Đã lâu quá rồi, tôi mới có dịp về đón Tết tại Hà Nội. Phố phường bây giờ dân chúng đi lại tấp nập hơn xưa nhiều. Trước đây, đường phố đầy xe đạp, nhưng giờ đây hầu hết phương tiện đi lại là xe máy và ôtô. Nhất là hệ thống xe búyt dày đặc và lưu thông khắp thành phố với giá rẻ (5, hoặc 7 ngàn một lượt) đã tạo điều kiện cho nhiều người dân đi lại được thuận tiện. Nhiều đường phố được mở rộng và có thêm nhiều cầu vượt và đường trên cao để tránh sự ùn tắc giao thông trong thành phố khi vào tầm giờ cao điểm. Phố xá rộn ràng khách ra vào các cửa hàng, cửa hiệu dồn dập. Hàng hóa tiêu dùng rất phong phú đầy đủ các thứ loại có nhãn hiệu Việt Nam và ngoại quốc với những mẫu mã đẹp mắt. Tuy vậy, người mua sắm cũng rất cảnh giác với các loại hàng giả mạo, chất lượng không tốt vẫn còn bày bán ở một số cửa hàng tư nhân hám lợi mà các cơ quan chức trách chưa phát hiện kịp thời để dẹp bỏ…
Đặc biệt mấy ngày giáp Tết Giáp Ngọ, nhiều mặt hàng truyền thống phục vụ cho ngày Tết đều tiêu thụ rất nhanh như các loại bánh chưng, bánh tét, nem chua, dò chả, mứt kẹo v.v… cũng ít người để ý đến các loại mặt hàng này có an toàn thực phẩm hay không nữa? Thấy cần là mua, cứ mua cho kịp về dùng ngày Tết, thế thôi!
Trong các công sở, cửa hiệu cửa hàng đều trang hoàng hoa cảnh đẹp mắt như các chậu hoa đào, mai, quất… Trong mọi nhà dân đều có bình hoa đào, hoa mai đón chào năm mới. Trên dọc các đường phố cũng được trưng bày hoa cảnh rất đẹp. Nhất là ban đêm cảnh đèn hoa màu sắc nhấp nháy sinh động trên các lâu đài, hãng hiệu, chùa chiền, đền miếu… trông rất đẹp mắt.
Đêm giao thừa pháo hoa được bắn lên ở 27 địa điểm trong thành phố, trong đó có 5 điểm lớn, nhưng có hai điểm lớn nhất trình diễn pháo hoa rất đẹp là ở Hồ Gươm và Tây Hồ. Mấy chục năm nay không còn cảnh đón giao thừa pháo nổ đì đùng khắp nơi và người ta đua nhau đi hái lộc(các nhành lá non trên cây) quanh các đền chùa như ngày xưa nữa.
Đặc biệt thời tiết Hà Nội vào dịp Tết năm nay rất đẹp, trời se lạnh nhẹ, không mưa phùn như các dịp Tết những năm trước. Trong mấy ngày Tết, người ta đi thăm nhau và chúc mừng năm mới rất thuận lợi. Nhiều người đi chùa, nhà thờ, đến Văn Miếu Quốc tử Giám, đến thăm lăng Bác Hồ, đi xin chữ đầu xuân v.v…
Vợ chồng chúng tôi cũng đi dạo chơi quanh hồ Gươm rồi đến vườn hoa Chí Linh-bên đường Đinh Tiên Hoàng (sát bờ hồ) để ngắm tượng đài toàn thân vua Lý Thái Tổ đang nhìn ra Tháp Rùa giữa Hồ Hoàn Kiếm. Sau đó chúng tôi vào đền Ngọc Sơn thắp hương tưởng niệm. Ngày Hôm sau chúng tôi lên Văn Miếu dạo chơi ngắm những chú rùa cõng bia các Tiến sĩ của đất Việt ngày xưa. Một lúc sau, chúng tôi dừng lại bên dãy tường thành Văn Miếu để ngắm các cụ đồ nho đang viết đại tự trao cho những người đến xin chữ đầu xuân(xin được một chữ thì phải biếu lại cho cụ đồ 150 nghìn đồng). Những chữ cụ đồ thường cho là loại chữ Hán gồm các chữ với nghĩa là: Tâm, Đức, Phúc, nhẫn, Phú, Thịnh, Vượng, Duyên… Chúng tôi nhìn thấy có cả người ngoại quốc đến xin chữ nữa và họ cũng vui vẻ chúc Tết ông đồ với những lời trang trọng, chân thành. Đó là nét văn hóa từ xưa mà nay ở Thủ đô Hà Nội vẫn đang còn tồn tại.
Ngày Tết chúc nhau khỏe mạnh thêm
Mùa xuân ước vọng an khang mãi!...
Nguyễn Hồng Trân
Hà Nội-Tết năm Giáp Ngọ 2014.
No comments:
Post a Comment