Tác giả Trần Kiêm Đoàn |
Khi nói đến
giáo dục, phải nói đến cả hai yếu tố tương tác quan trọng: Kiến thức và đạo
đức. Có kiến thức mà thiếu đạo đức, nhà trường sẽ biến thành “chợ chữ”. Khi nhà
trường thành nơi mua văn bán chữ thì quan hệ thầy trò sẽ trở thành quan hệ con
buôn và khách hàng. Trong một hoàn cảnh như thế thì chữ nghĩa và kiến thức sẽ
trở thành mặt hàng trao đổi và đạo đức học đường sẽ vắng bóng.
Là một
người đã trực tiếp làm công việc giảng dạy tại các trường trung học ở Việt Nam
trước và sau năm 1975; cũng như giảng dạy tại các đại học Mỹ, tôi có cơ hội
tiếp cận nhà trường, học sinh và sinh viên trong cả ba môi trường giáo dục có
nội dung lẫn hình thức khác nhau. Thật không đơn giản và dễ dàng để nói đến sự
thăng tiến hay suy đồi của một nền giáo dục thông qua cảm tính và hiện tượng.
Tuy nhiên, người ta có thể nhìn thấy những hình ảnh trở thành quá phổ biến của
thanh niên trong độ tuổi lao động la cà ở quán nhậu, tiệm cà-phê trong giờ làm
việc hay tuổi đi học lêu lổng ngoài đường trong giờ học tập ở trường hoặc quan
hệ thô bạo, phi giáo dục của thầy trò trong lớp… để làm “chỉ dấu” hé mở bước
đầu cho sự quan sát, tìm hiểu, phân tích về một quá trình xã hội và giáo dục
đang trên đà tiếp diễn.
Theo các nhà giáo dục có tên tuổi trong nuớc thì nền giáo
dục Việt Nam
trong gần 40 năm qua có khuynh hướng đi theo một vòng tròn xoáy trôn ốc mà đỉnh
nằm ngược chiều xuống dưới. Tình trạng tham nhũng, hối lộ, tôn sùng giá trị vật
chất của xã hội đã làm nhiễm độc môi trường giáo dục: Lương y không còn là từ
mẫu, quan chức không còn phát huy vai trò biểu tượng là cha mẹ dân và thiên
chức nhà giáo bị xô giạt vào nếp sinh hoạt thực dụng, bon chen cộng với sự áp
đặt tư tưởng chính trị một chiều là nguyên nhân trực tiếp cho khuynh hướng
thoái trào của chương trình giáo dục Việt Nam trong gần bốn thập niên qua. Sự
đổ vỡ về mục đích đào tạo nhân tài và uốn nắn thế hệ trẻ thành người tốt cho
tương lai đất nước đang trên đà thoái hóa. Sinh hoạt học đường và quan hệ thầy
trò; mối liên lạc giữa trường học gia đình và xã hội xuống cấp ngày càng nghiêm
trọng.
Sáng hôm nay, 19-2-2014, tôi vừa được xem một màn “hỗn
chiến” giữa thầy và trò tại một trường trung học ở Bình Định trên mạng lưới
Youtube[1]. Thầy là một giáo viên trẻ và học trò là học sinh lớp 11A2. Trong
đoạn phim ngắn, có lẽ thu bằng I-phone ngay trong lớp, lý do không rõ nhưng
người thầy giáo đã đánh một học sinh nam ngay trên bục giảng, trước mặt lớp học
gồm cả nam nữ học sinh. Cách đánh của người thầy giáo quá tàn nhẫn và thô bạo
bằng những cú tát dồn dập, đấm thẳng vào mặt học trò với tiếng bốp chát thu
trong máy nghe rõ mồn một, làm vênh cả đầu và mặt người học trò. Nạn nhân và
bạn trong lớp phản ứng, dồn thầy giáo vào góc tường với hai tay đưa ra trong
thế chống đỡ. Tuy đoạn phim ngắn không đủ nêu lên toàn cảnh diễn tiến nhưng
cách trừng phạt của thầy giáo đối với học trò bằng hành động vũ lực như thế là
hoàn toàn phi giáo dục và cách phản ứng đánh lại thầy giáo là hành động thiếu
luân lý. Nói tóm lại là cả thầy lẫn trò trong trường hợp nêu dẫn đều hành động
sai trái và biến lớp học thành đất hè phố của giới đầu khấu, lâu la.
Quan hệ thầy trò đã bị chao đảo vì áp lực của quyền thế,
kinh tế, xã hội và đây không phải là trường hợp cá biệt loạn động lần đầu xảy
ra trong nhà trường Việt Nam .
Theo truyền thống giáo dục mọi thời và mọi nơi, thầy giáo là
người truyền đạt và học trò là kẻ tiếp thu kiến thức. Dẫu cho ở thời nào, khung
cảnh xã hội nào và bối cảnh nhân văn nào thì quan hệ thầy trò là một quan hệ
giáo dưỡng. Người xưa coi thầy trọng hơn cha. Ngày nay tuy có khác nhưng không
thể nào đặt quan hệ thầy trò theo mô thức “cá đối bằng đầu” được. Thầy cần có
ân và có uy. Trò cần có kính và có lễ. Dẫu cho trong khung cảnh cổ xưa, cụ đồ
nho có phạt học trò cũng dùng cái ân của kẻ bề trên và cái uy của bậc cha mẹ mà
ra roi hay xuống lệnh chứ không thể nào sử dụng kiểu đánh đập tùy tiện, nói lời
dung tục và phản ứng “mày bằng ao, tao bằng giếng” của phường vô học, bất tri
lý, đá cá lăn dưa như thế được.
Nếu quan tâm theo dõi tình hình sinh hoạt cụ thể trong nhà
trường Việt Nam
các cấp trong ba bốn thập niên qua sẽ thấy được phần nào sự chuyển động của một
tiến trình giáo dục theo hướng thoái trào.
Việt Nam
đã thông báo về sự bắt đầu chuyển động của một cuộc “Cách tân giáo dục để đáp
ứng với những yêu cầu của thời đại mới.” Dẫu cho có muộn còn hơn không nhưng sự
thành bại còn tùy thuộc vào việc làm cụ thể của giới cầm quyền có trách nhiệm.
Những hình thức diễn văn và khẩu hiệu để trang hoàng không thật với chính mình,
dối trá nhau và lừa mỵ quần chúng cần phải phân định rõ ràng với thực tâm, thực
chất và nhu cầu đổi mới.
Sau đây là một vài ý kiến mà tôi đã viết trên báo Xuân Lao
Động năm 2014.
Trong đợt nghiên cứu và thăm dò của PEW, một trung tâm
nghiên cứu hàng đầu của Mỹ tại Washington DC, trong mùa Xuân 2013 về tình hình
cải cách giáo dục toàn cầu trong thời đại mới thì đã có 127 trên tổng số 195
quốc gia tiến hành cải cách giáo dục trong thập niên đầu thế kỷ 21. Động cơ và
lý do của nhu cầu cải cách và canh tân giáo dục rất đơn giản và hiển nhiên:
Thời đại mới có những nhu cầu và thách thức mới. Trong lúc giáo dục là phương
tiện cốt lõi để đào tạo con người trong thế hệ mới nên phải chuyển mình theo
hướng tiến phù hợp với tình hình mới là điều kiện tất yếu.
Ba mươi tám năm
(1975-2013), thời gian trung bình của một thế hệ, vấn đề cải cách giáo dục Việt
Nam
bắt đầu có dấu hiệu chuyển động. Nhận định và viễn kiến có thể khác nhau, nhưng
nỗi ưu tư và lòng mong muốn thì thật tương đồng:
Mối ưu tư
chung là chương trình giáo dục và đào tạo Việt Nam chưa phát huy tác dụng cụ thể
và thiết thực. Nền giáo dục Việt Nam, cả hình thức lẫn nội dung, quá nặng về
tính chất “biểu kiến”, nghĩa là dày bề mặt mà mỏng chiều sâu nên không đáp ứng
nhạy bén được nhu cầu phát triển và ứng dụng tri thức vào những vấn đề quốc kế
dân sinh của toàn đất nước trong thời đại kinh tế thị trường và toàn cầu hóa
hiện nay. Những nguyên lý giáo dục đề ra để đối trị cấp thời với hoàn cảnh
chiến tranh và tình trạng sản xuất tập thể, kinh tế bao cấp trong quá khứ – vô
hình chung – vẫn còn năng lực quán tính tạo ra sức cản nặng nề. Do đó, chức
năng sáng tạo và chủ động là xương sống của tinh thần giáo dục lành mạnh không
có điều kiện phát huy. Hệ quả khó tránh khỏi là hiện tượng học từ chương, suy
tôn bằng cấp, trí thức theo đuôi và tốt nghiệp thiếu khả năng ứng dụng nên
không được sử dụng đúng mức.
Mong muốn chung là cần có một cuộc cách tân giáo dục nghiêm
cẩn và toàn diện.
Duyệt xét
và cải cách chương trình giáo dục cũ. Áp dụng một chương trình giáo dục mới phù
hợp với nhu cầu văn hóa, xã hội và giáo dục hiện đại. Tái huấn luyện và đào tạo
lực lượng giảng dạy. Cần xây dựng và phát huy một không gian nghiệp vụ lành
mạnh với sự giảm thiểu hay tách rời ảnh hưởng và sức ép chính trị trực tiếp
trên giáo dục.
Thiết lập
quan hệ với các đại học nước ngoài. Mời giáo sư và chuyên viên ưu tú giảng dạy
và tăng cường chương trình trao đổi sinh viên quốc tế.
Giới hạn
và chỉ đạo chặt chẽ hay hủy bỏ các chương trình học chuyên tu, tại chức. Thành
lập những hội đồng giám khảo các ngành chuyên môn ở tầm mức quốc gia để duyệt
xét các tiểu luận tốt nghiệp thạc sĩ và luận án tiến sĩ để tránh tình trạng
tiêu cực lạm phát bằng cấp và hạ thấp giá trị học vị.
Cách tân
giáo dục là cải cách hệ thống giáo dục, có can đảm loại bỏ và sửa đổi tất cả
những gì còn vướng mắc để giải quyết nhằm khắc phục những ưu tư và canh tân để
đề ra những phương thức đúng đắn nhằm đạt những mong muốn rất cơ bản như đã
trình bày ở phần trên. Khuynh hướng cách tân giáo dục Việt Nam là một nhu
cầu cấp thiết của đất nước trước những thách thức thời đại và yêu cầu chính
đáng mang tính quyết định cho tương lai dân tộc. Vấn đề quá hiển nhiên và đã
chín muồi nên im lặng là buông xuôi và đầu hàng, phó mặc cho thói quen và định
kiến đóng vai trò quyết định. Đại chúng ao ước từ lâu đã đành, nhưng giới lãnh
đạo cũng bắt đầu lên tiếng. Ngày 31-7-2013, tại hội nghị nâng cao chất lượng
giáo dục tại Hà Nội, bà Phó chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan đã lên tiếng rằng
“khâu quản lý thi cử và quản lý chất lượng người thầy đã bị buông lỏng cần được
chấn chỉnh”. Ngày 19-9-2013, thứ trưởng bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam Nguyễn
Vinh Hiển đã thông báo việc hoàn thành sửa dổi dự thảo Đế án “Đổi mới căn bản,
toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc
tế”.
Điểm then
chốt cần nghi nhận ở dây là lá bùa“Định hướng Xã hội chủ nghĩa.” Đó là một cụm
từ tối tăm, mơ hồ, sáo mòn mang tính bùa chú nặng nề kinh điển hơn là thực
dụng. Nếu càng đi sâu vào sự phân tích chi li, càng nhận ra ảo tưởng xa vời của
nó. “Định hướng” mà không có chỗ dựa và cũng chẳng có một nội hàm tri thức nào
có giá trị thực tiễn làm căn bản cho bước tiến giáo dục trong thời đại mới là
một sự lệch hướng hay mất phương hướng mà thôi.
Bản chất
của giáo dục nói chung là một hệ thống phương tiện đào tạo và huấn luyện thế hệ
trẻ thành những người công dân có năng lực phục vụ, sinh tồn, phát huy và lãnh
đạo xã hội trong một môi trường văn hóa, chính trị và kinh tế cụ thể nào đó.
Bởi thế, mỗi hình thái chính trị xã hội có một nguyên lý giáo dục riêng.
Dạy học ở
nhà trường Mỹ, tôi không hề nghe ai hô hào cải cách, nhưng chương trình, nội
dung và phương tiện giáo dục thay đổi nhanh chóng từng năm học; thậm chí, thay
đổi từng học kỳ, học khóa. Nếu có một sự xuống cấp, một hiện tượng thoái trào
trong nội dung giáo dục ở cấp thành phố, hay tiểu bang xảy tới là tức thời được
đưa ra công luận mổ xẻ và sửa sai ngay. Có lẽ nhờ vậy mà dòng lịch sử trẻ trung
của Mỹ đã đưa chất lượng giáo dục lên hàng ưu thế với 2683 trường đại học năm
2013. Cụ thể là trong số 20 trường đại học được xếp loại hàng đầu thế giới, Mỹ
chiếm 17 trường, Anh chiếm 2 trường (Oxford và Cambridge), Thụy Sĩ chiếm 1
trường (Zurich).
Khi còn
đứng trên bục giảng ở trong nước, nhất là sau năm 1975 khi cả thầy trò đều phải
lao đao với miếng cơm manh áo, hễ nghe nói đến trí thức nước ngoài, từ Mỹ, từ
Pháp, Liên Xô, Nhật Bản, Đại Hàn… về nước, mình vẫn có cái mặc cảm tự ti thua
kém. Nhưng đến khi có cơ hội chen vai thích cánh bình đẳng với cộng đồng thế
giới, cả khi ngồi trong lớp học và lúc đứng trên bục giảng, đã bao lần tôi xúc
động với lòng tự hào dân tộc là dân Việt mình không hề thua kém trí thông minh,
óc nhạy bén và nghệ thuật sống còn khéo léo, phản ứng quyền biến linh động
trong mọi hoàn cảnh so với các dân tộc khác. Tuy nhiên, trong một số lớp học
tôi phụ trách có sinh viên Việt Nam
mới qua Mỹ du học đều có một khuyết điểm rất lớn là tính thụ động. Các em học
hành rất siêng năng, chăm chỉ, làm bài tập ở nhà cũng như ở lớp nghiêm túc
nhưng rất hiếm khi có em nào tham gia vào các sinh hoạt kể cả nội khóa và ngoại
khóa. Nội khóa thì âm thầm ôm sách học gạo đạt điểm cao chứ không tham gia sinh
hoạt của lớp. Ngoại khóa thì các em không có khả năng chơi thể thao, âm nhạc,
sinh hoạt dã ngoại. Lúc đầu tôi cứ nghĩ sinh viện Việt Nam thụ động là
do trở ngại về ngôn ngữ và văn hóa. Nhưng sau khi trao đổi, chia sẻ và phân
tích với các em, tôi mới thấy rõ đó là do hậu quả của một chương trình giáo dục
còn nhiều khiếm khuyết từ trong nước. Trong đó, sự áp đặt và khống chế của
những nguyên tắc chính trị lỗi thời, ảo tưởng đã kéo lùi bước tiến của tri
thức, giáo dục.
Năm 2011,
bộ Giáo Dục và Đào Tạo Việt Nam cho biết là có hơn 100.000 sinh viên Việt Nam
từ trong nước đi du học tại 49 nước trên thế giới. Tại Mỹ có 14.888 sinh viên
Việt và 90 phần trăm trong số đó là du học tự túc. Con số nầy đang trên đà tăng
nhanh. Xin đừng biến đây thành một cuộc “tỵ nạn giáo dục” ồ ạt của thế hệ con
em thuộc gia đình quan chức, đại gia
tham nhũng, gian thương sống phè phỡn… trên đầu trên cổ người dân lương thiện
đang còn chịu khó khăn thiếu thốn trăm bề.
Hơn ba
mươi năm qua đến hiện tại, các nhà lãnh đạo giáo dục Việt Nam luôn luôn định vị
hướng đi của nền giáo dục nước nhà phải gắn liền với “định hướng Xã hội Chủ
nghĩa”. Với con số 90 phần trăm du học tự túc trong hoàn cảnh kinh tế Việt Nam
hiện nay, có vẻ như đây là chỉ dấu của một hiện tượng phát triển nghịch lý và
ngược chiều giữa “định hướng Xã hội Chủ nghĩa” và thực tế xã hội (?!).
Thế hệ
Chiến tranh Việt Nam
của giới đàn anh đang lụi tàn. Thế hệ đàn em hậu chiến đang vươn lên thay thế
từng bước trách nhiệm xây dựng và vai trò lãnh đạo đất nước. Nhưng vấn đề cách
tân giáo dục cũng chỉ mới ở mức độ một câu hỏi đặt vấn đề hơn là một câu trả
lời có nội dung ứng dụng được. Đã đến lúc cần chấm dứt tình trạng nhìn thực tế
qua ảo tưởng rồi đem ảo tưởng làm thực tế. Sử dụng mà không tiếm dụng, ứng dụng
mà không vô dụng, thực dụng mà không lạm dụng là nguyên tắc dùng người và dùng
phương tiện trong giáo dục ngày nay.
Trần Kiêm Đoàn
**********
Nguyên văn từ email của tác giả Trần Kiêm Đoàn: trankiemdoan@gmail.com
**********
Nguyên văn từ email của tác giả Trần Kiêm Đoàn: trankiemdoan@gmail.com
No comments:
Post a Comment