Tết trong tôi với những năm tháng tuổi thơ, thiếu thốn,
nghèo khó còn đậm in những kỷ niệm khó phai. Những năm sống trong thời hậu chiến,
của kinh tế bao cấp mọi vật dụng dành cho Tết rất hiếm hoi. Hợp tác xã mua bán
của phường phân phối mỗi gia đình 1 lít dầu hỏa, một chai rượu chanh Hà Nội, nửa
cân kẹo Hải Hà, 2 gói trà Kim Anh. Khấm khá hon là phong pháo tép Hải Hưng hoặc
Hà Sơn Bình. Riêng mỗi một gia đình thì nhu cầu lớn lắm, chủ yếu tập trung vào
cái ăn. Thưở ấy trông Tết để được ăn sướng, có thịt, có mỡ...
Trong nhà tôi, sau Rằm tháng Chạp, mẹ đã bắt đầu chuẩn
bị mọi thứ. Nào là miến, gạo nếp, đậu xanh, trứng gà, đường cát, mỳ chính... những
thứ hàng thiết yếu này thời bao cấp khó khăn lắm hơn nữa nhà không có nhiều tiền
để mua một lúc. Nhưng cái chuẩn bị của mẹ
làm cho cái Tết đang về xôn xao rồi.
Những phong pháo nổ đì đẹt ấy đã thúc giục mùa Xuân
đến sớm, đón Tết về trong náo nức. Hai Mươi
Ba Tết, đưa ông Táo về trời, nhiều nhà làm lễ Tất niên, tất nhiên là đốt
pháo. Lũ trẻ chúng tôi nghe tiếng pháo là chạy nhào tới để nhặt những viên pháo
rụng, pháo xì đốt chơi. Có thằng chụp lấy quả pháo tống nổ chậm làm cho nó toác
cả tay. Trò chơi pháo vẫn không làm cho lũ trẻ sợ sệt. Lác đác từ hôm đó cho đến
đêm giao thừa, pháo liên tục nổ ran, chúng tôi dọn dẹp nhà cửa, hay giúp mẹ
đánh trứng đổ bánh thuẫn không yên lòng chút nào. Những năm sau xuất hiện lọai
pháo Nam Ô nổ như súng đại bác, tiểu liên, nên chúng tôi cũng phân biệt được
nhà nào đốt pháo gì. Đêm Ba Mươi, pháo nổ rền hơn, phút giao thừa thực sự làm
cho trời đất như sống dậy trong giá rét, tôi cảm thấy như mùa Xuân bừng tỉnh
sau cơn ngủ đông. Sáng Mồng Một, lại vang tiếng pháo cúng đầu năm, sang Mồng Ba
lại vang tiếng pháo cúng đưa tiển ông bà... cho đến Rằm Tháng Giêng vẫn có nhà
đốt pháo cúng đầu năm hay mở hàng. Tiếng pháo cho ta cảm giác như cái Tết kéo
dài hơn.
Đó là chuyện pháo, chuyện mứt bánh ngày Tết cũng
đáng chú ý. Nhà nào cũng mua một vài cân hạt dưa. Nhà nào cũng có gói bánh chưng
, bánh tét. Nhà nào cũng có làm bánh thuẫn. Nhà nào cũng tự rim mứt gừng, mứt dừa.
Ngày Hai Bảy, Hai Tám Tết được nghỉ học ngồi ở nhà quạt than làm mứt, hay dùng
đũa đánh trứng cho dậy quả là một kỳ công. Đánh trứng phải liên tục, mạnh, đều
tay thì trứng mới dậy, bánh mới đẹp.
Lũ trẻ chúng tôi lại rủ nhau quét tước nhà cửa, vườn
tược và con đường đất trước nhà. Nhà nào cũng sạch tưng. Đêm Ba Mươi trước khi
Giao Thừa, chúng tôi phải tắm sạch sẽ không để bẩn 2 năm. Gian bếp chật hẹp làm
mùi thơm bánh chưng, bánh tét ngào ngạt không thoát đi được.
Và cái mâm cỗ Tất Niên mẹ làm nhiều món: thịt gà
bóp, gà rô-ti, miến xào lòng gà, la-gu, đậu cô-ve với cà rốt, su hào xào thịt
heo... Gần như các món mẹ rắc tiêu và bỏ thêm mấy cọng ngò rí, thơm ơi là thơm.
Chúng tôi nhìn khi cha bày mâm cổ đã rỏ dãi rồi... thèm lắm, cái này chờ mấy
tháng nay. Tôi nghĩ một mình mình ăn hết cả mâm cỗ.
Cha thắp hương trên bàn thờ, bếp và cổng. Cha quay lại
khấn vái lầm rầm. Cha bảo tôi rót rượu cúng vào ly, phải rót đúng 3 tuần đúng với
3 lần khấn vái của cha. Tôi đứng cạnh, mùi thức ăn xông lên mũi, đặt biệt cái
mùi ngò rí quyện với hương vị hạt tiêu, chao ôi là thèm. Tôi nuốt nước bọt.
Cúng xong, cả nhà quây quần bên mâm cơm cuối năm.
Chúng tôi được ăn uống thỏa thích. Mẹ nói cả năm kham khổ rồi, Tết cho ăn một bữa
cho sướng. Vẫn mùi thơm thơm của ngò, bây giờ tôi được nếm thêm vị cay thanh
thanh nhè nhẹ của ngò rí, quyện với vị cay hăng hăng của tiêu. Tôi cố ăn nhiều
thứ trên bàn cỗ. Tôi lại hay nghĩ về những ngày sau Tết, lại vất vả. Mẹ hay
than: "Giêng Hai cắn máu tay không chảy". Cái đói cái thiếu sẽ đến.
Cuộc sống hôm nay khá đủ. Cái Tết không làm háo hức
như thưở ấy. Nhưng trong cái se lạnh của đêm Ba Mươi, cái mùi ngò rí ấy làm thức
dậy trong tôi bao kỷ niệm về thời khốn khó. Tôi nhớ về cái Tết xưa, nhớ tiếng
pháo rộn ràng đánh thức đất trời. Nhớ ánh lửa bập bùng nồi bán tét reo réo sôi.
Lũ trẻ thơ chúng tôi khoe nhau áo quần mới. Tiếng loa phát thanh vang lên những
khúc nhạc xuân: "Em ơi, mùa xuân đến rồi đó, giang rộng vòng tay đón cuộc
đời..." hoặc là "lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người....đôi lứa
tình yêu, mùa xuân...". Tất cả đã thành kỷ niệm.
Cáp Xuân Tú
Trường THPT Đông Hà
capxuantu@gmail.com
Trường THPT Đông Hà
capxuantu@gmail.com
1 comment:
Bài viết của thầy rất hay và thú vị ạ. Em luôn rất hứng thú với những đề tài nói về thời kỳ bao cấp. Hỵ vọng sẽ được đọc nhiều bài viết nữa của thầy!
Post a Comment