BIỂN, SÓNG và TA
Tháng năm biển vẫn mặn
mòi
Ngàn xưa con sóng nổi
trôi phận mình
Chân trời góc biển
lênh đênh
Trắng phau bọt nước
bãi ghềnh nhấp nhô.
Thoát qua! Bỗng vút xa
bờ
Ngàn thu dấu cát đợi
chờ sóng xưa
Nỗi buồn lên hạt nắng
trưa
Nghe cô quạnh, ngọn
gió lùa bên tai.
Rong rêu phủ kín tháng
ngày
Thời gian níu kéo hình
hài rụng rơi
Xác thân thân xác một
đời
Ta con sóng lượn dưới
trời lao đao.
Thái Quốc Mưu
Tôi đã trăn trở rất nhiều khi đọc
bài thơ này!
Một bài thơ ngắn, giàu HÌNH TƯỢNG, và tác giả
gắn cho mỗi hình ảnh sinh động này nhiều bản thể khác nhau.
Mỗi bản thể đều cất dấu một nỗi niềm riêng của
nó! Dần dần tôi khám phá ra sự kỳ ảo này trong những câu thơ tưởng chừng như
mộc mạc, nhưng lại là nỗi niềm đau thương chất ngất trước vận mệnh đổi thay,
khiến đời người đảo điên.
Nhà thơ Thái Quốc Mưu |
Ở khía cạnh tinh thần, tình cảm… biển ấp ủ bao
nỗi niềm ưu tư của con người! Khi nghĩ đến biển người ta thường liên tưởng đến
hình ảnh tương phản: Gào thét cuồng nộ, hay êm đềm mời gọi bao dung.
Trong bài thơ nhỏ này, tác giả ví biển như
CUỘC ĐỜI. Sóng biển, bọt nước, cát biển, rong rêu là THÂN PHẬN CON NGƯỜI.
Tuy nhiên trong khổ thơ đầu thì biển cũng
chính là bản thể của chính tác giả:
"Tháng năm biển vẫn mặn mòi
Ngàn xưa con sóng nổi trôi phận mình
Chân trời góc biển lênh đênh
Trắng phau bọt nước bãi ghềnh nhấp nhô."
Tất cả chúng ta không ai thoát khỏi sự chi
phối của thời gian!
Tác giả Lê Liên |
Sóng là bước chuyển động lần lượt của nước từ
khơi xa vào bờ. Sóng ở đây là những giai đoạn cuộc đời mà ta trải qua.
Với khổ thơ này, ta tìm thấy TÂM NIỆM của một
kiếp người, dù ở trong hoàn cảnh nào “Chân trời góc biển lênh đênh”, dù
có bị cuốn vào sự xoay vần của thế cuộc “Ngàn xưa con sóng nổi trôi
phận mình”. Hay trải qua thăng trầm cuộc sống “Bãi ghềnh nhấp nhô” thì
phẩm chất vẫn được gìn giữ: “Trắng phau bọt nước ....”. Con
người vẫn TRUNG TÍN với chính mình. “Tháng năm biển VẪN mặn mòi” đó
cũng chính là ẤN CHỨNG được KHẲNG ĐỊNH ngay từ đầu: KHÔNG TỪ BỎ CUỘC ĐỜI MÌNH
"Thoát qua! Bỗng vút xa bờ
Ngàn thu dấu cát đợi chờ sóng xưa
Nỗi buồn lên hạt nắng trưa
Nghe cô quạnh, ngọn gió lùa bên tai."
“Thoát qua! Bỗng vút xa bờ!”
Câu thơ sao buồn quá! Khiến người ta hụt
hẫng bởi một sự thay đổi lớn, bất ngờ ập xuống, lấy đi bao ước vọng đời người.
Lúc này, nếu ta chuyển mạch cảm xúc qua KHÍA
CẠNH TÌNH YÊU ĐÔI LỨA thì:
“Ngàn thu dấu cát đợi chờ sóng xưa”
Nghe như lời tình tự tha thiết! Bởi “sóng xưa” ở đây là một khách thể. Là “Người Ây”, Người Thân Thiết.
Còn "dấu cát" là chủ thể.
Cho dù không chuẩn bị tâm lý đón nhận sự chia
ly bất ngờ, quá phũ phàng, thì với bản chất kiên trung, trước sau như một: “dấu
cát” vẫn độ lượng, mong chờ tái hợp cùng với “sóng xưa”.
Ai cũng biết, do sự va đập liên hồi của sóng
biển mà những tảng đá theo thời gian dần dần vỡ vụn ra thành sỏi, cát. Cát
kết dính với nhau bằng nước. Không có sóng dội vào xóa đi những dấu lồi lõm,
thì làm sao tạo nên những bờ cát phẳng?
Như định mệnh đã an bài: Cát và nước gắn liền
với nhau rất tự nhiên. Thiếu sóng biển rồi thì cát mất đi vẻ đẹp sống
động vốn có của nó.
Nếu như uyên ương gãy cánh thì nỗi buồn lan
tỏa, sự cô độc xâm lấn, cảm giác nóng buốt, hay giá lạnh trong tâm hồn, duy chỉ
mình mới biết rõ nó hoành hành quanh đời mình như thế nào mà thôi:
“Nỗi buồn lên hạt nắng trưa
Nghe cô quạnh, ngọn gió lùa bên tai”
Thật vậy!
Bình thường, nắng buổi trưa trực chiếu vào vạn
vật ở nhiệt độ luôn cao nhất. Mà nỗi buồn của tác giả phân nhỏ hay vụn vỡ li
ti, choàng lên từng hạt nắng trưa nữa, khiến người đọc cảm thấy nung
đốt cả tâm can.
Lại còn "gió lùa" khiến ta liên
tưởng đến làn không khí mát, lạnh... luồn lách rất nhanh qua khoảng trống nhỏ.
Được ngầm hiểu như là những tác động khách quan từ cuộc sống lên từng giai đoạn
trong cuộc đời của tác giả.
"Gió lùa" chạm rất khẻ vào tai, đánh thức sự cô
độc đang chìm sâu trong quạnh quẽ của tâm hồn. Cảm giác trống vắng trỗi dậy,
lan tỏa, khiến tâm hồn thêm xốn xang, băng giá!
Đọc hai câu thơ trên, cho ta nỗi chua xót đến
cùng cực. Bởi trong một khoảnh khắc, một bối cảnh, nhưng tác giả đã nếm trãi sự
giằng xéo mâu thuẩn của nội tâm và cả thể chất (Nóng của Nắng; Lạnh của Gió!)
trong trạng thái cam chịu.
"Rong rêu phủ kín tháng ngày
Thời gian níu kéo hình hài rụng rơi
Xác thân thân xác một đời
Ta con sóng lượn dưới trời lao đao."
Năng lượng mặt trời đóng vai trò quan trọng
cho sự sống và quá trình sinh sôi, nẩy nở của muôn loài! Thế nhưng rêu lại là
nhóm thực vật có thể phát triển ở hướng không trực tiếp nhận ánh sáng và nhiệt
năng của mặt trời! Rêu sinh sôi trong môi trường ẩm thấp. Và tác giả ý
thức thân phận mình:
"Rong rêu phủ kín
tháng ngày
Thời gian níu kéo hình hài rụng rơi"
Khiến ta nhận ra đời sống bế tắc, mờ mịt không
có niềm hy vọng, mà quỹ thời gian của thời trung niên hối hả qua
đi, mầm sống mong manh thì cuộc đấu tranh sinh tồn càng khắc nghiệt.
Xác thân này không thể tách rời với cuộc đời đầy rủi ro, bất trắc thì phải chấp
nhận và thích nghi. Thích nghi là một thách thức với vận mệnh của mình.
Điêu luyện trong thi pháp, bài thơ tuy ngắn,
nhưng dung lượng vô cùng lớn! Ẩn chứa bao điều cay đắng của cuộc bể dâu, nhưng
những nỗi chua xót ấy không làm cho tác giả bật lên lời cuồng nộ, nguyền rủa.
Mà âm thầm chịu đựng với bản chất bao dung có thủy có chung (Biển vẫn mặn
mòi), trân trọng nhân cách (bọt nước trắng phau).
Tôi bỗng thấm thía khi nhận ra rằng dù cho
người ta có tước đoạt hết tất cả những gì bạn có, nhưng người ta không thể tước
đoạt được sự LỰA CHỌN của bạn trong cuộc sống này!
Thật vậy!
Trong cuộc đời mỗi con người đều có rất nhiều
ngã rẽ quan trọng. Bài thơ BIỂN, SÓNG và TA được ra đời trong khúc rẽ khốn khó,
đầy thử thách. Tác giả đã trãi qua nỗi cô đơn, hụt hẫng, không gì bấu víu nhưng
vẫn giữ được ý chí mạnh mẽ để tiến lên.
"Xác thân thân xác" không phải
là một biến thể, mà là sự hồi sinh sau mỗi lần gục ngã, để uyển chuyển thích
nghi với từng khúc rẽ cuộc đời: “Ta con sóng lượn dưới trời lao đao”
Một bài thơ vọng khúc bi ca nhưng không làm
cho ta bi lụy.
Tôi nghĩ mình chưa khám phá được hết những uẩn
khúc trong bài thơ này?! Nhưng tôi học được cách chấp nhận để thích nghi với
cuộc sống từ tác giả.
Đúng vậy, khi tác giả ví mình "trắng
phau bọt nước bãi ghềnh nhấp nhô" thì lòng tôi chùng
xuống, thương cảm cho thân phận mong manh, dễ vỡ, long đong chìm sâu xuống tận
cùng xã hội. Thế nhưng xuyên suốt bài thơ, mặc nhiên không có lời than vãn, mà
chỉ có lời tự tình chân phương. Và câu kết của bài thơ như một dấu hóa (#) cho
ta nhận ra thần thái ung dung, tự tại được sáng lên từ tâm hồn thanh cao.
"Ta con sóng lượn dưới trời lao
đao."
Tôi yêu động từ LƯỢN trong bài thơ này biết bao! Với
tôi, nó chính là "Từ Khóa" làm cho bài thơ đạt tới
đỉnh cao của nghệ thuật sống! Sống với tâm thái ung dung, tự tại.
Cảm ơn nhà thơ Thái Quốc Mưu đã cho chúng ta
chiêm nghiệm được Khát Vọng Sống, trong đời sống vốn dĩ vô
thường này.
Đà Lạt, tháng 6/2014.
No comments:
Post a Comment