Tác giả Phan Trang Hy |
Những ngày Tết,
ngoài chuyện đi thăm bà con, bè bạn, tôi lại lên mạng. Các trang mạng đều có
lời chúc mừng năm mới, đại ý là chúc sức khỏe, chúc tấn tài, tấn lộc, hạnh
phúc, an khang… Dẫu là người khó tính đến mấy đi nữa, nhưng khi đọc những dòng
chữ ấy, bạn cũng cảm thấy có chút vui như được nghe lời nói, như thấy được nụ
cười lịch thiệp, chân tình của người chúc Tết mình.
Tình cờ, tôi
vào một trang blog. Xin phép cho tôi được nêu tên dù có trùng tên của ai đó.
Xin chớ hiểu lầm tôi. Tên trang mạng là Blogger sợ chữ. Quả là tên gây ấn
tượng!
Nếu bạn đọc
những gì đã lưu trữ, liên kết trên trang mạng này, bạn sẽ thấy tay chủ blog này
là tay sính chữ nghĩa, ham lý luận. Hầu hết các bài viết của tác giả đều đụng
chạm đến cơm áo gạo tiền, đến con heo, con cá, đến Hoàng Sa, Trường Sa, đến
chiến tranh biên giới phía Tây Nam, phía Bắc trong cuộc chiến với Pôn Pôt, với
giặc Tàu để giữ từng tấc đất tấc lòng, đến phòng chống tham nhũng, đến luật đất
đai… Còn liên kết thì khỏi phải nói, liên kết các tờ báo lớn trong nước, ngoài
nước, liên kết với các trang văn học nghệ thuật, liên kết với các trang chính
trị, trang blog khác… Nhìn chung, chỉ cần vào trang này, bạn có thể đi tất cả
các trang khác. Không sợ tường lửa, không sợ bị mất mật mã, không sợ ai theo
dõi, không sợ thiếu chữ nghĩa trên đời này. Kể cũng tiện lợi thiệt, nếu vào
trang mạng của hắn ta. Chuyện xưa, chuyện nay đều có; chuyện Đông, chuyện Tây
cũng có; chuyện đẻ, đái, chuyện đánh nhau, chuyện chiến tranh, hòa bình, chuyện
thiên tai, chuyện thử vũ khí hạt nhân, chuyện hiếp dâm, chuyện bầu Giáo hoàng
cũng có… Tất cả có! Nếu mệt, bạn cứ mở trang liên kết thư giãn, có thể đó là
trang có những giai điệu tuyệt vời của nhạc thính phòng, có thể là giai điệu
nhạc trẻ. Có thể đó là trang mạng gợi cảm, gợi dục. Kể cả chuyện bày vẻ cách
làm tình, cách sử dụng sextoy, nếu bạn cần.
Và rồi theo địa
chỉ mail có trên trang Blogger sợ chữ ,
tôi đã liên lạc với chủ nhân.
Ngày thứ nhất
trong tháng, tôi mở mail. Nhận được mail của hắn. Cũng chỉ là lời chúc xã giao
như bao người mới làm quen trên mạng. Tôi dè chừng hắn. Xem chừng, hắn cũng dè
chừng tôi.
Ngày thứ năm
trong tháng, tôi gửi mail cho hắn. Tôi chờ hắn trả lời. Vẫn bặt tăm. Mãi đến cả
tuần sau, tôi mới nhận được mail của hắn. Qua mail, hắn xin lỗi tôi vì sự trễ
nãi trả lời của hắn. Và hắn đã nêu lý do rất chính đáng là vì hắn bận tham gia
quỹ từ thiện góp công, góp sức, góp của cứu giúp những người bị bệnh “thiếu óc,
“thiếu tim”. Lần đầu tôi mới biết đến thuật ngữ y học: thiếu óc, thiếu tim.
Tôi gửi mail chúc mừng hắn tham gia làm từ
thiện. Và rồi mail qua, mail lại, tôi như cởi mở với hắn; hắn cũng vậy. Tôi và
hắn trải hết lòng với nhau. Tôi thầm cảm ơn Internet. Có thể, tôi e dè, khó bắt
chuyện khi đối diện với ai đó. Nhưng qua mạng, tôi viết những dòng chữ bằng sự
nghĩ suy chân thực của lòng mình. Tôi nghĩ qua mạng, một ai đó khủng bố bạn,
nói xấu bạn, hoặc viết tốt về bạn thì đó cũng là lòng thực của kẻ ấy với bạn.
Qua mạng, hầu như, dù nickname nào đi nữa, thì người ấy vẫn chính là người ấy.
Tính tốt, tính xấu, tính ác, tính thiện đều thể hiên rõ qua những comment,
những mail…
Tôi lại vào
mạng. Tra cứu thuật ngữ y học: thiếu óc, thiếu tim, nhưng vẫn không hiểu đó là
những căn bệnh gì. Tôi chỉ còn biết tự hỏi với lòng như một đứa học trò nhỏ.
Nào là: Bệnh thiếu tim là gì? Bệnh thiếu óc là gì? Tại sao có căn bệnh đó trong
cõi đời này? Phải làm gì phòng, chống được căn bệnh đó? Tôi vẫn không tìm ra
câu trả lời đúng nhất.
Tôi vẫn ngồi
trước laptop nghĩ suy về căn bệnh mới,
lạ này. Đầu óc tôi như căng cứng. Tôi
như không làm chủ được nghĩ suy của
mình. Tôi thấy trước mắt tôi là bóng dáng của ai đó. Không rõ lắm! Hắn tự xưng
là Blogger sợ chữ, và hắn mời tôi sáng mai uống cà phê tại quán Hương Xưa. Tôi
cười và nhận lời.
Tính tôi vẫn
vậy. Không muốn trễ giờ, sai hẹn, nên tôi đến quán sớm khoảng 10 phút. Sáng
nay, thấy tôi ngồi một mình, chủ quán đưa tờ Thanh niên cho tôi đọc. Tôi gật
đầu, cảm ơn chủ quán. Trong khi chờ đợi hắn, tôi lật vội những tin. Tôi bắt gặp
bài thơ Tổ quốc nơi biên thùy của Nguyễn Việt Chiến. Tôi thấy dòng chữ Tưởng
nhớ những chiến sĩ hy sinh ở biên giới năm 1979 như đỏ lên. Ngoài trời mưa đang
rắc hạt. Trời hơi se lạnh, cái lạnh của những ngày trong tiết Vũ thủy. Nhìn
những hạt mưa, nhìn những cây lá trong cái lạnh đầu xuân, tôi như thấy cả một
trời biên giới năm xưa qua bài thơ tôi thầm đọc. Bài thơ có giọng bi hùng. Tôi
thoáng buồn, nhưng tin tưởng!
Quán cà phê
này, so với quán khác, có vẻ yên tĩnh. Quán có mở nhạc vừa đủ nghe. Khác hơn
mọi khi, hôm nay, tôi được thưởng thức những bản nhạc nổi tiếng của Phạm Duy.
Tôi như tắm mình trong dòng chảy âm thanh của những giai điệu quê hương. Tôi
như tắm trong suối nhạc tự do của một con người đi suốt Con đường cái quan đất
nước, có lúc hét to bởi những “tục ca”, gào lớn bởi những “đạo ca”, nhưng hơn
hết là dạt dào, dịu dàng của những “tình ca” như có cả bóng dáng của những bà
mẹ quê, những đứa trẻ chăn trâu, của năm tháng cha ông đi mở cõi... Tôi nhẩm
hát theo: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…”.
Tôi đứng lên, như một ca sĩ, tôi hát cùng Đức
Tuấn, Mỹ Linh trên màn hình. Cả quán cà phê như hòa nhịp cùng lời hát… Như thể
chúng tôi được cuốn vào điệu hồn dân tộc.
Trước mắt tôi,
biết bao người cùng tôi hát. Bên cạnh tôi là
một cô gái. Cô mỉm cười và hát cùng tôi: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi
mới ra đời…”.
Và rồi, cô ta tự giới thiệu cô là Blogger sợ chữ. Trời ơi,
Blogger sợ chữ đây ư? Tôi không ngờ cô ta trẻ đẹp đến thế! Tôi sững sờ. Và tôi
sững sờ hơn nữa khi cô ta nói nhanh, rồi đi cũng nhanh. Chỉ loáng thoáng lời cô
ta: “Ông có biết căn bệnh thiếu tim, thiếu óc rồi chứ gì?... Có tim đó, có óc
đó, nhưng tim có yêu nhân nghĩa đâu, óc có suy nghĩ chân chính đâu!” Tôi tự hỏi
với lòng mình. Con tim yêu thương nhân nghĩa, bộ óc suy nghĩ chân chính không
tồn tại trong từng con người sao?
Các bạn có tin
tôi không? Tôi mơ đấy. Chẳng có cuộc gặp ấy đâu. Tôi vẫn đang ngồi trước
laptop. Đang đọc báo, tìm tài liệu, kiến thức trên mạng. Vẫn chọn lọc những tin
xấu, tin tốt, tin sai, tin đúng. Tôi vào trang của hắn, dù hắn không có bài
viết mới, để từ đó tôi có thể xem các trang khác. Tôi nhiều lần gửi mail hỏi
thăm hắn. Nhưng tôi không nhận được trả lời.
Ngày lại ngày,
tôi vẫn phải làm việc để tồn tại. Và những khi rảnh, tôi lại lên mạng. Trước
khi xem các tin, các bài viết, tôi thường mở mail. Thật là bất ngờ đối với tôi
khi tôi nhận được mail của hắn. Tôi xin copy lại mail ấy để hầu các bạn.
Thân gửi bạn
Phan Trang Hy!
Xin bạn đọc
những dòng chữ sau, xem như là tâm sự
của Bloggger sợ chữ.
Có lẽ bạn ngạc
nhiên, tại sao tôi sợ chữ? Có thể bạn nghĩ thầm tại lúc nhỏ tôi lười học, không
thích tìm hiểu kiến thức của loài người, nên thấy chữ là sợ chứ gì? Xin bạn
hiểu cho là sức học của tôi cũng tàm tạm. Đối với tôi, kiến thức, suy cho cùng
cũng chỉ là những con chữ ghi lại. Những con chữ biến hóa thành ra vô số triết
thuyết, chủ thuyết này, chủ thuyết nọ. Vì thế, khi học những năm đầu đại học, tôi
cố đọc triết Đông, triết Tây, đọc Kant, Marx, Lénin, Tôn Dật Tiên, Mao, Gandhi …
Tôi cũng có đọc Kinh thánh, tìm hiểu đạo Cơ đốc, đạo Hồi, đọc chiến tranh giữa
các tôn giáo, thế chiến thứ nhất, thứ hai, đọc thủ đoạn chính trị, đọc sấm
Trạng Trình, đọc tiên tri của Nostradamus, Vanga, … Chữ nghĩa như thể căng cứng
trong đầu tôi.
Thế là, tôi sử
dụng cái vốn chữ nghĩa của mình để viết. Tôi viết những bài mang tính lý luận,
có khi viết những bài có tính thời sự. Tôi không tô hồng, cũng không bôi đen cuộc
đời. Tôi chỉ viết sự thực. Thế nhưng, sự thực ấy lại mất lòng biết bao người.
Và cũng chính những bài ấy khiến tôi phải lao đao trong cuộc sống. Không những tôi lao đao mà ông Tổng biên tập tờ báo
“Không dối trá” lại phải khốn đốn, điêu đứng, bị chụp mũ là tiếp tay cho thế
lực thù địch.
Từ đó, nghe cái
tên tôi, ai cũng dè chừng. Những bài tôi viết, hầu hết các báo, tạp chí không
thể đăng. Dẫu tôi có lấy bút danh khác,
nhưng với giọng văn như tôi, các bài tôi viết cũng không qua mắt được các tay
kiểm duyệt. Tôi tự nhủ với lòng: Ai biểu viết sự thực? Nhưng rồi, lòng tôi mách
bảo: Không thể dối trá với lòng mình. Không thể dối niềm vui, nỗi buồn của mình
được. Không thể trá đen thành trắng được. Thôi thì cứ viết ra, gửi cho bạn bè,
người thân, hoặc lập blog, thả lửng trên mạng… Có thể trăm năm sau, hoặc lâu
hơn nữa, hậu thế không biết tôi là ai, nhưng có thể ai đó đọc bài của tôi, sẽ
biết có một thời sự thực bị cấm đoán.
Thôi thì thả
lửng chữ trên mạng…
Xin bạn thông cảm cho tôi.
Blogger sợ chữ.
Đọc xong mail
hắn gửi, tôi tự hỏi: Không biết mình có là kẻ sợ chữ không?
Tháng 2 – 2013
No comments:
Post a Comment