Khê Giang
Ô Lâu được biết đến
là ranh giới tự nhiên giữa Thừa Thiên- Quảng Trị, nơi hội tụ của những dòng chảy
thi ca, nơi có những câu chuyện tình lãng mạn được lưu truyền trong dân gian
trên cả đôi bờ của một vùng châu thổ rộng lớn. Khác với câu chuyện tình của bà
Nguyễn Thị Bích (Thiếp của vua Quang Trung) và bà Dương Thị Ngọt (Phi của vua
Thành Thái) phần nào được gắn kết vào các cứ liệu lịch sử, có một câu chuyện
tình mặc dù chỉ được truyền khẩu qua những làn điệu ca dao, nhưng đó là một câu
chuyện tình đẹp, đẫm nước mắt và lay động lòng người: chuyện cô gái đưa đò trên
bến Cây Đa.
Chuyện xưa kể rằng:
một ngày nọ, có chàng thư sinh nghèo xứ Nghệ, vào Kinh ứng thí, khi qua sông Ô
Lâu gặp một cô gái xuân thì làm nghề đưa đò, do cô nàng ngoài nhan sắc trời lại
phú cho tính tình hiền lành, khiến chàng thư sinh đem lòng yêu mến. Chẳng may
năm đó chàng sỹ tử kia chưa được vinh dự ghi tên trên bảng vàng, trên đường trở
về qua bến đò Cây Đa, hai người đã thề non hẹn biển và hẹn ngày trở lại vào kỳ
thi sau. Ba năm đằng đẳng đợi chờ vẫn không thấy bóng dáng người xưa, nàng buồn
bã quẩn chí và trầm mình xuống khúc sông nơi hai người đã thề nguyện. Nhưng nghịch
cảnh trớ trêu, khi chàng thư sinh năm xưa khăn gói trở lại thì than ôi, bến cũ
còn đó, con thuyền còn kia, mà người yêu xưa đã vắng bóng. Chàng đau đớn và rút
ruột viết ra những vần thơ khóc cho người mệnh bạc:
Trăm năm đành lỡ hẹn
thề,
Cây Đa Bến Cộ con
đò khác đưa
Cây Đa Bến Cộ còn
lưa,
Con đò đã thác năm
xưa tê rồi!
(Cộ: cũ; Tê: kia;
Lưa: còn lại; Thác: chết-mất)
Câu chuyện tình đẹp
và bi thương trên là nguồn cảm hứng mực cho những đàm luận, bài viết từ giới
văn nghệ sỹ cho đến những tao nhân mặc khách, họ đinh ninh rằng Cây Đa, Bến Cộ
là hai bến đò nào đó trên dòng sông xưa. Vậy là những sáng tác cổ kim lần lượt
ra đời: Một thi nhân nghe chuyện xưa đã cảm tác:
Qua bến Cây Đa dạ
những sầu
Xót người mệnh bạc
bởi vì đâu?
Gió xuân đưa khách
qua đường mộc
Ngọn nước đem tình
lấp vực sâu.
Nước chảy, chảy
theo đôi giọt lệ
Tình riêng, riêng
viếng một vài câu,.
Đau lòng nhớ lại
mười năm trước
Cuồn cuộn trường
giang nước chảy mau.
Và Nguyễn Bính nhà
thơ đồng quê Việt nam cũng có bài viết về câu chuyện tình của cô lái đò (có thể
là bến Ô Lâu hay một bến đò nào đó nơi nhà thơ đã đi qua?):
Xuân đã đem mong
nhớ trở về,
Lòng cô gái ở bến
sông kia.
Cô hồi tưởng lại
ba xuân trước,
Trên bến cùng ai
đã nặng thề!
Nhưng rồi người khắc
tình xuân ấy
Đi biệt không về với
bến sông!
Đã mấy lần sông
trôi chảy mãi,
Mấy lần cô lái mỏi
mòn trông
Xuân đến nữa là đã
ba xuân,
Đốm lửa tình duyên
tắt nguội dần!
Chẳng lẽ ôm lòng
chờ đợi mãi,
Cô đành lỗi ước với
tình quân!
…
( Lỡ bước sang
ngang- Nguyễn Bính. 1940)
Tuy nhiên sau những
trang viết trữ tình bay bổng, khi giật mình nhìn lại đa phần các tác giả đều
lúng túng khi không thể tìm ra những địa danh liên quan đến câu chuyện đã đi
vào huyền sử này. Sự mất định hướng của những người khi đi tìm địa danh của câu
chuyện xuất phát từ cảm nghĩ đây là sáng tác của chàng thư sinh xứ Nghệ mà quên
mất nó là bài ca dao đang được lưu truyền rộng rãi tại các tỉnh thuộc Bắc trung
bộ.
Với nền văn hóa đặc
trưng, từ rất lâu hình ảnh cây đa - bến nước - con đò đã là biểu tượng của văn
hóa truyền thống làng quê Việt nói chung, vùng Bắc trung bộ nói riêng, hình ảnh
ấy đã đi sâu vào tâm khảm mỗi con người, là kỷ niệm êm đềm của tuổi ấu thơ, là
bến hẹn cho tình yêu đôi lứa, là ký ức về cội nguồn cho những kẻ xa quê…
Đi suốt chiều dài
dòng chảy của vùng đất Bắc trung bộ, ta có thể bắt gặp hàng trăm câu ca dao
dùng hình tượng Cây đa, bến cũ, con đò:
- “Cây đa trốc gốc
trôi rồi/ đò đưa bến khác em ngồi đợi ai.”
- “Cây đa là cây
đa cũ/ Bến đò là bến đò xưa/ Nay chừ người khác vô đưa/ Oan ơi, oan hỡi, tức
chưa bạn tề!”
- “Cây đa là cây
đa bến cũ/ Bến cũ là bến cũ đò xưa/Ôi thôi rồi người khác sang đưa/Thiếp nhìn
chàng lưng lẻo, nước sa xuống như mưa hỡi chàng.”
- “Chèo thuyền ra
rào Cái, em ngó lại quê mình/ Chim trên cành đủ cặp cớ sao mình lẻ đôi/ Bởi vì
đây đó đôi nơi/ Con thuyền nan bằng chiếc đũa không một lời nhắn đưa/ Cây đa bến
cũ con đò xưa/ Người thương có nghĩa, nắng mưa cũng chờ.”
…
Tuy nhiên trong
bài viết này chúng ta chỉ lược qua một số câu tương đồng nhưng dị bản với bốn
câu được cho là sáng tác của chàng nho sinh trên:
“Trăm năm đành lỗi
hẹn hò, /cây đa bến cũ con đò khác đưa. /Cây đa bến cũ còn lưa/ Con đò năm
ngoái, năm xưa mô rồi?...”
“Trăm năm đành lỗi
hẹn hò/ Cây đa bến cũ con đò khác đưa/ Con đò sớm thác năm xưa/ Cây đa bến cũ
còn lưa đến chừ.”
“Trăm năm đành lỗi
hẹn hò/ Cây da bến cộ con đò khác đưa/ Cây da bến cộ năm xưa/Chữ tình ta cũng
đón đưa trọn đời.”
“Trăm năm dầu lỗi
hẹn hò /Cây đa bến cũ con đò khác đưa./ Cây đa cũ, bến đò xưa / Bộ hành có
nghĩa nắng mưa cũng chờ.”…
Trong nhạc phẩm
“Trăm năm bến cũ” phổ thơ Lưu Trọng Văn, nhạc sỹ Phạm Duy cũng sử dụng rất có hồn
hình ảnh cây đa bến nước con đò ngay những ca từ đầu tiên: “Trăm năm dầu lỗi hẹn
hò, Chứ cây da bến cũ con đò khác đưa...”.
Không chỉ về lĩnh
vực thơ nhạc, hình ảnh cây đa, bến nước, con đò còn được các họa sỹ, chọn làm bố
cục cho nhiều sáng tác của mình từ những bức vẽ dân gian cho đến những dòng
tranh hiện đại.
Lược khảo những
sáng tác trên, chúng ta nhận thấy cụm từ cây đa bến cộ đa phần mang tính ẩn dụ
của phương pháp tu từ trong sáng tác hơn là từ chỉ về địa danh (Cây Đa, Bến Cộ).
Ngoài ra nếu gán những dòng viết trên cho một chàng nho sinh, vô tình chúng ta
hạ thấp trình độ chử nghĩa của những bậc nho học ngày nào. Với vỏn vẹn có bốn
câu lục bát đã mắc lới hai lỗi: lỗi vần ( thề.. đò) vừa lỗi ghép từ (xưa tê) điều
mà những người sáng tác vùng này khó có thể mắc phải cho dù họ chỉ là nông dân
chân lấm tay bùn.
Nếu coi cụm từ Cây
Đa, Bến Cộ là tên gọi của hai bến đò ngang. Chúng ta thử đi tìm hiểu về lộ
trình cũng như những địa danh có thể liên quan nơi chàng sỹ tử trên đường vào
kinh. Xét từ Nghệ An về Phú Xuân, không có con đường nào thuận lợi hơn đường
Quan báo, con đường này còn gọi là đường Kinh sư hay đường Thiên Lý Bắc – Nam
đã tồn tại trước khi chúa Nguyễn vào khai mở xứ Đàng trong, đây là tuyến giao
thông thuận lợi nhất thời bấy giờ, tuyến đường này nối Phủ Thừa Thiên và Đạo Quảng
Trị qua bến đò Hôm Lạng (Bờ Nam là trạm hành cung Mỹ Xuyên, bờ Bắc là làng
Lương Điền ( Kẻ Lạng, Lương Phúc…)
Xuyên suốt một thời
gian dài kể từ khoa thi đầu tiên cho đến khoa thi cuối cùng tại Phú Xuân, nếu gộp
cả bến sông và bến đò ở những làng quê gần lộ trình của chàng sỹ tử đi qua ta
có: bến Đình, bến Chợ, bến Cồn Thiêng, bến Hôm Lạng, bến Ba Bến, bến Phước
tích, bến Câu Nhi Hòa, bến Mỹ Xuyên… tuyệt nhiên không có bến đò nào mang tên
Cây Đa hay Bến Cộ.
Khi không tìm ra
hai bến đò xưa trên đường đi của chàng nho sinh, một số tác giả lại víu vào hai
địa danh nằm cách rất xa con đường Kinh sư: Một là Bến Cộ nằm ở thôn Tân Lương
bên bờ Nam của dòng Thác Ma (thuộc xã Hải Chánh), đây là con bến được hình
thành vào cuối thế kỷ XIX khi một nhóm cư dân từ Lương Điền đến Tân Lương khẩn
khai lập ấp, tại đây vào năm 1914 có một nhà thờ được dựng nên, ngôi thánh đường
này vẫn mang tên Bến cộ (Tân Lương) và tồn tại cho đến ngày nay. Hai là bến đò
Cây Da, bến đò này nằm vào khúc cuối của dòng Ô Giang, thuộc thôn Diên Trường
làng Diên Sanh (Hải Thọ), Nam giáp làng Trường Sanh (Hải Trường). Đông giáp
dòng Ô Giang và Bắc giáp Hải Thành. Điều trùng hợp thú vị là ở đây cũng có ngôi
thánh đường cổ được hình thành từ thế kỷ XIX.
Cứ cho rằng bến Cộ
ở đây là bến đò và Cây Đa chính là bến đò Cây Da (phương ngữ) vẫn rất khó để lý
giải về việc một cô gái làm nghề đưa đò phải mưu sinh trên một lộ trình xa xôi
đến thế và cũng vô cùng khó hiểu khi chàng nho sinh kia đến Kinh thành lại
không đi theo con đường Quan báo thênh thang (chỉ quá giang bến đò Hôm Lạng là
đã qua đất Thừa Thiên) mà phải đi một chuyến đò vòng vo (từ bến đò Cây Da qua
Diên Sanh, Trường Sanh, Hà Lộc, Lương Điền ngược dòng Ô Giang đến nguồn Thác Ma
để ghé Tân Lương). Một lộ trình vừa bất hợp lý về thời gian (tuyến thủy lộ quá
dài) kể cả không gian (không có tuyến đường nào vào kinh thành tại Tân Lương), ngoại
trừ trường hợp chàng nho sinh này trên đường vào kinh ngẫu hứng muốn lặn lội đến
xóm Càng (Cây Da) để câu cá và sau đó nhờ cô gái đưa đò chở về Tân Lương để ngắm
non xanh nước biếc hay săn bắt thú rừng. Một giả thiết đặt ra: chàng nho sinh
này là người gốc đạo ( Thiên chúa giáo) trên đường vào kinh muốn ghé hai giáo xứ
kia để hành lễ thì nhà thờ Kẻ văn (thuộc làng Văn Quỹ, Hải Tân) là địa chỉ đáng
đến hơn, vì trong thời gian này cả hai giáo xứ Cây Da, Bến Cộ đều không có linh
mục và đều trực thuộc sự điều hành của cha quản hạt giáo xứ Kẻ Văn. (Phải đến
năm 1904 giáo xứ Cây Da mới có linh mục và mười năm sau đến lượt giáo xứ Bến Cộ
mới có đức cha cai quản.)
Việc đi tìm những
địa danh, cội nguồn xuất xứ trong những sáng tác dân gian là điều không dễ dàng.
Qua trích dẫn những sáng tác từ dòng văn chương truyền khẩu cho đến văn chương
bác học có liên quan đến cụm từ cây đa bến nước con đò, cộng thêm tính không
phù hợp khi đi tìm những bến đò gần kề trên cung đường nơi chàng nho sinh đi
qua, chúng ta có quyền hồ nghi về tính xác thực của các địa danh liên quan đến
câu chuyện và có thể nhận định rằng: bài thơ của chàng nho sinh kia chẳng qua
là bài ca dao dị bản hiện đang lưu hành rộng rãi trên suốt chiều dài của mảnh đất
Bắc Trung bộ.
Tuy nhiên cho dù
những dòng sáng tác xa xót đầy bi thương trên xuất phát từ đâu thì câu chuyện
tình trắc ẩn của cô gái đưa đò trên dong Ô Lâu vẫn là một chuyện tình đẹp luôn
làm xốn xang những ai có dịp đến nơi này nhất là những người đang đi tìm những
trầm tích văn hóa đang rầm rì chảy trên dòng sông quê hương.
20/10/2017
Khê Giang
No comments:
Post a Comment