Tác giả Phạm Đức Nhì
TIÊU CHÍ 2: ĐOẠN KẾT CỦA BÀI THƠ
Nguyễn Hưng Quốc có lần viết, đại ý “Làm thơ mà không biết kết luận cũng giống như người đánh cờ không biết chiếu tướng”. Tôi thích túc cầu nên nghĩ rằng: “Làm thơ không biết kết luận giống như đội bóng chỉ giỏi vờn bóng giữa sân mà không có chân sút dứt điểm, không biết phối hợp để đưa bóng vào lưới đối phương”. Cho nên, không giống như Tựa Đề, Đoạn Kết của bài thơ sẽ được người bình để ý rất kỹ.
Hai Điểm Khác Biệt Giữa Tựa Đề Và Đoạn Kết
Giống như Tựa Đề, Đoạn Kết cũng tóm gọn những điều cốt yếu của tứ thơ. Nhưng có hai khác biệt chính:
1/ Khởi đi từ Tựa Đề, tứ thơ chỉ là cái mầm, mới tượng hình. Sau tiến trình thai nghén, sinh nở (trong tâm hồn của tác giả) tứ thơ ở cuối bài – dù vẫn từ cái Gien của Tựa Đề - đã có khuôn mặt mới, vóc dáng mới, bề thế hơn, thực hơn, sinh động hơn. Thí dụ:
a/ Khởi đầu cũng là tâm trạng mòn mỏi, đợi chờ tình lang nhưng theo dòng cảm xúc (của tác giả) cái tâm trạng mòn mỏi, đợi chờ ấy đã càng lúc càng lớn mạnh để rồi cuối cùng đã lên đến đỉnh điểm khi cô em nhìn ra sân và “báo cáo” với chị:
Ngựa hồng đã đến bên hiên
chị ơi trên ngựa chiếc yên vắng người.
(Mòn Mỏi, Thanh Tịnh)
Những gì xảy ra sau đó với người chị - tác giả không cần phải nói - người đọc sẽ tự hiểu. (Show, Not Tell)
b/ Khởi đầu là câu chuyện của Thuyền và Biển nhưng qua tiến trình cưu mang, chuyển hóa trong tâm hồn của tác giả câu chuyện ấy đã biến thành chuyện đôi trai gái yêu nhau và cuối cùng tình yêu đã sâu đậm đến mức:
Nếu phải cách xa anh
em chỉ còn bão tố.
(Thuyền Và Biển, Xuân Quỳnh)
2/ Tứ thơ đã thay đổi vóc dáng hình hài và lớn mạnh như thế nên nếu muốn “tóm gọn những điều cốt yếu của tứ thơ” Đoạn Kết cần nhiều “đất” hơn; một chữ hoặc một nhóm chữ (như Tựa Đề) không đủ để hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, Đoạn Kết ít thì phải là một vài câu, nhiều thì có khi cả một đoạn.
Hai Cách Kết Thúc Bài Thơ
1/ Tóm gọn những điều cốt yếu của tứ thơ”
Và là đoạn đường cuối cùng đưa người đọc vào điểm đến (destination) của tứ thơ. Khi tiếp cận điểm đến – tác giả đã cảm thấy hài lòng, đạt được mục đích - không cần hoặc không muốn nói thêm gì nữa. Thí dụ:
a/ Nghe đồn rằng đám cưới của cô to lắm:
Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau
Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn
Nhưng kiểm lại tài sản của mình thì anh lái đò chỉ có mỗi con thuyền đưa khách mà đem dạm bán thì người ta chỉ giả có chín quan tiền
Lang thang tôi dạm bán thuyền
Có người giả chín quan tiền, lại thôi
Hai câu kết chỉ nói đến việc dọ giá bán thuyền nhưng đã ngầm chứa nỗi đau đến xé tâm can của anh lái đò về mối tình vô vọng. Thủ pháp Show, Not Tell rất tuyệt. (Giấc Mơ Anh Lái Đò, Nguyễn Bính)
b/ Sau Hiệp Định Paris, hai người lính - từng đối đầu trong cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn (Việt Nam) - đứng sát vai nhau nghĩ về những năm tháng hòa bình sắp tới:
Mê muội qua rồi
chia tay trên lối rẽ
gửi cho nhau
lời xin lỗi muộn màng
một cánh mai tươi
một nén hương vàng
ta về
tặng những người đồng đội
ta bá vai nhau
để những người kia xóa tội
dưới suối vàng
Họ...! chắc cũng đã ôm nhau...!
(Hai Người Lính, Nguyên Thạch)
Đoạn kết thắm đượm tình người, đầy tính nhân văn, nhân bản.
2/ Lập lại, xác nhận lại điểm chính của tứ thơ một cách mạnh mẽ và hùng hồn hơn.
Tứ thơ đã vào điểm đến nhưng thi sĩ muốn viết thêm một đoạn, có khi chỉ lập lại, xác nhận lại điểm chính của tứ thơ nhưng với ngôn ngữ khác, giọng điệu khác, mạnh mẽ và tạo ấn tượng sâu sắc hơn. Thí dụ:
a/ Chân Quê
Bắt đầu từ câu “Nào đâu cái yếm lụa Sồi” đến 2 câu cuối của thân bài “Như hôm em đi lễ chùa - Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh” tác giả đã cho con thuyền tứ thơ cập bến. Đã có 2 câu kết hoàn thành nhiệm vụ. Bài thơ có thể ngừng ở đó. Nhưng Nguyễn Bính muốn nhấn mạnh hơn ý nghĩa của “Chân Quê” nên ông đã viết thêm:
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thày u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
(Chân Quê, Nguyễn Bính)
Đoạn kết này giống như một CODA trong bản nhạc, để lại ấn tượng mạnh mẽ, sâu đậm hơn trong lòng người đọc (người nghe).
b/ Lời Mẹ Dặn
Tương tự như vậy, bài Lời Mẹ Dặn cũng có thể chấm dứt ở đoạn:
Người làm xiếc đi giây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ
Nhưng Phùng Quán muốn tạo ấn tượng mạnh hơn nữa nên đã viết thêm đoạn:
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
Và ông đã thành công mỹ mãn
Một Số Đoạn Kết Hay
1/ NIỀM TIN
Cùng cầu cho thế giới
Cho nhân loại hòa bình
Cho đôi ta gặp lại
Trong một mùa Giáng Sinh
(Nhất Tuấn)
Lời cầu nguyện cho hạnh phúc riêng tư của người lính đã được khéo léo ghép chung với – nhưng được khiêm tốn đặt ở phía sau - ước vọng hòa bình cho toàn thế giới. Trong không khí “đất với trời se chữ đồng” (1) của mùa Giáng Sinh – lúc “Thiên Địa Nhân quy nhất” (2) - dòng cảm xúc chân thật, cao đẹp ấy đã thấm rất nhanh vào tâm hồn độc giả. Thi sĩ, một người trai thời loạn, đã chọn được cách hành xử tối ưu; ông không thể tự cởi bỏ chiếc áo lính nhưng đã rất tài tình đặt bên dưới lớp vải kaki một trái tim đầy lòng nhân ái.
2/ NHÀ TÔI
Này, anh đồng chí
Người bạn pháo binh
Đã đến giờ chưa nhỉ
Mà tôi nghe như trại giặc tan tành?
Anh rót cho khéo nhé
Kẻo nhầm nhà tôi!
Nhà tôi ở cuối thôn Đồi
Có giàn Thiên Lý, có người tôi thương.
(Yên Thao)
Đoạn kết là tâm trạng rối bời của người lính trước giờ nổ súng. Mục tiêu của trận đánh là làng bên kia sông đang bị quân địch chiếm giữ, nơi có căn nhà và hai người thân yêu nhất của anh lính – bà mẹ già và cô vợ trẻ mới cưới – đang sinh sống. Lời thì thầm năn nỉ người bạn pháo binh cũng là lời nguyện cầu cho căn nhà còn nguyên vẹn và những người thân yêu được tai qua, nạn khỏi. Nỗi lo sợ của anh rất lớn, rất thật vì xác xuất để lời nguyện cầu được đáp ứng quá nhỏ nhoi. Chỉ có mấy câu nhưng cảm xúc đầy ắp làm nổi bật sự tàn nhẫn, bất nhân của chiến tranh.
3/ NGẬM NGÙI
Tay anh em hãy tựa đầu
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi
(Huy Cận)
Tác giả cũng sử dụng thủ pháp Show, Not Tell – Tay anh đây, em hãy tựa đầu (như ngày xưa) để “trái sầu” vì nhớ thương, xa cách của anh rụng rơi chứ không còn treo lủng lẳng trên vai, trên cổ anh nữa. Người đọc phải tự hiểu phần sau “Nhưng em đã chết, chẳng có ai tựa đầu lên tay anh cả, nên trái sầu thương nhớ vẫn trĩu nặng trong hồn”. Cái “hồn cốt” của tứ thơ đã được gói gọn trong 2 câu kết một cách rất nghệ thuật.
4/ SAY ĐI EM
Nhưng em ơi,
Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ.
Đất trời nghiêng ngửa,
Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!
(Vũ Hoàng Chưong)
Từ cái tựa Say Đi Em người đọc mới chỉ mường tượng tác giả đang mời mọc, có chút thúc hối, người tình (hoặc bạn bè) cùng mình nâng ly, cạn chén cho say. Đến đoạn kết thì mục đích của việc uống say đã được hé lộ: mượn rượu giải sầu Nhưng VHC đã thất vọng; say đến “đất trời nghiêng ngửa” mà nỗi sầu cứ sừng sững như bức tường thành, chưa sụp đổ. Và cuối cùng là tuyệt vọng - chữ “chưa” đã đổi thành “không”- “Thành sầu không sụp đổ, em ơi!” Âm điệu ở đây, với tôi, rõ ràng là một Gai Kết Hoàn Toàn; chữ “ơi” đã về đúng cao độ của chủ âm và có độ ngân thật dài và thảm thiết. Thi sĩ của chúng ta đã cho thơ nhạc quyện vào nhau để bày tỏ tâm trạng chán chường của mình một cách tài tình.
Một Số Đoạn Kết Dở
1/ NGỌN CỎ
bây giờ
được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ
tương lai không chừng tôi sẽ
to con mập phệ
tí tách như mưa
ngọn cỏ gió đùa.
(Nguyễn Thị Hoàng Bắc)
Đang biểu lộ thái độ hùng dũng, vùng lên “đứng đái đàng hoàng” như các đấng nam nhi mà lại kết thúc bằng “ngọn cỏ gió đùa”- chấp nhận thân phận đàn bà như ngọn cỏ, gió muốn đùa hướng nào cũng phải chịu, thì đúng là cung đàn lạc điệu. Đoạn kết quá dở đã làm uổng một tứ thơ quá hay.
2/ PHƯƠNG XA
Men đã ngấm bọn ta chờ nắng tắt
Treo buồm cao cùng cao tiếng hò khoan
Gió đã nổi nhịp trăng chiều hiu hắt
Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy cho ngoan.
(Vũ Hoàng Chương)
Khổ cuối chỉ có câu “Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy cho ngoan” là cần thiết (ý nói thuyền vẫn tiếp tục trôi, dòng đời vẫn tiếp diễn); ba câu trước được đưa vào, theo tôi, chỉ để cho đủ số chữ, số câu của một khổ thơ (thể thơ bát ngôn trường thiên) không giúp ích gì (về ý tứ) cho bài thơ. Khổ thơ có 32 chữ mà đến 24 chữ chẳng được tích sự gì. Thật thừa thãi và phí phạm. Đoạn kết, theo tôi, thất bại.
3/ NGƯỜI HÀNG XÓM
Hồi hộp theo dõi biến chuyển tâm trạng của Nguyễn Bính đối với Người Hàng Xóm từ khi “chửa có gì” cho đến lúc:
Hỡi ơi! Bướm trắng tơ vàng!
Mau về mà chịu tang nàng đi thôi!
Ðêm qua nàng đã chết rồi,
Nghẹn ngào tôi khóc... Quả tôi yêu nàng.
độc giả vừa ngạc nhiên một cách thích thú vừa đồng cảm với nỗi đau buồn, thất vọng của ông về mối tình đơn phương. Tứ thơ đã đến bến, đã bày tỏ thành công điều tác giả muốn bày tỏ. Bài thơ chấm dứt ở đấy thì vừa đẹp. Hai câu thêm vào
Hồn trinh còn ở trần gian
Nhập vào bướm trắng mà sang bên này
không những không mạnh hơn mà còn yếu đi, làm nhạt bớt ấn tượng tốt trong lòng độc giả.
Khi Bình Thơ, Nên Đối Xử Với Đoạn Kết Như Thế Nào?
Mỗi người bình đều có cách riêng của mình. Đây là cách tôi “xử” đoạn kết:
1/ Trước tiên phải nhắc nhở mình chú ý đến nhạc điệu của đoạn kết; nhạc điệu hay thường có âm hưởng của Giai Kết Hoàn Toàn. (Cadence Parfaite, hợp âm bậc V về Chủ âm)
2/ Nếu đoạn kết hay một cách đặc biệt, hay lắm, điểm 9 hoặc 10 (thang điểm từ 1 đến 10) tôi sẽ viết vài ba câu, có khi hẳn một đoạn, giải thích, bàn luận cái hay của nó.
3/ Nếu đoạn kết thật dở, điểm 1 hoặc 2, tôi cũng sẽ viết một số câu, hoặc một đoạn bàn về cái dở của nó.
4/ Nếu đoạn kết khá dở, trung bình hoặc khá hay (điểm từ 3 đến 8), tôi sẽ lờ đi. Nhưng khi nhận định chung cuộc về giá trị nghệ thuật của bài thơ tôi sẽ nhớ đến nó để điều chỉnh lời khen chê cho thích hợp.
Kết Luận
Không biết chiếu tướng thì sẽ chẳng ai thèm chơi cờ với bạn. Không biết đưa bóng vào lưới đối phương thì sớm muộn gì đội bóng sẽ bị giải tán. Không có Đoạn Kết ấn tượng thì bài thơ sẽ rất dễ đi vào quên lãng. Đó là chuyện của những người đánh cờ, đá bóng và làm thơ. Với cương vị của người phê bình tôi sẽ nhắc nhở mình (và các bạn trẻ) không được lơ là với đoạn kết của bài thơ.
Phạm Đức Nhì