Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, February 3, 2017

DU XUÂN - Ký sự của Hoàng Đằng

            
                        Tác giả Hoàng Đằng


          DU XUÂN
                                        Ký sự của Hoàng Đằng

Thôi Hiệu (704 – 754), một nhà thơ nổi tiếng bên Tàu đời Đường, có viết bài thơ nói về những cái thú trong 4 mùa:
Xuân du phương thảo địa.
Hạ thưởng lục hà trì.
Thu ẩm Hoàng Hoa tửu.
Đông ngâm bạch tuyết thi.
(Mùa xuân chơi vùng có cỏ thơm mọc; mùa hạ say ngắm ao sen xanh; mùa thu uống rượu ủ hoa cúc vàng; mùa đông ngâm thơ khi trời rơi tuyết trắng)
Bài thơ mở đầu: “Xuân du phương thảo địa” - mùa xuân đi chơi vùng đất có cỏ thơm. Cỏ thơm ở đây, ngoài nghĩa đen, chắc chắn mang thêm nghĩa bóng, đó là những nơi người cư xử tử tế với người, những nơi có bạn hiền, những nơi có bà con tốt ...

Lão đã làm một chuyến du xuân vào dịp Tết Đinh Dậu (2017). Ngày 06 Tết (02/02/2017) là ngày, theo quy định của nhà nước, mọi người trở lại công sở làm việc; hai vợ chồng con trai út của lão (Hoàng Hữu Lập + Lê Nam Linh) là giáo viên bậc trung học, hai cháu nội của lão (Hoàng Nam Trân và Hoàng Hữu Thiều) là sinh viên và học sinh sẽ bận rộn.
Trước khi vào việc của năm mới, con cháu lão muốn xuất hành một chuyến đầu năm và không biết có coi thầy hay không, chúng quyết định chọn hướng Nam lên đường vào ngày 05 Tết. 
Mấy ngày trước đó, lão chỉ quanh quẩn trong nhà tiếp đón thân bằng quyến thuộc đến chúc Tết và mừng tuổi. Đang thèm muốn ra ngoài, nghe dâu con rủ đi cùng, lão nhất trí ngay.
Trớ trêu là ông Trời! Từ chiều 29 đến hết 04 Tết, trời nắng ấm, đường sá khô khan; đột ngột sáng 05 trời đổ mưa; đúng là thời tiết đang gây khó dễ cho chuyến đi. Trong tháng Âm Lịch, 05, 14, 23 là những ngày nguyệt kỵ - “đi chơi cũng lỗ ...”; thôi, phải rồi, “lỗ” đây là sự cản trở của thời tiết; chuyện thường thôi mà!
Gia đình lão ngồi trên một chiếc xe lên Quốc Lộ I trực chỉ hướng Nam; đến đầu cầu An Lỗ mạn Bắc, xe rẽ theo con đường lên hướng Tây; xe chạy khoảng 2 km thì dừng, gia đình lão vào thăm chùa Hội Thượng – chùa của làng Thượng An, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đại Đức Thích Ngộ Tâm, trụ trì chùa, cách đây hơn 20 năm, là học trò bậc trung học phổ thông của con dâu lão – Lê Nam Linh – tại trường trung học phổ thông Nam Hải Lăng (nay cải tên là trường Bùi Dục Tài), sư vốn là một trong số học sinh giỏi và có nghĩa tình. Gia đình lão được sư tiếp đón trọng thị; sau khi xin vào lễ Phật, gia đình lão được sư mời ra ngồi ở phòng khách, trò chuyện, chúc tụng nhau những lời tốt lành đầu năm. 
Tuy là chùa làng, chùa Hội Thượng khá lớn; khuôn viên của chùa rộng, lão đoán chừng, cỡ một mẫu ta; chùa chính là ngôi nhà rường cổ 4 vài (3 gian) 2 chái chung quanh điểm thêm nhiều công trình thờ tự. Chỉ tiếc là bên trong, thay vì đóng những bức đố bằng gỗ để tạo sự hài hoà với cột, kèo, xuyên, trếnh, chùa cho xây những bức ngăn bằng gạch và vôi vữa áp vào các cột gỗ, lão sợ lâu ngày các cột gỗ sẽ bị ăn mòn, uổng! Tuy nhiên, “lực bất tòng tâm”, đành tạm chịu vậy! 

Điều làm lão cảm phục là, dù khuôn viên rộng thế, các công trình thờ tự và tự khí nhiều thế, chùa vẫn giữ được sự sạch sẽ, tươm tất, ngăn nắp. Trình độ văn hoá của nhân dân nơi đây càng làm lão cảm phục hơn; chùa được lập từ xa xưa - sư trụ trì cho biết trong án thờ còn sắc phong từ đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725); hiện vật cổ nhất và quý hiếm nhất chùa còn giữ là cái chuông khá lớn đúc năm Minh Mạng thứ 7 (1826) và một cái “vạc” đúc năm Minh Mạng thứ 9 (1828) - cái vạc này hiện nay chứa nước mưa, lão đoán cái vạc nguyên được đúc ra để,  khi lễ xong, đựng vàng bạc đốt; vậy mà qua dâu bể, khuôn viên chùa vẫn còn rộng, không bị lấn chiếm, chùa được trùng tu mỗi khi hư hỏng, chứ không bị tháo dở, cái chuông và cái vạc không bị trộm. Nhiều vùng, nếu biết những việc này, chắc thẹn lắm! Thiếu gì nơi mà mỗi lần thay đổi chế độ chính trị, lợi dụng tình trạng hỗn loạn, tranh sáng tranh tối, đất đình, chùa bị chiếm dựng nhà, đình, chùa bị tháo dở chia về từng hộ tuỳ nghi sử dụng, tự khí bán đi như đồ cổ, tượng Phật bị hạ xuống, nhà chùa được dùng làm kho hay văn phòng làm việc, thậm chí bị làm cho uế tạp.

Mục đích xuất hành của con cháu lão lần này chỉ là việc viếng chùa. Thấy thời gian còn nhiều, lão tranh thủ vào Huế ghé nhà ở đường Đào Duy Từ thắp hương cho ông mệ đã cưu mang lão trong 6 năm trọ học tại Huế đầu thập niên 1960. Ở đây, lão làm gia sư hướng dẫn việc học cho 4 em – nay tất cả trên 60; tuy không cùng máu mủ, từ đấy đến giờ, lão luôn được đối xử như một người thân trong gia đình. Qua đây, lão muốn chỉ cho các cháu lão biết việc đi học xa nhà ngày trước của học trò nghèo khó khăn biết nhường nào và tình người đùm bọc nhau nồng ấm biết nhường nào!
Trời vẫn mưa, gia đình lão tiếp tục hành trình, đến thăm người bà con và cũng là đồng môn khoá I (1956 – 1960) của lão - Trương Sĩ Sằn - ở trường Bán Công Đông Hà xưa. 

Ra đời, bạn chọn nghề giáo. Từ một giáo viên tiểu học, bạn đã tự học lấy bằng Cử Nhân Anh Văn rồi lên dạy tiếng Anh ở trường Quốc Học; nhiệm sở cuối cùng, trước khi về hưu 2003, là chuyên viên tiếng Anh của Sở Giáo Dục Đào Tạo tỉnh Thừa Thiên – Huế. Một tấm gương quyết chí học tập đáng nể! Tại đây, gia đình lão được vợ chồng bạn mời ăn trưa. Rất tình cảm!
Mưa vẫn rơi không ngớt, gia đình lão chia tay vợ chồng bạn, ra thăm bia Quốc Học trước mặt trường Quốc Học. Trước Tết, công trình này được sơn lại, dư luận xôn xao phàn nàn: làm thế là mất vẻ cổ kính của công trình. Lão không rành về bảo tồn bảo tàng, tuy nhiên, đối với lão, sơn quét lại là tốt; không sơn quét, người xấu miệng có thể trách chính quyền sở tại thiếu quan tâm các di tích lịch sử. Lão chỉ không đồng ý nếu đắp, vẽ thêm cái gì đó hay gỡ bỏ bộ phận nào đó hay lấn chiếm không gian của công trình.


Người ta đang tháo rạp, chắc trong mấy ngày Tết nơi đây là nơi tổ chức hội Tết cho nhân dân Huế.
Trời vẫn cứ mưa, lão muốn thăm nhà một số bạn thân nữa, nhưng nghĩ lại, ướt át quá, không tiện! Chờ dịp khác!

Xe lên Quốc Lộ I trực chỉ hướng Bắc – hướng Đông Hà. Qua cầu Mỹ Chánh, xe rẽ vào con đường xuống phía Đông, thăm bạn đồng nghiệp cũ tại trường Đông Hà xưa của lão là cô Phan Liên Hương ở làng Câu Nhi, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị; dưới mắt và trong lòng của lão, cô Liên Hương rất tuyệt vời: vừa giỏi về văn hoá, vừa khéo về nữ công gia chánh, lại vừa có tính nết dịu dàng; ít phụ nữ có được chừng ấy đức tính! Gia đình lão được vợ chồng và các con cháu cô về ăn Tết tiếp đón nồng hậu. 

Nhân tiện, lão nhờ cô Liên Hương đưa đến thăm thầy Lê Chí Phóng – đồng nghiệp xưa của lão tại trường Nguyễn Hoàng – cũng ở làng này. Đường làng Câu Nhi quanh co uốn khúc, thành thử, dù đã đến nhà thầy nhiều lần, nếu không có người hướng dẫn, lão vẫn không nhớ đường.
Thầy năm nay đã 92 tuổi, song lưng thẳng, mắt sáng, tai rõ, trí minh mẫn, đi đứng vững chãi; thầy kể cho lão nghe con đường khúc khuỷu đến với nghiệp giáo của thầy; cái quyết chí tiến lên trong nghề của thầy thật đáng khâm phục! Xin phép thầy kể lại ở đây để người đời và con cháu lão thấy thêm một tấm gương sáng về việc học tập không ngừng nghỉ. 

Năm 1945, thầy đang học trường tư thục Sainte Marie ở tỉnh lỵ Quảng Trị, chuẩn bị thi Cao Đẳng Tiểu Học (Diplôme d’études primaires supérieures), nhưng không thi được vì loạn lạc; sau đó, thầy theo kháng chiến; năm 1954, vì bệnh hoạn, không thể tập kết ra Bắc, thầy ở lại, tham gia việc xã. Rồi cảm thấy nghề hành chánh không hợp, thầy xin vào ngành giáo dục từ 1957, vừa dạy, vừa tự học, thầy đi từ hương sư phụ khuyết lên giáo sư trung học; đến năm 1975, thầy gần hoàn tất học trình Cử Nhân Anh Văn tại Đại Học Văn Khoa Huế. 
Trong tuổi già, hiện tại, thầy phải săn sóc cô (phu nhân của thầy) ốm yếu, bệnh tật. Con cháu thầy rất thành đạt trên đường sự nghiệp; ai có gia nương nấy, ở xa và phải lo làm việc, phụng sự xã hội. 
Trong từng gia đình hiện nay, cái cảnh chỉ còn lại ông bên bà, bà bên ông không phải chỉ riêng thầy đâu! Những vị mà lão vừa thăm, dù nhà cửa rộng rãi, vẫn thế. “Tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường”  đã đi vào dĩ vãng.
Trời vẫn mưa, gia đình lão rời nhà cô Liên Hương trong sự quyến luyến. 

Xe về đến nhà thì trời gần tối.
Một ngày xuất hành đầu năm thành công, ý nghĩa, mang đến nhiều tình cảm, nhiều niềm vui.

                                                                        Hoàng Đằng
                                                           07 Tết Đinh Dậu (03/2/2017)

No comments: