Tóm tắt:
Hò Như Lệ ở Quảng Trị có những nét đặc trưng trong hệ thang âm – điệu thức Mi - Fa#non – La – Sigià - Rênon ứng với ngũ cung (Hò – Xự#non – Xàng – Xêgià – Cốngnon) mang tính chất độc đáo trên môi trường diễn xướng riêng. Quá trình ấy là sự tiếp diễn và chuyển hóa từ hò Mái nhì Trị Thiên phát triển thành hò Như Lệ (hò Đò dọc, hò Giọng đò) sang hò Binh vận đến hò Cách mạng và hò Như Lệ nói chung của ngày nay (âm bậc V ở hò Như Lệ cổ điển từ Đô#non đã trở lại nâng lên thành Rênon tương ứng với thang âm ban đầu của hò Mái nhì Bình - Trị - Thiên trên sông nước) mà vẫn giữ được hệ thang âm điệu thức cơ bản mang nét đặc trưng.
Ngày nay, Hò Như Lệ được sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị chú trọng bảo tồn trở thành một di sản quý giá trên vùng đất Quảng Trị nói riêng và vùng đất Bình - Trị - Thiên nói chung.
1. Dẫn nhập
Mỗi vùng miền đều có những nét độc đáo đặc trưng riêng trong mỗi hình thức và nội dung hò[1]. Riêng ở miền Trung thì khu vực Bình - Trị - Thiên có hò Mái nhì được nhiều người không chỉ bản địa mà nơi khác biết đến một cách phổ biến. Bởi hò Mái nhì có sức thuyết phục lòng người một cách sâu sắc mỗi khi nghe đến. Với làn điệu[2] khi cao vút ngân nga, khi trầm lặng sao xuyến qua sự bộc bạch những tâm trạng cảm xúc hoặc là sự u hoài-khắc khoải ân tình trước sự mênh mông bát ngát của sông nước-đất trời.
Qua khảo sát thực tế cũng như trực tiếp tiếp cận với nhiều giọng hò tại làng Như Lệ, đồng thời căn cứ trên những thuộc tính căn bản của các làn điệu hò, chúng tôi có thể tái khẳng định hò Như Lệ thuộc làn điệu hò Mái nhì, một làn điệu rất phổ biến ở vùng Bình Trị Thiên. Tuy nhiên, sự thay đổi về môi trường diễn xướng cũng như chức năng biểu đạt thông qua ca từ đã làm cho điệu hò Mái nhì có sự chuyển biến nhất định về làn điệu để định hình nên một giai điệu mới. Song không vì thế mà mất đi những nét đặc trưng của làn điệu hò Mái nhì[3].
Hò Như Lệ[4] ở Quảng Trị có những nét đặc trưng trong hệ thang âm – điệu thức ngũ cung[5] mang tính chất độc đáo trên môi trường diễn xướng riêng. Quá trình ấy là sự tiếp diễn và chuyển hóa từ hò Mái nhì Trị Thiên phát triển thành hò Như Lệ (hò Đò dọc, hò Giọng đò) sang hò Binh vận đến hò Cách mạng và hò Như Lệ nói chung của ngày nay vẫn giữ được hệ thang âm điệu thức cơ bản mang nét đặc trưng trong hệ thang âm – điệu thức.
2. Nét đặc trưng trong hệ thang âm – điệu thức của hò Như Lệ ở Quảng Trị
Căn cứ vào các dữ liệu ghi chép và việc điền dã thực tế, bước đầu tôi nhận thấy:
Hệ thống thang âm – điệu thức trong hò Mái nhì ở các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế đều có nét tương đồng trên hệ thống thang âm Mi - Fa#non – La – Sigià – Rênon ứng với ngũ cung (Hò – Xự#non – Xàng – Xêgià – Cốngnon). [Trong đó các âm bậc II, IV, V thường hay bị hò lệch. (Bậc II non, bậc IV già, bậc V non)].
Trên cơ sở cùng với nhóm nghiên cứu hò Như Lệ thông qua việc khảo sát trên làn điệu của nhiều bài, nhiều giọng hò từ trước đến nay trên vùng đất Như Lệ và các vùng phụ cận trên dòng sông Thạch Hãn. Tôi đã cùng với nhóm nghiên cứu phân thành hai nhóm làn điệu chính của hò Như Lệ còn được lưu giữ đến ngày nay đó là làn điệu hò cổ điển và làn điệu hò cách tân để phân tích nhận diện những nét đặc trưng.
Trong giới hạn của bài viết, tôi sẽ đi sâu vào nét đặc trưng trong hệ thang âm – điệu thức của hò Như Lệ thông qua các làn điệu đi điền dã là chủ yếu.
a. Hệ thang âm - điệu thức qua các bài bản làn điệu hò cổ điển:
Tìm thấy ở các bài hò Mái nhì dưới nước. Thông qua việc xem xét đối chiếu từ các bài hò Mái nhì Bình – Trị Thiên so với các bài hò ở Như Lệ chúng ta sẽ thấy có sự tương đồng trong hệ thang âm – điệu thức giữa hò Mái nhì và hò Như Lệ (còn gọi là hò Đò dọc hoặc hò Giọng đò). Tuy nhiên, hệ thang âm – điệu thức trong làn điệu của hò Như Lệ cổ điển có biến đổi ở âm bậc V so với hò Mái nhì Bình – Trị Thiên cổ điển. Sự biến chuyển linh hoạt ấy là sự chuyển lệch âm bậc V hạ thấp xuống dao động trong 1/8 đến 1/4 cent (Rênon xuống Đô#non), biểu hiện trên hệ thang âm Mi - Fa#non – La – Sigià – Đô#non .
Một vài câu trích hò Như Lệ có hệ thang âm liên quan
+ Hò Như Lệ cổ điển:
Trích: Chuyện hò … Cây nứa…
Giọng hò: Ngô Thị Hoãn
Ký âm: Văn Khoa
+ Hò Như Lệ cách tân (Hò Mái nhì trên cạn)
Trích: Chuyện hò … bắp Ba Lòng…
Giọng hò: Ngô Thị Huế
Ký âm: Văn Khoa
Giọng hò: Ngô Thị Huế
Ký âm: Văn Khoa
+ Hò Như Lệ cách tân tiếp theo (Hò Mái nhì trên cạn trùng thời gian với hò Binh vận). Trong đó cần lưu ý; có hệ thang âm – điệu thức trở lại giống như Hò Như Lệ cổ điển.
Trích: Chuyện hò … nam nhi thà…
Giọng hò: Hoàng Thị Sự
Ký âm: Văn Khoa
Ký âm: Văn Khoa
Sự biểu đạt giai điệu cũng có những sự sóng sánh nhảy quãng tùy từng tính chất vùng miền hoặc chất giọng người hò. Trong việc nhận định về tông-giọng hò Mái nhì khu vực này người hò dễ bị nhầm lẫn cao độ cũng như âm chuẩn bởi sự nhảy quãng giữa phần xướng-phần xô và phần hò trả của phần xô.
(Nếu chuyện hò được người hò một mình thể hiện thì chúng ta cũng dễ dàng nhận ra tông-giọng, tuy nhiên cần phải phân biệt rõ ở những giọng hò ở các quãng nhảy).
Sự tương giao và khác biệt ở hệ thang âm bậc V
Cũng diễn ra trên các dòng sông gắn với các động tác chèo thuyền khoan thai-thả hồn với giai điệu trữ tình, lững lờ sâu lắng. Các chuyện hò Mái nhì (cư dân ơ đây gọi là hò Đò dọc hoặc là hò Giọng đò) cứ tiếp nối thành những bức thông điệp chứa chan ân tình tiếng nói quê hương-tình yêu đôi lứa và cả những bộc bạch về hoàn cảnh đất nước vẫn vang lên xao động biết bao con người đồng cảm.
Cũng từ hò Đò dọc ở vùng đất này cũng thêm một lần nữa người dân ở đây lại tự mình chuyển hóa giai điệu-ca từ phù hợp với tính chất, linh hồn của người dân nơi đây như là cơ sở để sau này tiếp tục cơ động trong một số hình thức biểu hiện. Đặc biệt ở hệ thang âm trong làn điệu của hò Như Lệ cổ điển có biến đổi ở âm bậc V so với hò Mái nhì Bình – Trị Thiên cổ điển là sự chuyển lệch âm bậc V hạ thấp xuống dao động trong 1/8 đến 1/4 cent (Rênon xuống Đô# non) biểu hiện chất liệu đặc trưng các chuyện hò trên hệ thang âm Mi - Fa#non – La – Sigià – Đô#non .
b. Hệ thang âm - điệu thức qua các bài bản làn điệu hò cách tân:
Trích: Hò Binh vận (giai đoạn hoàn chỉnh 1953-1954)
Giọng hò: Ngô Thị Khuyến
Ký âm: Văn Khoa
Ký âm: Văn Khoa
Ra đời vào thời kì kháng chiến chống Pháp. Chủ yếu hò ở không gian trên cạn phục vụ ông tác hò Binh vận, phù hợp với bối cảnh lịch sử, điều kiện diễn xướng, mục đích biểu đạt... Hệ thang âm – điệu thức trở lại tương ứng với hò Mái nhì Bình – Trị - Thiên là Mi - Fa#non – La – Sigià – Rê#non
Trên cơ sở làn điệu hò Mái nhì và trực tiếp là lối hò Mái nhì trên cạn của vùng Triệu Phong, Hải Lăng, một số nghệ nhân ở làng Như Lệ phá vỡ khuôn khổ cổ điển, cách tân để hình thành một nhóm giai điệu mới. Đặc biệt Đội tuyên truyền lưu động: Dùng tiếng hò để kêu gọi anh em binh sỹ là những người Việt đi lính cho quân Pháp, trong các đồn bốt của địch quay súng trở về với nhân dân với cách mạng[6]. (Ca từ của làn điệu cách tân do lực lượng kháng chiến sáng tác và nhân dân ứng tác nếu thấy phù hợp thì được cấp trên duyệt cho phép thể hiện).
Sự cơ bản của hò Như Lệ cách tân vẫn được thể hiện trở lại với hệ thống thang 5 âm là Mi - Fa#non – La – Sigià – Rê#non của hò Mái nhì. Khi thể hiện một số âm được nâng lên quãng 8 tạo thành những điểm nhấn với mục đích truyền tải rõ ràng nội dung của ca từ mà người diễn xướng cần biểu đạt. Do đó âm bậc V lại được nâng lên dao động trong 1/8 đến 1/4cent. Đồng thời tính chất luyến láy đã được rút gọn hơn, nhịp điệu phóng khoáng tự do trong một bố cục khá chặt chẽ nhằm chuyển tải rõ ràng đầy đủ nội dung nhưng không vì thế mà xem nhẹ yếu tính nghệ thuật.
Một đặc điểm đáng được chú ý để nhận diện điệu hò Như Lệ, đó là ngoài việc sử dụng các tiếng đệm thông dụng của làn điệu hò Mái nhì như; hơ, hờ, ha, hi, hô, ơ, i, à, ơi,…, các nghệ nhân làng Như Lệ còn sử dụng những tiếng đệm khá riêng biệt như; hì, hi, hí, hà, hè, hờ, hợ, hới, hợi, hừ, hư, hùm, ư, ừ, chứ, chớ, chừ,… Đây cũng là yếu tố góp phần làm cho giai điệu của hò Như Lệ có những biến chuyển nhất định.
Đồng thời, để chuyển tải rõ ràng, mạnh mẽ nội dung của ca từ nên có những âm khi thể hiện được nâng lên quãng 8. Điểm nổi bật của của hò Như Lệ là người hò đã vận dụng hơi để cho tiếng hò vang xa, nhưng không vì thế mà đi quá xa so với hệ thống thang âm chung của làn điệu hò Mái nhì là Mi - Fa#non – La – Sigià – Rê#non . Không những thế hò Như Lệ còn được biểu hiện qua tính biến dụng rất linh hoạt về môi trường diễn xướng trong môi trường lao động, một đặc điểm cố hữu của thể điệu hò, vừa có thể linh hoạt chuyển đổi chức năng cũng như mục đích biểu đạt rất cụ thể.
Ngày nay, các nghệ nhân kế cận hò Như Lệ đã vận dụng sáng tác nên những bài bản mới nhưng vẫn giữ được hệ thang âm điệu thức của hò Như Lệ giai đoạn hò Binh vận. Tuy nhiên, làn điệu mới có nét phóng thoáng tự do hơn:
Trích: Chuyện hò …Hải Lệ quê tôi…xóm làng mừng vui…
Giọng hò: Ngô Thị Thời
Ký âm: Văn Khoa
Trích: Chuyện hò …Hải Lệ quê tôi…đang còn vấn vương…
Giọng hò: Ngô Thị Huế
Ký âm: Văn Khoa
3. Kết luận:
Hò Như Lệ phát triển trên cơ sở thang âm - điệu thức hò Mái nhì. Với hệ thống thang âm – điệu thức biểu hiện là Mi - Fa#non – La – Sigià - Rênon ứng với ngũ cung (Hò – Xự#non – Xàng – Xêgià – Cốngnon). Hò Như Lệ có kết cấu giai điệu gãy gọn, tầm âm rộng (âm bậc V ở hò Như Lệ cổ điển từ Đô#non đã trở lại nâng lên thành Rênon tương ứng với thang âm ban đầu của hò Mái nhì Bình - Trị - Thiên trên sông nước. Với sự chuyển hóa cách tân thành hò Binh vận đến hò Cách mạng và hò Như Lệ nói chung mà vẫn giữ được hệ thang âm điệu thức cơ bản mang nét đặc trưng độc đáo trên môi trường diễn xướng riêng) đang được nghệ nhân và đông đảo nhân dân Như Lệ - Quảng Trị yêu mến hò hằng ngày và hò trong các ngày liên hoan-lễ hội sâu rộng.
Ngày nay, Hò Như Lệ được sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị chú trọng bảo tồn trở thành một di sản quý giá trên vùng đất Quảng Trị nói riêng và vùng đất Bình - Trị - Thiên nói chung.
Ghi chú:
1. Hò là một hình thức của ca, được xướng-xô theo những làn điệu đặc thù trong môi trường diễn xướng cụ thể nhằm thúc đẩy cho công việc tiến triển, hay thể hiện các sắc thái tình cảm của con người để giao ứng giữa chủ thể biểu đạt và khách thể tiếp nhận. – Điều tra khảo sát di sản hò Như Lệ (bản tóm tắt nội dung), Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị - Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế (thực hiện), 2012, tr 2.
2. Làn điệu và giai điệu là hai khái niệm có nội dung tương đương nên lắm lúc được dùng lẫn lộn. Trong lĩnh vực âm nhạc Việt Nam, giai điệu thường để gọi nhạc bản và ca khúc sáng tác theo nhạc lý phương Tây; còn làn điệu là thuật ngữ dùng trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc, các ca khúc truyền thống dân tộc, nhất là dân ca. Trong rất nhiều bài viết của giáo sư Trần Văn Khê về âm nhạc dân ca, tác giả thường dùng thuật ngữ làn điệu. Theo giáo sư Tô Vũ thì làn điệu khác với giai điệu. Bởi giai điệu là những âm thanh phát ra nối tiếp nhau có hệ thống và hoàn chỉnh về hình thức lẫn nội dung. Giai điệu có tính ổn định và chuẩn xác về thang âm điệu thức vì ngôn ngữ đa âm không có thanh điệu. Làn điệu tương đương giai điệu, nhưng những âm thanh có thể thay đổi theo thanh điệu vì tiếng Việt có sáu thanh tương ứng với các dấu không, sắc, hỏi, huyền, nặng, ngã. - Lê Văn Chưởng, Đặc khảo Hò Huế, (Huế: Nxb Thuận Hóa, 2005), tr 65-66.
3. Hò Như Lệ, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị - Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế (thực hiện), (Hà Nội: Nxb Thông tin truyền thông, 2012), tr 61- 62.
4. Xuất phát ở làng Như Lệ kéo dài – lang tỏa trên dòng sông Thạch Hãn và một số vùng lân cận huyện Triệu Phong, Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
5. Hệ thang âm – điệu thức ngũ cung (5 âm) ở trong hò Như Lệ là chuỗi âm thanh được tính trong mỗi chuyện hò (hoặc mỗi bài hò) không hạn định thời gian âm thanh làn điệu vang lên từ âm đầu đến âm cuối thuộc điệu thức Bắc-cộng sinh âm hưởng Nam ai.
6. Điều tra khảo sát di sản hò Như Lệ (bản tóm tắt nội dung), Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị - Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế (thực hiện), 2012, tr 5 - 6.
Tài liệu tham khảo:
1. Dương Viết Á, Âm nhạc Việt Nam từ góc nhìn Văn hóa, (Hà Nội: Nxb Âm nhạc, 2005).
2. Dương Văn An, Ô châu cận lục (Văn Thanh, Phan Đăng dịch & chú giải), (Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia, 2009).
3. Tôn Thất Bình, “Thử tìm hiểu nguồn gốc làn điệu hò Mái nhì”,(Tạp chí Dân Tộc học, số 2, 1986).
4. Tôn Thất Bình, Dân ca Bình Trị Thiên, (Huế: Nxb Thuận Hóa, 1997).
5. Tôn Thất Bình, Những đặc trưng của Hò Trị Thiên, (Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb Trẻ, 2006).
6. Thân Trọng Bình, Hò Khoan Sáu Mái, (Huế: Nxb Thuận Hóa, 2006).
7. Lê Văn Chưởng, Đặc khảo Hò Huế, (Huế: Nxb Thuận Hóa, 2005).
8. Lê Quý Đôn, Vân Đài loại ngữ, mục Âm tự, (Sài Gòn, tập II, quyển 4, 1972).
9. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, (Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội, tập I, 1997).
10. Lê Quang Định, Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí (Phan Đăng dịch, chú giải và giới thiệu), (Huế: Nxb Thuận Hóa – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Huế, 2005).
11. Tuấn Giang, Giá trị nghệ thuật của diễn xướng dân gian Việt Nam , (Hà Nội: Nxb Văn hóa thông tin, 2006).
12. Lê Văn Hảo, Vài nét về hò, dân ca miền Trung và miền Nam , (Huế: Tạp chí Đại học, 1968), số 35-36.
13. Nguyễn Minh Hiến , Chữ nhạc dân tộc Việt, (Hà Nội: Nxb Âm nhạc, 2005)
14. Trần Hoàn, Tuyển tập Văn hóa và Âm nhạc, (Trong tổng hợp các Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam năm 2007, Hà Nội: Nxb Văn hóa, 1997).
15. Trần Hoàng, Tìm về Văn hóa - Văn học dân gian một miền quê trung bộ, (Huế: Nxb Thuận Hóa, 2000).
16. Trần Hoàng, Trần Thùy Mai, Ca dao dân ca Bình Trị Thiên, (Huế: Nxb Thuận Hóa, 1988).
Võ Thế Hùng, “Còn đó một điệu hò Như Lệ” (Báo Quảng Trị, 2006).
17. Đào Việt Hưng, Tìm hiểu điệu thức dân ca người Việt Bắc trung bộ, (Hà Nội: Viện Âm nhạc, Nxb Âm nhạc, 1999).
18 Trần Văn Khê, Văn hóa với Âm nhạc dân tộc, (Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb Thanh niên, 2000).
19. Trần Văn Khê, Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam , (Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb Trẻ, 2004).
20. Nguyễn Văn Khoa, Kiến thức Nhạc lý và Hòa âm thực hành, (Huế: Nxb Thuận Hóa, 2006).
21. Thụy Loan, Lược sử Âm nhạc Việt Nam , (Hà Nội: Nxb Âm nhạc, 1993).
22. Phạm Phúc Minh, Tìm hiểu dân ca Việt Nam , (Hà Nội: Nxb Âm nhạc, 1994).
23. Trần Việt Ngữ - Thành Duy, Dân ca Bình Trị Thiên, (Hà Nội: Nxb Văn học, 1967).
24. Tú Ngọc, Tìm hiểu giai điệu dân ca Việt Nam , (Hà Nội: Tạp chí Âm nhạc, 1976).
25. Nguyễn Thi Nhung, Các dạng cấu trúc đoạn trong dân ca Người Việt, (Luận án PTS, 1981).
26.Trần Hữu Pháp (1996), Nhạc cổ truyền Huế, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế, Nxb Thuận Hóa.
27. Vĩnh Phúc, Âm nhạc cổ truyền qua báo chí nửa sau thế kỷ XX, (Huế: Nxb Thuận Hóa, 2001).
28. Minh Phương - Quách Mộng Lân, Vài nét về dân ca Quảng Bình, (Huế, Nxb Thuận Hóa, 1998).
Lê Văn, “Hò Bình Trị Thiên” (Tạp chí âm nhạc, số 4, 1979).
29. Văn Thanh, Tìm hiểu về ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên, (Sở Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên xuất bản, 1989).
30. Nguyễn Hữu Thông, Lê Đình Hùng, “Từ tập hồi ký của một người di dân – nhận diện vùng đất Thuận Hóa đầu thế kỷ XV”, (Nghiên cứu Văn hóa Miền Trung, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, số tháng 3, 2009).
31. Văn Quang, “Hò địch vận và kháng chiến chống Pháp” (Tạp chí Cửa Việt, số 7 tháng 12, 1994).
32. Phan Thiện Quốc, “Hò Quảng Trị”, (Tạp chí Cửa Việt, số 36, tháng 9, 1997).
33. Nguyễn Viên, “Về một bài dân ca mới: Hò Hải Thanh” (Tạp chí Âm nhạc, số 1, 1979).
34. Phan Vĩnh Yên, “Người giữ điệu hò Như Lệ”, (Báo Công an Nhân dân, 2010).
35. Điều tra khảo sát di sản hò Như Lệ (bản tóm tắt nội dung), Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị - Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế (thực hiện), 2012.
36. Hò Như Lệ, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị - Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế (thực hiện), (Hà Nội: Nxb Thông tin truyền thông, 2012).
37. Maricia Herndon, “Diễn xướng hát”, (Trong Ngô Đức Thịnh, Frank Proschan chủ biên, Folklore -Một số thuật ngữ đương đại, Nxb Khoa học xã hội, 2005).
38. Li Tana, Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế – Xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18 (Nguyễn Nghị dịch), (Nxb Trẻ Tp Hồ Chí Minh, 1999).
39. http://thuvienquangtri.gov.vn/baiviet.aspx?id=294&nhom=1
NGUYỄN VẮN KHOA
Học viên Cao học Văn hóa học - Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam
vankhoa3@gmail.com
-----------------------------------------------------
XIN BẤM CHUỘT TRÁI VÀO HÌNH ĐỂ XEM TO VÀ RÕ HƠN (Ghi chú của Admin)
No comments:
Post a Comment