Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, January 31, 2014

CHÙM THƠ THÁNG 2 - Tuyết Mai & Lê Ngọc Phái




NGUYỄN THỊ TUYẾT MAI
Nắng Xuân 

Nắng mới xuân tươi đón nhau về
Như hòa chung một giọt rượu quê
Đã từng vui bước bao năm trước
Thế mà nay xuân đã bộn bề.


Xuân ướm thử mình bao nhiêu tuổi
Có còn mơn mởn mộng tình quê
Những ngày nắng ấm mây xanh biếc
Gửi trọn cho nhau một lời thề .

Bao nhiêu năm rồi xuân vẫn thế
Mai vàng nở rộ nắng vườn quê
Trong làn gió thoảng xuân quay gót
Để biết tình xưa đã cận kề . 

Nắng có theo về với gió xuân
Xin đem một chút ướp hương thề
Để tròn giấc mộng xuân mơ ước
Tết đến xuân ơi đón nắng về.
                         NTTM



LÊ NGỌC PHÁI
Qua cầu vẫn em 

Bao giờ cho đến… bao giờ
Cát vàng gọi sóng nghe bờ biển thưa
Bồi hồi nắng mới ban trưa
Cuộc đời đã vội chiều vừa điểm sương.

Nhớ vườn trăng cũ yêu thương
Về đây gặp lại làn hương tình đầu
Ngày xưa “cởi áo cho nhau…”
Bây giờ nhìn áo qua cầu, vẫn em!
                                      LNP


Hòa nhịp

Giữa khuya, lặng nhìn em ngủ
Êm đềm nhịp đập con tim
Nụ hoa giật mình chớm nở
Bao năm khao khát đi tìm…
                              LNP

Sóng

Khi sóng tình trỗi dậy
Ta tan vào mắt nhau
Sông lần đầu biết chảy
Biển lần đầu biết sâu
                         LNP



READ MORE - CHÙM THƠ THÁNG 2 - Tuyết Mai & Lê Ngọc Phái

XUÂN LẠI VỀ - Trần Tư Ngoan




Mười hai nhánh củi cháy rồi
Tro than gom lại nấu nồi bánh chưng
Dẫu gì xuân cũng là xuân
Chiếc bàn tống cựu nghinh tân chưa sờn
Khung trời như trẻ trung hơn
Tuổi xanh mộng gởi tâm hồn lên ngôi
Cây mai trước ngõ già rồi
Lom khom kết lộc bồi hồi nở bông.

Trần Tư Ngoan


READ MORE - XUÂN LẠI VỀ - Trần Tư Ngoan

Thursday, January 30, 2014

CHUYỆN CON NGỰA CỦA ANH KIỀN - Nguyễn Hồng Trân




Tại làng Thượng Xá thuộc xã Hải Quang (nay là Hải Thượng), huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị ngày xưa có anh Phan Kiền làm liên lạc cho Ủy ban huyện sau ngày cách mạng tháng Tám năm 1945. Công việc của anh phải đi lại nhiều. Thỉnh thoảng có công văn “khẩn”, anh ấy phải chạy bộ nhanh cho kịp. Thấy anh vất vả với công việc, UB đã tậu cho anh một con ngựa để đi lại thuận tiện. Vì hồi ấy rất hiếm xe đạp nên anh phải quen dần với chuyện cỡi ngựa đi thực hiện nhiệm vụ liên lạc.

 Từ đó, anh Kiền làm thân với con ngựa và chăm sóc nó rất chu đáo. Con ngựa xám này anh đặt tên là con Côn-Côn. Con Côn-Côn này cũng khôn ngoan và tình nghĩa với anh Kiền lắm. Phải nói rằng, trên đời này có con ngựa và con chó là hai con vật nuôi rất khôn và biết nghe lời chủ, sống có tình với chủ nó. Khi chủ nó vuốt ve vào trên bờm nó và nói thì nó nghe và hiểu.

Tôi còn nhớ có một lần anh Kiền cỡi ngựa về quê ăn Tết năm Bính Tuất (1946), anh buộc nó vào gốc mít sát đụn rơm, nó vói cổ sang đưa lưỡi kéo rơm ra đưa vào mồm nhai nhai ngon lành. Bọn trẻ con trong xóm thấy lạ kéo nhau đến xem con ngựa và cười vui thích thú. Anh Kiền nói với mấy đứa trẻ: “Đây là con ngựa đực rất hùng dũng và tốt bụng. Đứa nào thích cỡi ngựa chú cho trèo lên lưng ngựa cỡi chạy một vòng đến đồi cát rồi quay về?”.

Nghe chú Kiền hỏi vậy, đứa nào cũng thích nhưng không giám nói ra. Vì nếu không biết trèo lên ngựa và không biết điều khiển ngựa thì dễ bị nó hất té ngã xuống đường thì khổ thân. Thấy có 6,7 đứa trẻ cả nam lẫn nữ cứ nhìn chú Kiền rồi vui vẻ nói:

“Chú ơi, chú cho mấy đứa cháu ngồi sau lưng chú dạo chơi một vòng được không?”. Chú Kiền cười và nói: “Chuyện đó dễ thôi, mỗi lần ngồi sau lưng chú hai đứa, một trai, một gái. Trai ngồi sau lưng gái mà ôm vào cho chặt, con gái ngồi sau lưng chú cũng ôm vào thắt lưng chú cho chặt để khi ngựa chạy không bị văng rơi xuống đất, nghe chưa?”.

Cả bọn con trai đồng thanh dạ to, còn mấy đứa con gái thì im lặng, vì ái ngại về chuyện để cho con trai ôm chặt vào mình thì ngượng lắm...

Thế nhưng rồi mọi chuyện lại thấy êm đềm, không thấy đứa con gái nào ngượng ngùng gì cả mà chỉ thấy đứa nào cũng thích thú. Anh Kiền vui lắm. Mấy hôm ngày Tết, anh Kiền cỡi ngựa đi thăm bà con, bạn bè khắp trong thôn xóm trông rất oai hùng. Đi đến đâu là bọn con nít chạy theo sau cười vui rộn ràng, làm anh kiền càng thêm hứng thú.

Đến đầu năm 1947, trong một chuyến đi công tác miền Tây Quảng Trị, anh bị đạn đại bác của giặc Pháp bắn lên làm anh bị thương và rơi xuống ngựa. Con ngựa quay lại rồi nằm bên cạnh anh đưa lưỡi liếm liếm vào trán anh như thông cảm. Khi anh tỉnh lại, anh vẫn đau chân không sao trèo lên được lưng ngựa để về cơ quan. Con ngựa liền nằm xuống nghiêng lưng nó sát bên người anh để anh dùng hai tay bám vào lưng nó rồi nó từ từ đứng dậy và đi nhẹ nhàng đưa anh về được cơ quan ở vùng Tân Lệ (dưới chiến khu Ba Lòng).

Anh Kiền kể lại rằng, sau khi anh lành vết thương, ra viện về cơ quan gặp lại con Côn-Côn thì nó mừng lắm. Nó cứ nhảy qua, nhảy lại, hít hít vào đầu anh, má anh rồi hí hí, reo vang lên náo động và vẩy đuôi tỏ vẻ mừng vui thấy chủ đã trở về...

Vài hôm sau có chú Nguyễn Hương (người thị trấn Diên Sanh) là cán bộ Văn hóa truyên truyền của huyện cũng cỡi một con ngựa ô đến cơ quan. Thế là con Côn-Côn thấy có bạn gái đến liền hí vang lên mừng vui như lâu ngày mới gặp lại bạn tình. Chú Hương và anh Kiền hiểu ý hai con ngựa của mình nên đến mở dây buộc để thả cho hai cô chú ngựa dạo chơi một lúc trên mé đồi phía Nam sông Thạch Hãn.

Mùa hè năm 1947, giặc Pháp đi càn, con ngựa Côn-Côn bị Tây bắn chết cùng hàng chục con trâu bò của các gia đình nông dân vùng này. Mọi người dân đều căm tức lũ giặc hại dân và rất thương tiếc đàn trâu bò bị chết thì mùa sau không có sức kéo để cày bừa làm ăn thời vụ. Nhìn thấy cảnh trâu bò chết la liệt nằm ngổn ngang ngoài đồng, ai cũng động lòng than khóc. Anh Kiền cũng khóc theo và rất tiếc cho con ngựa tinh thần gần gũi của anh. Anh không cho họ mổ thịt như những con trâu bò mà anh lo chôn cất nó thật chu đáo và còn thắp hương trước ngôi mộ của nó nữa. Anh còn lấy một tảng đá đặt trên mộ rồi khắc dòng chữ “Côn-Côn của Phan Kiền, ta nhớ mãi!” để kỷ niệm như một người bạn thân đã lìa đời.


  (Nhân năm Giáp Ngọ-2014, kể chuyện ngựa của NHT)   


Nguyễn Hồng Trân
Nguyên Giảng viên tại Đại Học Huế
   nghongtran38@gmail.com
READ MORE - CHUYỆN CON NGỰA CỦA ANH KIỀN - Nguyễn Hồng Trân

NỒI BÁNH TÉT - truyện ngắn Nguyễn Đức Tùng




Ngày ba mươi Tết đẹp nhất trong năm. Thời gian trôi chậm, không khí huyền ảo, cơ hồ nghe được tiếng nói của đất trời. Bóng tối đổ xuống nhanh nhưng chúng tôi không đứa nào muốn rời khỏi bếp lửa ngoài sân. Nồi bánh tét bắc từ hồi trưa, nước sôi sùng sục, lửa nóng rát mặt vì đun bằng những gốc củi to, cháy đượm. 

Con chó mực sủa nhiều lần, từ sau gốc cây khế. Ba hôm nay, con mực không dám đi ra khỏi nhà quá vài bước. Ánh sáng của cây đèn bão lắc lư chiếu từ hiên nhà che sáng một vùng nhưng bóng tối mỗi lúc một dày đẩy ánh sáng lùi lại. Chú Kiên giúp việc cho nhà tôi ngồi canh bếp lửa. Mẹ tôi đã vào nhà thắp hương trên bàn thờ, dì tôi lục đục dưới bếp, tiếng động im dần. Những người giúp việc khác đã đi ngủ, chỉ còn đám trẻ và chú Kiên vẫn thức cho đến giao thừa. Chờ sau mười mấy giờ đun lửa, chú vớt bánh ra lựa những đòn đẹp nhất cúng bàn thờ. Ba tôi vào Sài gòn không về kịp, hòa bình vừa lập lại đường sá còn trắc trở, du kích chuẩn bị rút vào rừng khi chính quyền bắt tay xây dựng các Ấp chiến lược. Những người đàn ông trong gia đình, người bị Pháp giết, kẻ bị Việt Minh thủ tiêu, dân tản cư lần lượt trở về xóm cũ, phần nhiều đàn bà trẻ con và thương binh. Chú Kiên là thương binh kháng chiến, đi cà nhắc vì bị đạn ở đầu gối bên phải, trở trời đau nhức. Chú hay hát: mẹ lần mò ra trước ao, nắm áo người thân, ngỡ trong giấc mơ. Những dịp giỗ chạp, các mợ tôi nhà vắng đàn ông đều đem con cháu về quây quần bên bà ngoại cho ấm áp. Riêng dì tôi đến ở chung ăn Tết mấy hôm với em gái là mẹ tôi. Mẹ tôi có khu vườn lớn, trồng nhiều ổi, vả, khế, thanh trà, vài mảnh ruộng, cái quán tạp hóa nhỏ gần quốc lộ Một, nhiều người giúp việc đồng áng vườn tược, nên nhà lúc nào cũng đông đúc. Lá chuối xanh từ từ đổi màu trong nồi nước sôi. Mùi nếp bay thơm ngào ngạt, những sợi lạt cuốn chặt quanh khúc bánh trong nước mỗi lúc một siết chặt lại làm những đoạn ở giữa phồng ra, nước sủi tăm mới đầu li ti rồi lớn bằng mắt cá. Trong không khí lẩn khuất âu lo thời cuộc của người lớn, chú gà trống từ cuối sân vẫn vô tư xòe cánh vươn cổ gáy mỗi sáng, những đứa trẻ vẫn cười đùa đuổi nhau ầm ĩ, và trong giấc mơ của tôi mỗi đêm vẫn leng keng những đồng tiền mừng tuổi thơm mùi kim loại hạnh phúc. 
Từ hôm hai mươi ba tháng Chạp đưa ông Táo về trời mẹ tôi bắt đầu đi chợ Tết. Trong nhà không khí nhộn nhịp, tôi đi học về thấy trước hiên bày những lọ thủy tinh, những hũ sành đựng dưa món dưa chua cà pháo ngâm, ớt xanh ớt đỏ, dấm chua, không khí sắp hết năm ở nông thôn phảng phất mùi vàng mã nhang đèn hăng hắc, mùi muối rang, mùi đường ngào, mùi hành chiên tóp mỡ từ nhà ai bay ra, mùi giấy mới trên những báo xuân từ Sài Gòn. Hai đứa con trai, anh tôi và tôi, có bổn phận quét sân quét nhà, lau lư hương trên bàn thờ, chùi các chậu sứ ngoài hiên, là những công việc mà tôi vốn lười biếng cũng đâm ra thích thú. Đất trời thay đổi mỗi ngày, càng gần cuối năm càng mờ ảo, dịu dàng, bí mật, bến đò chợ Sãi, chợ Tỉnh mưa bụi bay lất phất tấp nập người qua lại. Trên những con đường mới đây còn lầy lội mưa dầm nhão quánh bùn và phân trâu nay đã bắt đầu khô ráo, thoáng thấy vài tà áo mới, đôi phong pháo đỏ tươi trong quang gánh lùng nhùng. Gần cuối năm mẹ tôi gạt nỗi lo riêng vì ba tôi không về kịp, lấy lại dáng vui vẻ thường ngày, sai người nhà đi tìm những lá chuối lớn chuẩn bị gói bánh, làm tất bật luôn tay cho đến khuya. Trên một cái mâm đồng lớn đặt giữa phản gỗ, đậu xanh đã được giã nhỏ để làm nhụy bánh chưng bánh tét, trên một cái mâm khác những xấp lá chuối chồng lên cao ngất. Sáng ba mươi vừa đi chợ sớm về mẹ tôi không kịp thay áo dài đã hối hả bắc chậu nước lên bếp, bên cạnh nồi thịt heo ướp sẵn, những thúng gạo nếp hôm trước đã được ngâm nước. 

Tôi theo chú Kiên ra vườn, chú dùng một cái rựa lớn chọn những cây tre dài để chẻ thêm lạt, một con chim sáo về muộn trên ngọn tre lao xao hót những nốt nhạc ngày thanh bình trước chiến tranh. Khi ấy tiếng súng chưa nổ lẻ tẻ giữa du kích và nghĩa quân, đường tàu lửa xuyên Việt còn chưa bị đặt mìn, những người lính bảo an gác cầu chưa có thói quen chĩa súng xuống nước bắn vào đám lục bình vừa trôi lững lờ qua cầu vừa trổ bông tím, những cô dâu từ Huế, Sài Gòn mùa hè nắng ấm về thăm quê chồng tay cầm dù, tay xách va li, đi guốc cao gót, móng chân sơn đỏ, vẫn còn thản nhiên ngủ lại qua đêm trong căn nhà hương hỏa tổ tiên. Mẹ tôi cho gói những chiếc bánh chưng vuông vức, nhưng gói bánh tét nhiều hơn, những đòn dài tròn trịa, từ sáng sớm bếp lửa ngoài sân đã được chuẩn bị. Chú Kiên bắc ba chồng gạch lớn làm bếp, những cái nồi đồng không đủ chứa phải dùng thêm một cái thùng bằng tôn cao ngang ngực, vì mẹ tôi gói bánh thật nhiều cho bầy cháu rất đông. Củi lách tách nổ, lửa lên đều, nước thỉnh thoảng sôi trào ra phải rút bớt lửa, đêm càng vào sâu trời càng lạnh, những người giúp việc đi ngủ gần hết. Trong sáu, bảy đứa trẻ, con chú bác cậu dì gần bằng tuổi nhau, có lẽ tôi là đứa nhỏ tuổi nhất, vì vậy được thưởng món quà đặc biệt, đó là chiếc bong bóng heo thổi căng, bọn trẻ ngồi sát vào nhau, lắng nghe chuyện cổ tích chuyện ma hấp dẫn để mặc con chó mực đang vẫy đuôi chồm về phía trước. Nó cố đánh hơi mùi thuốc độc. 

Ba hôm nay, trộm về làng. Trong tiểng lửa củi lách tách, chú Kiên kể rằng ở bên kia sông phía hạ lưu có một ngôi làng nhỏ, dân làng ấy có tục đi ăn trộm, nghe nói không những đàn ông mà đàn bà con gái cũng làm nghề khoét vách trèo tường đục lỗ. Nhà bà ngoại tôi lớn nhất xóm, cũng có ít của ăn của để, nên gần như năm nào cũng là đối tượng của các vị khách không mời, có năm bà tôi mất cả một cái nồi đồng lớn từ thời Tự Đức. Làng ấy thờ một vị Thành hoàng nghe nói là một đạo hiệp, thần thâu, có lệ đến cuối năm cả làng phải đi nơi khác ăn trộm những thứ quý báu để cúng thần thì con cháu mới làm ăn phát đạt, nếu không sẽ bị phạt không ngóc đầu lên được. Họ ăn trộm rất giỏi chưa bao giờ bị bắt. Đêm về khuya những người đi chơi bài tới, bài tứ sắc, đổ xâm hường về ngang qua nhà, sau những hàng chè tàu phủ kín dây tơ hồng nói cười thấp thoáng, chiếc radio Ấp chiến lược một băng tần, vỏ bằng nhựa plastic trắng, hồi ấy được các toán công tác Bình định nông thôn tặng miễn phí cho nhiều gia đình, treo đầu hồi nhà, phát đi những bài hát rộn ràng từ đài phát thanh Huế, nhạc xuân yêu cầu, chương trình Chị Hoài. Chiếc đồng hồ con gà treo tường có quả lắc sáng choang trên cột nhà thong thả điểm từng tiếng đĩnh đạc, trong bếp chỉ còn mẹ tôi vẫn lục đục sắp xếp nồi niêu xoong chảo, dì tôi đứng ở cửa cúi xuống trò chuyện, một con tắc kè bò qua thân cây khế ngoài sân, đó là một tắc kè lâu năm khi ẩn khi hiện, chỉ xuất hiện những dịp đặc biệt. Con chó mực chụm đầu nằm xuống giữa ranh giới của ánh sáng và bóng tối, mỗi khi có tiếng động khẽ liền nhỏm dậy nhe răng dỏng tai lên. 

Những đứa trẻ buồn ngủ nhíu mắt lại, chú Kiên đưa cả bọn vào nhà rồi thong thả đứng lên vớt bánh ra. Chỉ mình tôi quay lại đứng sau lưng, vì khi ba tôi đi xa, tôi được thú ngủ chung với chú, nằm trên một cái giường kê sát mặt đất bên cạnh hai người giúp việc khác, ở nhà dưới. Ru tôi ngủ, chú bắt chước ba tôi ngâm Chinh Phụ Ngâm, trống Tràng thành lung lay bóng nguyệt, học mẹ tôi hát Lục Vân Tiên, Kim Liên ơi hỡi Kim Liên, giọng khàn khàn, nhớ lỏm bỏm. Dụi lửa tắt dần, nước vẫn còn sôi, chú vớt hết những đòn bánh tét, lá chuối xanh đã sẫm lại, căng bóng, đổ lên rá, chú dùng gáo nước dừa nhúng sâu vào nồi múc từng gáo cẩn thận đổ vào một cái xoong có quai. Nước nóng bốc hơi nghi ngút. Chú dùng hai tay cẩn thận bê cái xoong nặng đầy nước sủi tăm, đứng thẳng người lên, nâng thùng nước ngang thắt lưng, và trước khi tôi kịp để ý, bất thần quay lại, nhoài cả người, hắt nước thật mạnh thật xa vào bụi sả cao ngất ở gần đó.

Đó là một bụi sả lớn, thường trồng quanh nhà vừa để làm gia vị nấu nướng, vừa để chống muỗi và chống rắn rít vì mùi sả thơm hăng hắc làm chúng tránh xa. Một tiếng thét hãi hùng vang lên. Tôi rợn người, một bóng đen vọt ra khỏi bụi sả vùng chạy, nháy mắt đã biến mất trong bóng tối nhưng tiếng thét vẫn còn vọng dài về phía cuối vườn có lũy tre xào xạc. Tôi sợ hãi hét lên, như thấy mình đang sống trong truyện cổ tích. Bụi sả vẫn không ngớt rung động, thật lâu, rung động như thế nhiều năm sau trong tâm trí của tôi. 

Rồi chiến tranh xảy tới, bom đạn ngút trời, nhà cháy, trâu bò thất lạc, người thì kẻ đi lính quốc gia, kẻ nhảy bưng cộng sản, tôi cũng bỏ xứ, mất hết tin tức mọi người. Nhiều năm sau, dịp gần Tết, khi tôi đưa H. về thăm quê, nhà cũ không còn ai, làng xóm tiêu điều. Sau một hồi lần tìm, tôi thấy lại được cái gốc đã tàn chỉ một nhánh nhỏ nhú lên của cây khế nửa chua nửa ngọt, nơi ngày trước con chó mực nằm sủa dấm dẳng, bụi bông trang hoa đỏ lơ thơ, khoảng sân gạch vụn đặt nồi nấu bánh tét chiều ba mươi, chỗ ngồi của chú Kiên, của tôi, những đứa trẻ anh chị em họ. Bụi sả không còn, thay vào đó phất phơ bụi lau trắng như cung nữ tóc bạc nhà Đường. Tôi đứng hồi lâu đến khi trời tối, đứng ở giữa đường biên của tối và sáng như con chó nhỏ ngày xưa khi kẻ trộm về làng, lạc hướng, mất khả năng phản ứng trước nghịch cảnh, đánh hơi mùi thuốc độc của thời gian, đi ngủ rồi thức dậy nhiều lần, ngửng đầu nhìn sao tìm phương vị, nhưng những vì sao ấy dù mới đầu sáng mấy cũng mờ dần đi trên nền trời đục của thế sự. 

Thừa dịp, chúng tôi trở lại Sài gòn, ghé thăm một người anh ở Thanh Đa, gặp anh đang ngồi chụm lửa cho nồi bánh chưng bánh tét. Cảnh tượng thật ngộ nghĩnh vui mắt: giữa chốn phồn hoa đô hội, có một góc tường mục nát rêu phong rác rưởi, một người đàn ông trung niên ngồi canh lửa cho nồi bánh tét, vài đứa trẻ bu quanh, bánh vừa để cúng vừa để bán, nhưng tôi biết trong thâm tâm anh ấy muốn sống lại những kỷ niệm cũ. Vì lòng người viễn xứ cũng như thơ Trần Huyền Trân, lửa khuya tàn chậm, mưa chiều đổ nhanh. Mùi bánh mới vớt lên từ nồi nước sôi ngào ngạt, trộn lẫn mùi xì dầu trong đống rác cũ, bỗng làm tôi nhớ lại những chiều ba mươi Tết trong đời, hình ảnh người giúp việc trung thành, thỉnh thoảng hứng chí nhấc bổng tôi lên trời, cười nắc nẻ, hình ảnh những đứa trẻ ngồi quanh đống lửa chụm đầu vào nhau, mùi thơm hắc từ bụi sả, tre tươi lạt mới chẻ, lá chuối non đắng, mùi nếp thơm đậu xanh từ nồi nước bay trong đêm bảng lảng lo âu nhưng hạnh phúc, đen và trong trẻo. 

Tết năm ấy một lần lúc nửa đêm đang ngủ thì thấy giường lạnh, trở mình, chú Kiên không nằm ở đó. Tôi ngái ngủ mở mắt thấy chú đang đứng im trong cửa sổ. Tôi tò mò đến sau lưng, chú xua tay ra hiệu, nhưng lúc ấy tôi cũng đã kịp nhìn thấy mẹ tôi từ ngoài sân đi vào. Hôm sau tôi để ý lại thấy chú Kiên dậy một mình lúc khuya, lần này chú đứng bên cửa hông nhìn xuống bếp, tôi lặng lẽ đến sau, nhưng chú không ngăn nữa, mẹ tôi bước ra từ trong bếp, nơi giàn bếp có treo lủng lẳng những đòn bánh tét, bà cất để dành ra Giêng làm món bánh tét chiên là thứ anh tôi và tôi vẫn thích. Bà cầm một đòn bánh tét trên tay, đứng im một lát, rồi đi xuyên qua nhà ngang gần buồng ngủ chúng tôi, tới trước sân nơi bếp lửa hôm trước, đặt đòn bánh xuống gần bụi sả, trên một tảng đá ong lớn, rồi trở vào nhà. Hôm sau bà cũng làm như thế, thêm bao nhiêu lần nữa thì tôi không nhớ, vì một hôm tôi mải chơi suốt ngày mệt quá ngủ thiếp, rồi hôm sau, như mọi đứa trẻ khác, hồn nhiên quên bẵng đi mọi chuyện. Quên một mạch ba mươi mấy năm cho tới một buổi chiều khói sương mờ tím ở Thanh Đa.

Nguyễn Đức Tùng

READ MORE - NỒI BÁNH TÉT - truyện ngắn Nguyễn Đức Tùng

Wednesday, January 29, 2014

XA GẦN MỘT MÙA XUÂN - thơ Hoàng Văn Chẩm



Gần em một mùa xuân như đã chín
Phố nhỏ đêm về lặng lẽ mấy bước chân
Mới đây thôi bóng người buông tay níu
Thả giấc mơ về chúm chím với mùa xuân.

Xa em những mùa xuân có màu hoa nhớ
Đếm tuổi thêm buồn tình ngỡ đã quên
Muộn màng giữ thơm hương phai ngày cũ
Tóc gió mênh mang trong chiều nắng lên.

Xa gần bên nhau đem mùa xuân tới
Nhặt hết phôi pha về giữa giấc mơ
Kêu thầm cái tên như ngày xa biệt
Cay mặn một lần thương thuở ban sơ.

22 tháng Chạp
Hoàng Văn Chẩm
READ MORE - XA GẦN MỘT MÙA XUÂN - thơ Hoàng Văn Chẩm

GIO LINH XUÂN VỀ - thơ Huy Uyên

Tác giả Huy Uyên


Thương nhớ người quay lại Gio-linh
lên Dốc-miếu vương sầu hoài niệm
gió Lào mang theo chút tình
khuya trong vườn em ra giếng tắm
gội sạch đời em và cả luôn anh .

Gió Gio-linh đậu ngực em thấm lạnh
chút sương mây ngợp chảy cồn cào
tình anh trao trôi sông bỏ biển
em một mình
giờ dạ có nôn nao .

Không quên đâu máu lớp người đã khuất
vành đai đen quạnh trắng những nấm mồ
Cồn-tiên xưa người đi không hết
Gio-an nhuộm máu xuân thu.

Hoang hóa đồng kẻm gai hố bom
người cầm giữ đêm ngày gian khổ
Gio-linh quắt quay tiếng xót hòa-bình
ruộng đồng lúa xanh đôi bờ tooc (*) phủ .

Qua rồi bao đoạn đời hy-sinh còn mất
em giờ mặn cay
đời một nắng hai sương
bên sông nước chảy dòng trong ngọt
thơm thảo chiều trôi vạn nẻo đường .

Sáng trong vườn em ra hái rau
bà-mẹ-Gio-linh ngồi một mình buổi trước
tay nghiêng che mắt khẻ hò
qua rồi chiến chinh, nghĩa trang đau xót .

Gio-linh nắng sương hư-ão
trên đồi đất đỏ nhuộm chân ai
em dặn lòng thương và nhớ
hắt hiu chờ 
người đi tháng rộng năm dài .

Xuân về Gio-linh rét lạnh giêng hai ./.
(*) gốc rạ

Huy Uyên
(Quảng-trị 27 tháng chạp)
READ MORE - GIO LINH XUÂN VỀ - thơ Huy Uyên

Tuesday, January 28, 2014

XUÂN VỀ VỚI TRƯỜNG SA - thơ Linh Thy

 Nhân thấy phóng sự các chiến sĩ Trường Sa đón tết gói bánh chưng bằng lá bàng vuông và chăm chút cây mai vàng bằng vải thật đẹp. Linh Thy xúc cảm có viết mấy vần thơ chia sẻ niềm vui cùng các anh.



Bàng vuông gói bánh chưng xanh
Khéo tay xuân đã cùng anh mai vàng
Song Tử Tây gió bay sang
Trường Sa, Nam Yết nắng càng ấm hơn
Sinh Tồn, Vĩnh Viễn sóng vờn
Phong ba xanh thắm tiếng đờn Châu Viên
Hạ tuần buông ánh trăng nghiêng
Vỗ về cánh sóng mạn thuyền chông chênh
Đón xuân tay súng vẫn bền
San hô biển mặn bên ghềnh Trường Sa
Giáp Ngọ đất nở thêm hoa
Tưng bừng lộc mới chan hoà sắc xuân…

Xin gửi thêm các anh chiến sĩ Trường Sa cành mai thêm thắm hương vị tết nhé!
Bến Tre tối 28 tháng Chạp Quý Tỵ,
Linh Thy
READ MORE - XUÂN VỀ VỚI TRƯỜNG SA - thơ Linh Thy

Monday, January 27, 2014

THAI NGHÉN MÙA XUÂN - Hạnh Phương

Tác giả Hạnh Phương


Nửa khuya thức dậy ngồi  niệm Phật, lắng nghe châu thân mình lành lạnh, biết trời đất đã cuối thu.


                          Trời cuối thu rồi em ở đâu ?!
                          Nằm trong đất lạnh chắc em sầu!? 

Nhớ đến những câu thơ thi nhân Đinh Hùng hoài niệm, chất vấn, kiếm tìm người xưa, bất giác hồ như có thoáng bâng khuâng giao động giữa  tâm thức, thương bao sinh linh giữa cuộc luân hồi  trầm luân sinh tử, lại hay rằng trời đất đã chớm đông.

Mùa đông quê nhà nghiệt ngã, những cơn mưa lúc nhặt lúc khoan tầm tả, kéo dài nhiều ngày mù mịt, không thấy ánh dương hồng; những ngọn gió heo se thắt, buốt cả người, nứt cả môi. Trông ra đường cái quan thấy tội nghiệp các em bé đến trường: áo ấm, áo mưa trùm kín mịt cả người, các em bước đi hệt như những cái bao tờn nho nhỏ di động.

Mỗi sớm mùa đông trông ra bình phong trước nhà, cội mai già rắn rơi hăy còn đứng đó. Chẳng biết cây mai đứng đó tự bao giờ ! Hình như gốc mai nọ đă có từ khi mình chưa có mặt trên đời.  Ngày xưa, nghe nội bảo cây mai ấy: ông cao được một tri âm đồng điệu biếu cho, khi ông cao đào hố đất trồng, mai đã năm, bảy tuổi. 

Lúc cây mai  ngự trước sân kia, trước đình tiền nọ, nội mới lên mười, nội diễm phúc được cùng ông cao trông thấy mai với những mùa hoa thịnh măn. Hoa mai vàng hươm chi chít đầy cành. Rồi đến lượt cả cha nữa, cha bảo hoa mai  có linh thức liên hệ mật thiết máu thịt với chủ nhân.

Ông cao, người trồng cây mai trước bình phong ấy, người thọ cả trăm tuổi. Ông mất vào tiết mạnh xuân, chính xác là ngày 20 tháng Giêng.  Lạ lắm, năm ấy cây mai trước sân nhà nở muộn, đến mùng mười tết mới he hé nở dăm bảy nụ hoa, hoa như hàm ý e ấp đợi chờ một điều gì đó thiêng liêng mầu nhiệm.

Sớm mai, lên hầu trà ông cao, cha nói với ông cao, lạ quá năm nay cây mai nhà mình nở muộn. Ông cao trả lời cha vờ như nửa đùa, nửa thật, ông cao bảo mai nó chờ ông nội đấy cháu ạ!  Cha tiên cảm ngụ ý của ông cao nên không dám hỏi thêm điều gì khác. 

Cha dơi theo cội mai già trước sân, lạ quá, măi đến sáng sớm rằm tháng giêng mai mới thịnh măn, cây hoa mai đóa đóa vàng hươm bung nở,  rạng rỡ trước sân nhà,thì ở trong nhà, đầu buồng ông cao có vẻ im ắng lạ thường, ông cao dậy muộn hơn mọi hôm, nội vào gọi mời ông dùng trà sớm, ông cao vẫn thiêm thiếp , hé mắt nhìn nội hỏi phải chăng cây mai trước sân bung nụ măn khai. Nội thưa vâng ạ, ông cao bảo thế là tốt.

 Hôm sau ông cao trở mình bỏ cơm, ông bà nội hầu bữa, ông cao bảo để ông yên, đừng làm phiền, ông cao bảo chỉ cần lấy nước cúng trên bàn thờ Phật cho ông cao uống là được; đến sáng sớm ngày 19, ông cao bảo bà nội nấu cho ông ít cháo trắng, bà nội bưng lên mời,  ông cao dùng vài ba muổng cháo trắng rồi lại thiêm thiếp đến tận chiều và đêm hôm ấy. 

Nửa khuya, ông cao trở mình gọi ông nội vào đỡ ông cao ngồi dậy, ông cao bỏ chân xuống đất, ông nội vội quơ tay  tìm guốc, ông cao bảo không cần. Ông cao vịn vai nội đứng trên nền đất lạnh chừng một phút rồi lại bảo nội đỡ ông nằm xuống.

 Nội linh cảm việc đang đến, hỏi ông cao cần căn dặn điều gì  với cháu con, ông cao bảo không cần thiết, rằng bây giờ là nửa khuya, đừng làm kinh động trong nhà. Ông cao bảo nội lên thắp hương trên bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên, khi ông nội trở lại bên giường, ông cao bảo ông nội hãy niệm Phật A Di Đà, hãy niệm cho tinh thành. Ông nội niệm lầm thầm khoảng ba chuổi thì ông cao nhẹ nhàng duỗi người khép mắt ra đi.

Sáng sớm hai mươi tháng giêng năm ấy, bao nhiêu nụ, bao nhiêu hoa của cội mai già đua nhau bung nở, hoa vàng hươm trước sân, cánh cánh óng ả ánh vàng, từng cánh hoa cánh hoa chở ánh mặt trời lấp lánh như ngỏ lời chúc tụng chủ nhân phúc quả viên thành.

Lễ tang ông cao kéo dài đến mùng hai tháng hai mới an táng, suốt cả mười hai ngày tang lễ cây mai trước sân từng chụm hoa vàng chi chít vẫn lung linh đua nở và lạ lùng thay, hoa như chưa muốn rụng, chưa muốn tàn. 

Từ trước đó và từ bấy đến giờ cội mai già trước sân chưa bao giờ có mùa hoa thịnh mãn đến thế. Chiêm nghiệm ra thì thấy, ở vào thời điểm ấy, tự thân  mai  mách bảo rằng mai là linh hoa. Mai liên hệ máu thịt mật thiết với chủ nhân ông của mai. Người đã từng giây từng phút chăm chút thương yêu mai, nên khi chủ nhân ông của mai vĩnh biệt cõi trần, mai tận hiến sinh lực của mình bung nở, bung nở tận cùng, cạn kiệt cả sức lực bình sinh để cúng dường đưa tiễn chủ nhân ông.

 Trải bao độ phong sương, trải bao tháng năm hai cuộc truờng chinh dân tộc ta hi sinh  giữ nước, quê hương tôi bom cày đạn xới, bao nhiêu nhà cửa nát tan, ông cao đã mịt mùng thiên cổ, ông bà nội đã ngàn dặm đường xa, cha mẹ cũng đă người người lần lượt về tận đầu non… Thế mà đến tận bây giờ, cội mai già trước sân vẫn sừng sững đứng đó như tượng đài thách thức phong sương tuế nguyệt, thách đố bóng câu cửa sổ, bất chấp thăng trầm thế sự. Cội mai già đứng đó như là biểu hiện bản giác thường tại an nhiên, như như bất động. 

Phải chăng vì hình ảnh thường tại an nhiên ấy của cội mai già trước tiền đình đó đã khiến thi nhân Trụ Vũ thốt lên niềm cảm mộ mai hoa:
                              
                                       “Chút nắng vàng thon thả,
                                         Chút mai vàng óng ả, 
                                         Ơi cái nghĩa đạo giao, 
                                         Biết lấy thơ nào tả"
                                                         (Mai 71)

Hỏi bút thơ nào tả được sức chịu đựng của cội mai già trước sân? Thuở ấu thơ từng trải nghiệm cái lạnh quê nhà, lạnh mùa đông quê tôi buốt da buốt thịt, nửa khuya trẻ con co rúm tay chân ôm chặt lưng mẹ, mẹ dài tay vòng ôm chặt con vào lòng mới mong cho con yên giấc, ông bà nội mới sáng tinh sương thì đã lồng ấp lửa than, hơ ấm hai bàn tay khẳng khiu. Con trẻ ngại bước đến trường giữa cái lạnh nứt kẻ ống chân thành hình lục giác ngũ giác, thế mà cội mai già trước sân vẫn hiên ngang đứng đấy, mai vờ như cười cợt ngọn gió đông, mai tỉ tê với  đông phong rằng dù ngươi có nghiệt ngã dày xéo lá cành tàn bạo nghiệt ngã bao nhiêu, cội mai già nầy vẫn trân mình chịu đựng để thai nghén mùa xuân cho vũ trụ đất trời, thai nghén mùa vàng hạnh phúc rực rỡ cho cả muôn loại sinh linh, cho cả và nhân loại.  Mai nguyện thầm hóa thân đồng hành cùng con dân đất nước, mở ra phương trời hạnh phúc thanh cao như mở nẻo lên trời:


            Mai hiện thân thành người
            Cùng ta dạo bước chơi
            Đường ta đi trên đất
            Hóa đường đi lên trời.
                                 Trụ Vũ (Thơ Mai bài 79)

Nguyện lực âm thầm của mai thâm trầm dến thế, dày dạn dường kia, thế mới hiểu vì sao một thi nhân khí phách hiên ngang cái thế, dám huếch hoác nhuận sắc thơ một nhà vua có quyền sinh sát bất cứ ai, thi nhân họ Cao ấy vẫn phải thốt lên:

             "Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” . 


Cả một đời khí khái chẳng quỵ lụy ai, họ Cao gập mình khiêm hạ  chấp  tay cung kính vái lạy hoa mai. Thế mới thấy uy lực mai hoa lẫm liệt dường nào, khí tiết hùng anh ngạo nghễ biết bao. Và nhất là hương của mai ...

Hương mai không nồng nàn như ngọc lan, nguyệt quế. Không đựợm khắt như thọ như cúc. Hương của mai thoang thoảng như làn gió mỏng rất sâu kin, chỉ những ai nhẹ nhàng thanh thản ngồi cạnh bên mai như thì thầm nhỏ to tâm sự mới cảm thụ hết làn hương thoảng của mai.

Chẳng  hay vì sao mai lại có được nguồn hương thầm sâu nhiệm ấy? Có phải do v́ì mai đã trải một quá trình thai nghén dài lâu. Cội mai như một bà mẹ hiền cưu mang thai nhi, mai trân mình chịu đựng giá rét mùa đông, mai trở mình mỗi sớm mai hóng từng giọt sương lành lạnh, long la lóng lánh, trở cành trở lá hấp thụ khí tiên thiên đông hàn giá buốt thai nghén mùa xuân cho nhân loại.

          Chẳng phải một phen xương lạnh buốt
          Hoa mai đâu dễ ngát mùi hương

Hai câu thơ nỗi tiếng của thiền sư Hoàng Bá phải chăng nhắc cho chúng ta hay rằng, trước khi cánh cánh mãn khai phô sắc thanh tân, tỏa hương kỳ diệu, thân mai rắn rơi nọ đã dạn dày dũng lực chịu đụng cái lạnh buốt cả da xương suốt mùa đông giá. Cũng thế, bản thân con người muốn thành tựu nhân cách trác việt, tỏa nguồn hương giải thoát thanh cao ắt phải trăi một quá tŕnh cưu mang dạn dày giữa muôn trùng khổ đau sinh tử. Và như mai hoa khi bung cánh vàng tươi hiến dâng sức sống mùa xuân dạt dào, nguồn hương thanh khiết của mai cho đời, hương mai sẽ ngát cả bốn mùa hệt như nguồn hương giới thể nơi người đức hạnh thơm ngát cả sau xưa.

                 Hoa nở thơm năm cánh
                 Hương bay suốt bôn mùa
                 Ơi cành mai tự tánh
                 Thanh tinh tṛn sau xưa.
                                      Trụ Vũ (Thơ Mai , bài 67)

                                                           HẠNH PHƯƠNG
                                                        Suối Cát 1 – Suối Cát
                                                        Xuân Lộc – Đồng Nai                                                                                 0985734265                                                                             



THƠ BAY VÀO ĐỜI

Ư tứ thẳm sâu trong vùng kư ức
Cồn cào bâng khuâng cảm xúc
Réo gọi câu chữ về
Hiện hình trên trang giấy rưng rức.

Trái tim xao động máy siêu âm ghi  đồ hình loạn nhịp
Khi Tú Uyên bất chợt thấy Giáng Kiều
Bút cuồng thơ vẽ hình khôn kịp.
Hóa thành tranh ngày tháng ấp yêu.

Máy nào đo tần số thơ cất cánh
Bay vào đời 
Cung bực ngữ ngôn rằng phàm, rằng thánh
Lời mẹ ru d́u dặt vành nôi.

Nắn nót chữ lấp la trên giấy
Bao trang, bao mănh, bao tờ
Lẽ nào vờ quên ủ đấy.
Ai biết đó là thơ. 

Hoặc là viết, hoặc là nói
Đã là thơ hãy cất cánh vào đời
Thông điệp vàng ngày đêm réo gọi
Hạnh phúc ngọt ngào dậy sóng trùng khơi.

HẠNH PHƯƠNG



Tên thật : Hoàng Kim Bính
Sinh ngày : 20.5.1947
Người làng Gia Độ, xã Triệu Độ, 
huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Hiện sinh sống ở ấp Suối Cát 1, xã Suối Cát, 
huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai                                     
0985734265 - 0613871830           


      
READ MORE - THAI NGHÉN MÙA XUÂN - Hạnh Phương

BÀI THƠ CUỐI NĂM - Hoàng Yên Lynh

 
Tác giả Hoàg Yên Lynh


Tôi một tên nát rượu
Quẩn quanh với núi đồi
Đời ba chìm bảy nổi
Ngậm ngùi thế nhân ơi ! 

Tôi cuối đời nhặt lá rụng tóc rơi
Gom thương nhớ cùng đau thương oan nghiệt
Tôi cuối đời hỏi lòng còn tha thiết
Chuyện bể dâu xin trả lại cho người ...

Tôi cuối đời xuôi ngược bước tha hương
Nhớ cố quê cứ cồn cào gan ruột
Một thuở thư sinh - một thời rong ruổi
Giấc ngủ nhọc nhằn ám ảnh thời qua .

Tôi cuối đời mòn mỏi tiếng tri âm
Điếu thuốc soi đêm gọi  tình bạn cũ
Tóc gió ai bay ngậm ngùi  mộng dữ
Đêm trở mình thầm gọi cố nhân ơi !

Tôi cuối đời tâm sự chỉ mình tôi
Chợt hiểu ra mình chỉ thanh gỗ mục
Trôi giữa dòng đời ngã nghiêng trong đục
Thế thái nhân tình - ảo vọng - u mê .

Tôi cuối đời lặng lẽ chỉ mình tôi
Khúc ca dao bến nước khói lam chiều
Da diết yêu thương  thơ tình viết vội
Gởi đến người, người còn nhớ đến tôi.


HOÀNG YÊN LYNH
READ MORE - BÀI THƠ CUỐI NĂM - Hoàng Yên Lynh

TẾT VẾ NHỚ QUANG TRUNG - thơ Lê Ngọc Phái

Hình vua Quang Trung trên một con tem cổ


Tết về nhớ đến Quang Trung
Đức vua tài giỏi lẫy lừng nước ta
Đầu xuân trận mạc xông pha
Mùng năm đại thắng - làm quà khắp nơi.

Quân Thanh hai chín vạn người
Tây Long, Khương Thượng, Ngọc Hồi… thua to
Lão Tôn Sĩ Nghị co giò
Vẫn còn sợ rượt nên lo phá cầu.

Nhị Hà binh lính chen nhau
Dây phao sập xuống sông sâu xác đầy
Tướng Sầm Nghi Đống bị vây
Phải đành tự vẫn bỏ thây chiến trường.

Tử thi chồng chất thảm thương
Đống Đa tràn ngập máu xương giặc thù
Tây Sơn về đến kinh đô
Thăng Long - Đại Việt reo hò mừng vui.

Kể sao cho hết công Người
Anh hùng Nguyễn Huệ muôn đời vẻ vang!

                                 Lê Ngọc Phái
READ MORE - TẾT VẾ NHỚ QUANG TRUNG - thơ Lê Ngọc Phái

CHÙM THƠ KHI ĐI CHỤP ẢNH PHONG CẢNH - Dizikimi




                TAM ĐẢO

Trên này * là cảnh bồng lai
Dưới kia** là cảnh trần ai thật buồn
Mây bay, mây tỏa, mây luồn
Cảnh tiên mà vẫn nối buồn trần ai!


Chú thích: 

  *Nơi nghỉ mát trên đỉnh Tam đảo.
  ** Nơi dân cư sống dưới chân Tam đảo.



              Thủy đình ở Chùa Thầy



               CHÙA THẦY

Chợ Trời * thấp thoáng bóng người
Bàn cờ tiên**với đá ngồi lô nhô
Qua ống kính với hồn thơ
Lên thu cảnh đẹp mây mờ chiều đông
Lên cao sương tỏ mênh mông
Hàng cây đại uốn vây rồng sườn non
Đúng trên đỉnh núi cho von
Chiều buông lạnh lạnh vẫn còn say sưa
Trên tay lấm chấm hạt mưa
Người yêu mến cảnh nên chưa muốn về
Người say mê , cảnh say mê
Cảnh buông lớp lớp bốn bề nông sâu
Ngắm nhìn phong cảnh đẹp giàu
Thu vào ống kính muôn màu nước non
Đá mòn nhưng gót chẳng mòn
Đâu phong cảnh đẹp chân còm muốn đi
                                
Chú thích:

*Một trảng đất rộng bằng phẳng trên đỉnh núi Sài Sơn tương truyền gọi là Chợ Trời.

**.Một phiến đá to bằng phẳng nằm giữa Chợ Trời tương truyền gọi là Bàn cờ tiên.


       THĂM CÔN SƠN

Chẳng ngại đường xa vất vả
Hôm nay đến thăm Côn Sơn
Trong lòng bâng khuâng khó tả
Biết ghi cảnh nào đắt hơn

Nơi đây Ức Trai ở ẩn
Cảnh xưa người cũ đẹp thay
Rừng thông reo vui vi vút
Suối tuôn róc rách đêm ngày*

Giờ đây dòng khô bờ vắng
Đồi thông không một tiếng reo
Thạch Bàn lá khô mấy đống
Trơ vơ bậc đá cheo leo!

Đây rồi vườn vải, vườn vải !
Mà Người ở đâu , ở đâu?
Dẫu nỗi oan xưa đã giải
Cỏ cây sao vẫn thảm sầu!

Lại buồn nhớ chuyện kỷ niệm
Lần sáu trăm năm ngày sinh
Báo “Nhân Dân” in nhầm ảnh!**
Ôi nhầm nhầm thế, thật đáng kinh!

Cho đến bao giờ bao giờ
Đời mới hết điều ngộ nhận
Để khi cầm máy làm thơ
Lòng hết băn khoăn ân hận
                    

Chú thích:

*"Côn Sơn có suối nước trong
Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm"
(lời dịch) - (Côn Sơn ca- Nguyễn Trãi)

**Lần kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi
báo Nhân Dân in nhầm ảnh Nguyễn Trãi bằng ảnh
Dương Khuê !

                                                       DIZIKIMI


READ MORE - CHÙM THƠ KHI ĐI CHỤP ẢNH PHONG CẢNH - Dizikimi