THÂN PHẬN NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ
TRONG HUYỀN ẢO LỊCH SỬ
(Đọc tập truyện ngắn “Con chim phụng cuối cùng” của Nguyễn Thị Kim Hòa, NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam xuất bản - 2017)
ĐINH HY
Có một điều rất hiển nhiên, rất cũ song ít ai để ý rằng: hóa ra sáng tác văn chương không tùy thuộc trung tâm đô thị hay miền quê tỉnh lẻ như kiểu kinh tế, hoặc sân khấu ca nhạc; ngay ở Phan Rang cũng xuất hiện sáng tác văn chương kiểu rất lạ. Đó là cảm nhận sau khi tôi đọc tập truyện ngắn “Con chim phụng cuối cùng” của nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa. Bởi khi đọc xong, đọc lại kỹ, nghiền ngẫm nội dung thì mới vỡ lẽ rằng “hiện thực” mà quá đỗi “huyền ảo”, hơn nữa lời đề tặng của Kim Hòa ghi: “Quý tặng… một thử nghiệm viết mới của cháu!”.
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa. (Ảnh từ baomoi.com) |
Thật vậy với 9 truyện ngắn trong tập truyện là 9 câu chuyện mịt mờ hiện thực. 9 truyện đều là lịch sử, từ chính sử, dã sử, thông sử hay huyền sử? được sáng tác lại. Thật đó mà như huyền ảo, như giấc mơ đó. Không hiểu bằng cách nào, xuất phát điểm/điểm tựa nào mà tác giả đã khắc họa lịch sử bằng khối lượng chữ nhất định song vừa phức tạp, vừa khổng lồ trường ngữ nghĩa, “ngôn ngoại” đến thế. Thực sự nếu không nắm sự kiện lịch sử dân tộc liên quan mỗi truyện đơn lập thì người đọc có thể sẽ rơi vào rối rắm, khó hiểu, nhưng tất cả lại được chuyên chở với giọng văn thật nhẹ nhàng, trong sáng.
Truyện “Bạch yến” với mạch kể về Hậu cung của phủ Chúa Trịnh hiện ra một bức tranh rối rắm về tình yêu, khao khát, ước vọng và cả thù hận, âm mưu, những hành động không nhân tính của các nhân vật Hồng Nguyệt, Vũ Thái phi, Chúa Uy Nam Vương Trịnh Giang, Thị Yến… Cho đến tận cùng cuộc đời, nhân vật Thị Yến lơ lửng trên cây hoa đại bằng dải lụa trắng quanh cổ, chỉ còn lại tiếng chim bạch yến hót... Vì thế tên truyện là “Bạch yến”.
Truyện “Trăng đắm” Kim Hòa lại đưa người đọc về miền quá khứ khác: Kinh thành Huế thời Minh Mạng năm thứ tư, khi một tiểu thái giám tận mắt thấy Tả quân Lê Văn Duyệt vào quỳ lạy trước Thế miếu thờ Gia Long. Từ đây, tác giả mở ra một thời kỳ lịch sử sôi động của ông Tả tướng nổi tiếng và tai tiếng này, hơn thế nữa, thân phận của Hoàng tử Cảnh, của Tống Thị Quyên, của bao nhân vật lịch sử quay quanh nhau vùn vụt dưới ngòi bút của Kim Hòa… Mạch truyện cứ ảo tới mức đoạn đồng dao trong truyện cũng ảo:
“Mười sáu trăng mờ
Ba mươi trăng rạng
Đất trời lộn loạn
Mẹ thiếp con chàng…”
Với “Lụa trôi giữa sóng”, Kim Hòa miêu tả một Công chúa của Lý Thái Tông học dệt lụa từ người đàn bà Chăm; tình yêu, đau khổ và thất vọng của Công chúa trước Hộ vệ tướng quân Lý Dũng… Cuối cùng thân phận những con người ấy như dải lụa mong manh trôi giữa sóng nước mênh mông.
“Vết hoa” là câu chuyện về các nhân vật người Việt, người Nhật ở Hải Phố với những tháng ngày khi dữ dội, khi lặng lẽ cách đây vài ba thế kỷ, thời mà Hội An trên phố dưới thuyền, dập dìu thương nhân xứ Tàu, Tây, xứ Phù Tang với dân xứ Đàng Trong… Rồi tất cả cũng chỉ là một vệt mỏng bay ngang qua cõi đời, cố lắm cũng chỉ còn lại một vết hoa mà thôi.
Kim Hòa đưa người đọc đi đến tận cùng của chi tiết, của sự kiện và nhất là tận cùng tâm lý nhân vật. “Nắng quái Tây Nam thành” là truyện đặc sắc viết về nữ tướng Bùi Thị Xuân của triều Tây Sơn bị Nguyễn Ánh hành hình. Truyện xoay quanh trục đối kháng: dũng mãnh, bất khuất trước tàn bạo, hèn hạ. Chi tiết đắt giá đến nỗi ai đã đọc sẽ không thể quên. Một Thiết Tượng theo lệnh ra giày nát thân thể Bùi Thị Xuân, chợt nhận ra đó là Nữ chủ tướng cũ của mình, voi cũng ngập ngừng. Vẻ oai phong của Nguyễn Ánh dưới tán lọng vàng trong mắt của Bùi Thị Xuân chỉ là sự giấu diếm ý nghĩ: mình không bao giờ oai vũ hơn Nguyễn Huệ, thậm chí không hơn tử tù Bùi Thị Xuân…
Một tác giả đầu thế kỷ XXI quan sát một vị vua đầu thế kỷ XIX như thế quả thật hết sức tinh tế.
Thời Trần, Nhân vật Thái sư Trần Nhật Hiệu và hai chữ “nhập Tống” (đầu hàng giặc Nguyên), những day dứt tâm lý, đấu tranh nội tâm dữ dội giữa “hàng” hay “chiến”, tác giả dẫn dắt người đọc đến cao trào bằng mẩu thoại ngắn giữa Thái sư với thôn nữ nấu rượu... Thế là tình thế bị ám ảnh một khung trời chiến tranh, lửa cháy Thăng Long thành, lo âu thế giặc mạnh, chuyển sang trạng thái hừng hực tinh thần đánh giặc của thời Đông A, trên dưới một lòng quyết chiến, (truyện “Tiếng gọi trong sương”).
Rồi “Nam phương lạc nhạn” cũng bối cảnh lịch sử thời Trần, “Hương thôn dã” là hương chè, tình người vùng Kinh Bắc thời phủ Chúa vua Lê…
Các truyện trên gần nhau ở thủ pháp nghệ thuật, khi đọc, tác giả cho ta một trạng thái mà tôi tạm ví như một hiện tượng ảo ảnh (mirage) được nói tới từ xa xưa, đó là hiện tượng khi đoàn người đi trên sa mạc lâu ngày, bỗng nhìn thấy có sóng lăn tăn phía trước hoặc có hàng cây chà là xanh ngắt hiện ra như một ốc đảo. Nhưng điều đó xuất hiện trong tâm trí con người, không có thực trong khách quan, chỉ là ảo ảnh/ ảo giác trong sa mạc.
Đến truyện “Con chim phụng cuối cùng”, tôi ngạc nhiên đến mức tự vấn: vì sao Kim Hòa lại có thể viết hay (đã đành) nhưng “lạ” đến thế? Chuyện hai chị em Công nữ Ngọc Vạn, Ngọc Khoa con của Chúa Sãi đi làm dâu xứ người thì ai cũng biết từ sử sách. Thế nhưng cách triển khai truyện kiểu Kim Hòa thì chưa hề có bao giờ, dù tưởng tượng phong phú đến đâu chăng nữa. Việc Ngọc Vạn về làm Vương hậu một cõi, Ngọc Khoa làm Vương hậu một cõi khác được Kim Hòa phác họa thành một biểu tượng: Đi gieo hạt giống cây Hòa Bình. Thủ pháp “ảo ảnh” ở cả 8 truyện nêu trên thì rõ, nhưng đến “Con chim phụng cuối cùng” này khó định vị Kim Hòa theo một kiểu sáng tác nào.
Tôi còn nhớ cuối những năm 70, thế kỷ XX bắt đầu nghe các thầy Hà Nội vào Huế giảng về Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo khởi phát từ văn học Trung và Nam châu Mỹ. Bấy giờ thú thật chúng tôi không hiểu vì sao đã gọi là “hiện thực” rồi lại “huyền ảo”. Rồi tìm đọc các tác phẩm của “chủ nghĩa” này như của G.Marquez, cũng lờ mờ. Bây giờ Kim Hòa đã sáng tác dạng này?
Nhưng Kim Hòa dù phương pháp sáng tác “huyền ảo” vẫn không thoát ly truyền thống viết về thân phận người phụ nữ. Các tập truyện “hiện thực” trước: Nho đắng, Cơn lũ vẫn chưa qua… các nhân vật chính là phụ nữ. Vì vậy, không ngạc nhiên lắm khi 9 truyện trong tập này các nhân vật chính cũng đều là phụ nữ. Kim Hòa viết: “Đàn bà trong chiến loạn phận mỏng còn hơn cỏ”, (truyện “Nam phương lạc nhạn”, trang 149).
Hình như phụ nữ vẫn luôn là hiện thực trong sáng tác của Kim Hòa.
ĐINH HY
No comments:
Post a Comment