Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, March 7, 2015

VỪA TRÔI VỪA NỞ - Nguyễn Đặng Mừng



Tác giả Nguyễn Đặng Mừng


VỪA TRÔI VỪA NỞ

Lục bình trôi và sống. Hôm nào đó bị tấp vào bờ, vài ngày không có nước là khô đi rồi chết. Lê Đăng Châm bạn chúng tôi ưa làm lục bình từ nhỏ, thích lang bạt kỳ hồ như những nhân vật trong truyện kiếm hiệp. Lục bình trôi và nở hoa, không thèm cộng sinh như phong lan. Châm tốt với mọi người, không toan tính, thậm chí nhiều khi quên cả khó khăn của của gia đình. Có khi tôi trách Châm thiếu trách nhiệm với vợ con, nhưng nghĩ lại vậy mới là Lê Đăng Châm. Vừa rồi Châm điện thoại bảo, mệt quá rồi, muốn dừng chân thôi. Không biết lục bình có chịu dừng chân chưa!

Tôi, Nguyễn Văn Trị, Lê Đăng Châm và Thái Hoàng Nguyên ngồi cùng bàn thời trung học Nguyễn Hoàng tỉnh Quảng Trị. Lạc nhau từ năm 1972, mới tìm lại được mươi năm lại đây.
Cách đây mấy năm, Nguyễn Văn Trị gọi điện báo vợ chồng Lê Đăng Châm gửi thiệp mời đám cưới cháu gái đầu Như Quý. Thấy cái thiệp để địa chỉ là thị trấn Long Xuyên, định gửi ít tiền mừng cháu thôi. Làm sao bỏ công việc đi hàng trăm cây số về đám cưới con gái bạn. Đi về mất ít nhất 3 ngày. Đang lưỡng lự thì Trị gọi điện bảo, “mi và tau phải đi. Châm cần quà cho cháu, nhưng cái nó cần hơn là tình bạn. Nó ở đó một mình không bạn bè, bà con. Liều đi một chuyến, có chi tau phụ cho”. Tôi bảo với Trị, “ tau chỉ đủ tiền xe đò và quà biếu, còn lại mi lo”. Nó nói tốt tốt, phải rứa chớ, dân cựu học sinh Nguyễn Hoàng mờ! Lạ. Cái tên trường hiện không còn, vậy mà gần nửa thế kỷ rồi, cựu học sinh nào cũng hãnh diện vì đã học ở đó.
Chuyến xe khởi hành khoảng 5 giờ sáng. Cạnh tôi có một em miền Tây lý lắc, có vẻ như đang sống ở Sài Gòn về thăm quê, sẵn sàng bắt chuyện và kể về Long Xuyên của cô ấy. Cái gì trên lý thuyết cũng hay hơn thực tế, nhất là mình đến một nơi mà được giới thiệu từ người bản xứ. Qua câu chuyện của cô gái đất Long Xuyên thật ấn tượng. Cô ấy kết câu chuyện về quê của mình bằng tiếng thở dài. Cô bảo, “đó là chuyện xưa, nghe má kể, còn chừ thì tôm cá cũng ít lắm anh à! Con gái ngày xưa dưới quê em đẹp lắm, bây giờ cũng đẹp nhưng đứa nào đẹp là “lên đường”. Một là lấy Đài Loan hai là lên Sài Gòn “học nghề, mần nghề” hết trơn”.
Đoạn đường hơn hai trăm cây số về Long Xuyên, qua Bắc Vàm Cống. Lên bờ một đoạn đã thấy Châm ra đón. Tụi mình xin Châm cho về Khách Sạn tắm rửa, xong chiều đến nhà Châm. Châm bảo phải đến ngay cho cả nhà mừng rồi lên khách sạn cũng không muộn. Ngồi trên chiếc xe lôi Châm chở lúc lắc qua nhiều hẻm, lội qua một đoạn đường ngập nước đất thì đến nhà.
Nhà Châm, đúng hơn là căn chòi tuyềnh toàng bên bờ kênh. Châm kể mùa nước nổi lên tới lút giường, dấu tích còn đóng váng trên vách ván. Châm vui lắm, la toáng lên mời cả nhà ra chào hai bác từ Sài Gòn dzìa đám cưới chị Ba. Châm lăng quăng hết ôm Trị lại ôm tôi, bảo tưởng mấy bác không về. Dzậy là vzui rồi.
Cô dâu ra chào, bảo sáng nay cháu mới dọn hàng ngoài chợ. Vì phải đủ hàng giao mối nên phải dậy từ khuya để nạo dừa. Quý đưa hai bàn tay còn đen thẩm mủ dừa, bảo không tẩy được hai bác ạ. Thôi cứ mang găng tay vào chắc không ai để ý. Trị hỏi cháu chuẩn bị xong hết chưa, cháu bảo rồi nhưng mắt đượm buồn. Trị hỏi tới, cháu thích chi thì nói, trong khả năng bác có thể giúp được. Con bé rơm rơm nước mắt thưa: “Mọi chuyện đều ổn. Nhưng cháu mơ sao có được cái xe đưa dâu đến nhà hàng như người ta”. Trị hỏi bao nhiêu tiền. Quý bảo khoảng 600.000 đ. Trị móc tiền ngay, bảo kêu gấp, kêu gấp xe để chở cháu tui đi lấy chồng. Cả nhà cười vang. Không khí nhà Châm rặt Nam bộ. Chân chất, thiệt lòng. Vậy là có xe, cô dâu cười rất trẻ thơ cùng mẹ đi trang điểm. 18 giờ đám cưới được tổ chức tại “nhà hàng” chi đó.
Chúng tôi rửa ráy qua loa rồi đi dọc đường xóm, xem sinh hoạt vùng này ra sao.
Mới chưa tới 16 giờ mà hai bên đường đất thanh niên đã soạn bàn nhậu. Có vài cây đàn gỗ cùng những câu ca nhừa nhựa khê nồng mùi rượu. Như Anh học lớp 8 dẫn chúng tôi “tham quan”. Cháu bảo, mấy anh họ buồn nên chiều nào cũng nhậu. Hỏi buồn chuyện chi. Thì buồn nhiều chuyện, như chuyện con gái xóm ni đứa mô trên mười sáu tuổi là lên thành phố, về cô nào cũng sang trọng, đẹp ra, trắng ra. Mấy anh này không chừng ở quá hết thôi bác nợ. Năm ngoái có anh nhớ người yêu lên Sài Gòn thăm, bị đánh một trận về nằm mấy tháng không đi mần ruộng nổi. Nghe kể, tôi và Trị nghĩ gia đình bạn mình còn may, còn giữ được nền nếp, dù ở nơi không biết nương tựa vào ai. Số phận bạn chúng tôi, Lê Đăng Châm và gia đình có thoát khỏi cái trò đời khắt nghiệt này không, nếu cứ khổ cực mãi thế này. Châm thì vô tư, trong lúc đôi mắt vợ buồn bã chịu đựng. Không biết còn trụ được bao năm nữa. Hai đứa đầu thất học, anh cả đi bộ đội về thất nghiệp, Quý phụ mẹ bán mua nay đã lấy chồng. Hai đứa cuối, Như Anh lớp 8, Cu Út lớp sáu có còn tiếp tục học được mấy năm…
Lê Đăng Châm vẫn như ngày xưa, ồn ào, phóng túng, thương quý và luôn bảo vệ bạn. Hồi học lớp 10C có lần Thái Hoàng Nguyên, anh chàng hiền như con gái , con Thầy Thái Mộng Hùng bị đám nào đó bắt nạt cho bỏ cái “thói học siêng ít nói”, tỏ ra “khinh người”. Châm nghe thế bèn đi gặp cho bằng được đám nào dám đụng vào lớp mình. Có lúc dám mang cả súng Carbin báng xếp vô lớp dấu dưới học bàn để đối phó với đối phương đông người hơn. Vậy là thay vì được bảo vệ, Thái Hoàng Nguyên cùng nhóm tôi phải năn nỉ mới xong. Những lần đánh lộn, Châm thường bắt con gái, nhất là B H, cô bé hiền nhất lớp phải có nhiệm vụ giữ dép, sách vở để Châm “xông trận”. Thật tình hồi đó tôi không thiện cảm với Châm mấy vì cái tính trẻ con và hiếu động. Vậy mà con gái trong lớp đứa nào cũng quý Châm, có đứa còn “cảm tình đặc biệt”.
Hè năm 72 chúng tôi chia tay đứa một đàng, không có với nhau một lời tạm biệt. Con trai phần nhiều đi lính, Châm cũng thế. Ra trường Châm chọn miền Tây, nơi đồng bằng miệt vườn ngày xưa chúng tôi từng mơ ước một lần đến. Sau mấy năm học tập cải tạo, Châm chọn lại miền Tây. Ngỡ rằng nơi vựa lúa, cá tôm đầy đồng sẽ cho mình cuộc sống tươi đẹp, ai ngờ.
Công việc của Châm không rõ tên, theo lời vợ Châm, anh đi tối ngày, lúc nào cũng có công việc nhưng tiền chẳng thấy đâu. Châm kể việc anh ta làm nhiều lắm, từ đạp xe lôi đến việc có chân trong nhóm đạo tỳ khi có đám ma. Có lúc Châm đưa người bệnh từ Long Xuyên lên Sài Gòn chữa bệnh hàng tháng, ở lại nuôi bệnh nhân như người nhà. Cũng có lần anh đi tìm hài cốt bạn chết lúc ở tù đưa về tận quê Đà Nẵng, đến cả Quảng Trị. Những lần như vậy thân nhân cũng có cho ít tiền, nhưng Châm chỉ lấy đủ tiền xe tiền ăn uống dọc đường thôi.
Tôi hỏi bé Như Anh, con có sợ ba không. Nó bảo rất sợ, yêu và kính trọng ba. Ba bảo đứa mô hư là ba giết liền, rồi ba biểu diễn vài thế võ đe dọa, cháu sợ ba lắm. Cháu mong sao học thật giỏi để tụi cháu cất được cái nhà. Con bé học lớp 8 đã có những suy nghĩ chúng tôi không ngờ.
Mấy năm trước nghe nói có hồ sơ HR gì đó, tôi có nhắn Châm đủ điều kiện không, Châm bảo giấy tờ mất hết rồi. Lại nói, thôi kệ, đời mình ri cũng được rồi, qua Mỹ biết đâu lại khổ cách khác.
Chúng tôi trở về nhà chuẩn bị đi đám cưới theo “họ nhà gái”. Ngoài chiếc xe đưa cô dâu chú rể, ai có chi đi nấy. Từ xe đạp lôi đến xe ôm xe máy. Miền quê có những điều dân thành phố phải học là họ đi đám rất đúng giờ. Cô dâu chú rể xuống xe là đã có bà con hai họ vỗ tay tán thưởng. Châm kiếm đâu ra bộ cánh cũng tươm tất, vui vẻ bắt tay mọi người. Đến đâu Châm cũng bắt chúng tôi theo, còn khoe đây là “nhà báo” và “giám đốc công ty lớn” trên Thành phố về. Bắt đầu tôi ngượng lắm, sau vài ly mới hòa đồng được. Chúng tôi được dự một đám cưới thật tưng bừng.
Khoảng 20 giờ thì tan tiệc. Trị bảo hết tiền rồi, ba giờ sáng xe chạy, thuê khách sạn chi cho tốn. Còn bao nhiêu mình về nhà lì xì cô dâu, chỉ để lại tiền xe và ăn sáng thôi.
Xóm bờ kênh về đêm vắng, nước mom mem bờ. Chúng tôi đi bộ về nhà. Điều ngạc nhiên là thấy cả cô dâu chú rể. Hỏi ra mới biết là nhà chú rể cũng chẳng hơn gì nên xin …ở rể luôn.
Vậy là trong căn nhà vài chục mét vuông, được một phòng ưu tiên cho đôi tân hôn, còn chúng tôi ngồi uống rượu và thức chờ sáng. Tôi hỏi Châm có nước tắm không, hắn bảo ra đây. Trong “phòng tắm” bằng lá dừa vây quanh, Châm múc lên từ phía dưới mấy gàu bảo, mày tắm trước rồi đến thằng Trị. Mùi nước phèn chua lét, tôi chỉ dám dội ngang cổ xuống. Châm bảo ở đây rứa hết, tất cả nước dùng, vệ sinh tắm rửa đều từ con “ kinh trời cho” này. Kể cả nước thải cũng xuống đấy nốt, thật tiện! Châm đùa giọng Bắc.

Lê Đăng châm đẩy bèo ra để có chỗ lấy nước.

Cả nhà ngồi giữa sàn. Cô dâu chú rể cũng ra ngồi chung. Còn bao nhiêu đồ lấy từ nhà hàng về bày một tô tạp xà lù tha hồ nhậu. Rượu đế làm chúng tôi thấm say. Trị đùa, “ Hôm nay có Thầy Mừng về đây, nhờ thầy coi cho cô dâu chú rể một quẻ về sự nghiệp tương lai của các cháu, xem có hanh thông không, trăm sự nhờ Thầy”. Tay Trị này đùa ác, tui có biết bói biếc chi mô, lỡ rồi đành phải ngồi thẳng dậy dù mắt mũi đã kèm nhem vì rượu.
Bàn tay cô dâu rụt rè đưa ra trước, đen xỉn mủ dừa. Tôi chỉ thấy loáng thoáng mấy đường chỉ tay không biết mô là đường tình duyên, mạng đạo tâm đạo trí đạo nữa… cũng ráng nhướng mắt lên ra chiều “thầy” lắm, rồi phán: “ Nói chung (lại nói chung) cuộc đời cháu tiền vận có khó khăn nhưng vài năm nữa sẽ hanh thông thôi. Hai đứa hạp tuổi (dù tôi không biết các cháu tuổi gì) nên lấy nhau sẽ sinh con đẻ cái…hanh thông. (Chết cha, chúc kiểu này đẻ ra nhiều lấy chi nuôi). Nhưng thôi, chỉ nên sinh một hoặc hai cháu để đủ sức nuôi con đàng hoàng hơn. Không nhớ “thầy ‘ còn nói những gì nữa mà cả nhà im lặng ra chiều xúc động. Cô dâu và chú rể đứng lên bùi ngùi cám ơn, cúi đầu chào rồi xin phép đi đâu một chút.
Tưởng hai cháu đi đâu, hóa ra chúng đi gọi bạn, là những đứa cùng trang lứa tới chật nhà để …coi bói. Tôi “làm thầy” đến sau 12 giờ đêm mới hết “khách”. Có người tôi bói sai bét khiến cả nhà cười vang, nhưng chẳng ai trách “ông thầy”.
Tôi ngẫm ra một điều, nơi đây con người nhẹ dạ, cả tin và rất dễ tha thứ. Một vùng đất mà ai đến cũng vị tình không dứt đi được. Châm, bạn chúng tôi cũng thế chăng.
Châm và Như Anh tiễn chúng tôi ra xe lúc 4 giờ sáng. Hai cha con giụi đầu vào vai chúng tôi mà khóc. Chúng tôi chỉ biết khuyên câu “đời có khúc”, như bao lời khuyên cho có, với bạn mình, một đời trôi dạt như lục bình ở đất Phương Nam này. Và cũng biết nở hoa. Tôi lại nhớ câu thơ ai đó: “Hoa vừa đi vừa nở”.


Báo Văn Nghệ Trẻ, Hội Nhà Văn số 45/ 2009.

Trích từ tập
NHỊP ĐỜI BUỒN VUI
Tác giả Nguyễn Đặng Mừng
NXB Hội Nhà Văn
2011
(Tác giả gởi tặng)

No comments: