Nữ BS. Thái Lê Phương |
BƯỚC CHÂN TRƯỜNG SƠN
Hồi ức của nữ BS. Thái Lê Phương
Ngày tiễn tôi và các bạn lên đường vào chiến trường miền Nam
(lúc đó gọi là đi B), một số bạn đã nói: “Lê Phương ơi, dừng lưng đèo để thở,
chứ không phải để nghe suối hát đâu nhé!”. Bởi ngày đó, chúng tôi còn trẻ mới
tốt nghiệp Đại học Y khoa ra trường nên lòng ai cũng đầy nhiệt huyết, ai cũng
muốn được vào Nam, được cống hiến phần sức lực nhỏ bé của mình cho sự nghiệp
giải phóng quê hương, đất nước. Vào chiến trường Trị -Thiên khi đó, nhóm chúng
tôi gồm BS Hoàng Hữu Hai, nữ BS Lê Thanh Thái, BS Nguyễn Thị Lợi, Tôi-BS.Thái
Lê Phương và em Hồ Thị Kính-Y sĩ người dân tộc Pa- cô.
Chúng tôi ra đi với đầy lòng nhiệt tình sôi nổi, háo hức và
pha chút lãng mạn. Và rồi con đường phía trước với bao chông gai thử thách...
Rời trường huấn luyện 105 ở Hòa Bình (Ngày ấy chúng tôi nói vui là trường Biệt
kích Việt Cộng), đoàn đi B chúng tôi thẳng tiến về Nam. Tăng- bo qua cầu Hàm
Rồng dưới làn bom đạn, vượt Quảng Bình đất lửa; qua phà Long Đại hiểm nguy, rồi
từ đây bắt đầu con đường Trường Sơn. Ngày hành quân, đến tối, chúng tôi được
nghỉ ở một trạm giao liên giữa rừng. Ở đó chúng tôi chặt cây, đóng cọc, dựng
tăng, mắc võng, tranh thủ lo tắm giặt, nấu ăn, rồi chuẩn bị cơm nắm và cả bi
đông nước cho ngày mai lại lên đường.
Cứ vượt qua một ngày, cái ba lô trên vai càng trĩu nặng, tôi
lại phải xem cái gì là không tối cần thiết để bỏ bớt ra. Các trang bìa dày của
sách chuyên môn cũng xé bỏ bớt, thậm chí còn cắt bỏ đi những chiếc cúc áo, chỉ
còn buộc chỉ cho nhẹ. Cứ vậy chúng tôi vượt qua đỉnh Ta -Băng, Xiê -Băng
-Hiêng, sông Sê Bôn, đèo 1001, Cổng Trời.v.v… Có lúc tôi thấy mình đang đi trên
mây, gió thổi ràn rạt, bạt cả chiếc mũ tai bèo… tôi lại nhớ đến hai câu thơ:
“Chân đạp mây may, tóc vờn gió núi” của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Dãy núi Trường
Sơn hùng vĩ, những bước chân nhỏ bé của chúng tôi đã gặp bao gian nan nhưng vẫn
luôn sẵn sàng tiến bước. Chúng tôi đi dưới những tán rừng già. Cùng với chúng
tôi đi trên con đường đó, là bộ đội, thanh niên xung phong, cán bộ, giáo viên
và nhiều nhiều người trên con đường vào chiến trường…
Là con đường bí mật như vậy, nhưng máy bay OV-10 của địch
thì cứ bay rì rầm trên các tán cây rừng để thám thính, nếu phát hiện ra chỗ nào
có dấu hiệu nghi ngờ là chúng liền oanh tạc và trút bom xuống ngay. Không khí
rừng núi trong thời chiến tranh là vô cùng căng thẳng. Cứ ngày hành quân, đêm
đến yên tĩnh, thỉnh thoảng tôi lại viết thư về nhà cho ba má tôi và những người
thân. Trên thư đều có đánh số thứ tự để ở nhà biết mà đoán là con mình đã đến
đâu, vẫn an toàn. Những bức thư của chúng tôi được theo các giao liên mà đưa ra
Bắc. Cũng có trường hợp khi ở nhà nhận được thư thì người thân đã hy sinh trước
đó rồi. Trên đường đi ngoài chuyện phải lo tránh bom đạn kẻ thù, còn phải lo
chống loài sên vắt, muỗi rừng,… thì còn một thứ cũng vô cùng đáng sợ, đó là
bệnh sốt rét.
Có một hôm, chúng tôi đang đi, thì gặp một cơn mưa rừng ào
ào đổ xuống, tôi lên cơn sốt rét. Nhiệt độ 39 độ rồi trên 39 độ, nhưng vẫn phải
gắng đi không thể dừng lại. Đến khi trước mặt xuất hiện con thác A-Cho cuồn
cuộn chảy. Thật khó lòng vượt qua!. Thế rồi giao liên và đồng đội đã đưa tôi
vượt qua suối, lại tiếp tục đi… người tôi hầm hập sốt … Đến lúc chóng mặt, chân
không còn vững nữa, tôi trượt chân lăn xuống vực. Một vực quá sâu giữa rừng
già. Lúc đó, giao liên bất lực, nghĩ rằng thế là hết, chắc sẽ nói lời vĩnh biệt
tôi. Nhưng thật là may cho tôi, cái quai ba lô của tôi đã mắc vào gốc cây cụt
và tôi được giữ lại ở đoạn dốc mà không lăn thẳng xuống vực sâu. Lúc đó tôi
nghĩ rằng mình được quý nhân phù trợ. Đồng đội và các anh giao liên đã xuống
kéo đưa tôi lên. Bác sĩ Lợi đã kịp thời lấy kéo cắt một ít tóc tại chỗ da đầu
bị rách và băng bó vết thương.
Chúng tôi lại tiếp tục đi về phía trước. Có những lúc vượt
qua những chặng đường trọng điểm bị địch đánh phá ác liệt, ở đó những cánh rừng
đã bị hủy diệt, trơ trụi cành cây tán lá. Những đoạn đường như thế, tôi cùng
mọi người phải chạy vượt qua nhanh, trong lúc hai chân đã tê dại. Đến một đoạn
đường an toàn hơn, được nghỉ lấy sức, tôi và BS Lợi ngồi dưới một bụi cây chưa
đủ che kín người, Lợi nói với tôi: “Nếu tau mà chết, đến ngày giải phóng mi nhớ
về thăm mẹ và kể với mẹ về đoạn đường mà hai đứa đã đi”. Tôi “ừ”. Nhưng nghĩ
lại rằng, trong những ngày chiến tranh gian khổ này thì biết ai còn, ai mất, mà
vào thời khắc cả nước lên đường, cả nước cùng đánh giặc thì mạng người mất còn
cũng là chuyện thường tình. Và rồi chúng tôi lại vui vẻ lên đường, vừa đi, vừa
hát… Ngày đó chúng tôi thường hát những bài ca về Trường Sơn, bài “Việt Nam
trên đường chúng ta đi”, bài “Hành quân xa”, những bài ca quen thuộc, hùng
tráng ấy đã thúc dục chúng tôi vững bước lên đường. BS.Lợi có giọng hát hay và
chúng tôi thích nhất nhưng câu như: “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi…”.
Nghe nó thúc dục, đầy khí thế để đi về phía trước, như chúng tôi đang đi để góp
những bước chân nhỏ bé của mình vào đoàn người trùng trùng, điệp điệp… trên dãy
Trường Sơn cho đến ngày toàn toàn thắng.
40 năm đã trôi qua, những ngày gian khổ hào hùng của đất
nước một thời chưa xa đã làm nên Đại thắng mùa xuân 1975 vĩ đại, đã đem lại một
đất nước hòa bình thống nhất hôm nay. Tôi và một số bạn bè của tôi giờ đây được
sống với gia đình, con cháu trong không khí hòa bình, hạnh phúc, nhưng còn một
số bạn bè tôi như Võ Thị Hương, Huỳnh Yến, Hoàng Mai v.v… và bao nhiêu người
nữa đã không trở về... Họ mãi mãi nằm lại ở tuổi thanh xuân!...
Hằng năm, vào dịp này, trong tôi luôn trào dâng một tình cảm
hạnh phúc, thương nhớ… Và đặc biệt là nhớ về những người đã cùng tôi đi qua năm
tháng đó, những người còn sống và những người đã mất… Xin được xẻ chia và tưởng
nhớ. Bởi những con đường Trường Sơn năm xưa đã in dấu những bước chân của chúng
tôi lên đường chống giặc Mỹ xâm lược.
TLP
TLP