NHÀ XƯA CÓ HOA MIMOSA VÀNG
Nguyễn Đức Tùng
Tôi gọi số điện thoại mới của chị mà cháu Thơ Thơ cho, báo tin bạn chị, họa sĩ Đinh Cường, vừa mất. Chị nhấc máy, im lặng. Tôi gác máy, gọi nữa, chị lại bắt máy. Tôi hỏi mấy câu Thơ Thơ dặn, chú phải nói rứa nói rứa mẹ cháu mới hiểu chú ạ. Chị vẫn không nói. Đầu kia, có tiếng u u như gió thổi qua đồng cỏ lạnh giá. Tôi cầm điện thoại, giữ lâu, giữa hai chị em chỉ có tiếng gió rì rào.
Thế mà mấy năm trước, tôi cùng anh Tường, anh rể tôi, ghé thăm nhà chị ở gần Seattle, khi về chị còn chạy theo ra hiên. Khớp gối bên phải sưng đau, sờ thấy nóng, đi cà nhắc, bảo: em cho chị hôn em. Rồi vói người hôn lên má tôi đánh chụt một cái.
Tôi hiểu, đó là nụ hôn dành cho mẹ tôi. Anh Phan Văn Tốn chồng chị là con của cậu ruột tôi. Mẹ mất sớm, từ nhỏ anh về ở với mẹ tôi, bà cô út, gọi là o. Những bà o chưa chồng thương cháu như con. Anh đem người bạn vong niên cùng đi kháng chiến về giới thiệu. Mẹ tôi lập gia đình với ba tôi lúc người đã ngoài ba mươi, thời đó muộn. Khi tôi sáu tuổi, cha mẹ tôi dựng nhà trong vườn mới mua, kề bên vườn hương hỏa của ông bà ngoại. Vì đất ấy không ai trông nên mẹ tôi vào ra coi sóc, hai vườn thông nhau như một. Tan trường, tôi cho sách vở vào một xó, thoắt cái đã nhảy chuyền cành trên những cây ổi, cây bưởi rậm rạp, cành lá giao nhau. Một buổi chiều đi học về muộn, nhà vắng khác thường. Tôi tò mò đi qua hàng rào tre trúc ngăn giữa hai vườn thì gặp mẹ tôi đi ngược lại. Dáng bà kín đáo, im lặng. Có lẽ bà chưa kịp thấy tôi. Từ phía khác, sau bụi tre, tôi nghe tiếng người nói khẽ. Giọng gắt. Anh Tấn.
Anh là em trai kế của anh Tốn, là người chăm lo nhang khói dòng họ. Trong nhà anh có bức ảnh lớn của anh Tốn và chị Thanh Sâm, bồng các cháu Thi Thi, Ti Ti, Thơ Thơ, Lam Điền. Anh Tốn để râu mép, mặt vuông, đẹp, hiền, nghiêm nghị. Chị áo dài tha thướt. Lúc ấy anh Tấn là chỉ huy nghĩa quân của xã, gồm hai đơn vị, một bảo vệ cầu Ái Tử, một bảo vệ khu lân cận như trường tiểu học, vườn ươm của tổ chức lương nông quốc tế. Anh mang khẩu súng trường dài, loại M1 Garand, nổ đanh, bán tiểu liên tự động. Sống thời chiến tranh, không lạ gì trò chơi chết chóc, tôi nhận ra dễ dàng các loại súng, tiếng nổ của chúng, tiếng đại bác, moọc chê. Tôi lắng nghe câu chuyện giữa mẹ tôi và người cháu gọi bằng o ruột. Những năm sáu mươi, chiến tranh mới lẻ tẻ thôn xóm, chưa lan rộng như sau này, nhưng cái chết hai bên gây ra cho nhau thật tàn khốc. Mỗi lần có vụ du kích giật cầu, đánh lô cốt, bắn pháo bừa bãi vào chợ búa thì có một cuộc bố ráp sau đó, càn quét cơ sở bí mật người kháng chiến cũ. Mỗi lần có một du kích bị bắn hạ khi vượt qua đường tàu thì vài hôm sau liền có cuộc trả thù nhắm vào các viên chức chính quyền cấp thôn xã hay người thân của họ. Đặc điểm quan trọng nhất của chiến tranh du kích Việt Nam là tính chất trả thù.
Nhưng lúc ấy, tôi chỉ biết sợ hãi, không biết thù hận. Tôi sợ hãi khi nghe tiếng đại bác bắn qua đầu, tiếng nổ khi xa khi gần, nghe tiếng mõ cầm canh, tiếng phèng la đầu làng của người dân sống an toàn bên trong hàng rào Ấp chiến lược. Tiếng gõ cửa ban đêm. Tôi sợ cuộc chiến tranh này. Tôi căm ghét nó. Những người dân ở miền Nam đều căm ghét nó. Thế người dân miền Bắc? Tôi không biết. Tôi tin rằng cũng có người căm ghét chiến tranh, như nhà thơ Lưu Quang Vũ, nhưng phần nhiều đều tự an ủi rằng dù sao hy sinh ấy là cần thiết. Dù niềm tin ấy sau này được những người trong cuộc nhận định lại là đúng hay sai thì lúc ấy nó vẫn là liều thuốc kỳ diệu, giúp chữa lành các vết thương. Tuy thế, dù ở đâu, chưa bao giờ chiến tranh vui vẻ. Người ta có thể sẵn sàng ra trận, đổ máu cho một lý tưởng, nhưng không khí chiến tranh có bao giờ vui? Để sống sót qua thời ấu thơ binh lửa, tôi phải có một niềm tin, dù với những hiểu biết không đầy đủ, phải được trang bị bằng một tư tưởng thích hợp, cũng như tôi phải tập ngửi mùi thuốc súng.
Tôi mang sự hiểu biết không đầy đủ ấy vào Đà Lạt, mùa xuân năm 1976. Tôi đến nhà số 33 Thi Sách của chị Thanh Sâm, ngôi nhà trên đỉnh đồi lộng gió. Trước đó, năm 1972, người chị thứ hai của tôi, cùng tên, vừa tốt nghiệp khóa nữ hộ sinh quốc gia, sage femme d' etat, lên làm việc ở Đà Lạt, ở nhà ấy. Để phân biệt hai người, trong gia đình tôi mọi người vẫn gọi chị Thanh Sâm là chị Thanh. Ở ngôi nhà Thi Sách này, chị tôi đã quen và phải lòng một sinh viên sĩ quan Đà lạt, tên Tường, từ đó chị còn có tên là Tường Sâm. Sau khi anh ra trường, họ kết hôn, và chàng trai mê sách vở văn chương nhưng có tài thiện xạ này trở thành sĩ quan trinh sát sư đoàn. Anh hay kể chuyện nhảy trực thăng vào hậu cứ đối phương ở Quảng nam.
Khi tôi đến Đà Lạt, nhà đổi chủ. Sau cái chết của anh Tốn, chị Thanh bỏ cao nguyên về Sài Gòn, khoảng 1972, giao nhà cho chị Sâm tôi ở đó, giữ căn biệt thự hai tầng như kỷ niệm gia đình. Bây giờ nhà bị chính quyền mới trưng dụng. Bảng hiệu nhà giữ trẻ. Tôi đứng tần ngần trước dãy rào tường vi trắng. Xa xa phía sau là nhà thờ Domaine de Marie màu hồng đậm ấm áp, mái nhà dốc tựa nhà rông Tây nguyên. Trước hiên một giàn dây leo trổ hoa pháo, vàng rực, vắt qua hai cây cột lớn, uy nghi. Tôi bước lên tam cấp cao vào nhà, hai cánh cửa chỉ khép hờ. Trong nhà nửa tối nửa sáng, chạy ngang tường khẩu hiệu quen thuộc sống chiến đấu sơn đỏ, mới. Phòng khách rộng mênh mông kê lộn xộn bàn ghế. Gần cửa, trên chiếc giường nhỏ, một đứa bé gái gầy còm nằm thiêm thiếp, lên cơn sốt, tóc thái dương ướt đẫm. Nhìn kỹ trên mặt và hai cánh tay nó, có những nốt ban, cái hồng cái đỏ sẫm. Một thằng bé khoảng ba tuổi đứng tè ngay trước lò sưởi cuối phòng, lò nguội lạnh, cô giữ trẻ túm lấy tóc nó lôi đi. Thằng bé không khóc, cưỡng lại hung dữ. Trong một động tác bất ngờ, điêu luyện, người phụ nữ buông tóc nó ra, chụm hay bàn tay lại, dùng cả hai cánh tay kẹp cổ thằng bé, nhấc bổng lên.
Tôi đứng ngẩn người, không biết làm gì. Qua cửa sổ, tôi nhìn thấy hai cây hoa lớn, ở góc bên phải của khoảng sân rộng trước nhà. Tôi bước ra, thở khí trời trong mát, hít mùi nhựa thông ngập không gian. Gần cuối mùa mimosa, trên cỏ những bông vàng tươi xếp lớp như thân xác của hạnh phúc. Đường phố vắng, lác đác xe hơi chạy vụt qua, trên xe những khuôn mặt mới, xe ngựa lọc cọc gõ nhịp đều, những con ngựa gầy trơ xương với da, lông xù ra. Người Đà lạt trí thức và tiêu biểu cho văn minh một thời, đã tan tác, bỏ đi hết. Nhưng loài hoa vàng óng ả thì phân vân ở lại. Ngày ấy, mimosa không còn là cái đẹp hiền hòa, mặc dù vẫn đẹp, có lẽ đẹp hơn, chúng rơi như sương như khói, rơi như tóc như tơ, rơi để chết trong đất trời mù mịt.
Đây chính là ngôi nhà mà ngày xưa nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn đã nhắc đến trong truyện ngắn Nhà có hoa mimosa vàng. Tôi bần thần đi ra cổng, đứng trên đỉnh dốc, nhìn xuống thành phố Đà lạt dưới kia sương mù xa xăm như thuộc cõi nào, nghĩ đến các anh chị, đã ra đi để lại phố phường xao xác. Giây phút ấy, bỗng hiện lên trong trí tôi hình ảnh bàn tay đầy gân xanh, tì lên báng súng Garand run run của anh Tấn. Cái báng súng bằng gỗ đỏ nâu ánh lên dưới mặt trời chiều, có vệt đất cày ải, có mùi mồ hôi, mùi hành tỏi, mùi hoa huệ cúng bàn thờ. Tôi nghe vẳng câu hỏi nhát gừng hướng về mẹ tôi. Tôi nghe tiếng mẹ tôi thì thầm, kể lể, dịu dàng nhưng cương quyết. Khuất sau bụi tre là con đường dẫn sâu vào khu vườn thứ hai, tôi thuộc từng ngọn cây ngọn cỏ biết nó sẽ dẫn tới những giao thông hào đào quanh hàng tre ngăn không cho rễ tre mọc. Ở cuối dãy giao thông hào ấy, trước rạng đông, trời còn mù sương, đã bò lê tới một người lính lạ mặt, một khúc ruột lòi ra, máu chảy từ bụng không ngớt, thoi thóp thở.
Một người lính trẻ mười bảy, mười tám, nói giọng Hà Nội, nửa nằm nửa ngồi gần gốc tre, mặt trắng trẻo như thư sinh, thỉnh thoảng ngất đi vì mất nhiều máu. Bị trúng đạn, lạc đơn vị khi vượt qua quốc lộ Một gần sông Thạch hãn. Tôi nghe câu chuyện của hai người càng lúc càng nhỏ cho đến khi tiếng của anh Tấn vang lên lần nữa bên tai. Thôi được, con chịu thua o lần này. Nhưng đừng làm quá, không ai bênh vực được. Nội một ngày họ phải dời đi, vì đây là lãnh vực phụ trách không thể làm ngơ. Mặt mẹ tôi phảng phất nụ cười, bà gật đầu ra dấu biết ơn. Những người lính nông dân của anh Tấn, bắn nhau với du kích phần nhiều cũng là nông dân phía bên kia, đã chết bờ chết bụi cho bầu khí quyển dân chủ đầu tiên của cả dân tộc này được một lần sinh ra. Trạng thái cân bằng của đất nước bị phân chia giữa hai hệ thống giá trị, sự cân bằng ấy tất nhiên tạm thời, đã phải trả giá đắt, nhưng có lẽ xứng đáng. Không có hai mươi năm ấy, để những giá trị văn hóa được gìn vàng giữ ngọc, tâm hồn Việt Nam ngày nay chỉ còn là sa mạc, tuổi trẻ chẳng biết đến văn học tiền chiến. Nhầm lẫn lịch sử tồi tệ đã xảy ra, hệt như trong thế giới động vật, mạnh được yếu thua; và đứng lên từ gạch đá đổ nát, người Việt hai miền đến nay vẫn ngơ ngác như kẻ mất trí nhớ.
Trí nhớ là kẻ thù số một của thuật cai trị. Những thế hệ sau lớn lên trong sợ hãi và ký ức giả dối, trong một lịch sử bịa đặt, bởi chính các nhà văn, cần phải được mang trở lại nền nhà cũ, cháy rụi, giữa những cột nhà cháy đen như kỵ sĩ không đầu. Lòng hoài niệm của người Việt khác với hoài niệm của các dân tộc khác. Lòng hoài niệm ấy không phải là sự tưởng nhớ thụ động, mà là cố gắng cần nhiều năng lượng, như bơi ngược dòng, để khơi mở sự hiểu biết đối với những lầm lạc, từ nhiều phía, thiết lập căn tính của cái sắp tới. Trong ba ngày tôi đi khắp phố phường, một thành phố nửa ngủ nửa thức với vẻ đẹp mơ màng của đồi xanh thông reo, từ đường Yersin ngang qua trường sư phạm, tu viện Dòng chúa cứu thế, trường Sacré Coeur, nhà thờ Con Gà, những kiến trúc cổ kính, dịu dàng. Như thế là trong những ngày buồn tôi đã khám phá ra Đà Lạt theo kiểu của mình, đi theo gót chân của bác sĩ Yersin, đứng trước Grand Lycée hình cánh cung, xây năm 1927. Tôi gặp một người đánh xe ngựa rộng lòng bác ái đã cho tôi đi nhờ nhiều đoạn đường, chỉ phải trả một ít tiền tượng trưng, vét hết túi cũng chỉ còn chừng ấy. Chúng tôi đi dọc đường Huyền Trân Công Chúa. Tới gần thác Cam Ly, vượt qua trường Couvent des Oiseaux cũ. Khi trở về, tôi dừng lại thật lâu trước Ga hỏa xa. Ba mái chóp nhọn tiêu biểu cho ba đỉnh núi Langbiang huyền bí. Nhà ga được xây dựng từ năm 1948, thời kỳ chiến tranh Việt Pháp ác liệt mà các kiến trúc sư vẫn còn đủ kiên nhẫn để thiết kế một trong những tòa nhà đẹp nhất. Tôi nghe nói ở đó có một đường ray răng cưa vượt đèo Ngoạn mục nhưng không thấy đâu nữa. Tôi muốn đi thăm trường Võ bị quốc gia lừng lẫy, hỏi một ông già bản xứ, ông ta trợn mắt, nhìn trước nhìn sau, sợ hãi.
Đến Đà Lạt, xứ sở của khách từ phương xa, có người đến và đi luôn, có kẻ đến và ở lại, tôi có dịp nghĩ về cái chết của anh Tốn, về cuộc chiến đấu dũng cảm, đơn độc của anh, về những bất hạnh của chúng ta trong ngọn lửa cách mạng bạo động. Nhưng tôi cũng có dịp lần đầu thưởng thức vẻ đẹp không những của núi đồi Đà Lạt mà còn của kiến trúc do con người tạo ra. Người Pháp để lại trên đất nước này những công trình mỹ lệ. Lòng yêu mến, sự quan tâm của họ thật đáng ngạc nhiên. Tôi lặng lẽ quan sát những bậc thềm nhà, những cánh cửa gỗ, những vòm mái cao, những nắm cửa bằng đồng. Tôi đứng ngắm sắc màu đậm nhạt, những bức tranh, những đường vòng cung quý phái của các bức tường trắng. Các tảng đá nghiêm lạnh bên hồ nước cũng dạy tôi nhiều về huy hoàng tráng lệ, về cô đơn lẫm liệt, chúng đòi hỏi tôi tự mở lòng ra để đón nhận ngoại cảnh. Kiến trúc ở đây gợi ý về hạnh phúc lâu bền, tồn tại trăm năm, ngàn năm, không những bởi chất liệu kiên cố mà còn vì vẻ đẹp của chúng. Người Pháp là bậc thầy của kiến trúc. Kỹ thuật và công nghệ bê tông, gạch đá, cửa kính, mái ngói, kỹ thuật và công nghệ kim loại, sắt thép và chất dẻo. Nhưng ở đây còn một điều gì khác nữa, như thể trong khí trời mát dịu, giữa sắc hương hoa, chủ nghĩa thực dân của thế kỷ mười chín, hai mươi, đã đi một đường vòng rất xa đạt tới đỉnh cao huyền thoại của nó trong việc tạo dựng vẻ đẹp nhân bản ở nhiều xứ sở, không những mang văn minh Pháp đến các xứ sở ấy như cái cách mà họ làm lan truyền Voltaire, Jean-Jacques Rousseau, mà còn phát hiện được, xây dựng lại, bồi đắp nên vẻ đẹp của chính dân cư và vùng đất mà họ đến. Những kiến trúc ấy gợi ý cho tôi rằng giải pháp hay nhất của các dân tộc bị trị vào thời ấy không nằm ở các biện pháp vũ lực, ở sự sợ hãi, ở việc hủy hoại, nói dối, cướp chính quyền, vì trong khi chúng phá hủy những thiết chế xã hội của người Pháp thì chúng sẽ tàn phá lập tức cái đẹp mà truyền thống và đất đai xứ sở này sáng tạo nên. Đó là những suy nghĩ của tôi trong một ngày mùa xuân bên đường phố vắng, khí trời trong sạch.
Có lần trong ngôi nhà của chị Thanh ở Mỹ gần Seattle, nơi chị sống chung với con trai, cháu Lam Điền, lúc ấy chưa vợ, chị kéo tôi vào một căn phòng kín, như cái thư viện nhỏ. Chị cố tìm một cô bé trong một bức ảnh nào đó mà chị quảng cáo là đẹp, hiền, biết nấu ăn, vì muốn giới thiệu cho tôi, hồi đó độc thân. Do sự hào hứng bất ngờ, chị đành phải lục tung những giấy tờ kỷ niệm và hàng chục cuốn album tranh ảnh của gia đình. Nhưng khi lật những bức ảnh chị không thể cưỡng lại ý muốn giải thích cho tôi về những nhân vật trong ấy, và ý nghĩa của chúng.
Đây là hình Đinh Cường đứng trước kệ sách. Đây là Phạm Công Thiện và Hoài Khanh ngồi trên bậc tam cấp, ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng. Hoàng Ngọc Tuấn, cao, hiền lành, cười nửa miệng. Trịnh Công Sơn gần như ngồi bệt xuống sàn nhà, chân co chân duỗi, cây đàn guitare để gác lên cái ghế thấp bên cạnh. Không hiểu vì sao trong nhiều bức ảnh, Trịnh Công Sơn thường ở trung tâm. Đám trẻ trước đây, và cả bây giờ, gọi họ là Thiện, và Sơn, vì đối với họ, Phạm Công Thiện là tuổi trẻ lạc loài, Trịnh Công Sơn là tình yêu hư ảo. Và Hà Thanh, áo dài, tay áo xắn lên gần khuỷu tay, cầm ly nước như sirop trái cây. Và Khánh Ly, nhiều bức đẹp tôi chưa từng thấy trên báo chí. Trong tất cả, bức mà tôi chú ý nhất là của Vũ Khắc Khoan chụp chung với chị, hai người đứng bên cửa sổ, phía sau lưng họ ánh mặt trời rọi xuống, và đứng chéo góc xa hơn, một người phụ nữ với khuôn mặt nhìn nghiêng, chị ngắm lui ngắm tới mãi, rồi bảo, Phùng Thăng.
Nhìn trong ảnh, trí thức thời ấy lãng mạn mà đăm chiêu. Khí chất ấy có lẽ toát ra từ nhân phẩm riêng hoặc từ vị trí quý tộc mà xã hội ban tặng. So với họ, trí thức bây giờ trông nhốn nháo hơn. Xúc động trước hàng trăm ảnh đẹp, tôi quên mất hỏi chị chi tiết. Quên hỏi chị bức ảnh rất lạ của Bùi Giáng ở đâu, nhà chị hay nơi khác, vì có hình của chị Nhung, em gái của chị, hậu cảnh lại mờ. Khi xa rồi nhớ lại câu hỏi, chị không trả lời. Chị không thể trả lời. Chị đã thuộc về một thế giới khác, không quê hương, không ký ức. Con người trần thế không lưu giữ ký ức thiên đàng. Một lần trên điện thoại, sau nhiều phút im lặng chị bỗng nói mấy chữ tôi không nghe được. Chị phải lặp lại, phát âm rõ hơn. Ngàn Sâu. Ngàn Phố. Nhưng chị Thanh một người Đà Lạt, rồi Sài Gòn, rồi nước ngoài, nhưng anh Tốn, một trung tá, phó tỉnh trưởng phụ trách quân sự những năm sáu mươi, thì có mối liên quan ra sao đến Ngàn Sâu, Ngàn Phố? Sau này đọc lại cuốn tiểu thuyết Cõi đá vàng của chị (*), tôi hình dung đó là ký ức thời kháng chiến. Hạnh phúc đôi khi là quên lãng. Nhưng chị không muốn quên, chị muốn nhớ lại. Không phải chị muốn, mà những tế bào thần kinh sắp tê liệt của chị, những ốc đảo cuối cùng giữa hoang mạc, thỉnh thoảng lại phóng điện, như tia chớp. Chúng muốn.
Tài liệu viết, sông Ngàn Phố, còn gọi sông Phố, bắt nguồn từ núi Giăng Màn thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, gần biên giới Việt Lào. Sông Phố chảy từ Tây sang Đông tới nơi giáp ranh huyện Hương Sơn với huyện Đức Thọ. Tại ngã ba Tam Soa nó nhập với sông Ngàn Sâu, tức sông Sâu, từ các huyện Hương Khê, Vụ Quang chảy từ phía Nam lên để tạo thành sông La. Đến lượt sông La chảy vào sông lớn hơn là sông Lam. Thời kháng chiến chống Pháp thượng nguồn sông Sâu và sông Phố là những chiến khu nổi tiếng. Khi nhắc đến chữ ấy, giọng chị xa vắng. Như một người đang đi bỗng mất phương hướng, nhìn quanh, không còn ai. Cùng với những người khác, cuộc đời họ, câu chuyện của họ, những cái chết bí mật, tra tấn, tù đày, mất tích, những đầu mối không tồn tại, những biên giới xóa. Bạn không thể trở về, không những cha mẹ không còn mà căn nhà cũ không còn, không những căn nhà cũ không còn mà ký ức về nó cũng không còn. Đó là yếu tính của hoài niệm của người Việt hôm nay, dù Bắc hay Nam. Câu thơ quốc phá sơn hà tại không đúng. Sơn hà không còn. Chỉ còn con người mờ nhạt như những cái bóng của nền văn hóa xa lạ. Nostos trong tiếng Hy lạp là trở về, algos là đau đớn, nostalgia là đau khổ khi trở về, là hoài niệm.
Hậu quả xấu nhất của các cuộc xâm lăng là xóa sạch văn hóa của vùng đất bị chiếm đóng. Cuộc chiến tranh chấm dứt năm 1975 không phải là cuộc xâm lăng theo nghĩa thông thường, kiểu một nước này chiếm một nước khác, nhưng về mặt văn hóa đó là cuộc xâm lăng vì hai tính chất: xóa sạch lịch sử và tạo dựng cái mới. Vì vậy trên nền nhà cũ đã cháy, không còn tro tàn. Không còn nhà. Ký ức của những người như chị Thanh là tài sản tinh thần của thế hệ sau. Có lẽ đối với chị có hai quãng đời đẹp, những ngày ở Đà Lạt bên gia đình, những người bạn dưới bóng hoa vàng, tích niên kim nhật. Chị còn có những ngày cũng đẹp như thế, bên chàng trai mới lớn, khẩu súng với cây đàn guitare, hai kẻ si tình, chị và anh Tốn của tôi, trốn cha mẹ bỏ nhà ra đi, hớn hở bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Như những kẻ sẽ bị phản bội, như những kẻ sẽ phải bỏ trốn. Một thế hệ lúc nào cũng lạc đường, bị vây khổn. Ký ức là mặt hồ im lặng. Bạn đã ném một thứ gì vào đó. Bạn đi vòng quanh, dáo dác tìm, chẳng tăm hơi.
Thân sinh của anh Tốn và anh Tấn, tức cậu tôi, gia cảnh nghèo, sinh bất phùng thời chữ Hán không được dùng, trở thành nông dân bất đắc dĩ, nhà lại đông con. Bà ngoại tôi có một người em gái ở Huế, thương cháu, gọi cậu tôi về cho không một con bò để cày cấy và làm phương tiện sinh sống. Khi cậu tôi cầm sợi dây thừng dài dẫn con bò từ phố qua đò Thạch hãn về làng, cũng là lúc bản án dành cho cậu được viết xong. Bọn du kích bắt cậu lên rú tra khảo. Đến ngày thứ ba, cậu không chịu nổi nữa, đành ký giấy tình nguyện hiến con bò cho kháng chiến, với điều kiện cho phép em gái của cậu, tức mẹ tôi, và đứa con gái đầu lòng của cậu, chị Sim, chị của anh Tốn, được lên thăm. Chúng cho phép.
Khi em và con đến, cậu tôi bí mật dặn họ: phải về mau, vì là con gái, chúng chưa có ý định thủ tiêu, đem hết cả nhà tản cư về tỉnh, đêm nay hay đêm mai thôi chúng sẽ giết anh, giết cha. Chúng đánh gãy hết các xương sườn của ông, nên ông biết bản án tử hình đã được ký. Tối hôm đó bọn du kích gọi cậu tôi đi thẩm vấn như thường lệ. Chị Sim khóc lóc nhứt quyết đòi đi theo. Chúng cho chị đi. Người cha bị dẫn sâu vào truông cát, sau cánh đồng bắp bạt ngàn, ven khúc sông uốn cong về thị xã, khủy tay trói ngoặt lại. Đứa con gái lẽo đẽo theo sau. Chúng bất ngờ dùng báng súng đánh vào đầu cậu tôi đến vọt óc ra, trước cặp mắt kinh hoàng của chị Sim. Rồi đào hố lấp xuống. Đứa con gái khóc thét, lăn xả vào ôm lấy cha. Thuận tay, chúng lấp huyệt chôn sống luôn chị Sim trên đồi cát. Mẹ tôi tất tưởi chạy về nhà mang theo lời dặn của anh trai. Từ đó vang vọng mãi trong con cháu gia tộc lời dặn: phải chạy cho xa. Anh Tốn lúc ấy là cán bộ đại đội của Việt Minh, nghe tin cha bị giết, bỏ ngũ về thành. Anh Tấn, thoát chết trong một trận ruồng bố của Tây, tha phương cầu thực, mãi khi hòa bình lập lại sau hiệp định Genève, nhớ làng nhớ nước, trở về quê cũ cày cấy, lo mồ mả kỵ giỗ. Để khỏi đi lính xa nhà, anh tham gia lực lượng dân vệ, nghĩa quân. Đó là lực lượng bán quân sự, đồng lương chết đói, nhưng được cái gần nhà. Nghĩa quân là người lính vô danh, chân lấm tay bùn, nhưng là lực lượng đẩy lui các cuộc tập kích dữ dội của du kích, vì họ thông thuộc đường lối, chiến đấu gan dạ. Hôm ấy, anh Tấn hỏi đi hỏi lại chỉ một câu, o còn nhớ không. Mẹ tôi làm sao quên. Nhưng có một người mẹ Việt Nam nào, khi nhìn thấy một thanh niên mặt non nớt như con mình, một người lính máu chảy ướt đầm vạt áo, ruột lòi ra ngoài, mặt tái ngắt, sắp ngất đi vì đau đớn, có người mẹ nào có thể đứng yên mà nhìn?
Kahlil Gibran bảo: quên là hình thức của tự do. Nhờ quên chúng ta mới sống được. Quên không phải là tha thứ, nhưng trong tha thứ có quên lãng. Buổi trưa ngắm bụi hoa mimosa vàng, rào tường vi trắng, nhìn ngược trở lại mái nhà chưa chi đã phong rêu, tôi nhìn thấy tác động của nhà cửa, kiến trúc, đường sá đối với không gian tinh thần của xã hội. Ngôi nhà được xây kiên cố, đường nét uy nghi dịu dàng. Nơi chốn xứng hợp của một salon văn nghệ. Kiến trúc, trong sự hòa hợp với thiên nhiên, tạo ra khung cảnh sống nâng đỡ tinh thần một thế hệ. Nhà cửa, đường nét kiến trúc tạo ra sự cân bằng giữa cái đẹp và cái thiện. Con người sinh sống trong một khung cảnh như thế, hay từ xa đến trước một khung cảnh như thế, là tự đem mình đến gần cái trang nhã. Sự trang nhã là anh em song sinh của lương tri. Những kiến trúc kỳ quái, bất ngờ, hay ảm đạm, buồn tẻ ít gặp ở Đà Lạt, những kiến trúc phô trương màu mè, mà sau này hình như ngày càng nhiều ở Hà nội, Sài gòn, cũng ít thấy ở đó. Sự cân bằng khác với sự đơn điệu. Sự cân bằng đạt được giữa một bên là những đường nét phức tạp, sang trọng, các trang trí đắt tiền, và một bên là sự giản dị, thanh khiết, thậm chí nghiêm khắc. Sự phối hợp các mặt đối lập giữa đường nét kiến trúc lớn, cứng, thẳng và đường cong uốn lượn, mềm mại, thon thả thể hiện tính cách khác biệt trong cùng một người: mạnh mẽ, dữ dội và linh động, khoan dung. Như thế không phải chỉ vẻ đẹp kiến trúc làm tôi đến gần mà còn sự tốt lành của chúng, tạo ra hấp dẫn. Đó là cân bằng giữa thiên nhiên và vật thể do con người tạo ra, sự cân bằng giữa nội tâm và ngoại cảnh, giữa đời sống tâm hồn một cá nhân và các thiết chế xã hội, không những các thiết chế văn hóa mà còn là, và đặc biệt là, những thiết chế chính trị. Một nền chính trị xấu không sinh ra một nền kiến trúc đẹp. Ngược lại, một kiến trúc đẹp chỉ xuất hiện trong điều kiện chính trị thuận lợi, có khả năng kích thích cái đẹp, lòng vô tư, sự bền vững.
Tôi sẽ còn trở lại Đà lạt một lần nữa, với Hoàng, mối tình đầu, người thiếu nữ sẽ ở lại lâu dài giữa ngàn thông reo, bên kia thung lũng có hồ nước biếc. Sẽ ở lại tiếng cười trong veo trong bụi dâu tím, ngọt ngọt chua chua, ở lại với mùi cà phê thơm thoảng bay trong tóc. Nhưng đó là những năm về sau. Sigmund Freud, trong một bài tiểu luận năm 1915, về sự vô thường, kể lại cuộc tản bộ trên núi với Rainer Maria Rilke, tác giả của Thư gởi người thi sĩ trẻ tuổi, Phạm Công thiện dịch. Mùa hè rực rỡ, bướm bay, hoa nở trên cỏ. Ông thấy hạnh phúc khi đi dạo ngoài trời, nhưng lấy làm ngạc nhiên, nhà thơ trẻ tuổi bạn ông tỏ ra buồn bã, đăm chiêu, đầu cúi xuống đất. Ông nhớ lại không phải vì nhà thơ bận suy nghĩ một đề tài nào khác mà quên vẻ đẹp của thiên nhiên. Mà chính vì vẻ đẹp ấy của thiên nhiên làm nhà thơ nghĩ đến ngày tàn của chúng. Nghĩ đến cái chết, Rilke không thể vô tư thưởng thức giờ phút hiện tại. Sự bất lực của con người trong việc bảo vệ cái đẹp, sự yếu đuối thậm chí a dua của họ trước sức mạnh bạo động, gợi lên ở nhà thơ cảm giác về cái mong manh của một nền văn hóa, một kiếp người. Vẻ lãng mạn đăm chiêu của trí thức ngày trước mà tôi nhận ra trong các bức hình của chị Thanh Sâm có phải cùng lý do ấy không?
Ngày tôi đến Đà Lạt, ngoài cảnh gian khó sau chiến tranh, một số nơi ở Lâm Đồng và các tỉnh cao nguyên đang lan tràn dịch sốt xuất huyết. Bệnh do siêu vi trùng Dengue gây ra nhưng từ loại muỗi Aedes aegypti truyền đi. Bây giờ căn bệnh ấy đã giảm, vì thời tiết thay đổi, vì việc thành thị hóa như điên như cuồng bất chấp mọi giá đã tàn phá xong tính hoang dại của các cánh rừng, các hang động, các thung lũng. Nhưng một lúc nào đó, khi ký ức nhân loại về chứng bệnh ấy đã phai lạt, ở một góc phố tối sau hẻm vắng sình lầy, sau khi tất cả dọn dẹp đã xong, cành khô bụi dại đã đốt, khi chúng ta đã quên, trong một vũng nước đọng lâu ngày sau mưa, những cái trứng nhỏ li ti của loài muỗi nguy hiểm chết người kia sẽ được mang trở lại. Sẽ được gieo xuống, sẽ sinh nở, và bắt đầu lớn lên.
Nguyễn Đức Tùng
"Thưa bà. Thưa nhà văn Nguyễn thị Thanh Sâm. Anh em chúng tôi đã tìm được truyện dài Cõi Đá Vàng của bà rồi. Kẻ đánh máy. Người vẽ bìa. Người dò lỗi chính tả. Kẻ viết tiểu sử… Dự án đã hoàn tất. Giờ là in. Là cắt, đóng. là làm bìa, là ép giấy láng… để mang đứa con tinh thần của bà sau bao năm thất tán về lại mái nhà xưa mà giao lại cho chủ của nó.
Dù mái nhà có hoa mimosa vàng ấy đã không còn hiện hữu nữa sau tháng 4-75 nhưng nó vẫn tồn tại trong cuốn sách 414 trang này. Vẫn có Đinh Cường bên cạnh bà, Trịnh Công Sơn, Khánh Ly…. Vẫn có hình ảnh bà bên cạnh chồng và các con, và vẫn có Hoàng Ngọc Tuấn với đoạn văn viết về hai cây mimosa nở bông vàng trên sân….
Mái nhà ấy không mất. Nó vĩnh cửu."
(https://tranhoaithux.wordpress.com)
No comments:
Post a Comment