Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, December 10, 2016

HÌNH ẢNH CON GÀ TRONG DÒNG TRANH ĐÔNG HỒ - Đình Hy



Hình ảnh con gà trong dòng tranh dân gian Đông Hồ
Đình Hy

Đông Hồ là một làng quê nhỏ ven sông Đuống. Trước đây Đông Hồ còn có tên là làng Đông Mại, (hay làng Mái), thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Làng Đông Hồ có nghề làm tranh từ lâu đời. Theo tác giả Lê Trọng Nga, (TC Mỹ thuật): "Tranh dân gian Đông Hồ hay nói đầy đủ hơn là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ ra đời từ khoảng thế kỷ XVII". Ở đây ngày nay vẫn còn một số nghệ nhân duy trì nghề làm tranh dân gian của ông cha để lại. Người cao tuổi làng Đông Hồ vẫn truyền lại các câu ca dao, dân ca:
- Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranh.
- Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân ngắm cảnh mà tan nỗi sầu
Mua tờ tranh điệp tươi màu
Mua đàn gà lợn thi nhau đẻ nhiều.
Nhà thơ Tú Xương viết về tranh Đông Hồ ngày tết:
Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột,
Om sòm trên vách bức tranh gà. 
Còn bài thơ Bên kia sông Đuống, nhà thơ Hoàng Cầm viết:
Tranh Đông Hồ, gà lợn nét tươi trong,
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.
Tranh dân gian Đông Hồ phục vụ cho nhu cầu mua tranh, treo tranh tết của nhân dân kinh thành Thăng Long và các tỉnh phụ cận. Dòng tranh này phong phú, đa dạng cả về thể loại, chủ đề, mẫu mã, mang đậm chất quê hương, cốt cách dân tộc. Từ đề tài cày bừa sản xuất (lão nông nghỉ ngơi), học hành (thầy đồ cóc, vinh quy bái tổ...), sinh hoạt, vui chơi (hội làng, bịt mắt bắt dê, kéo co, đánh đu, mục đồng thả diều...), tranh vui, hóm hỉnh, tiếu lâm, châm biếm, đả kích (hứng dừa, đánh ghen, đám cưới chuột...), tranh phong cảnh (tứ quý), tranh con người (tố nữ), vật (cá chép trông trăng), tranh thờ (táo ông, táo bà, ngũ hổ), cho đến các tranh chúc phúc, cầu mong, thể hiện ước mơ cuộc sống no ấm (gà đàn, lợn đàn, vinh hoa, phú quý...). Cũng từ những giá trị tinh thần này, cộng với kỹ thuật làm giấy dó, pha chế màu sắc, kỹ thuật khắc gỗ... làng Đông Hồ được vinh danh là một làng nghề nổi tiếng của nước ta. Và nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di vản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2013.
Nhân dịp tết Đinh Dậu, bên chén trà, cốc rượu mừng xuân, thử tìm hiểu về hình ảnh con gà trong dòng tranh dân gian Đông Hồ.
- Bức tranh "Gà đàn": thể hiện một gia đình gà đầm ấm, gà trống, gà mái mẹ và đàn con đang quây quần bên nhau. Điểm hay là nghệ nhân khắc vẽ mỗi con một tư thế khác nhau rất tài tình; tất cả chứa trong một bố cục chặt, toát ra vẻ đầm ấm, vững chắc của một gia đình gà.

Kết quả hình ảnh cho tranh gà dân gian đong ho

- Bức tranh "Gà mẹ gà con": các nghệ nhân đã tạo nên bức tranh có sức hút đặc biệt với người xem tranh, tạo cảm giác sinh động, mỗi chú gà con trong tranh đều có những nét chuyển động khác nhau, có con trèo lên lưng gà mẹ, có con quay đi quay lại, con xòe cánh... nhưng hầu hết đều hướng mắt về phía con mồi trên miệng gà mẹ. Tranh tượng trưng cho sự giàu có, no đủ và tình mẫu tử thiêng liêng, một sự đoàn tụ sum vầy của gia đình gà. Đặc biệt, bố cục tranh khá chặt chẽ, giàu nhịp điệu.

Kết quả hình ảnh cho tranh dân gian về con gà

- Gà trống và hoa cúc: nhân dân ta quan niệm gà trống là biểu tượng của ngũ đức: văn, võ, dũng, nhân, tín. Đó là những đức tính rất cần có của một bậc quân tử. Văn, mào đỏ tựa như mũ cánh chuồn, ý làm quan; võ, cựa gà; dũng, không sợ địch thủ; nhân, kiếm ăn theo đàn, cùng với đồng loại; tín, gáy báo giờ chính xác.

Tranh đông hồ gà hoa hồng


- Tranh "Đại cát": tranh này gà được dân gian quan niệm vừa cấm quỷ, vừa cầu may, mang ý nghĩa nghênh xuân, đón tết. Hình ảnh gà trống oai vệ, hùng dũng biểu tượng cho sự thịnh vượng, cho 5 đức tính tốt của người quân tử (đã nêu). Chú gà trống măng tơ được khắc vẽ vừa chạy, vừa kêu cục tác, trông no nê, tràn đầy sức sống. Đuôi chú tủa ra như đám cỏ hoa trước gió; cánh chú xòe nhẹ với hàng lông đẹp tựa lưỡi kiếm; đầu ức đầy đặn, sung mãn. Chỉ một mình gà song tràn ngập sức sống, chuyển động.

Kết quả hình ảnh cho tranh gà dân gian đong ho

- Tranh "Gà dạ xướng" có dòng chữ: Ngũ canh hòa dạ xướng (5 canh con gà gáy đúng thời khắc) biểu hiện tiếng gà năm canh, dù nắng mưa hay giá rét không bao giờ sai, là tiếng báo cho cộng đồng thức dậy làm ăn.

Kết quả hình ảnh cho tranh gà dân gian đong ho

- Tranh "Chọi gà": chọi gà trở thành thú vui dân gian từ lâu đời, không chỉ trong ngày hội, mà còn thông thường hằng ngày của dân ta. Ý nghĩa chiều sâu xa, ngày xưa trò chơi chọi gà vừa mang tính giải trí, vừa là một hình thức thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc.

Kết quả hình ảnh cho tranh dân gian về con gà

- Tranh "Vinh hoa – Phú quý":
- Bức tranh "Em bé ôm gà": (có đề chữ "Vinh hoa"), thể hiện sự khỏe cái mạnh của em bé ở da thịt nở nang, hồng hào, hình dáng đầy đặn mà còn ở cách ôm gà của em bé. Tay này, bé đè chặt con gà vai nổi cao, cánh tay đưa thẳng xuống, tay kia giữ cái ức con vật kéo lại. Thân hình em bé hơi vặn theo chiều của con gà đang cố trườn lên phía trước, tìm cách thoát thân. Đầu gà ngẩng cao, mắt sáng lên, hai chân dạng mạnh đạp xuống đất, đuôi chổng lên... song hoàn toàn bất lực trước sức mạnh và sự chủ động của em bé.
- Bức tranh "Em bé ôm vịt": (có đề chữ "Phú quý"), cũng tương tự bức tranh "Em bé ôm gà". Ở đây nói thêm, khi vẽ gà thì vẽ kèm hoa cúc, vẽ vịt thì kèm hoa sen theo kiểu: "cúc kê, liên áp". Điều đó cũng xuất phát từ đòi thường: gà thường kiếm mồi quanh bụi cây khóm cúc trong vườn, còn vịt thì bơi lội kiếm ăn dưới ao muống hồ sen, do vậy mà có hình tượng trên.
"Vinh hoa" và "Phú quý" là 2 bức tranh nói lên ý nghĩa ước ao: khỏe mạnh, giàu sang, hạnh phúc muôn đời của nhân dân ta; treo 2 bức này trong nhà ngày tết thì không gì đẹp và ý nghĩa hơn.

Kết quả hình ảnh cho con ga tranh dong ho

Tranh dân gian Đông Hồ Phòng khách Phú Quý

Đình Hy


No comments: