Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, February 28, 2014

MỘT THOÁNG HƯƠNG THẦM - thơ Phan Minh Châu

Viết tặng chị H.H.T nhân đọc bài thơ
TA CÒN NHAU KỶ NIỆM



Một bài bình vừa lỡ vận hôm qua
Gởi đến chị với một lời xin lỗi
Một thoáng mông lung một lời bình viết vội
Đủ neo đơn trên sắc áo thi đàn…

Những kỷ niệm màu hồng vẫn cứ khang trang
Trong ký ức ngày xưa
Một mùa Xuân rực lửa
Tiếng súng nổ giòn tan
Tiếng chân người giục giã
Cả quê nhà làm một cuộc phân ly
Theo dòng người hơ hải đổ xô đi
Chị đánh mất tuổi thơ thời con gái
(không biết có đúng không?)
Bốn mươi sáu năm qua những ngày còn vụng dại
Kẻ tha phương người cầu thực đâu ngờ…
Có một ngày gặp lại tưởng trong mơ
Vẫn tỏa sáng tình yêu thời mới lớn
Chung hộc chung bàn chung buồn, vui lẫn lộn
Chung trái ổi miệt vườn chung giàn ná bắn thun
Tưởng cả đời thất lạc mối tình thâm
Đã lịm chết sau những ngày di tãn
Thuở bím tóc đung đưa bên khoảng trời trong sáng
Niềm vô tư thơm mãi tuổi học trò
Cho đến một ngày nhận diện qua mail
Qua trang báo qua bài văn mẫn cảm
Có thể nào tin?
Những kỷ niệm một thời tưởng đâu là ảo ảnh
Cứ lang thang  ồn ả đuổi nhau về
Lòng bổng chạnh lòng với trăm nổi nhiêu khê
Trăm nỗi nhớ trăm thứ tình lẫn lộn
Vẫn đôi mắt ngày xưa thời mới lớn
Và kỷ niệm tuổi thơ hun hút thuở xa người
Đã biết giử cho nhau khoảng trời riêng còn lại
Để một chút hương thầm mãi mãi ngát trên môi.

       PHAN MINH CHÂU

      3b Âu Cơ Nha Trang Khánh Hòa
READ MORE - MỘT THOÁNG HƯƠNG THẦM - thơ Phan Minh Châu

CÔN ĐẢO - thơ Nguyễn Vinh Nguyên Hiển




Ảnh của tác giả


Hai mươi ngàn trái tim
Bất khuất
Nằm xuống
Tổ quốc
Đứng lên

Từng gốc cây, ngọn cỏ
Viên sỏi, bến tàu
Đều nhuộm thắm máu đào
Hai mươi ngàn liệt sĩ
Bàng xanh thắm tầng không
Bằng lăng tím biếc khung trời
Nụ cười khúc khích ở chợ
Em tung tăng sách vở đến trường
Mắt ai long lanh giữa phố
Mọc lên từ nghĩa trang Hàng Dương
Ma Thiên Lãnh, Cầu Tàu 914…

Không danh tánh
Không mộ chí
Không quan quách
Một danh xưng
Côn Đảo.

N.V.N.H

Địa chỉ liên lạc:
Nguyễn Văn Vinh
50 Trần Thái Tông, Huế

Tel: 01688971486

READ MORE - CÔN ĐẢO - thơ Nguyễn Vinh Nguyên Hiển

HOA NỞ SAU GIAO THỪA - Truyện ngắn Trạch An - Trần Hữu Hội



HOA NỞ SAU GIAO THỪA



                                     Trạch An – Trần Hữu Hội.



Khi hai đứa con gái  cho nổ máy chiếc xe tay ga, ông Hoán còn dặn với theo:
   -Mấy ngày trước thì chậu vừa vừa khoảng  ba, bốn trăm, giờ này chắc chỉ một trăm, trăm rưởi thôi con nhé. Nhớ lựa búp có chớm vàng mới kịp.
Tiếng “da” thật to của hai cô con gái làm ông Hoán yên tâm, ông kéo cái bàn xa cầu thang thêm một chút, nơi ông định sẽ đặt cây mai chưng mấy ngày tết. 
     Từ ngày bán cái nhà ở quê, cơ ngơi mà vợ chồng ông tằn tiện dựng gầy  hơn nữa đời mới có. Ông vào Sài gòn mua một căn nhà, không to, nó chỉ dài hơn cái phòng ăn ở nhà ông một chút, dược cái là có thêm lửng và lầu, cũng tạm đủ cho cả gia đình ông ta túc, ông thì cho là chật, nhưng các con ông thì cho là thoải mái vì bấy lâu chúng ở nhà thuê, cứ chung nhau trên cái nệm mỏng. Ba đứa con gái và một thằng con trai. Năm ngoái có thêm thằng rễ rồi đứa cháu ngoại ra đời, lại chuyển nhà,  cũng được  hai phòng. Gọi là phòng nhưng chỉ đủ cho hai cái nệm thước tư, ở giữa có cái ngăn bằng gỗ. 
     Tự cho mình là tằn tiện là vì khi vợ chồng ông lấy nhau, hai người không có lấy một đôi nhẫn cưới. Gia đình hai bên thì có đó nhưng không còn gì mà cho, Những đứa con ra đời trong thiếu thốn, xoay chạy cũng chỉ sữa “ông Thọ” pha thêm chút đường, đứa nhỏ thì thế, mấy đứa lớn ăn thịt nhưng là thịt “bàng nhạng”. không mỡ mà không nạc, tội chúng nó, nhai mãi mà không nhuyễn được đành phải nuốt chứ nhổ thì uổng ! Cũng may là ông bỏ dạy sớm, ra làm nghề chụp ảnh. Lương của vợ ông một tháng không bằng ông chụp một cuộn phim đen - trắng. Bù qua sớt lại gọi là đủ ăn, có dư ra đôi chục ngàn chơi cái huê cái hụi, để dành khi ốm đau!
  Nhớ cái ngày chia tay bà con láng giềng, ai cũng bịn rịn bởi ông là người hiền lành tử tế. Nghèo thì nghèo thiệt, nhưng có chút gì cũng sẻ chia.Mười tám năm trước,ông mua được cái xe máy, cả xóm nhờ chiếc xe. Đi đâu xa chút thì mượn, có trở ngại công chuyên về trể thì ông cứ chiếc xe đạp,  đạp đi  chụp hình dạo. Đi bệnh viên Huyện, Tỉnh thì ông chở đi, nhiều lần ông phải bỏ tiền nộp phạt cho Công an giao thông vì chở ba người. “Vậy thôi, người ta đi bệnh viên chưa có tiền thuốc lấy đâu mà nộp phạt!” Ông thường nói với vợ như vậy.  Ông san sẻ cái khó của mọi người nhưng với bản thân thì tiện tặn lắm. Ông thường dạy con như  cách ông sống “ Mình ăn thì hết chớ người ta ăn thì còn…”
 Ông càng mạnh miệng hơn khi cách nay bốn năm, một cơn đột quy đến với ông, tưởng khó qua khỏi, vậy mà đưa vào tới Sài gòn, hai ba người  hàng xóm lên xe theo ông, ông trở về yên ổn, ca phẫu thuật đặt cái  “ Xì Ten” gọi là thành công. Lúc lên xe, vợ ông lưng lối chỉ chín triệu bạc, cầm cái “lắc” vàng mới mua được nhờ tiền hưu. Khi bệnh viên dòi đóng  chín chục triệu cho ca phẫu thuật thì cái chết cầm chắc trong tay. Tiên đâu có mà mổ. Hàng xóm, bạn bè… thông báo cho nhau, tin bay tới bên Mỹ,  bên Canada… Rồi  như có phép lạ, đứa con lên phòng dịch vụ bệnh viên đóng cái rụp! Hai mươi ngày nằm lại, lúc về, con ông nói còn thừa cả chục triệu, sữa và quà không tính! Toàn tiền giúp của bà con bạn bè, không nợ ai một đồng.
 Giờ thì ông đang chuẩn bị đón cái tết  nơi cái chốn gọi là đắt đỏ nhì thế giới, sau Hà Nội! Đó là người ta nói vậy chứ ông mới vào chưa tới hai tháng nên cũng chưa biết gì!
 Đắt đỏ thì ông tính theo cái chuyện đắt đỏ, mua cây mai chưng tết thì vội gì mà dè mấy ngày gần tết mà mua, cứ chiều ba mươi ê hề mà chọn, không bán rẻ thì chở về Miền Tây, Quảng Ngãi, Bình Định…à, lỗ tiền xe!
                                                         oOo

  Hai đứa con trở về, khi nó thắng xe trước ngỏ, nụ cười trên môi ông Hoán tắt hẳn. Hai chậu mai chúng mua về làm ông thất vọng, không có một búp nào ra hồn, búp lá cũng chỉ lèo tèo:
  -Hết rồi hay sao con mua mai gì kỳ vậy ? xấu thế này mà rước tới hai chậu!
Hai cô con cùng trả lời:
  -Hết rồi ba, con có mua bông giả về gắn thêm!
  -Thì thôi, về mua hoa tươi cắm cũng đẹp mà. Mai thế này thì chưng làm gì! Bao nhiêu vậy?
  -Dạ…ba trăm.
  Ông Hoán buồn rười rượi, giận nữa, nhưng ví cận tết cận nhất, ông im lăng. Ngồi xuống xoay xoay xem kỷ hết cây mai này tới cây mai kia, Ông tính chuyện ghép cả hai cây làm một chậu!
   Từ cái ngày các con ông lớn lên, học ra trường rồi đi làm, gia đình ông cũng qua cái túng thiếu, khỏi nuôi chúng cái ăn cái ở, ông cho chúng tự chi tiêu, nhiều khi ông giật mình vì chúng tiêu pha khá rộng! Có hôm vào thăm, chúng chở ông đi ăn nhà hàng Hàn Quốc, trả một triệu ba cho bữa ăn làm ông choáng váng! Khi chúng hỏi “ ngon không ba?” . Ông cười:
   -Nhiều tiền quá, cho ba tô phở thì ngon hơn!
   -Ba, ăn cho biết thôi mà, mai ăn mì tôm với tụi con ba ạ.
   Ông biết con ông rất thương cha thương mẹ. Nhưng từ cái bữa ăn đó, ông  hơi lo vì chúng tiêu pha không như ý ông, không như ông muốn ! Vợ ông cũng như ông, nhưng thấy ông không vui an ủi:
   -Con nó làm được thì cứ cho nó tiêu pha, ngày còn nhỏ tụi nó khổ rồi!
   Có  một đều an ủi ông, ngày ông vào thăm con nơi xóm trọ, người ta ai cũng chào ông thân tình, ông thấy lạ, hỏi các con:
   -Sao họ biết ba mà chào hỏi thế, nghe nói “dân Sài gòn” không ai quan tâm tới ai mà…
   Chúng cười:
   -Tụi con cũng sống như ba vậy, quan tâm họ thì họ thương mình. “Mình ăn thì hết, người ta ăn thì còn.”
   Chúng lại nhắc cái câu ông thường nói.
   Gặn hỏi ông mới biết. Tháng lương đầu tiên của mỗi đứa, chúng mua sữa hết, đem biếu cho người già nghèo khổ trong xóm, rồi sau này thỉnh thoảng chúng mua quà cho họ, ai ốm đau thì cho tiền mua thuốc…
    Ông thích lắm, nhưng lâu rồi ông cũng quên.
    Giờ nhìn hai chậu mai, ý nghỉ “xem nhẹ đồng tiền” lại lẩn quẩn trong tâm trí ông!
     Thường thì khi nào thấy ông buồn hay có đều gi phật ý là các con hoặc vợ  ông  an ủi, lần này cả mẹ lẫn con im re, có phần vui hơn nên ông càng buồn ! “Thôi thì tết nhất, cứ có hoa là đẹp rồi”. Ông  cho cả hai gốc vào một chậu rồi đứng ngắm nghía, gắn thêm vài cái bông , lá, búp giả…Chậu mai tươi lên. Đứa gái út đi chơi về lôi  trong túi ra một nắm những trái cầu xanh .đỏ .vàng…Phúc, Lộc, Thọ với tua tua…gắn lên trông cũng rực rỡ tết nhất, tuy có hơi màu mè !
        Thấy cả nhà vui ông cũng vơi  buồn.
                                                      oOo
         Nhà có lệ thường là sau khi cúng giao thừa, thắp nhang bàn thờ…thì ông lì xì cho các con gọi là tài lộc đầu năm. Năm nay, vợ ông không chuẩn bị gì cả. ông hỏi thì bà nói:
         -Mình lớn tuổi rồi, cứ để con cái nó mừng tuổi mình thôi.
         Có lẽ dã chuẩn bị sẵn, sau giao thừa chúng kéo nhau trên lầu xuống, đứa nào phong bì đó, đến trước ông và vợ:
          -Chúng con mừng tuổi ba mẹ.
           Ông cảm động lắm, quên hết muộn phiền. Người ta nói: “nước mắt chảy xuống”. Ông chưa hề đòi hỏi gì các con, cũng  chưa khi nào chúng đem tiền về cho ông bà, mặc dù chúng làm ra khá tiền…Nhưng mua chiếc xe, cái máy tính, ông nói với bà : “ Cứ cho con đi em…”
            Xong thủ tục mừng tuổi, đứa con gái lớn nói:
            -Ba, hai chậu mai không phải giá ba trăm đâu ba!


            Ông nhăn mặt hỏi:
            -Vậy chớ bao nhiêu?
            -Dạ… bảy trăm!
            Ông muốn lớn tiếng la con, nhưng:
            -Khoan đã ba, nếu là ba, ba cũng mua giá đó mà có khi hơn, nếu trong túi ba có  nhiều tiền…Mai thì vô số chậu đẹp, chỉ giá hai, ba trăm, búp nhiều…nhưng có bà già ngồi với hai cây mai này, bên cạnh là đứa cháu đang vốc cơm ăn, Hai bà cháu ở Tây Ninh, hai gốc mai này là mai nhà, nghe người ta kháo nhau đem mai lên Sài Gòn bán được nhiều tiên nên nhờ người bứng hộ, đem lên bán kiếm tiên về mua thuốc cho ba đứa bé bị bệnh. Không biết chăm nên không ra búp ra hoa chi cả, bốn ngày rồi không ai mua! Khi con thấy đứa bé vốc nắm cơm đã khô trong cái hộp xốp, con quyết định mua hai gốc mai, hỏi giá, bà nói:
            -Một trăm ngàn củng được, đủ tiền xe cho nội về Tây Ninh thôi! nội lỡ dại nghe người ta nói mà tham…
            -Con gởi bà hai trăm cho hai cây mai, xì xì đứa bé năm trăm. Hai đứa con biết là có thể bị lừa, nhưng nếu không thế thì chắc chắn là mấy ngày tết cứ ray rứt không yên!
            Ông lặng người, mắt ông đỏ lên rồi bên khóe lăn xuống môt giọt nước mắt, Giọng ông nghèn nghẹn:
             -Ba cảm ơn các con, là ba, ba cũng sẽ như thế, có bị lừa cũng được!
             Ông hạnh phúc lắm, trong ông như vừa rộ lên một rừng hoa! Những gì ông dạy con cái bấy lâu nay đã đơm hoa và nỡ rộ. Ông nhìn chậu mai, nó như đã nỡ hoa thật, ông lại lẩm bẩm: “Ba…ba cảm ơn các con!”.
                                                      Sài Gòn,12 tháng 2, 2014.
                                                       Trạch An -Trần Hữu Hội.
        
READ MORE - HOA NỞ SAU GIAO THỪA - Truyện ngắn Trạch An - Trần Hữu Hội

TRĂN TRỞ - thơ Hoàng Yên Lynh






Mấy chục năm rồi ta vẫn hoài trăn trở

Ước vọng ngày nào chỉ còn lại giấc mơ

Mấy chục năm dài làm thân lạc xứ

Áo rách chợ đời chai sạn  đắng cay.

Mấy chục năm thôi  quên ngày tháng cũ

Dặn với lòng thế sự áng phù vân

Đời đã qua cuộc thế bao thăng trầm

Sao bắt nhớ những đêm dài mộng tưởng ...


                         &


Tháng năm buồn đối mặt với mênh mông

Thương quê cũ nhớ người xưa hoài vọng

Ánh lửa rừng đêm ta quên hay nhớ

Đường ta đi mây trắng rụng trên đầu

Mấy chục năm rồi ta vẫn hỏi vì đâu

Tan nát đời ta gãy đổ nhịp cầu

Thời gian trôi cảnh đời vô định

Ta một mình tâm sự với mênh mông.


HOÀNG YÊN LYNH
READ MORE - TRĂN TRỞ - thơ Hoàng Yên Lynh

TỊNH BIÊN MÙA HẠ LẠI VỀ - thơ Trúc Thanh Tâm




THƠ  TRÚC THANH TÂM

TỊNH BIÊN MÙA HẠ LẠI VỀ

Những ngày xưa, tôi bắt gặp bây giờ
Ngày mỗi ngày, em đi về ngang cửa
Áo trắng bay má hồng hoa mắc cở
Tuổi học trò ngày tháng rất vô tư !

Chiều Nhà Bàng chờ đợi những cánh thư
Nghiêng nón hứng chùm thời gian tiếc nuối
Em phơi phới mắt đen tròn con gái
Có bao chàng thơ thẩn tập tành yêu !

Tịnh Biên ơi, hương tóc quyện hương chiều
Em yểu điệu chở mùa hè dạo phố
Chiếc lá rơi dạt hồn cong nỗi nhớ
Mưa bất thần thui thủi một mình em !

Đường dài thêm đâu đó dấu chân quen
Gió tíc tắc giọt đời rơi rất khẽ
Tiếng ai treo về bên tai nhè nhẹ
Phượng biết buồn nhốt mùa hạ tương tư !

TRÚC THANH TÂM
 ( Châu Đốc )
READ MORE - TỊNH BIÊN MÙA HẠ LẠI VỀ - thơ Trúc Thanh Tâm

Thursday, February 27, 2014

ÔM EM - Bình Địa Mộc



ôm em từ phía sau lưng
chạm bờ vai vết chai từng hằn lên
dọc đường quang gánh nổi nênh
xong vụ lúa tranh thủ thêm vụ màu
áo đôi vạt sém nhạt nhàu
em từng bấy tháng năm sau thững thờ
ôm em từ phía ước mơ
chao ôi hương tóc bay lơ lửng hoài
dăm ba người bước lạc lòi
nửa đường bỗng xách dép đòi về quê
nắng chiều cắt lát thao thê
đôi tình nhân tự nhiên thề thủy chung
ôm em từ phía vô cùng
lưng mồ hôi muối mặn chùng môi hôn
lâu lâu trời trở gió đông
chỗ nhưn nhức chỗ đoán không bệnh gì
cắn chặt răng cố quên đi
để mai còn nhặt nhạnh khi giáp mùa
ra giêng chợ vãn khách mua
ế câu hò quảng đò khua chệch chèo
bất ngờ anh lại ôm eo
mùi con gái thủa trăng treo thơm lừng
bàn tay gầy đét ngập ngừng
em quay lại mắng, xí, đừng hòng cho ...

Sài Gòn, 25.02.2014
Bình Địa Mộc


READ MORE - ÔM EM - Bình Địa Mộc

NGƯỜI THẦY THUỐC NĂM XƯA - Phan Kỷ Sửu



Chiều cuối năm
Một nén hương lặng lẽ
Tôi thắp trước mồ ông
Người thầy thuốc chăm sóc tôi ngày bé
Yên nghỉ nơi  đây quạnh quẽ, âm thầm
Hình như chẳng người thân nào đến viếng
Chỉ có lá khô và cỏ dại rưng rưng..!
Lâu rồi, biền biệt thời gian và không gian cách trở
Ông là ai? Tôi rất khó hình dung
Nhưng một hình bóng thân thương với vầng trán bao dung
Sau cặp kính trắng là đôi mắt ông nheo cười, độ lượng…
Cứ ám ảnh tôi như nỗi nhớ cuống theo dòng suy tưởng
Thuở  ấy
Đời tôi như chiếc lá mỏng manh
Cha mẹ trắng đôi tay lam lũ
Ông chăm chút cho tôi từng giấc ngủ
Từng hơi thở bình sinh
Từng lúc mê vùi trong cơn sốt vô tình
Tôi nào biết  bên mình ông tất bật
Viên thuốc, mũi tiêm, mồ hôi ướt đẫm
Ông giành giật với hiễm nguy một sinh mệnh con người
Cha tôi kể đã bao lần ông nhìn tôi
Tíu tít nô đùa sau mỗi lần khỏi bệnh
Ông thưởng nói hạnh phúc không bờ bến
Của riêng ông, là thế giản đơn thôi
Là giữ cho cuộc đời từng mầm sống ngày mai
Vật mà đã hơn năm mươi năm rồi đó
Chưa một lần tôi gặp lại người ân
Người đã nâng cho tôi sức sống trưởng thành
Mà chẳng nghĩ đến những gì đền đáp
Để bây giờ tôi cúi đầu thổn thức…
Xin phép ông mỗi cuối năm
Tôi lại về đây tảo mộ
Và thắp cho ông cả nén hương lòng
                                                           PHAN KỶ SỬU

READ MORE - NGƯỜI THẦY THUỐC NĂM XƯA - Phan Kỷ Sửu

NHỚ ƠN THẦY THUỐC ĐÃ CỨU TÔI - Nguyễn Hồng Trân



Tôi còn nhớ vào thời chiến tranh, lúc tôi còn nhỏ, thời kháng chiến chống giặc Pháp, tôi bị đau nặng do bệnh sốt rét và thương hàn gây nên tại vùng tản cư miền An Lạc, thôn Phú Long, Hải Lăng, Quảng Trị. Mẹ tôi kể lại rằng, vào một đêm mùa hè năm Đinh Hợi (1947), tôi bị sốt cao, người mê man, vùng vẫy kêu la, làm cho cả nhà và bà con lân cận đều chạy đến lo lắng, giúp đỡ. Lúc đó mẹ tôi hốt hoảng, than khóc ầm ĩ. Bà con kéo đến, người thì đắp khăn ướt lạnh lên trán tôi; người thì giã củ ném (hành tăm) rịt buộc vào hai bàn chân, bàn tay tôi để mong giảm sốt. Hồi đó, bệnh viện tỉnh ở xa, không có phương tiện đi cấp cứu. Tôi vẫn nằm tại nhà kêu la vùng vẫy liên tục. Lúc bấy giờ có một anh y tá xã đang đi qua đường nghe tiếng kêu la, khóc lóc và tiếng ồn ào của bà con kéo đến, anh ấy liền ghé vào xem có chuyện gì không? Thấy tôi nằm quằn qoại kêu la, anh y tá liền khám cho tôi rồi nói với mọi người là tôi bị sốt cao, cần phải tiêm thuốc và uống thuốc giảm sốt không thì nguy hiểm đến tính mạng. Thế là mẹ tôi rất lo và mọi người vội vàng nấu nước sôi luộc kim tiêm cho anh ấy tiêm cho tôi. Sau khi tiêm và uống thuốc xong, dần dần tôi nằm yên và hạ sốt rồi ngủ yên. Mẹ tôi và bà con lân cận rất an lòng, hy vọng tôi sẽ qua cơn nguy hiểm. 

Sau đó,anh y tá còn ghi mấy thứ thuốc Tây rồi bảo với mẹ tôi ngày mai sang bên nhà Phúc các chị Xơ-tu ở nhà thờ đạo La Vang mua mấy thứ thuốc để uống tiếp cho đỡ bệnh. Nếu không giảm bệnh thì tìm cách võng bệnh nhân ra nằm viện ở thị xã Quảng Trị để cứu chữa, không nên để ở nhà lâu sẽ nguy hiểm. Mẹ tôi cám ơn anh y tá và thực hiện như anh ấy dặn. Anh y tá đó là Lê Bá Lợi, người thôn Mai Đàn, xã Hải Quang(sau này là Hải Lâm). 

May quá! là sau một thời gian mấy tuần tôi đã khá lên nhiều rồi dần dần khỏi bệnh, nhưng tóc trên đầu bị rụng hết cả. Nhưng không sao, miễn là còn sống là tốt. Thế là tử thần không thể kéo tôi đi theo được! Đó là sự may mắn của tôi đã gặp được một thầy thuốc tốt bụng kịp thời để cứu mạng cho tôi. Tôi mãi mãi xin nhớ ơn thầy thuốc Lê Bá Lợi.
Vì vậy tôi có làm bài thơ Đường luật để tặng các thầy thuốc nhân ngày 27-2- 2014.

  GẶP PHÚC LƯƠNG Y
                  
Tử thần đã định kéo tôi đi
Sốt rét mê man chẳng biết gì
Gặp phúc lương y không quản ngại
Thiện tình từ mẫu chẳng lo chi
Tháng ngày nguy khốn rồi qua khỏi
Giờ phút hiểm nghèo đã biệt ly
Số phận đời tôi còn sống tiếp
Sao mà chịu xuống cõi âm ty !...
                Nguyễn Hồng Trân
READ MORE - NHỚ ƠN THẦY THUỐC ĐÃ CỨU TÔI - Nguyễn Hồng Trân

Wednesday, February 26, 2014

Y ĐỨC KHÔNG QUÁ CAO XA - TS.BS Trần Bá Thoại


Nhân Ngày Thầy Thuốc Việt Nam, TS.BS Trần Bá Thoại vừa gởi đến VNQT bàì viết về y đức, một chủ đề khá nhạy cảm hiện nay. 

VNQT xin trân trọng giới thiệu nguyên văn bài viết từ email:  tranbathoaimdphd@gmail.com.



TS.BS Trần Bá Thoại (phải) và một bệnh nhân




Y tế là một lãnh vực “nhạy cảm” vì 2 lẽ: một đối tượng phục vụ là sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân hai bệnh nhân theo đúng định nghĩa y học là những người “khác thường”. Tiếng Anh dùng những từ ghép sau với nghĩa là bệnh: dis-ease, dis-order, ab-normality. Do đó, gần như người dân rất dễ thấy thiếu sót và chê bai nhân viên y tế nhiều lúc nhiều nơi: Bác sĩ khám bệnh nhanh bị chê là khám ẩu, khám chậm lại chê trách khám như rùa bò, kê toa dặn dò kỹ càng cũng bị chê “biết rồi nói mãi”; nhưng khi có sự cố lại nói ngược là “tôi đâu biết đàng” !!!



Bác sĩ là người trực tiếp “giải quyết” với người bệnh và thân nhân họ. Do đó, những chính sách bất cập của những người đầu ngành y tế người dân cũng “đổ lên đầu” luôn: quá tải, thiếu phương tiện, thuốc men, tài chánh….



Bản thân bác sĩ cũng là con người, con và người, nên cũng đầy đủ  ”hỷ, nộ, ái, ố”. Nhưng nghề là nghiệp, đã chọn ngành y thí phải chấp nhận theo nghề với những đòi hỏi đặc thù nghề nghiệp.



Chỉ mong sao cộng đồng xã hội có cái nhìn công bằng hợp lý với nghề “nhạy cảm ” của chúng tôi….



Dưới đây là bài viết đã lâu xin trích đăng lại.



Y ĐỨC KHÔNG QUÁ CAO XA



TS.BS Trần Bá Thoại



Hiện nay, đạo đức xã hội nói chung và đạo đức y tế (y đức) đang có “vấn đề”. Người thầy thuốc thường được học nhiều, xã hội trọng vọng, cho nên xã hội thường rất bức xúc khi thầy thuốc vi phạm y đức, y đạo.



Thầy thuốc cũng là một con người, một thành viên gia đình, xã hội. Họ cũng phải lo toan chuyện “cơm, cháo, gạo, tiền”…như mọi công dân khác. Dù lương bổng của ngành y tế, được xã hội ta xếp nhóm hành chánh sự vụ, còn quá thấp so với “mặt bằng” cuộc sống, nhưng rất ít thầy thuốc đồng ý với lập luận: “vì lương bổng quá thấp, làm việc căng thẳng nên chuyện tiêu cực là đương nhiên”



Muốn chữa bệnh kịp thời, vì “chữa bệnh như chữa cháy”, thầy thuốc phải sớm chẩn ra bệnh, hiểu rõ căn bệnh, thông thạo các loại thuốc men cần thiết….; nôm na là thầy thuốc phải có “học”, có trình độ chuyên môn. Một số bậc lão niên trong ngành quan niệm không đúng rằng: “Nếu như sai sót của thầy thuốc do yếu kém chuyên môn, không phát hiện được bệnh còn có thể châm chước, nhưng sai sót về tinh thần phục vụ, thái độ giao tiếp, ứng xử thì hoàn toàn không thể chấp nhận được mà phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc”. Người thầy thuốc không đơn thuần hành nghề để kiếm sống, mà còn để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng: trị bệnh cứu người. Những sai sót của thầy thuốc, chủ quan hay khách quan đều có ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người…Cho nên để chữa trị được bệnh, thầy thuốc bắt buộc phải có “kiến thức”: không biết, không thành thạo không được làm; không ai có thể chấp nhận việc “có nhiệt tình, dám nghĩ dám làm” như trong những công việc khác.



Bên cạnh học chuyên môn, người thầy thuốc cũng phải học “công dân giáo dục”, “đạo đức học”…nghĩa là học “làm người”. Con người là sản phẩm của xã hội. Thiếu căn bản giáo dục cá nhân, gia đình, thiếu một nền tảng văn hóa, ứng xử từ xã hội, tất nhiên các thành viên xã hội, kể cả người thầy thuốc không thể hành xử “đúng mực” như cộng đồng mong đợi.



Một tình trạng gây hỗn loạn trong xã hội chúng ta hiện nay là sự “mị dân” và mất “niềm tin” trong xã hội: (1) thầy thuốc vì lợi nhuận dám lấy tư cách ngành nghề để “bảo kê” cho nhiều loại dược phẩm, nhiều thực phẩm chức năng “đa cấp” gia bán ngất ngưỡng so với giá trị sử dụng thật sự hay la những thứ “trời ơi”, “vô thưởng, vô phạt” và (2) bệnh nhân vì mất tin tưởng thầy thuốc nên sẵn sàng nghe “lang vườn”, thậm chí theo bói toán, mách miệng vô căn cứ…



Theo tôi, thầy thuốc có y đức tốt cần phải có 2 thành tố: một là phải có kiến thức tốt, phải được đào tạo chuyên môn bài bản và hai là phải học môn “công dân giáo dục”, “nghĩa vụ luật”…vốn không được dạy những năm sau này.



Y đức cao quí, nhưng không quá cao xa. Khi chúng ta bỏ thói hô hào, phát động, thi đua “dỏm” và bắt tay thật sự từ cái gốc là bản thân, gia đình và xã hội, thì chắc chắn đạo đức xã hội nói chung và y đức nói riêng sẽ được phục hồi và phát huy.



………………………………………………………….



8 tội thầy thuốc cần tránh (Hải Thượng y tông tâm lĩnh)



1. Có bệnh nên xem xét đã rồi mới bốc thuốc mà vì ngại đêm mưa vất vả, không chịu đến thăm mà đã cho thuốc, đó là tội LƯỜI.



2. Có bệnh nên uống thứ thuốc nào đó mới cứu được nhưng sợ người bệnh nghèo túng, không trả được vốn, nên chỉ cho loại thuốc rẻ tiền, đó là tội BỦN XỈN.



3. Khi thấy bệnh chết đã rõ, không nói thật mà lại nói lơ mơ để làm tiền, đó là tội THAM.



4. Thấy bệnh dễ chữa, nói dối là khó, le lưỡi, chau mày, dọa cho người ta sợ để lấy nhiều tiền, đó là tội LỪA DỐI.



5. Thấy bệnh khó, đáng lý phải nói thật rồi hết sức cứu chữa nhưng lại sợ mang tiếng là không biết thuốc, vả lại, chưa chắc đã thành công, mà đã như vậy thì không được hậu lợi, nên kiên quyết không chịu chữa đến nỗi người ta bó tay chịu chết, đó là tội BẤT NHÂN.



6. Có trường hợp người bệnh ngày thường có bất bình với mình, khi họ mắc bệnh phải nhờ đến mình, liền nẩy ra ý nghĩ oán thù, không chịu chữa hết lòng, đó là tội HẸP HÒI.



7. Lại như thấy người mồ côi, góa bụa, người hiền, con hiếm, mà nghèo đói ốm đau thì cho là chữa mất công vô ích, không chịu hết lòng, đó là tội THẤT ĐỨC.



8. Lại như xét bệnh còn lờ mờ, sức học còn non đã cho thuốc chữa bệnh, đó là tội DỐT NÁT. 



……………………..



Câu chuyện ngành y



ĐỪNG XÉT ĐOÁN VỘI



Vừa nhận được điện thoại, vị bác sĩ vội vã tới bệnh viện. Ông nhanh nhẹn khoác trang phục phẫu thuật và vào phòng mổ. Lúc đó, người cha của cậu bé sắp sửa được phẫu thuật đang ngồi đợi tại cửa phòng.



Vừa nhìn thấy bóng bác sĩ, người cha gay gắt phán: “Tại sao giờ này ông mới đến? Ông không hay biết con trai tôi rất nguy kịch sao? Ông có trách nhiệm nghề nghiệp không đấy?”.



Bác sĩ điềm tĩnh trả lời : “Thật xin lỗi, lúc này không phải ca tôi trực nên tôi không có mặt tại bệnh viện. Thế nhưng, biết tôi thành thạo phẫu thuật bệnh này, nên bệnh viện mời tôi đến; vừa nhận được điện báo tôi đến ngay đây. Lúc này tôi muốn tịnh tâm một chút để chuẩn bị phẫu thuật”.



Người cha giận dữ : “Tịnh tâm à?! Giả như con của ông đang nằm trong phòng cấp cứu thì ông có tịnh tâm được không? Nếu như con trai ông sắp chết, ông sẽ làm gì?”



Vị bác sĩ lại mỉm cười trả lời : “Tôi sẽ nói điều mà ông Gióp đã nói trong Kinh Thánh : ‘Thân trần truồng sinh từ bụi đất, tôi sẽ trở về bụi đất thân trần truồng. Chúa đã sinh ra, Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng Chúa’. Những bác sĩ không có khả năng giữ lại mạng sống. Ông hãy đi và cầu nguyện cho con trai ông. Chúng ta sẽ nỗ lực hết mình và cậy trông vào ân sủng Thiên Chúa”.



“Khuyên lơn người khác khi mà bản thân mình chẳng dính dáng gì xem ra quá dễ dàng”. Người cha tiếp tục phàn nàn.



Cửa phòng phẫu thuật đóng lại. Vị bác sĩ rời phòng mổ sau gần ba tiếng liền trong đó, vẻ mặt ông giãn ra trong niềm hạnh phúc : “Cảm tạ Chúa, con trai ông đã được cứu sống. Nếu muốn biết thêm chi tiết, ông hãy hỏi thêm cô ý tá trợ giúp tôi”.



Không chờ câu trả lời của người cha, vị bác sĩ nhanh chóng rời khỏi bệnh viện.



Ngay khi nhìn thấy dáng dấp cô y tá xuất hiện, người cha nói ngay:



“Cha bác sĩ này thuộc loại người gì mà lại cao ngạo đến thế chứ! Thậm chí ông ta không thèm dành vài giây trả lời cho tôi biết cuộc mổ và hiện trạng con trai tôi ra sao”.



Cô y tá cúi xuống, tuôn trào nước mắt, trong xúc động, cô chậm rãi trả lời:  “Con trai duy nhất của bác ấy mới qua đời hôm qua do một tai nạn. Hôm nay bác ấy đang lo tang sự cho cậu bé. Thế nhưng vừa nhận được điện báo của bệnh viện, bác ấy bỏ ngang công việc của mình để tới  ngay để cứu con trai ông. Bây giờ thì bác ấy trở về tiếp tục lo hậu sự cho đứa con yêu quý của mình”.



Đừng kết án ai. Vì bạn không biết cuộc sống của họ thế nào cũng như điều gì đang diễn ra trong tâm hồn họ và những gì họ đang phải nỗ lực vượt qua.



Jac. Thế Hanh, OP




READ MORE - Y ĐỨC KHÔNG QUÁ CAO XA - TS.BS Trần Bá Thoại