Tác giả Hoàng Đằng
“DẠY THÊM, HỌC
THÊM". CHUYỆN SAO NÓI MÃI!
Cứ đến mùa khai giảng, chuyện “học thêm - dạy thêm” lại rộ lên
trong các nghị trường – quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp -, trên báo chí với
cách nhìn tiêu cực. Nghĩ cũng nực cười!
Vì sao vậy? Vi phạm luật pháp ư! Vi phạm đạo đức ư!
Dù tuổi đã cao, lại không dính líu gì đã lâu với nghề dạy học,
rảnh rỗi, tò mò, tôi cũng muốn phân tích “rõ” chuyện này – “rõ” là theo sự hiểu
biết của tôi. Mời các bạn xem nhé!
Do xã hội quá chuộng kim tiền, ai cũng muốn giàu có để được
trọng vọng. Người đi xe đắt tiền, ở nhà cao đẹp được ngưỡng mộ hơn người đi xe
rẻ tiền, ở nhà đơn sơ; vậy nên nhà nhà, người người lo làm sao để có nhiều
tiền, bất kể phương tiện làm ra tiền chính đáng hay bất chính. Nhà nông thâm
canh đất, thầy thuốc “thâm canh” bệnh nhân, nhà buôn “thâm canh” khách mua và
hàng hóa - hàng hóa trộn giả vào thật, buôn gian bán lận; quan lại “thâm canh”
nhân dân – khó dễ trong công việc để đòi hối lộ … Vậy thì thầy cô cũng “thâm
canh” học sinh – mở lớp dạy thêm khi có thời cơ.
Mà đúng vậy, việc gì cũng cần gặp thời cơ thì mới có kết quả.
Trước đây, lúc còn đói kém, chuyện “dạy thêm” có làm cũng không
có người “học thêm”. Thời ấy, mức thu nhập hầu hết các gia đình thấp, phải dành
ưu tiên cho những chi tiêu thiết yếu; ngân khoản đâu mà thuê thầy dạy thêm! Học
sinh, ngoài việc học ở trường, phải phụ giúp gia đình kiếm thêm thu nhập “sáng
đi trường, chiều lại theo trâu” (thơ Tố Hữu), thế thì còn thời gian đâu để đi
học thêm! Hơn nữa, kinh nghiệm rành rành là người có học cao ra đời làm những
công việc bằng trí óc được trả lương “bèo” hơn những người ít học làm
những công việc bằng chân tay. Việc học không quý, thì đi học bình thường còn
chưa thấy thích thú, huống hồ học thêm!
Mấy năm trở lại đây, kinh tế từng gia đình, nói chung, khá lên.
Nhiều công việc đòi hỏi trình độ học vấn cạnh tranh khi tuyển dụng. Nhiều bậc
cha mẹ muốn con cái mình học tập tốt để khi ra đời có công việc tốt. Và nhu cầu
học thêm bắt đầu có.
Lại thêm, đời sống quá thiên về vật chất khiến người ta đua đòi,
luôn muốn trội hơn người để khoe khoang; gặp nhau, người ta khoe đủ chuyện –
khoe nhà mới xây đẹp hơn, xe mới sắm đắt giá hơn, lương mới tăng nhiều hơn, lẽ
dĩ nhiên, không quên khoe con xếp hạng “giỏi” – hơn những học sinh khác - ở
lớp, ở trường. Từ đó, nhu cầu “học thêm” phát triển, việc “dạy thêm” sinh sôi
nảy nở. Đó là dấu hiệu bề ngoài của một xã hội hiếu học; đáng mừng! Học ngày
chưa đủ tranh thủ học đêm, dạy ngày chưa đủ tranh thủ dạy đêm.
Khổ nỗi là việc học thêm tràn lan gây phiền hà khiến nhiều người
nhìn việc ấy theo hướng tiêu cực.
Hãy xem! Trong các môn học, có môn rất cần học thêm, có môn
không cần học thêm hoặc ít cần mà học sinh lại phải đi học môn này ở thầy này
rồi học tiếp môn kia với cô nọ. Học sinh trong độ tuổi phát triển toàn diện cần
sự cân bằng giữa học và chơi, vậy mà chúng không còn thời gian chơi đùa giải
trí để phát triển thể chất và tâm hồn, đến nỗi có em trông yếu đuối về thể
chất, biến dạng về hình hài, trí óc thụ động, chậm chạp trong suy nghĩ khiến
sức sáng tạo thui chột.
Năng khiếu truyền đạt, kiến thức chuyên môn, môn học muốn dạy
của thầy cô dạy thêm không như nhau dẫn đến lớp dạy thêm của thầy này thu hút
nhiều học sinh, lớp dạy thêm của cô kia ít hay thậm chí không có học sinh; rồi
còn những thầy cô chuyển qua làm việc văn phòng không dạy thêm được. Từ đó, sự
chênh lệch mức thu nhập giữa các thầy cô tạo ra sự so bì, có khi dẫn đến sự
khiếu nại ngấm ngầm hay công khai.
Một số thầy cô mở lớp dạy thêm không thu hút được học sinh, bày
ra cách o ép học sinh phải học thêm với mình, có học thêm với mình mới được
điểm cao, xếp loại giỏi ở lớp. Các thầy cô này làm cho nghề dạy học biến thành
nghề trấn lột học sinh. Do đó, dư luận xem trường học như một nơi thầy hành hạ
trò, thầy bóc lột trò, chứ không phải nơi giáo dục!
Ngoài ra, sự học thêm tràn lan khiến phụ huynh học sinh phải trả
một ngân khoản lớn; mất tiền sinh ra bất mãn, họ than phiền tạo ra dư luận
không hay, rối tai các cấp có thẩm quyền.
Tuy nhiên, “dạy thêm – học thêm” cần nhìn theo chiều hướng tích
cực.
Trong xã hội hiện tại, phần đông người lao động phải làm thêm
giờ, thêm việc mới đủ trang trải nhiều chi phí cho cuộc sống nặng thói đua đòi.
Thầy cô cũng vậy. Trước đây, trong thời kinh tế khó khăn, để tồn tại, ngoài lên
lớp, thầy cô ở nông thôn phải làm thêm ruộng, chăn nuôi gia cầm gia súc, mò
đam, bắt ốc; ở thành thị, phải buôn bán lặt vặt, chạy xe ôm, thậm chí ghi số
đề, chủ hụi … Bây giờ, đời sống xã hội khá lên, xã hội có nhu cầu học thêm,
thầy cô dạy thêm là đáp ứng nhu cầu ấy một cách chính đáng, hợp lý; chả lẽ việc
đáp ứng nhu cầu ấy lại dành cho những người không được đào tạo sư phạm, không
có kiến thức chuyên môn chuẩn!
Thầy cô dạy thêm tức là thêm cơ hội trau dồi nghề nghiệp.
Giá như họ chọn một việc làm thêm khác mà hình thức và nội dung trái ngược với
nghề dạy học, thì việc ấy không những bào mòn tay nghề, có khi còn đánh mất tư
cách và thiên chức nhà giáo, đánh mất sự kính trọng từ cộng đồng.
Mức phổ cập giáo dục hiện nay cao; Việt Nam đã qua
giai đoạn phổ cập trung học cơ sở từ năm 2010. Nhà nhà có trẻ đi học; do chỉ số
thông minh (IQ) mỗi trẻ mỗi khác, nội dung nhiều môn học ở lớp càng cao càng tế
vi; nhiều điều thầy cô nói một lần học sinh này đã hiểu mà 10 lần học sinh kia
chưa hiểu. “Dạy thêm – học thêm” là cơ hội để những học sinh chậm tiếp thu thấu
hiểu vấn đề hôm nay để bước vào vấn đề mới ngày mai; không “dạy thêm – học
thêm”, số học sinh mất căn bản trong lớp sẽ càng ngày càng nhiều, việc dạy,
việc học chính khóa sẽ không có hiệu quả.
Xã hội bây giờ ít có những sinh hoạt vừa vui chơi vừa học làm
người cho trẻ. Đoàn thanh niên, đội thiếu nhi, hướng đạo, các tôn giáo … đều
hoạt động yếu hoặc không hoạt động trong lãnh vực này. Trẻ phần lớn lại không
được phụ huynh chăm nom, hướng dẫn, quy định giờ học, giờ chơi, giờ giúp việc
gia đình … Các em rảnh rỗi chúi đầu vào trò chơi điện tử mà chưa phân biệt được
trò chơi nào là tốt, trò chơi nào là xấu; đa số các em thường thích những trò
chơi mang tính bạo động, thậm chí có em rảnh rỗi giao tiếp với bạn xấu, bị đưa
đẩỷ sa ngã vào nghiện ngập ma túy. Như thế, “dạy thêm – học thêm” cần có như
một sinh hoạt để choán hết thì giờ nhàn rỗi của trẻ, xem như phương cách bù
những lỗ hỏng giáo dục mà đáng lẽ gia đình và xã hội phải lấp đầy.
Đã rõ “dạy thêm – học thêm”, nếu làm đúng, có ích, lại không vi
phạm pháp luật, không vi phạm đạo đức thì đáng nên khuyến khích, không có chi
phải cấm đoán.
Những ai lợi dụng việc “dạy thêm – học thêm” để “trấn lột” học
sinh bằng cách ép học sinh phải đi học thêm với mình hoặc lấy thù lao quá cao
thì chính quyền phải công minh xem xét mà “sờ gáy” uốn nắn.
Còn phụ huynh học sinh và học sinh nên suy nghĩ kỹ cần học thêm
những môn gì, chứ không phải học thêm những môn không cần thiết, để rồi tốn
tiền nhiều dẫn đến than phiền việc “dạy thêm – học thêm” một cách vô ý thức.
Nên nhớ rằng những thầy cô dạy thêm mà được đông học sinh mến
phục là những người có tài; tài năng cao thì tài lộc cao; chuyện chính đáng
thôi!
Không biết trên thế giới có nước nào nói hoài, nói mãi việc “dạy
thêm – học thêm” như nước ta không? Mong rằng từ nay về sau đừng đem chuyện
“dạy thêm – học thêm” ra nói nữa! Vừa tội nghiệp vừa ôốc dôộc!
Hoàng Đằng
20/9/2016 (20/8/Bính Thân)
No comments:
Post a Comment