.
Qua khỏi Đam Rông,
trời ráo hoảnh, huyện Lak hiển thị trên smart phone, vẫn là những cung đường gập
ghềnh, khúc khủyu. Hồ Lăk lấp loáng nhảy múa trước mắt. Dừng lại, dừng lại!.
Nhiều mệnh lệnh đồng thanh phát ra, xe thắng gấp trên nền cầu, toàn đoàn phóng
xuống đường với vũ khí lăm lăm trong tay ....nhưng không kịp nữa rồi! mặt trời
đã trườn xuống bên kia sườn núi. Một cảnh hoàng hôn rực rỡ trên hồ Lăk đã bị vuột
khỏi tầm tay, mọi người đành chia nhau gom nhặt những mảng lờ mờ được mặt trời
bỏ lại trên mặt hồ một cách tiếc nuối.
Tiếp tục hành
trình, Buôn Mê Thuột đang trôi dần vào giấc ngủ, xe lướt qua thành phố trong
cái đói cồn cào, cả đoàn tạm qua đêm tại Buôn hồ sau một bữa ăn muộn…
Đón đọc phần 2:
“Vương quốc” hào nhoáng và những ngừời giữ hồn cho lửa.
&&&
KÝ SỰ: VỀ NHỮNG
MIỀN ĐẤT HỨA
Phần 2: “VƯƠNG QUỐC”
HÀO NHOÁNG VÀ NHỮNG NGƯỜI GIỮ HỒN CHO LỬA
Những tưởng Pleiku
chỉ quyến rũ bởi môn túc cầu, với học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal
JMG, nơi có dàn cầu thủ “nhí” Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn… và những trận cầu
chật kín khán giả, lay động lòng người. Thế nhưng điều làm chúng tôi ngỡ ngàng:
thành phố đang khoác lên mình chiếc áo choàng mới lạ. Phố núi điệu đàng khoe
mình bởi một rừng... xe. Hàng hàng, lớp lớp những chiếc xe hơi thuộc phân khúc
sang trọng của các hãng nỗi tiếng ken đầy lối đi, tìm được chổ đậu xe tại trung
tâm thành phố là một điều không dễ dàng. Phải mất gần dăm phút, sau một hồi
loay hoay, khép mình chiếc “Tank” biển số 72A bụi bặm mới chen được một chổ đậu
khiêm tốn bên góc đường.
Chưa hết ngạc
nhiên! Đến giờ anh em văn nghệ Pleiku hẹn mời café sáng, đặt chân vào quán, chúng
tôi cảm giác như bước vào một biệt điện, không gian thoáng đãng, sang trọng,
ngoài hương vị đậm đà của café cao nguyên, chúng tôi bị thôi miên trước những
tà áo dài màu Bordeaux duyên dáng, lịch lãm của những tiếp viên. Đã đi qua nhiều
“thủ phủ” của các tỉnh thành với những quán cafe được đầu tư khủng, nhưng đẳng
cấp và phong cách phục vụ là một điều khó có thể so bì ở đây. Đẹp, quý phái,
thân thiện là điều chúng tôi không thể kiệm lời với những “siêu mẫu” của quán
cà phê phố núi nầy (xin không nêu tên quán vì sợ hiểu nhầm đang quảng cáo).
Chia tay những người
bạn Gia Lai, chúng tôi theo quốc lộ 14 xuôi về Kon Tum, vùng đất được cho là “Ba
quốc gia nghe một tiếng gà gáy sáng”. Lần theo thông tin của những người bạn,
chúng tôi tìm đến tác nghiệp tại quán Evacoffee.
Nằm yên ắng dưới
những hàng cây um tùm hoang dại, Evacoffee như lọt thỏm giữa rừng sâu, chủ nhân
là một họa sỹ kiêm điêu khắc gia đã ngoài sáu mươi, anh thiết kế quán theo kiến
trúc xanh- một mô hình thân thiện với thiên nhiên, điều đáng nói là trong lòng
quán vị chủ nhân đã sắp bày một “rừng” tác phẩm nghệ thuật do anh sáng tác.
Phong phú và đa dạng về nội dung, hầu hết các tác phẩm được sáng tác theo hai
thể loại và hai chất liệu hoàn toàn khác nhau: đó là nghệ thuật tạc tượng gỗ
truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên và những tác phẩm sắp đặt trừu tượng với
nguyên liệu được tìm kiếm từ những kim loại phế thải.
Dưới bàn tay điêu
luyện của anh, những khúc gỗ vô tri trở thành những bóng dáng, hồn cốt của Tây
Nguyên, chúng lung linh nhảy múa qua từng chân dung tác phẩm. Với vật liệu là
khí tài của cuộc chiến còn sót lại: những chiếc nón sắt hoen rỉ, nằm yên úp mặt;
dăm bảy mảnh bom quắt queo, ố màu tử khí; đôi ba khoanh kẽm bùng nhùng đen đũi,
lạnh lùng; đôi trái mìn claymor lổ chổ vết thương… Qua nghệ thuật sắp đặt anh
đã kết tạo nên những hình tượng đắt giá, đầy tính biểu trưng, tất cả đều mang nặng
hồi ức của một cuộc chiến đau thương, tàn khốc. Những vật dụng, nông cụ được
bài trí theo nghệ thuật cách điệu, những lối đi, hàng cây được uốn nắn sắp đặt
hòa quyện với thiên nhiên.
Tất cả kho tàng
trên đều được diện kiến trong ống ngắm của những nhiếp ảnh gia hăm hở đến từ
thành phố biển.
Chắc cũng lâu lắm
rồi mới có người cảm nhận, chia sẻ, tâm sự về những đứa con mang nặng đẻ đau của
anh, việc chạm đúng vào ruột gan, làm anh vỡ òa trong hạnh phúc. Anh phấn chấn,
niềm nở, thân tình tiếp chúng tôi như những người ruột thịt từ xa mới về, kể
cho chúng tôi nghe về núi rừng Tây Nguyên, về công việc hướng dẫn khách Tây đến
Kon Tum du lịch, qua câu chuyện chúng tôi thật sự thán phục cách làm du lịch của
vị trí thức này, nhất là mảng du lịch khám phá. Với tư duy sáng tạo sâu sắc và
tính phóng khoáng của người nghệ sỹ, chúng tôi tin: bất kỳ ai, cho dù họ là những
vị khách khó tính nhất khi đã đến đây chắc hẳn sẽ lần tìm… trở lại.
Gọi tiếp viên châm
thêm cho đoàn hai ấm trà ngon nhất, anh tiếp tục kể cho chúng tôi về huyền thoại
Tây Nguyên, đặc biệt là hình tượng ngọn lửa thiêng, ngọn lửa núi rừng....Không
bí ẩn như ngọn lửa công viên Chestnut Ridge trong khu bảo tồn Shale Creek ở Bắc
Pennsylvania; Không kỳ dị như ngọn lửa trong đền Jwalamukhi ở Ấn Độ hay huyền
hoặc như ngọn lửa bất diệt Baba Gurgur ở Iraq, ngọn lửa Tây nguyên mang tính sử
thi sâu sắc và thấm đẩm tính dân tộc.
Ngọn lửa, hay là bếp
lửa theo cách gọi của dân tộc Tây Nguyên là nơi thiêng liêng, được nằm ở vị trí
cao quý nhất của ngôi nhà, người Tây Nguyên coi lửa là nguồn gốc của hạnh phúc,
biểu hiện sự no đủ, lửa giữ ấm ngôi nhà, hong giữ thức ăn dành lại, lửa chống lại
muỗi vắt... kể cả các loài thú dữ. Bếp lửa là hiện thân của cuộc sống vợ chồng,
là nơi giữ gìn hạnh phúc lứa đôi từ thế hệ này sang thế hệ khác, bếp lửa ở gian
khách luôn đỏ suốt đêm ngày, nó là “con cúi” cho gia đình mang theo lên rẫy nấu
nướng, mồi thuốc....phát nương.
Nói đến ngọn lửa
thiêng, người dân Tây Nguyên không thể quên nói về củi, một số dân tộc vẫn còn
phong tục giữ đóng củi làm lễ hứa hôn, Người con gái khi lên tuổi mười ba, mười
bốn phải biết mang củi về nhà mỗi khi đi rẫy. Củi được chọn để dành là loại củi
tốt, khi cháy thường ít khói và cho nhiều than hồng, cứ thế đống củi lớn dần
theo năm tháng. Khi lấy chồng, cô gái cũng được chia một phần củi mang theo về
nhà chồng... Số lượng củi tỷ lệ với sức khỏe, sự siêng năng và tình yêu của cô
gái...
Qua không gian bài
trí của Evacoffee cùng câu chuyện của người kể về huyền thoại Tây Nguyên chúng
ta dễ nhận ra: việc phát triển ngành công nghiệp không khói hay vấn đề bảo tồn
văn hóa dân tộc ở Việt Nam không chỉ là những lễ hội hoành tráng hay những dự
án, kế hoạch tiền tỷ mà cần phải có những con người trí thức đúng nghĩa như chủ
quán Evacoffee. Với tâm huyết cháy bỏng và những công việc thầm lặng, anh chính
là những người nâng niu gìn giữ bản sắc dân tộc, người giữ lửa cho những buôn
làng Tây Nguyên.
Kỳ tới: Sau lưng
khúc tình ca Tây Nguyên và sự hóm hỉnh của già làng Đeng.
Khê Giang
(Chi hội VHNT Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu)
No comments:
Post a Comment