Tác giả Huy Uyên
1-
THỜI MỚI LỚN
Ở giữa làng
là xóm chợ. Bên cạnh đường quốc-lộ vắt ngang. Mùa đông về trên những chòm hoa sầu
đông đứng lặng lẽ.
Ký ức trong tôi
với những tháng ngày hai buổi đi về. Chiếc cầu sắt bắc qua sông và một chiếc cầu
xi-măng bên dưới đã gãy nhịp từ thời Pháp thuộc. Con sông Ô-lâu hiền hòa chia
hai xóm,nước êm đềm chảy qua bốn mùa yên ả. Những bờ tre làng rợp bóng soi mình
trên mặt nước trong xanh.
Lòng cứ nhớ mãi
về những mùa đông làng xóm chìm ngập một màu trắng xóa vì cơn lụt. Những chiếc
thuyền bơi xuôi ngược giữa đại dương nước mênh mông. Nước bạc màu đến bất ngờ, nước
tuôn vào sân, vào nhà rộn vang những tiếng bì bõm khi lội trong nước. Làng trên
xóm dưới gọi nhau í ới.
Mùa xuân đã đến ngoài hiên và nước vẫn ngập đầy vườn. Đâu
dó tiếng nghé ọ trên cánh đồng vàng mùa bội thu.Tiếng hò đối đáp rộn ràng trong
mùa gặt. Tiếng kẽo kịt của những chiếc đòn gánh nhún nhảy trên những đôi vai
người nông-phu. Những bát
nước chè xanh bốc khói bày ra trên sân với đêm đập
lúa. Những ông già rung rinh chòm râu bạc khề khà nhấp chén rượu đầu mùa.
Đêm treo lơ lửng
ngọn trăng trên đầu, trăng bàng bạc khiến không gian càng tỉnh lặng. Trăng soi
sáng vườn khoai đang bắt đầu xanh ngọn, vườn chè xanh biếc dưới ánh trăng dịu hiền.Những
bờ tre trở mình rên kèn kẹt. Làm sao nói hết cái lâng lâng giữa đêm trăng qua
làng quá mường tượng, kỳ ảo. Thoảng dưới ánh trăng tiếng hò giả gạo, khoan hụi
dìu dặt rộn niềm vui ngày mùa.
(Con đường đó tôi và em từng dìu bước nhau đi
biết bao lần. Con đường của kỷ-niệm ngàn đời ẩn nấp trong tim đứa con trai thời
mới lớn. Lời thề xa xăm. Mai sau nếu có xa nhau cũng không quên con xóm cũ dòng
sông xưa với chiếc cầu đi về hai xóm. Thế rồi em đã ra đi, đi biền biệt với một
khung trời đầy kỷ -niệm cháy bỏng trong tôi. Lời thề hẹn đó đã vội vàng chôn ở
nơi con dốc đầu làng khi hai đứa cầm tay từ biệt và đã ở lại đó vĩnh-viễn. Tôi
cũng ra đi ôm theo mối tình đầu đau đớn, đứng ngắm nhìn quá khứ chưa một lần trọn
vẹn. Hỏi em giờ này còn nhớ gì không, quê hương hai tiếng nặng lòng cho đến lúc
nhắm mắt. Quê hương với những sớm mai, những chiều về tay trong tay kể nhau
nghe những chuyện vui buồn, những ước mơ thời trẻ dại. Lần đầu gặp em e ấp dưới
chiếc nón lá, áo dài màu tím với nụ cười long lanh dưới nắng chiều, hoàng hôn
rãi cùng khắp xóm làng. Em đã mang đến cho tôi ngày mà cuộc đời bắt đầu biết
vui buồn chờ đợi).
Chiến tranh đã
đi qua làng ngày đêm đì đùng tiếng súng. Chiến tranh đã cướp đi tháng năm bình
lặng, yên ả.Trai tráng lên đường để lại những cánh đồng trơ gốc rạ. Trâu bò
không người cày lơ lửng bước trong đêm.
Con đường qua
làng nhiều lần bị cắt chia bởi đạn bom và chiếc cầu bỗng một đêm bị gãy nhịp
phân chia hai xóm. Những tiếng khóc và những chiếc quan tài mang dấu hiệu binh
lửa về đốt cháy quê hương. Những mái
tranh ngập chìm khói lửa. Mặt trận đi qua bỏ lại xóm làng xơ xác gảy đổ.
Giáo đường trơ nóc, đình chùa ngã nghiêng.
Những trảng cát
bây giờ đã lấp đầy những ngôi mộ nằm san sát. Những hàng bạch-đàn mọc thẳng tắp
thay thế tre làng bị thiêu cháy. Lớp lớp người đi không trở về mà còn nằm lại
đâu đó. Biệt ly và chia rời ngày một lớn dần thêm, xóm nhỏ bỗng tiêu điều sau
những cơn đánh phá của bom Mĩ.
Rồi người cũng quay về khi một mai tin vui hòa-bình trở
lại. Trên bờ đê những trai tráng trong làng vai vác cày theo sau đàn trâu chậm
rải bước. Đồng quê lại rộn ràng tiếng cười tiếng nói sau mùa binh lửa. Những cụ
già lại khề khà chén rượu bên bầy con cháu vui đùa ngoài sân. Con đường về xóm
dưới bây giờ đã được bắc qua sông một chiếc cầu chắc chắn thay chiếc cầu tre đã
gảy nhịp từ lâu rồi. Ngày tôi đưa em qua chiếc cầu này với bao rộn ràng của con
tim mới lớn. Em bảo giá mà hai ta suốt đời đưa đón đi về. Thế rồi em bỏ đi mà
không bao giờ quay lại.
Sông xưa vẫn nước chảy hiền hòa. Sông nuôi đồng ruộng
quanh năm. Núi kia vẫn ngàn đời lừng lững che chắn những cơn gió Lào rát bỏng
mùa hè. Hàng tre làng vẫn kẽo kẹt rung rinh trước gió. Tre che mát cho đời người
nông phu quanh năm suốt tháng. Trong vườn đã lắt lay từng nụ hoa cà, hoa bí
mang lại cho người niềm vui bình dị. Những mùa đông sớm mai bà con với những cũ
khoai luộc hay những bắp ngô nướng thơm giòn. Niềm vui ấm áp nhân đôi với tiếng
hít hà phả ra những làn khói trắng trên đường đến trường. Thầy cô, bạn bè đã bay đi khắp bốn phương trời, mỗi người một
đoạn đời riêng rẻ. Có mấy ai quay về đúng trước mái trường xưa để ngậm ngùi với
những tàn phá của ngày xưa cũ.
Ở đầu làng là ga xép quanh năm phơi mình dưới trảng
cát trắng xóa nóng, nằm chờ những chuyến tàu qua hiếm khi dừng lại. Vẽ đìu hiu
trùm lên vài người khách lẻ lên xuống từ đầu hạ đên cuối đông. Một mình đi, một
mình về thui thủi. Lòng lại nghẹn khuất với những hồi còi tàu kéo lên giữa
không gian xám xịt. Tiếng còi như ứ nghẹn ở trong tim. Ôi những tiếng còi tàu
buồn bã qua làng đến não nuột. Ngày tôi tiễn em đi sân ga chỉ có hai người. Tay
trong tay bịn rịn nói lời chia biệt hẹn hò. Em nước mắt lưng tròng ngã lên vai
tôi. Chiếc khăn tay em thêu tên hai đứa lồng vào nhau nghẹn ngào đưa tay vẫy
khi tôi làm người ở lại. Con tàu bỏ đi mang theo em làm cho tôi thêm quạnh hiu
tiếc nhớ. Ngày đó đã qua mất rồi.
Cô đơn xưa hình như trở lại quanh đây. Nơi đó tít mờ ánh sương mai, nơi
ánh nắng chiều rọi soi ngày đầu tôi gặp em lung linh dưới nắng. Nụ cười rạng rỡ
tỏa sáng quanh em. Làm sao tôi nói hết nỗi bồi hồi lao xao với một buổi chiều đầy
kỷ-niệm.
Em còn đó với hiện thân của một bóng hình miên viễn
quanh tôi. Vẫn dịu dàng với hai bàn tay vẫy, vẫn đong đưa từng nhịp bước, từng
tiếng thở dài về một mối tình đến sớm đầy tràn niềm hạnh-phúc mong manh của thời
trẻ dại.
Ngày tôi đưa em qua chiếc cầu chông chênh, không lối
nhỏ về nhà. Em chợt im lặng níu giữ một mối tình vừa mới hái. Hạnh phúc quá mỏng
manh, sương khói. Ngày em đi qua nhà tôi, bước chân không hề có tiếng động dấu
kín một mối tình. Em trong tôi cuộc tình đầu chứa chất bao đắng cay khốn khó
Tôi một mình biết
bao lần quay lại nơi xưa tìm kiếm mối tình đầu đời dù trải qua những tháng năm
dâu bể, ngược xuôi. Em về một phương trời xa xăm nào đó để lại trong tôi ánh mắt
nụ cười. Điều đó đã theo tôi suốt đoạn đời còn lại, đã mang trong tôi dấu ấn đậm
đà mãi mãi xa người. Hỏi em có còn nghĩ lại, hỏi em có còn nhớ về ảnh hình của
thời xưa cũ, giấu trong tim hết cả thời mới lớn.
Em đi rồi làng
xóm bỗng chìm khuất trong nổi buồn lặng lẽ. Không gian bổng chìm sầu vạn cổ. Những
ước mộng ban đầu, đắng cay theo bóng hình em. Có thể trong tôi vẫn mãi giữ những
kỷ-niệm buồn. Có thể trong em vẫn ẩn chứa hình dáng quê hương. Nơi đó được đặt
tên là nơi trú ngụ của tình yêu.
Có chăng mong một
lần quay lại, trở về bên sông cũ, xóm
nghèo xưa để nhớ để nghĩ về cuộc tình tan vỡ. Đau đớn cho đến lúc bạc mái đầu
có còn để gọi nhau là cố nhân không ?
Ở giữa làng là
xóm Chợ nơi em ngày hai buổi sáng chiều bán cá. Vẫn khuôn mặt đỏng đảnh, nụ cười
chúm chím. Em đã để lại trong tôi mãi hoài của những nụ hôn xa, của con tim
liên hồi đập mỗi lần đón đợi người thương. Em còn lại trong tôi những đêm trăng
hò hẹn, những đêm lễ hội, lòng hồi hộp dưới ánh trăng cổ tích. Tay cầm tay
không nói thành lời chờ một thủy chung mai mốt. Thế rồi em đi. Xóm làng xưa vẫn
bên cuối bãi biền sông. Con sông xưa vẫn đổ từ triền núi ra biển cả.
Ngày đó ai mơ một ngày về.
2-
QUÊ
NHÀ VÀ TRƯỜNG LỚP:
Bến
Đá, Hải-Lăng & Nguyễn-Hoàng.
Lần lửa hẹn
mãi lòng một lần quay về với Bến-Đá. Nơi quê nhà xưa đã một thời tắm mát bên
dòng sông Ô-Lâu xanh biếc hiền hòa. Nơi những người thân hai mùa mưa nắng dầm
mình đồng chiêm cày ải. Nơi tiếng chim bìm bịp kêu chiều theo con nước ròng nước
lớn. Nơi tuổi thơ tôi vốn sinh ra trong một gia đình lam lũ nghèo nàn.
Tôi mất cha từ
năm lên một. Cha tôi hi sinh ở mặt trận Ba-lòng thời kháng chiến chống Pháp. Mẹ
tôi ở vậy tảo tần sớm hôm nuôi tôi khôn lớn. Những đêm, những ngày quanh quẩn
sau lũy tre làng với con đường quê hai bữa đến trường. Ngoài những buổi học tôi
phụ mẹ tôi bắt ốc mò cua,mót khoai mót lúa. Cuộc sống cơ cực ở thôn làng đã rèn
luyện cho tôi nên người từ thuở đó. Đến
năm mười hai tuổi mỗi ngày tôi phải đi bộ mười cây số ra phố quận Hải-lăng để theo
bậc trung-học.Tháng ngày dãi dầm mưa nắng. Những ngày hè oi bức mồ hôi trên con
đường cái quan rãi nhựa bốc khói. Những
sớm mai ,chiều đông rét lạnh căm căm tôi bó mình trong chiếc áo tơi do tôi chằm
từ lá nón, lầm lũi bước với bụng đói lép kẹp cho đến ngày khôn lớn. Tuổi học
trò trôi đi với những buổi trưa đói lòng qua bữa bằng một chiếc bánh chưng nhỏ
dưới gốc bàng trước đình làng Diên-sanh thật tội-nghiệp.
Người ta gánh về
đặt bên ngoài hàng rào phía tây dồi cát của trường chừng mười xác chết. Những vết
đạn băm đầy mình cháy đen nham nhở. Người ta bảo đó là Việt-cộng bị sát hại bởi
trận phục-kích đêm qua. Những xác chết nguội ngắt trần truồng. Ai đã cắc cớ gắn trên môi người chết những điếu
thuốc lá còn bốc khói nghi ngút. Nắng bắt đầu rát và những xác chết cũng bắt đầu
trương lên. Ký-ức tôi xót đau cho phận người từ đó. Ý nghĩa về chiến tranh cháy
đỏ trong tôi về một sự hi sinh đầy máu, nước mắt của hai phía, của nhân dân lớn
dần lên. Trong cuộc chiến trả giá bằng những cái chết, mất mát đau thương để
dành lấy sự tồn tại. Chính là những người
đang nằm đó. Cũng là người mà ai nỡ đầy đọa nhau dường ấy.
Hận thù cứ buộc
mãi mà không bao giờ tháo bỏ. Tôi bắt đầu lớn lên bằng những ý niệm chiến tranh
giữa những người anh em thù hận trong không khí chiến cuộc đầy mùi thuốc súng,
phía sau rình rập đêm đêm ở làng quê cho đến phố chợ vốn nghèo lại càng nghèo
xơ xác. "Phố nhỏ Diên-sanh lạnh buồn
tê tái" giữa bốn mùa xuân hạ thu
đông im lìm lặng khuất rêm mình dưới thời chiến. Lại những đợt hành-quân càn
quét. Quê nhà vốn đã chìm sầu trong khói lửa-cây không mọc nổi giữa hai làn đạn,
ruộng không người cày vì người đã bỏ lên núi. Trâu bò lơ lửng bước trong đêm nhớ
về một mùa vàng bội thu, êm đềm dưới trăng đêm giã gạo. Hồi đó quê nhà bình yên
đầy ắp giọng nói tiếng cười.
Thế rồi đầu năm
sáu lăm tôi được ra tỉnh học lớp tú-tài.
Hình ảnh ghi đậm trong tim tôi là ngày bác (Sáu) tôi đứng bồi hồi chờ
trước cửa trường nam-tiểu-học khi tôi thi Trung-học. Bác vốn thay cha tôi cùng
mẹ tôi bảo ban nuôi nấng tôi nên người, bởi tôi vốn không cha từ lúc lọt lòng. Trưa
bụng đói bác đưa cho tôi ổ mì"xíu" mà lần đầu trong đời tôi được ăn. Cái
hương vị tuyệt vời mãi đi theo tôi cả chiều dài năm tháng. Cái mùi cay bùi đó
không làm sao tôi quên được. Chiều trời đổ mưa tôi gói mình trong tấm ni-lông
màu nước mắm băng qua đường gặp bác, hai mắt của bác nhìn tôi ứa lệ với cảnh
tình túng thiếu của tôi. Bác nhẹ nhàng cởi tấm ni-lông rồi lặng lẽ mặc cho tôi
chiếc áo mưa (đầu đời) hiệu Blair màu
khói hương. Tôi nuốt nước mắt vào lòng, mừng vui khôn tả. Tôi lặng thinh nắm lấy tay bác đi bộ về chỗ
trọ lòng đầy bồi hồi xúc động. Kỳ đó tôi đỗ trung-học.
Để có cơm ăn tôi đi làm precepteur suốt ba năm học trường
Nguyễn-Hoàng. Với một bà mẹ quê quanh năm ruộng lúa nương khoai lo cho cái ăn
cái mặc thì làm sao kham nổi cho con ăn học xa nhà nên đành phó thác tôi cho trời
cho đất. Những ngày đầu bỡ ngỡ với lớp với trường tôi xoay quanh với nghề
gia-sư ở nhà sách Tao-đàn, đêm kèm ba đứa nhỏ tiểu-học. Cho đến năm đệ-nhị thì
chuyển lên kèm cho một gia đình xóm chài Quảng-trị. Cái xóm chài ven sông Thạch-hãn
cứ theo mãi tôi đén bây giờ, những con đò nằm sát bên nhau nơi bến đổ đầy... và
rong rêu dại dập duềnh theo từng đợt sóng lô xô. Những bữa cơm trưa với hạt gạo
chan mùi dầu diesel nhà binh thiếu đói.
Nhà tôi dạy kèm vốn nghèo nên nữa niên khóa sau tôi
ghi tên ăn cơm xã-hội miễn phí và thuê một cái giường để ngủ và học hàng ngày. Vì
đói mà tôi đã cố nuốt cho qua bữa cá mòi, cá mối sình thiu.
Cuối ngã ba đường là MACV, từ cine Đại-chúng, từ Cổ-thành đi lại và từ
Long-Hưng ra là Nguyễn-Hoàng.Tôi học ban C nên được xếp học ở dãy nhà dọc phía
trái, có cái cổng phụ rất dễ cho những lần cúp cua lang thang ngoài phố. Tôi vốn
không có một bạn gái nào để vắt vai một mối tình, vì nghèo đói vì thân phận hẩm
hiu. Đám nữ sinh quá cao vời vợi với tôi. Cứ mỗi chiều cuối tuần tôi háo hức về
lại quê nhà, bên mâm cơm nghèo cùng mẹ tôi với những trái cà đọt bí. Hương vị của
đất trời tỏa một mùi thơm dìu dịu. Hình như để bù lại cho những ngày ở tỉnh-lị
thiếu đói mẹ tôi lại chạy vạy lo cho từng bát cơm có trứng, có cá.
Ở trường tôi có
thầy cô quan tâm đến phận nghèo như cô Thanh, thầy Gary Carkin, thầy
Diên, thầy Nguyễn-đăng-Ngọc. Hình như chỉ có Việt và Anh văn là tôi chăm chú học
còn các môn khác tôi lại lơ đểnh, nhất là môn vạn-vật vì thế mà năm thi tú tài
tôi bị thiếu điểm của cô Toàn. Thật nghiệt ngã
Hồi này tôi bắt đầu có thơ trên các báo Sài-gòn.Tết đó
tôi viết bài thơ buồn:
NÓI VỚI LỚP HỌC
Dĩ vãng đó xin người đem dấu kín
Kỷ niệm buồn đứa con nhỏ hoang mê
Đến với người bằng tháng ngày đông tím
Bằng hạ buồn bằng thu chết ngất ngư.
Tôi chong mắt nhìn đời mình ở đó
Lớp học buồn khuôn mặt lạ trầm ngâm
Ghế bàn trơ im lìm lên nước gỗ
Buồn lưng đầy theo từng tháng từng năm.
....
Người về đó xem xóm làng tôi gục chết
Bầy trâu nghèo lơ lửng bước trong đêm
Ruộng cằn khô bên từng khoang mạ cháy
Người bỏ đi nhung nhớ cả trăm miền.
Xin dung tha một đời tôi vô phước
Sớm xa người về trong cảnh nát tan ....
Thời gian cứ
mãi trôi đi, đi mãi cho đến một ngày tôi cũng bỏ trường mà đi sau những năm
tháng sống cực nhọc, gian khó. Có ai biết đến một đứa con Nguyễn-Hoàng trong bỗng
chốc thấy mình cô đơn quá đổi giữa một quê hương đầy súng đạn nghèo đói. Ngày
mai không có đường về. Lại những lần ra đứng thơ thẩn bên sông Thạch-hãn. Nhìn
bên kia ẩn hiện ngôi chùa Sắc-tứ thong thả từng hồi chuông. Những hàng cây liêu
xiêu, dòng nước lững lờ.
Những đứa con
xưa của Nguyễn-Hoàng có lẽ đã đơm hoa kết trái trên vạn nẻo đường. Tiếp nối mãi
về một thân tình ấm áp, mãi cầm tay nhau cho dù tuổi đời đã sửa soạn về chiều. May
thay vẫn còn lại những trái tim người đầy nhân ái và đậm đà thủy chung tình bạn,
tình thầy trò.
Đoạn viết này xin được gởi đến cô Thanh để
nhớ đến một đứa học trò đã từng khốn khó.
Những tháng
ngày đói ốm, cơm thừa cá cặn lại diễn ra với đời sống thiếu thốn ăn nhờ ở đậu. Đến
nỗi tôi không có một bộ đồng-phục, quần-xanh-áo-trắng để đi đến trường mà mặc
toàn đồ cũ xì. Thầy cô hàng ngày đã nhẵn mặt tôi, một đứa học trò nghèo khó. Lần
tôi nhớ nhất là lần cô giáo Thanh - dạy Pháp-văn, sinh-ngữ phụ gọi tôi lên trả bài nhưng tôi
không biết một cái gì cả. Cô bảo tôi ở lại sau giờ học, sau khi tôi trình bày về
hoàn cảnh thiếu đói đi làm gia-sư nên không có đủ sức để học. Cô thông-cảm và bảo
ban tôi như một người chị với đứa em có cảnh đời tội-nghiệp cho dù nghèo khó vẫn
ham muốn đến trường đến lớp. Đã nhiều lần cô tìm cách giúp đỡ tôi. Thế hệ Nguyễn-Hoàng
dường như ai cũng biết cô Thanh. Những cảm thông của cô đã chắp cánh cho tôi sau
này bay lên với cuộc đời vốn không hề bình-dị.
Lại những lần đổ
quân bên sân bay dã chiến cạnh trường. Chiến cuộc hồi này đã ác liệt. Những tiếng
nổ đêm đêm vọng về thành-phố. Tiếng đại-bác gầm rú đêm ngày tù phía rừng núi. Những
xác chết những thương binh ngập ngụa mùi tử khí.
Tôi hỏng tú-tài
năm đó và chỉ có hai cách là lên rừng hoặc bị động-viên-trừ-bị vì hồi này miền
Nam rất cần những tấm bia người đỡ đạn ngoài mặt trận cho một chính-quyền vốn rệu
rã...
Ngày tháng rồi
cũng đi qua, nhiều lần tôi đã về ngồi lại bên sông, bên chiếc cầu tre gãy nhịp
nhìn dòng nước chảy, nhìn bóng chiều tà đậu dài hai bên bờ ngẫm nghĩ đến đời
mình cho đến khi chiều tối. Tôi vốn sinh ra nơi quê nghèo, nơi đây ngày xưa ăm ắp
những tiếng hò mái nhì mái đẩy, gạo trắng trăng thanh, thế nhưng sau chiến cuộc
mọi chuyện đã đổi thay không còn nữa. Biết đến bao giờ, đợi đến bao giờ cho quê
nhà thay da đổi thịt.
Quê ơi cứ hẹn một
lần về.
3-
VÀO
ĐỜI
Khi qua khỏi cầu Mĩ-chánh, ngã ba con lộ không vui là quê làng tôi.Hơn bốn
mươi năm trước trường Trung-học Hải-lăng nằm sát bên con đường đó đối mặt với
huyện lị Hải-lăng với hàng kẻm gai chằng chịt. Năm một ngàn chín trăm sáu mốt, trường được xây trên bãi cát mọc đầy xương rồng
lẩn hoa mua sim dại. Hàng dương dập dìu trước gió, trống trường điểm từng hồi. Tuổi
thơ bồng bềnh phiêu hốt về một ngôi trường bé nhỏ nép mình trong thời buổi chiến-tranh
loạn lạc.
Tôi trở về đây,chốn xưa đã thành một khu mới. Giữa ngã
ba đi về khi xưa không tìm đâu dấu vết của ngôi trường cũ. Ngày đó thời bé nhỏ
ngày hai buổi đi về cùng bè bạn thầy cô chung vui trường lớp,xẻ chia đau thương
mất mát một thời súng đạn. Trong nỗi đau chung của Hải-Lăng từ cuộc chiến
huynh-đệ tương tàn trong đó có ngôi trường mẹ Hải-Lăng.
Ngày ấy làm sao nói hết những chiều thu hạ đến xuân
đông ở phố nhỏ Diên-sanh lạnh buồn. Ở giữa ngã ba đường quốc-lộ băng ngang là
những mái ngói của một thị trấn nhỏ buồn. Ở dưới gốc đa già là bến xe nho nhỏ hằng
ngày đi về tỉnh lị. Bên cạnh đó là ngôi đình làng trầm lặng với những cây bàng
lớn hơn vòng hai người ôm. Những buổi lên lớp nắng xiên mai chiều cát gió, một
tiếng trống, một tiếng còi tàu để lại cô quạnh thêm cho con phố nhỏ. Ở nơi đó
những Lộc, Hoa của Mai-đàn,Tục, Tiếp của
Trung-đơn đã đi qua và đã nằm xuống. Một thế hệ buồn !
Ngôi trường bị
xóa bỏ từ mùa hè đỏ lửa 1972 , sau đó thì vĩnh viễn chết ở cái huyện lị nghèo
này. Những cánh chim bay không mỏi mãi
nhớ về trườn g xưa.Ở đó tôi vẫn nhớ về từng hồi chuông nhà thờ đổ trong những
mùa giáng-sinh từ nhà thờ cha Minh, tiếng chuông ngân nga tít mãi tận đồi cát
bên kia. Đã chết đi những bóng hình xưa cũ, còn chăng chỉ còn lại những đám mây
trời trôi ngang qua đầu.
Cảnh cũ muôn năm đi vào cổ-tích của nhớ nhung hoài niệm
.
Huy Uyên
(1961-2015)
No comments:
Post a Comment