Tác giả Nguyễn Thị Liên Hưng
NGƯỜI THẦY NĂM ẤY
Nguyễn Thị Liên Hưng
(CHS/NH 69-75)
Năm lớp 8 (niên khóa 1971 - 1972) tôi học Sử Địa với
thầy Phan Phụng Thạch. Thầy có dáng người cao gầy với làn da trắng xanh, cặp
kính cận dày cộm luôn trên sóng mũi. Bước đi của thầy nhẹ nhàng nhưng không hề
chậm. Nhà thầy ở góc đường Quang Trung vào làng Thạch Hãn cũng gần trường Nguyễn
Hoàng nên mỗi lúc đi dạy thầy thường bách bộ với chiếc dù đen trong tay.
Thời đó trường Nguyễn Hoàng vừa lập thư viện nên ngoài
chức Quản thủ thư viện, thầy còn dạy giờ thêm các lớp. Tôi cũng biết thầy thường
làm thơ và là cộng tác viên của vài tờ báo uy tín ở Sài Gòn nên thầy thường có
dịp đi về và trong những lần đi về ấy, thầy thường mang về bổ sung vào thư viện
nhà trường một số sách truyện dành cho lứa tuổi học trò của các tác giả nổi
tiếng thời bấy giờ khiến chúng tôi tranh nhau mượn về đọc.
Tuy Sử Địa không phải là môn học nhân đôi hệ số nhưng
thầy giảng bài cuốn hút nên bọn học trò
chúng tôi cũng rất thích giờ học của thầy. Có điều trông thầy hiền thế nhưng
chẳng dễ đâu nhé! Thầy hay khảo bài và thẳng tay cho điểm, không tha đứa nào
nên mỗi khi thấy thầy vừa bước vào lớp đã lật sổ điểm là chúng tôi hồi hộp.
Thầy có thói quen gọi tên học trò lên bảng trả bài theo tên đôi hay tên đơn. Ví
dụ hôm ấy thầy gọi Ngọc Bích thì cái nhóm Quỳnh Dao, Hải Hà, Liên Hưng, Mỵ Lan,
Nguyệt Mỹ, Thu Hương, v.v… tim đánh trống trận và lo lật vở xem lại bài sột
soạt trong khi nhóm “tên đơn” ngồi cười chúm chím. Học trò là thế, dù thuộc bài
đi nữa vẫn cứ run khi nghe kêu tên lên bảng. Còn bữa nào thầy gọi Nguyễn Thị
Duyên thì Trần Thị Hữu, Lê Thị Lan, Nguyễn Thị Mai, v.v… lo sốt vó còn nhóm
“tên đôi” bình chân như vại. Có lần thầy gọi luôn mấy đứa mà chẳng đứa nào
thuộc bài, chuyển từ đôi sang đơn vẫn thế khiến thầy nỗi giận. Nhưng
cơn giận của nhà thơ cũng có nét riêng, thầy không la lối, giận dữ hay cho học
trò zero mà lẳng lặng chống chiếc dù đen rời lớp, không nói tiếng nào trong khi
cuốn sổ điểm vẫn mở chỏng chơ trên bàn thầy giáo như là một bản án treo... Khi
chúng tôi ra về, ngang qua quán cà phê Văn vắng khách trên đường Quang Trung,
nhìn vào chúng tôi thấy thầy ngồi một mình, trầm tư bên ly cà phê. Không biết
thầy buồn vì học trò hôm ấy không thuộc bài hay vì lẽ gì nhưng chúng tôi rất
hối hận và cảm thấy thương thầy, lòng muốn vào xin lỗi thầy nhưng tính nết trẻ
thơ nhút nhát, chúng tôi chỉ dám len lén nhìn vào quán rồi kéo nhau chuồn êm.
Có một kỷ niệm đẹp làm tôi nhớ mãi, đó là mùa xuân năm
1972 – Mùa xuân cuối cùng của Nguyễn Hoàng trong phố xưa Quảng Trị. Tết đó nhà
trường tổ chức Hội Mùa Xuân rất hoành tráng với phong trào văn nghệ thể thao rộ
lên khắp các lớp. Lần đầu tiên lớp chúng tôi tập làm bích báo, ban báo chí cùng
nhau biên tập bài của bạn bè trong lớp rồi bò ra viết lên tấm vải lụa và đêm
tổng kết trao giải, tôi hân hạnh được đại diện lớp lên sân khấu nhận giải
thưởng bích báo về cho lớp mình. Đó là một đêm hội của thầy trò Nguyễn Hoàng,
những ngọn đèn néon trong hội trường được bọc lại bằng loại giấy kiếng màu hồng
tỏa ra một thứ ánh sáng huyền diệu và ấm áp. Trong không gian đó, thầy Phan
Phụng Thạch làm người dẫn chương trình thật duyên dáng trong bộ vest lịch lãm.
Thầy đã ví von rằng trong khung cảnh này, tôi cứ tưởng mình đang ở phòng trà
Đêm Màu Hồng của Sài Gòn hoa lệ khiến ai nấy đều thích thú.
Và tờ nội san Hội Mùa Xuân Nguyễn Hoàng đã ra mắt
trong dịp đó. Bài thơ Lời giã từ cuối năm
của thầy đăng trong tập sách ấy rất ấn tượng, khiến học trò lớp nhỏ như tôi
chỉ đọc qua là thuộc và đến bây giờ vẫn chưa quên.
Hai câu mở đầu bài thơ nghe mơ hồ mộng mị, như là mùa
xuân không có thực mà chỉ là hình như:
Hình như nắng
của một mùa xuân cũ
Lay hồn ta
thức dậy giữa tàn đông…
Có lẽ cái hình
như ấy là của một mùa xuân xa xưa nào đó còn rớt lại nên mới nhẹ lay hồn
thầy trong giấc ngủ tàn đông.
Cũng như những bài thơ trong tập Lưu bút mùa Hạ, bài
thơ Lời giã từ cuối năm thầy viết cho
mình và cho học trò. Nhưng trong hơi ấm mùa xuân với “mầm cây đang hé nụ”, với “các
em vui như một bầy chim sẻ” mà sao thầy lại:
Ta không ngờ
ta đã già quá đỗi
Lòng dửng
dưng khi thấy nắng xuân về
Các em gởi
lời cầu chúc năm mới
Hay chia buồn
ta ngày tháng lê thê?
Trời! Tôi không thể ngờ rằng một người mới ba mươi
tuổi đã nghĩ mình già nua đến thế. Và khi đọc những dòng cuối bài thơ ấy, cho
đến bây giờ tôi vẫn còn như thấy dáng cao gầy của thầy trong chiếc áo len cao
cổ sậm màu đứng chơ vơ giữa sân trường đầy gió nhìn bầy chim áo trắng xa dần,
xa dần…
Chiều cuối
năm ta đứng nhìn trong gió
Các
em về như những giọt sương phai…
Sau mùa xuân cuối cùng, trường Nguyễn Hoàng tan theo
lửa đạn với phố cũ điêu tàn. Nhóm lưu dân Quảng Trị đã tụ họp nhau lại một vùng
bên bờ biển Non Nước – Đà Nẵng và trường Nguyễn Hoàng mở lại ở đó. Năm lớp 9
(năm học 1972 - 1973) tôi không còn học với thầy nữa rồi nghe đâu thầy bệnh.
Thuở đó học trò lớp nhỏ như chúng tôi thật là ngu ngơ, nghe tin thầy bệnh thì thương
lắm, xót xa lắm nhưng lại không rủ nhau đi thăm thầy để rồi khi thầy qua đời
mới hối tiếc.
Mùa hạ năm 2006, khi nhớ lại chặng đường làm học trò
Nguyễn Hoàng của mình tôi đã viết về đám tang thầy Phan Phụng Thạch trong bút
ký Nguyễn Hoàng – Một thời để nhớ như
sau:
“Năm 1973, Nguyễn
Hoàng có một nỗi buồn chung, đó là sự ra đi của hai vị giáo sư trẻ
tuổi. Chúng tôi bàng hoàng tiếc nuối khi nghe tin thầy Phan Phụng Thạch
đã vĩnh biệt trần gian. Buổi tiễn đưa thầy đến nơi an nghỉ cuối cùng
mới buồn và đẹp làm sao! Từng đoàn học sinh áo trắng lặng lẽ xếp
hàng theo sau linh cữu, trên tay đứa nào cũng cầm một nén nhang và
một cành hoa, những khuôn mặt ngây thơ ướt lệ, cả những đứa hay quậy
phá nhất cũng lặng lẽ cúi đầu. Thầy mất rồi! Chúng tôi đã mất một
người thầy - chỉ nghĩ thế thôi mà nước mắt đã trào ra. Thầy chưa
lập gia đình, theo sau quan tài có một chị mặc áo dài đen, tóc xõa
dài với đôi mắt đẹp buồn rười rượi mà không một ai thắc mắc, không
một ai dòm ngó, trong nỗi đau chung chúng tôi thấy đó như là một niềm
an ủi cho linh hồn thầy vơi bớt phần nào nỗi cô đơn khi xa lìa cõi
thế.
Dọc đường xứ Non
Nước gió bụi, người dân bản xứ và xe cộ dừng lại, chúng tôi nghe họ
hỏi nhau “Đám tang ai mà lớn thế?”,
có người trả lời “Thầy giáo” và họ lại kháo nhau “Làm thầy giáo sướng quá hỉ”. Từ
chỗ động quan đến nghĩa trang dài mấy cây số mà khi linh cữu thầy đã
đến bên huyệt, đoàn học sinh đưa tiễn còn xếp hàng nơi xuất phát. Tôi
còn nhớ, khi hạ huyệt xong, bên ngôi mộ mới của thầy, chúng tôi ở
lại một lát. Thầy Trần Văn Lữ - “chưa già nhưng tóc bạc” như thơ thầy
Thạch viết về thầy Lữ - người bạn
thơ, đồng nghiệp, đồng cảm - lúc đó đã xí phần đất còn trống bên
mộ thầy Thạch mà nói “Thấy hắn
chết sướng quá làm tau thèm. Này! Đây là chỗ của tau, nếu tau chết
hãy chôn tau ở đây để tau tiếp tục làm bạn với hắn nhé”. Vậy mà mùa hè năm đó thầy Trần Văn
Lữ ra đi thật, vì vào dịp nghỉ hè nên đám tang thầy không có nhiều
học trò. Chúng tôi đều biết tin muộn nên càng buồn hơn, vì không được
tiễn đưa thầy trong chuyến xe cuối cùng của cuộc đời…”.
Mộ thầy nằm trên mô đất cao, ngày đêm lộng gió biển khơi, sóng nước vỗ về
ru thầy trong giấc ngủ thiên thu. Những ngày trường Nguyễn Hoàng còn ở trại 5
Non nước, mỗi buổi chiều đi học về, học trò của thầy thường rủ nhau viếng mộ.
Chúng tôi hái thật nhiều hoa dại cắm quanh mộ thầy rồi thay nhau đọc những bài
thơ của thầy trong tập Lưu bút mùa Hạ và cả bài thơ Khi về Quảng Trị đầy ngậm
ngùi của quê hương điêu linh khốn khổ. Riêng tôi, khi nào nhớ đến thầy trong
tâm tưởng của tôi đều luôn vương vất một ý nghĩ rằng thầy là một Hàn Mặc Tử của
trường Nguyễn Hoàng, có lẽ vì thầy có những nét tương đồng và ly trần giữa tuổi
thanh xuân như nhà thơ tài hoa bạc mệnh.
Thời cuộc đưa đẩy
khiến những đứa học trò Nguyễn Hoàng năm xưa lưu lạc khắp bốn phương trời. Và theo
lẽ thường tình, tan rồi sẽ hợp. Vì thế đến một ngày những con chim lạc đã tìm
về tổ ấm Nguyễn Hoàng, không những thế mà còn kết nối những con tim đồng cảm về
bên nhau. Một lần tôi tìm lên Bảo Lộc thăm chị Lê Thị Lan, chị đã cho tôi xem
những tấm ảnh úa màu của thầy Thạch chụp năm ấy, chị đã hát những bản nhạc phổ
thơ của thầy và chị em tôi đã bên nhau ngậm ngùi tưởng nhớ thầy. Rồi tôi được
đọc đoản văn nhắc lại Nguyễn Hoàng một thuở tạm cư ở Non Nước của chị, trong đó
chị ghi lại khá đầy đủ vể sự ra đi của người thầy thân yêu. Chuyện đã qua mấy
mươi năm mà vẫn khiến mắt tôi mù sương. Những hình ảnh ngày ấy trở về trong tôi
như cuốn phim quay chậm. Tôi như vẫn thấy thầy lên lớp, thầy gọi trả bài, thầy
trong “Đêm Màu Hồng”, thầy đứng giữa sân trường nghe gió cuối năm; thầy trong cơn
hấp hối, đám tang thầy và nắm đất cát cắm đầy hoa dại cùng lũ học trò áo trắng
ngây thơ năm nào… Tất cả. tất cả như mới ngày hôm qua…
Bởi thế khi nghe anh
Nguyễn Văn Trị cho biết ý định sẽ đăng lại di cảo của thầy tôi đã rất xúc động.
Tôi – một đứa học trò trong hàng ngàn đứa học trò của thầy, có lẽ không để lại
ấn tượng gì cho thầy khi tại thế, như bao học trò khác mà thầy từng giảng dạy, nhưng
người thầy năm ấy đã để lại trong tôi lòng kính thương và tiếc nuối vô hạn. Bởi
vậy hôm nay tôi ghi lại những dòng chữ này như là nén tâm hương gởi đến anh
linh thầy - Người thầy tài hoa bạc mệnh vẫn trẻ mãi trong lòng đám học trò
chúng tôi.
Biên Hòa, 05/11/2014
Nguyễn
Thị Liên Hưng
(CHS/NH 69-75)
No comments:
Post a Comment