Hoàng hôn trên sông Ô Lâu ở Hải Hòa - Ảnh Hồ Viết Phú |
Ranh giới giữa hai làng cách nhau bởi con hói, nước chảy ra tưới ruộng chung cho cả hai làng và nối liền bằng một chiếc cầu có tên thường gọi là Cầu Cừa. Có lẽ cạnh đó có cây Cừa. (cây cừa phía làng Hưng Nhơn). Cầu làm bằng gỗ lim, loại gỗ quí, tốt rắn chắc, chịu mưa nắng, bền. Chiều rộng, dài khoảng 3x 8m, cao hơn mặt đường khoảng 0,8 – 1,0m.
Sau này tôi mới biết , Văn Quỹ có 4 xóm là Thượng An, Thái hoà, Phú Thọ và Đông An chứ trước đây học trò chúng tôi quen chia làm 3 xóm là Xóm Hội, xóm Nước Mắm và Xóm Chùa. Xóm Hội từ cầu Cừa lên nhà thờ đạo kể cả đường ông Câu Mộ. Từ đường “Câu Mộ” lên hết làng là Xóm Chùa. Từ đường “Câu Mộ” xuống hết làng là xóm Nước Mắm.
Bảy tuổi tôi lên học trường Tổng tại xóm Nước Mắm và khi Trường sửa chữa chúng tôi lên học ở Xóm Chùa. Tuổi nhỏ của tôi đã sục sạo khắp cả ba xóm nhờ ở câu “nhất quỉ, nhì ma…”
Ở Xóm Chùa, các ngôi nhà thờ, có cổng vòm, có tường xây trông rất nghiêm trang, có sáu cột tru. Cột trụ ở hai đầu bên trên có con nghê dáng vui vui. Chúng tôi lấy lá quấn thành điếu thuốc đốt cho có khói rồi cho nghê hút và cười khoái trá. Các cột trụ giữa thì không dám làm. Đặc biệt ngôi chùa và tượng Phật (có đứa bảo là Bồ tát) Cả vùng đó có thể nói Chùa là nhất, đặt tên là xóm Chùa cũng phải.
Ở xóm Hội ấn tượng nhất là nhà thờ Đạo cao to và ông Linh mục người Pháp (thường gọi là Cố đạo), râu trắng, dài hay dắt 4-5 con ngổng đi dạo dọc đường. Không hiểu sao, hễ thấy ông đang đi đường này chúng tôi tránh sang đi đường khác. (ở đó có hai đường đến trường). Nhà ông Câu Mộ giàu lắm, nghe nói là con nuôi ông cố Đạo. Ông Câu Mộ có con trai tên là Ân học cùng lớp với tôi, nó đọc tiếng Pháp rất hay, thầy thường giao nó đọc trước, chúng tôi đọc theo.
Có lần chúng tôi lên xem người nông dân bị oan gì đó đã treo cổ tự tử ở nhà ông Câu Mộ, quan Phủ vào xử tại nhà. Tôi chỉ được nghe các bác bàn tán: chết thì thiệt thân, họ giàu lại có cố Đạo thì làm gì được họ.
Năm 1940 Linh mục người Pháp từ trần. Thi hài được an táng trước mặt nhà thờ. Lăng xây nổi, hình khối chữ nhật chung quanh có lan can, trên nấm có đắp hai thiên thần có cánh, tay bưng lọ hoa chầu người dưới mộ. Bây giờ ngôi mộ vẫn còn nấm mồ.
Khoái nhất là lần đầu tiên được đá banh “mút” (như cao su vo tròn bằng quả banh bưởi, do nhà thằng Ân mua) tại sân gạch ông Câu Mộ. Trận đá thi (đấu) giữa học trò Văn Quỹ và học trò Hưng Nhơn. Kết quả Hưng Nhơn 2 Văn quỹ 3. Chúng tôi thua và tự nêu lý do là chưa quen đá sân gạch và banh mềm. Nhìn chân đứa nào máu cũng chảy luyềm loàm bởi quyệt nền gạch. Sáng hôm sau gặp nhau đứa nào cũng nói đêm qua bị mạ chửi bởi trằn trọc không ngủ : tức vì thua.
Sau CM tháng 8, bắt đầu năm 1947 cho đến ngày ký hiệp định đình chiến 1954, Văn Quỹ chịu đựng với súng đạn căng thẳng hơn Hưng Nhơn và cả xã Hải Phong bởi cái đồn lính ở Ưu Điềm kiên cố chỉ cách con sông rộng không quá 100m. Sông tuy hẹp nhưng nhờ có sông mà quân dân ta vẫn hoạt động bình thường. Người dân phải rất nhiều mưu trí và dũng cảm mới sống nổi. Bến đò ở xóm Nước Mắm là nơi qua lại thường ngày sang chợ Ưu điềm. Ở làng tiêu đồng bạc cụ Hồ, sang chợ tiêu tiêu hai loại: đồng bạc Đông Dương lẫn đồng bạc cụ Hồ. Lính trong đồn ra giữa chợ hễ thấy bạc cụ Hồ là chúng xé. Các bà đi chợ cứ tiêu bạc cụ Hồ vẫn an toàn, ấy mới tài!
Việc tổ chức các cuộc họp để báo cáo hoặc phổ biến chủ trương phần lớn họp về đêm và địa điểm họp là phần nữa sau Xóm Chùa cũng có khi ở Xóm Hội. Đội dân quân du kích, đội biệt động phải chốt các ngã đường trọng yếu (bến sông) và nhiều lúc phải áp dụng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Khi cần phải họp ban ngày, người đi họp phải “nguỵ trang như người đi cày, đi đạp nước” để tránh con mắt nhòm ngó phía bên kia sông. Nếu họp ban đêm đi phải im lặng không chuyện trò và lần mò trong tối cho dù trời không trăng sao.
Xin kể vắn tắt chuyện mà tôi không thể quên:
Văn Quỹ - Hưng Nhơn có chung con hói tưới nước cho cả hai cánh đồng, dĩ nhiên vụ trái năm nào cũng không đủ nước cho cả hai cánh đồng, tuy vậy vẫn không thấy có tranh chấp gì. Vụ trái năm 1952 lại có chuyện. Hôm đó Ban Thông tin chúng tôi đang trên đường đi viết khẩu hiệu ở Văn Quỹ và Câu Nhi, bất chợt mấy người chạy đến kéo tôi là phải ra gấp không thì nguy to (tôi lúc đó là uỷ viên HĐND xã). Chưa kịp hỏi gì chúng tôi chạy ra đến nơi mới biết hai bên đang giằng nhau mấy chiếc cọc tre để chặn giòng nước giữa hai làng với bộ mặt đùng đùng sát khí. Trong tôi chưa nghỉ ra câu gì để nói chỉ nhảy ào ra giữa chổ giằng co, nhìn vào họ và tôi nói. Không nhớ tôi đã nói những gì với họ, phút chốc thấy một bác ném cọc tre xuống, bùn nước văng lên tung toé, mấy người khác vất xẻng lên bờ và nhiều tiếng nối tiếp nhau: về thôi, về thôi…Hôm sau một cuộc họp đại diện hai thôn tại UB xã và đâu vào đấy: bình yên…
Tôi hẹn bụng sẽ hỏi lại các cụ cùng trang lứa ở Văn Quỹ có nhớ lần ấy không, thế mà chưa có dịp nào may mắn.
Kính chào trân trọng Văn Quỹ thân thương, mảnh đất mà từ tuổi vỡ lòng đến tuổi vào đời (tuổi 25) tôi gắn bó.
Email: nhuxuan29@gmail.com.
No comments:
Post a Comment