Nguyễn Đại Duẫn
Hằng năm, nhằm ngày mồng 1, 2 tháng 7 âm lịch là người làng Nguyệt Áng quê tôi tổ chức đi tảo mộ (quê tôi còn gọi là dẫy mã). Không biết có tự bao giờ, việc tảo mộ quê tôi đã trở thành một thông lệ được truyền từ đời này sang đời khác. Mặc dù làm việc ở đâu, nghề nghiệp gì mọi thành viên trong gia đình tạm gác công việc để về cùng lo toan tảo mộ. Vào dịp này, người ta lo sửa sang, thăm viếng mồ mả, làm sạch đẹp nơi an nghỉ của tổ tiên, ông bà, người thân của mình, tưởng nhớ người đã khuất.
Khi còn bé, tôi lẽo đẽo theo cha, theo các lão cao niên, bác, chú... cùng mấy anh chị ngang lứa trong họ đi tảo mộ. Chúng tôi thích lắm, thích nhất là được các ông trưởng họ cho cầm con cún dùng để thắp hương. Theo các cụ truyền lại, người nào được cầm con cún tức là người cầm ánh sáng đưa đường nên sau này làm ăn thành đạt. Rồi được mẹ cho mặc áo mới, “trốn” được buổi học đi chơi thỏa thích.
Ngày đó, đi tảo mộ mọi người chuẩn bị cuốc, dao rựa để phát cỏ dại, chặt cây quanh mộ, vun lại những nấm mộ bị mưa lụt xói lở. Ở quê tôi, những người đã khuất được mai táng ở cồn Đồng và cồn Rậm. Ở nơi này cao ráo, không có nước ứ động khỏi ảnh hưởng đến long mạch. Ngày tảo mộ, người lớn tuổi thì dẫy cỏ, chặt cây, vun nấm. Trẻ con chúng tôi thì đi bắt dế, bắt chim, hái sim, hái mốc hay trèo hái đa, hái bàng... Ngày tảo mộ là một ngày thỏa thích của tuị trẻ chúng tôi, tha hồ chạy nhảy, trốn tìm. Thời đó, nghĩa địa là nơi cây cối um tùm rậm rạp, hoang vu. Nhiều cây cổ thụ to bằng người ôm. Trên các hốc cây có chim sáo, chim cu làm tổ. Nếu trẻ con chưa đến nơi này lần nào thì dễ bị lạc và sợ ma lắm. Chạy nhảy, chơi mệt mấy anh em tìm đám cỏ nằm nghỉ nghe dế kêu, chim hót chờ các bậc cao niên trưởng họ cúng xong để được phần chuối, bưởi hậu tàn.
Trong những năm chiến tranh, chỉ có các bác, các chú đi tảo mộ từ sáng sớm. Vì sợ bom rơi đạn lạc nên không cho chúng tôi đi. Cha tôi, cũng như các anh trai tráng thanh niên trong làng đã lên đường nhập ngũ vào Nam. Mỗi lần, các bác, các chú đi tảo mộ là bà nội tôi nhờ họ khấn vái xin tổ tiên cho cha tôi và các anh tránh được “mũi tên, hòn đạn”, và trở về bình an. Bọn trẻ con chúng tôi lại “trốn” học, chơi ở cửa hầm chờ những người đi tảo mộ về cho phần cúng mộ.
Năm nay, tôi dẫn con cháu về tảo mộ từ sớm. Gọi là Hội làng thì đúng hơn vì từ sáng sớm, mọi người đủ độ tuổi, thành phần, áo quần chỉnh tề có mặt tại nghĩa địa khi mặt trời lên độ cây sào. Xe máy, xe con đậu đầy đường, chỉ đi muộn một chút là không có chỗ để đi. Nay đi tảo mộ người ta không còn mang theo dao cuốc nữa. Mộ được đưa vào lăng, xây bằng xi măng, lát đá hoa hay đá men hiện đại. Nhiều họ phái có điều kiện người ta còn vẽ rồng rắn, hay bắt hình long, li, qui, phụng rất công phu. Trẻ con không còn có nơi để chạy nhảy, bắt chim, bắt dế, không còn chờ đợi phần quà hậu tàn như chúng tôi ngày xưa nữa.... Các cây cổ thụ một phần già cỗi, phần bị người ta chặt bỏ để xây lăng, nên các lão cụ cũng không còn chỗ để tránh nắng, để tâm tư. Mọi người gặp nhau hỏi thăm tình hình làm ăn, sức khỏe, nhất là người đi xa về. Các cụ thắp hương, cúng tế tổ tiên…Xong việc thắp hương ngoài lăng mộ, mọi người về nhà thờ họ để cúng tế, mời tổ tiên, ông bà về nhà. Sau phần cúng tế, trưởng họ lên giới thiệu về gia phả dòng họ, gốc tích tổ tiên. Rồi ông thay mặt dòng họ đánh giá hoạt động XH của các gia đình; khen thưởng cho các gia đình có con cháu học hành thành đạt; kêu gọi đóng góp tu sửa nhà thờ, đóng góp khuyến học họ tộc; động viên mọi người đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau tiến bộ, làm ăn phát đạt. Tảo mộ quê tôi đã trở thành nét truyền thống tốt đẹp. Đó cũng là thể hiện tình cảm hướng về với nguồn cội. Các cụ thường nói: “Cây có cội, nước có nguồn , con người có tổ có tông” là vậy.
Theo quan niệm người xưa, trong thời khắc thiêng liêng của việc hương đèn cúng tế, âm dương giao hòa , con người có thể thả hồn với thiên nhiên và cảm ứng được với tổ tiên, những người đã khuất. Việc tảo mộ không chỉ phản ánh mối tương quan xã hội, giữa những người còn sống với nhau mà còn là bổn phận của con cháu đối với tổ tông, ông bà, người thân khuất mặt. Tảo mộ là dịp con cháu đến chăm sóc mộ phần, một nét đẹp văn hoá thường được người dân Việt chú ý coi trọng, gìn giữ từ bao đời nay. Truyền thống tâm linh người Việt tin rằng, khi tảo mộ sửa sang mới mẻ nơi an nghỉ của tổ tông, ông bà, người thân làm cho âm hồn người đã khuất được thỏa mãn mà phù họ cho người sống được thuận lợi về làm ăn, phát tài, sức khỏe...Tảo mộ còn thể hể hiện lòng kính trọng đối với các bậc tổ tiên và đấng sinh thành đã khuất. Tục tảo mộ hằng năm, ngoài một phong tục phổ biến của người dân Việt khắp mọi miền đất nước, còn là một hoạt động mang tính dòng tộc rõ nét. Giữ gìn phong tục tảo mộ là giữ gìn giá trị đạo nghĩa làm người, tạo nên nếp nhà, gia phong, cũng là góp phần tạo nên nét văn hoá làng Việt và bảo tồn được hồn thiêng của văn hoá dân tộc..
Thiết nghĩ, việc tảo mộ không chỉ là phong tục mà còn thể hiện nét đẹp văn hóa tâm linh. Mọi người cần có trách nhiệm bảo tồn để cho việc tảo mộ quê tôi cũng như các địa phương khác được giữ gìn. Thông qua tảo mộ còn giáo dục truyền thống dòng họ, truyền thống quê hương, sự yêu thương, đoàn kết của một dòng họ, của một dân tộc cùng giúp đỡ nhau, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu mạnh.
Nguyễn Đại Duẫn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
Tiểu khu 5, thị trấn Quán Hàu, H: Quảng Ninh, T: Quảng Bình
DĐ: 0977194533
No comments:
Post a Comment