Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, June 4, 2017

ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (KỲ 3) - Nguyễn Ngọc Kiên chọn dịch thơ và giới thiệu

        
                       Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên



ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI (KỲ 3)

-  李白

Tiểu sử: Lý Bạch (chữ Hán: 李白; 701- 762), biểu tự Thái Bạch (太白), hiệu Thanh Liên cư sĩ (青莲居士), là một trong những nhà thơ theo chủ nghĩa lãng mạn danh tiếng nhất thời Thịnh Đường nói riêng và Trung Hoa nói chung.
Suốt cuộc đời của mình, ông được tán dương là một thiên tài về thi ca, người đã mở ra một giai đoạn hưng thịnh của thơ Đường. Ông cùng người bạn Đỗ Phủ trở thành hai biểu tượng thi văn lỗi lạc không chỉ trong phạm vi nhà Đường, mà còn trong toàn bộ lịch sử Trung Hoa, thậm chí toàn bộ khu vực Đông Á đồng văn. Do sự lỗi lạc của mình, ông được hậu bối tôn làm Thi Tiên (詩仙) hay Thi Hiệp (詩俠). Giới thi nhân bấy giờ thì rất kính nể tài uống rượu làm thơ bẩm sinh, nên gọi Lý Bạch là Tửu Tiên (酒仙) hay Trích Tiên Nhân (谪仙人). Hạ Tri Chương gọi ông là Thiên Thượng Trích Tiên (天上謫仙).
Ông đã viết cả ngàn bài thơ bất hủ. Hơn ngàn bài thơ của ông được tổng hợp lại trong tập Hà Nhạc Anh Linh tập (河岳英靈集), một tuyển tập thơ rất đồ sợ thời Vãn Đường do Ân Phan (殷璠) chủ biên vào năm 753, và hơn 43 bài của ông được ghi trong Đường Thi Tam Bách Thủ (唐诗三百首) được biên bởi Tôn Thù (孫洙), một học giả thời nhà Thanh. Vào thời đại của ông, thơ của ông đã xuất hiện các bản dịch tại phương Tây, chủ đề của ông nhấn mạnh tán dương mối quan hệ bạn bè, sự thần bí của thiên nhiên, tâm trạng tĩnh mịch và thú vui uống rượu rất đặc trưng của ông.
Cuộc đời của ông đi vào truyền thuyết, với phong cách yêu rượu hiếm có, những truyện ngụ ngôn và truyền thuyết về tinh thần trượng nghĩa, cũng như điển tích nổi tiếng về việc ông đã chết đuối khi nhảy khỏi thuyền để bắt cái bóng phản chiếu của mặt trăng.
Đường Văn Tông ngự phong tán dương thi ca của Lý Bạch, kiếm vũ của Bùi Mân, thảo thư của Trương Húc, gọi là Tam Tuyệt (三絕).
                   (Theo từ điển Wikipedia mở tiếng Việt)

 

  Phiên âm:

Quan san nguyệt

Minh nguyệt xuất Thiên San,
Thương mang vân hải gian.
Trường phong kỷ vạn lý,
Xuy độ Ngọc Môn quan.
Hán há Bạch Đăng đạo,
Hồ khuy Thanh Hải loan.
Do lai chinh chiến địa,
Bất kiến hữu nhân hoàn.
Thú khách vọng biên sắc,
Tư quy đa khổ nhan.
Cao lâu đương thử dạ,
Thán tức vị ưng nhàn.

Dịch nghĩa :

TRĂNG QUAN SAN

Trăng sáng mọc trên núi Thiên San
Trong cảnh mênh mông giữa mây và biển
Gió bay mấy ngàn dặm về
Thổi đến cửa ải Ngọc Môn
Nhà Hán đồn binh ở lộ Bạch Đăng
Rợ Hồ ngấp nghé ở vũng Thanh Hải
Xưa nay vẫn là bãi chiến trường
Không thấy có ai được trở về
Người lính thú nhìn đăm đăm cảnh sắc xa xa
Lòng nhớ nhà gương mặt lộ vẻ buồn khổ
Đêm nay có ai đang ngồi trên lầu cao
Hẳn phải than thở mà không dám nhàn nhã


Dịch thơ:
TRĂNG QUAN SAN 
Đỉnh Thiên Sơn trăng sáng soi
Chiếu mênh mông giữa biển trời, nước mây.
Mấy ngàn dặm gió thổi bay,
Thổi tận đến cửa ải này Ngọc Môn.
Bạch Đăng quân Hán đóng đồn
Vùng Thanh Hải ngấp nghé luôn Rợ Hồ.
Đây bãi chiến địa từ xưa
Người đi chinh chiến sao chưa thấy về?
Lính thú nhìn cảnh sắc kia
Rầu rầu khuôn mặt nhớ về quê hương.
Đêm nay trong nỗi đoạn trường
Lầu cao, than thở mà không dám nhàn.

--崔塗

 Tóm tắt tiểu sử: Thôi Đồ 崔塗 (854-?) tự Lễ Sơn 禮山, người nay thuộc Phú Xuân, Chiết Giang, không rõ năm sinh và năm mất. Ông đỗ tiến sĩ vào năm Quang Khởi thứ 4 đời Đường Hy Tông. Cuối đời phiêu bạc, từng chu du khắp dải Tứ Xuyên và Thiểm Tây. Thơ đa phần lấy đề tài sinh hoạt phiêu bạc, thơ 1 quyển.

                   (Theo từ điển Wikipedia mở tiếng Việt)

 


Phiên âm: 

CÔ NHẠN  - THÔI ĐỒ

Kỷ hàng quy tái tận,
Niệm nhĩ độc hà chi ?
Mộ vũ tương hô thất,
Hàn đường dục hạ trì.
Chử vân đê ám độ,
Quan nguyệt lãnh tương tuỳ.
Vị tất phùng tăng chước,
Cô phi tự khả nghi.

Dịch nghĩa:

NHẠN LẺ

Mấy hàng nhạn bay về tận cửa ải
Cứ nghĩ mày sao chỉ có một mình
Cơn mưa chiều, gọi nhau không được
Ao lạnh muốn xuống cũng chậm thôi
Bến mây thấp chẳng qua nổi
Trăng lạnh cửa ải còn rõi theo
Chưa hẳn đã gặp tên bắn theo
Một mình bay mà luôn ngờ vực

Dịch thơ:
NHẠN LẺ
 Đàn  nhạn bay về ải này
Cứ nghĩ, sao chỉ mày bay một mình
Cơn mưa chiều gọi lặng thinh
Ao lạnh muốn xuống cũng dành chậm thôi!
Bến mây thấp, chẳng qua rồi
Trăng lạnh cửa ải vẫn còn rõi theo
Chưa hẳn gặp tên bay vèo
Một mình giang cánh, nghi theo phận mình.


Tóm tắt tiểu sử: Vương Xương Linh là người Kinh Triệu, Trường An (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc).
Năm Khai Nguyên thứ 15 (727) đời Đường Huyền Tông (ở ngôi: 712-756), ông thi đỗ Tiến sĩ.
Bảy năm sau (734), ông lại đỗ khoa Bác học hoành từ, lần lượt trải chức: Bí thư sảnh, Hiệu thư lang, huyện úy huyện Dĩ Thủy.
Năm Khai Nguyên thứ 28 (740), vì phạm lỗi ông bị giáng làm Giang Ninh thừa. Rồi vì những vụn vặt, ông lại giáng làm Long Tiêu úy.
                                           

Cuối năm 755, tướng An Lộc Sơn dấy binh chống triều đình. Sau đó, Vương Xương Linh trở về làng thì bị viên Thứ sử ở địa phương tên là Lư Khưu Hiển giết chết vì tư thù  khoảng năm 756.
Số thơ của Vương Xương Linh để lại hiện còn hơn 180 bài, một nửa là tuyệt cú.
Ngoài ra, theo thiên "Nghệ văn chí" trong Tân Đường thư (Sử nhà Đường bộ mới), thì ông còn viết sách lý luận có nhan đề là Thi cách (Khuôn phép của thơ, gồm 2 quyển) và Thi trung mật chỉ (Ý sâu kín của thơ, gồm 1 quyển); nhưng nay chỉ còn quyển Thi cách do người đời Minh chép, nhưng có người nghi là sách giả, không phải nguyên bản.
                (Theo từ điển Wikipedia mở tiếng Việt)

 


Phiên âm:

XUẤT TÁI KÌ 1  - VƯƠNG XƯƠNG LINH

Tần thời minh nguyệt Hán thời quan,
Vạn lý trường chinh nhân vị hoàn.
Đãn sử Long Thành phi tướng tại,
Bất giao Hồ mã độ Âm san.

Dịch nghĩa:

RA CỬA ẢI (Kì 1)

Vẫn là vầng trăng sáng của đời Tần và quan ải của đời Hán,
Mà người chinh chiến nơi nghìn dặm vẫn chưa trở về.
Nếu như có vị phi tướng ở tại Long Thành,
Thì sẽ không cho ngựa Hồ vượt qua núi Âm sơn.

Dịch thơ:
RA CỬA ẢI (Kì1)
Trăng sáng đời Tần, ải Hán xa
Muôn dặm trường chinh chửa lại nhà

Phi tướng ở Long Thành  còn sống,
Âm Sơn ngựa Hồ chẳng thể qua!


                                                        Nguyễn Ngọc Kiên

No comments: