MÙA THU NGOẠN CẢNH TÂY HỒ
Nguyễn Hồng Trân
Cũng khá
lâu rồi vợ chồng chúng tôi chưa có dịp dạo quanh Tây Hồ. Trước đây chúng tôi đã
từng sống ở Hà Nội nhiều năm trong thời kỳ học tập và công tác. Sau ngày đất nước
hòa bình thống nhất, chúng tôi trở về quê hương Trị- Thiên để phục vụ công tác
giáo dục và y tế cho đến ngày nghỉ hưu vẫn thường trú ở tp. Huế. Thỉnh thoảng
chúng tôi mới có dịp ra Hà Nội thăm con cháu, thăm bà con và bạn bè thân quen…
Hiện
nay, vợ chồng chúng tôi đã ra lại cư trú tại Hà nội theo đề nghị của con cháu
muốn chăm sóc, phụng dưỡng ba mẹ lúc tuổi già ốm yếu… Giờ đây, chúng tôi có thời gian rộng rãi để đi
du ngoạn cảnh Tây Hồ vào một ngày thu yên lành thoải mái. Ngoạn cảnh nơi đây thật
là thú vị. Cảnh mây trời, hồ nước mênh mông thoáng mát dễ chịu và đã làm cho
chúng tôi nhớ lại những kỷ niệm xa xưa suốt một thời gian dài đáng nhớ của tuổi
trẻ đã học tập và công tác tại Thủ đô Hà Nội.
Hồ Tây
theo truyền thuyết ngày xưa có tên lúc đầu là Đầm Xác Cáo(1) , sau đó có tên là Hồ Kim Ngưu(2)
(Hồ Trâu Vàng). Đến Thế kỷ XVI thì đổi tên hồ thành Dâm Đàm (3). Và
tên cuối cùng cho đến sau này hồ được đổi tên là Tây Hồ (4).
Để ngoạn
cảnh Tây Hồ,trước tiên, chúng tôi đi dạo dọc con đường Thanh Niên mà ngày xưa gọi
là đường Cổ Ngư. Đường này là ngăn cách Hồ Tây và Trúc Bạch. Hồ Trúc bạch ngày
xưa cũng thuộc Hồ Tây, sau đó người ta đắp lên một con đê ngăn ra một vùng hồ
nhỏ để nuôi cá và xung quanh hồ này trồng nhiều cây trúc để làm mành, làm rèm
sáo che nắng, che mưa…Hồ Tây thì rất lớn (hơn 500 hecta và chu vi gần 18 Km), hồ
Trúc Bạch thì nhỏ (chỉ vài chục hecta và chu vi chỉ hơn 6 Km). Hai bên con đường
này những hàng cây xanh tỏa bóng râm xuống mặt đường thật mát mẻ dễ chịu. Từng
đoạn, từng đoạn gần sát mép hồ đều có những chiếc ghế đá hướng ra mặt hồ để cho
du khách dừng chân ngồi nghỉ ngơi, ngắm cảnh và chuyện trò tâm sự… Những chiếc
ghế nơi đây cũng đã từng chứng kiến muôn vàn cuộc hẹn hò tình tứ của lứa đôi trai
gái ở Hà Nội, trong đó có chúng tôi và những người nơi khác đến du chơi ngoạn cảnh
Tây Hồ rồi lưu lại bên hồ trong cảnh chiều tà cho đến tận đêm khuya thanh vắng…
Chúng
tôi dạo bộ trên đường này một lúc rồi ghé vào tham quan lại chùa Trấn Quốc mà
đã lâu lắm rồi chúng tôi chưa có dịp ghé thăm. Đây là một trong những ngôi chùa
cổ của Hà Nội đã có từ thời Lý –Trần và cách đây khoảng 1500 năm. Ngôi chùa rất
đẹp, nó tọa lạc trên hòn đảo nhỏ phía Đông của hồ, có ngọn tháp cao xinh xắn
màu nâu đỏ. Nơi đây du khách hàng ngày ra vào tham quan tấp nập. Các sinh viên
các trường thường đến viếng cảnh chùa để cầu nguyện; nhất là sinh viên trường
Nghệ thuật đến ngắm cảnh chùa và vẽ tranh hoặc sáng tác lời ca, khúc nhạc…
Đến chùa
Trấn Quốc làm tôi nhớ đến một sự kiện ngày xưa từ thời chúng tôi còn là sinh
viên đến tham quan chùa này vào dịp hè năm 1959 thì được gặp đoàn đại biểu của
Chính phủ Ấn Độ sang thăm nước ta do Tổng thống
Rajendra Prasad dẫn đầu ghé vào thăm chùa cùng đi với Bác Hồ.
Lúc đó Tổng thống Ấn Độ có tặng cho nhà chùa một cây bồ đề Ấn Độ rất đẹp. Cây bồ
đề ấy giờ đây đã sum xuê to lớn tỏa bóng mát cho cả một vùng rộng của sân chùa.
Chúng
tôi đứng ở sân chùa nhìn ra Hồ Tây nước mênh mông xanh biếc và làn sóng lăn tăn
vỗ nhẹ vào các thành kè ven hồ nghe rất êm ái thanh bình. Nhìn xa xa giữa mặt hồ
có nhiều tàu thuyền qua lại chở du khách dạo chơi đây đó tham quan những di
tích, thắng cảnh ven hồ như đền Quán Thánh, cung Từ Hoa, chùa Kim Liên, điện Thụy
Chương, phủ Tây Hồ…
Trên dọc đường đi ven bờ Hồ
Tây, chúng tôi nghe vang vọng những bài ca, khúc nhạc du dương, trữ tình, trầm
bổng trong chiều đông ấm áp. Lúc đó chúng tôi bỗng nhớ đến mấy câu ca dao ngày
xưa quen thuộc:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
Tiếp đó
chúng tôi đi ngược lên phía làng Kẻ Bưởi (ngày xưa có tên là Yên Thái), nơi đây
là cái nôi làng nghề làm giấy dó nổi tiếng, nhưng dân làng rất vất vả, người
dân phải đi lấy cây dó trên rừng về, phải chặt khúc rồi dã nhỏ bằng cối chày cả
ngày đêm mới kịp làm giấy. Có loại giấy quý làng này làm ra được dùng cho nhà
vua ban Sắc phong cho các làng xã, tộc phái có sự kiện điển tích về lịch sử,
văn hóa đáng được tôn vinh, trân trọng.
Sau khi
ra khỏi làng này, chúng tôi lên thuyền du lịch đi về Phủ Tây Hồ(5) để
viếng thăm, ngắm cảnh một địa danh linh thiêng của Thăng Long Hà Nội. Phủ Tây Hồ nằm
trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây, ngày xưa nó thuộc một làng cổ của kinh thành Thăng Long. Chúng tôi đến Phủ
Tây Hồ không phải vào dịp lễ hội thường niên vào ngày rằm tháng Giêng nhưng dân
chúng đến hành hương và tham quan cũng rất đông. Chúng tôi đi dạo khắp vùng này
và thấy người ta đến đốt vàng mả, hương trầm khói lên nghi ngút lan tỏa khắp cả
vòm cây, mái ngói. Phủ Tây Hồ còn mang đậm nét cổ xưa ở các điện thờ, đền miếu…
Nhất là quang cảnh xung quanh Phủ rất uy nghi, trầm tĩnh. Những cây si, cây
sung, cây lộc vừng cổ thụ nghiêng mình sà thân cành gần sát mặt nước Hồ Tây tạo
nên một dáng vẻ cổ kính linh thiêng. Đứng trong khung cảnh này, tôi cảm hứng
làm mấy câu thơ với tựa đề:
CẢM CẢNH TÂY HỒ
Nước Tây Hồ mênh mông xanh
biếc
Thuyền ngày đêm liên tiếp du
chơi
Đàn chim bay liệng ngang trời
Như vui với cảnh cùng người tham quan
Đường ven hồ rộn ràng du khách
Tới đền chùa tấp nập hành hương
Người từ khắp cả bốn phương
Về đầy cầu nguyện an đường sinh linh…
Trời về chiều, chúng tôi lên thuyền ra giữa Hồ Tây rồi hướng
về phía làng Thụy Khê để ngắm cảnh chiều hôm ở một vùng quê ven hồ. Lúc đó trên
bầu trời Tây Hồ những đàn chim đang bay chầm chậm thành hàng như hẹn nhau trở
về tổ. Bỗng nhiên có một cơn gió mạnh thổi qua làm thuyền chở chúng tôi rung
rinh, chồng chềnh, cánh buồm nghiêng ngả và thấy đàn chim trên trời cũng hối hả
bay nhanh. Thế là tự nhiên trong lòng tôi cảm thấy lo lo, sợ một cơn lốc đột
ngột sẽ lật thuyền như chuyện chìm thuyền của đoàn nghệ thuật Trung Quốc: “Tề
tề Cáp nhĩ” khi chiều tối dạo chơi trên
Hồ Tây vào đêm 11-9-1956. Các cụ già hồi đó ở gần Hồ Tây đã kể lại rằng, đoàn
thuyền chở đoàn nghệ thuật TQ vừa ra đến giữa Hồ Tây thì đột ngột có một cơn
lốc mạnh hất tung cả đoàn xuống hồ. Lúc ấy mọi người hốt hoảng không ngờ việc
thiên tai ập đến bất ngờ cho đoàn TQ như thế. Đội cấp cứu đã tích cực cứu nạn
được một số người, trong đó có cô Khương Nãi Tuệ là nữ nghệ sĩ múa có tiếng của
TQ (đóng vai nữ chúa trong điệu múa Hoa sen) và một tay sáo danh tiếng là Phùng
Tử Tồn, còn 9 người TQ mất tích. Mặc dù đã chăng lưới tìm kiếm cả đêm, nhưng
vẫn không thấy. Hôm sau mới tìm được thi thể của 9 cô gái chưa chồng trong đoàn
múa hoa sen của TQ đã bị chết trong đêm hôm ấy. Thật là một chuyện chưa từng
xẩy ra ở Hồ Tây từ xưa đến nay như thế!
Sau cơn gió mạnh thổi qua, chúng tôi đang ngồi trên thuyền
mà vẫn không lo, cứ ung dung chuyện trò vui vẻ. Nhìn về phía gần bờ làng Thụy
Khê có mấy chiếc thuyền nan có những người trên thuyền và dưới nước để vớt
rong, mò ốc, bắt cá… cứ râm ran chuyện làm ăn kinh tế. Đặc biệt ở Hồ Tây người
ta nuôi loài tôm càng xanh rất phát triển và đem lại nguồn lợi kinh tế khá cao.
Trước đây, hàng năm người nuôi tôm càng xanh thu hoạch đến 40 tấn/ năm. Qua thực tế ẩm thực, chúng tôi cũng biết về
các loài cá, loài ốc và tôm ở Tây Hồ rất ngon. Vì thế một số hàng quán nhậu ở
ven bờ với các món cá hấp, cá chiên, bún ốc, bánh tôm, v.v…lúc nào cũng đông
khách thưởng thức. Ngoài ra, những người sống ven hồ còn cho biết thêm rằng, có
một số tổ chức nuôi trồng sinh vật hồ đang nuôi loài cá hồi và nuôi trai lấy
ngọc. Điều đó có nhiều hy vọng phát triển nghề nuôi thủy sản ở Tây Hồ được ổn
định và bền vững, nếu chúng ta có biện pháp bảo vệ môi trường được tốt, không
bị ô nhiễm nặng triền miên.
Sau khi rời khỏi thuyền lên bờ, chúng tôi đi bách bộ một
đoạn quanh bờ hồ. Quang cảnh ở đây đã khác nhiều so với ngày xưa. Những hàng
cây cau Tây, phượng vĩ, bằng lăng, hoa sữa … như thích thú với đất trời, hồ
nước xanh trong và cứ thi nhau vươn mình lung lay thân cành trong gió chiều
lộng mát.
Đi một lúc ngắm nhìn đó đây thư giãn tâm hồn, chúng tôi dừng
chân ngồi lên ghế đá nhìn ra mặt hồ và hít thở không khí trong lành rồi cùng
nhau nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa vào cái thời trẻ trung của cuộc đời sinh
viên đã từng đi dạo quanh Tây Hồ với bao nhiêu tâm tình, ước vọng…
Ôi! Mùa thu ngoạn cảnh Tây Hồ thật là thú vị và vấn vương,
thương nhớ bung lung, nhớ cảnh vật, nhớ tình người, nhớ hoài! nhớ mãi!..
Hà Nội, Quý thu, năm Giáp Ngọ = 2014
Chú thích: (1) Đầm Xá
Cáo: Theo truyền thuyết là nơi đây có hang con cáo chín
đuôi thường
phá hại dân lành, bị Long Quân dâng nước lên công phá, giết chết con cáo đó và xác cáo phơi trên mặt đầm
(đầm là vùng trũng có nước và có cả bùn lầy, lau sậy mọc um tùm).
(2) Hồ
Kim Ngưu dựa theo truyền thuyết hồ Trâu Vàng.
Truyện kể về một người khổng lồ ở đất Việt, sức khỏe phi thường, không ai địch
nổi. Ông xuất gia làm thiền sư, đó chính là thiền sư Minh Không. Thiền sư Minh
Không sang Tàu chữa bệnh cho con vua Tống. Khi công việc hoàn thành, vua muốn
trả ơn. Nhà sư chỉ xin một ít đồng đen cho vào tay nải. Vua Tàu đồng ý cho
thiền sư tự ý vào kho lấy đồng. Thiền sư đã lấy đồng đen đem về nước Nam. Về
đến Thăng Long, ông dùng số đồng đó đúc thành bốn thứ bảo khí nhà Phật: Tượng
Phật, tháp Báo Thiên, đỉnh đồng và một quả chuông đồng rất lớn. Chuông đúc
xong, đức vua sai ông đánh một hồi chuông dài để báo hiệu cho dân chúng biết
tin vui nước nhà đang thái bình thịnh trị! Tiếng chuông ngân đến tận kinh đô
bên Tàu. Nghe tiếng chuông con trâu bằng vàng to lớn nằm trước kho đồng bên Tàu
tự dưng bừng tỉnh "Đồng đen là mẹ của vàng" ngỡ là tiếng mẹ gọi nó
liền vươn mình phóng thẳng xuống phương Nam tìm đến quả chuông khổng lồ, quần
mãi xung quanh khiến cho cả một vùng đất lớn quanh quả chuông sụt xuống thành
một vùng hố sâu và nước tràn đầy trải rộng thành một hồ nước mênh mông.
(3) Dâm Đàm: Theo sách Hồn sử Việt thì
khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư
về Thăng Long,
hồ Kim Ngưu trở thành một địa điểm du ngoại được nhà vua và các quan ưa thích,
nhiều lần trong các buổi du thuyền trên hồ, nhà vua gặp sương mù bao phủ, cảnh
tượng hồ trở nêm huyền ảo mộng mơ, vì vậy hồ đã được đổi tên là Dâm Đàm.
(4)Tây Hồ: Đến
năm 1573, để tránh tên húy của Vua Lê Thế Tông là Duy Đàm, người ta đổi là Tây Hồ.
Cái tên Tây Hồ có từ đó, ngoài lý do trên, có lẽ việc đặt tên này nhằm sánh với
phương Bắc, vì ở Trung Quốc cũng có Tây Hồ nổi tiếng ở Hàng Châu. Việc đặt tên
các địa danh, sông hồ của Việt Nam theo chữ nghĩa Trung Quốc là chuyện bình thường. Tây Hồ là cách
đọc Hán Việt của hồ Tây, và hồ Tây đã trở thành cái tên gần gũi, lâu dài, nên
thơ nhất đối với người Hà Nội cũng như nhân dân cả nước.
(5)Phủ Tây Hồ:nơi đây ngày xưa có một ngôi
đền thờ bà chúa Liễu Hạnh,
một người đàn bà tài hoa, giỏi đàn ca, thơ phú, đức độ nên đã được dân gian
thần thánh hoá rồi tôn vinh lên thành đức Thánh Mẫu . Hàng năm vào rằm
tháng Giêng âm lịch, khách hành hương về đây rất đông, vừa đi lễ cầu mong Thánh
Mẫu ban cho điều lành và mọi sự may mắn; vừa đi thưởng ngoạn cảnh đẹp Tây Hồ.