Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, July 30, 2014

Lê Duy Đoàn - MỖI CHUYỆN NHỎ - MỖI BÀI HỌC

Trích từ tác phẩm ĐI TÌM NHÀNH HOA THẠCH THẢO, tác giả Lê Duy Đoàn, NXB Thanh Niên, 2014, tác gỉả gởi tặng.
  



          Trong đời chúng ta, có những chuyện nhỏ nhưng bài học rút ra từ đó đôi khi ảnh hưởng nhiều đến nhân cách chúng ta, nhất là những chuyện đó do những người thân của chúng ta đã làm hay đã nói với chúng ta.


1. Chơi như rứa là ác

Lúc còn bé, tôi là đứa bé nhác học ham chơi. Người ta hay nói là cần cù bù thông minh còn tôi thì ngược lại, chỉ có chút ít thông minh để bù vô chỗ nhác học. Đôi khi tôi đi qua nhà người bạn cùng lớp cạnh nhà chơi, về nhà bị ba tôi la “sao không lo học bài ngày mai”, tôi trả lời ”dạ con học rồi”. Ba tôi không tin hỏi là “học khi mô mà ba không thấy.” Tôi đem sách vở ra cho ba tôi kiểm tra bài thì tôi đọc vanh vách bài ngày mai. Ba tôi ngạc nhiên “thằng ni học khi mô mà mình không thấy hắn học chi cả”. Ba tôi đâu có biết, ngồi chơi nghe người bạn học bài lớn tiếng, tôi nghe qua vài lần là thuộc ngay, khỏi mất công ngồi học.

Nói cái chuyện ham chơi của tôi thì dài dòng lắm. Con nít trai gái trong xóm chơi trò chi thì tôi cũng chơi với chúng trò ấy. Chơi sa đà. Một khu vườn rộng sau nhà ông Tư nhiều cây cối im mát là nơi tôi sử dụng không biết cơ man nào là vũ khí tự chế bằng gỗ, tầm vông: kiếm, đao, trường côn, côn nhị khúc, cung tên, phi tiêu, ná thun, … những cây mít cây nhãn, những bụi chuối sứ là những đối thủ cứ đứng yên cho tôi tha hồ quần thảo như một võ sĩ thứ thiệt. Đôi khi tôi bị sưng mắt, sưng mũi vì vũ khí trở quẻ gõ vào đầu mình. Những khoảng sân đất rộng rãi của nhà bác Phượng, mệ Ký, sân chùa là nơi chúng tôi chơi bi, căn cù, ù mọi, nhảy dây, bắt tường, đánh xu, đánh đáo, tạt lon, chơi con quay. Dọc đường quốc lộ có nhiều khu vườn rộng với những hàng chè tàu là nơi chúng tôi chơi trò trốn tìm vào buổi tối. Lạ một điều là tôi chun vô trốn chỗ nào cũng có một hai đứa con gái chun vô theo. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ hương tóc của mấy cô nàng trốn chung một chỗ thời nhỏ dại. Bây giờ kể lại chuyện xưa, mấy mệ ấy nói “dị òm, hồi đó người ta ngây thơ, răng mà “ấy” ranh mương rứa hè?!” Chun vô theo mà nói người ta ranh mương, lạ thật. Có khi cả bọn con trai rủ nhau leo lên thành hái keo, thả diều, đánh giặc giả ném đất vào nhau, đi hái trái phượng dọc đường gần Phú văn lâu, hái đào nhà dì Hai, bẻ dừa nhà bác Giáp hay bẻ bắp, đào khoai dưới biền.

Một hôm tôi lấy dao gọt một cái lỏi trục chỉ bằng gỗ, cắm vô lổ trục chỉ một cây đủa tre rồi trau chuốt cho trục chỉ thành một cái bông vụ (con quay). Tôi kiếm một cái que ngắn, cột chắc vào đầu que một sợi dây dù. Làm xong tôi ra sân quấn dây vào con quay rồi ném và giật mạnh tạo lực quán tính để con quay quay đều. Chốc chốc, tôi lại dùng roi dây quất vào con quay vun vút để con quay không dừng lại mà cứ quay hoài. Tiếng quất roi dây nghe vút vút, tiếng dây đập xuống đất nghe chát chát.

Bà nội tôi nghe tiếng roi dây quất con quay, vội chạy ra sân, hốt hoảng nói với tôi: “Cháu vô đây, vô đây.” Tôi thất kinh tưởng có chuyện chi nghiêm trọng xảy ra. “Cháu dẹp đi, đừng chơi trò đó nữa cháu” “Trò chơi ni vui, răng cháu không được chơi?” “Chơi như rứa là ác lắm!” “Chơi con quay mà ác? Chi lạ rứa Mệ?” “Ác lắm cháu ạ, người ta đã bỏ chạy mà mình còn rượt theo mà đánh trí mạng, tội nghiệp lắm”. Mệ tôi không nhìn thấy đó là một cái con quay vô tri vô giác mà mệ nhìn ra một con người khốn khổ nào đó đã trốn chạy mà cứ bị rượt theo đánh đập tàn nhẫn ! 


2. Ngày mai tôi ăn chi

O Khém, ở ngoài cửa Chánh Tây, thường đi coi bói dạo. Nhiều người tin ngồi đặt quẻ cho O coi vận hạn. Ba tôi luôn nói với chúng tôi “ Bói ra ma, quét nhà ra rác” để chỉ ra chuyện bói toán không đáng tin.

Một buổi xế trưa, O Khém ghé nhà, gặp Ba tôi O mời “Anh coi một quẻ mở hàng, sáng ni ế quá”. “Được, O coi cho tui một quẻ, nếu O nói đúng thì tui coi tiếp.” O Khém mừng. Ba tôi đặt tiền quẻ xong hỏi O “O nói cho tui biết, ngày qua tui ăn chi, sáng ni tui ăn chi và ngày mai tui ăn chi” “Anh giỡn chi ác rứa? Nói lác lác. Anh ăn chi mần răng tui biết!?” “Sáng qua là quá khứ, sáng ni là hiện tại, sáng mai là tương lai. Gần như rứa mà O không đoán được thì làm răng tui tin được những chuyện xa hơn?” Nói thì nói vậy nhưng Ba tôi vẫn biếu O Khém tiền đặt quẻ.
O nói ”Cái anh ni hiện ngụy nờ”.


3. Bị bắt vì xài tiền giả

Lúc sinh tiền, ba tôi lo chuyện cúng kiếng trong họ hàng và gia đình rất đàng hoàng. Ông luôn chống lại thói mê tín dị đoan. Lần nào cúng ở nhà tôi, O tôi cũng thường mang vào một bộ đồ giấy vàng mã. Cái mũ, cái dù, cái rương, mấy bộ áo dài khăn đóng hay áo cổ kiềng, đôi giày hạ kèm theo mấy xấp giấy tiền, giấy vàng, giấy bạc (miếng giấy bổi hình vuông có quệt một chút vàng, chút bạc ở giữa), đôi khi có vòng, có xuyến nữa. Như thế gọi là một bộ đồ cúng để cho người đã khuất có đủ đồ dùng khỏi thiếu thốn, lạnh lẽo. Tất cả đồ hàng mã đó đều làm bằng nan tre, phất bồi bằng giấy màu xanh đỏ kèm theo những hoa văn họa tiết chạm đục trên giấy ánh kim.

Một hôm, O tôi mang bộ đồ vàng mã vào cúng ông nội, ba tôi giương cây dù giấy lên, đẩy mạnh một cái như giương cây dù thường dùng. Nghe soạt một cái, những nan tre bên trong xé toạt tấm giấy màu đen bao bên ngoài chỏng gọng. Cây dù hàng mã biến dạng dúm dó. Thấy vậy, O tôi bật khóc ngon lành và vùng vằng bỏ về không tham dự lễ kỵ nữa. Ba tôi phải đến nhà xin lỗi xin phải hết hơi O tôi mới nguôi giận.

Sợ mất lòng chị nên ba tôi xin lỗi nhưng khi ngồi riêng với chúng tôi, ba tôi nói: “Áo quần may đo, đôi khi còn mặc không vừa người. Bây giờ còn ai đi giày hạ nữa? Ai đội mũ phớt? Ra mốt mới là mốt cũ xếp xó hay vất bỏ. Bây giờ người ta dùng vali Samsonite chứ ai dùng cái tráp, cái rương vuông vức cổ lổ sỉ như thế. Cái dù mới giương lên đã rách nát làm sao mà dùng. Cõi dương trần thế nào thì cõi âm cũng như vậy. Bây giờ ai dùng tiền xu từ thời “Minh mạng thông bảo? Tiền giấy đô la cúng cả vạn đô? Ở dương gian mình làm ra một trăm đô la là chảy máu mắt, có mô cả vạn đô để cúng ông bà? Nhảm nhí rứa mà người ta vẫn làm, vẫn mê tín? Không khéo, gửi tiền ni đến cho ông bà cha mẹ, mới cầm đi xài thì họ đã bị cảnh sát nơi đó còng tay vì tội xài tiền giả?”


4. Bia rượu

Buổi chiều khi xong công việc, ba tôi thường ra ngồi trên cái sập kê trước tủ hàng vải cái quán tạp hóa của mẹ tôi. Ông tìm một chai bia cao con cọp có hai chuỗi hoa houblon hai bên, lúc đó người ta gọi là “chai bia trái thơm”, tin rằng chai bia đó là chai bia ngon đặc biệt (mỗi két chỉ có một chai). Khi nào ông cũng kêu tôi cùng ngồi cưa đôi chai bia với ông. Ly bia thêm một chút đường dậy bọt trở nên đậm đà hơn. Ba tôi thường nói: “Chỉ nên uống bia chứ đừng nên uống rượu. Bia uống vừa phải thì tốt chứ uống để say mèm thì đó là thuốc độc. Không ai nói là “ông say rượu” mà đứa con nít cũng thường hay gọi ông già say rượu chân nam đá chân xiêu là” thằng say rượu”. Uống bia rượu tiền của người ta đãi mình mà uống cho cố đến nổi cho chó ăn chè là tham ăn tham uống đáng khinh, uống bia rượu tiền của mình mà như vậy đã phung phí mà còn hại sứ khỏe.” 


5. Thi ân bất cầu báo

Em gái kế út của tôi đi sinh, chị nó ngồi chờ bên ngoài. Một bà mẹ có con sinh phòng bên cạnh bắt chuyện. Khi biết em tôi là con Bà Dung, là dâu ở làng An ninh Hạ, bà ấy cầm tay, chảy nước mắt và nói với em gái tôi: “ Mạ con là người nhân hậu vô cùng. Gia đình O nợ ơn nợ nghĩa của mạ con không biết mần răng mà trả cho hết. Hồi trước, O túng quẩn, nhà lại có việc bi đát phải lấy giấy tờ nhà đi vay nóng lãi cao. Tiền mô mà trả nổi, lãi mẹ đẻ lãi con, người ta đến xiết nhà, quăng đồ đạc, đuổi cả nhà O ra ngoài đường. Mạ con thấy tình cảnh của O quá thảm mới bỏ tiền ra trả nợ cho O để lấy lại giấy tờ nhà và nói là khi mô có tiền trả lại mạ con cũng được. Số tiền lớn lắm chứ có phải ít ỏi chi mô. Mạ con còn cho tiền O để sắm một gánh đậu hủ và vốn xoay để có sinh kế nuôi gia đình”.

Hỏi Mẹ tôi O đó là ai, mẹ tôi lãng qua chuyện khác và trả lời: “ Chuyện xưa lắm rồi, Mạ không nhớ.” Mẹ tôi có trí nhớ tuyệt vời tôi không sánh kịp làm sao mẹ tôi không nhớ chuyện đó được?
  

6. Đốt sổ nợ

Năm 1968, nhà chúng tôi ở phường Phú Thạnh là vùng giao tranh ác liệt. Dọc con đường Thống nhất, hầu hết nhà cửa bị bom đạn phá sập. May mắn là nhà tôi và cái quán tạp hóa của mẹ tôi chỉ bị nứt tường và vết mảnh bom đạn trên mái tôn và vách nhà. Mẹ tôi đã qua cơn bạo bệnh và cả nhà an lành trở về nhà.

Trong việc mua bán, mẹ tôi làm hai cuốn sổ.

Một cuốn sổ ghi nợ, gồm những người mua chịu, mua thiếu tới tháng trả. Nhiều người cứ nợ hoài vì túng quẩn nhưng mẹ tôi vẫn bán tới cho họ. Có những người vay tiền với lãi thấp cũng ghi vô sổ đó.

Một cuốn sổ ghi tiền góp ngày. Mỗi ngày người ta góp một số tiền, đến cuối kỳ góp sáu tháng hay một năm, họ nhận lại tiền góp cọng với tiền lãi. Một kiểu bỏ ống heo mà có lãi.

Thấy làng xóm tan hoang, mất nhà mất cửa, đời sống bà con xóm giềng bấp bênh, nhà mình còn như ri là đại phước, mẹ tôi đem sổ nợ ra châm lửa đốt, chỉ giữ lại sổ góp của bà con mà thôi. 


7. Chẳng thà cầm tiền cho

Ba tôi dặn dò chúng tôi: “Các con cố gắng đừng mượn nợ và tránh cho mượn nợ. Người ta mượn tiền, không trả được hay không muốn trả thì họ sẽ tránh mặt mình. Đòi nợ thì họ giận họ tránh, không đòi thì mình ấm ức. Tốt nhất, khi người ta túng hỏi vay nợ mình, mình dư dả thì đem tiền cho người ta, đừng cho mượn. Bạn bè mượn nợ, thế nào cũng mất bạn.”

Tôi nhiều lần nhẹ dạ thương người mà cho người ta mượn tiền. Chẳng ai trả lại. Mất bạn luôn.

Có một người bạn chí thân, năm 1974 đến nhà than với tôi là người đẹp của anh ấy lỡ có bầu rồi, bây giờ phải tổ chức cưới gấp. Lúc đó anh ấy nghèo nên năn nỉ tôi cho mượn 5 chỉ vàng để sắm sanh lễ vật. Vợ tôi là người tốt bụng, nghe tôi kể hoàn cảnh của bạn thì vui vẻ mở tủ lấy ra cho mượn ngay. Lúc vợ khai hoa nở nhụy, anh ấy lại đến mượn 2000 đồng để lo chi phí sinh nở (thời điểm đó 2000 đồng khá lớn). Chúng tôi cho mượn tiền và cho mượn luôn chiếc xe Honda dame để đi lại.

Bây giờ, anh ấy giàu có. Có nhà cửa khang trang, có vườn rộng hơn ngàn mét vuông ở mặt tiền con đường đẹp thành phố, có xe hơi, chơi cây cảnh đầy vườn, mỗi cây vài chục triệu đồng. Từ khi mượn tiền lúc dầu sôi lửa bỏng cho đến bây giờ gần 40 năm, anh ấy chẳng bao giờ đề cập đến 5 chỉ vàng đầy ân tình như thế! Tôi chẳng hề đòi nợ nhưng tự hỏi sao người ta không sợ chuyện “kéo cày trả nợ” nhỉ? 


8. Ác quá

Anh Trần là bạn tâm giao của tôi. Chúng tôi cùng học một khóa sư phạm và có sự đồng điệu trong nhiều lãnh vực đời sống nên giao tình thân thiết. Anh ấy qua định cư và đã đậu Tiến sĩ ở Mỹ.

Ngày cuối trong một lần Trần về thăm quê, chúng tôi đi chơi với nhau. Tôi đèo anh ấy đến thăm các anh Trần Tuấn Mẫn và anh Nguyễn văn Nhật ở văn phòng báo Văn Hóa Phật Giáo rồi đi đến tòa soạn báo Giác Ngộ. Xế trưa, Trần rủ tôi ra một quán ăn ở bờ kè sông Sài gòn, gần đường Trần Não, quận 2.

Ngồi dưới tàn cây bàng rợp bóng bên bờ sông, dù buổi trưa oi nồng nhưng gần sông nước nên không khí mát mẻ dễ chịu. Đưa bản thực đơn cho tôi, Trần bảo tôi gọi món ăn. Tôi thấy dọc đường Phạm ngũ Lão cạnh nhà tôi có nhiều quán lẩu cá kèo đông khách. Tôi chưa hề ăn nhưng bụng nghĩ thầm khách đông như thế thì hẳn món ăn ngon và hấp dẫn.Tôi gọi cái lẩu cá kèo vì nghĩ rằng món lạ chắc bạn sẽ thích.

Lát sau, người phục vụ bàn đem ra một cái lò nấu cồn khô và một cái chảo nhôm có nước nêm sẵn gia vị. Một dĩa bún, dĩa rau mùi và măng chua. Trên tay anh ta một cái túi ni lông đựng khoảng mươi con cá kèo còn sống chen nhau vùng vẫy.

Trần ngạc nhiên: “Cái gì đây, ăn cách răng đây?” “Dạ, cứ như vậy thả vô nước sôi.” Cầm bịch cá trên tay, Trần tần ngần: “Không phải làm sẵn à?” “Dạ ăn thế này mới ngọt nước!” Trần quyết định nhanh: “Bây giờ tui không ăn món ni, tui gọi món khác được không? Hỏi ông chủ bịch cá ni giá bao nhiêu tui trả.” Chúng tôi gọi một cái lẩu cá thát lát, hổ qua thay cho cái lẩu cá kèo.

Khi người phục vụ đi vào trong, Trần thừ người nhìn ra một chỗ xa xăm nào đó và buột miệng: “Ác quá.”

Tôi cũng ngớ người ra vì đã từng ăn lẩu cá kèo lần nào đâu mà biết.

“Dạ chín chục ngàn.” Biết là bịch cá kèo mươi con mà giá đó là quá đắt, nhưng Trần vẫn vui vẻ móc tiền ra trả. Xong, Trần mở túi ni lông thả ngay mấy con cá xuống sông. Mấy con cá chìm xuống rồi quẫy đuôi ngoi lên mặt nước vùng vẫy như nói lời cám ơn. Trần mỉm cười rạng rỡ.                                               


                                              Sài gòn, ngày 8/7/2013
                                                     Lê Duy Đoàn
READ MORE - Lê Duy Đoàn - MỖI CHUYỆN NHỎ - MỖI BÀI HỌC

Tuesday, July 29, 2014

CHÙM THƠ VŨ MIÊN THẢO

 
Tác giả Vũ Miên Thảo


tình ơi….!

1 gang tay - 1 gang đời
nửa gang tiếc nhớ - 1 trời quanh co
nửa gang tình khó ai cho?
cả thiên thu mộng...
lơ ngơ
cõi người
so thì ngắn hơn nụ cười
câu thơ nát vụn
"tình ơi... mưa dầm"

5-2014


em mang đêm phố bán cho người
                         (gửi chiều con gái)

buồn hóa nón che trên đầu nỗi nhớ
em mang đêm phố bán cho người
mặt một nửa 
hé nụ cười bối rối
một nửa kia
nhức nhối nụ hoa đời

lòng người như chóp sóng xa khơi
tin yêu ngắn
truân chuyên chiều con gái
một lá...
một lá...
bay từng lá
tượng hình hạt nhớ khóc sương rơi

nhai ngấu hoàng hôn
đêm bợn dạ
đất cựa mình
thao thức với sương khuya
bán cho người nửa phần đêm còn lại
em vẫn chiều con gái
khóc trong mưa!
 ...

VMT
             (datdung.com)


nhớ… quên!

quên lại hẹn!
hẹn rồi quên
cho mưa tháng sáu bắt đền lời ru
khi kỷ niệm khóc non thu
hình như đâu đó...
tít mù dáng xưa!
mười năm
uẩn khúc vẫn chờ…
loanh quanh
mưa
nắng
hẹn hò...
nhớ
quên! 


vắt ráo nghê thường

tình đã khuất bên kia bờ mị mộng
gió vô chừng cuốn hút vạt xuân hương
đêm quờ quạng chạm nụ đời héo cuống
lau cô miên vắt ráo hoảnh nghê thường

(23g35p/ 25-6-2014)


VMT
READ MORE - CHÙM THƠ VŨ MIÊN THẢO

Phạm Ngọc Thái - CHÙM THƠ "KÝ ỨC TÌNH XƯA"



ANH VẪN CHỜ EM DƯỚI CÂY

Hàng cây đêm lặng im không nói
Rì rào gió thổi lúc anh qua
Anh đứng lặng nghe không gian vọng lại
Bóng hình em nay đã mờ xa.

Ôi,  năm tháng chỉ còn hoài vọng
Cuộc sống bao năm anh đã tôn thờ
Quá khứ một bản tình hoang dại
Hiện tại giờ hết thảy lại hư vô.

Cả không gian vẫn âm thầm gió thổi
Em xa rồi, tình cũng vỡ tan!
Trong tít tắp tận miền xa chới với
Nghe thấy không em, tiếng gọi của lòng anh?

Trời mưa gió hay lòng anh mưa gió
Dưới hàng cây thổn thức canh khuya
Cuộc sống thì mây trôi bèo dạt
Anh vẫn đứng chờ em
                              như thế mãi ngàn thu...


NHỮNG CÂU THƠ VƯƠNG RƠI

Ta giết thời gian bằng thơ
Hồn bay vào mây gió
Tháng năm trôi, nối tiếp tháng năm trôi…
 
Ừ, cứ viết!
Ta nhặt ngọc ra từ trong đổ nát
Trải tình lên trang giấy trắng cuộc đời
Yêu rất nhiều mà kiếp sống vẫn đơn côi!
 
Ta gieo em khắp trời, khắp đất
Với trái tim người thi sĩ lang thang
Rồi một ngày thân đã vùi xuống đất
Những tình thơ ta viết sẽ ca vang.
 
Bác xích lô trên đường phố kia ơi,
và cô bán hoa tươi đang mời trong chợ!…
Cánh cửa tâm hồn tôi hoang gió
Người sống ở hôm nay, tôi sống cõi hư vô.
 
Ta hạnh phúc hay là người hạnh phúc?
Chủ nghĩa kia cũng chỉ một bàn cờ
Dẫu thơ ta gieo không đổi thành cơm áo
Nhưng linh hồn còn có chỗ để mà mơ.
 
Ta nhìn lá cây bay, giữa trời cao nghe gió
Ngắm cát bụi trôi trong cuộc sống xô bồ
Trái tim lại lang thang như một người hành khất
Nhặt mấy câu vương rơi, thấm máu của hồn thơ.


NGƯỜI  ĐÀN BÀ CỦA MÙA THU

Thu đã chết theo tháng năm tàn úa
Qua mỗi mùa lá rụng, em ơi!
Anh đi giữa những mùa xa vắng ấy
Tình em bay trong ảo giác tơi bời.

Cuộc sống trôi đi những ngày hoang lạnh
Như lá vàng rơi trên mồ lão Giăng Van Giăng     
Và anh sống trên đời côi cút
Lang thang bờ bãi của bóng đêm.

Lại nhớ đến bao nhiêu mùa trước
Người đàn bà từng thao thức bên anh
Thu trong em: Ôi, mùa thu rạo rực
Tình em như biển thẳm trời xanh.

Người đàn bà! Mùa thu, mùa thu...
Nàng có đôi mắt mơ hiền đẹp
Vòm ngực nàng như một bầu trái ngọt
Những đêm thâu nghe thổn thức bên hồ.

Anh viết về mùa thu
                   mà câu thơ lại không lối xô bồ
Dẫu trái tim còn tràn đầy cảm xúc,
Em có nghe! Tiếng của hàng cây đương nhắc
Trong hư vô hun hút quyện vào đêm..

                   Hà Nội, thu 2014
                   Phạm Ngọc Thái
READ MORE - Phạm Ngọc Thái - CHÙM THƠ "KÝ ỨC TÌNH XƯA"

ĐÀ LẠT, THÀNH PHỐ MƯA BAY - thơ Nguyễn An Bình



Em hẹn tôi về thăm thành phố mưa
Trên đồi cỏ non ven hồ liễu rũ
Một thoáng hương xưa qua từng phố cũ
Ly cà phê thơm năm ngón dịu dàng.

Con đường mưa quyến rũ bước chân nàng
Bờ vai nhỏ đong đưa đôi mắt biếc
Phố núi mù sương không lời tiễn biệt
Tiếng chim gọi tình vách núi cheo leo.

Dấu chân ngựa về nhớ gió thông reo
Hoa vẫn nở vô tình trên kẻ đá
Những đóa hoa vàng nao lòng khách lạ
Nghe lá thu mưa ngỡ bước em về.

Lãng đãng trong sương thơm mái tóc thề
Tình yêu tôi, tình một thời nông nổi
Mưa trong lòng, mưa làm em bối rối
Không còn tôi ai nhắc chuyện ngày xưa.

Em hẹn tôi về ngắm thành phố mưa
Mười mấy năm lời hẹn xưa bỏ lỡ
Gió hãy mang tình yêu tôi thuở đó
Mưa đồng bằng nhớ thành phố mưa bay.

                          Tháng 7/2014
                       Nguyễn An Bình
READ MORE - ĐÀ LẠT, THÀNH PHỐ MƯA BAY - thơ Nguyễn An Bình

TAKANO, LINH HỒN ANH ĐÂU ĐÓ, QUANH ĐÂY! - thơ Phan Kỷ Sửu

Isayo Takano (1943 - 1979)

Những người lính già ở Lạng Sơn cứ bảo:
Linh hồn anh vẫn đâu đó, quanh đây!
Bởi anh yêu đất này nên gửi lại hình hài
Giữa rừng núi biên cương mịt mờ, thăm thẳm
Takano lòng anh là tuyết trắng
Ngọn Fugi quê mẹ trắng trời đông
Và tình anh đào mới nở đầu xuân
Để lắng mãi trong tôi thành nỗi nhớ..
35 năm, những ngày súng nổ
Phía Bắc quân thù ngạo mạng tràn qua
Phố Kỳ Lừa lãng mạn ngày xưa
Đổ nát, hoang tàn dướt gót giày vấy máu
Nàng Tô Thị ôm con chạy loạn giữa hãi hùng từng loạt pháo
Chùa Tam Thanh cũng nghẹn tiếng chuông  buồn...
Ngày 7 tháng 3 bên kia sông Kỳ Cùng từng loạt đạn vô lương
Cuồng nộ nhằm vào những bàn tay không tấc sắt!
Anh gục ngã nhưng hãy còn giữ chặt
Cái máy ảnh thâm tình như giữ chính trái tim mình
Một trái tim cùng một nhịp chân tình
Với chính nghĩa Việt Nam trong sáng (x)
Ngọn bút sắt của cuộc đời quả cảm
Không thể cong trước mọi hiểm nguy nào..
Anh đã đi từ những chiến hào
Rừng biên giới Tây Nam ngày lửa cháy
Dọc chữ S yêu thương mãi mãi
Rồi về đây và dừng lại thiên thu
Lạng Sơn ơi! Nhớ mãi Takano
Bia Tưởng niệm ở Hoàng Đồng sừng sững
Dãi mưa gió vẫn ngẫng cao dáng đứng
Như tấm lòng Việt Nam không thể nào quên!
"Xin hát về người.." nào các cháu, các em
Nhân chứng của một thời hào hùng và bất tử
Takano trong những dòng lịch sử
Đất nước này mãi thắm đậm tên Anh
Để những thế hệ sau này hiểu rõ ngọn ngành
Năm 79 vì sao ta cầm súng
Vì yêu hòa bình, vì yêu cuộc sống
Vì ta mang dòng máu của Vua Hùng
Và ta là cháu con của Lê Lợi, Quang Trung...                                                
(x) Dựa theo câu nói của Takano: "Sang Việt Nam là trách nhiệm của chúng tôi. Trong cuộc chiến tranh chính nghĩa và phi chính nghĩa, chúng tôi đứng về phía chính nghĩa."

                                                             PHAN KỶ SỬU



*****



Theo VJCC: Takano Isao sinh năm 1943 ở Kobe. Năm 1962, khi tốt nghiệp trường Đại học Công nghiệp Nhật Bản, anh vào làm việc tại một xưởng điện và gia nhập Đảng cộng sản Nhật Bản. Năm 1967, anh được cử sang Việt Nam học tiếng Việt ở Đại học Tổng hợp Hà Nội; năm 1971 thì tốt nghiệp. Tháng 2/1978, Takano là đặc phái viên, phóng viên báo Akahata- cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Nhật Bản. Khi chiến tranh bảo vệ biên giới nổ ra, anh lên Lạng Sơn, hy sinh vào trưa ngày 7/3/1979, tại đầu đường Quang Trung, phường Chi Lăng, thị xã Lạng Sơn. (Nguồn: línhsinhvien.vnweblogs.com chép lại từ Quê Choa)




READ MORE - TAKANO, LINH HỒN ANH ĐÂU ĐÓ, QUANH ĐÂY! - thơ Phan Kỷ Sửu

NSƯT TRƯƠNG THƯƠNG HUYỀN - Đinh Thanh Hải

(Nguồn: Facebook của Đinh Thanh Hải, [giữ nguyên format])



Nsưt Trương Thương Huyền

O Huyền, tôi thường gọi NSUT Trương Thương Huyền với cái từ thân quen của những người miền trung gọi người chị, người bạn. Tôi quen O Huyền qua những người chị người anh đồng hương Quảng Trị. Cách O nói chuyện với bạn thật thân thương, nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn, dịu êm mà có lửa.
Tôi biết O Huyền khá lâu, nhưng chưa gặp ở ngoài đời một lần nào. Ngày 22 tháng 02 tôi đi dự đám cưới của anh Bùi Du ở Vũng Tàu, một đám cưới được tổ chức tại khu du lịch Hồ Mây - Vũng Tàu. Hôm đó, tôi rất vui vì được gặp trực tiếp o. Một người phụ nữ có dáng người đẹp, nụ cười luôn nở ở trên môi. Những ai đến dự đám cưới đều niềm nở đến nói chuyện với O, rồi chụp chung cùng O một tấm hình để làm kỷ niệm. Bữa tiệc cưới càng vui hơn khi âm nhạc được nổi lên, những tiếng đàn lời ca của những người bạn như thay lời chúc cho đôi uyên ương trăm năm hạnh phúc. Từ sân khấu MC giới thiệu: Để tiếp tục chương trình, tôi xin được trân trọng kính mời NSUT Trương Thương Huyền, một người con gái của miền quê hương Gio Linh Quảng Trị lên tham gia chương trình văn nghệ góp vui cho tiệc cưới của bạn Bùi Du cùng Kim Chi.

Đúng là một người nghệ sĩ thực thụ, tiếng hát cao vút, điêu luyện, làm cho không khí đêm Hồ Mây Vũng Tàu như rộn ràng hơn, vui hơn.

Trong tôi, đã bắt đầu có ấn tượng về O, một người đồng hương Quảng Trị quê tôi. Tôi dần dần tìm hiểu về con người mang tên Trương Thương Huyền. Qua trang cá nhân của chị, cùng những chia sẻ với bạn bè trên mạng xã hội, tìm đọc thêm những bài viết trên các trang báo ... Tôi biết thêm một đôi chút về chị, một người con của miền quê xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.



Cô Thai (thời trẻ) - trong phim Cỏ Lau của Đạo diễn Vương Đức - hình ảnh chụp trong phim Cỏ Lau.

Tôi lần tim bộ phim Cỏ Lau của Đạo diễn Vương Đức để xem lại một lần nữa, để xem chị vào vai diễn như thế nào ? Trong phim O Huyền vào vai Thai thời trẻ. Xem O diễn cùng diễn viên điện ảnh Đơn Dương làm trong tôi dâng trào cảm xúc, tay nổi da gà. O diễn xuất rất thật, rất có hồn, đôi mắt làm người xem phải chú ý, nó dường như rất sâu. Xem phim chắc ai cũng như tôi nghĩ: Cô ấy không qua một trường lớp đào tạo diễn xuất nào sao ? Cái lối diễn xuất toát lên sự hồn nhiên của người con gái quê mộc mạc, giữa cái thời bom đạn của chiến tranh.

O Trương Huyền chia sẻ: " Đạo diễn Vương Đức mời đóng vai phụ nhưng sau đó thấy hợp vai Thai thời trẻ hơn, cùng vai với nghệ sĩ Minh Châu. Hồi đó mình rất nhút nhát, nên sau giờ quay không dám nói chuyện gì với Đơn Dương, chị Minh Châu, Quang Hải ( sau này là đạo diễn). Vào vai diễn hoàn toàn bằng bản năng, chứ đã qua đào tạo trường lớp diễn xuất gì đâu ? ... ". O lại kể tiếp: " Hồi đó diễn viên điện ảnh Đơn Dương và Quang Hải về Đông Hà ai thấy cũng choáng, cao lêu khêu. Có hôm đi quay về, cả nhóm đi bộ trên đường thì trẻ con chạy lại chào bằng tiếng Anh " Hello" ... ".


Cô Thai - Hình ảnh chụp trong phim Cỏ Lau.


Dvda Đơn Dương trong phim Cỏ Lau - Hình ảnh chụp trong phim Cỏ Lau.

Tôi chợt thấy con mắt của người Đạo diễn Vương Đức thật tuyệt vời, đã chọn đúng người đúng vai, một vai diễn với cách diễn xuất tuyệt vời.

Hiện nay, NSUT Trương Thương Huyền là Phó Đoàn Nghệ Thuật Quảng Trị. O Huyền thường hay nói vui: Giờ gác kiếm sân khấu vì đoàn không có điều kiện, ai kêu làm phim là đi vì vẫn rất máu nghề và thèm được làm nghề. Đôi khi đi đâu đó, mọi người gọi mình bằng tên nhân vật, chứ không gọi tên thật, đó là niềm vui của người nghệ sĩ. Lần đó, hội diễn được tổ chức tại Hà Nội thì được các lãnh đạo hội, Ban giám khảo và nhiều người chào mình là: " Xin chào cô Lê ( trong vở Ám Ảnh) ".
Nhân vật Thai ( thời trẻ ) trong phim Cỏ Lau của Đạo diễn Vương Đức ngày nào giờ đây là mẹ của hai con, 1 trai và 1 gái. Trong chị vẫn có ngọn lửa đam mê nghệ thuật rực cháy, ngày đêm trăn trở với những định hướng tương lai, những vai diễn, vở kịch của sân khấu. Đa số NSUT Trương Thương Huyền tham gia ở sân khấu miền Trung và miền Bắc, sân khấu miền Nam chưa tham gia lần nào.

Tôi xin chúc O Trương Thương Huyền luôn dồi dào sức khỏe, cuộc sống tràn ngập niềm vui hạnh phúc ! Chúc O thành công hơn trên con đường công danh sự nghiệp, góp cho nền điện ảnh & Sân khấu có những vai diễn +  vở kịch hay !

MỘT ĐÔI ĐIỀU VỀ NSUT TRƯƠNG THƯƠNG HUYỀN
Tên thật là Trương Thương Huyền
Quê quán: xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị
+ Năm 1992, chị vào vai diễn đầu tiên
+ Năm 1993, chị tham gia với vai Thai trong phim Cỏ Lau của Đạo diễn Vương Đức. Ban đầu Đạo diễn Vương Đức mời chị Huyền đóng vai phụ, nhưng sau đó thấy hợp vai Thai thời trẻ hơn (cùng vai với nghệ sĩ Minh Châu)
+ Năm 1995, lần đầu tiên tham gia hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc - NSUT Trương Thương Huyền nhận 2 giải thưởng - Huy chương vàng cùng giải diễn viên trẻ tài sắc trên sân khấu.
+ Năm 1997, học trung cấp sân khấu ở trường Nghệ Thuật quân đội, nhạc sĩ An Thuyên làm hiệu trưởng.
chị Huyền tham gia phim " Bao giờ thuyền lại sang sông" một vai diễn rất hay. phim này chị có giải khuyến khích của Liên hoan phim truyền hình năm 1997.
+ Năm 2003 làm phim " đường đời" cũng đc nhiều người ấn tượng với nhân vật này.
2 phim đều do Quốc Trọng đạo diễn, Và nhiều phim khác. Thời gian này Trương Thương Huyền nhận nhiều giải thưởng sân khấu của hội diễn, cuộc thi Tài năng trẻ.
+  Năm 2008 phải tự thân đi tìm kịch bản, đạo diễn, diễn viên tại Hà Nội để thi Tài năng trẻ toàn Quốc được giải 3
Sài Gòn 2014
Đinh Thanh Hải

Xem phim Cỏ Lau của Đạo diễn Vương Đức : http://youtu.be/QAvk755PhgE
READ MORE - NSƯT TRƯƠNG THƯƠNG HUYỀN - Đinh Thanh Hải

CHÙM THƠ LÊ VĂN THANH



               Ảnh tác giả : Lê Văn Thanh




  HỒN NHIÊN

  Tình cờ anh đi qua lô 
  Thấy em cạo mủ tò mò đứng xem
  Tung tăng bộ cánh xanh xanh
  Em như chim sáo chuyền cành líu lo
             như đang nhảy điệu van-xơ...

  Chân em gấp gấp
  Tay dao thoăn thoắt
  Mắt trong sáng ngời
  Miệng hát vang vang...

  Hòa vào tiếng hót râm ran
  Chim mừng buổi sáng, gió ngàn xôn xao
  Mặt trời đỏ thắm dâng cao
  Hàng cây rạo rực nhựa trào trắng tô
  Anh trong cảm giác mơ hồ
  Là em có phải tiên cô giáng trần
                        

  CẢM TẠ TÌNH ANH (*)  

  Duyên bút "văn kỳ thanh"
  Xuân nao tình nếm trải
  Ngõ sâu vườn không trái
  Điều tiêu - Tiêu điều xanh

  Sân mai hoa vàng cành
  Nhà không lồng lộng gió
  Mần răng chừ... Xin nợ
  Thôi gởi tình vào thơ

  Thương chiến sĩ Bắc Hà
  Cảm gió lào Dốc Miếu
  Lương Nguyên ơi ! Mình hiểu
  Cảo thơm gương nhiễu điều

                        Lê Văn Thanh

(*) Bạn thơ Lương Nguyên - Sĩ quan QĐND đã đến thăm nhà năm 2007. Đã mất vì bạo bệnh 

READ MORE - CHÙM THƠ LÊ VĂN THANH

Thơ Phạm Bá Nhơn - NGÀY VỀ



Ngày trở về thăm lại xóm quê xưa kia một thời rong đuổi. Nơi ấy đã bao lần gợi lại trong lòng xứ sở ruộng đồng bát ngát - với những con đường quen thuộc men theo hàng tre che mát trưa hè. Về thăm lại vùng đất mà ngày đó đã bao lần ghé qua cùng với bạn bè từ thuở mới khôn.

Khu làng bên cạnh cùng những chuyến đò ngang mỗi lần xuôi ngược đón đưa. Những trưa nóng rát tắm mát dưới bến sông quê, ánh mắt em thơ ngơ ngát hồn nhiên đứng nhìn lặng lẽ. 

Mỗi ngày con đò chở khách đi xa, tháng năm trôi qua tuổi đời mòn mỏi nhưng vẫn đọng lại những gì êm ái từ bao tháng ngày xa còn thoang thoảng leo theo những cảm giác ngây ngô của thời trẻ dại. Tất cả đã gần già cỗi và đổi thay theo thời gian, có cái mất cái còn. Em bé ngày kia đã lớn khôn và theo dòng đời vỗ cánh sang sông. Đứng ngắm làng xưa mà tâm hồn tê tái.

Bất chợt một làm khói trắng mênh mang từ đám sương đọng lại rồi tan la và trùm xuống cả không gian tựa hồ như vành khăn ảm đạm.
Ngậm ngùi giữa đất trời vẫn một màu xanh biên biếc. Phút lặng lẽ khiến lòng người xao xuyến, buồn thật buồn rồi âm thầm thả xuống dòng sông xưa bao ước mơ và kỉ niệm của một thời. Xa xa một cánh buồm theo gió từ từ mờ khuất và chẳng biết về đâu giữa cõi mịt mờ.

Ngày về thăm lại xóm quê xưa
Xứ ngoại năm nao tuổi chớm vừa
Ngăn cách hai làng con sông giữa
Bao đời xuôi ngược chuyến đò xưa

Theo đám trò nghèo dăm bảy đứa
Những trưa tắm mát bến sông quê
Em thơ ngơ ngát bên song cửa
Dáng đứng hồn nhiên ngóng mẹ về

Từ dạo đất lành đời dâu bể
Thuyền mang khách đến bến bờ sang
Ngày qua tháng lại xuân mòn mỏi
Một thoánh hương xưa vẫn đậm đà

Ngày trở về thăm miền thôn dã
Đào mai đã khép kín làn môi
Với tôi tuổi tác thêm già cỗi
Em bé ngày xưa lớn thật rồi

Gió cuốn vô tình cơn bão nổi
Người đi chết lịm nữa hồn tôi
Mênh mang làn khói giăng ngập lối
Khóc chít vành khăn trắng như vôi

Tôi đứng bên bờ thả trôi sông
Trang thư tình cũ xếp làm đôi
Chòng chành thành một con thuyền nhỏ
Biết sẽ về đâu cuối cuộc đời

29/11/2012
                              Phạm Bá Nhơn
READ MORE - Thơ Phạm Bá Nhơn - NGÀY VỀ

Amỉmathuột - truyện ngắn cuả Chu Vương Miện


  
Amỉ là bà mẹ, mathuột là người con [con trai cũng đuợc mà con gái cũng được]. Người Êdê [hay rhadhê] ở Buônmêthuột bán gà thì con gà trống lớn, hoặc con gà mái lớn, và con gà con, thì đều cùng một giá tiền, mà có mua thì chỉ mua một con, mua xong, mua con nữa, chớ mua một lúc hai con, người Thuợng Êđê không bán, vì không có số đếm hai.

*
Tôi đi lính cuối năm 62 và tháng chín ra trưòng về vùng hai chiến thuật, đơn vị ở Daklak [tức Amỉmathuột] ngay tại buôn Ky, đơn vị là binh chủng truyền tin, cơ ngơi là đồn binh cuả Pháp để lại, khang trang và đẹp. Miền cao nguyên trời nắng ban ngày bụi mù trời, và trời mưa thì đất đỏ quắn lại thành bùn, thành ra ở chỗ nào, trước khi buớc vào nhà đều có cây bằng sắt để chà giầy dép, gạt bùn, đời sống nhàn nhã thanh bình. Vài tháng sau, tháng 11 thời đảo chánh, qua dầu năm 1964 thì hạ sĩ T. đến chào tôi và đổỉ đi, tôi nói :
-Tuy cùng một đơn vị, nhưng anh là dân biệt phái, chỉ lo chạy máy pe phát điện, cho máy siêu tần số, anh ở dâu cũng là dân truyền tin, vậy tại sao phải đổi đi?
-Trung sĩ nói đúng, không ở đây thì qua bộ tư lệnh Sư Đoàn, thế thôi. Chẳng qua ở đây ông đại đội trưỏng không hài lòng tôi.
-Hạ sĩ có làm gì đâu? Cứ lên ca xuống ca, đến giờ thì tới, hết giờ thì về, có động chạm gì tơí ai mà bị đổi đi?
-Ấy vậy mà cũng không yên. Tôi cùng ông đại uý đi lính Khố Xanh năm 48, qua năm 49 thì chuyển thành quân đội Quốc Gia, ông ta mau mắn thành đại uý, còn tôi thì chỉ có hạ sĩ mà thôi. Ông ta không ưa tôi, vì ông ta ghét nhất hai chữ Khố Xanh, Khố Đỏ và sợ tôi tiết lộ điều này ra cho bà con biết.
-Ôi dào, bố tôi hồi trước cũng là lính Khố Xanh, anh tôi cũng là lính Khố Đỏ, vì trưóc năm 1949 thì chỉ có hai loại lính này mà thôi.

*
Từ cuối năm 1963 đến cuối năm 1964, cứ mỗi một hai tháng là lại chuyển đổi một ông tư Lệnh. Đến thời đại tá, đi thời chuẩn tưóng, chuyện bình thường y như con nuớc khi lớn khi ròng, nhưng cũng cuối năm này thì có một sự việc không thể nào quên được, chẳng là ông đại uý đại đội trưởng đại đội Tổng hành dinh có công việc phải thuyên chuyển đi nơi khác, ai ai cũng nghĩ là ông trung uý đại đội phó [sĩ quan thủ quỹ] lên thay. Thực tế không phải vậy, nguời lên thay là một ông thiếu úy khoá 14 [nhập ngũ năm1962] vưà lên chức. Ông trung úy không bằng lòng khiếu nại với đại tá tư lệnh như sau:
-Tôi nhập ngũ khoá 7, năm 1958, còn thiếu úy mơí đi lính đây, chả có quân đội nào mà trung uý lại duới quyền thiếu uý?
-Vậy tao cho nó lên đại uý cho mày ngán luôn và mày thì thuyên chuyển đi nơi khác ngay bây giờ, hiểu chưa?

*
Đầu năm 1965, ở bộ chỉ huy trung đoàn, đại tá tư lệnh tiếp đại uý P., đại tá nói:
-Trước đây 13 năm [tức là năm 1952], ông thầy là trung uý đại đội trưỏng, còn em út lúc đó là trung sĩ tiểu đội trưởng dưới quyền, thế rồi vật đổi sao dời, bây giờ em út là đại tá trung đoàn trưởng [kiêm tỉnh trưỏng] còn trung uý lên chỉ có một cấp. Bây giờ trời đất dun dủỉ ông thầy về làm việc dướí quyền em út, mọi việc cũng y như xưa, không có gì thay đổi cả, nếu cho ông thầy đi nắm tiểu đoàn tác chiến chắc vài tháng ông thầy tiêu, bây giờ để ông thầy tà tà ở ban 3 trung đoàn, với điều kiện là đừng bao giờ tiết lộ thân phận cuả đàn em, là ngày xưa là trung sĩ, chỉ có một điều duy nhất này mà thôi.
*
Đầu năm 1966, đại uý P. vaò gặp đại tá tư lệnh, ngài tư lệnh không cần hỏi, nói ngay :
-Thời cuả ông thầy qua rồi. Bây giờ là thời cuả em út, cái chuyện noí khóac noí phét là chuyện thưòng tình trong bữa nhậu nhẹt, có gì đáng để ông thầy quan tâm và buồn? Nếu ông thầy thấy nhức đầu khó chịu quá vì những lời cuả em út thì ông thầy muốn đổi đi đâu, em út sẵn sàng chiều theo ý nguyện của ông thầy.
Sau đó thời thầy P. lên một cấp thiếu tá và nhậm chức quận trưởng nội thành, sau đó ba tháng thì thầy tử trận.

*
Vị tướng chủ tịch ngồi trong bộ tư lệnh trung đoàn noí:
-Vậy chớ ghệ cuả moi, toa cất dấu nơi đâu ?
- …………
-Không nói được à?
-Em lấy cô ta làm vợ nhỏ rồi.
-Tư lệnh trung đoàn một bà, tỉnh trưỏng một bà, chú em ngon hơn anh nhiều. Chế độ truớc, chăn heo, dẫn ngưạ, đầu bếp chỉ làm tới đại uý, mà bây giờ qua thăng cho em từ sergent [trung sĩ] leo một lèo tới đại tá [colonel] vậy là tuyệt đỉnh danh vọng rồi, mà chỉ có đảm trách một chuyện rất nhỏ như vậy mà chú em làm không nổi, làm không đuợc làm sao. Qua tin đuợc chú em đuợc nưã chứ?
Đầu năm 1966 trở đi, không còn ai nghe lảng vảng tên vị tỉnh trưởng này nưã.

*
Tôi ngồi ngay ở công viên, trước mặt là biệt điện cuả cựu hoàng Bảo Đại, sau lưng là tòa đại biểu chính phủ, đi quá chút nữa là buôn Alêa, buôn Alêb, chừng khoảng 2 km là hồ Lak, bên tay traí là vào bộ tư lệnh sư đoàn, toàn là đồn điền cà phê rồi đến buôn Ki. Cạnh biệt điện là dinh tỉnh trưởng, công viên rộng chừng một mẫu toàn là cây sao cao vút, gió thổi quả sao bay bay tà tà trong gió, dọc theo đuờng lộ ra thành phố  là toàn hoa mimosa nhưng buị đất đỏ bám vào không thấy mầu vàng cuả hoa đâu cả. Thấm thoát cũng đủ 4 năm đi quân dịch, và cũng biết tàm tạm thế nào là vùng hai chiến thuật, không vui và cũng không buồn, miền đất hoàng triều cương thổ.


Chu Vương Miện

READ MORE - Amỉmathuột - truyện ngắn cuả Chu Vương Miện

TRONG TRÍ NHỚ DÒNG SÔNG - thơ Phan Khâm - nhạc Huy Lãm - giọng ca Tâm Hảo





Trong Trí Nhớ Dòng Sông - thơ Phan Khâm
 
(Cảm đề bức tranh River in Memories Hue của Họa sĩ Đinh Cường)

Trong trí nhớ dòng sông
Tóc em bay phiêu bồng
Giữa hai hàng phượng đỏ
Thương thương mùa hạ hồng

Trong trí nhớ dòng sông
Em chọn màu rêu rong
Áo dài đi qua phố
Ai biết đời long đong

Trong trí nhớ dòng sông
Mươn mướt hàng mi cong
Lối em về Thôn Vỷ
Vườn cau vừa trổ bông

Trong trí nhớ dòng sông
Chín đợi đến mười mong
Qua cầu nghe nức nở
Tiếng ve chiều Kim Long

Trong trí nhớ dòng sông
Em đan suốt mùa đông
Ai đó về An Cựu
Có nắng đục mưa trong?

Trong trí nhớ dòng sông
Ôi xa vắng mênh mông
Lối xưa thành quách cũ
Còn rãi vàng phấn thông

Trong trí nhớ dòng sông
Đưa em xuống thuyền rồng
Bao cảnh đời nhung lụa
Có có rồi không không

Trong trí nhớ dòng sông
Mờ mịt sắc cầu vòng
Mưa Huế nhiều chi lạ
Nước phân chia đôi dòng

Phan Khâm

(Chép từ trang Hương Nguyễn Hoàng)
READ MORE - TRONG TRÍ NHỚ DÒNG SÔNG - thơ Phan Khâm - nhạc Huy Lãm - giọng ca Tâm Hảo