Từ lâu ở phía nam kinh thành Thăng Long, Vũ Sinh nổi tiếng
là người có cách kể chuyện truyền kỳ hấp dẫn, lôi cuốn. Với kiến thức uyên
bác, sâu rộng Vũ Sinh đã biến những câu chuyện trong tích xưa, truyền thuyết mà
ai cũng biết thành những câu chuyện mới mẻ tân kỳ, những lời nhận định sâu sắc
không làm nhàm chán người nghe.Thật ra Vũ Sinh không phải họ Vũ mà là họ Đào,
xuất thân từ gia đình phường hát quê Thanh Hóa, cha mẹ thấy chàng thông minh,
sáng dạ nên gửi gấm chàng cho một thầy đồ nổi tiếng trong vùng giảng dạy. Năm
mười sáu tuổi thơ phú của chàng thiếu niên họ Đào nổi tiếng một vùng. Nhưng
theo qui định của triều đình lúc bấy giờ, con cái phường chèo hát xướng không
được ứng thí, nên chàng được mẹ đổi sang họ Vũ, giấu thân thế để đăng ký dự
thi.Năm ấy chàng đổ đầu kỳ thi hương và tiếp tục ứng thí kỳ thi hội, Vũ Sinh
được xướng danh trên bảng vàng thì có người ganh ghét tố giác tội thay tên đổi
họ, gian dối lý lịch đi thi. Thế là Vũ Sinh bị tuốt hết bằng cấp và suýt rơi vào
vòng lao lý nếu quan chánh chủ khảo năm đó không quí mến văn tài của chàng nên
xin nhà vua giảm tội nếu không bị ghép tội khi quân,coi thường mệnh vua phép
nước là cái chắc, chàng chỉ bị cấm từ nay không được ứng thí nữa nếu không sẽ
phạm tội chết.Uất ức, đau buồn Vũ Sinh biết rằng con đường công danh, cơ hội
muốn đem tài năng của mình ra giúp dân giúp nước đã mất, chàng bỏ xứ Thanh lên
Thăng Long tìm đường mưu sinh chờ cơ hội khác, trời đất run rủi thế nào để kiếm
sống Vũ Sinh hành nghề kể chuyện mua vui cho kẻ khác và không biết từ lúc nào
chàng trở thành người kể chuyện nổi tiếng của đất kinh kỳ. Vũ Sinh có lối dẫn
nhập rất độc đáo lúc là một bài thơ, bài đồng dao, một câu chuyện cổ tích, ngụ
ngôn… để vào chuyện nên ngay từ đầu đã tạo sự cuốn hút đối với người nghe.
Trong không khí se lạnh của ngày cuối năm, ở góc phiên chợ cạnh tửu quán Vạn Xuân có khoảng đất trống là nơi Vũ Sinh thường dùng làm nơi kể chuyện,mọi người háo hức chờ đợi chàng kể một câu chuyện mới: Chiếc áo thiên nga.Vũ Sinh bắt đầu vào chuyện bằng một đoạn thơ:
Trong không khí se lạnh của ngày cuối năm, ở góc phiên chợ cạnh tửu quán Vạn Xuân có khoảng đất trống là nơi Vũ Sinh thường dùng làm nơi kể chuyện,mọi người háo hức chờ đợi chàng kể một câu chuyện mới: Chiếc áo thiên nga.Vũ Sinh bắt đầu vào chuyện bằng một đoạn thơ:
Tôi kể người nghe chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Đến nỗi cơ đồ đắm biển sâu*
Đó là câu
chuyện về truyền thuyết xây thành Cổ Loa, chuyện nỏ thần và nhất là bi kịch tình
yêu giữa Trọng Thủy, Mỵ Châu dẫn đến chuyện mất nước Âu Lạc, Vũ Sinh kể rất say
sưa, hấp dẫn. Kết thúc chuyện chàng nhắc lại lời của Thần Kim Qui nói với An
Dương Vương: Giặc ngồi phía sau nhà vua đó để phê phán Mỵ Châu chính là thủ
phạm chính, nàng là người có tội với đất nước đã đưa đất nước rơi vào cảnh nô
lệ gần một ngàn năm. Vũ Sinh chưa kết thúc câu chuyện thì đột nhiên một cơn lốc
mạnh nổi lên, cát bụi bốc lên mù mịt, lều bạt hàng quán gió vỗ nghe phành
phạch, cột kèo kêu răng rắc, trời đang quang mây tạnh bỗng tối sầm lại, ai nấy
đều hoảng hốt sợ hải vội chạy tìm nơi ẩn nấp hoặc mau chóng thu xếp hàng họ
quay trở về nhà.Một lát sau trời trở lại bình thường như không có chuyện gì xảy
ra nhưng chợ đã vãn người đã thưa, đường phố vắng vẻ, Vũ Sinh đứng ngơ ngác một
hồi, buồn bã gói mấy quyển sách cũ vào trong tay nải lửng thửng bước về nhà.Hoa
đào của mấy nhà dân hai bên đường có những cây đã bắt đầu nở hàm tiếu, màu hồng
phơn phớt khoe sắc như báo hiệu một mùa xuân sắp đến trên đất kinh kỳ.
Đêm ba mươi năm
nay thật buồn. Đã năm năm rời xứ Thanh lên Thăng Long đầy ngựa xe phồn hoa
nầy, Vũ Sinh vẫn tưởng sẽ tìm được con đường sáng để đem tài học của kẻ sĩ đem
thi thố trước thời cuộc đầy biến động nầy.Ngoài bắc,nạn kiêu binh tác yêu tác
quái, Vua Lê Chúa Trịnh ngày đêm tiệc tùng trác táng, sưu thuế nặng
nề.Trong nam, Chúa Nguyễn hùng cứ một phương,phân chia ranh giới. Vũ Sinh bước
ra ngoài hiên cửa nhìn về phương trời xa , bất giác cất giọng u hoài:
- Đời ta đến
thế nầy thôi sao?
- Sao lại thế nầy?
Công tử có tâm sự ư?
Nghe tiếng
người, Vũ Sinh sửng sốt quay người lại, một người con gái xuất hiện từ lúc nào.
Môi hồng,da phấn, nét mặt thanh tú,mái tóc dài mềm mại xỏa một bên vai, khoác
chiếc áo choàng trắng, một người con gái đẹp nếu không nói là tuyệt thế giai
nhân. Dưới ánh sáng chập chờn của ngọn bạch lạp càng tăng thêm vẻ quyến rũ, ma
quái của cô gái, Vũ Sinh cảm thấy rờn rợn nhưng cố trấn tỉnh hỏi:
- Nàng là ai? Từ đâu đến?
Thiếu
nữ nhìn Vũ Sinh mỉm cười:
- Là ai ư? Công tử cần chi biết
thân thế thiếp.Thiếp là người từ lâu hâm mộ tài kể chuyện
của công tử nhưng chưa có dịp diện kiến.Sáng nay nghe công tử kể truyền
thuyết Chiếc áo thiên nga nên thiếp đến gặp công tử nhờ giải mối oan
tình.
Vũ Sinh kinh ngạc:
- Chiếc
áo thiên nga? Giải mối oan tình? Cơn lốc sáng nay chẳng lẽ có liên quan đến
nàng?
- Phải, cơn lốc ban sáng do
thiếp tạo ra để phản đối cách nhìn nhận vấn đề chưa đúng của công tử về công
chúa Mỵ Châu.Truyền thuyết còn nhiều uẩn khúc mà công tử chưa biết tường tận
đấy thôi.
Trong thâm tâm
họ Vũ có cảm giác hơi khó chịu vì bị chê kiến thức còn khiếm khuyết, người chê
lại là cô gái xinh đẹp,chàng cố dằn lòng:
- Câu chuyện có nhiều
uẩn khúc,xin được lắng nghe nàng giải thích?
- Công tử thật
lòng muốn nghe ư?
- Vâng! Nàng cứ nói.
Giọng người con gái trở nên xa xăm như muốn
đưa Vũ Sinh về thuở hồng hoang của thời kỳ dựng nước Âu Lạc:
Truyền thuyết
kể rằng sau khi đánh tan quân xâm lược nhà Tần và thôn tính được nước Văn
Lang,Thục Phán lên ngôi lấy hiệu là An Dương Vương, thành lập nước Âu Lạc.An
Dương Vương là vị vua có tầm nhìn trông rộng thấy kinh đô cũ của nước Văn Lang
không phải là nơi có thể định đô xây dựng đế nghiệp lâu dài, ông cho thầy địa
lý đi khắp cõi Âu Lạc tìm thế đất thịnh vượng để xây dựng kinh đô mới.Các thầy
địa lý tìm kiếm hàng tháng trời về báo lại, có một vùng đất có vị trí đắc
địa có thể khống chế một vùng rộng lớn cả đồng bằng lẫn sơn địa. Đó chính là Cổ
Loa. Khi quyết định dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa, đoàn thuyền của vua chứng
kiến cảnh chín con rồng quần thảo một hòn ngọc lớn. Vua cho đấy là điểm lành
nên chọn đúng nơi mà chín con rồng quần thảo để xây chính điện. Trong cuộc giao
tranh, một con rồng khỏe nhất chiếm lĩnh được hòn ngọc và ngậm vào mồm. Nhưng
nó cũng bị hỏng một mắt sau cuộc chiến đó. Bởi chính An Dương Vương đã dùng bảo
kiếm của mình chọc thủng mắt rồng để quy phục bản tính hung dữ của nó. Thành Cổ
Loa xây nhiều lần vẫn không xong, An Dương Vương khấn thần phật giúp đở, Thần
Kim Quy hiện lên giúp vua tiêu diệt yêu quái thành mới xây xong.Thần còn tặng
cho vua chiếc móng và sợi dây gân của loài giao long sống lâu năm ở biển đông
để làm vũ khí giữ thành.An Dương Vương sai Cao Lỗ một vị tướng tài tạo thành
chiếc nỏ thần kỳ,dùng móng rùa thần làm lẫy, gân giao long làm dây nỏ.Chiếc nỏ
rất lớn và rất cứng khác xa nỏ thường.Mỗi lần bắn có thể phát ra hàng trăm mũi
tên tiêu diệt rất nhiều quân địch và có thể bắn liên hoàn nên hiệu quả sát
thương rất cao. Để sử dụng tốt chiếc nỏ thần kỳ cần có nhiều tướng sĩ có
sức mạnh phi thường.
Nhờ chiếc nỏ thần
kỳ mà Âu Lạc đã nhiều lần đánh bại cuộc xâm lăng của Triệu Đà chúa đất Nam
Hải.Triệu Đà thấy Âu Lạc sản vật nhiều,phong phú nên tìm mọi cách để mở mang
lãnh thổ,bành trướng thế lực về phương nam.Nhưng Âu Lạc có nỏ thần, quân Nam
Hải bị giết hại rất nhiều nên đành rút lui tìm cơ hội khác.Triệu Đà thấy việc
dùng binh không có lợi, bèn xin giảng hòa rồi sai con là Trọng Thủy làm sứ giả
qua cầu thân nhằm tìm cách phá chiếc nỏ thần, vũ khí lợi hại của dân Âu Lạc.
Trọng Thủy là
người con hiếu thuận nhưng chàng lại không thích chiến tranh,nhiều lần chàng
khuyên cha nên lấy tình hòa hiếu đối với lân bang nhưng Triệu Đà không nghe.Sợ
Trọng Thủy làm hỏng đại sự của mình, Triệu Đà đã cử một gia tướng thân cận giả
làm người hầu cận của Trọng Thủy để nắm lấy nội tình của Âu Lạc mà chính Trọng
Thủy cũng không hề hay biết.Trong những ngày làm sứ giả đi lại kết tình hòa
hiếu,Trọng Thủy gặp được Mỵ Châu, nàng công chúa mắt phượng mày ngài, nhan sắc
tuyệt trần, con gái yêu của An Dương Vương.Trai tài gái sắc gặp nhau,họ yêu
nhau tha thiết đắm say.An Dương Vương thấy đôi trẻ gắn bó với nhau như hình với
bóng, nghĩ việc kết thân sẽ làm tăng thêm mối giao hảo giữa hai nước giảm đi
cái họa ngoại xâm từ nước láng giềng phương bắc nên nhà vua liền gả Mỵ Châu cho
Trọng Thủy. Để làm nguôi ngoay nỗi nhớ quê hương của Trọng Thủy, không nơi
nào trong thành Cổ Loa mà Mỵ Châu không đưa Trọng Thủy đến xem,thưởng ngoạn, kể
cả những nơi bố trí canh phòng cẩn mật.Một lần Trọng Thủy nhớ cuộc chiến tranh
giữa hai nước trước kia bèn hỏi:
- Nàng ơi!
Bên Âu Lạc có bí quyết gì mà chiến thắng ngoại xâm vậy?
Mỵ Châu vô
tình đáp:
- Nào có bí quyết
gì đâu chàng. Âu Lạc có thành cao, hào sâu vững chắc, tướng sĩ tinh thần
chiến đấu dũng mãnh,tinh nhuệ, lại có chiếc nỏ thần kỳ một phát bắn ra có thể
tiêu diệt hàng trăm quân địch thì giặc nào mà không thất bại hở chàng?
Rồi Mỵ Châu đưa Trọng Thủy đến nơi cất nỏ
thần, giải thích cho chàng biết cách chế tạo, sử dụng nỏ thần.Tất cả những sự
việc đó điều được tên gia tướng đi theo hầu cận ghi chép đầy đủ,tìm cách
đánh trao lẩy nỏ bí mật chuyển về Nam Hải . Nhằm phá thế phòng ngự của Âu Lạc,
Triệu Đà đã gởi sang tặng An Dương Vương một đoàn nữ nhạc nhan sắc tuyệt
trần,ca hay múa giỏi, những loại rượu ngon, đặc sản của miền Nam Hải để vua
quan Âu Lạc chìm đắm trong men say tửu sắc. Quả nhiên An Dương Vương đã rơi vào
bẩy của Triệu Đà.Thấy thời cơ đã đến,Triệu Đà viết thư triệu hồi Trọng Thủy về
nước để chống giặc vì quân Tần phương bắc lại quấy nhiễu biên cương.Thấy chồng
nhận thư có vẻ buồn bã bồn chồn, Mỵ Châu liền hỏi:
- Hình như chàng có điều gì không vui?
Trọng Thủy nhìn nàng
đáp:
- Phụ vương triệu hồi ta về nước cầm
quân chống giặc Tần xâm lược. Lần nầy về nước, lại đi phương bắc xa xôi chinh
chiến, lành ít dữ nhiều, không biết ngày nào có thể gặp lại nàng, lòng ta cảm
thấy bất an.
- Chàng
đi lần nầy xa xôi nghìn dặm, vì nước lòng em không cản, nhưng biết đến bao giờ
chúng ta được gặp lại nhau?
- Nàng ơi, nếu chẳng may giặc giả xảy ra,
nàng không còn ở chốn nầy, ta biết tìm nàng phương nào?
- Thiếp có chiếc áo lông ngỗng trắng, hễ
thiếp chạy về phương nào,thiếp sẽ rải lông ngỗng trên đường đi, chàng theo đó
mà tìm thiếp.
Nói
xong Mỵ Châu khóc nức nở.
Trọng Thủy về nước cũng là lúc Triệu Đà phát động chiến tranh với Âu
Lạc.Nỏ thần mất hiệu nghiệm, tinh thần chiến đấu của quân sĩ bạc nhược, những
nơi phòng thủ xung yếu bị chọc thủng nhanh chóng, quân Nam Hải ùa vào thành.
Bấy giờ An Dương Vương mới vội lên ngựa, để Mỵ Châu phía sau ra khỏi cửa thành
chạy về phương nam, trên đường ngựa chạy Mỵ Châu đã rải lông ngỗng theo để
Trọng Thủy theo dấu mà tìm nàng.
Ngựa chạy liền mấy ngày đêm, đường bôn tẩu
càng xa đường núi càng gập ghềnh hiểm trở, đến chân núi Mộ Dạ thì đường hết,
trước mặt là biển cả mênh mông.An Dương Vương dừng ngựa ngửa mặt lên trời kêu:
- Trời đã tuyệt đường ta
rồi.
Nhà vua vừa than xong thì một cơn lốc mạnh
bốc bụi cát lên cao, biển dậy sóng mù mịt.Thần Kim Qui hiện lên trong cơn sóng
dữ, giọng rền vang:
- Người tiếp tay với giặc ở
sau lưng nhà vua đó.
An
Dương Vương chợt hiểu, Mỵ Châu khóc nói với cha:
-
Con trẻ lòng sáng như nhật nguyệt đâu ngờ âm mưu của kẻ thù gây họa mất
nước.Con xin lấy cái chết để đền tội với non sông.
Nàng nhìn về đường cũ than:
Lông ngỗng bay theo đường bôn tẩu
Vó ngựa vùi chôn khối u tình
Sóng biển chưa tan hồn huyết lệ
Trách chàng dứt nghĩa dấy đao binh.
Rồi rút gươm
của vua cha tự vẫn chết,máu nàng loang cả một vùng biển.An Dương Vương ôm xác
con khóc, nhà vua hiểu chính mình mới là người tạo nên thảm họa diệt vong của
đất nước, con trẻ nào có tội tình gì. Đau buồn, hối hận nhà vua định đưa
gươm lên kết liễu đời mình, thì Thần Kim Qui cất tiếng:
- Xin người
dừng tay, người còn trách nhiệm với đất nước nầy.Ngày sau ta sẽ giúp người phục
quốc, xây dựng lại cơ đồ đã mất. Long Quân đang chờ đợi người,hãy đi ngay kẻo
không kịp.
An Dương Vương ngậm ngùi nhìn về cố quốc giây
lâu rồi bước xuống biển. Lạ thay nhà vua bước tới đâu thì nước biển dạt ra tới
đó,phút chốc nhà vua đã mất hút vào lòng biển khơi.
Trọng Thủy khi biết được sự tình thì đã
muộn.Từ Phiên Ngung chàng vội vã phi ngựa ngày đêm về Cổ Loa, đến nơi thì
thành quách đã tan tành,khói lửa ngút trời.Theo lời ước hẹn,Trọng Thủy theo
đường lông ngỗng xuôi về phương nam thì không còn kịp nữa.Chàng ôm xác Mỵ Châu
khóc than,lòng đầy hối tiếc.Tham vọng bá quyền của vua cha đã đẩy hai dân tộc
vào cuộc binh đao tàn khốc.Trọng Thủy đưa xác Mỵ Châu lên bè chèo ra biển khơi
hường về hoang đảo,mong tìm một cuộc sống an nhiên giữa cỏ cây hoang dã chỉ có
chàng với những hoài niệm về một mối tình trong sáng,trái ngang bị tham vọng
của người đời vùi dập, chia rẻ.
Vũ Sinh buột miệng nói:
-
Thế còn truyền thuyết giếng ngọc?
- Do người
đời sau thêm vào để tăng thêm bi kịch cho cuộc tình đầy oan trái của Trọng
Thủy-Mỵ Châu mà thôi.
Vũ Sinh vô
cùng ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên chàng được nghe kể câu chuyện ly kỳ có
nhiều tình tiết mới mẻ đến thế, chàng thắc mắc hỏi giai nhân:
- Nhưng trong
chính sử từ xưa đến nay vẫn chép như thế ?
Giai nhân lắc đầu cười buồn:
- Công tử đừng
nghĩ rằng chính sử bao giờ chép cũng đều đúng cả, cũng như dã sử, ngoại truyện
là do người đời thêu dệt nên, tất cả đều có nguyên nhân của nó.
Vũ Sinh nhìn giai nhân, lòng đầy
nghi hoặc:
- Vì
sao nàng lại biết biết rõ tường tận đến thế? Chuyện nầy xảy ra trên ngàn năm
rồi còn gì? Chẳng lẽ nàng là…
Vũ Sinh hoảng hốt, ngập ngừng
không nói hết câu, người phụ nữ xinh đẹp khoác chiếc áo choàng trắng đứng trước
mặt mình lại là công chúa Mỵ Châu hơn ngàn năm về trước? Như đoán được tâm
trạng của Trần Sinh, giai nhân nhìn chiếc áo mình đang mặc, khẻ gật đầu nói:
- Công
tử đoán không sai, thiếp chính là Mỵ Châu trong câu chuyện Chiếc áo thiên nga
mà buổi sáng hôm nay công tử kể cho mọi người nghe .Nỗi oan tình suốt cả ngàn
năm của thiếp đã động lòng trời cao, nên thiếp và công tử mới có cơ duyên gặp
mặt.
Vũ Sinh ngạc
nhiên,chưa hiểu:
- Ý
nàng muốn nói là…
- Nhờ công
tử giải oan tình cho thiếp.
- Bằng
cách nào?
- Như
cách công tử từng làm.
- Nghĩa
là...
Vũ Sinh chợt
hiểu, chàng ngập ngừng:
- Ta e
khó lay chuyển tình thế.
-
Vì sao?
-
Vì truyền thuyết đó đã ăn sâu vào tận xương cốt của dân chúng rồi, giờ bắt họ
chấp nhận một thực tế khác thì chẳng khác nào bảo họ phải đạp đổ thành trì tư
tưởng từ lâu hay sao?
Giai nhân có vẻ
trầm ngâm:
- Đó
có lẽ là một điều rất khó đối với công tử.Thiếp chỉ khuyên công tử một điều khi
đã biết tường tận đúng sai một vấn đề thì phải biết thay đổi hành động việc
làm, đừng đem những lời nói sáo rổng mê hoặc lòng người như trước, về sau
hối hận không kịp.
-
Thế nàng bảo ta phải làm thế nào?
-
Là kẻ sĩ đứng trước thời cuộc nghiêng ngửa nầy công tử chưa có dự định gì cho
mình sao?
-
Xin nghe nàng nói.
- Đàng
Trong là nơi đất lành chim đậu, long vân hội tụ, công tử có thể khởi nghiệp cho
mình.
Vũ Sinh như bừng tỉnh một giấc mộng dài,chấp
tay cung kính:
- Cám ơn nàng đã nhắc nhở.
Giai nhân
đừng dậy mắt nhìn ra cửa:
- Năm cũ đã tận,Thời
khắc chuyển giao đã tới,Thiếp đi đây.
Vũ Sinh hoảng hốt nói:
- Thế còn có dịp
gặp lại nhau không?
Giai nhân nhìn chàng
mỉm cười:
-
Chúng ta gặp nhau đêm nay đã là cơ duyên rồi.Thiên đình cảm thông nỗi oan tình
của thiếp cả ngàn năm nên cho phép thiếp gặp chàng nhờ chàng giải tỏa những oan
ức mà thiếp phải mang.Nay khối u tình đã dứt thiếp được thiên đình cho phép tái
sinh về phương nam trong gia đình họ Trần. Nếu thật sự có duyên số chúng ta sẽ
gặp lại nhau.
- Làm sao để nhận
ra nhau?
- Khi công tử thấy
cô gái nào mang áo choàng lông ngỗng là thiếp.
Nói xong giai nhân bước
ra cửa đi thẳng, phút chốc đã biến mất, chỉ còn thoảng lại mùi hương phảng phất
trong phòng.Vũ Sinh bàng hoàng như không tin vào mắt mình. Đêm trừ tịch
năm đó chàng không ngủ được.
Từ đó người ta không còn
thấy chàng thư sinh họ Vũ ra chợ kể chuyện nữa.Có người nói chàng đã vào núi tu
tiên rồi nhưng thật ra Vũ Sinh đã bí mật vượt đèo Ngang vào tụ nghĩa dưới
trướng của Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên.Chàng lấy lại họ Đào giúp Chúa Nguyễn
xây thành đắp lũy, chặn đứng nhiều đợt nam tiến của bắc quân đàng ngoài lập
nhiều chiến công hiển hách, được quan khám lí họ Trần gã con gái cho.Còn việc
chàng có gặp lại giai nhân trong đêm trừ tịch hay không thì không thấy dị sử
chép lại.
Tháng 6/2013
Nguyễn An Bình
* Thơ Tố Hữu
No comments:
Post a Comment