NÉT ĐẸP LÀNG QUÊ -
Nguyễn Đình Nguộc
Làng quê Việt Nam mỗi gia đình thường có
hàng rào hoặc bờ tường bao quanh khu đất ở gồm nhà, bếp, sân, vườn… Từ ngõ vào
nhà thường qua cổng. Tùy theo từng miền, cổng
có thể xây bằng đá ong, gạch đỏ hoặc làm bằng gỗ, tre… Cổng không chỉ thể hiện
nét đep văn hóa, tập quán vùng, miền mà còn thể hiện khả năng kinh tế và sở
thích của gia chủ. Ở miền trung du Bắc Bộ, các nhà dân thường dùng tre, vật
liệu sẵn có tại địa phương để làm cổng. Qua cổng tre là về nhà- nơi bình yên
lưu giữ đầy ắp những kỷ niệm một thời tuổi trẻ của mỗi người. Bài thơ “Cổng
Tre” của nhà thơ Nguyễn Khôi là một
bài thơ hay, chắc được viết trong tâm trạng đó.
Bài thơ mười sáu câu lục bát, đầy hình ảnh
thân thương đưa ta về miền quê trung du Phú Thọ: “Lâu ngày, về với Cổng
Tre/ Thân thương Người đứng bên hè chờ ta/ Bóng Cau rực ánh chiều tà/ Cái mùi
khói bếp tỏa ra nồng nàn”. Những người con lớn lên từ quê hương ra đi
lập nghiệp trên mọi miền Đất Nước lâu lâu mới có dịp về quê, “về với Cổng
Tre” , với ngôi nhà thân yêu và những người ruột thịt của mình. “Cổng
tre” vẫn đứng đó như người thân đang chờ đợi ta về. Tác giả thật giàu
cảm xúc khi liên tưởng “Cổng Tre” như người Mẹ thân thương
đang “đứng bên hè chờ ta”, đứa con đi xa đã trở về nhà. Vẫn ngôi nhà
xưa, vẫn cây cau ấy sao chiều nay bỗng đẹp rực rỡ lạ thường? Và, “cái
mùi khói bếp tỏa ra” chiều nay sao nồng nàn đến vậy? Phải chăng vì
niềm vui của người con xa quê “lâu ngày” mới trở về nên đã cảm
nhận được tình Người trong mỗi vật quanh nhà mà thường ngày chưa hẳn nhận ra?
Tôi bỗng nhớ câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi
đi xa đất bỗng hóa tâm hồn. Bởi thế, mỗi khi có dịp, “Người yêu quê” trở về
thăm nhà để được sống lại những kỷ niệm êm đềm của một thời tươi trẻ.
“Lại về tựa gốc Ngọc Lan/ Soi vào chum nước thấy ngàn mây
trôi/ Kìa ai nón trắng bên trời/ Đi ngang đồi Cọ để rồi biệt tăm/ Lại về ra giếng rửa
chân/ Ngồi lên cái bệ đá Ong mơ màng”. Tác giả dùng điệp từ “Lại về” để
nhớ rằng về thăm quê không chỉ một lần. Mỗi lần về quê lại tăng thêm những kỷ
niệm ngọt ngào. Khi “đi ngang đồi Cọ” lại tơ tưởng đến người“nón
trắng” ngày xưa ấy, nay như “bóng chim, tăm cá”… để lòng ai thêm xao
xuyến, bồi hồi. Mỗi lần về quê, được sống giữa những người thân, cảnh sắc thiên
nhiên tươi đẹp, bình yên sẽ giúp ta nạp thêm năng lượng mới, tiếp thêm sức mạnh
vươn lên phía trước. Những kỷ niệm hồn nhiên của một thời thơ trẻ được sống
lại, giản dị tưởng như rất đỗi bình thường: ”tựa gốc Ngọc Lan”, “soi vào
chum nước”, “ra giếng rửa chân”, “ngồi lên cái bệ đá Ong”… đã cho ta
hạnh phúc được là chính mình của những ngày xưa ấy. Trong bộn bề công việc mưu
sinh, dưới áp lực của bao công việc, về quê giúp ta tạm thời quên đi tất cả,
được sống những phút giây bình yên. Thật quý giá và hạnh phúc biết bao! Với
những người xa quê, hình ảnh lũy tre làng thân thuộc luôn đi vào nỗi nhớ khôn
nguôi.
“Kể từ xa lũy tre làng/ Thực mơ… thấm thoát mười năm não
nề/ Chen chân Phố thị… thèm về/ Thênh thênh ngõ rộng, chân đê… bồi hồi”. Mười năm xa quê chưa phải là dài so với
một đời người. Được sống nơi “Phố thị” với những tiện nghi
hiện đại, cơ sở vật chất chắc chắn hơn hẳn ở quê nhà. Nhưng đô thị đông người,
sống “chen chân”, chật hẹp sao bằng “thênh thênh ngõ rộng, chân
đê…” như ở quê nhà? Biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng. Những
người sinh sống ở quê nhà thì mơ ước ra thành phố mong được “đổi đời” dẫu biết
rằng sẽ phải làm việc cật lực. Những người đang sống ở “Phố thị” lại “thèm
về” sống ở thôn quê thanh bình với nhịp sống chậm rãi, bình yên, đầy
tình nghĩa họ hàng, làng xóm “tắt lửa, tối đèn có nhau”… Vì lẽ đó, “kể
từ xa lũy tre làng” mười năm mà cuộc sống luôn thực thực, mơ mơ… dùng
dằng giữa ở nơi phố thị hay về với quê nhà.
Hai câu cuối thật bất ngờ với sự ví von
hiếm thấy: “Cổng Tre nào khác cổng Trời/ Đưa ta vào XỨ CON NGƯỜI mát
xanh”. Qua “cổng Tre” mà ngỡ như được qua “cổng
Trời”bước vào xứ sở của Thần Tiên? Câu kết của bài thơ cũng là câu trả lời
nhưng thật tài tình, hay đến bất ngờ “Đưa
ta vào XỨ CON NGƯỜI mát xanh”. Ước mơ thật bình dị nhưng cũng rất Nhân
Văn!
Hà Nội, mùa Hoa Phượng 2015
TS.Nguyễn Đình Nguộc
CỔNG TRE
Lâu ngày, về với Cổng Tre
Thân thương Người đứng bên hè chờ ta
Bóng Cau rực ánh chiều tà
Cái mùi khói bếp tỏa ra nồng nàn.
Lại về tựa gốc Ngọc Lan
Soi vào chum nước thấy ngàn mây trôi
Kìa ai nón trắng bên trời
Đi ngang đồi Cọ để rồi biệt tăm.
Lại về ra giếng rửa chân
Ngồi lên cái bệ đá Ong mơ màng
Kể từ xa lũy tre làng
Thực / mơ… thấm thoát mười năm não nề.
Chen chân Phố thị… thèm về
Thênh thênh ngõ rộng, chân đê… bồi hồi
Cổng Tre nào khác cổng Trời
Đưa ta vào XỨ CON NGƯỜI mát xanh.
Hạ Giáp, Hạ Trì, Phú Thọ 14/5/2015
Tác giả: Nguyễn Khôi
No comments:
Post a Comment