Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, December 27, 2014

DÊ TRONG THƠ VIỆT - Trần Ngọc Hưởng






Dê trong thơ Việt

Trong thập nhị chi mười hai con giáp thì dê đứng hàng thứ 8 trước con khỉ và sau con ngựa. Từ thời xa xưa đến nay, trong mắt con người, con dê là một trong số những con vật quí. Các vua chúa trước đây thường chọn dê là một trong số những lễ vật quí báu khi các vương hầu đến diện kiến hoặc triều cống các hoàng đế.

Ngược lại, khi vua quan ban thưởng cho các thuộc hạ, cùng với lụa là gấm vóc là những con vật : dê, cừu, ngựa.. Dê còn được nuôi trong nội cung của vua để kéo xe cho vua đi lại trong nội cung.

Sách đông y xưa cũng có nói đến con dê. Theo đó thịt dê và sữa dê có rất nhiều chất bổ dưỡng. Đặc biệt chân dê và tinh hoàn dê có chế biến thành món ăn hoặc ngâm rượu có tác đụng rất mạnh trong việc bồi dưỡng sức khoẻ, làm cho cơ thể cường tráng. Ngày nay những món ăn món uống từ thịt dê cũng đang được nhiều người ưa thích và được coi là những món đặc sản đáng quý.

Nói tới con dê, lập tức người ta liên tưởng đến người có máu dê như Bùi Kiệm trong tác phẩm truyền đời của cụ Đồ Chiểu.
“ Còn người Bùi Kiệm máu dê
Ngồi chai bộ mặt như giề thịt trâu
              (Lục Vân Tiên)

Dân Việt Nam mình hình như không có cảm tình mấy đối con vật có vẻ hiền lành này.

Để chỉ sự lừa lọc, dối trá, làm một đường nói một nẻo, dân mình có câu tục ngữ: “Treo đầu dê bán thịt chó”. Dê và chó đối lập nhau biểu hiện cho sự trái ngược nhau giữa lời nói  và hành động, giữa giới thiệu và thực hiện, cái nói về cái giới thiệu thì quá tốt đẹp còn cái trao cho đưa tới mọi người thì thật là tồi tê.

Nữ sĩ tài hoa Hồ Xuân Hương đã dùng hình ảnh Dê cỏn để ám chỉ và phê phán bọn công tử bột đương thời chơi bời bừa bãi:
Ong non ngứa nọc châm hoa sữa
Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa

Trong văn học, hình ảnh dương xa (xe dê) là điển tích khá quen thuộc có nguồn gốc là chiếc xe do dê kéo để chở vua đi khi đến với các phi tần. Trong các triều đại phong kiến Trung Hoa trước đây, vua thường có rất nhiều cung phi mỹ nữ. Nhiều đến nỗi không sao nhớ hết mặt, thuộc hết tên. Bởi thế, có những người thường bị vua bỏ quên từ lúc nhập cung tới lúc chết già không được vua ban ân sủng. Vì biết con dê thích ăn lá dâu nên nhiều cung nữ đã rắc lá dâu trước cửa phòng mình để dê vào ăn và kéo luôn xe của vua vào với mình.

Đọc Cung oán ngâm khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, mọi người hẳn còn nhớ đến những câu thơ: "Phải duyên hương lửa cùng nhau/ Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào”

Khi không được xe dê tìm đến mua vui thì người cung nữ nào cũng cảm thấy lạnh lẽo cô đơn: Thâm khuê vắng ngắt như tờ, Cửa châu gió lọt rèm ngà sương gieo. Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ. Dấu dương xa (xe dê) đám cỏ quanh co…(Cung oán ngâm khúc).

Dê cũng là hình ảnh tiêu biểu đi vào văn thơ, góp phần tạo nên những tác phẩm nổi tiếng thuộc nhiều thể loại và ở mọi thời đại. Từ các áng văn chính luận sắc bén chống giặc ngoại xâm như Hịch tướng sĩ (thế kỷ 13) của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trong câu “Tắc lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ” hay Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (thế kỷ 19) của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu trong câu “Hai vầng nhật nguyệt chói loà, đâu dung lũ treo dê bán chó.”

Như phần trên có nói, người ta thường dễ liên hệ dê với người có máu dê, hạng người luôn bị chỉ trích trong xã hội vì đa tình, sàm sổ bừa bãi bất kể mỹ tục thuần phong : “Phượng hoàng đậu nhánh sa kê, Ông thần không vật mấy thằng dê cho rồi”( Ca dao)

Có người còn cho rằng chữ de trong câu ca dao : “Cam sành lột vỏ còn the, Thấy em còn nhỏ anh de để dành” hay trong câu : “Bắp non mà nướng lửa lò. Đố ai de được con đò Thủ Thiêm" là bắt nguồn từ dê nghĩa là gần gũi, o bế, dỗ dành, kích thích khêu gợi cho nhau.

Con dê trong Lục súc tranh công từng khẳng định công nghiệp mình cùng ngựa và các con thú khác:
“Dê vốn thật thuộc về việc lễ,
Ðể hòng khi về hạng tư văn ;
Ðể dành khi tế thánh, tế thần,
Lại có thủa kỳ yên, kỳ phước.
Hễ có việc, lấy dê làm trước,
Dê dâng vào người mới lạy sau.
Ngựa tuy rằng hình tượng lớn cao,
Tam sanh lễ, ai dùng đến ngựa ?
Dầu đến việc làm đình, làm chợ,
Cũng lấy dê trảm thảo, bồi cơ ;
Nhẫn đến ngày mạng tướng xuất sư,
Cũng lấy dê khấn cầu tổ đạo.
Lễ cốc sóc thánh nhân còn bảo :
Tử Cống sao dê sống bỏ đi ?
Ngựa nói ngang mà chẳng biết suy,
Dê nào có thiếu chi công trạng ?”

Nhiều người còn nhớ bài thơ đường luật con dêmột thời nổi tiếng:
Giống nai sao lại tiếng bê hê
        Đứng lại mà coi vốn thiệt dê
Đực cái cũng râu không hổ thẹn
Vợ chồng một mặt hết khen chê
Sớm phơi bốn móng sân Tô Vũ
Chiều gác đôi sừng cửa Lý Hề
Bởi nó sợ trâu kia dớn dác
Cam lòng chịu buộc lịnh vua Tề

Ra đời khi Nam kỳ lọt vào tay giặc Pháp, tác giả bài thơ kín đáo phê phán bọn tay sai cam tâm nuốt nhục cúi đầu để mặc giặc thù thao túng đày đọa dân lành.

Trong hoàn cảnh đó có người còn mượn hình ảnh Tô Vũ chăn dê để bày tỏ tâm sự vững lòng thuỷ chung đối với quê hương Tổ quốc:
        “Ngàn dặm Trường An mặt luống băng
Đoạn sầu căn dặn nỗi tằn mằn
Khôn đem tóc bạc thay đầu ác (1)
Dễ khiến lòng son đổi miệng lằn
Đêm lạnh ngù cờ sương lợt đợt
Ngày chiều dải mão (2) gió xung xăng
Muôn dê bao sá loài Hồ lỗ (3)
Một tưởng hàng vương, một nghiến răng”


Trong kháng chiến chống Pháp, Bùi Giáng đã “chăn dê một đoạn đời 15 năm ở núi đồi Nam Ngãi Bình Phú”, như ông kể lại trong bài thơ Nỗi lòng Tô Vũ (Mưa Nguồn – 1962). Đàn dê trong thơ ông tự do nhảy múa, tha hồ be he, bé hé, bế hế, bê hê, tung tăng những bộ lông rực rỡ, trong chiếc vòng nhiều màu sắc do nhà thơ thoăn thoắt bện cho:
“Trời núi đồi ngây ngất nhảy dê nhanh
Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
Nhảy múa tung sườn núi vút dòng khe
Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
Vang vang lên đồi núi giọng be be
Ngẩng đầu lên! dê ơi anh thong thả
Ðeo vòng vào em nghển cổ cong xinh
Ngẩng đầu lên! đây lòng anh vàng đá
Gửi gắm vào vòng mây nhuộm tơ duyên...”

“Này em Đen chiếc vòng vàng tươi lắm
        Này em Vàng chiếc trắng há mờ đâu
        Này em Trắng chiếc hồng càng lóng lánh
        Này đây em Hoa Cà hỡi ! chiếc nâu.”

Nhà thơ ghi chú rõ: Dê Hoa Cà có sắc lông lổ đổ tía hồng xem như hoa cà vậy. Đẹp vô cùng. Nhất là buổi chiều, sắc lông óng ả dưới nắng vàng – xa xa hình bóng dê rực rỡ bổi bật trên sườn núi xanh lơ. Dê Hoa Cà còn gọi là Dê Sao, vì lông lổ đổ sáng như sao...

Ông chân thành bày tỏ:
Cái lần đầu, thuở 20 tuổi trao cái vòng ngọc cho vị hôn thê mà không cảm động bằng lần đeo vòng cho dê vậy (tr.151).

Ngẩng đầu lên nhìn anh mờ mắt lệ
Từ lần đầu vòng ngọc tuổi hai mươi
Trao người em trăm năm lời ước thệ
Đây lần đầu cảm động nhất mà thôi.
Vòng em xong, vòng anh dành riêng chiếc
Dành riêng mình – dê hỡi hiểu vì sao ?
Vì lòng anh luống ân thầm tha thiết
Gán đời mình trọn kiếp với dê Sao.
Nhìn anh đây các em Vàng Đen Trắng
Tía Hoa Cà lổ đổ thấu lòng chưa ?
Từ từ đưa chiếc vòng lên thủng thẳng
Anh từ từ đưa xuống cổ đong đưa
Và giờ đây một lời thề đã thốt
Nghìn thu sau đồi núi chứng cho ta
Cao lời ca bê hê em cùng thốt
Hòa cùng lời anh nghẹn nỗi thiết tha.

Hình ảnh những con dê trong thơ Bùi Giáng thật đẹp đằm thắm tình người rạng rỡ và tráng lệ hiếm có lấn át hoàn toàn hình ảnh đôi con dê già khó trị trong xã hôi thường ngày lâu nay:
Chém cha cái tết con dê
Chồi non lộc biếc bốn bề tả tơi
Dê già quen thói ăn chơi
Tiền chùa thoải mái dê cười chào xuân.

Năm mới sắp tới đây  2015,Năm Dê (Mùi, Ất Mùi) , con dê tượng trưng cho sự sung sức, nhất định sẽ là năm sung túc, dân giàu nước mạnh tổ quốc đi lên. Là người Việt Nam ai cũng mong điều đó.

                                       Trần Ngọc Hưởng










No comments: