Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, February 27, 2016

Châu Thạch - Đọc NGỰA VỀ GIỮA CHỐN BỤI MÙ, thơ Thế Lộc

Thế Lộc



Đọc NGỰA VỀ GIỮA CHỐN BỤI MÙ, thơ Thế Lộc
                                            Châu Thạch

      Chúng ta, những ai yêu thơ, chắc chắn đã từng đọc hàng chục, hàng trăm bài thơ khóc cho sanh ly tử biệt, khóc cho người thân đã thành người quá cố. Trong những bài thơ đó có rất nhiều bài thơ hay, làm cho ta rơi lệ, nhưng khó tìm đâu ra một bài thơ làm cho ta vơi bớt đi bi luỵ trong lòng, đem đến cho ta niềm hy vọng một viễn cảnh tốt đẹp của người thân ở thế giới bên kia. Bài thơ “Ngựa về giữa chốn bụi mù’ của Thế Lộc mô tả hình ảnh người về thế giới bên kia như con ngựa quay về giữa chốn bụi mù là một tứ thơ độc đáo, diễn tả một ý thơ mới mẽ và mang vẽ đẹp tuyệt vời:

NGỰA VỀ GIỮA CHỐN BỤI MÙ
(Cho Dương Thế Kinh Luân)

Ngựa đã về chốn an nhiên
Hí vang rừng núi cửa thiền rộng thênh
Miên trường, sinh diệt mông mênh
Yên cương hạnh ngộ bồng bềnh thiên thu
Ngựa về giữa chốn bụi mù
Mưa tâm đã tình, nghìn thu rạng ngời
Nhịp chuông ai thả chơi vơi
Ngựa thiên cổ đã vể trời vãng sinh
                                     21.2.1016
                                      Thế Lộc

     Hình ảnh con ngựa dựng bờm tung vó phi nước đại khiến bụi mù tung lên cả một vùng là hình tượng oai phong, dũng mảnh và hùng tráng đã trở thành thông lệ cho bút pháp tranh ngựa từ ngàn xưa cho đến ngàn sau. Thế Lộc dùng hình ảnh nầy để miêu tả linh hồn con trai của mình đi về thế giới ngàn thu là một tư duy cách mạng, phá bỏ những câu thơ ai điếu bi luỵ từ xưa đến nay nhưng vẫn bày tỏ được không những tình yêu vô bờ bến của một người cha đối với con mình, mà còn tôn vinh được hào khí của linh hồn con trai đi vào nơi vinh hiển. Cái hào khí nầy, cái phong độ nầy chắc chắn là hình ảnh tươi thắm khi con nhà thơ còn sống trên trần đời.

     Ta hãy phân tích hai câu thơ ở vế mở đầu:

Ngựa đã về chốn an nhiên
Hí vang rừng núi cửa thiền rộng thênh

     Ngựa mà về chốn “an nhiên” tức nhiên là chỗ có đồng cỏ xanh tươi,  mé nước bình tịnh để an nghĩ nơi đây. Ngựa về chốn “an nhiên” mà “hí vang rừng núi” là ngựa vui mừng khôn tả. Nơi ngựa về vừa là chốn “an nhiên” vừa là “cửa thiền” thì không đâu khác hơn là cõi Niết Bàn. Tôi không biết cõi Niết Bàn đẹp ra sao nhưng tôi nghĩ chắc nó cũng như cõi Thiên Đàng mà thôi, vì hai nơi nầy đều toàn thiện toàn mỹ như nhau. Theo kinh Thánh sách Khải Huyền thì ở đó thành bằng vàng ròng, tường bằng ngọc quý, có dòng sông mà hai bên bờ là cây sự sống, lá cây dùng để chửa bệnh cho muôn dân. Ở đó sự nguyền rủa không còn nữa, đêm không còn nữa. Người ta sẽ đem vinh quang và vinh dự các dân tộc vào đó. Những gì ô uế, những người làm điều kinh tởm, giả dối không vào đó được. Sẽ không còn tang chế, khóc lóc hay đau khổ, vì những điều ấy đã qua rồi.

      Con người thường dùng các chữ “phiêu diêu cực lạc” để chỉ linh hồn đi vào nơi giống như trong Kinh Thánh khải thị. Chữ “phiêu diêu” khiến ta liên nghĩ đến linh hồn con người như một cái lông nhẹ nhàng bay vào đất mới. Con người còn hay dùng chữ “siêu thoát” về miền cực lạc. Chữ “siêu thoát” khiến ta liên tưởng linh hồn giống như một tia chớp xẹt vào chốn an vui. Những chữ nầy làm cho linh hồn con người có hình ảnh quá mong manh và yếu đuối. Một chiếc lông, một tia chớp dầu nó đến nơi bình an thì cũng chỉ là sự quay về một cách vẳng lặng và hẩm hiu, mang hình ảnh buồn thảm vì đã thất bại trước bao nỗi đoạ đày nơi trần thế, nay thất thểu quay về miền an tịnh mà thôi.

     Thế Lộc không thế, nhà thơ diễn tả linh hồn con người về cõi Niết Bàn như con ngựa tung vó hí vang mang tin mừng chiến thắng trở về. Chiến thắng gì? chiến thắng trong trận chiến dưới trần ai. Làm tròn trách nhiệm và sứ mạng thiêng liêng của mình nơi có nhiều gian nan và thử thách. Như thế hai câu thơ đầu đã vẽ nên một bức tranh sống động. Hình ảnh con ngựa giữa cảnh rừng núi hùng vĩ nhưng yên tịnh làm mờ đi sự chết, dựng lại sự sống đầy sinh lực của linh hồn nơi cõi mới, an lòng người thân biết bao nhiêu.

Hai câu lục bát tiếp theo của bài thơ diễn tả sự đoàn tụ chứ không phải là tiếng khóc chia ly:

Miên trường, sinh diệt mông mênh
Yên cương hạnh ngộ bồng bềnh thiên thu

      
"Miên trường” là gì? Hai chữ nầy lấy trong thơ Bùi Giáng: “Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau”. Chưa ai giải thích được “miên Trường” là gì. Có người cho miên trường là vô tận, có người cho miên trường là giấc ngũ dài, có người cho miên trường là môt vùng cô liêu rộng lớn. Gộp ba ý nầy lại, cọng với chữ “sinh diệt mông mênh” của Thế Lộc ta có thể giải nghĩa ý thơ của câu “Miên trường, sinh diệt mông mênh” là chỉ một cõi vô tận có sinh và có diệt, là thế giới mông mênh chứa đựng bánh xe luân hồi của Phật giáo. Cõi miên trường đó không còn là chốn  của ngựa nữa,  vì ngựa đã “Yên cương hạnh ngộ bồng bềnh thiên thu” nghĩa là ngựa đã vinh hạnh gặp nơi ngàn thu. Nơi ngàn thu đó có thể là sự bồng bềnh ở chốn cực lạc hoặc là nơi linh hồn bồng bềnh phiêu diêu miền cực lạc. Dầu hiểu thế nào thì hai câu thơ cũng nói lên linh hồn đã thoát vòng cương toả của bánh xe luân hồi để về miền thiên quốc.

Hai câu thơ kế tiếp nhà thơ muốn nói lên sự đạt đạo của linh hồn:

Ngựa về giữa chốn bụi mù
Mưa tâm đã tịnh, nghìn thu rạng ngời

     “Mưa” thì có gió, có sấm có sét biểu hiện cho mọi biến động của linh hồn. Những biến động đó sinh ra mọi đau khổ, làm ra sinh lão bệnh tử, và cái khổ đế đó kẹp cứng linh hồn trong bánh xe luân hồi đời đời kiếp kiếp. “Ngựa về chốn bụi mù” trong tâm trạng “Mưa tâm đã tịnh” nghĩa là tâm hồn đã khống chế được cái ta xao động, cái ta bay nhảy, cái ta tội lỗi đã dìm linh hồn lâu nay không thấy được sự “rạng ngời” của đạo. Bây giờ tâm đã định, linh hồn con người chiến thắng tội lỗi, như con ngựa hí vang, thoát cõi miên trường sinh diệt, về chốn rạng ngời đạo pháp, chốn bồng lai tiên cảnh. Hai câu thơ nầy đưa ra hai bức tranh khác biệt, một bức náo nhiệt với hình ảnh ngựa quay về trong bụi mù, một bức  ngựa bình tịnh an vui. Cả hai bức tranh vừa động vừa tỉnh làm người đọc cảm nhận tất cả sự háo hức, niềm vui tràn ngập khi linh hồn thoát ra khỏi trần gian về nơi mình mong muốn.

     Hai câu chót của bài thơ là tiếng nhạc đưa đường:

Nhịp chuông ai thả chơi vơi
Ngựa thiên cổ đã về trời vãng sinh

Nhịp chuông hay là nhạc chuông cũng vậy, nó đều mang ý nghĩa của sự nguyện cầu nơi trần thế, nó đều mang ý nghĩa của tiếng buồn vọng lên thinh không. Đây là nỗi lòng của người ở lại. đây là tiếng khóc chia ly. Nếu bài thơ chỉ nói niềm vui của người đi mà không nói đến nỗi buồn trong cảnh ly biệt thì bài thơ không thật. Cái đau của Thế Lộc cũng vô cùng được diễn tả trong câu “Nhịp chuông ai thả chơi vơi”, nhưng nỗi đau đó không là nỗi đau tuyệt vọng. Nó mang niềm hy vọng tuyệt đẹp trong câu thơ “Ngựa thiên cổ đã về trời vãng sanh”. “ Ngựa thiên cổ” là con ngựa nghìn năm trước, ý nói linh hồn đã đi qua ngàn kiếp trong tục luỵ, nay đã cởi bỏ kiếp thồ để về nước trời vĩnh viễn.

     Thơ Thế lộc  thường mang đầy tâm trạng. Cuộc đời bất đắc chí, những người thân ra đi đem đến cho nhà thơ rất nhiều ưu tư, dằn vặt và nỗi ưu tư đó anh đem vào thơ lúc nào cũng buồn thắm thiết. Riêng bài thơ nầy, nỗi buồn chẳng phải là không sâu, nhưng cái tư duy đổi mới làm cho hình ảnh người ra đi cao đẹp làm sao, hùng tráng làm sao  và khiến cho tâm trạng người ở lại cũng vơi đi đau khổ khi nhìn qua bên kia thế giới cũng thấy có niềm vui ./.

                                                                                   Châu Thạch


No comments: