Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, March 10, 2015

CHUYỆN KỂ CỦA NGƯỜI LÍNH TRỞ VỀ TỪ THÀNH CỔ - Ghi chép: Nguyễn Thị Sáu - Kì 2

CHUYỆN KỂ CỦA NGƯỜI LÍNH TRỞ VỀ TỪ THÀNH CỔ
Ghi chép: Nguyễn Thị Sáu

Kì 2

Tôi hy vọng ở đâu đó, cô gái tên Thắm năm xưa, nay là bà Thắm sẽ đọc được dòng tâm sự này mà liên lạc với tôi. Đó là ước nguyện lớn của tôi và cả gia đình tôi. Kính mong bạn đọc gần xa nếu biết được thông tin gì về người con gái tên Thắm năm nào hoặc một ai trong đoàn nữ dân công hoả tuyến trên dòng sông Ba Lòng - Quảng Trị thời điểm vào khoảng cuối tháng 8 năm 1972, hãy làm ơn liên lạc giùm tới địa chỉ: Nguyễn Thanh Xuân, xóm Cây Bòng, xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên; Điện thoại: 0977.846. 573. Xin trân trọng cảm ơn!

Người con gái trên dòng sông Ba Lòng

Vào một đêm cuối tháng 8 - 1972, tôi mơ hồ nghe y tá truyền lệnh cấp trên: Tình hình chiến sự và thời tiết thuận lợi nên nội trong đêm phải di chuyển toàn bộ thương binh vượt dòng sông Ba Lòng về trạm phẫu phía sau an toàn. Lúc đó toàn thân tôi còn đang bất động, chỉ có hai tay có thể cử động chút ít. Tôi nằm trên cáng thương và được đưa đi, ra tới bờ sông họ đặt tôi lên chiếc thuyền cao su, chiếc thuyền chỉ có thể chở được hai người. Tôi được bàn giao cho một nữ dân công hoả tuyến (DCHT) người Quảng Bình. Đêm đó có rất nhiều thương binh được chuyển đi như tôi, những chiếc thuyền được dàn ra mặt sông để tránh sự chú ý của địch. Dưới ánh trăng mờ, không đủ để tôi nhìn rõ mặt người con gái đẩy thuyền cho tôi, nhưng chiếc áo tối màu của cô làm nền để lộ hai cổ tay tròn trắng và thân hình khá đầy đặn, tôi nghĩ cô ấy còn rất trẻ. Vì đang làm nhiệm vụ trong vùng chiến nên cả hai chúng tôi không ai nói với ai. Tôi im lặng nằm bất động trên thuyền, toàn thân đau nhức, mê man trong cơn sốt. Chợt một giọng nữ người Quảng Bình ngân lên từ khúc sông phía dưới: “Khoan khoan hò khoan…ơ…ơ…”. Giọng ca hồn nhiên, trong trẻo làm tôi bừng tỉnh, hé mắt nhìn bầu trời, trời đêm Quảng Trị hôm nay thật trong và cao, ánh trăng thật mơ mộng và yên bình, nơi đây như chưa từng có bom đạn điên cuồng tàn phá, như chưa từng có tang tóc đau thương. Tôi mơ màng như mình đang bơi giữa chốn yên bình, có trăng sao sông nước lung linh, có người con gái quê dịu dàng chèo đò bên tôi, có tiếng hò quê hương ngọt ngào bay bổng, tôi như đang dần được sống lại giữa tình quê rất gần. “Hậu phương đây rồi! Chiến thắng rồi!”- Tôi mỉm cười thốt lên trong lòng, chợt thầm nghĩ: “giữa chốn mưa bom bão đạn mà vẫn có tiếng hát lạc quan , hồn nhiên đến thế thì quân ta cầm phần thắng là chắc rồi!”. Đúng là những cô gái DCHT đã mang hơi thở quê hương đến tận chiến trường khói lửa, nhóm lên tràn ngập niềm tin chiến thắng, làm sống lại những thương binh tưởng chừng đã chết như chúng tôi. Tiếng trực thăng từ xa vọng lại, mỗi lúc một gần, đã cắt ngang dòng cảm xúc, kéo tôi trở về với thực tại. Cô gái DCHT vừa đẩy thuyền nhanh hơn vừa theo dõi máy bay địch. Chiếc trực thăng gầm rú lượn qua đầu chúng tôi rồi lại quẩn lại, nó tìm kiếm, soi mói mặt đất và dòng sông, thi thoảng lại bắn một hồi vu vơ. Chỉ cần một dấu hiệu khả nghi là nó nã đạn như mưa luôn. “Gần tới bờ chưa cô?”- Tôi lo lắng hỏi. “Gần tợi rôi, đồng chị cộ lên ha!”- Cô gái vừa an ủi tôi vừa liên tục khua chèo, chiếc mũ tai bèo lật về phía sau. Bỗng cô nhảy tùm xuống nước, cô nói phía trước có vật cản là một cành cây to chặn ngang khúc sông, hai tay cô vừa đẩy vừa lái thuyền về hướng khác, người cô ướt sũng, ánh trăng rọi vào mái tóc đen bị buột ra xõa xuống khuôn mặt còn rất trẻ. Cô lên thuyền và vội vã khua chèo. Lúc này, bỗng nhiên tôi không còn thấy đau đớn mà chỉ thấy ái ngại cho cô gái, sợ cô kiệt sức và quá mệt vì mình. Tiếng máy bay mỗi lúc gần hơn, nó đang trên đường quay trở lại. Hình như lúc này mọi thuyền khác cũng đều cập bờ như thuyền tôi. “Tợi bờ rôi, cộ lên nao cạc đông chị ơi!”. Vừa hô cô gái vừa nhảy ra khỏi thuyền, hai tay cô cố đẩy thuyền vào sát bờ. Chiếc trực thăng đang soi trên đầu chúng tôi, nó quạt rẽ những khóm cây bụi cỏ ven bờ, nó nhả đạn vu vơ vào những chỗ khả nghi, vừa đó thôi bầu trời còn yên bình thơ mộng là thế vậy mà giờ đây cả khúc sông lại cồn lên, nháo nhác như gà con gặp quạ. Tằng...tằng…tằng. Cát ở cạnh thuyền tôi tung lên, trong tích tắc cô gái chồm lên người tôi, cả thân thể cô với khuôn ngực ấm nóng đè lên người, lên cổ, lên mặt tôi. Tôi biết cô làm động tác che đạn cho tôi. Bất chợt, một cảm xúc lạ lùng trào lên trong tôi. Nỗi sợ bom đạn kinh hoàng trước sự sống và cái chết hòa lẫn cảm xúc đầu đời của một chàng trai tuổi 20 chưa một lần tiếp xúc thịt da người con gái. Lần đầu tiên trong đời tôi tiếp xúc con gái ở cự ly gần nhất, thật trớ trêu lại trong hoàn cảnh sự sống và cái chết cận kề với cô ấy và tôi. Trong giây phút ngắn ngủi đó tôi kịp nhận ra, khi phải đối mặt với kẻ thù, cái chết dẫu càng gần thì tinh thần đồng đội càng trở nên cao cả, sức mạnh lòng yêu nước càng trở nên cháy bỏng đến tột cùng, tình yêu thương và đức hy sinh càng dài càng rộng. Bởi vậy, cô gái đã không do dự ôm trọn cơ thể tôi, quên mình để che đạn cho tôi. Bỗng tôi giật mình khi thấy nóng nơi bả vai, tôi sờ tay lên vai. “Trời ơi, máu! Tôi bị thương rồi đồng chí ơi!”- tôi thốt lên, hai tay vừa lay gọi cô gái. Cô gái từ từ ngồi dậy, cô cũng đưa tay ôm lấy bả vai mình, không kịp nói gì, rồi cô gục xuống. Trên bầu trời tiếng trực thăng đã dần xa, đằng kia những thuyền khác cũng đang nháo nhác, di chuyển, tôi nghe một giọng nữ người Quảng Bình gọi to: “Chụng my ơi, cại Thặm nọ bị thương rôi!”. Mọi người đổ lại chỗ chúng tôi, họ gọi cô ấy là Thắm và rồi đưa cô ấy đi. Bàng hoàng như vừa trong cơn ác mộng, tôi lại tiếp tục sốt li bì, khi tỉnh dậy thấy mình nằm ở một trạm phẫu phía sau an toàn. Và cũng từ đó tôi không có tin tức gì về những cô gái dân công hỏa tuyến trên dòng Ba Lòng đêm ấy nữa. Sau này tôi có hỏi thăm một số nơi nhưng cũng không ai hay. Giờ đây họ ra sao? Ai còn ai mất? Và cô gái tên Thắm, người đã để lại một vạt máu nóng trên bờ vai tôi để giữ mạng sống cho thương binh, để hoàn thành nhiệm vụ, liệu bây giờ chị có còn hay đã hy sinh ngay từ đêm ấy? Mong rằng chị vẫn còn sống đến ngày hôm nay! Từ ngày đó trở đi tôi luôn thấy mình nợ người con gái tên Thắm trên dòng Ba Lòng năm xưa một món nợ mà không bao giờ trả được. Các chị đã góp những giọt máu của mình, viết lên những chiến công với tinh thần quyết tử làm nên chiến thắng Thành Cổ, xứng đáng là những nữ DCHT anh hùng của cách mạng Việt Nam. Qua bài viết này tôi muốn bày tỏ lòng tri ân tới tất cả các chị đã cứu và đưa những thương binh chúng tôi qua sông Ba Lòng đêm ấy.





Người thứ mười một...

Cuối tháng 5 - 1973 tôi được đưa về trị thương tại bệnh viện Quân Y 112 - tỉnh Quảng Bình. Vì sợ địch ném bom tập trung vào bệnh viện nên những thương binh chúng tôi được sơ tán vào các nhà dân gần đó. Chúng tôi gồm bốn thương binh sơ tán vào một gia đình có hai vợ chồng và năm người con. Tôi không nhớ được tên người chủ nhà, chỉ nhớ đó là xã Hoa Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. ở được bốn ngày, hôm ấy vào khoảng 4 giờ sáng, khi đoàn xe ta chở thương binh từ chiến trường ra, để địch khó phát hiện đoàn xe phải đi bằng đèn gầm, ở đoạn lên dốc ánh đèn xe ghếch lên gây ánh phản quang trên bầu trời làm máy bay địch phát hiện, nó lập tức thả pháo sáng và ném bom sát thương xuống khu vực làng Hoa Thuỷ. Đã thành nếp, mọi người mau chóng di chuyển vào hầm. Bác chủ nhà thúc giục và dìu từng thương binh, tôi là người sau cùng được bác dìu vào hầm an toàn. Đây là một ngôi nhà hầm có chiều dài khoảng 5m, rộng 3m, bên trong có cả ván kê làm giường, sau khi cả gia đình và bốn thương binh chúng tôi đều đã vào trong hầm, bác chủ nhà hỏi: “đủ mười một người chưa?” tiếng đồng thanh “đủ rồi ”! Tôi đứng ở bậc cuối cùng phía cửa hầm, vừa dứt lời thì đoa…oa…oành. Lửa lóe lên, tiếng nổ rung trời, bật tung người tôi lên rồi quật tôi xuống, hai chân tôi bị đất vùi đến đầu gối, toàn bộ cơ thể phần còn lại của tôi bị lửa trùm lên. Tôi đau đớn trong kinh hoàng, chỉ một loáng mà lửa đã liếm sạch quần áo trên người tôi, tôi đưa mắt nhìn về phía ngôi nhà đang cháy, thoáng nghĩ: “Vậy là tất cả đã không còn gì, cả giấy tờ của anh em chúng tôi ở đó, có lẽ nào tôi lại chết trong lần trúng bom này chăng?''. Tôi đưa mắt nhìn vào trong, giữa nền hầm bị bom dội xoáy thành một cái hố to, nóc hầm sập xuống, cây đòn nóc đè ngang cổ ông chủ nhà, ông cố hết sức giẫy giụa, tiếng è…è…è… phát ra từ cổ ông mỗi lúc một nhỏ dần. Tôi cố nhoài người về phía ông, hy vọng giúp ông nâng cây kèo ra khỏi cổ, nhưng cố nhoài … cố nhoài, cũng chỉ là bất lực. Một thương binh mặt đầy máu đang cố lết trong đống đổ nát, còn tôi cứ lịm dần…lịm dần. Tiếng gọi í ới làm tôi cứ mơ hồ… thấp thoáng tôi nhận ra chiếc áo blue trắng, chợt thấy nhói đau như cắt nơi thắt lưng, hình như ai đó đã cắt cái chun quần lót dính vào eo lưng của tôi, rồi tôi không nhớ gì nữa. Tỉnh dậy thấy mình nằm trên chiếc giường phao bơm hơi, toàn thân được băng kín như bức tượng trắng toát, muốn nói nhưng miệng và mặt căng không thể cử động. Hằng ngày bác sĩ Liên ân cần chăm sóc và kể lại chuyện cho tôi nghe. Hơn mười ngày liên tục tôi được tiêm thuốc ngủ an thần, bởi, mỗi khi nửa tỉnh nửa mơ tôi lại thấy mình lăn lộn trong lửa. Sau đó tôi mới biết mình bị bỏng đến khoảng 80% diện tích cơ thể, phải lột toàn bộ da phần thân và hai cánh tay, cũng may là độ sâu của bỏng chỉ độ 10%. May cho tôi, lại đúng dịp đoàn bác sỹ ở Hà Nội vào và viện trợ thuốc kịp thời nên tôi là người may mắn được cứu sống. Bệnh viện 112 được khen thưởng vì thành tích lần đầu tiên cứu được bệnh nhân bỏng nặng như tôi. Đến ngày thứ 18, khi đã tỉnh táo hơn nhiều, tôi đề nghị với các bác sỹ cho tôi trở lại thăm ngôi nhà và căn hầm nơi tôi bị trúng bom, vì tôi chưa biết mọi người cùng ở với tôi khi đó thế nào? Tôi như một bức tượng trắng ngồi trên xe lăn, hai cô y tá cùng đẩy xe đi. Từ xa tôi nhìn thấy cảnh làng mạc bị bom tàn phá hiện ra. Mảnh vườn vừa hôm nào tôi đến còn sức xanh là thế, vậy mà giờ đây điêu tàn đến xót xa. Cây mít góc vườn vỡ toác, cành lá bay đâu hết, mấy khóm chuối xác xơ cháy xém vì khói bom, ngôi nhà cháy nham nhở, mấy cái cột đen thui đổ xuống, vô hồn. Căn hầm bị cày xới tan nát. Nhìn thấy chúng tôi, một người đàn ông bước ra giọng run run, nói: “Đây là nhà em chú của tôi, trong trận bom vừa qua cả gia đình chú ấy đã mất”. Ông lau nước mắt rồi cúi đầu mời khách vào nhà, chúng tôi lặng lẽ cúi đầu bước theo. Một y tá cất tiếng nghèn nghẹn: “Thưa bác và gia đình, người ngồi trên xe lăn này là thương binh Nguyễn Thanh Xuân, người duy nhất còn sống trong ngôi nhà hầm hôm đó đấy ạ!”. Nghe vậy mọi người xúm lại hỏi chuyện, nhưng lúc này tôi không thể nói được gì, ngực tức nghẹn, cổ cứng lại vì quá xúc động, xe của tôi lăn vào trước sân nhà. Bảy ngôi mộ nằm xếp hàng trên nền nhà cũ, chiếc bàn thờ bị bom làm cháy nham nhở, đen thui. Trên bàn thờ có một nải chuối xanh với quả bòng và mấy nén hương đang cháy dở. Nghe người bác trong nhà kể lại thì sáu mẹ con chết ngay tại chỗ, còn người bố bị cây kèo hầm đè làm gãy cổ, được bệnh viện 112 cấp cứu và chín ngày sau ông tỉnh lại. Nhưng khi biết tin vợ và các con đã chết hết, nỗi tang thương lớn ấy làm ông không chịu được, nên ông cũng qua đời. Trước khi chết ông có nguyện vọng được chôn cất cả gia đình trên chính nền nhà ông. Ba người thương binh còn lại, thì hai người đã chết tại căn hầm, còn một người vào viện được bốn ngày sau thì cũng không còn. Vậy là, mười một người trong căn hầm hôm ấy - mười người đã chết, chỉ còn lại một mình tôi, người thứ mười một, còn sống. Tôi bàng hoàng và chết lặng trước sự thật phũ phàng, một nỗi đau tột cùng của nỗi đau. Tôi trở lại bệnh viện 112 tiếp tục điều trị thương, thấy lòng như nát tan và buồn đau vô hạn . Ba tháng sau tôi được chuyển ra Bắc và cũng từ đó cứ những đêm trái gió trở trời, đồng hành cùng những cơn đau của thân thể là nỗi đau trong tâm hồn. Tôi vô cùng biết ơn những người đồng chí đồng đội, biết ơn bệnh viện 112 khi xưa ở xã Hoa Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, tôi ước một ngày gần đây, khi còn đủ sức khỏe sẽ được đưa cả gia đình về thăm lại những nơi xưa, mong gặp lại những người còn sống và thắp nén nhang xin được cảm tạ những linh hồn đã khuất. Những đồng chí đồng đội, những người dân chân chất thân thương hơn ruột thịt, dù họ còn sống hay đã mất thì hình ảnh họ vẫn luôn đi theo tôi đến hết cuộc đời này. Tôi biết, cả đời tôi còn mắc nợ với họ…
                                                                                                                   
Tác giả:  Nguyễn Thị Sáu                                                   
Đ/C: Tổ 6 – phường Ga Sàng –thành phố Thái Nguyên,  tỉnh Thái Nguyên    -                                ĐT: 01697. 584 . 906

No comments: