TÌM LẠI THÂN THẾ SỰ NGHIỆP CỦA PHÓ BẢNG-THƯỢNG THƯ LÊ TRINH
Bài học về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
*Lê Ngân, Luật gia - Nhà báo
(Cháu
nội Phó bảng-Thượng thư Lê Trinh.)
Tôi là người
gốc thuộc tộc họ Lê Cảnh ở Bích La
Đông, Triệu Phong, Quảng Trị nhưng sinh ra, lớn lên, học hành ở kinh đô Huế thời
nhà Nguyễn cho đến cách mạng tháng Tám 1945, cho đến tròn 18 tuổi, chưa một lần
được đặt chân về mảnh đất quê cha đất tổ. Lúc nhỏ sống trong gia đình, tôi có
nghe nói ông nội tôi là cụ Lê Trinh
nhưng đã qua đời từ lâu, ngoài tên Lê
Trinh không còn tìm thấy bất cứ một thông tin nào của ông nội.
Ngày CM tháng
Tám thành công, ở cố đô Huế, tôi đang học năm thứ tư hệ trung học trường Lycée
Khải Định (nay là trường Quốc học-Huế). Theo lời kêu gọi “xếp bút nghiên lên
đường tranh đấu”, phần đông học sinh lớp tôi đã bỏ học đăng ký gia nhập “quân
giải phóng Thừa Thiên” (sau đổi tên “Vệ quốc đoàn”), được theo học một khóa thông
tin về duyên hải. Sau ngày khóa học kết thúc, tôi cùng một nhóm ba học viên được
phòng Quân báo tỉnh Thừa Thiên phân công ra công tác ở Cửa Việt, tỉnh Quảng
Trị.Trước ngày nhận công tác ra Quảng Trị, chị tôi nhắn nhủ: ra Quảng Trị nếu có
điều kiện em nên tìm về Bích La Đông thăm mộ ông nội Lê Trinh.Tôi ghi nhớ lời dặn của chị. Đến Cửa Việt ba anh em chúng
tôi được ghép sinh hoạt chung với một trung đội Vệ Quốc đoàn đồn trú ở đây.
Cửa
Việt vào những ngày ấy hoang tàn ảm đạm, không có bất cứ một hoạt động hàng hải
nào thuộc nhiệm vụ chúng tôi theo dõi.Tuy vậy, hàng tuần tôi được phân công về
thị xã Quảng Trị báo cáo tình hình với phòng Quân báo tinh. Để thuận tiện cho
việc đi lại, rung đội Vệ Quốc đoàn cho tôi mượn một con ngựa. Đây là lần đầu
tiên tôi tập cưởi ngựa. May mà gặp con ngựa thuần tính nên tôi không gặp trở
ngại gì trong đi lại. Nhân có con ngựa, tôi hỏi đường về Bích La Đông và tôi đã
đạt mục đích lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất quê cha đất tổ.Vào thời điểm
này, ở Bích La Đông, tôi chỉ biết duy nhất một người là bác tôi, ông Lê Công Thâm
thỉnh thoảng có ra Huế thăm gia đình tôi. Đến làng Bích La Đông, tôi hỏi thăm
thì được biết trước ngày nổ ra cách mạng tháng 8/1945, cả gia đình bác tôi đã
vào Nam cư trú! Tôi đành hỏi thăm đường ra ngôi mộ cụ Lê Trinh. Ngôi mộ nằm giữa
một cánh đồng đẹp, xây dựng bề thế nhưng quạnh hiu, hình như đã lâu không có
người chăm nom quét dọn. Bản thân tôi trong tay cũng không có lấy một nén hương
để thắp cho ông nội, chỉ đành vái lạy rồi lên ngựa trở về Cửa Việt.
Cho đến thập niên 1990, dù đã có nhiều lần về Huế thăm gia đình, tôi vẫn
chưa có dịp về lại Bích La Đông lần thứ
2, nhưng cũng biết thêm: ở Bích La Đông có chú Lê Công Hành, người thừa kế hương
khói cho cụ Lê Trinh sau ngày bác Lê Công Thâm vào Nam cư ngụ, chú Hành đã qua
đời nhưng hiện gia đình con trai là Lê Công Em, một cựu chiến binh tiếp tục đảm
nhiệm hương khói cho cụ Lê Trinh.
Năm 1994, theo yêu cầu của chính quyền địa phương, ngôi mộ cụ Lê Trinh (tôi đã từng biết năm 1945) đã được tháo dở, hài cốt
quy tập và xây mộ mới ở nghĩa trang Lê Cảnh (Bich La đông).
Đầu năm 2000, với
tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, tôi bắt đầu tìm kiếm tài liệu về thân thế, sự
nghiệp của ông nội tôi. Ở Huế có hai gia đình
là con trai cụ Lê Trinh có thể còn lưu giữ tài liệu về cụ: một là nhà bác Lê Du
ở đường Nhật Lệ thành Nội, đây vốn là nơi ở của Thượng Thư Lê Trinh trong những
năm làm Thượng thư bộ Lễ; hai là ngay tại nhà cha tôi, ông Lê Ngô (thường gọi là
Tham Ngô vì từng là Tham tá Cơ mật viện đại thần).Tại nhà bác Lê Du đã quá cố, con trai là Lê Bình đã nhiệt tình cùng tôi soát xét hồ sơ, giấy tờ gia đình
đang lưu giữ.Tôi chú ý đến một tập vở chép đầy chữ Hán ngoài bìa không ghi gì. Theo
anh Bình, đây là tập thơ chữ Hán của cụ Lê Trinh, tác giả chép tay để lưu
lại nhưng từ ngày cụ qua đời chưa ai đọc
và dịch.Tôi đã tạm mượn và ra tiệm photo 3 bản về trao lại nguyên bản kèm một
bản photo tặng anh Bình.Về lại Hà Nội, tôi đã trao bản phôt tài liệu của cụ Lê
Trinh nhờ một số bạn thân là chuyên viên Hán ngữ nghiên cứu và được biết: đây là
tập thơ, câu đối của một đại thần triều Nguyễn rất có giá trị, tuy chưa phải cổ
vật nhưng cũng đã có trăm năm tuổi.Tuy nhiên, việc biên dịch chưa đạt yêu cầu. Phải
đến năm 2003, tôi trở lại Huế làm việc với phòng Bảo tàng TP Huế, được anh Lê Văn
Thuyên, trưởng phòng và anh Lê Nguyễn Lưu chuyên viên Hán ngữ trân trọng tiếp
nhận xử lý mới có kết quả mong đợi. Chỉ sau một thời gian ngắn, anh Lê Nguyễn
Lưu đã trao cho tôi tập bản thảo công trình biên dịch rất công phu và cho
biết: tài liệu tôi đang sở hữu là rất quý và rất có giá trị về lịch sử, về văn học, đây
là tập di cảo thơ và câu đối của Phó bảng-Thượng thư Lê Trinh với bút hiệu nhà
thơ Bích Phong sáng tác từ ngày bước vào quan trường (năm 1875) cho đến những
năm đầu thế kỷ 20 trước ngày nhà thơ qua đời ở tuổi 60 (1909). Tập di cảo thơ
Bích Phong chỉ chép tay nhưng chất lượng không thua kém bất cứ một thi tập nào
đã được ấn hành cùng thời điểm. Đáng chú ý những trang sau di cảo thơ câu đối
do chính Bích Phong chép, có người khác đã chép nguyên văn hai bài Chế, một bài
Dụ, một bài Tế của vua Duy Tân thăng phẩm hàm lúc Thượng Thư Lê Trinh đương
chức, truy phong tước “Tử” sau ngày Lê Trinh qua đời và bài Tế nhà vua sai làm
cử người đại diện đọc lúc cử hành lễ
tang. Tại nhà cha tôi, trong hồ sơ giấy tờ của bà Lê Thị Thuyền, chị tôi đã quá
cố, còn tìm thấy một bản tóm tắt lý lịch các chức vụ ông Lê Trinh từ
ngày bắt đầu quá trình sau ngày đỗ Phó bảng ra làm quan dưới triều vua Tự Đức
và trải qua 5 triều vua tiếp theo cho đến ngày qua đời và một bức ảnh cở 12x18
chụp chân dung Lê Trinh, trên bức ảnh có bài thơ do tác giả sáng tác và tự tay
chép trên ảnh cho thấy ảnh chụp năm 1906, lúc tìm thấy là năm 2003, gần đúng 100
năm. Anh được đóng khung gỗ, tuy có một vài hoen ố nhưng gần như nguyên vẹn chân
dung và bài thơ chữ Hán. Đây là những tư liệu quý phục vụ cho việc khôi phục
thân thế sự nghiệp của cụ Lê Trinh.
Một sự kiện tình cờ nhưng rất có ý
nghĩa: cùng thời điểm gia tộc cụ Lê Trinh sưu tầm tư liệu về cụ Lê Trinh có thêm
sự kiện bà Lê Thị Kinh (Phan Thị Minh - cháu ngọai cụ Phan Chu Trinh) phát hiện
trong dịp sang Pháp tìm tài liệu về cụ Phan Chu Trinh đã tìm thấy “biên bản làm
việc và hai bản án của Nam triều trong dịp Phan Chu Trinh bị Pháp bắt vào ngày
3/3/1908, bị kết tội chủ mưu kích động nông dân Quảng Nam nổi dậy chống Pháp và
giải về Huế giao cho Nam triều xử “trảm quyết” (chém ngay) nhưng Hội đồng Cơ mật
Nam triều kết án: "trảm giam hậu” (giam trước chém sau). Phía Pháp không đồng ý, buộc phải xử lại ở cấp cao hơn với yêu cầu “trảm quyết”! Phủ Phụ
chính do hai Phụ chính đại thần đầu triều là Lê Trinh và Cao Xuân Dục đã xem
lại và ra phán quyết: “bảo lưu án cũ” và cho thi hành án ngay đưa Phan Chu
Trinh xuống tàu đày ra Côn Đảo. (Vài tháng sau, trước cuộc đấu tranh của Liên minh
Nhân quyền ngay trên đất Pháp, Phan Chu Trinh được phóng thích và được sang
Pháp tiếp tục hoạt động cứu nước cho đến năm 1926 qua đời tại Sài Gòn vì bạo
bệnh).
Toàn bộ các tư liệu mới sưu tầm được là bằng
chứng lịch sử cho phép lần đầu tiên dựng lại trọn vẹn thân thế sự nghiệp của
Phó bảng-Thượng thư Lê Trinh đã bị quên lãng suốt một thế kỷ kể từ ngày Cụ qua
đời.
“Lê
Trinh thuộc tộc họ Lê Cảnh ở Bích La Đông xã Triệu Đông tỉnh Quảng Trị, sinh
năm 1850 là con trưởng của ông Lê Cảnh
Chính, Binh bộ viên ngoại thị lang hàm nhị phảm dưới triều vua Minh
Mạng. Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, học giỏi. Năm 20 tuổi dự khoa thi Hương năm
Canh Ngọ,Tự Đức 23 (1870) với danh số Lê Đăng Lĩnh, đỗ cử nhân giải nguyên, năm
năm sau dự thi Hội khoa Ất Hợi,Tự Đức 28 (1875) với danh số đổi lại là Lê Đăng
Trinh, đỗ Phó bảng và ra làm quan với tên Lê
Trinh. Lê Trinh tham dự quan trường từ cuối đời vuaTự Đức, cũng là
giai đoạn kết thúc thời kỳ hưng thịnh bắt đầu thời kỳ suy thoái của triều
Nguyễn.Tuy nhiên với bản lĩnh riêng của mình, Lê Trinh vẫn tiếp tục đứng vững và
phát triển trãi qua 5 triều vua với nhiều biến động của thời cuộc.
Năm Thành
Thái 15 (1905), ông thụ phong Lễ bộ Thượng thư kiêm chức Phụ chính đại thần. Năm
1907 Pháp phế truất ThànhThái. Phụ chính đại thần Lê Trinh đã hiến kế để triều
đình chọn hoàng tử Vĩnh San nối ngôi với niên hiệu Duy Tân. Dưới triều Duy Tân, Lê Trinh tiếp tục giữ chức Phụ chính đại thần, Thượng thư bộ Lễ và là một đại
thần được vua Duy Tân đặc biệt sủng ái.
Ngay sau ngày lên ngôi vua, Duy Tân đã
ban bài Chế ca ngợi tài, đức của Lê Trinh và chuẩn cho ông được thăng hàm Vinh
Lộc đại phu, Hiệp biện đại học sĩ vẫn giữ chức cũ. Năm 1909 được tin Lê Trinh đột
ngột qua đời, nhà vua ban hành đạo Dụ truy phong cho ông tước Vệ Nghĩa tử và sai
làm bài Tế cử người đọc trước linh cửu bài Tế có đoạn:
Phiên âm:…Duy Khanh vi nhân, tuấn sảng khôi
kỳ. Ngũ triều danh túc, nhất đại biểu nghi……Duy chi tiểu tử, viết vị hữu tri. Thượng
lại khải ốc, bậc dư vu di…
Dịch nghĩa:…Khanh sinh ở thế, tài
giỏi tót vời. Năm triều để tiếng, khuôn mẫu cho đời…Ta là con nhỏ, hiểu biết nông khơi. Nhờ Khanh chỉ
bảo, dạy đạo làm người…
(Trích “Bích Phong
di thảo”-NXB Thuận Hóa-2006-trang 240)
Tuy nhiên, sau năm
1916 cuộc khởi nghĩa chống Pháp do vua Duy Tân tham dự cùng Việt nam Quang phục
hội bị thất bại, Duy Tân bị bắt, bị xử phế truất ngôi vua và đi đày. Hai triều
vua tiếp theo Khải Định, Bảo Đại duy trì thái dộ kỳ thị với hai nhà vua yêu nước
Thành Thái, Duy Tân, mọi di sản của Thành Thái, Duy Tân bị thu hồi. Đến sau cách
mạng tháng Tám -1945, tuy đã phục hồi vị thế một số nhà vua yêu nước: Hàm
Nghi, Thành Thái, Duy Tân… nhưng vẫn còn thái độ kỳ thị với giới quan lại. Đây là
lý do khiến suốt gần một trăm năm sau ngày cụ Lê Trinh qua đời, không ai nhắc
đến thân thế, sự nghiệp của người quá cố!
Với những tư
liệu mới được phát hiện, từ sau năm 2003, giới truyền thông cả ở trong và ngoài
nước đã có nhiều bài giới thiệu về Phó bàng-Lê Trinh.
Năm 2005, tôi có dịp về thăm Bích La Đông
lần thứ hai. Lần này đi cùng một số thành viên trong gia đình và có thêm anh Lê
Công Quang (con trai út của bác Lê Thâm), Lê Hùng (cháu ngoại bác Lê Thâm ở Đà
Nẵng) cùng có mặt. Chúng tôi đã tổ chức lễ cúng tại bàn thờ cụ Lê Trinh đặt tại
nhà ông Lê Công Em, thăm và gặp gỡ các vị lão thành tộc họ tại từ đường Lê
Cảnh, viếng mộ Cụ Lê Trinh tại nghĩa trang họ tộc Lê Cảnh.Tham dự viếng mộ có cả
một đoàn đông đảo, đầy đủ hương hoa. Đứng trước ngôi mộ mới cải táng sau năm
1994 tôi không khỏi bàng hoàng xúc động. Ngôi mộ mới chiếm diện tích vẻn vẹn
chưa đầy 1m2, giống như một dãy hàng dài vài chục ngôi mộ khác trong nghĩa
trang. Nếu có so sánh với ngôi mộ cũ tôi từng chứng kiến năm 1945, tôi tạm dùng
hình ảnh: nếu ngôi mộ cũ là quả dừa thì ngôi mộ mới này chỉ là quả quýt! Tuy
nhiên vẫn còn đó tấm bia ghi hàng chữ:“Phần
mộ ông Lê Cảnh Trinh nguyên Hiệp tá Thượng Thư Bộ Lễ,Cơ mật Đại thần tước Vệ
Nghĩa Tử-Canh Ngọ giải nguyên, Ất Hợi Phó bảng-Mất 12/9 Âm Lịch.” Quan
tước, phẩm hàm người quá cố không thay đổi nhưng diện tích, hình thức hai ngôi mộ
khác nhau một trời, một vực! Tôi đã có suy nghỉ phải xây lại mộ nhưng việc cấp
bách trước mắt là tiếp tục làm sáng tỏ
thân thế, sự nghiệp cụ Lê Trinh.
Năm 2006, NXB
Thuận Hóa đã in và phát hành cuốn “Bích Phong di thảo” gồm thơ, câu đối của Phó bảng
Lê Trinh (Lê Ngân biên soạn, Lê Nguyễn Lưu biên dịch). Nhân dịp này, ngày 3 tháng
10 năm 2008 tôi đã gửi sách tặng UBND tỉnh Quảng Trị kèm thư kiến nghị tỉnh
Quảng Trị tổ chức hội thảo về thân thế sự nghiệp của Phó bảng-Phụ chính đại
thần Thượng Thư Lê Trinh nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày qua đời
(1909-2009). Không lâu sau đó, tôi nhận được công văn số 562 ngày 8-12-2008 của
Sở Văn Hóa,Thể Thao,D u Lịch tỉnh Quảng Trị do Phó Giám đốc TS Nguyễn Bình ký
thông báo: "Theo ý kiến chỉ đạo của UBND
tỉnh Quảng Trị,việc tổ chức Hội thảo về Phó bảng, Phụ chính đại thần Thượng Thư
Lê Trinh sẽ giao cho Hội Di sản Văn hóa tỉnh Quảng Trị phối hợp cùng gia tộc tổ
chức”.
Theo tinh thần thông báo trên, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày giỗ của
cụ Phó bảng-Thượng thư Lê Trinh (12/9/1909-/12/9/2009), cuộc Hội thảo đã được tổ
chức trọng thể tại Đông Hà-Quảng Trị, có đông đảo nhà nghiên cứu khoa học xã hội
ở Huế, Quảng Trị, Hà Nội tham dự, đọc tham luận (PGS-TS
Đỗ Bang, NNC Nguyễn Đăc Xuân, Thạc sĩ Lê Đình Hào, PGS-TS Lê Thanh Bình, nhà báo
Nguyễn Hoàn, NNC Lê Văn Thuyên,Giảng viên Đại học Nguyễn Hồng Trân…). Các bài
tham luận đã bổ sung chứng cứ sáng tỏ các sự kiện Lê Trinh với vua Duy Tân, với
Phan Chu Trinh, với Nguyễn Sinh Huy…về đức hạnh, tài năng qua thơ của Bích
Phong. TS Nguyễn Bình-phó chủ tịch Hội Di sản tỉnh Quảng Trị (nay là Chủ
tịch Hội), đồng chủ tọa cuộc Hội thảo đã kết luận: "Với những phẩm chất trong sáng, cao đẹp cùng những cống hiến đóng góp
cho quê hương, dân tộc và lịch sử ,có thể nói rằng cụ Phó bảng Lê Trinh là một
nhân vật lích sử đáng quý trọng và cần
được tôn vinh của quê hương đất nước”.
Đến đây vai trò, vị trí của Phó bảng, Phụ
chính đại thần,Thượng thư Lê Trinh dưới chế độ mới đã được khẳng định. Cũng đã
đến thời điểm thích hợp xây lại mộ mới cho cụ Phó bảng. Sau một thời gian ngắn
chuẩn bị, ngày 12/6/2014 gia tộc đã tổ chức trọng thể lễ khánh thành ngôi mộ mới
ở nghĩa trang Đùng (Bích La Đông). Khu mộ mới của Cụ Thượng được xây dựng trên
khu đất có diện tích 20m2, có tường xây bao bọc cách biệt với các mộ khác. Bên
trong có một số kiến trúc xây dựng công phu, có ý nghĩa ngang tầm với nơi an
nghĩ của một nhân vật lịch sử nguyên đại thần triều Nguyễn có công với quê
hương, đất nước.
Các cụ cao niên trong họ tộc còn đánh giá cao câu đối chữ Hán
của Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu làm tặng dịp xây mộ mới được khắc trang trọng
trên 2 trụ biểu :
Phiên âm:
“Khoa
bảng chấn gia thanh, hương tộc sinh huy, chân hiếu tử,
Đống lương phù quốc thế, miếu đường duy kỉ, thực năng thần.”
Dịch nghĩa:
“Khoa bảng dậy tiếng nhà, làng họ sáng ngời
nên con thảo,
Cột rường nâng thế
nước, triều đình cương kỷ, thật tôi hay”.
Xuân Mậu Tuất (2018)LN.
Bức ảnh chân dung Phó bảng Lê Trinh được tìm
thấy sau gần 100 năm.
Bài thơ chữ Hán do chính
tác giả chép trên bức ảnh:
Phiên
âm: Dịch
thơ:
Mã họa kim tăng trưởng, Nét vẽ nay già giặn,
Tu mi tự cải quan. Tóc râu đã đổi thay.
Bất tài phùng thịnh thế, Không tài đời thịnh trị,
Bị vị đáo xuân quang Vị hão chức cao dày.
Cổ mạo hình lai dị Dáng cổ càng lộ diện,
Đan tâm chiếu xuất nan Lòng son khó tỏ bày.
Thời nhân như vị thức Ai người như chẳng biết
Kỷ tác chi hồ khan. Vài nét vẽ chơi đây!
Thành Thái Bính Ngọ hạ ngộ
vu Xuân Thự đông hiên thời
dư
niên ngũ thập thất dã.
Bích phong Lê Danh Chương
Mùa hè năm Bính Ngọ
niên hiệu Thành Thái (1006)
ở hiên đông công đường Bộ Lễ,
bấy giờ ta 57 tuổi.
Bích Phong Lê Danh Chương
(Chú
thích dưới bức ảnh mới được thực hiện sau ngày tìm thấy. Bài thơ trên bức ảnh không
có tiêu đề nhưng trong di cảo thơ của Bích Phong cũng có bài thơ này với tiêu
đề: "Tự đề chân dung”.)
Đọc và dịch thơ: Lê Nguyễn Lưu.
Lê Ngân
(Quê Bích La Đông-Triệu Đông-Triệu Phong-Quảng Trị)
Hà Nội, ĐT: 024
38 352 229.
<trucdiepthanh30@yahoo.com.vn>
No comments:
Post a Comment