Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, June 16, 2019

CÔ GIÁO TÔI : NGUYỄN THỊ MỸ ANH - Phan Dương Thy



  
       Cô giáo Mỹ Anh và học sinh cũ  Phan Dương Thy


CÔ GIÁO TÔI - NGUYỄN THỊ MỸ ANH

Ấn tượng của tôi về cô là nụ cười hiền và chất giọng Quảng Ngãi dịu nhẹ. Chẳng ai biết cô là gái Huế chính tông... Tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn Năm 1971, cô ra trường và được phân công về dạy tại trường Trần Quốc Tuấn... Sau năm 1975, cô theo gia đình vào Bình Tuy và dạy tại trường THPT Hàm Tân. Năm 1980, cô chuyển ra dạy học tại Phan Thiết. Năm 1990 cô vào Sài Gòn làm trợ lý cho một công ty nước ngoài. Năm 2017 cô về hưu và lên núi rừng Suối Tiên lánh xa cõi tạm, tu thiền. Con gái tuổi Canh Dần, sang số, lận đận đường tình, gian nan phận người, đa mang, chỉ phát triển sở học, không vượng đường quan.(Coi giùm cô một quẻ)
Tôi may mắn được học môn Anh văn với cô suốt 3 năm ở trường THPT Hàm Tân. Vì lớp tôi là lớp chuyên văn, nên Anh văn là ngoại ngữ chính. Học 4 giờ một tuần. Nên cô nhẵn mặt từng đứa. Ngày ấy, bọn tôi những thằng nhà quê lớn đầu lơ ngơ hay ngỗ nghịch. Anh văn thì tàm tạm, chữ được chữ mất. Thấy cô vô lớp là khớp. Cô nói toàn tiếng Anh, không nói tiếng Việt. Cô bảo các em cứ nghe cho quen, chữ nào không nghe kịp cô nói chậm lại. Chữ nào mới thì về nhà tra tự điển. Cô yêu cầu học thuộc từng đoạn(Paragraph), có khi cả bài(Test). Học thuộc từ tiếng Anh, rồi dịch sang tiếng Việt và ngược lại. Mỗi bài test phải học thuộc hàng trăm từ mới. Bài nào cũng dài cũng khó như: His dream, Halong bay, The statement uncle Ho, Laos steadily advanced... Lớp tôi đa số là dân Quảng Trị chạy loạn Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972. Năm 1973 đi khẩn hoang lập ấp theo chương trình của Quốc Vụ Khanh Phan Quang Đán. Nhiều bạn bị cô gọi lên đàm thoại cứ phát âm tiếng Anh theo giọng Quảng Trị làm cô tức cười bảo: "Tiếng Anh mà cũng có giọng Quảng Trị, nữa hả mấy đứa?" Có đứa do học hoài mà chẳng thuộc, nên lại nghĩ ra cách học tiếng Anh theo kiểu gắn liền với một sự vật quen thuộc. Nên khi bị cô gọi đọc bài thì tá hỏa và đọc luôn. Ví dụ: vocabulary thì đọc là vỏ cam bia, Grammar thì đọc là gà mờ, e ducation thì đọc ê du con cầy ngoài sân, miserable thì đọc mi sèm bồ... làm cô cười nghiêng ngả. Có lần đi lao động tập trung mấy thằng tôi thèm thuốc, liền xin nhau, nhưng đứng gần, sợ cô nghe, cô mắng nên nói: "Ê give me dược, Give me xét cờ ri". Cô không hiểu nên hỏi: "Ê tụi bay nói cái chi rứa? Anh không ra Anh, Việt không ra Việt". Mình bảo thưa cô: "Tiếng Anh ở bên xứ Bô hê miêng mới nhập về đó cô"! Tiếng Anh mà tụi em nói lái, nói tiếng lóng thì đúng là "nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò" rồi! Cô làm sao hiểu được! Nhờ cô dạy dỗ tận tình, rèn ngữ pháp, từ vựng kỹ lưỡng, nên kỳ thi tốt nghiệp năm ấy, lớp chúng em đỗ 98 %. Chỉ có bạn ĐTH- người siêu tiếng Anh nhất lớp, bị trượt.
40 năm rồi, lên Face book, tìm gặp, kết bạn với cô, gợi chuyện buồn vui thuở xưa. Mùa này Sài Gòn "nắng nóng cô đi mà thấy lửa", nên mình đã "mời dụ" cô về vùng núi rừng chơi. Thế là máu phượt trong con người "thất thập cổ lai hy" trỗi dậy. Cô muốn trải nghiệm sau 2 năm từng đi khắp Ấn Độ, BăngLađét, NêPan, Myanmar, Cát Tiên tu thiền xem Cung Fu tới đâu? Tôi đã vinh dự được đón cô ra chơi mấy hôm. Chở cô đi khắp 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh, lên tới tượng Đức Mẹ Tà Pao xem lễ, lên đèo Tà Pứa lội, xem thác mưa bay. Cô như người không trọng lượng đôi chân vẫn dẻo dai, đôi mắt tươi sáng. Ngày xưa được cô dạy kiến thức để vào đời. Mấy hôm nay được cô dạy cho biết sự trải nghiệm, giá trị sống, cách sống buông bỏ, không phản ứng, thiền hít thở; dùng trí tuệ để khắc chế và điều khiển năng lượng trong cơ thể nhằm hạn chế, đẩy lùi một số bệnh tật, cách thức ăn uống để tránh độc tố... Tiếc rằng, cô không thể ở lại lâu hơn, để được chăm lo cho cô, được tâm tình và nghe cô chỉ dạy. Vì cô về cho kịp khóa tu. 60 tuổi còn có cô giáo thương quan tâm, còn gì vui và hạnh phúc bằng. Mong sẽ được đón cô lần nữa, cô nhé!

                                                             Phan Dương Thy
                                                                  16/6/2016

No comments: