Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, August 31, 2012

NHỚ MÙA THU HÀ NỘI -Thơ: Mai Hoài Thu -Diễn ngâm: Nghệ Sĩ Hồng Vân

 Mai Hoài Thu
  
Anh nhớ chăng Thu về giăng phố cổ,
Hà Nội hanh vàng nắng lụa tơ vương…
Hồ Gươm mờ khói toả phủ hơi sương,
Chuông chùa ngân vang, chiều tan lễ rước...
Có những buổi chiều, chúng mình dạo bước,
Chớm Thu về, trời lành lạnh se se,
Hương cốm đầu mùa thơm lừng đến thế,
Anh nhìn em buông lời nói khẽ:
“Mai mốt xa rồi, nhớ lắm em nghe!”
Quên sao được từng con đường ngập nắng,
Hoa sữa nồng nàn thơm ngát chứa chan,
Hồ Tây buồn hờ hững, lang thang…
Gió Thu êm êm hát lời tình tự,
Góc phố thân quen bụi mờ rêu phủ,
Tiếng dương cầm thánh thót xa đưa,
Anh tiễn em về in dấu chân xưa.
Tháp Rùa nghiêng nghiêng, chiều vương nắng đổ,
Xao xác tiếng gà *, trăng tà nỗi nhớ…
Lá rụng rơi đầy ngập lối Thu qua,
Nếu mai này anh có đi xa...
Chắc anh nhớ mãi trời Thu Hà Nội?
Dù sau này quê hương mình thay đổi,
Anh đừng quên đất Hà Nội Thăng Long,
Vì đây là nguồn cội giống Tiên Rồng...
Đã để lại một thời vang bóng,
Sông Hồng xôn xao hoài… ngàn con sóng…
Hà Nội chập chờn giấc ngủ yêu thương,
Phố cũ xa rồi, hồn vẫn vương vương…

* Ý thơ Xuân Diệu




San Jose, 05/30/08
Mai Hoài Thu
maihoaithu999@yahoo.com
READ MORE - NHỚ MÙA THU HÀ NỘI -Thơ: Mai Hoài Thu -Diễn ngâm: Nghệ Sĩ Hồng Vân

CHÍN CHIỀU - Thơ: Nguyễn Ngọc Hưng - Nhạc: Vĩnh Phúc





Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ ơi! Con đã về rồi
mà sao không thấy, mà sao không thấy
Mẹ ngồi dưới hiên, Mẹ ngồi dưới hiên.

Nhà ngày xưa những chiều nghiêng, những chiều nghiêng
Mẹ ngồi bên hiên trông vời lối ngõ
Mẹ ngồi bên hiên trông vời lối ngõ
Mẹ hiền đợi con…

Sau vườn rụng tím hoa xoan
Ngoài sân cỏ dại, Ngoài sân cỏ dại
Ngỗn ngang lau dày, lau dày ngỗn ngang.

Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ ơi! Con về thăm Mẹ chiều nay
Mắt không dính ớt mà cay quá chừng
Mắt không dính ớt mà cay quá chừng.

Như con chim non xa rừng
Như con nai lạc như vừng trăng côi.
Con tìm Mẹ, Mẹ xa trôi
Như mây như gió qua đồi ngẫn ngơ.
Con tìm Mẹ, Mẹ xa trôi
Như mây như gió qua đồi ngẫn.. ngơ…

Ngôi nhà thơm tuổi ấu thơ
Ngày xưa, ngày xưa
Ngày xưa, ngày xưa
Ngày xưa xanh nắng bây giờ xanh rêu.

Ruột đau đau cả chín chiều
đau cả chín chiều, chín chiều, chín chiều
Chín chiều ruột đau
Ruột đau đau cả chín chiều
đau cả chín chiều, chín chiều, chín chiều
Mẹ….ơi!..........


Nguyễn Ngọc Hưng
Thị trấn Chợ Chùa, Nghĩa Hành, Quãng Ngãi
Email: nguyenngochung204@yahoo.com
ĐT: +84 55 3861312
READ MORE - CHÍN CHIỀU - Thơ: Nguyễn Ngọc Hưng - Nhạc: Vĩnh Phúc

Thursday, August 30, 2012

MẸ VÀ CON - Sông Thu


Con là hạt nước nhỏ nhoi
Giọt sương mỏng mảnh trên chồi lá non
Mẹ là dòng suối trên nguồn
Thác cao, sông rộng, đại dương nghìn trùng
Con là sợi khói trên không
Mẹ là mây trắng bềnh bồng giữa trưa
Chuyển màu, trời đổ cơn mưa
Cho lúa chắc hạt, cho mùa bội thu
Con là nụ hé khoe màu
Mẹ là quả chín ngọt ngào tỏa hương
Con là hạt sỏi bên đường
Mẹ là phiến đá dừng chân lữ hành
Con là chồi nhỏ vừa lên
Mẹ là cổ thụ bóng in giữa trời
Con là vệt đất mới bồi
Mẹ là rừng đước ngàn đời xanh tươi
Con là cây nhỏ, lẻ loi
Mẹ là rừng rậm, núi đồi bao la
Con là một hạt phù sa
Mẹ là ruộng lúa, vạt cà, nương khoai
Con là mỗi một con người
Mẹ là tổ quốc, đất trời, quê hương.


                Sông Thu
songthu195@yahoo.com.vn
READ MORE - MẸ VÀ CON - Sông Thu

GIAI ĐIỆU MÙA THU - Thế Lộc

Tác giả Thế Lộc
 

    Rồi thể nào mùa Thu cũng về trên cành lá vàng hoe run rẩy và thể nào rồi em cũng về trong cơn mộng mị của anh cùng cung trầm của thi ca diễm tuyệt. Ở đó em mỉm cười tươi tắn cùng hơi thở dập dồn trên lồng ngực nhiễm hương sắc thời gian, anh biết, khi mùa xuân về và mùa Thu tới, em ươm thơ cho tình dậy men mùa. Phải chăng, một hình bóng, một dư hương, một mái tóc bồng bềnh ở cuối chân trời cùng sắc hồng của đất trời giao hoan gợi trong em một nỗi buồn nhè nhẹ và lúc ấy anh thấp thoáng trong thơ.

   Hãy nâng nhẹ chiếc lá vừa rời cành trên lòng bàn tay xòe rộng để thấy không gian bao la và cuôc đời hữu hạn và cảm nhận tuổi thơ ta bên quỹ thời gian gần cạn kiệt. Anh vốn sống hồn nhiên, vô tư và hát khúc tình ca theo nhịp đập con tim, như con Vành Khuyên đậu trên giò lan buổi sáng hót những khúc tình ca làm bàng hoàng nhân thế. Để dòng chảy thời gian cứ âm thầm bồng bềnh chở tình người qua đi năm tháng với bao khát khao ấp ủ trong lòng.

   Và điểm hẹn tột cùng của tri thức về cuộc sống về tình yêu nghe chừng như bàng bạc trên vùng vô hình diễm tuyệt của mùa Thu. Ở đó, thời gian và tinh yêu bổng hóa thành tiếng hót của loài chim Họa Mi trong khu vườn thơ ca đầy hoa thơm cỏ lạ và anh mơ về em, Mùa Thu.

Thế Lộc
Đà Nẵng
theloc108@yahoo.com.vn
READ MORE - GIAI ĐIỆU MÙA THU - Thế Lộc

BÀI THƠ DÂNG MẸ - Trần Ngộ


Trần Ngộ tên thật là Dương Công Nghệ,
sinh năm 1958 tại xã Hải Tân, huyện Hải lăng
Chỗ ở hiện tại: Tp. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng
Email: phianho2000@yahoo.com.vn




Bao năm rồi con sống kiếp tha phương
Mùa báo hiếu con chưa về thăm mẹ
Công dưỡng dục mênh mông như trời bể
Nghĩa sinh thành vời vợi tựa non cao
Đêm Vu Lan con nhớ mẹ dạt dào
Âm thầm sống giữa đêm trường giá lạnh
Mẹ yêu ơi ! những tháng ngày hiu quạnh
Lúc trở trời mẹ biết cậy nhờ ai
Trong giấc mơ qua những canh thâu dài
Mộng thấy mẹ hồn con buồn tê tái
Con lớn lên trong vòng tay ân ái
Bên mẹ hiền dòng sữa ngọt ngào thơm
Bên mẹ hiền từng hạt muối bát cơm
Mẹ đã cho con những ngày khôn lớn
Tròn thủy chung lo tảo tần khuya sớm
Phiên chợ nghèo ngày hai buổi bán buôn
Mưa tháng mười gió bấc thổi đầu non
Thương đời mẹ lệ con trào lả chả
Nghĩa cưu mang nay còn chưa báo trả
Đức sâu dày sao lại nỡ đành quên
Lời thơ bay giữa đêm sáng triền miên
Về thưa mẹ cúi đầu xin tạ tội.



Nhân ngày lễ Vu Lan báo hiếu
Trần Ngộ kính dâng
READ MORE - BÀI THƠ DÂNG MẸ - Trần Ngộ

THƯƠNG TIẾC MẸ CHA - Nguyễn Hồng Trân

                     
Tác giả Nguyễn Hồng Trân, cựu giảng viên Đại Học Huế
           

Kính dâng lên hương hồn mẹ cha của con là Nguyễn Bá Chương & Phan Thị Cúc trong dịp Vu-Lan năm Nhâm Thìn 2012


Đinh Hợi* cha về với Tổ tiên
Mẹ buồn tủi phận dạ ưu phiền
Tiếc cha sự nghiệp còn dang dở
Thương mẹ cuộc đời quá bấp bênh
Ba đứa con côi đau thỉnh thoảng
Một mình mẹ góa bệnh thường xuyên
Bà con nội ngoại đều thông cảm
Giúp đỡ nhiệt tình mãi chẳng quên.

*****
*Đinh Hợi : 1947

Nguyễn Hồng Trân
nghongtran38@gmail.com
READ MORE - THƯƠNG TIẾC MẸ CHA - Nguyễn Hồng Trân

Tuesday, August 28, 2012

Sông Thu - BUỔI SÁNG TRONG VƯỜN


Mở đôi cánh nõn
Bỡ ngỡ chào đời
Chồi non em ơi
Kìa tia nắng sớm
Giọt sương thắm đượm
Lóng lánh thủy tinh
Đôi mắt của em
Nhìn đời trong vắt
Dập dìu tiếng hát
Đàn ong vo ve
Điệu múa xập xòe
Những đôi cánh bướm
Nhởn nhơ bay lượn
Đùa giỡn dưới hồ
Đàn cá nô đùa
Giữa làn nước mát
Đâu đây tiếng nhạc
Chú ve chào đời
Đôi cánh biết cười
Ngất ngây hạnh phúc
Nụ hoa thức giấc
Dụi mắt nhìn xem
Vừa mới qua đêm
Đã thành thiếu nữ
Cánh hồng rực rỡ
Nhị vàng thắm tươi
Bướm đến đây rồi
Cùng vui hạnh phúc
Lả lơi ngọn trúc
Trêu ghẹo đôi chim
Mải mê trốn tìm
Chíu cha chíu chít
Đầu cành lộc biếc
Xòe cả đôi tay
Bắt giọt nắng mai
Tung tăng nhảy múa
Nàng mây trải lụa
Vắt vẻo ngang trời
Yểu điệu lả lơi
Ghẹo trêu chàng gió
Ông mặt trời đỏ
Trợn mắt, bặm môi
Cố nén nụ cười
Tinh ranh,lém lỉnh
Đủng đà đủng đỉnh
Từ từ nhô cao
Ánh nắng hồng đào
Sáng bừng vạn vật.

                                Sông Thu

                songthu195@yahoo.com.vn



READ MORE - Sông Thu - BUỔI SÁNG TRONG VƯỜN

Monday, August 27, 2012

CHÉN RƯỢU ĐỜI - Thơ: Mai Hoài Thu - Diễn ngâm: Nghệ Sĩ Hoàng Đức Tâm



Rượu đắng, hồn đau, một khối sầu,
Đêm nay ta chẳng biết về đâu?
Nhân tình thế thái thay màu áo,
Tình bạc, nghĩa tàn, hết nhớ nhau!

Hãy chuốc thêm đi ! Rượu cạn rồi,
Uống quên ngày tháng, mộng sầu rơi,
Đêm khuya, trăng sáng, ngập hồn vắng,
Dĩ vãng buồn đau thấm mặn môi...

Ta muốn uống nhiều đến thật say,
Cho mây chếnh choáng, gió ngừng lay,
Cho sao rơi rụng, trăng mờ lối,
Chén rượu ân tình, tay trắng tay...

Uống nữa cho vơi những mù lòa,
Cho phai kỷ niệm cuộc tình ta,
Cho hoa quên bướm, tình thôi sóng,
Cho nhạt muộn phiền, lệ xót xa...

Hãy uống cùng ta chén rượu nồng,
Chén tình, chén nghĩa, phủ rêu phong,
Trăm năm trong cõi phù sinh ấy,
Đo được làm sao một tấc lòng?

San Jose, tháng 02/16/2012
Mai Hoài Thu
maihoaithu999@yahoo.com

NGHE NGÂM THƠ:


Mời bà con đồng hương Quảng Trị ghé thăm Trang Thơ Nhạc của Mai Hoài Thu:
http://my.opera.com/maihoaithu/blog/

READ MORE - CHÉN RƯỢU ĐỜI - Thơ: Mai Hoài Thu - Diễn ngâm: Nghệ Sĩ Hoàng Đức Tâm

Sunday, August 26, 2012

ROBERT FROST: DỪNG CHÂN TUYẾT XUỐNG RỪNG CHIỀU - Nguyễn Đức Tùng

 Bài thứ bảy trong loạt bài “Thơ Cần Thiết Cho Ai”


Robert Frost  (1874-1963)- Ảnh từ Wikipedia


Dừng Chân Tuyết Xuống Rừng Chiều

Cánh rừng này tôi nghĩ mình biết của ai
Nhà anh trong xóm nhỏ xa xôi
Anh không hề thấy tôi dừng lại
Ngắm cảnh rừng chiều tuyết trắng bay.

Con ngựa nhỏ chắc nghĩ tôi kỳ quặc
Dừng nơi đây không một mái nhà
Giữa cánh rừng và mặt hồ băng giá
Buổi chiều mờ tối nhất trong năm.

Con ngựa khẽ lắc mình rung chuông
Hỏi ông chủ có nhầm không chứ
Tiếng động khác là lời của gió
Bay dịu dàng, tuyết nõn như bông.

Cảnh rừng đẹp tuyệt, tối và sâu
Nhưng tôi còn đây lời ước hẹn ban đầu
Và những dặm đường trước khi đi ngủ
Những dặm đường dài trước giấc ngủ sâu.

 

Stopping by Woods on a Snowy Evening

Whose woods these are I think I know.
His house is in the village though;
He will not see me stopping here
To watch his woods fill up with snow.

My little horse must think it queer
To stop without a farmhouse near
Between the woods and frozen lake
The darkest evening of the year.

He gives his harness bells a shake
To ask if there is some mistake.
The only other sound’s the sweep
Of easy wind and downy flake.

The woods are lovely, dark and deep,
But I have promises to keep,
And miles to go before I sleep,
And miles to go before I sleep.


Mỗi khi đọc bài thơ của Robert Frost, tôi đều hình dung những ngày vào rừng tập chơi ski lúc mới đến Canada. Rừng liễu, đồi bạch dương, tuyết bay mờ ảo ngùn ngụt đất trời. Đối với người từ nhiệt đới đến xứ lạnh, ngày đầu gặp tuyết là may mắn. Lúc tâm hồn và thân xác bạn mặc nhiên mở rộng để thiên nhiên ùa vào. Người sống lâu nơi ấm áp sợ cái lạnh mùa đông, nhưng càng lại gần, càng yêu mến nó. Với ít chi tiết mô tả, không gian bài thơ vẫn phủ đầy cảnh rừng tuyết xuống, và trong nỗi cô độc, bạn nghe ra tiếng động của tịch mịch. Frost được xem là người dùng ngôn ngữ giản dị, mặc dù vậy thơ ông có thể đi rất xa, xuyên thấu những bức tường bí ẩn của đời sống, phát hiện tình yêu sâu thẳm của chúng ta trước cảnh vật, mùa màng.


Thơ giúp một người sống đến cùng các giới hạn của cuộc đời. Di chuyển giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thành công và thất bại, anh ta bắt đầu nhận ra những mơ ước của mình chỉ là ký ức đến từ tương lai. Sinh 1874, mất 1963, sáng chói cùng những tên tuổi khác trong buổi bình minh của nền thơ Hoa Kỳ, Frost sống tám mươi chín năm, vắt qua hai thế kỷ. Được gọi là nhà thơ của nhân dân. Tuy vậy thơ ông chứa đầy bí mật cá nhân, hầu hết không phải là thơ đọc trên quảng trường. Khi còn sống, Frost nhận nhiều giải thưởng, lời ca tụng, khi mất, được quốc gia thương tiếc, nhưng sự nghiệp thơ ca của ông lại bắt đầu từ nước Anh, nơi sau này ông cũng gọi là đất mẹ. Cùng với vợ và bốn đứa con, chàng thanh niên ba mươi tám tuổi chưa có sự nghiệp quyết định đến Anh, và ở lại gần ba năm trời. Trước đó, anh làm việc quần quật như một người nông dân, một thầy giáo, một kẻ giúp việc, làm những thứ lao động nặng nề để nuôi vợ con. Nhờ một khoảng tiền thừa kế nhỏ bất ngờ, anh đưa được gia đình đến Anh, ở đó anh đã gặp W. Yeats lừng lẫy, Ezra Pound lớn lao, Robert Graves nồng nàn, và nhiều người khác nữa, những người hết sức giúp đỡ chàng thi sĩ trẻ tuổi. Một năm sau, 1913, tập thơ đầu tiên xuất bản. Rồi năm 1914, tập thứ hai, tập hợp các bài thơ tự sự, có tên Phía bắc Boston, đã làm anh nổi tiếng. Lúc đó Frost bốn mươi tuổi. Suốt đời, dành mọi sức lực, thời gian, tâm huyết cho thơ ca. Tuy vậy, lao động nặng nhọc khó khăn của nhà thơ hoàn toàn biến mất trên trang giấy, giữa những dòng chữ đẹp lung linh giản dị. Người đọc khó lòng tìm thấy ở đó mồ hôi, sự đen tối, thậm chí những bi kịch sâu xa của ông. Thế nhưng mỗi bài thơ là một câu trả lời đối với các tra vấn của đời sống.


Tôi chưa học được cách nào để thả buông tay
Chưa biết làm gì để trái tim nhẹ bay

I had not learned to let go with the hands,
As still I have not learned to with the heart


Bài thơ Dừng chân tuyết xuống rừng chiều dễ hiểu sáng sủa, nhưng trong nhiều năm tôi đọc lại nhiều lần, có lẽ vì cái trôi chảy và vẻ ngập ngừng của nó. Đọc Frost, bạn nên đọc lớn lên thành lời như ông từng khuyên; dừng lại ở cuối câu thơ, dừng ngắn hơn ở dấu phẩy, dài hơn ở dấu chấm.

Đọc như thế nhiều lần, bạn nghiệm ra rằng thơ trước hết là, nhưng không chỉ là, những chữ. Ngôn ngữ không phải là phương tiện nhưng cũng không là cứu cánh. Nếu cần chọn một nhà thơ dễ hiểu mà vẫn khó hiểu, giản dị mà phức tạp, tôi sẽ chọn Frost. Nhạc điệu, sự lập đi lập lại của một số chữ và vần làm cho bài thơ có một nhịp tiến (tempo) thong thả, nhẹ nhõm mà rất trầm tư.

Một không gian trầm tư.

Bạn chú ý đến chữ dùng, ngay nhan đề cũng được chọn kỹ.

Stopping by woods on a snowy evening, khó có cách nào ngắn và đầy đủ hơn.

Cánh rừng này tôi nghĩ mình biết của ai
Whose woods these are I think I know.

Chúng ta dừng lại trước nhóm chữ I think I know và thử nghĩ ngợi về nó. Tôi nghĩ chúng ta ngày nay vẫn có thể học được cách nói của tác giả, học sự thận trọng tinh tế, cái khiêm tốn sang cả trong cách tiếp cận sự vật của một nhà thơ từ ngôn ngữ khác.

Frost là người theo phong cách cổ điển, ông dùng vần nhưng không cưỡng ép. Để mô tả cảnh rừng đẹp ông chỉ dùng mấy chữ: lovely (đáng yêu, đẹp tuyệt), dark (tối, tối đen), deep (sâu, sâu thẳm).

Chúng ta đọc lại:

The woods are lovely, dark and deep
Cảnh rừng đẹp tuyệt, tối và sâu

Tôi cố gắng dịch sát vì chỉ cần đổi vị trí các chữ là câu thơ thay đổi. Câu được viết ở dạng văn phạm sơ đẳng, gần lối hành văn “học trò”. Các chữ cũng thông dụng, thoạt trông không tài hoa, bay bướm như cách dùng chữ của các tác giả Mỹ đương đại. Tôi chú ý đến chữ and (và), vốn là một loại chữ rất ít được dùng trong thơ, nhất là trong vị trí giữa câu (còn chữ này nằm ở đầu câu thì lại được dùng nhiều trong thơ phương Tây, với một hàm ý khác). Chúng ta cũng chú ý đến cách luyến chữ, hai chữ l trong lovely, hai chữ d trong dark, deep. Ngay sau đó tác giả dùng một loại vần rất mạnh, ngắn: but I have promises to keep (nhưng tôi có những lời hứa cần phải giữ), gây cảm giác như nhát cắt, lời hứa đinh ninh, hay như lời hẹn từng đơn sai, huyền ảo, thiêng liêng.

Hay như mối tình đầu.

Thơ Frost biểu lộ khuynh hướng tự ý thức của chủ thể. Chủ thể là người phát ngôn (speaker), thường là nhà thơ, mặc dù không phải bao giờ cũng vậy. Dù ông viết về cây cối, thời tiết hay muông thú, bao giờ người đọc cũng nhìn ra nhân vật. Con người hòa nhập vào thiên nhiên nhưng không biến mất trong đó như các nhà thơ Haiku. Dưới ảnh hưởng của khuynh hướng tự ý thức, giọng điệu của bài thơ là giọng phân vân, lưỡng lự. Mặt khác, sự hoài nghi, tiến thoái lưỡng nan, là thái độ của người trí thức mọi thời đại. Về bản chất, người trí thức chân chính không phải là người trung thành với một lý tưởng. Không một lý tưởng nào, một lập trường nào, lại không thường xuyên bị khuynh hướng tự ý thức này thách thức mỗi ngày, ở mỗi sự kiện, trước mỗi khúc quanh của lịch sử cá nhân và dân tộc.

Nhưng Frost phân vân về điều gì?

Muốn dừng lại lâu ngắm cảnh đẹp nhưng cũng muốn đi tiếp, thực hiện xong bổn phận. Dừng giữa rừng không bóng người sẽ làm người bình thường khác ngạc nhiên. Con ngựa nhỏ là biểu tượng của cuộc đời bình thường. Không một người đọc của thơ nào mà không có lúc hiện ra như những kẻ kỳ quặc trong đời. Xung đột thứ hai là giữa ý tưởng muốn nghỉ ngơi, tìm một mái nhà ấm áp (nhà bạn tôi ở cuối thôn xa), và con đường dằng dặc phía trước.

Bài thơ cũng chạm đến xung đột thứ ba. Giữa niềm vui cuộc sống và sự vô nghĩa của cuộc đời. Câu thơ cuối:

And miles to go before I sleep
Những dặm đường trước khi đi ngủ

Đọc câu đầu tiên, chúng ta nhận ra khuynh hướng nghỉ ngơi và hoàn tất nhiệm vụ của mình. Nhưng đọc lại lần thứ hai, và đọc câu thứ hai, chúng ta nhận ra thêm đi ngủ không phải chỉ là giấc ngủ qua một đêm.

And miles to go before I sleep

Mà có thể là giấc ngủ suốt đời. Nỗi lòng thầm kín, niềm ước ao lặng lẽ được rơi vào hư vô như đứa con đi hoang trở về nhà xưa, đứa trẻ rơi vào lòng mẹ. Sự an nghỉ tuyệt đối, vĩnh hằng.

Mặt khác, thơ Frost cũng đầy niềm vui và sự hài hước. Niềm vui của thơ ca nằm ở đâu? Ở hệ tọa độ của các cảm giác dương tính, khỏe khoắn như: yêu thương, hòa hợp, lòng chung thủy, khen ngợi, lòng tin. Ngược lại, những người nào tin vào các khuynh hướng ngược lại, đi lạc trong các lối mòn của thù hận, tranh đoạt, của các thay đổi có tính chất thực dụng, chia rẽ, mãi mãi sẽ không tìm được niềm vui; chỉ có nước mắt và máu ở cuối đường chờ họ. Nếu bạn không tin điều ấy, hãy quan sát một đứa trẻ. Niềm vui chiếm hữu nó, tràn ngập tâm hồn nó, lộ ra trong cử chỉ, lời nói, ánh mắt. Vì niềm vui là bản tính tự nhiên của con người. Và một trong những nguồn gốc lớn của niềm vui là cái đẹp.

To watch his woods fill up with snow.
Ngắm cảnh rừng chiều tuyết trắng bay

Đó là cái đẹp thanh khiết, hùng vĩ, nhưng hoang dại: tối và sâu, phủ đầy, fill. Như chính tâm hồn của người đứng đó, tâm cảnh huyền bí. Nhà thơ nhắc hai lần câu thơ về lời hứa và giấc ngủ, không chỉ là điệp khúc về mặt âm nhạc, mà còn là sự nhắc lại lời hứa, nguyện vọng, ý chí, sự ám ảnh, nhắc lại xung đột trong cuộc đấu tranh miên viễn của con người trước thế giới. Frost làm chủ nghệ thuật hình ảnh. Cánh rừng, tuyết trắng, khung cảnh buổi chiều, người bạn không có mặt là những chi tiết dễ nhận ra. Nhưng:

Con ngựa nhỏ chắc nghĩ tôi kỳ quặc

Là biểu tượng của cuộc đời. Một con ngựa khi đứng nghỉ chờ chủ bao giờ cũng làm động tác lắc người, lắc chuông. Nhưng đưa hành động đó vào bài thơ, Frost muốn nói điều gì? Nhà thơ không phải là con ngựa nên tất nhiên không thể biết nó nghĩ gì. Vì vậy ông chỉ có thể dùng chữ must trong tiếng Anh. Hai lần hoài nghi.

He gives his harness bells a shake
To ask if there is some mistake.


Hiện nay, thơ có vần ngày càng ít được sử dụng, nhưng đọc Frost, chúng ta hiểu rằng bất cứ hình thức nào cũng có thể mang lại hiệu quả thẩm mỹ. Rất giàu âm nhạc, nếu bạn đọc kỹ. Chỉ trong hai câu thơ, ngoài hai vần cuối câu shake/mistake, rất nhiều âm s (gives, his, harness, bells, shake, ask, is, some, misake), gần như mỗi chữ là một âm, nghe như tiếng rì rào của lá bên đường, tuyết trong không gian mù tối.

Frost cũng không dùng nhiều từ vựng. Mục đích của ông là chính xác, với cách mô tả giản lược, tiêu biểu. Ngôn ngữ là hình thức giao tiếp, tương thông (communication), nhưng lời nói không có nghĩa tuyệt đối, mà là bản thỏa hiệp từ hai phía, người nói và người nghe, người viết và người đọc. Lời thơ càng chính xác thì càng mô tả được cảm xúc, ý tưởng của người viết. Càng nhiều khả năng mô tả, ngôn ngữ càng có sức phơi bày tính hoài nghi, hiển lộ tính song đôi của lịch sử, phân rã trong thời gian của chân lý.

Thơ trữ tình, giàu âm nhạc, khó dịch qua một ngôn ngữ khác. Thế nhưng những bản dịch thơ đôi khi vẫn truyền đi được tài năng của một nhà thơ, là nhờ ở điều gì? Trong nguyên tác tiếng Anh, bài thơ có nhiều âm th, v, l. Khi phát âm chúng vang lên như những tiếng thầm khe khẽ. Tôi vừa nói rằng bài thơ tuy viết về thiên nhiên nhưng không ngụ ý tả cảnh. Mặt khác trong bài thơ gồm bốn đoạn, mười sáu câu, đã có đến sáu câu nói về những chuyện liên quan đến một nhân vật đặc biệt, con ngựa nhỏ. Chúng ta tham dự vào câu chuyện trong bức tranh, lắng nghe cuộc trò chuyện im lặng diễn ra giữa chủ và con ngựa, câu hỏi của nó, sự thắc mắc, lời độc thoại. Câu mở đầu của khổ thơ thứ hai là hành vi duy nhất trong tĩnh lặng:

Con ngựa khẽ lắc mình rung chuông
He gives his harness bells a shake

Như một câu hỏi khẽ vang lên. Nhưng câu trả lời không đến trực tiếp. Nhà thơ quay lại với ấn tượng ban đầu khi vừa đến giữa rừng:

Cảnh rừng đẹp tuyệt, tối và sâu
The woods are lovely, dark and deep,

Các chữ dark deep đều là các chữ không luyến, gây cảm giác cắt đứt. Nhờ điều này, chúng có thể chuyển ta qua một tâm cảnh mới, ở đó lời hứa hôm qua, ngày xưa cũ, lại trở về, biến thành trung tâm của sự chú ý. Hay có khi không phải một lời hứa nào, mà chỉ là con đường bạn đã chọn và sẽ đi đến cùng, con đường ấy làm chúng ta trở nên khác biệt với đồng loại.

Chữ sleep (ngủ, giấc ngủ, đi ngủ) ám ảnh tôi nhiều. Đó cũng là một chữ có lối phát âm ngắn. Tại sao tác giả chọn chữ này để kết thúc một bài thơ có nhiều âm thì thào mơ màng. Có một điều gì gần như tâm sự sâu hút, bờ vực, giữa sáng và tối, ngày và đêm, giữa nhiệt huyết nồng nàn và lặng yên tĩnh mịch. Giữa sự sống và cái chết.

Một bài thơ có nhiều cách đọc khác nhau. Mỗi cách đọc và mỗi lần đọc đem lại một ý nghĩa khác, ở những tâm trạng khác. Sở dĩ như thế là vì ngôn ngữ vốn chứa đựng nhiều hơn một khả năng diễn dịch. Điều cần chú ý là không phải sự diễn dịch nào cũng thích hợp, không phải số lần diễn dịch là vô tận, hay nói dễ hiểu hơn, không phải cách đọc nào cũng đúng.

Khi nào cô cũng phải thắp đèn lên
Bên chiếc giường trên gác xép đêm đêm

She always has to burn a light
Beside her attic bed at night


Ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ phát hiện chứ không phải là ngôn ngữ biểu hiện.

Thắp đèn lên làm gì? Vì sợ hãi, hay cô nhớ một người xa xăm? Mỗi khi tôi lặng lẽ hỏi lại câu hỏi này, thì hình ảnh ngọn đèn trên căn gác kia liền sáng lên một lúc trong đêm khuya tâm tưởng của mình.
Trong hai năm sống ở nước Anh (1914-1916), Frost đã viết một số trong những bài thơ hay nhất của ông như Con Đường Không Chọn (The Road Not Taken), Cây Bạch Dương (Birches), Nỗi Sợ Hãi (The Fear), Cánh Đồng (The Pasture), trong các tập North Of Boston, Mountain Interval. Ông là người yêu gia đình, yêu đất nước, nơi chốn từ đó ông đã sinh ra, nhưng cuộc đời riêng lại đầy những nỗi buồn, đau đớn, mất mát. Ví dụ, chỉ một trong số sáu người con của ông là sống cuộc đời khỏe mạnh bình thường. Tuy vậy, ông được biết là một người cha nhân hậu, thương con. Trong thời gian Frost và gia đình ở trong một nông trại ở Derry, New Hampshire, ông thường vui đùa cùng các con (Lesley, Carol, Irma, Marjorie), kể cho chúng nghe những câu chuyện cổ tích mà ông nghe kể lại hoặc là tưởng tượng ra, về sau chúng được ông viết lại thành một tuyển tập. Khi được tổng thống J. F. Kennedy mời đọc thơ trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống ngày 20 tháng giêng năm 1961, Frost đã tám mươi bảy tuổi. Mới đầu ông dự định đọc bài thơ Dedication in sẵn trên giấy, nhưng khi đứng trên bục, do ngược nguồn nắng chói, mắt ông bị nhòa đi, sau đó mù hẳn, Frost đã đọc bài thơ The Gift Outright mà ông thuộc hơn. Bài thơ nói về đất nước Hoa kỳ. Công việc, thơ ca, sự nổi tiếng, lòng yêu mến của công chúng không bao giờ ngưng cạn, như Dana Gioia nhận xét, trở thành nơi trú ẩn của nhà thơ. Cho đến cuối đời, ông vẫn không ngừng làm việc:

Cái thang của tôi vẫn còn xuyên qua ngọn cây
Hướng về bầu trời
Có một thùng phuy tôi chưa đổ đầy
Và nữa, có hai hoặc ba
Trái táo tôi không kịp hái trên cây

My long two-pointed ladder’s sticking through a tree
Toward heaven still,
And there’s a barrel that I didn’t fill
Beside it, and there may be two or three
Apples I didn’t pick upon some bough.


Như thể cái thang vẫn còn rung động.

Frost viết về nhiều đề tài, thành công ở cả hai thể tự sự và trữ tình. Trong bài thơ Dừng Chân Tuyết Xuống Rừng Chiều, hai nghệ thuật ấy đều được thể hiện. Đặc điểm của thơ ông là sự quan sát tinh tế, lối mô tả đầy kịch tính:

Hắn nhìn thấy cô ngay từ dưới cầu thang
Trước khi cô nhìn thấy hắn. Bắt đầu đi xuống
Cô lại quay ra sau, mơ hồ sợ hãi
Rồi bước xuống ngập ngừng, bỗng lại bước lui

He saw her from the bottom of the stairs
Before she saw him. She was staring down,
Looking back over her shoulder at some fear.
She took a doubtful step and then undid it


Thơ ca còn là sự giao tiếp xã hội, nhưng Frost là người có quan điểm độc lập.Ví dụ trong khi tình bạn giữa ông và Eliot (1888-1965) để lại dấn ấn sâu xa trong nền văn học Mỹ thì Frost cũng nói: tôi rất thích đọc thơ Eliot vì thực là thú vị khi nhìn anh ấy sáng tạo, nhưng tôi lại hài lòng khi thấy cách của anh chẳng phải cách của tôi. Không viết nhiều thơ chính trị, Frost vẫn có thái độ rõ ràng về các vấn đề thời sự. Theo ông, phong cách của một nhà thơ, chứ không phải đề tài, chính là bằng chứng về việc anh ta phản ứng trước các vấn đề xã hội hay triết học như thế nào. Hãy nghe một bài thơ phong cảnh của ông với giọng điệu khác thường.

Bạn chọn cái hồ. Tôi nhìn xuống nó.
Tôi thấy nó đẹp, làn nước trong xanh.
Tôi đứng hồi lâu, lớn tiếng lập lại mình

You take the lake. I look at it.
I see it’s a fair, pretty sheet of water.
I stand and make myself repeat out loud


Thơ là một hình thái của sự tập trung chú ý. Nghệ thuật chú ý là nghệ thuật sống, là một hình thức của lòng tử tế. Ngược lại, sự không chú ý, tức là sự lãnh đạm, là biểu hiện của trạng thái tinh thần không lành mạnh, thậm chí bệnh hoạn, của một cá nhân hay của một cộng đồng, dân tộc. Sự không chú ý ở mức cực đoan trở thành sự ngược đãi. Cùng với nó, khái niệm phục vụ cũng thường được hiểu sai, đôi khi bị nâng lên thành một chuyện to tát hơn như lòng yêu nước, sự hy sinh ngoài chiến trường, các sự tích anh hùng. Thật ra tinh thần phục vụ giản dị hơn thế, đó là sự mở một cánh cửa cho người lạ, nhường một người sắp hàng sau có việc bận đi lên trước, khom người xuống đặt đồng tiền vào tay kẻ ăn xin lúc bạn đang vội vội vàng vàng. Là không dành phần hơn về phía mình, chia sẻ hạnh phúc được tồn tại trong cuộc đời này một cách an tĩnh với người khác. Sự tử tế nhỏ bé, hàng ngày, của mỗi người có thể không làm nên các cuộc cách mạng, các ngọn lửa bùng cháy trong một đêm của lịch sử. Nhưng nhân loại không cần đến các cuộc thay đổi qua một đêm. Nhân loại cần thay đổi trong từng giây từng phút, ngày này tháng nọ, từng người một, từng tế bào, ngọn cây lá cỏ. Đó là sự thay đổi đẹp đẽ, trọn vẹn, không phải là ngọn lửa tiêu hủy của các cuộc chiến tranh và cách mạng bạo lực vốn được kêu gào khắp nơi trong suốt một thế kỷ vừa qua. Tuyệt đối tin tưởng vào một điều gì, đi một mạch con đường từ đầu đến cuối đời, không ngoảnh lại: đó là bản chất của sự phản trí thức. Khái niệm tương ứng trong văn học của sự hoài nghi chính là cái mờ ảo. Những câu thơ đẹp là một tập hợp các hình ảnh so le, chồng lên nhau. Cũng như:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
(Chinh Phụ Ngâm)

Các chữ thuần Việt, chỉ một chữ cũ (những), một chữ văn chương (ngàn), mà vẫn trang nhã và nhòe, một phần nhờ sự lập lại, láy lại, xuyên tới xuyên lui. Có cảm giác các hình ảnh ấy có thể sắp xếp lại nhưng thật ra bạn không làm được. Vì sao? Vì đó là một hiện thực khác. Tại sao sự phân vân là cốt lõi của thơ và gần với cái đẹp? Vì bản chất của con người là hoài nghi, xem xét lại, nói cho cùng là tìm cách chống lại các huyền thoại.

Chống lại thói nô lệ tinh thần, sự phân liệt, đầy rẫy trong cuộc đời.
Bằng cách nào? Bằng thái độ hài hước của một người trầm tĩnh:

Tôi không bao giờ dám nổi loạn khi còn trẻ
Vì sợ lúc già nó làm tôi trở nên bảo thủ

I never dared to be radical when young
For fear it would make me conservative when old.


Đối thoại trong cô độc là đối thoại phổ biến, được chia sẻ nhiều nhất. Các diễn văn bị quên đi mau chóng, nhưng các bài hát tình yêu, một câu ca dao trữ tình trở lại với một người. Độc thoại của một bài thơ cũng là đối thoại, vì nhà thơ biết rằng có một người đang lắng nghe mình. Không phải chỉ có thế giới đang nghe, mà chính là một phần của anh, phần lắng nghe ấy trong phân tâm học gọi là siêu ngã. Những nhà thơ tài năng sử dụng năng lực của siêu ngã trong quá trình sáng tạo, có thể hoàn toàn không tự biết. Đó là sự điều chỉnh ngoài ý thức đối với các chữ, có tác dụng lập tức. Mặc dù nhận xét rằng sự chọn chữ trong bài thơ của Frost cẩn thận và chính xác, cũng như trong các bài thơ hay của bất kì một ai khác, tôi không có ý cho rằng ông đã tính toán như một cái máy, hay nhất thiết phải ngồi viết đi viết lại bài thơ trăm lần. Sự lựa chọn đôi khi xảy ra chớp mắt, dưới tương tác của cảm hứng tức thì và soi xét siêu ngã. Vì vậy những nhà thơ khi viết quá để ý đến sự hài lòng của người đọc, rơi vào hai trường hợp: những kẻ có tài, tạo ra vài tác phẩm được yêu mến một thời nhưng không phải là tác phẩm lớn. Trường hợp khác thì ngược lại, họ không tạo ra điều gì cả. Trong quá trình sáng tạo, chỉ nên lắng nghe chính mình, tức là cái phần kiểm tra siêu ngã của chính mình.

Đến từ thiên nhiên.

Thiên nhiên tạo thành ba loại khung cảnh trong văn học: văn minh; thiên nhiên thuần hóa; và thiên nhiên hoang dã. Hay có thể gọi là: phố thị; thôn quê; và rừng núi. Một nhà thơ chọn cho mình một khung cảnh riêng biệt, đặc thù, bao giờ cũng từ tiểu sử xuất thân và khuynh hướng tâm linh. Thơ Frost đi xuyên qua các khung cảnh khác nhau không phải chỉ bằng các chuyển động không gian mà còn trong thời gian. Nhiệm vụ quan trọng nhất của các nhà thơ về thiên nhiên không phải là mô tả chúng mà là xác nhận rằng có một thế giới, một vũ trụ thực hữu bên ngoài tâm trí chúng ta. Mà chúng ta cần kính trọng, thương yêu, gìn giữ.

Bởi vì con người không phải là những ông chủ của thiên nhiên.

Những bất hạnh quá khứ đối chiếu với hạnh phúc hôm nay; hình ảnh lý tưởng của dĩ vãng êm đềm so sánh với ngày nay đen tối; nỗi buồn thảm điêu tàn của hôm qua tiếp theo sau vẻ rực rỡ của ngày trước đó nữa; sự tương ứng, phản chiếu, lập lại, sự đối kháng của các mặt cắt khác nhau. Các mặt cắt thời gian này của thơ Frost di chuyển liên tục qua ba khung cảnh thiên nhiên, tạo nên một chuyển động phức hợp, có thể ghi nhận trên nhiều tọa độ rất khác nhau.

Tôi thường mơ trở lại thăm rừng liễu xanh, đồi bạch dương trắng phía bắc Edmonton, chạy trong tuyết rơi xuống lả tả, tuyết bay qua lất phất, như ngày nào mấy mươi năm trước cùng người thiếu nữ nhỏ xinh, nhưng không làm được. Mỗi người chúng ta đều biết đến những nỗi niềm nhớ tiếc giống như của tôi. Nhưng nhớ về thiên nhiên hoang sơ không phải chỉ là hoài niệm; chúng còn là mặc khải, chuyển thể, là dự phóng.

Khi nhìn những cành bạch dương uốn qua trái rồi qua phải
Trên nền hàng cây thẳng tắp hơn tối đen hơn
Tôi nghĩ đến một đứa trẻ chơi đùa lắc lư chúng

When I see birches bend to left and right
Across the lines of straighter darker trees,
I like to think some boy’s been swinging them.


Đọc những câu thơ như thế người ta phải nhắm mắt một lát mà nghĩ đến tuổi thơ của mình, tung tăng trên đường nhỏ sớm mai, cặp sách trên vai, hay biến mất trong ngõ chiều sương sau chùm lá hạnh ký ức. Có một kẻ nào dùng tay lắc những cành cây trong trí nhớ chúng ta. Kẻ ấy trở đi trở lại nhiều lần, dù không ai thấy nhưng vẫn trở lại, lắc mỗi ngày một ít cho đến khi nhánh cành của đời sống mất dần sự cứng cỏi, trở nên mềm mại hơn, trở nên biết uốn lượn.

Mùa đông rồi mùa hè, đứa trẻ chơi một mình
Giữa hàng cây của cha mình, chú uốn nắn từng cây một
Bằng cách kéo chúng xuống, kéo xuống nữa, nhiều lần
Cho đến khi rút hết sự cứng cỏi ra khỏi chúng

Summer or winter, and could play alone.
One by one he subdued his father’s trees
By riding them down over and over again
Until he took the stiffness out of them.


Rút hết sự cứng cỏi nào? Ở đâu?

Ở trong từng đường vân thớ gỗ, trong sự giận dữ của trái tim mỗi chúng ta.

Nguyễn Đức Tùng


Tài liệu tham khảo:
- Edward Connery Lathem and Lawrance Thompson, Robert Frost: Peotry & Prose (First Owl Book Edition, 1984)
- Hellen Vendler, Voices and Visions (Random House, 1987)
- Dana Gioia, David Mason and Meg Schoerke, Twentieth-Century American Poetry (Mcgraw-Hill, 2004)
- David Lehman, The Oxford Book of American Poetry (Oxford, 2006)


READ MORE - ROBERT FROST: DỪNG CHÂN TUYẾT XUỐNG RỪNG CHIỀU - Nguyễn Đức Tùng

VẮNG EM - Thế Lộc


Nhà thơ Thế Lộc
Sinh quán tại Đà Nẵng
Làm thơ từ thời học sinh, nay đã ngoại thất thập vẫn còn sáng tác.
Đã xuất bản tập thơ Thời Xa Vắng trước 1975.


VẮNG EM

Gởi: Cúc Hải Phòng 

                       
Vắng em ngày ấy đâu còn nữa
Một nửa hồn ta úa nắng chiều
Một nửa hồn kia sầu đáy cốc
Nghe lòng rờn rợn nỗi cô liêu

Vắng em mưa nắng giăng bờ nhớ
Ta ngỡ hình em cả dáng chiều
Em có về qua nơi quán trọ
Gởi chào vĩnh biệt những thương yêu

Vắng em ngày ấy như mây trắng
Bay mãi trong ta đến cuối đời
Cho dẫu ngàn năm em chẳng đến
Ta còn giữ ấm một làn hơi

Vắng em ngày ấy mênh mông gió
Ta thở ngàn hương mái tóc em
Ta giấu hình em trong đáy cốc
Nghe đời vụn vỡ một lần thêm.

Vắng em ngày ấy đâu còn nữa
Hoàng Hạc bay xa bỏ cánh đồng
Cứ mỗi chiều về ta tựa cửa
Ngậm ngùi thương nhớ mỏi mòn trông.

Đà Nẵng,15-12-2009
THẾ LỘC
theloc108@yahoo.com.vn
READ MORE - VẮNG EM - Thế Lộc

LƯU TÌNH - Thơ của Hiệp Biện Đại Học Sĩ Trần Đình Túc - Phiên bản của Linh Đàn - Hạ Thái Trần Quốc Phiệt thoát dịch

留情二首               LƯU TÌNH     (Nhị Thủ)

巫峽巫山別有天     Vu Giáp Vu San* biệt hữu thiên
偸閑随在意飄然     Du nhàn tùy tại ý phiêu nhiên
似尊才色誰佳偶     Tự tôn tài sắc thùy giai ngẫu
况更烟波亦夙緣     Huống cánh yên ba diệc túc duyên
心緒百端同蔓草     Tâm tự bách đoan đồng mạn thảo
驪歌一曲入雲箋     Li ca nhất khúc nhập vân tiên
不知此後伊谁會     Bất tri thử hậu y thùy hội
仿彿餘香落枕邊     Phảng phất dư hương lạc chẩm biên


一曲清朝落妬前     Nhất khúc thanh triêu lạc đố tiền
巫山魂夢忽茫然     Vu San hồn mộng hốt mang nhiên
高樓雲雨如今在     Cao lâu vân vũ như kim tại
大海波濤是別年     Đại hải ba đào thị biệt niên
細柳何愖牽晚興     Tế Liễu hà kham khiên vãn hứng
濃棠猛未醒春暄     Nùng Đường mãnh vị túy xuân huyên
憑君須拭相思淚     Bằng quân tu thức tương tư lệ
留苦明朝送客船     Lưu khổ minh triêu tống khách thuyền
               陳廷肅                   Trần Đình Túc


LƯU TÌNH(hai bài)
(Thoát dịch bài “ LƯU TÌNH” của Hiệp Biện Đại Học Sĩ Trần Đình Túc)

Mưa xa, mây dạt tận chân trời
Sẵn một cõi nhàn thoát tục chơi
Danh l
ợi
tình cờ do ngoại cảnh
Căn cơ sóng gió bởi duyên đời
Dây tơ nhả sợi bay theo gió
Khúc hát vang câu gợi nhớ lời
Đếm bước thời gian chờ hội diễn
Hương nồng còn ấm mãi người ơi.


Hiên mai, ai dạo khúc tình vơi
Giấc mộng Vu Sơn ngấm rã rời
Mây kéo gió đùn giăng trước ngõ
Sóng dồn biển động dạt ngoài khơi
Chiều buông Tế Liễu sao buồn thảm
Xuân đến Nùng Đường chợt lả lơi
Chạnh nỗi niềm thương đau giọt lệ
Khi thuyền xa bến, lạc phương trời...!

Hạ Thái Trần Quốc Phiệt
READ MORE - LƯU TÌNH - Thơ của Hiệp Biện Đại Học Sĩ Trần Đình Túc - Phiên bản của Linh Đàn - Hạ Thái Trần Quốc Phiệt thoát dịch