Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, July 21, 2019

NGƯỜI KHƠI NGUỒN SỰ HỌC CỦA LÀNG - Phan Dương Thy


Tác giả Phan Dương Thy


NGƯỜI KHƠI NGUỒN SỰ HỌC CỦA LÀNG
Phan Dương Thy

Xem lịch sử khoa bảng tỉnh Quảng Trị, thời phong kiến, Nhĩ Hạ-làng tôi có 4 dòng họ Phạm, Nguyễn, Phan, Trần, chẳng thấy ai đỗ đạt tú tài, cử nhân. Tôi lớn lên nghe dân làng truyền nhau cái câu: "Họ Phạm làm quan, họ Phan đi kiện, họ Nguyễn đi mần, họ Trần chực ăn" (tôi sẽ lý giải câu này sau). Thời phong kiến, không có ai học hành đỗ đạt thì làm quan gì? May ra làm Chánh tổng, Lý trưởng! Khoảng năm 1910, ông nội tôi, ông Trần Hòa và ông Trần Giáp là 3 trò khóa của làng đã được tham dự kỳ thi khảo hạch toàn tỉnh (Trò khóa chuẩn bị thi Hương) và làm thầy giáo làng.
Đến giữa thập niên 1930, có một chàng trai thanh mảnh, tuấn tú làm nghề thợ may ở Phong Điền (Huế), bén duyên với cô gái Nguyễn Thị Đỉu, xinh đẹp nhất làng. Chàng trai ấy đã ở lại quê vợ để lập nghiệp. Người đầu tiên làm nghề thợ may, có học đã dạy cho nhiều thế hệ học trò ở quê tôi là cụ Trần Đình Trọng. Cụ là người rất chú trọng đến sự học. Các con cụ anh Trần Đình Liên, Trần Đình Bá đều được gởi vào tỉnh, vào Huế học và là những người đầu tiên có học vị tiến sĩ của làng. Các anh chị Trần Thị Sâm, Trần Đình Cương, Trần Đình Quy, Trần Thị Kim Thược, Trần Đình Nhơn, Trần Thị Kim Thu đều có bằng Thành Chung, Tú Tài, Cử nhân. Con cháu cụ hiện nay có hơn 100 người học hành thành đạt ở trong nước và nước ngoài.
Thời bé, tôi hay theo mẹ và các anh ra nhà cụ may đồ, có 3 điều tôi rất ấn tượng khi đến nhà cụ. Đó là sự sạch sẽ, gọn gàng ngăn nắp. Cả làng tôi, đàn ông ai cũng đi chân đất và 5 ngón chân xòe ra như nan quạt. Riêng ngón chân cái thì kều ra. Còn cụ, chân khi nào cũng đi guốc mộc và ngón chân cái quặp vô. Những người cùng thời với con cụ chỉ học tới Sơ học yếu lược, hoặc có bằng Tiểu học (hầu hết mù chữ); các con cụ đều có bằng Thành chung trở lên.
Thuở bé, đầu trần chân đất thấy các anh chị con cụ đi học trường Nguyễn Hoàng ở trong tỉnh, cuối tuần đạp xe về chạy trên đường làng, anh chị nào cũng trắng trẻo và xinh đẹp. Con trai, con gái làng tôi ai chẳng thầm mơ ước. Quê tôi gần chục làng chỉ có một trường Tiểu học Nhĩ Hạ. Nhà cụ có 5 gian thì 2 gian để dành cho thầy cô ở trọ miễn phí.
Tíếp nối các con cụ, những năm 50, 60 có các chú Phan Dương Linh, Phạm Thái Học, Phan Châu cũng học hết lớp Thành chung, rồi anh Nguyễn Hữu Xê, Trần Hiển học đến Tú tài I, anh Trần Hành, Phạm Văn Trọng Tiến sĩ, anh Phạm Văn Mai, Trần Thái Bình Tú tài toàn phần, Chú Phan Bắc, cử nhân giáo khoa toán, anh Nguyễn Bảo kỹ sư điện tử. Sau năm 1975, do thời cuộc biến động, lứa chúng tôi tiếp tục theo học cũng chưa nhiều.
Đến nay, làng đã có hàng trăm cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ sống lưu lạc khắp nơi trong và ngoài nước. Có cháu đang dạy tại một trường đại học y danh tiếng ở New york, chưa có điều kiện để thống kê.
Gia đình cụ Trần Đình Trọng là một tấm gương sáng về sự hiếu học. Gương ấy đã kích thích, tạo động lực cho các thế hệ dân làng noi theo, vượt khó cho con học hành. Anh em tôi cũng được soi gương học ấy mà ngoi lên. Cụ là ngọn gió ngọt lành đã thổi bùng lên cái sự học của làng. Bởi nếu không có người khởi phát, nêu gương thì không tạo nên truyền thống và lịch sử.
Là một trong những người con được sinh ra và lớn lên từ làng quê Nhĩ Hạ, dù sống xa quê, nhưng tôi luôn mang trong tim cái nghĩa tình, cái hồn quê hương canh cánh bên lòng. Lúc nào cũng trân trọng cái sự học và biết ơn tiền nhân. Mỗi lần về quê, đi qua cái chợ chiều Nhĩ Hạ là hình ảnh về ngôi nhà có hàng cây râm bụt được cắt xén, một ông già nho nhã với bộ đồ bà ba trắng hiện lên. Trong tôi dấy lên sự ngưỡng mộ, tự hào, trân trọng, biết ơn về sự học của một gia đình.
21/5/2019
Phan Dương Thy

****
Đinh Thị Hiệp gởi đăng.


No comments: