Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, August 9, 2013

Giai thoại về CAO BÁ QUÁT (1800-1855) - Lê Hoàng


Lê Hoàng

Ngay từ nhỏ Cao Bá  Quát đã nổi tiếng thần đồng. Thông minh học giỏi, ứng đáp nhanh nhẹn, song bản tính ngang tàng không chịu theo khuôn phép của học thuật và lễ giáo, nên năm lên 23 tuổi, mặc dầu thi Hương đậu tới Á Nguyên (thứ nhì- Cử nhân), ông lại bị đánh tụt xuống tận cuối bảng. Hai lần thi Hội đều bị đánh hỏng. Chán cuộc sống khoa bảng, ông bất mãn sống cuộc đời phiêu lãng của một nhà nho.     
    
Con đường quan lại của ông đầy chông gai, nhưng sự nghiệp văn thơ của ông lại hết sức nổi tiếng.
Theo sách “Luận ngữ tứ thư huấn nghĩa” Đời Chu có một nhà bốn lần sinh đôi, cặp đầu đặt tên: Bá Đạt, Bá Quát; cặp kế: Trọng Đột, Trọng Hốt; cặp thứ ba tên:Thúc Dạ, Thúc Hạ; và cặp cuối là: Quý Tuỳ, Quý Oa. Lớn lên đều đỗ tiến sỹ. Ông Đồ họ Cao lấy điển tích này mà đặt tên con là: Bá Đạt, Bá Quát (vì hai người con này cũng sinh đôi).    

Hai anh em lớn lên đều học giỏi, đều thông minh đỉnh ngộ. 12 tuổi đã làm đủ thể văn. Văn Đạt mực thước, văn Quát hào hùng. Quát có tính ngông cuồng, tự phụ thường nói: “Tất cả cả có bốn bồ chữ,thì tôi giữ hai bồ, anh tôi một bồ, còn một bồ mới đem chia cho thiên hạ”.    

Bên cạnh nhiều tác phẩm nổi tiếng. Cao Bá Quát còn có những giai thoại văn học trác tuyệt.     
Một bữa, đi thăm bạn không gặp ông lang thang trở về, bụng đói, hết tiền. Tình cờ gặp đám tang một cụ già, ông liền lần tới và xin tang chủ được phúng cụ vài câu. Trước thái độ đàn anh kẻ cả của mấy vị văn thân, hào mục đang cao giọng về chữ nghĩa, Cao bá Quát xưng là thầy đồ, do “Văn dốt, vũ dát” nên thi trượt nhiều khoa, không dám làm câu đối chữ Hán, mà chỉ xin phóng đôi câu đối chữ Nôm. Rồi ông ngâm ngay như sau:       

“Thấy xe thiên cổ xịch đưa ra, không thân thích nhẻ đâu mà khóc mướn?        
Tưởng sự bách niên đừng nghĩ đến, động can tràng nên nổi phải thương vay!”   
   
Mọi người lắc đầu lè lưỡi thán phục, khi gạn hỏi thì mới biết đó là Thánh Quát. Mọi  người đều chắp tay xin lỗi.         

Nhân làng mới đắp hai con voi bằng gạch ở sân đình. Quát ra xem nghe thấy dân chúng thì thào về tính gian lận của Lý trưởng, ông bèn làm một bài thơ tứ tuyệt như sau:     
    
“ Khen ai khéo khéo đắp đôi voi,           
Đủ cả đầu đuôi, đủ cả vòi,          
Chỉ có cái kia sao chẳng thấy,          
Hay là thầy lấy bớt đi rồi?”.

Một lần, Quát sang chơi Thăng Long gặp kỳ bình văn ở Nha Đốc học, ông đến dự nghe, câu nào mà ông cho tầm thường, ông lại bịt mũi, lắc đầu. Lính hầu thấy vô lễ, bắt vào trình quan Đốc. Quan Đốc vặn hỏi:    
    
“Anh học ai mà xấc xược vậy?”

Cao Bá Quát đáp: “Tôi học ông Trình, ông Chu”.

Thấy một anh học trò ăn nói ngông nghênh, khinh thường thiên hạ, Quan Đốc cả giận bảo: “Anh đã tự xưng là học ông Trình, ông Chu sao lại thiếu lễ phép thế? Bây giờ ta ra một câu đối, nếu không đối được, sẽ bị đánh 30 hèo. Anh hãy nghe đây: “Nhĩ tiểu sinh hà xứ đắc lai, cảm thuyết Trình, Chu sự nghiệp”.

Có nghĩa: “Anh là một gã trò nhỏ ở đâu đến đây, dám nói sự nghiệp ông Trình, ông Chu”.

Quát đối liền: “Ngã quân tử, kiến cơ chi tác, dục vi Nghiêu, Thuấn quân dân”.  Có nghiã: “Ta là bậc quân tử, thấy cơ mà dấy, muốn làm cho vua và dân được như đời Nghiêu, Thuấn”.

Quan Đốc khen thưởng và cho năm quan tiền.

Đến năm 14 tuổi, gặp khoa thi Hương, hai anh em vào kỳ đệ nhất, làm bài chốc lát đã xong, hai anh em rủ nhau ra sân đá cầu. Quan trường trông thấy hỏi: “Hôm nay là ngày tranh khôi đoạt giáp, sao hai anh lại nô rỡn ở nơi đây?”

Quát thưa: “Kỳ này may gặp bài dễ, chúng tôi làm đã xong rồi, vì cửa trường không mở cho học trò ra, nên chúng tôi đá cầu cho qua thời giờ”.        

Quan trường thấy sự lạ, liền hỏi Quát về gia thế, rồi ra câu đối:   
   
“Nhất bào song sinh, nan vi huynh, nan vi đệ”

Có nghĩa: “Một bọc sinh đôi, khó biết ai là anh, ai là em”.      

Quát đối: “Thiên tải nhất ngộ, hữu thị quân, hữu thi thân”

Có nghĩa: “Ngàn năm một kỳ hội ngô, có vua ấy, có tôi ấy”  

Năm 24 tuổi Cao Bá Quát không may vợ mất, ông làm bài văn khóc vợ như sau:

“Ô hô!       
Nữ bất hạnh, nhi vi tài tử phụ,      
Nam bất hạnh nhi vi hồng nhan phu,     
Nhĩ kim nhị thập hữu nhất, nhất triều thiên cổ,     
Ngã kim nhị thập hữu tứ, tứ hải cửu chu.     
Y! Hồng nhan bạc phận, tài tử vô duyên, duy ngã dữ nhĩ hữu thị phù”

Có nghĩa: “Than ôi!                    
Gái không may mới làm vợ kẻ tài tử ,                   
Trai không may mới làm chồng khách hồng nhan ,                  
Mình nay hai mươi mốt, một sớm thình lình thiên cổ.                    
Ta nay hai mươi bốn, bốn bề trôi nổi chín châu...                   
Hỡi ơi! Hồng nhan bạc phận, tài tử vô duyên, chỉ có mình với ta như vậy ru!”.  
   
Năm Thiệu Trị (1841), ông được vào làm Hành tẩu Bộ Lễ. Tuy giữ chức nhỏ nhưng vốn tính ngang tàng, ông chỉ trích khắp mọi người, từ vua đến các bậc đại thần.       

Hai ông Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương có mở “Mặc Văn Thi xã”, ông đọc thơ của hai ông này rồi phê như sau:        
          
“ Ngán cho cái mũi vô duyên,                     
Câu thơ Thi xã, con thuyền Nghệ An”.

Mặc dù, ông là bậc tài tử, được xếp vào hàng một trong bốn người có văn tài nổi tiếng thời Nguyễn, đã có thơ rằng:

“Văn như Siêu Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường”

Nghĩa là: “Văn mà như của Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thì như không còn thấy văn chương thời Tiền Hán là trác tuyệt; thơ mà như của Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương thì thơ thời Thịnh Đường cũng chẳng theo kịp”. Qua đó, cũng thấy rõ sự học rộng, tài cao nhưng lại quá kiêu ngạo của Cao Bá Quát.

Có lần  ông phạm lỗi, nguyên do là trong một khoa thi, khi được sung vào chân sơ khảo, ông đã pha mực đen vào son đỏ để sửa quyển cho thí sinh, nhưng bị phát giác, ông bị cách chức và đầy vào Đà Nẵng. Vào đây, gặp sứ bộ Đào Tri Phủ đi sứ Tân Gia Ba, ông được tháp tùng. Khi ở Tân Gia Ba về. Những sự tai nghe mắt thấy ở nước ngoài khiến ông thấy lối học từ chương là đã lỗi thời. Sau đó ông được phục chức Hành tẩu Bộ Lễ.

Tuy Cao Bá Quát chỉ giữ một chức nhỏ trong triều đình, nhưng nhờ tài văn chương, nên ông cũng được giới quyền quý ở kinh đô trọng nể. Ông kết thân với những văn nhân nổi tiếng như Nguyễn Hàm Ninh, Đinh Nhật Thận, Miên Thẩm... nhưng lại làm cho nhiều người bất bình vì thái độ cao ngạo. Một số hành vi của ông đối với vua quan đương thời đã trở thành những giai thoại. Nghe nói vua Tự Đức là một người hiếu học và hay chữ, có câu đối treo ở điện Cần Chánh:

“Tử năng thừa phụ nghiệp
Thần khả báo quân ân”.

Nghĩa là: “Con biết nối nghiệp cha
Thần biết báo ơn vua”

Vua lấy làm  đắc ý mà các quan cũng chịu là hay. Riêng Cao Bá Quát thì tỏ vẻ không phục mà than rằng:

“Hay ru, hay ru, cha con quân thần điên đảo”.

Nhà vua nghe nói mới cho gọi ông vào hỏi nguyên do. Cao Bá Quát liền tâu rằng: “Chữ tử đứng trên chữ phụ, ấy là con trên cha; chữ thần đứng trên chữ quân, ấy là tôi trên vua, xin thưa điên đảo là thế vậy”.

Vua bảo nên sửa lại thế nào, ông liền đọc:

“Quân ân thần khả báo,
Phụ nghiệp tử năng thừa
(Ơn vua thần biết trả, nghiệp cha con biết nối).

Nghe câu chữa lại, Tự Đức phải chấp nhận chữa như vậy thì  cương thường mới thuận lẽ mà ý tứ cũng sâu sắc hơn.

Lần khác, trong một buổi  ngự triều, vua Tự Đức đọc cho các triều thần nghe hai câu thơ mà nhà vua nói là nghĩ ra trong giấc mơ đêm trước:    
  
“Viên trung oanh chuyển “khề  khà” ngữ,       
Dã ngọai đào hoa , “lấm tấm “khai”.

Các quan đều tấm tắc khen hay, ca ngợi hai câu thơ có ý tứ độc đáo, riêng Cao Bá Quát thản nhiên tâu rằng: “Thưa bệ hạ, từ nhỏ hạ thần đã được biết hai câu đó trong một bài thơ gồm cả 8 câu. 
   
Vua Tự Đức cả giận, đòi Quát đọc cả 8 câu, định bụng sẽ trị tội “Khi quân” nếu Quát  không đọc được. Không ngờ, Cao Ba Quát ứng khẩu đọc ngay như sau: 

“Bảo mã tây phương huếch hoác lai,    
Huênh hoang nhân tự thác đề hồi.    
Viên trung oanh chuyển, khề khà ngữ,    
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai,    
Xuân nhật bất văn sương lộp độp,     
Thu thiên chỉ kiến vũ bài nhài,     
Khù khờ thi tứ đa nhận thức,    
Khệnh khạng, tương lai vấn tú tài”

Nghĩa là:      
“Ngựa báu từ phía tây, huyếch hoác lại,      
Người huyênh hoang nhờ cậy dìu về.      
Khề khà trong vườn oanh cất tiếng hót,       
Hoa đào ngoài đồng đã lấm tấm nở,      
Ngày Xuân chẳng nghe thấy tiếng sương lộp độp,      
Tiết thu chỉ thấy mưa rơi bài nhài,      
Tứ thơ khù khờ đã nhiều người biết,       
Lại còn khệnh khạng mang đến hỏi tú tài.”

Cả đình thần ngơ ngác. Vua Tự Đức một mặt hạ lệnh ban thưởng chè và quế, mặt khác đòi Cao phải công nhận đã bịa thêm 6 câu ngoài hai câu của Vua.

Từ đó Vua Tự Đức tuy có bụng khen tài Cao, nhưng cũng ghét tính ngạo nghễ của ông, và cũng vì thế trong triều có nhiều người không thích ông. Sau đó ông bị đổi ra làm Giáo thụ  phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây.

Uất hận về  cảnh ngộ, về sự hủ bại của triều  đình, về nỗi lầm than của dân chúng, năm 1854 ông bỏ làm quan về Bắc Ninh. Lúc bấy giờ các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn đều có trộm cướp nổi lên. Nhân có Lê Duy Cự tự xưng là con cháu của vua Lê. Họ Cao liền ngầm họp đồ đảng, tôn  Cự làm minh chủ, rồi hẹn ngày khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa đã liệu đúng thời cơ vì lúc đó dân khắp vùng trăm chiều khổ cực; đê Văn Giang (Hưng Yên) bị vỡ 18 năm liền; nạn châu chấu phá hại mùa màng... và đã khôi phục nhà Lê, nắm được chính nghiã, quyết đánh đổ một chế độ mục nát. Lại chọn được địa lợi miền núi Mỹ Lương hiểm trở, rất hợp cho cuộc khởỉ nghĩa.    
 
Theo kế hoạch, quân của Lê Duy Cự đánh phá vùng Sơn Tây, Bắc Ninh, cô lập Thăng Long định đánh úp thành này là xong việc lớn.    
  
Tiếc thay, cơ mưu bị bại lộ, tổ chức lại chưa hoàn bị, cho nên chẳng bao lâu đã bị đánh tan rã, Cao Bá Quát bị bắt giam tại nhà ngục Sơn Tây, sau đó bị đóng củi đưa về Hà Nội và giải vào Huế.    
   
Cao Bá Đạt đang làm tri huyện Nông Cống vì  việc khởi nghĩa này cũng bị bắt giải về Huế, dọc đường cắn đầu ngón tay viết tờ biểu rồi tự sát.
         
Cùng bị giải về kinh với Cao Bá Quát có  Lê Duy Đồng, cháu vua Lê Hiển Tôn, cũng là một can phạm.      
  
Lúc đoàn quân áp giải đi ngang qua làng Bố Vệ, tỉnh Thanh Hóa, Lê Duy Đồng xin vào yết miếu Lê Thái Tổ ở đó. Yết xong có viết lên tường một bài thơ, rồi tự đâm cổ mà chết.    
    
Riêng Cao Bá Quát bị bỏ ngục, chờ  ngày hành quyết.

Nằm trong ngục, Cao Bá Quát không hề sợ sệt, tự nhạo cái mộng đế vương của mình như sau:  
                
“ Một chiếc cùm liêm chân có đế,                   
Ba vòng xích sắt, bước thì vương”      
Trước khi thọ hình, ông còn ứng khẩu:                   
“ Ba hồi trống giục đù cha kiếp                   
Một nhát gươm đưa đéo mẹ thời (đời)” (1).   

Tiếc thay một đời tài hoa!   
                                                         
Lê Hoàng    
Đã tham khảo qua các sách văn học việt nam.

Ghi chú: (1) Có sách ghi là Đời. Chữ Thời là tên Húy của vua Tự Đức.


No comments: