Đôi chích chòe trong khu vườn hoang
Sát sau lưng nhà tôi có một
khoảng đât hoang khá rộng cây cỏ mọc um tùm. Khu đất nầy thuộc diện quy hoạch
treo. Khi mới đến đây tôi hỏi thăm và được biết khu đất trống đó trước Giải
phóng là một hồ rau muống rộng chừng năm
trăm mét vuông. Chủ nhân là một bà gia không có con cái. Mới đây Phường xuống yêu cầu bà hiến một phần của khu đất để xây trường mẫu giáo
cho con em địa phương. Bà chủ nhà không chịu. Vậy là khu đất trống trở thành
vùng đất quy hoạch treo. Cũng nhờ khu đất quy hoạch treo nầy mà tôi được hưởng
cái không khí trong lành mát mẻ của một khu sinh thái sát cửa sổ nhà bếp của
mình. Đám đất lâu ngày cỏ dại và cây hoang mọc quá đầu. Mỗi sáng khi mặt trời
mới mọc, tôi mở cửa sổ nhìn ra phía sau, ánh bình minh chan hòa lùa vào nhà
bếp. Chim chóc bay lượn hót ríu ra. Nhiều nhất là đám chim sẻ phải đến trên cả
chục con, có vài con chim vành vạch. Chúng săn tìm sâu trên đọt cỏ. Đặc biệt có
đôi chim chích chòe than lông đen tuyền cánh điểm những chấm trắng trông quá là
đẹp. Nó hót thì hết chê. Không những thế tôi phát hiện ra chích chòe là loài
chim siêng năng cần mẫn. Mỗi sáng khi tôi mở cửa sổ ra, trong lúc đàn chim sẻ
và vành vạch chưa có con nào bay đến, tôi đã thấy đôi chích chòe vờn nhau trên
đọt cỏ. Vừa bắt sâu vừa hót trông chúng
thật yêu đời. Có một sáng chủ nhật tôi bảo vợ tôi đến xem, và nói cái
nhận xét của mình về loài chim nầy. Vợ tôi cười: Anh đừng có quá mà lãng mạn,
nó đang kiếm ăn vất vả lắm đấy. Tôi tiu nghỉu. Nhưng rồi nghĩ ra có lẽ vợ tôi
nói đúng. Có thể loại chim nầy bắt mồi vụng hơn những con chim khác nên phải
vất vả suốt ngày mới kiếm đủ miếng ăn.
Mà thế thì cũng đúng thôi, cái mỏ nó sinh ra để hót chứ đâu phải để bắt sâu.
Một lần nữa tôi đem cái ý nghĩ nầy nói
với vợ . Cô ấy lại cười: Nó cũng như anh
thôi. Đôi tay anh sinh ra để viết lách chứ đâu phải để lao động kiếm sống. Vì
thế nên anh cứ mãi đói nghèo dài dài. Người ta càng làm thì càng giàu có
no nê, còn anh càng làm thì càng túng thiếu. Tôi và vợ tôi cùng cười. Tôi
biết cô ấy nói đùa, thực tình cô không bao giờ trách tôi. Chẳng những thế cô
còn tỏ ra tôn trọng công việc viết lách của tôi, dù đấy chỉ công việc nghiệp dư. Tôi dạy học môn văn, còn vợ tôi bán hàng
ngoài chợ, một chợ xép phía đầu hẻm, cách nhà tôi không xa. Ngoài việc dạy học
ra, về nhà tôi cặm cụi viết lách, không lo toan, tính toán một điều gì. Tất cả
đều đã có vợ tôi sắp xếp hết. Kể từ khi
dời đến ngôi nhà nầy và phát hiện ra sát sau lưng nhà mình có một khu nguyên
sinh tuyệt vời như thế, tôi kêu thợ mở thêm một cửa sổ thông lui đám đất hoang. Thế là từ đấy sau
những giờ ở trường về, những lúc bế tắc chưa tìm ra được đề tài cho những
truyện ngắn, tôi lại mở cửa sổ nhìn ra
khu hoa lá thiên nhiên xem bầy chim tung tăng bay nhảy và hót ríu ra ríu rít
trên đọt cỏ. Có lúc, cho đến chạng vạng tối, khi đám chim sẻ và mấy con vành vạch đã tìm nơi ngủ,
thì hai con chích chòe vẫn cứ bay lượn chao đảo, miêng không ngừng cất lên
những tiếng hót rộn ràng. Có một lần hình như không thấy tôi đứng trong cửa sổ,
một con đã bay tạt vào và đậu ngay song cửa trước mắt tôi. Tôi đứng yên bất
động sợ nó phát hiện mà bay đi. Ôi đôi cánh điểm những đốm trắng đẹp đến tuyệt
vời. Nó cong đuôi cất tiếng hót. Chợt
nhận ra tôi, nó im bặt rồi hốt hoảng vụt bay đi. Đến tối thì cả hai con rủ nhau
bay về một cây táo hoang mọc gần đó. Có thể đó là nhà của chúng.
Có nhiều khi tôi tự cho mình là
may mắn. Nếu không có đám đất hoang phía sau nhà thì tôi cảm thấy thật khó sống
ở một ngôi nhà mà trước mặt là một con hẻm luôn luôn vang động những tiếng ồn
ào chữi bới. Hể mở cửa ra là có tiếng ồn ào. Khi thì do túi rác dơ của nhà nầy
bỏ sát nhà người kia. Khi thì tiếng đề
xe máy đi làm sớm của người nầy làm người kia giật mình lúc đang ngủ…Ôi
đủ một ngàn lẻ một lí do để người ta to tiếng với nhau thậm chí chữi bới nhau
không tiếc lời.
Thế rồi sự may mắn dành cho tôi
kéo dài không được lâu.
Một buổi chiều tôi đang ngồi trong phòng cặm
cụi viết bỗng nghe sau vườn cỏ có tiếng chim kêu bất thường. Đầu tiên tôi nghĩ
hai con chích chòe đang đùa giỡn sau đó. Nhưng lắng tai, tôi nghe tiếng chim
như thảng thốt như cầu cứu. Tôi bật đứng dậy chạy lui cửa sổ nhìn ra vườn cỏ.
Không thấy bóng dáng những chú chim sâu và chim vành vạch. Tôi nhìn chéo qua
cửa sổ nơi phát ra tiếng kêu. Kỳ lạ,
đúng là con chim chích chòe đang kêu. Nó đậu trên cành táo khô cách cửa
sổ nhà tôi chừng mươi mét. Miệng nó mổ lia mổ lịa vào chân và không ngớt kêu
réo. Nó bị kiến cắn chăng? Sao nó không bay đi. Bỗng nhiên đôi cánh nhỏ xíu của
nó đập mạnh, nhưng nó vẫn không bay khỏi nhánh táo khô. Rõ ràng nó muốn bay
nhưng không bay được. Chết rồi! Nó đã bị dính keo của ai đặt bẩy. Tôi chạy ra gở cho nó. Thấy tôi đến con chim đập
cánh quyết liệt nhưng nó vẫn không thể dứt ra khỏi nhánh táo khô. Có điều lạ là
hình như không phải con chim bị dính keo đang kêu mà tiếng kêu có lúc như thảng
thốt có lúc như dồn dập thúc hối đang
phát ra ở một con chim khác đậu đâu đó. Tôi tiến đến gần, con chích chòe than
thôi vỗ cánh. Nó buông thỏng thân như bất lực. Đúng là nó không kêu mà sao lại
có tiếng chim kêu réo. Nhìn quanh tôi cũng không thấy con chim nào đậu gần đó.
Lấy làm lạ, tôi quan sát cành táo khô và phát hiện có một hộp gì đấy lớn bằng
hai gói thuốc lá được quấn chặt vào cành táo bởi một sợi dây điện mầu vàng.
Đúng vật lạ nầy đang phát ra tiếng kêu. Tôi chợt hiểu, đây chính là cái máy thu
âm nhỏ đang phát ra tiếng kêu. Chính tiếng kêu nầy đã gọi những con chim khác
bay lại và thế là chúng bị dính chặt vào
lớp keo bôi dày đặc trên cành táo. Đó là cách bắt chim của mấy tay săn chim.
Tôi không quan tâm đến chiếc máy đang phát ra tiếng chim kêu rối rít mà chỉ
quan tâm đến chú chim chích chòe đang bị treo tòng teng trên nhánh táo. Tôi bắt
nó một cách dễ dàng nhưng keo dính chặt vào chân nó, tôi không thể kéo mạnh con
chim ra khỏ lớp keo. Sợ nó gãy chân. Lông cánh của nó cũng dính đày keo. Nhiều
chiếc lông cánh đã bị bức ra do nó vùng vẫy. Trông nó xác xơ đến tội nghiệp.
Hai con mắt nó nhỏ xíu và đen nhánh nhìn tôi. Không biết nó sợ hãi hay cầu cứu.
Mà có lẽ nó đang sợ chết khiếp thì đúng hơn, bởi trong bàn tay của tôi nó run
lên và cố sức dẫy dụa. Một cảm giác âm ấm từ cái thân nhỏ bé và quá mong manh
của nó khiến tôi không dám kéo mạnh. Thế thì làm sao bức nó ra khỏi lớp keo
đây? Có một vài miếng da ở chân nó đã bị tróc ra. Việc nầy không phải do tôi mà
vì nó vùng vẫy quá mạnh. Cuối cùng thì con chim cũng được tôi dùng hết sức mình
để bức ra khỏi cành táo. Đó là cảm giác của tôi thôi. Bởi khi bức con chim ra
tôi có cảm giác như chính cái chân của tôi bị một sức mạnh kéo đứt lìa ra. Thế
nhưng tôi phải hết sức chịu đựng để được
thoát khỏi một sự kềm kẹp nào đó. Con chim kêu lên một tiếng chéc đau đớn. Sau nầy nghĩ lại tôi cứ ân hận mãi về động
tác thô bạo đến tàn nhẫn của mình. Sao lúc đó tôi không nghĩ ra cách là vào nhà
lấy một chút xăng ra rửa sạch vết keo trên chân nó trước khi kéo ra? Không phải
con chim sẽ ít đau đớn sao. Một miếng da chân của con chim đã bị tróc ra bày cả
vết xương trắng hỏn. Trong lúc tôi đang lúng túng chưa biết lấy gì buộc vết
thương cho nó thì một thanh niên xuất
hiện. Có lẽ anh ta là chủ chiếc máy bẩy chim. Anh ta cũng
đang định đến bắt con chim.Tôi nói :
-Sao lại bắt nó? Để tôi thả nó
ra.
Thanh niên nhìn tôi, có vẻ không vừa lòng với đề nghị của tôi. Anh ta nói:
-Làm như chim anh nuôi không
bằng.
Nói xong anh ta đứng đó chờ tôi
trả con chim.
Tôi vẫn giữ lập trường:
-Nó đang bị gãy chân và bứt hết
lông cánh, Anh có nuôi nó cũng không sống đâu, để tôi vào bôi thuốc rồi thà,
may ra nó có thể sống được.
Thấy tôi có vẻ tha thiết muốn cứu
con chim thực lòng nên anh ta không nói gì thêm, lẳng lặng đến tắt cái máy phát
ra tiếng kêu, rồi tháo bỏ vào túi.
Anh ta đi được một đoạn thì vợ tôi ở trong nhà nói vói qua cửa sổ:
-Anh thả nó ra coi thử nó có bay
được không. Bay được là nó sẽ sống.
Không biết sao lúc đó tôi lại
nghe lời vợ tôi mà không tìm cách chữa trị vết thương cho con chim như tôi đã
nói với thanh niên lúc nãy. Tôi buông
tay để xem con chim bay được không. Con chích chòe đáng thương nhảy ra khỏi
lòng bàn tay tôi và vỗ hai cái cánh tả tơi lông lá. Nó rơi xuống đất rồi cố bò
lết. Nó không bay được. Nghĩ vậy tôi định bước đến nhặt nó lên. Bỗng một vệt
sáng mầu vàng cam từ đâu sau lưng tôi
bay vụt tới phía con chim giống như một trái bóng của đứa bé đâu đó đá tới.
'Chéc' Con chích chòe kêu một tiếng gãy gọn. Tôi thét lên:Mèo! Mèo! Nhưng không
còn kịp. Con mèo vàng tôi nuôi trong nhà đã vồ lấy con chim rồi biến mất. Tôi
hoàn toàn không kịp trở tay. Tôi trút tức giận lên vợ tôi:
-Tất cả là tại em đấy. Tội nghiệp
con chim.
-Ô hay sao lại tại em? Sao
không phải tại cái cậu thanh niên bẩy
chim hay tại con mèo, mà tại em. Cái anh nầy hay thật.
-Tại em xúi dại chứ sao nữa.
Vợ tôi cười vô tâm:
- Xúi khôn anh hoài mà anh có
nghe đâu. Vậy thì phải xúi dại chứ sao nữa.
Tiếng cười trong trẻo của vợ tôi
đã nhanh chóng lôi tôi ra khỏi cái ân hận rằng mình đã không cứu được con chim.
Những sáng và buổi chiều sau đó, dù thanh niên không mang bẩy chim đến
cài sau vườn cỏ, nhưng tuyệt nhiên cả khu vườn
không có bóng dáng một con chim.
Cứ sáng sáng tôi mở
cửa sổ trông ra vườn cỏ hy vọng bầy
chim sẽ quay trở lại bắt sâu và ca hát như mọi khi. Nhưng không
thấy. Đã năm ngày trôi qua chúng vẫn bặt tăm. Để xem trí nhớ của loài chim lâu
đến chừng nào. Nhất định có lúc nó sẽ quên đi cái tai nạn khủng khiếp kia để
lại tìm về với vườn cỏ đầy thức ăn và nắng ấm nầy. Tôi vẫn thường mở cửa sổ và
vẫn chờ. Rồi một tuần lễ cũng đã trôi
qua…
Vào một buổi sáng đẹp trời, khu vườn cỏ óng
ánh, sáng ngời sau cơn mưa đêm. Kìa đàn chim
đã trở lại. Vẫn là những chú chim sẻ màu nâu liếng thoắng, những chú
vành vạch có vệt trắng trên đầu. Nhưng tuyệt nhiên không có chim chích chòe.
Chúng từng là một đôi, nhưng nay đã mất một con. Tôi cố ý đợi con chích chòe
còn lại hơn là đợi bầy chim sẻ, chim vành vạch. Nhưng nó đã không đến! Có lẽ
mãi mãi nó không đến cái vườn cỏ đầy bất trắc nầy. Những con chim sẻ, những con
vành vạch thỉ đã quên. Nhưng con chích chòe thì không thể quên, vì ở đây người
ta đã giết chết bạn đời của nó!
Mỗi lần nhìn vườn cỏ vắng bóng
đôi chích chòe, lòng tôi lại dâng lên một nỗi ân hận.
Đã giúp ai điều gì, dù một sinh vật nhỏ bé đi
nữa, mà không giúp tới nơi tới chốn, nửa
chừng mà buông tay thì cũng là một tội ác phải không bạn!
Sài gòn những ngày đầu mùa mưa
2014
Nguyễn Bá Trình
Nguồn: nguyenbatrinh.com