Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, March 30, 2019

TÔI BÁN VÉ SỐ - Kha Tiệm Ly

Tác giả Kha Tiệm Ly


Tôi Bán Vé Số
 Kha Tiệm Ly

Nghề ít vốn, hoặc không cần vốn

Trước khi làm nghề bán vé số dạo thì tôi đã có thâm niên hơn năm mươi năm… mua vé số. Với thời gian đáng nể như vậy nên tôi thừa kinh nghiệm để biết giai cấp nào thích, giai cấp nào không thích mua vé số, và rành rọt thành phần nào bán vé số “chạy” nhứt, cũng như bán chỗ nào, mời lúc nào cho có hiệu quả nhất!

Trước tiên phải nói là những ai mua vé số thì ít nhiều người đó cũng có chút máu ăn thua! Mua vé số là mua hy vọng, hy vọng được đổi đời nên với hạng người mua gánh bán bưng, xe ôm… họ mới thường mua, nhưng chỉ “cầu may” một vài vé, vì tiền đâu mà mua nhiều! Hạng “khá khá” như chủ quán cà phê vỉa hè thì bốn năm vé. Xộp nhất là với hạng dư giả, đó là những tài xế, chủ sạp vải, chủ vựa, dân cá độ, dân cho vay, và những người có “tiền chùa”, tạm hiểu là tiền mà do mánh mung hay gì gì đó mà có mà không tốn mồ hôi, thì vài chục vé, có khi cả cọc là chuyện thường! Bài bản là như vậy, nhưng cũng còn tùy thuộc vào “máu”… vé số của mọi người!

Thành phần bán “chạy” đầu tiên phải kể là học sinh, trẻ em; kế đó là người già cả, bệnh hoạn – càng già, bệnh càng nặng càng tốt - hai hạng người nầy mỗi ngày trung bình được trên trăm vé, người già có thể bán được nhiều hơn nữa, ngặt “đi không nổi” vì mỏi gối mỏi lưng; tiếp theo là người đui mù, tật nguyền - càng thê thảm càng hay - hạng nầy ngày hai, ba trăm vé là thường; cuối cùng, hạng bán chạy nhứt vẫn là các cô gái trẻ đẹp, nhưng phải có cái miệng dẻo một chút, biết “chiều” khách một chút, biết “nói chơi” một chút, hạng nầy ngày nào bán ba trăm vé kể như ngày đó bị tổ trác! Còn với nam thanh niên, người sồn sồn mà khỏe mạnh mà đi bán vé số thì coi như đã chọn lầm nghề!

Thu nhập bằng nghề bán vé số đáng kể lắm. Tùy theo trả tiền trước hay trả sau cho thầu (đại lý), hoặc “mua đứt bán đoạn” hay trả lại vé ế vào giờ nào mà tiền lời từ một ngàn đến một ngàn hai một vé. Còn như nếu nếu nhận vé “xấu”, thì lời được một ngàn rưỡi / vé. Đổ đồng với người già và trẻ em, thì thu nhập cũng hơn ba triệu một tháng, tương đương lương của những người phụ việc ở các quán ăn, của người bán hàng rong… mà lại “phẻ” hơn nhiều; còn với người tật nguyền, với các cô gái thì mỗi tháng cũng chín, mười triệu đồng! Với lương công chức thuần túy (giáo viên, nhân viên bưu chính, nhân viên ngân hàng, công an viên, bác sĩ,…) vẫn ngoài tầm tay với!

Bán vé số có thu nhập “cao” thì nhiều lắm cũng tầm như nói trên, bù lại họ đi cũng rã bánh chè (và không ít khi bị bị khách khinh khi ra mặt)! Có người nói bán vé số thu nhập trăm triệu đồng / tháng thì không biết họ căn cứ vào đâu.

Được xếp vào trong tuýp bán chạy nhưng không phải vì thế mà không cần học hỏi thêm: Nếu mời không đúng nơi đúng lúc thì cũng như không.

Trước hết là nơi bán.

Trừ những người tật nguyền quá thê thảm như đi đứng, nói năng khó khăn, đui mù, còn bất cứ ai bán vé số dạo cũng phải.chịu khó… đi dạo, và có lời mời khách; nhưng nếu khách hàng lắc đầu hoặc xua tay thì phải đi ngay, không nên nhèo nhẹo mà làm khách bực mình. Khách đang trộn một tô phở, hay ngay giao lộ đèn xanh đèn đỏ (mà đèn đỏ sắp “cháy”), lại chìa xấp vé số trước mặt mà được mua thì chỉ khi chắc chắn vé đó chiều vô độc đắc!

Điểm tiêu thụ vé số nhiều nhất là các quán cà phê, và khu vực chợ, tại đây có nhiều tay như ghiền, họ nói, ngày nào không mua là “như thiếu thiếu cái gì đó”, kế đó là các chùa chiền vào những ngày lễ lớn, họ “mua để làm phước” (!) cũng như để chứng minh cho trời phật thấy cái “hạnh lành” của họ! Những ngày nầy tuýp già cả, tật nguyền thắng lớn! Quán nhậu cũng là nơi bán vé số lý tưởng, vì ai có chút rượu vào thì họ cũng hào phóng hơn. Với những cô gái xinh xinh, ăn mặc sạch sẽ một chút, má môi đỏ đỏ một chút, biết nói đẩy đưa một chút, và nhất là phải biết nhấm rượu một chút khi khách mời “uống với anh đi em!”, thì các quán nhậu nhẹt là nơi đắc địa.

Trong bệnh viện vào các giờ thăm nuôi, các thân nhân người bịnh (nuôi bịnh), dù bạc tiền dè sẻn, họ cũng ráng mua vài tờ để cầu mong thần tài chiếu cố hầu đỡ lo lắng tiền phòng, tiền ăn uống, thuốc men!

Như nói trên, người bán vé số dạo nếu chịu khó... dạo thì mỗi tháng cũng kiếm được gần bốn triệu đồng, tiện tặn thì cũng đủ muôi vợ nuôi con qua ngày ; với thành phần được khách "ưu đãi" đã kể thì bảy tám chín mười triệu như chơi. Cho nên ta không ngạc nhiên khi thấy các cô gái áo quần thời trang , phấn son thơm phức, đi xe tay ga đến điểm cần bán, thắng cái "kịt" rồi yểu điệu bước xuống với cọc vé số trên tay!

Một điểm bán vé số hết xẩy nữa là chỗ đám ma! Nhưng không phải cứ nhắm mắt bước vô chìa xấp vé số thì cũng như không! Mà phải nhìn lên bảng cáo phó coi người chết thọ bao nhiêu tuổi. Thí dụ bảy mươi, thì nếu trong cọc vé số của mình không có số 70 đuôi, thì hãy tức tốc chạy u về nhà thầu lấy cho được số nầy! Thì chắc như đếm: vài chục tờ bán trong tích tắc! Và nếu ngày đó mà số đề ra con 70 thì kể như nhà thầu sập tiệm!

Tôi biết được một gia đình gồm một mẹ ba con từ Trung vào mà đứa nhỏ nhứt chưa tới tuổi đến trường. Ban đầu không nhà, phải ngủ vỉa hè; dần dần mướn được nhà trọ, và sau 4 năm bán vé số, họ đã làm chủ được căn nhà trong hẻm khá khang trang.

Có người nhờ bán vé số mà nuôi con ăn học thành tài.

Quanh tờ vé số

Biết thế, nhưng có người "đói chết bỏ chớ không bán vé số”. Tại sao vậy? - Chẳng qua là sĩ diện hão mà thôi! Họ coi bán vé số là một nghề mạt hạng của xã hội, hành nghề đó sẽ bị người người khinh dễ và “mất mặt” với xóm làng (!), dù nghề họ đang làm thu nhập chỉ hơn phân nửa người bán vé số bình thường! Có một ngưởi làm nghể hủ tiếu gõ nhiều năm, khi không còn sức khỏe để thức khuya dậy sớm nấu nướng, đẩy xe khắp hang cùng ngõ hẻm nữa, thì nghề thích hợp nhứt là bán vé số! Thế nhưng, nghĩ mình đường đường là một ông chủ… hủ tiếu gõ mà nay lại bàn vé số thì còn gì thể diện? Nhưng nếu không bán thì đói, nên ông ta hàng ngày phải đạp xe đến các xã ven mà hành nghề! Dù “giấu nghề”, nhưng lâu dài người ta vẫn biết. Biết thì biết, nhưng nhứt định không “khai”!

Nói thì nói vậy, nhưng trên đời nầy không có nghề lương thiện nào mà không đổ mồ hôi và nếm chua cay cả! Những ngày mưa bão, bán ế ẩm, không tiền trả vốn cho nhà thầu là chuyện thường; những ngày tốt trời thì người già, người tật nguyền đôi khi bị cướp giật vé số, tiền bạc; bị đổi số “trúng” bị cạo sửa; trẻ em thì bị uy hiếp. Mới hay cái ác không từ một ai!

Quanh tờ vé số có nhiều chuyện bi hài cười ra nước mắt!

Một chị rất nghèo (giàu ai bán vé số?), một buổi xế, vé số chị còn khá nhiều nhưng chị bị nhức đầu, đành nằm nghỉ cho bớt rồi bán tiếp, ai dè chi mê man đến chiều tối; tỉnh dậy chị khóc hết nước mắt. Nào ngờ sáng hôm sau chị dò thì chị trúng bốn tờ độc đắc!

Xác suất trúng số rất thấp: có người tính thử là chồng vé số cao tới… cây cột đèn mới có một tờ trúng độc đắc! Khó trúng như vậy nhưng không phải là không trúng, thậm chí có người trúng độc đắc tới ba lần! Cho nên chớ mua vé số mà tặng ai (trừ những người mình đặc biệt yêu quý): Trật thì không nói gì, nhưng “rủi” trúng thì mích lòng vì… tiếc của! Có một anh vào quán uống “tay quơ”. Hứng chí anh ta mua 5 tờ; giữ lại 1 tờ, còn 4 tờ thì hào phóng tặng cho 4 em, mỗi em một tờ. Chiều, tất cả đều trúng. Anh ta tiếc rẻ, phải chi không cho mấy em thì anh ta sẽ hưởng trọn 10 tỉ (làm tròn)! Anh ta bèn gỡ gạc bằng cách đến năn nỉ, xin lại các em mỗi người hai trăm triệu, thi đều được câu trả lời :”Ai biểu ông ngu, ông ráng chịu!”. Ói máu chưa?

Có ông đang nhậu dò vé số, sớn xơ sớn xác thế nào mà ngỡ là trật, rồi quăng di. Đứa bé bán vé số dò lại thì trúng độc đắc!

Có chị bán vé số, ngày nào cũng chừa một vé để mong đổi đời; thế nhưng có một ngày không biết sao chị bán luôn tờ mình chừa lại. Chiều tờ đó trúng! Khỏi phải nói chị tiếc rẻ đến cỡ nào!

Chuyện quanh tờ vé số thì còn rất nhiều, khó mà kể hết. Có điều làm người ta ngạc nhiên, là tại sao những người trúng số sau một thời gian họ lại nghèo hơn lúc chưa trúng - dù họ trúng hai lần? Hỏi rồi tự trả lời “của thiên trả địa thôi!”; “tiền làm không đổ mồ hôi, khó bền lắm”. Thực ra chẳng qua vì tâm lý mà thôi: Hồi nào thiếu thồn, giờ có tiền thì ăn uống thả cửa, mua sắm thả ga! Hồi trước mua vé số mỗi ngày chỉ vài tờ (tiền đâu mua nhiều?), giờ thì chơi cả cọc, cả cọc! Trước thì sau cả ngày làm việc, anh em lối xóm cùng chung vài xị rượu pha cồn để “giải nghể”; giờ thì đi xe láng cón (coóng), cứ nhà hàng trực chỉ mà luôn kèm theo đám “nịnh thần” chầu chực kiếm chác chút rượu tây, bia bọt! Trước thì…

Đó là chồng, còn vợ thì cũng không kém: Trước thì chi tiêu hằng ngày có căn bản, nếu nay lỡ tiêu quá quy định thì mai tiêu ít lại để bù qua; trước thì quần áo xuềnh xoàng, nay thì mô đen, hàng hiệu. Trước thức khuya dậy sớm, nay thức sao nỗi! Bèn cho vay vì nó nhẹ nhàng mà lợi gấp mấy lần mua gánh bán bưng!

Và rồi ở không mãi cũng chán nên tìm mối… đánh bài, chơi đề!

Chồng ăn nhậu, vợ bài bạc, con nợ trốn đi, thì không sớm muộn gì cũng nát cửa tan nhà! Đó là các lý do mà những người nghèo khổ mà trúng độc đắc thì thời gian sau còn nghèo hơn trước.

Cũng không ít người nghèo trúng độc đắc mà họ “lên” luôn; chẳng qua là họ vẫn chí thú làm ăn, không vấp phải những khuyết điểm tệ hại như trên mà thôi.

Có một hạng bán vé số khá đặc biệt nữa là hạng trí thức hết thời – thường là nhà văn, giáo viên về hưu - Hạng nầy, nếu để ý chút là nhận ra liền: Ăn mặc sạch sẽ, ít nói, cọc vé số trên tay mỏng dính’. Họ cũng không tụm năm tụm ba với “đồng nghiệp” bàn chuyện tào lao, không nhèo nhẹo mời khách, và khi nghỉ ngơi thường ngồi trầm tư uống cà phê một mình…

Sau năm 1975, kẻ viết bài nầy đã có hơn chục nghề - tính luôn đang hành nghề bán vé số dạo! Nên thường xuyên la cà nơi các quán cà phê và quán nhậu để kiếm cơm; vì vậy thường chứng kiến những chuyện mà mới nghe ai cũng tưởng “nói láo mà chơi, nghe láo chơi”: Một bữa tôi đang bán bàn bên nầy, thì nghe một vị chạng bốn mươi ngoài, mặt bụng tròn trịa, áo bỏ vô thùng, đang hỏi ngươi bán vé số mà tôi cho là “trí thức hết thời”:

- Ông nhớ tui không?

Ngập ngừng:

- Xin lỗi, tôi không nhớ…

- Hi! Nhưng tui nhớ ông rất rõ vì ông có cái nút ruồi hãm tài trên mặt!

Nhiều người tỏ ra bất bình; hắn tiếp:

- Cha tui là học trò ông! Hồi tui còn nhỏ, cha tui lâu lâu chở tui đến thăm ông lúc ông “mất dạy” đó. Ông nhớ chưa? Ha ha…

Không biết vị thầy nầy “còn nhớ hay đã quên”, nhưng ông chỉ thẳng người đối diện, nói:

- Rất may là tôi không có đứa học trò nào như cậu!

Nghề lương thiện nào cũng chua chát. Nghề bán vé số dạo cũng không ngoại lệ!

KTL

No comments: