Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, January 27, 2016

KHỈ TRONG THƠ VĂN - Trần Ngọc Hưởng




Trần Ngọc Hưởng

Khỉ Trong Thơ Văn

Tản mạn


Wikipedia Tiếng Việt viết về hình tượng con khỉ trong văn hóa như sau:

Trong văn hóa đại chúng và trong hư cấu, hình ảnh con khỉ cũng có một vị trí nhất định. Trong 12 con giáp, Thân là con Khỉ đứng hạng thứ 9 của 12 con vật trong Thập Nhị Địa Chi.[1] Loài Khỉ có đặc tính giống loài người, thuộc loài có vú, sanh con, thường ở trong rừng, ưa nhảy nhót, đu chuyền từ cây này sang cây khác, sống từng đoàn, thông minh hơn các thú vật khác, cho nên thường bắt chước loài người. Khỉ đi vào đời sống văn hóa người châu Á qua năm thân, tháng thân, ngày thân, giờ thân. Trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam, khỉ cũng được người đời nhắc đến.  Ở Nam Bộ, chiếc cầu tre bắc qua kênh rạch ở vùng sông nước được gọi là cầu khỉ

Cũng ở Nam bô, tiếng địa phương gọi khỉ là mai. Hang Mai là hang khỉ:
Tháng ba cơm gói ra Hòn,
Muốn ăn trứng nhạn phải lòn Hang Mai.
(Ca dao)

Nhà văn Phi Vân tác giả tập phóng sự đồng quê nổi tiếng từng doạt giải thưởng hội Khuyến Học Cần Thơ năm 1943, tựa là Đồng Quê đã viết:

" Kinh Hang Mai ở làng Khánh Lâm, Cà Mau, bắt đầu từ kinh Biện Nhi trổ ra Tiểu Dừa. ( ... ) Ở hai bên bờ người ta có thể gặp những con trúc, rái, kỳ đà, chồn, ong mật và vô số cá " và khỉ dĩ nhiên.


Dân gian ta thường nói Khỉ ho cò gáy để chỉ nơi hoang vắng hẻo lánh xa xôi khô cằn sỏi đá khó thể mưu sinh hay tạo dựng sự nghiệp.

Nói “Mặt nhăn như khỉ ăn ớt” hay Nhăn nhó như khỉ ăn gừng để chỉ người đang khổ tâm, khó chịu đau buồn quạu quọ.

Nói “ Rung cảy nhát khỉ “để chỉ sự  hăm he hù dọa không đạt đươc hiệu quả gì, chẳng đi đến đâu cả. Bởi vì gặp người khỉ tót lên ngọn cây, dưới gốc cây người có hù dọa rung cây khỉ bám chặt vào cây không bị sao cả.

Hay nói “ Nuôi ăn tay áo, nuôi khỉ dòm nhà “ để chỉ những việc không nên làm . Vì khỉ là con vật nghịch ngợm phá phách, nuôi nó như nuôi người xấu kẻ gian trong nhà thật là bất lợi.

Chuột chù chê khỉ rằng hôi
Khỉ lại trả lời: cả họ mày thơm?

Khi chê bai dè bỉu ai điều gí đều phải cẩn thận coi chừng chính mình có mắc phải điều đáng bị phê phán đó không?


Tương cận hay cùng tộc với khỉ là vượn. Người ta hay nói Hứa hươu hứa vượn để chỉ hứa cho qua chuyện chẳng đáng tin vì hươu hay vượn là những con vật thoắt hiện thoắt mất, khi có khi không.

Má ơi, đừng gả con xa
Chim kêu, vượn hú biết nhà má đâu?!

Câu ca dao là tâm sự cô gái mới lớn không muốn rời xa cha mẹ lập mái ấm riêng nơi góc biển chân trời xa vợi.

Chim kêu, vượn hú chỉ nơi hoang vắng.

Khỉ ho cò gáy cuối đất cùng trời.


Vượn lìa cây có ngày vượn rũ
 Anh xa nàng mặt ủ mày chau!

Câu ca dao này diễn tả tình yêu lứa đôi khăng khít thắm thiết keo sơn nên khi chia xa mỗi người mỗi ngả thì  chàng trai ủ rũ mặt mày như vượn phải lìa cây hay chim phải xa rừng.

Mồ hôi gió đượm
Thiếp thương chồng thiếp phải chạy theo
Con ơi, mẹ dắt lên đèo
Chim kèu bên nọ, vượn trèo bên kia!

Câu này diễn tả tình cảm của người vợ thương chồng băng đèo vượt núi bất kể khó nhọc gian truân đường xa trắc trở.

Đó là khỉ trong ca dao tục ngữ.

Còn trong thơ?

Từ đời nhà Trần, thiền sư Huyền Quang  (1254-1334) đã nhắc tới vượn con vật cùng họ với khỉ trong bài phú tả cảnh chùa Hoa Yên núi Yên Tử:

 Chim óc (=gọi) bạn, cắn hoa nâng cúng
Vượn bồng con, cời cửa nghe kinh

Hay Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370)  tả cảnh chùa Long Động cũng núi Yên Tử:

Tựa tháp không lời ...  sư ngắm núi
Cách rừng u hận, vượn gào trăng

Nguyễn Trãi (1374-1442)  cũng vậy, đã phác họa lại cảnh nhà minh:

Cửa song giãi xâm hơi nắng
Tiếng vượn vang kêu cách non

Ông cũng nói:

Thề cùng viên hạc trong hai ấy
Thấy có ai han chớ đãi đằng

Viên hạc là vượn hạc hai con vật biểu trưng cho tâm hồn quân tử bạn thân của kẻ tu hành người ẩn dật thời xưa.

Han là từ cổ là hỏi han.

Ý nhà thơ nói đừng vì thấy người ta hỏi han mà mình thiết tha với những mối quan hệ xã hội buộc ràng.

Đó là văn học cổ điển.

Sang thơ ca hiện đại, ta bắt gặp tiếng vươn lâm tuyền trong thơ Đinh Hùng với cảnh núi rừng Việt bắc những năn bốn mươi:

Ta mê tiếng vượn sầu muôn kiếp
Chim núi cầm canh, hoẵng gọi bầy
( ...)
Rồi những đêm sâu, bỗng hiện về
Vượn lâm tuyền khóc rợn trăng khuya
( ...)

Trải sông nước vượt qua từng châu thổ
Ta đến đây nghe vượn núi kêu sầu.

Gần hơn là thơ Bùi Giáng, ông hay nói đến Đười ươi , con vật cùng họ nhà khỉ và có khi tự xưng mình là Đười ươi thi sĩ. Nhà phê bình Đặng Tiến cho rằng: Đười ươi ở đây, là hoài vọng con người tiền sử, tâm hồn "dã nhân " chưa tiêm nhiễm tập tục, lề luật và thành kiến :

Đi về giũ áo đười ươi
Đăm chiêu khách địa từ người tặng ta
( ...)

Ấy là thơ thuở chưa điên
Ở trong dấu ngoặc quàng xiêng reo cười
Bây giờ xoang điệu đười ươi
Diệu hoa lầu các ngậm ngùi dấn thân

Có thể nói trong văn học, con khỉ là hình tương khá quen thuộc. Người đọc có thể thấy Tề Thiên Đại Thánh trong “Tây Du ký”, sự tích con khỉ…. trong truyện cổ. Con khỉ là cầm tinh người tuổi thân. Nhiều người tin rằng  Người sinh tuổi khỉ (tuổi thân) thường có nhiều năng lực, thuộc trong 4bốn tuổi tứ sinh Dần, Thân, Tỵ, Hợi. Những người nằm trong nhóm tuổi này thường có sức mạnh đặc biệt không về thể xác thì cũng về tinh thần nên năng động hoạt bát, và là một trong những con giáp có số đào hoa bậc nhất. 

Năm mới này, năm Bính Thân 2016, mong sẽ là năm của sự thành đạt về tài chính, mang lại nhiều vận may và sức khỏe cho tất cả mọi người chứ không riêng gì cho những người tuổi thân vì đây chính là năm của con khỉ nhanh nhẹn thông minh có tiếng xưa nay ai cũng biết và tin như vậy.
                                  
                                                                TNH










 
 























No comments: