Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, June 30, 2014

BÊN DÒNG CỔ CHIÊN TỤNG BÀI KINH PHẬT - Bút ký Mặc Phương Tử



BÊN DÒNG CỔ CHIÊN TỤNG BÀI KINH PHẬT 
Bút ký Mặc Phương Tử

Đã hơn 18 năm bước đời phiêu bạt, kể từ mùa an cư kiết hạ 1996 đến nay (2014), vẫn lặng lẽ tháng ngày bên suối đồi, khi lên núi Dinh ở Bà Rịa, lúc đến Tây Ninh nắng cháy, rồi lãng đảng núi rừng Bù Đăng, Đak’ Nông, nay dừng chân nơi Miền Tây sông nước phù sa… mượn câu kinh kệ làm  niềm vui với đời thường, lấy cỏ cây, hoa lá, mây trắng lưng trời, chim hót rừng xa, để ươm mầm sống thực giữa muôn sắc màu dâu bể, mà người đệ tử Phật, hay bất cứ một ai, cũng cần phải quán chiếu, nhận diện. Vì rằng chỉ có đến mới thấy, và chỉ có đến mới nghe được những gì từ nơi cuộc sống.v.v…

Từ khi huynh đệ mỗi người mỗi ngã du hóa vào đời, như những cánh chim trời vẫn mãi vang tiếng hót cho muôn hoa cỏ và sông núi muôn trùng của quê hương đích thực. Nay được tin nhau, vội vã gọi mời nhau và hẹn nhau ngày tái ngộ.

Một ngôi chùa Khmer bên rạch Long Xuyên
Cuộc hành trình từ Thành phố Long Xuyên bằng xe Honda đến Sa Đéc, rồi Vĩnh Long để qua Chợ Lách Bến Tre, tuy đoạn đường không xa lắm, không đầy 100km, nhưng phải qua 2 con phà (phà Vàm Cống, Đồng Tháp và phà Đình Khao, Vĩnh Long).

Lâu lắm không có dịp ngang qua Thành phố Vĩnh Long, lần nầy đến thấy thay đổi khác xưa nhiều, đường thì mở rộng và thêm những giao lộ mới, khu du lịch Trường An trông rộn rịp, công viên và bờ kè của Thành phố dọc theo dòng sông Tiền tạo một dáng vẻ mỹ quang và lồng lộng gió, đến phường 4 có Văn Thánh Miếu, nơi thờ các danh sĩ văn học yêu nước…Được biết trong khu vực Miền Đông, Tây Nam bộ có 3 Văn Thánh Miếu, như; ở Biên Hòa (Đồng Nai), ở Gia Định (TP. HCM), và ở Vĩnh Long, cả ba cùng hình thành vào Tiểu khu 19.

Đến vòng xoay, hướng đi Long Hồ, Cần Thơ, và Phà Đình Khao, mà lâu nay nghe người ta thường gọi là bắc Cổ Chiên. Thật ra, trước năm 1975 đã có tên Đình Khao, là một ngôi đình tại xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, nơi đây sau khi quân lính hoàn thành nghĩa vụ cùng tập họp tại đây để được khao, lâu sau được người quen gọi là Đình Khao. Đình Khao được xây dựng từ thời Gia Long 1817. Còn sông Cổ Chiên là địa danh của một nhánh sông mà tôi thường mơ ước muốn đến để thấy tận mắt đã từ lâu mà chưa có dịp.

Dòng Cổ Chiên là nhánh sông phía Nam của sông Tiền, ngã ba sông là ranh giới của ba tỉnh, như : Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre, từ chân cầu Mỹ Thuận phía Thành phố Vĩnh Long chảy dài 82km theo hướng Tây-Bắc, Đông-Nam rồi đổ xuôi ra biển, hai bên bờ Cổ Chiên có nhiều cồn, cù lao, như : cù lao Nai, cồn Dung, cồn Lớn…thuộc tỉnh Bến Tre. Cù lao Long Hòa, cồn Long Trị, cồn Bần (Thủy Tiên)… thuộc tỉnh Trà Vinh, cù lao An Bình, cồn Dài… thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Địa danh dòng Cổ Chiên có nhiều thuyết, thế nhưng có thuyết cho rằng tên con sông liên quan đến một sự kiện lịch sử khi vào cuối thế kỷ XVIII (1785), lúc đại bại trận Rạch Gầm-Xoài Mút, là hai nhánh sông nhỏ của sông Tiền trong khu vực của tỉnh Tiền Giang ngày nay. Tàn quân của Nguyễn Ánh tháo chạy theo đường sông xuống phía Nam, nhưng khi đến đoạn sông nầy thì bị chiến thuyền của quân Tây Sơn đuổi nà theo, đoàn thuyền quân Nguyễn Ánh phải tìm cách thoát nạn nguy chết, nên cố đánh rớt “Trống, Chinh” hết xuống đoạn sông nầy, vì Trống là Cổ, còn Chinh nói trại thành Chiên, ghép thành Cổ Chiên, như ngày nay thành địa danh của dòng sông nói trên.

Phà Cổ Chiên
Phà vượt ra giữa dòng, nhìn thẳng về phía ngã ba sông, thấy một màu xanh đầy sinh lực của cây trái, bởi do sự hội tụ bồi đắp phù sa tự ngàn năm cho quê hương ngàn dặm. Bỗng nhớ đến lời bài ca “Con Sông Quê” do ca sĩ Anh Thơ biểu diễn, có đoạn :

“…Qua nửa đời phiêu dạt,…
Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ,
Chở che con qua chớp bể mưa nguồn…
Một dòng sông xanh chảy mãi đến vô cùng.”

Lời ca như trầm xuống trong lòng, vì lúc nầy gợi nhớ đến cuộc đời của mẹ, một tấm lòng chất phát, mộc mạc chân quê, vì con mà mẹ một đời tận tụy, chở che cho con, dù đã phải trải qua bao chớp bể mưa nguồn, mặc dầu hôm nay con đã quá nửa đời người, và mẹ bây giờ đã hóa ra người thiên cổ, nhưng cũng như những hạt phù sa mãi mãi vẫn bồi đắp cho muôn bến đời bao sắc màu, nguồn sinh lực muôn trùng, và luôn tươi mát, cho cây đời thêm xanh và xanh đến tận vô cùng…!

Hai bên đường xanh rợp bóng cây, không mấy chốc đã đến cầu Phú Phụng, một cây cầu trông như mới vừa hoàn thành công trình, kế nữa là chợ và Đình Phú Phụng, rồi chùa Quang Minh, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, Quang Minh là một ngôi chùa đã trên 100 năm, dáng vấp vẫn còn thô sơ nép mình dưới tàng đại thụ bồ đề. Huynh đệ gặp lại đã hơn 18 năm, mừng vui qua đôi điều thăm hỏi, ánh nắng chiều đã rót vàng trên thềm chùa sau một cơn mưa khá to, như để làm bớt đi những ngày oi bứt của thời tiết đầu mùa.

Tối nay, vầng trăng ngà mùng tám lung linh chếch nghiêng mái chùa, nghe tiếng chim giang hồ như đang xếp cánh đâu đây, thỉnh thoảng những ngọn gió lùa qua mang theo những hương hoa cỏ, hương của miệt vườn, và hương của cả những tấm lòng trong cuộc đời, như để hòa vào hương vị bất tuyệt của đạo lý giác ngộ tự ngàn xưa và cho cả ngàn sau muôn trùng diệu lý, chợt nhớ đến lời thi kệ của Ngài Trần Thái Tông :

“Thiên giang hữu thủy, thiên giang nguyệt…”
(Ngàn sông con nước lưu giao
Mênh mang muôn dặm nơi nào không trăng).

Dù có đi đâu, qua muôn rạch trăm sông, mỗi bước vào đời ngược xuôi ngàn dặm, vẫn hằng thắp sáng lẽ sống chơn thường giữa bao lớp bể dâu vô thường sanh diệt, nơi nào mà không vầng trăng hiền diệu quê hương, vầng trăng trong sáng tư duy cuộc sống, vầng trăng thanh bình theo từng nhịp thức thời gian, vầng trăng diệu pháp tươi mát huyền diệu muôn trùng luôn hiển lộ, sự bình an nào không tự nơi mình, nó vẫn theo mình trong từng hơi thở, bước đi, dù đang đi giữa cuộc đời không ít bề bộn và lao xao, vẫn thấy và biết rằng :

“Bước những bước thăng bằng
Trên đường không thăng bằng”

Nghỉ một đêm trong khuôn viên chùa yên tịnh, sáng mai sẽ có buổi nói chuyện về đạo lý tình người trong cuộc sống với hơn 100 phật tử gần xa đến dự khóa tu cố định hằng tháng tại đạo tràng, buổi nói chuyện như để tụng lên một bài kinh muôn thuở bình an cho mình và cho cuộc đời :

“Như giữa đống rác nhớp 
Quăng bỏ trên đường lớn,
Chỗ ấy hoa sen nở,
Thơm sạch, đẹp ý người,”
                                                          PC. 58.

                                    Bến Tre, trung tuần tháng tư 2014.
                                              Mặc Phương Tử


READ MORE - BÊN DÒNG CỔ CHIÊN TỤNG BÀI KINH PHẬT - Bút ký Mặc Phương Tử

Thơ Hồng Duyên - NIÊM PHONG TÌNH ÁI, NĂM THÁNG HOÀI THƯƠNG, THẤM THOÁT THỜI GIAN

Tác giả Hồng Duyên


NIÊM PHONG TÌNH ÁI

Tại anh gắn thánh giá vào lối mộng
Bỏ giấc mơ lạc lõng giữa đường chiều
Đâu ngờ lòng tin rút khoảng thương yêu
Mới chạm ngõ dây diều đành đứt đoạn 

Hỏi em nhớ?
Đôi lúc buồn một thoáng
Chuyện tình yêu như ánh sáng ban mai
Sóng phủ nhiều thanh sắc cũng  nhạt phai
Đâu có thể giữ hoài gam màu tím

Có đôi lúc trở về trong hoài niệm
Thấy anh cười chúm chím miệng rất duyên
Muốn hỏi đôi câu lại sợ gây phiền
Đứng lặng lẽ bên hiên nhà phơi tóc

Tại anh hết tạo làm chi cơn lốc
Để bây giờ phút chốc đã lạ xa
Đối diện nhau một thoáng giữa đường qua
Có thể lắm!
Tình  ca còn cháy lửa
Em bỏ lại phía sau mình một nửa
Chưa biết rồi nhựa sống có còn không?
Nắng hạ về sao nghe lạnh lập đông
Cây thánh giá niêm phong  luôn tình ái

Anh vẫn thế nhốt em vào ngực trái
Nhưng dối lòng nhắc mình phải lãng quên



NĂM THÁNG HOÀI THƯƠNG

Em thương ạ 
Gió bốn mùa thổi mạnh
Nhưng đâu bằng tim lạnh dấy yêu thương
Cánh đòng xưa giờ trải thảm theo đường
Trò cút bắt dường như không hiệu nghiệm

Em đã đến khơi lại bao hoài niệm
Mùa hạ về phượng tím cõng niềm vui
Em với anh dù tất tả ngược xuôi
Nhưng vẫn nguyện thành một đôi tri kỷ

Anh mặc kệ có bao nhiêu chân lý
Nơi phồn hoa cái hoàn mỹ dần thưa
Em thương à!
Anh vẫn nhớ ngày xưa
Vẫn muốn giữ chút tuổi thơ ngày mộng

Anh ru khẽ 
À ơi 
Tay lắc võng
Em ngủ ngoan để đóng trọn vỡ tuồng
Bao nhiêu năm rồi khoác áo phong sương
Cũng dừng lại trên con đường xưa cũ

Anh không sợ ngọn cường triều gây lũ
Bởi tình anh đã trụ ở em rồi


THẤM THOÁT THỜI GIAN

Trời đất ban sơ đã bốn mùa
Đến đi đâu bận chuyện trình thưa
Mỗi năm đào nở ngày xuân đến
Phượng tím leo cành lệnh hạ đưa

Trăng khuyết rồi tròn chuyện gió mưa
Lập đông tuyết lạnh ấp duyên thừa
Hoa khai nở nhụy buồn lên mắt
Kỷ niệm khoanh vùng mắc võng đưa

Lá vàng trải thảm khéo đan thưa
Ai hốt mùa thu nhuộm nắng mưa
Áo trắng ngây thơ vừa thưởng nguyệt
Ôm đàn giả thuyết chuyện tình xưa

Thắm thoát bốn mùa chuyển dạ nhanh
Thời gian chớp nhoáng rất mong manh
Đợi chờ dĩ vãng nhen thêm lửa
Gọi tiếng cố nhân ứa lệ vành

Hồng Duyên
…………………………….
Nguyễn hồng Duyên
Cà Mau
hoatimhd@yahoo.com.vn
Số đt: 0913417239
READ MORE - Thơ Hồng Duyên - NIÊM PHONG TÌNH ÁI, NĂM THÁNG HOÀI THƯƠNG, THẤM THOÁT THỜI GIAN

Thơ Ngưng Thu - GÓC PHỐ EM VỀ, ĐÔI KHI NHÌN LẠI, NHỮNG KIẾM TÌM LÀM BUNG NỖI NHỚ


Tác giả Ngưng Thu



GÓC PHỐ EM VỀ

Chiều lặng thầm cơn mưa bụi
góc phố em về
từng kỉ niệm ướt hoen
đôi chim sâu rúc rích
cành phượng già thắp lửa
đâu rồi những bước chân quen ?

Góc phố em về
ai từng đã cùng em
đôi mắt nâu đen ấm nồng con tim nhỏ
cô bé ngày xưa như vẫn còn đâu đó
vườn cúc nhà ai hoa đã vào mùa
tỏa ngát hương vờn theo cánh gió thơm đưa.
Góc phố em về đau vạt nắng thưa ? 
xôn xao cánh diều bổng gió
hàng cây vươn mình muốn ngỏ
người đi bỏ lại con đường ? 
góc phố em về ... 
nghe những nhớ thương.


ĐÔI KHI NHÌN LẠI

Có một đôi khi nhìn lại
ngày đi nhanh quá, ngày đi
vẫn anh phong trần xưa cũ
vẫn lời yêu mãi thầm thì

Cũng có đôi khi nhìn lại
tình ta còn đó vẹn nguyên
chỉ là tóc pha mây trắng
đời qua đã mấy hư huyền

Lạc trong bản tình giao hưởng
an nhiên luớt một phím đàn
cũng còn bao điều chưa nói
một đời sương gió mênh mang

Đôi khi cũng cần nhìn lại
rêu xanh có phủ kiếp người
miễn tình yêu là miên viễn
thì đời dẫu có chao nghiêng.



NHỮNG KIẾM TÌM LÀM BUNG NỖI NHỚ

Có những kiếm tìm làm bung nỗi nhớ
tại cơn buồn
hay bởi tại ta say?
có những kiếm tìm nào ta có hay
đêm trở giấc
chạm phải điều đã cũ
Ngọn gió đi rong vào chiều luân vũ
chếnh choáng men xưa
chếnh choáng điệu đời
khoảnh khắc giữa ngày sao tuồn tuột
chơi vơi
ta kiếm tìm chi cái điều không hiện hữu
Mùa thu rưng rưng bỏ chiều đi bững lững
mắt thời gian rọi thấu đoạn tình trường?
có những kiếm tìm như quờ quạng sau gương
ảo ảnh xanh xưa
hữu hình vô thức 
Có những kiếm tìm giữa đời rất thực
mà xa mù
ngút ngắt trùng khơi
và những kiếm tìm
bung nỗi nhớ...
rơi
rơi.

NGƯNG THU
READ MORE - Thơ Ngưng Thu - GÓC PHỐ EM VỀ, ĐÔI KHI NHÌN LẠI, NHỮNG KIẾM TÌM LÀM BUNG NỖI NHỚ

NHÂN DÂN - thơ Trường Hải Lê Văn Đông

(Kính tặng Tổ quốc và Nhân dân)


Tác giả Trường Hải Lê Văn Đông


Không ai sốt sắng bằng Nhân dân,
Trước nạn thiên tai, họa ngoại xâm. 
Gác lại việc riêng, lo việc nước,
Hy sinh tất cả, việc cần làm.
Nhìn về lịch sử vạn nghìn năm,
Tổ quốc lâm nguy có Nhân dân. 
Đời thường cây cỏ nơi đồng nội,
Khóm tre râm mát, hóa tầm vông.
Nhân dân lam lũ chốn ruộng đồng,
Lo cái ăn chung… người người trông. 
Anh hùng, triều đại suy, hưng thịnh,
Không có Nhân dân, liệu tồn vong?
Việc nước lửa lan, việc cộng đồng,
Chần chừ, tính toán … lỡ như không! 
Nhân dân rộng lớn là trí tuệ,
Lòng yêu Tổ quốc tựa biển Đông.
Bàn về việc Nước, quyết số đông,
Sát Thát, Diên Hồng thắng Nguyên Mông!
Tống Minh, Thanh … bại; Nhân dân mạnh,
Máu xương tô thắm ngọn cờ hồng!
Nay chuyện giàn khoan, chuyện biển Đông,
Tàu chiến nghênh ngang, Tàu chơi ngông. 
Tổ quốc từng ngày thương biển động,
Nhân dân sóng cả ngập triều dâng.

               Đỉnh Sơn, 25/6/2014
          Trường Hải Lê Văn Đông


READ MORE - NHÂN DÂN - thơ Trường Hải Lê Văn Đông

Thơ Huy Uyên - HOA SẦU ĐÔNG, QUA SÔNG, CẦN THƠ



Hoa sầu đông

Cứ hẹn mỗi lần hoa nở
tiếng chim gọi đàn sau hè
chim nhớ người nên tha thiết
bao giờ quay lại cùng quê.

Cớ chi người đi lâu quá
bên sông nắng ngả cùng chiều
xa buồn đầu ghềnh cuối bãi
tội lòng cho mấy miền yêu.

Đò chiều buông trôi buông trôi
dáng chiều đau đáu bồi hồi
bao năm một đời đứng ngó
ngày về xa quá đông ơi!

Thôi người quên rồi để nhớ
có thể chắc gì hiên xưa
ai kia một mình vò-võ
đưa tay níu lá đông chờ.

Hỏi lòng nắng có buồn không
hỏi sông sâu mấy dặm lòng
hỏi bãi bên bồi bên lở
hỏi mình mấy sợi sắc không?

Có thể chưa người nói đến
sông xao quặn thắt bao mùa
sông rồi cũng về với biển
hỏi mình còn lại tình xưa.

Cứ hẹn mỗi lần hoa nở
ai kia đứng đợi người về
thu đi lá vàng hắt bóng
bên người trăng ngậm sương khuya.

Bao năm chờ đợi chiều đông
sông xưa nước chảy mấy dòng
người một lần hoài trông ngóng
lá vàng rụng kín đầy sông.

Rồi xuân lắt lay kín nụ
hai ta mãi lỡ ước thề ...



            
Qua sông

Tháng mười chải tóc qua sông
để tôi cầm sợi phiêu bồng trong tôi
màu con mắt thoáng nụ cười
màu con tim với môi người buổi xưa
ai đi đâu để bây giờ
bỏ tôi đứng lại bên bờ quạnh hiu
dòng sông ơi đã bao chiều
hương phai bóng ngã tịch-liêu chốn này
đò người dạo khúc sương mai
cho riêng nổi nhớ ngắn dài mình tôi.


           
 Cần-thơ

Em đi dưới nắng Cần-thơ
Ninh-kiều neo thuyền đứng đợi
sóng xưa nhịp chèo bối rối
tình em cay đắng đợi chờ.

Nước trôi đi đâu Cái-răng
đò chiều sang ngang lặng thinh
chợ chiều rưng rưng bóng đổ
đêm nay không trăng đợi thuyền.

Rồi người cũng chia tay thôi
tình người nhạt phai ngọn sóng
triều lên đốt lòng cháy bỏng
chia tay nói lời ai về.

Thuyền đêm ngược lên Mỹ-khánh
ai vẫy tay ai hẹn hò
ai thương trăm sông ngàn nhánh
để ai mãi đứng đợi chờ.

Thương em chiều mưa xõa tóc
thương em mắt buốt đìu hiu
rượu say lòng tôi muốn khóc
như rất xưa với đò chiều.

Đêm nay ai về chợ-Nổi
gởi lòng cùng chuyến đò ngang
tim người một lần muốn nói
tình người mấy nhịp nhặt khoan.

Điệu hò Cần-thơ muốn gọi
"người ơi người ở đừng về"
bao năm dấu lòng ở lại
mắt ai nhòa nhạt bên đê.

Cỏi người mấy dặm nương dâu
mây rồi biết trôi về đâu
ai đi đêm nay trăng khuyết
bỏ lại quanh đây nỗi sầu.

Huy-Uyên
READ MORE - Thơ Huy Uyên - HOA SẦU ĐÔNG, QUA SÔNG, CẦN THƠ

VỌNG KHÚC CHIỀU - Lương Minh Vũ


         Tác giả Lương Minh Vũ


    VỌNG KHÚC CHIỀU

    Ta ngồi hát bên bờ suối
    Rừng đổ chiều cây lá ngủ mang mang
    Ngày buông cánh, chim về non bạt gió
    Bài ca buồn từng phiên khúc gian nan

    Ta ngồi hát bên bờ suối
    Ngày sẽ qua, ngày sẽ đến... bao giờ?
    Nhớ cố quận nước bỏ nguồn đi mãi
    Trôi lời ca theo sầu khúc bơ vơ

    Ta ngồi hát bên bờ suối
    Dáng ai về, cơn quặn thắt từ bi
    Áo xưa mộng nhuộm rừng chiều đỏ nhớ
    Cho lời ca thành tình khúc sinh ly

    Ta ngồi hát bên bờ suối
    Lời thương rừng mãi khóc lá, trơ cây
    Người thương người một đời đau phí phạm
    Xui bài ca bao điệp khúc hao gầy

    Ta ngồi hát bên bờ suối
    Lời vỗ về theo nước mỏi mòn trôi
    Lời đong đưa trao mây về phương tận
    Ôi! Lời ca những vọng khúc quy hồi.

                              Lương Minh Vũ


 


READ MORE - VỌNG KHÚC CHIỀU - Lương Minh Vũ

WORLD CUP 2014, VÒNG BẢNG ĐÃ ĐI QUA - Phan Kỷ Sửu


 Miroslav Klose - kỷ lục gia một chạm


WORLD CUP 2014, VÒNG BẢNG ĐÃ ĐI QUA

Như thế là vòng bảng đã đi qua
Sân cỏ Brasil, một chiến trường khắc nghiệt
Từ áp lực khán đài náo nhiệt
Đến sức nóng và độ ẩm tự nhiên, một rào cản vô tình
                                            trước mặt khách đường xa
16 ngày và 46 trận cầu, những trận đánh, 
                                              những mất còn quyết liệt
Thảm bại và chiến thắng, 
                       nụ cười dòn tan và nước mắt nhạt nhòa!
Qua bóng lăn vẫn vướng lại trong ta
Nhiều nghĩ ngợi, suy tư qua từng tỷ số
Những gì phải quên, những gì nên nhớ...
Cứ thắm vào câu thơ
Là  mỗi cú sốc không thể khác đi và thực sự  bất ngờ...
Là những lời chia tay đầy cay đắng!
Nhà vô địch đương kim lại vỡ tan tham vọng
Chú sư tử xứ sương mù,
       đội quân áo thiên thanh bốn lần trên đỉnh vinh quang..!
Lại  ngơ ngác vẫy chào World Cup!
Rồi những gót giày Đông Âu ngã gục
Châu Á cũng đành số phận trắng tay..
Một  Nam Mỹ bỗng vượt lên như thiên thần vùn vụt cánh bay
Đã đổi khác rồi sao cái nhìn của lịch sử ?
Khác thật đấy, đấy là những nét rất đáng yêu và vô cùng lý thú
146 bàn thắng ngọt ngào
146 giấc mơ có thật
16 đội vào knock-out
Đề khẳng định những tài năng bật nhất
Trên hành tinh lớn rộng hôm nay.
Rồi căn bệnh trọng tài
Vốn không hề xa lạ
Những quả phạt sút vào lòng thiên hạ
Từ sự tưởng tượng khôi hài của những tiếng còi
Từ sự thiếu tinh tường,thiếu công bằng và năng lực, than ôi!
Thay cuộc diện một trận cầu trong chớp mắt!
Từ thái độ thờ ơ hay cố tình quay mặt
Trước lỗi lầm dù hiễm độc, bất nhân!
Những thẻ đỏ, thẻ vàng nếu không còn nguyên chất..!
Sẽ là tội ác vô cùng, là tự mình bôi bẩn lương tâm!
Bôi bẩn cả môi trường bóng đá sạch trong!
                          xxx
Như thế là vòng bảng đã đi qua
Vẫn hy vọng chan hòa giai đoạn cuối
World Cup sẽ nâng nhiều hơn cái mới
Thỏa lòng hơn giới hâm mộ toàn cầu
Nhà vô địch mới là ai thì cũng vẫn mong sao
Thực xứng đáng ngẫng đầu trên tuyệt đỉnh!


CÚ  "CẨU XỰC" NHỚ ĐỜI!

Chắc hẳn điều khó quên!
Của chàng Suarez ấy :
Cú "cẩu xực"như điên
Vào vai cầu thủ Ý.   

Với án phạt quá đau       
Hơn vạn lần vết cắn       
Dù ăn năn,hối hận       
Cũng đã rồi. Biết  sao !

World Cup đã khép lại
Với chàng kể từ đây
Phi thể thao thế ấy
Rõ ràng là chẳng hay!    

Đừng buồn Uruguay       
Bốn tháng đành tạm nghỉ       
Cùng 9 trận quốc tế       
Cũng không được xỏ giày..!

Hãy nghĩ suy chính chắn
Lỗi kia rất đáng đời
Dù hình phạt là quá nặng
Tất cả! Tại chàng thôi !       

Nhưng phạt mồm táp bậy   
Quên mồm đang ngậm còi?!      
Cái sai không cần thấy       
Đáng bị phạt gấp đôi !

Vân Trinh - Phan Kỷ Sửu
               
READ MORE - WORLD CUP 2014, VÒNG BẢNG ĐÃ ĐI QUA - Phan Kỷ Sửu

Friday, June 27, 2014

Huỳnh Xuân Sơn - CẢM NHẬN BÀI THƠ “ĐAU THƯƠNG” CỦA NHÀ THƠ TRÀ THANH LAM

Tác giả Huỳnh Xuân Sơn. Ảnh từ trang Dungho's Blog


Những ngày đầu hạ 2014 thời tiết nắng nóng bất thường. Cùng với cái nóng của thời sự, nóng bởi sự an nguy của nước nhà, nóng theo từng con sóng biển Đông và nóng theo từng diễn biến trên bàn ngoại giao của lãnh đạo Đảng và nhà nước. Nóng nhất có lẽ là cái nóng từ trong lòng của hơn chín chục triệu người dân trên khắp mọi miền của tổ quốc…
Già trẻ gái trai mỗi người có cách bày tỏ tình yêu tổ quốc khác nhau… bày tỏ sự lo ngại  cho việc Trung Quốc cắm giàn khoan 981 trên thềm lục địa của chúng ta cũng khác nhau…
Tôi đã gặp một sự trăn trở, một sự lo lắng rất đặc biệt của tác giả Trà Thanh Lam khi ông ngược dòng lịch sử để so sánh với hoàn cảnh hiện giờ của dân tộc. Để rồi gói gọn trong bài thơ mang tựa đề: 
Đau Thương
Một thời đất nước tang thương 
Mất cảnh giác!  
An Dương Vương lụi tàn   
Loa Thành chết chóc, khóc than…  
Thủy triều đỏ… 
ngỡ máu tan…
Biển sầu!  
Hồn Trọng Thủy - xác Mỵ Châu 
Đất rung chuyển …
biển bạc đầu…
Vì ai?
Ngọc trong đau đớn lòng trai 
Vua ôm mối hận, đã vài ngàn năm… 
Kim Quy buồn bã bặt tăm... 
Triều thần tù tội, nát tan cửa nhà ...  
Đau thương còn mãi trong ta... 
Bài học ngày ấy...  
nước nhà hôm nay!

Bài thơ lục bát biến thể  ngắn gọn với những câu thơ được ngắt nhịp dài, ngắn khác nhau theo một nhịp thơ trầm lắng xuyên suốt một thời gian dài tính bằng đơn vị Ngàn năm… Với một cột mốc lịch sử cụ thể là
Một thời đất nước tang thương 
Mất cảnh giác!  
An Dương Vương lụi tàn   
Loa Thành chết chóc, khóc than…  
Ngày Triệu Đà mang quân đánh chiếm đất nước Âu Lạc. Nhưng phải chịu rút lui trước sự kiên cường chống trả của quân tướng tổ tiên nước ta lúc bấy giờ…
Sau đó, có lẽ đã “ngủ quên trên chiến thắng”, vua  An Dương Vương mất cảnh giác đã kết tình thông gia với Triệu Đà cho Trọng Thuỷ ở rể vì hết mực yêu thương con gái là Mỵ Châu… Truyền thuyết thành Cổ Loa và chiếc nỏ thần lưu truyền mấy ngàn năm nay hẳn mỗi người dân Việt từ khi nằm nôi đến lúc trưởng thành ai cũng tường tận…
Hậu quả của sự mất cảnh giác ấy dẫn đến mất nước. Màu tang tóc đầu rơi máu chảy  bao trùm lên khắp các gia đình người dân…. Hạnh phúc của con gái cũng tan theo và một kết cục bi thảm Vua cha rút gươm báu chém chết con gái… rồi tự vẫn. Mọi sự ân hận đều đã muộn và hậu quả thì vô cùng tàn khốc để đến hôm nay sau hơn hai ngàn năm tác giả đã viết:
Thủy triều đỏ… 
ngỡ máu tan…
Biển sầu!  
Hồn Trọng Thủy - xác Mỵ Châu 
Trọng Thuỷ vì chung tình mà chết đó là cái tình riêng..
Hàng triệu oan hồn người dân chết thảm theo cái chết bởi ân hận mình  mất cảnh giác với người đã từng là kẻ thù cướp nước của nhà vua là nỗi đau của cả dân tộc... là bài học mà mỗi vị lãnh đạo cấp cao cho tới người dân thường cần ghi nhớ…
Tác giả hẳn đã đau với nỗi đau chung của cả dân tộc, từng phải “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu..” Nhiều trở trăn, nhiều suy nghĩ có trách nhiệm với danh phận một người dân yêu nước… Ông đã bật lên thành câu thơ và cũng là câu hỏi nhức nhối người đọc khi không dễ tìm câu trả lời:
Đất rung chuyển…
biển bạc đầu…
Vì ai?
Mất nước, vương triều sụp đổ… cả dân tộc chịu ách nô lệ nhiều đời… câu trả lời đã có!
Đất vì ai mà rung chuyển? Biển vì ai  mà bạc đầu? Vài ngàn năm vẫn là câu hỏi thật dễ mà lại vô cùng khó trả lời…
Dòng trăn trở của tác giả còn nối tiếp. Vẫn biết để có viên ngọc trai sáng trắng phải trải qua đau đớn trong lòng con trai mới kết thành…
Ngọc trong đau đớn lòng trai 
Vua ôm mối hận, đã vài ngàn năm… 
Kim Quy buồn bã bặt tăm... 
Triều thần tù tội, nát tan cửa nhà ...
Truyền thuyết tổ tiên ta để lại có phần ưu ái cho mối tình của hai kẻ tiếp sức cho Triệu Đà thôn tính Âu Lạc. Lẽ nào nước mắt xót thương vợ của một kẻ hãm hại cả một dân tộc rơi vào “Nát tan cửa nhà” lại hoá thành những viên ngọc trai ... và khi được rửa ở nước giếng mà hắn gieo mình tự vẫn lại sáng đẹp... hậu thế hôm nay dẫu có thắc mắc thì cũng chẳng tìm ra được câu trả lời...
Nhưng việc mà vua mất cảnh giác, thì hậu quả thảm khốc đến sẽ là tất yếu… Bởi khi ấy ngay cả thần Kim Quy cũng không thể cứu vãn… chỉ có thể chỉ ra kẻ thù rồi “buồn bã lặn bặt tăm…”
Phải chăng ở đây tác giả muốn mượn hình ảnh viên ngọc trai quý nhất, chính là nền hoà bình cho một dân tộc mà xương máu lớp lớp tổ tiên đã đổ ra ... Đơn cử chỉ một trận đánh Gò Đống Đa của Vua Quang Trung năm 1789 mà đã
Thánh Nam thập nhị kình nghê quán
Chiến điệu anh hùng đại võ công (Loa Sơn Điếu Cổ- Ngô Ngọc Du)
Dịch là:
Thánh Nam xác giặc mười hai đống
Ngời sáng anh hùng đại võ công
Hoặc:
“Đống Đa xưa bãi chiến trường
Ngổn ngang xác giặc vùi xương thành gò”.
Đó mới chỉ là máu xương của quân địch….ai có thể đong đếm nổi “lòng trai mẹ” Việt Nam trải qua bao nhiêu đời với triệu triệu anh hùng ngã xuống để có cuộc sống hôm nay…
Ngoài biển khơi kia sử sách chẳng ghi nổi có bao nhiêu người đã ra đi làm nhiệm vụ giữ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không trở về… Chỉ biết ngay tại điểm xuất phát những chuyến đi ấy là Đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Cho tới tận ngày hôm nay vẫn còn giữ phong tục cúng tế “Lễ Khao Lề Thế Lính Hoàng Sa” (Tế người sống - tiễn người sống ra đi mà ai cũng xác định sẽ không trở về). Theo sự phỏng đoán của các sử gia thì chỉ tạm tính từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào Đàng trong thì những người lính được gọi là Hùng Binh, đã vượt biển ra đảo Hoàng Sa và sau này thêm Trường Sa từ Lý Sơn không dưới Vạn người. Mấy ai trong số đó trở về đâu… bởi vậy nay trong dân chúng vùng này vẫn lưu truyền câu ca
Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng hai (ba) khao lề thế lính Hoàng Sa (ca dao)..
Xưa tổ tiên ta tế sống những thanh niên trai tráng ra đảo bảo vệ chủ quyền bằng lễ “khao lề thế lính Hoàng Sa”….
Thời hiện đại nay vẫn còn 75 người con nước việt nằm lại biển khơi trong  trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 với quân Trung Quốc… và gần nhất là trận Gạc Ma với 64 người con nước Việt nữa đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi…
Còn Đất rung chuyển nào đâu chỉ có xa xưa..
Gần đây ngay những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Mới “Hảo Hảo” ngày nào… Lập tức lật mặt ngay. Chúng mang quân sang xâm lược năm 1979 những câu hát “Quân xâm lược bành trướng dã man. Đã dày xéo mảnh đất tiền phương. Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương” (Chiến đấu vì độc lập tự do -Phạm Tuyên) đã phần nào nói lên bản chất của quân xâm lược… và cuối cùng chúng phải bỏ lại xác hơn ba vạn quân… rồi rút lui…
Viên ngọc hoà bình hôm nay quả thật được hình thành từ Đau Thương…
Những “Đau thương còn mãi trong ta...” lời nhắc nhở đầy trách nhiệm của một công dân yêu nước Trà Thanh Lam vẫn còn tiếp tục:
Bài học ngày ấy...
nước nhà hôm nay!
Vâng nước nhà đang lâm nguy, bởi kẻ thù đã vào tới cửa ngõ, chúng cắm giàn khoan, mang theo một lực lượng hùng hậu tàu chiến, máy bay, tàu cá trá hình gây hấn trên biển Đông… Trong nước chúng cho thương lái đi thu gom hết móng trâu bò, rễ tiêu, lá cà phê.. đỉa và vô vàn những chiêu trò hại dân ta…
Việt Nam ơi! Cần lắm. Rất cần những cái đầu tỉnh táo cảnh giác với “phường quay lưng” ngàn đời nay lăm le cướp nước… Để sự ân hận muộn màng của An Dương Vương không bao giờ lặp lại…
Và chắc chắn một điều, lòng dân đoàn kết, lãnh đạo sáng suốt. Sẽ không có kẻ thù nào bước vào dẫu chỉ một tấc đất hay một ngọn sóng ngoài biển khơi được.
Tôi xin mượn một đoạn ca từ trong ca khúc “Chiến đầu vì độc lập tự do” của nhạc sĩ Phạm Tuyên để kết thúc cho bài viết cảm nhận Đau Thương này:
Ôi đất nước của ngàn chiến công
Vẫn sục sôi khí thế hào hung
Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa vẫn gọi tiếp những bản hùng ca
Việt Nam! Ôi nước Việt yêu thương
Lịch sử đã trao cho người một sứ mệnh thiêng liêng
Mang trên mình còn lắm vết thương Người vẫn hiên ngang ra chiến trường
Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người
Độc Lập- Tự Do!

Sài Gòn 6/6/2014
Huỳnh Xuân Sơn



Thông tin cá nhân:
Tác giả Huỳnh Xuân Sơn  
Tên thật Cao Thị Phương Lan 
hiện ở Thủ Đức, Tp HCM. 
Email: huynhphuvang@gmail.com  

***
Trà Thanh Lam gởi đăng qua email: vovansuu@tckt.edu.vn


READ MORE - Huỳnh Xuân Sơn - CẢM NHẬN BÀI THƠ “ĐAU THƯƠNG” CỦA NHÀ THƠ TRÀ THANH LAM