Vào một ngày mùa xuân năm Quý Tỵ (2013), tôi về thăm quê nội thôn Phú Long,
Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị. Sau khi ghé thăm các gia đình bà con ruột thịt và
họ hàng làng xóm, tôi đến thắp hương trên đồi lăng mộ ông bà, cha mẹ tôi. Tiếp
đó tôi về thăm mấy làng nghề ẩm thực ở Hải Lăng như làng Phương Lang, Diên
Sanh, Kim Long.
Những làng này ngày xưa ba tôi và ông nội tôi thỉnh thoảng
đã dẫn tôi đi theo về thăm chơi những nơi này để biết mấy làng nghề có tiếng về
ẩm thực trong huyện. Đó là làng Phương Lang có món bánh ướt (bánh cuốn) thấm
béo dẻo dai; làng Kim Long có rượu trắng thơm cay nặng độ và làng Diên Sanh có
loại cháo bột cá tràu ngon lành hấp dẫn…
Thực ra truyền thống làng nghề làm bánh ướt tại thôn Phương
Lang (Xã Hải Ba, Hải Lăng, Quảng Trị) này có từ lâu đời rồi. Nhưng ngày xưa
người ta vẫn làm bánh theo lối thủ công. Sau này vì bánh ngon và giá cả vừa
phải nên khách dùng tại chỗ và các nơi đến đặt hàng không kịp cung cấp. Do đó
ông Dạc trong thôn đi mua máy về làm dây chuyền sản xuất bánh cho nhanh hơn để
cung cấp cho kịp nhu cầu khách hàng ăn. Theo tài liệu của nhà báo Minh Tuấn và
Văn Tú đã đăng trên báo Quảng Trị cho hay rằng: Hiện làng nghề Phương Lang có 6
chiếc máy làm bánh được đầu tư, trong đó có 4 máy chạy bằng than, còn lại 2 máy
chạy bằng điện. Gia đình ông Nguyễn Phức Suân, đội 1, thôn Phương Lang có
truyền thống làm bánh ướt hơn 50 năm. Vừa qua, ông đầu tư 40 triệu đồng mua dây
chuyền sản xuất bánh ướt, mỗi ngày cho ra lò 4 tạ bánh, trong dịp Tết lên đến
7-8 tạ bánh/ngày.
Từ ngày có máy, nguồn
thu của gia đình ông Suân trở nên khá
hơn, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ông cho biết: “Nhờ có chiếc máy này
mà công việc làm bánh của vợ chồng tôi đơn giản hơn nhiều, năng suất cao lại
tiết kiệm thời gian nên chúng tôi tranh thủ làm thêm nhiều công việc
khác”.
Với một chiếc máy làm bánh, chỉ cần 2 người vận hành, sau
khi xay gạo thành bột, một người đứng đổ bột vào thùng chứa và điều chỉnh van
mở sao cho bột xuống đều đặn, bột gạo theo máng cuốn chảy qua lò sấy hơi nước
hấp chính, đến cuối máng xoay, một người đứng hứng bánh và sắp xếp bánh. Những
chiếc bảnh mỏng, nóng sốt, trắng dẻo và thơm phức lần lượt ra lò được xếp thành
từng chồng, chờ đưa đi tiêu thụ.
Kể từ khi 6 chiếc máy làm bánh được đầu tư đưa về, quá trình
tráng bánh bằng lối thủ công truyền thống ở Phương Lang đã được thay thế. Với
lợi thế sản xuất bằng máy móc, bánh ướt Phương Lang ngày càng chiếm lĩnh thị
trường, giá thành cũng đã giảm xuống nhiều so với trước đây, phù hợp với túi
tiền của người dân.
Hiện tại, 1 kg bánh ướt bán tại Phương Lang có giá 4.500 đồng (trước đây 7.000/kg), rất nhiều cơ
sở, quán ăn từ khắp nơi đến đây đặt hàng lâu dài. Tại chợ quê Phương Lang, cũng
có một quán bánh ướt góp phần làm cho thương hiệu bánh ướt Phương Lang trở nên
nổi tiếng, đó là quán bánh ướt bà Si. Đĩa bánh được dọn ra kèm với rau sống,
đĩa thịt heo cắt dày, vị cay của nước chấm, tất cả hòa quyện với nhau tạo nên
vị ngon không thể quên được.
Với người dân Phương Lang, hiệu quả kinh tế từ việc áp dụng
máy móc hiện đại vào sản xuất bánh ướt truyền thống góp phần làm cho đời sống
trở nên khá giả. 1 kg bột gạo có thể tráng được 2,5 kg bánh ướt, trừ mọi chi
phí mỗi gia đình làm bánh ướt ở Phương Lang thu nhập từ 4-5 triệu đồng/ tháng.
Ngoài ra có thể tiết kiệm được thời gian, không còn phải ngồi liên tục bên lò
bếp để tráng bánh, một buổi đi bán bánh ướt, buổi còn lại họ tranh thủ ra đồng
sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Quyết, Chủ tịch UBND xã Hải Ba cho biết: "Với sự đầu tư máy móc, áp dụng những phương pháp sản xuất mới, đời sống kinh tế
của bà con ngày càng trở nên khá giả hơn, đây cũng là một hướng đi mà chúng tôi
sẽ xem xét đầu tư và nhân rộng để làng nghề có thể phát triển mạnh hơn nữa”.
Nhiều người du khách qua lại vùng này đã từng ăn bánh ướt
Phương Lang rồi từng kháo nhau với mấy câu thơ bình dị:
Bao giờ về lại Phương
Lang
Ăn chầu bánh ướt, nhìn nàng cười vui
Về nhà cứ muốn tới
lui
Thưởng thức
bánh ướt say mùi thôn quê…
Còn làng Diên Sanh là cái nôi của món cháo bột nổi tiếng.
Thực ra ngày xưa món cháo bột này đã xuất hiện ở mấy làng gần nhau như làng Câu
Hoan, Trung Đơn, Trường Sanh, Mai Đàn… Người ta hay gọi loại cháo này là cháo
“vạt giường” (vì có nhiều lát bánh cắt to dính nhau từng tấm dài dài như vạt
giường) và người ăn loại cháo này là toàn người lao động ít tiền chứ không phổ biến
khách ăn như bây giờ.
Mấy chàng trai quen ghé qua ăn mấy quan này cứ hay ngâm nga
câu:
Nhớ chi như cháo vạc giường
Đứng mơ mùi ném,
ngồi thương mùi hành
Nhiều khách qua lại ăn món cháo bột thơm cay, ngon miệng còn
vui vẻ ngân nga mây câu vè đắc chí:
Vào quán cháo bột Diên Sanh
Ăn luôn hai đọi đã thành thói quen
Về nhà mà vẫn cứ thèm
Lần sau lại ghé ăn
thêm mấy chầu…
Hai món nói trên là hai món
ăn bình dân có tiếng.
Bây giờ nói đến món uống cũng trứ danh là món rượu trắng Kim
Long.
Làng Kim Long (thuộc xã Hải Quế) bên dãy đồi cát trắng gần
biển. Đây là một làng có truyền thống nấu rượu ngon nổi tiếng không những ở
trong địa phương mà còn vang tiếng rộng ra khắp nhiều tỉnh thành trong nước.
Ngày xưa làng này có khoảng chục nhà nấu rượu, về sau có thêm nhiều hộ có lò
nấu. Đến bây giờ thì số nhà có lò nấu đã lên tới vài chục nhà. Mỗi ngày tổng số
lượng sản phẩm rượu thu được khoảng hơn 600 lít. Những nhà nấu rượu lâu đời ở
Kim Long là nhà ông Luân. Ông Sung, bà Lựu…
Chất lượng rượu khá tốt: rượu nặng độ (45-50 độ); vị rượu
đậm đà, thơm ngon nên rất nhiều người ưa thích. Người ta nói rằng: rượu Kim
Long ngon là nhờ nguồn nước ngọt ở mọi
giếng trong làng rất trong sạch; về men rượu và kỹ thuật chưng cất có kinh
nghiệm gia truyền. Vì vậy sản phẩm rượu của làng này làm ra có uy tín, được
nhiều ưa chuộng và đến đặt mua rất đông khách. Từ đó, các nhà thương mại người
Pháp về khảo sát, tin cậy phẩm chất rượu Kim Long nên đã tổ chức việc thu mua
tất cả rượu nấu thủ công này và đặt tên rượu – Kim Long để độc quyền khai thác
để bán ra nhiều nơi trong nước và cả nước ngoài. Vì thế có cái tên rượu SICA-
Kim Long ra đời. Chữ SICA ở đây là các chữ viết tắt của các từ tiếng Pháp là S:
Société = Hiệp hội; I: Indochinoise= Đông Dương; C: Commerce = Thương mại; A:
Alcoolique = về rượu. Như vậy SICA có nghĩa là Hiệp hội thương mại rượu Đông
Dương (Việt-Miên-Lào).
Một số đại lý rượu SICA- Kim Long ở các thành phố hồi ấy,
chủ hãng thương mại kiểm tra rất nghiêm
ngặt. Nếu đại lý nào không tuân thủ thể lệ mà làm giảm chất lượng rượu SICA thì
sẽ bị phạt và hủy hợp đồng đại lý. Do đó uy tín rượu SICA – Kim Long được duy
trì một thời gian dài khoảng trên 10 năm(1932-1943).
Các cụ già các làng Kim Long, Câu Hoan, Trung Đơn, Diên
Sanh… ngày xưa cứ hay kháo nhau mấy vần thơ:
Rượu Kim Long ai đâu cũng biết
Vị thơm ngon yến tiệc dùng hoài
Đến làng mua được mấy chai
Đem về ngâm rượu lâu dài càng ngon…
Nguyễn Hồng Trân
No comments:
Post a Comment