Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, August 16, 2018

MẠ VÀ ĐẺ... - Quang Tuyết


                               Tác giả Quang Tuyết
 


MẠ VÀ ĐẺ...


Tôi kể cho các bạn nghe về Mạ của tôi. Một người Mạ không mang nặng đẻ đau, nhưng có công nuôi dưỡng chăm sóc chúng tôi từ nhỏ. Đó là Mạ Đích. Ai là người Huế sẽ không lạ gì với cách gọi nầy.
Ba tôi có hai người phụ nữ luôn kề cận bên người, sống hòa thuận trong gia đình cho đến sau 1972, chiến tranh làm nhà cửa tan nát hết hai người mạ mới chia ra sống với con cháu trong các trại tạm cư.
Người vợ chánh thất của ba, chúng tôi gọi bằng Mạ. Nguời sinh thành thì gọi là đẻ để phân biệt. Giấy khai sinh phải theo hôn thú để ăn lương nên anh em tôi trên pháp lý là con của ba và mạ đích. Trước khi tôi có trí khôn thì không biết thế nào, nhưng sau nầy khi ba tôi thuyên chuyển ra Quảng Trị, nhận chức Trưởng Phân Hạt Ốc Lộ thì Đẻ tôi theo ba về đó lập vườn, lập quán sinh sống. Mạ tôi ở lại căn phòng mà Hỏa Xa cấp riêng cho trưởng ga, thuộc dãy lầu trong ga Huế cùng hai người con ruột, họ đang học năm cuối cùng của Trung Học, sắp thi Tú Tài nên chuyển trường sợ ảnh không tốt vì lạ nước, lạ cái.
Không biết anh kế tôi ở Huế với mạ đích năm bao nhiêu tuổi, riêng tôi thì lên 6, hay 7 thì phải. Trước khi về ở với Mạ, tôi học nội trú trường Teresa Phú Cam, được bao năm mấy tháng chẳng rõ, chỉ biết vài lần nhớ nhà nên trốn trường đi tìm. Lần to chuyện nhất là chạy theo người thư ký riêng của ba khi ông vào đóng tiền học, lừa thế lúc mọi người đang ngủ trưa tôi thè thẹ ra khỏi cổng. Soeur trực đi kiểm tra thấy giường tôi trống, tìm đâu cũng không thấy nên báo lên Soeur trưởng. Vậy là mọi người lái xe Jeep đi tìm các hướng, tứ phương mấy giờ liền. May thay cuối cùng thấy tôi thơ thẩn vừa đi vừa khóc gần múi cầu Trường Tiền, nên dừng lại bắt về. Suốt đoạn đường ngồi trên xe Tôi sợ cúm cả người, vì Soeur trưởng vốn rất nghiêm. Vậy mà không hiểu sao người chẳng la, còn vuốt tóc an ủi, khuyên nhủ tôi rồi dắt qua phòng nguyện biểu tôi quỳ bên người xin lỗi Chúa. Lúc ấy đôi mắt người dịu dàng ấm áp làm sao, không còn nghiêm khắc như mọi lần nữa...
Đến hè, anh chị vào trường đưa về nhà chơi, ngày nào tôi cũng thủ thỉ với mạ và chị, nên người mềm lòng nói với ba cho tôi ra khỏi nội trú, ở lại nhà cùng mạ và anh chị.
Hết học với các Soeur, lại đến học với quý thầy. Tôi theo học trường Chùa Bảo Quốc. Hết đọc kinh kính mừng, lại đến tụng kinh hướng Phật… Hết tha thẩn nhặt những trái dừa con bị chuột phá, rụng xuống khuôn viên Teresa Phú Cam, lại lang thang lượm me non trong vườn Chùa Bảo Quốc. Nhưng hết giờ học được về nhà không phải lủi thủi lẻ loi nữa.
Trí óc non nớt chới với giữa hai tín ngưỡng. Nhiều lúc ngủ mơ thấy Chúa đóng đinh trên Thập Giá đầu láng o không có tóc. Rồi ngược lại Phật Thích Ca lại có râu... Thỉnh thoảng lại nhớ hình Chúa lúc còn nhỏ, tóc hoe vàng, xoăn dài xõa ngang lưng, đứng giữa Mẹ Maria và Đức Chúa Cha. Hình ấy treo trên tường, hằng đêm trước khi đi ngủ chúng tôi quỳ trên giường đọc kinh ngợi ca Thiên Chúa.
Tôi kể lại cho Mạ nghe mỗi trưa khi nhà vắng, bà la: Nghĩ lung tung mai mốt hai ma dành nhau, lôi kéo đó... Tôi sợ đến toát mồ hôi, đêm nào cũng lo chăm nhìn vào hình Đức Phật để trấn an... Nghĩ lại đúng là con nít thiệt.

Thời ấy sao mà sướng, được mạ săn sóc từ ăn uống, ngủ nghê. Lớn tồng ngồng rồi, người cứ lo tôi tắm không sạch, nên luôn thân chinh kỳ cọ rất kỹ, khi thấy sạch sẽ rồi mới cho tôi đứng dưới vòi sen mở xoà nước mát dội lại, chao ôi nước lành lạnh thật là thích. Cũng nhờ vậy mới bị phát giác vết trầy trên gối, do bắt chước anh trai tôi đi trên chiếc lon sữa bò cột dây té xuống cống. Vì tôi mà anh bị la một trận tơi bời rất oan ức, chỉ một lý do duy nhất: Làm anh thì phải chăm em....
Có một buổi trưa cả nhà đang ngủ, tôi thao thức vì trời mưa phùn phùn, mon men mở cửa ra nhìn mưa... Xui cho tôi gặp lúc ông đi mài dao, mài rựa dạo ngang qua, thấy đôi khuyên vàng lủng lẳng trên tai, nên kéo giựt suýt rách tai, may mạ tôi giật mình thức dậy đi ra, ông ta sợ quá bỏ đi. Nào phải khuyên tai bằng vàng thật đâu, chắc ông ta nghĩ rằng, sống trong dãy lầu nầy toàn con của xếp, nên chắc là đeo hàng quý. Tai tôi sưng đỏ lên. Mạ lo lắng xuýt xoa vừa xức dầu nhị thiên đường vừa cằn nhằn: "Răng ngu rứa, phải la lên cho ông ta sợ chứ... May tau dậy kịp không thì còn chi cái tai nữa? Thằng cha ác đức thất nhân thiệt..." Lần đó là lần dại khờ duy nhất trong đời, tôi không còn dám ra đứng ở cửa một mình khi cả nhà ngủ trưa nữa.
Một hôm, ba vào Huế họp, ghé vào thăm mấy mạ con. Ăn cơm, nghỉ trưa xong ông xách cặp táp ra ga để về Quảng Trị, tôi lẳng lặng đi theo định lên tàu. Quay lại thấy tôi, ông quát to bảo về, tôi vội te còng bỏ chạy... Chao ôi! Ba tôi vội đuổi theo. Có ba bốn chú kíp đang sửa đường ray cũng bỏ hết theo hỗ trợ tán loạn cả lên, vì giờ ấy các đầu máy sắp ra khỏi xưởng kéo các toa hàng và toa khách đi các tỉnh.
Thế mà họ vất vả vậy cũng không bắt được vì tôi lanh như con sóc. Nhưng khi tôi chạy vào góc sân rồi vòng vòng quanh cột cờ, ba tôi lanh trí quăng mạnh chiếc cặp hồ sơ trúng tôi ngã sóng soài trên đường và kéo về nhà... Nhìn thân thể trầy trụa, Mạ tôi la một trận: “Ui, ba mi quăng chiếc cặp toàn giấy tờ nặng nề vào con nhỏ gầy nhom như ri, lỡ như gãy tay chân thì răng?”
Lạ thật, một người nổi tiếng nóng như lửa, cả đội kíp dưới quyền thấy ông là sợ không hó hé, vậy mà người đàn bà nhỏ thó ấy lên tiếng, ông không một lời phản đối, chỉ lặng lẽ lấy mũ và xách cặp đi ra tàu trở về Quảng Trị. Từ đó, mạ và anh chị gần gũi, và quan tâm tôi nhiều hơn, hình như biết tôi nhớ đẻ tôi lắm nên càng thương yêu.
Những năm gần đây có dịp về quê bằng tàu lửa, khi ngừng lại ga Huế nhìn thấy dãy lầu xưa, cột điện cũ sừng sững qua bao năm tháng, kỷ niệm lại hiện về. Tôi như mơ hồ thấy chính mình, con bé nhỏ xíu gầy gầy chạy quanh các đường ray như sóc làm náo loạn ga Huế chiều xưa đó... Ôi! Nhớ lắm, nhớ vô cùng các bạn ạ.
Thời gian ấy là thời gian ấm áp nhất của tuổi thơ sống xa Đẻ, lúc nào căn phòng nho nhỏ ấy cũng thật vui và đầy ắp tiếng cười, đúng nghĩa là hạnh phúc. Mỗi chiều tối, bạn anh tôi ghé lại ca hát rộn ràng. Tiếng đàn guitar bập bùng của anh, hòa cùng tiếng guitar Hawai lả lướt của chị. Nào là Bến Xuân…Thiên Thai...Tôi ngồi nghe say mê và thán phục anh chị mình vô cùng. Tôi còn nhớ thỉnh thoảng có mặt thầy Lê Quang Sấm, và cô Tránh. Anh Bảo con ông Ấn xếp ga và anh Trúc luật sư nữa... Một năm sau cả nhà chuyển hết về Quảng Trị sống, vì ba tôi về hưu. Anh tôi đỗ tú tài 2 ghi danh học Văn Khoa. Chị tôi thi đỗ Tú Tài 1, về Quảng Trị học Đệ Nhất trường TH Nguyễn Hoàng.
Thời gian nầy tôi như cá gặp nước, được sống với Đẻ, lại lên xuống quanh quẩn với mạ. Đẻ tôi ở trên đường cái bán hàng Tạp Hóa, còn mạ thì dưới nhà thờ, một khu vườn đầy những cây ăn trái và các loại hoa. Năm ấy, tôi vào lớp tư trường Nữ Tiểu Học, gần đình Thạch Hản.
Chị tôi học chăm lắm, hè mà chẳng đi chơi đâu, vì năm ấy thi Tú Tài Toàn, nên ngoài giờ ăn chị ở miết trong phòng lo bài vở. Tôi tò tò theo mạ đi hốt lá khô nấu cháo heo. Bà xuất thân từ vùng nông thôn ở Vĩnh Linh, nên dù bây giờ là bà Đội thuộc dạng giàu có, bà vẫn sống rất giản dị. Chiếc áo bà ba không bao giờ cài hột nút sát cổ. Hai bàn tay nhăn nheo, đen vì mủ chuối. Ăn uống cũng đậm chất đậm quê hương. Tôi mê lắm, vì bà nấu rất ngon cho đến bây giờ tôi chưa thấy ai có cách nấu lạ như bà. Ví dụ, trái đào chưa chín mà gió to khua cành rớt xuống, hoặc hái trái chín làm rụng trái non, bà không bỏ phí đâu nhé, nhặt đem vào rửa sạch, cắt đôi phơi héo làm dưa bỏ mắm, đến mùa mưa ăn thật thấm thiá. Hay nhà có kỵ Chạp thịt thà ăn không hết, mạ gom lại cho vào nồi, xắt thêm ít đu đủ xanh hái ngoài vuờn kho xăm xắp, gần chín rưới thêm vài cái trứng vịt đánh tơi vô. Chao ôi! Gia vị vừa ngon, hơi cay cay bởi ớt bột, beo béo thơm vị trứng, mặn mà các loại thịt thấm vào những lát đu đủ, đố ai có thể từ chối không ăn thêm mấy chén. Tôi vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngon, mạ cười rạng rỡ, lộ cả hàm răng nhuộm đen rất hiền lành mà duyên dáng.
Trưa nào tôi cũng xuống lẻo đẻo theo mạ hốt lá khô để nấu cháo heo, Nguyệt em kế tôi chuyên xách nước cơm từ nhà quán xuống, ngày ấy gọi là nước mả (nước vo gạo). Giúp được mạ hai chị em tôi vui lắm, người cũng thương nên thường hái các loại trái để dành cho chị em tôi. Một lần khi hai mạ con hốt lá khô sau vườn, người nhặt ra những lá vàng màu còn tươi, bẻ những tăm tre găm lại thành cái mũ bình thiên thật là đẹp.. Tôi đội lên chạy vô phòng khoe chị, chị cốc đầu tôi bảo: "mạ già rồi mà còn hoang" hi hi...
Người còn trồng giàn đậu Ngự, trái ra thiệt sây, đậu già hái vào nấu chè với đường phèn cho chị ăn để làm bài thi cho tốt... Vậy đó, suốt ngày lui cui hết heo, gà... đến quét dọn rồi lo cơm nước cho con chẳng lúc nào thấy mạ ngơi tay.
Chắc em tôi vẫn còn nhớ như in, lần hai chị em nó tắm ở giếng. Múc sao gàu đầy nước nặng quá kéo không nỗi, thả thì sợ gàu rớt nên cuối cùng bu theo gàu xuống giếng. Chao ôi, cả xóm náo loạn. Đẻ tôi sợ điếng cả người, đinh ninh là mất đứa con. Mạ thì bình tĩnh cùng ba tôi tìm cách tốt nhất để cứu. Vậy mà Trời Phật thương hay thần giếng phò hộ không biết, em tôi không va vào thành khi rớt xuống, lại còn nổi lên mặt nước đứng dang chân hai bên gọi người đến cứu. Ba tôi cùng bác Thể hàng xóm thả thang xuống đưa lên. Mạ chắp tay tạ ơn lia lịa, em tôi thoát chết thật kỳ diệu. Từ đêm đó, cứ chạng vạng là mạ đi trước, em tôi lọ mọ theo sau cùng nắm nhang lập lòe, 9 nắm cơm đặt trên 9 chiếc lá mít, cắm 9 cây nhang dọc theo đường từ giếng ra ngõ, vừa đi vừa gọi tên em. Người bảo làm vậy thì lớn lên nó không bị khờ. Không biết có linh nghiệm không, mà em tôi sau nầy buôn bán giỏi như đẻ, hơn cả mấy chị em trong nhà.
Bây giờ thì người đã yên nghỉ từ lâu các bạn ạ. Sau ngày anh tôi mất, mạ buồn và già hẳn. Người trở nên bẳn tính, hay tức giận khi chúng tôi lỡ sai phạm. Nhưng hay một điều là không bao giờ to tiếng, chỉ giảng dạy rất dài, rất lâu nên anh em chúng tôi ngán lắm, vì phải đứng im lặng nghe đến sốt ruột. Chị tôi ra trường đi dạy, thương mạ nên xin về gần nhà. Các cháu lần lượt ra đời, người tìm lại được niềm vui từ những nụ cười trẻ thơ. Một tay bà lo lắng cho các cháu khi anh chị không có nhà. Các cháu sổ sữa nên trông dễ ghét vô cùng. Hàm răng đen lại phô ra khi cười trông tươi như xưa, mỗi lần người đùa với cháu, nhưng bấy giờ đôi má đã nhăn nheo nhiều...
Chiến tranh bùng nổ, vào Đà Nẳng rồi lại hồi cư. Cuối cùng đến 1975 người theo anh chị lớn vào Huế sống. Tôi theo chồng vào Quảng Ngãi một thời gian thì ba tôi mất. Một ngày Mạ rồi đến Đẻ tôi cũng lần lượt trở thành cát bụi. Thật lạ kỳ, lúc sinh thời, cả ba người luôn sống bên nhau, vậy mà cuối cùng của đời người họ lại nằm cách xa nhau hằng chục ki lô mét. Ba tôi được các anh đưa về an táng ở quê nội. Mộ phần Mạ đích thì ở Huế. Còn Đẻ tôi yên nghỉ ở Đông Hà. Không biết dưới suối vàng họ có sum họp cùng nhau không nhỉ? Tôi mong được như thế.
Có rất nhiều kỷ niệm về người mà tôi không bao giờ quên. Tuy không phải là mạ ruột, nhưng với hai anh em tôi, người là người mẹ tuyệt vời. Trong thế giới nầy đẹp nhất là hình ảnh người Mẹ, một người mẹ lam lủ chỉ biết hy sinh cho chồng con. Đời mạ chưa một ngày sung sướng, hưởng thụ. Có vui chăng chỉ là lúc nghe tin anh và chị đậu Tú Tài và ngày các con thành gia thất. Hôm tiễn chị tôi lên xe hoa, người lẳng lặng lui sau vườn đứng khóc. Nước mắt của người mẹ mừng con vu quy, cũng là nước mắt thương con gái từ nay dấn thân vào chốn phong ba của đời làm dâu, làm vợ.
Một tuần nữa đến ngày Vu Lan, con xin thành tâm tưởng nhớ về Mạ, thương Đẻ. Cầu mong Mạ và Đẻ dưới chín suối sum họp và thanh thản bình yên.
Con kính lạy MẠ. Kính lạy ĐẺ
                                                              Đinh Quang Tuyết

No comments: