Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, January 31, 2012

GIẤC MƠ CỦA HOA VÀ NẮNG – Truyện ngắn của Trương ĐìnhTuấn


Anh thường vào blog của tôi comment bằng nick Nông Dân.Tôi thích cái nick này, thích luôn những comment nghịch ngợm dễ thương của anh.

Anh xin số điện thoại. Đối với người hâm mộ văn của mình, tôi không đắn đo mấy khi nhắn lại số cho gã đàn ông xa lạ chưa một lần gặp mặt ở ngoài đời. Lần đầu anh nhắn tin cho tôi:

- Mình chỉ nhắn tin thôi, đừng có gọi, em nhé!

- Sao vậy anh?

- Tại anh bị… cà lăm.

Tôi ôm bụng cười ngất.

Kệ, người ta có cà lăm hay không thì mặc kệ. Mà vậy cũng hay, ngoài công việc trợ lý cho mẹ, tôi dành hết thì giờ cho viết lách, không còn rỗi để tiếp chuyện với độc giả của mình, thật tai nạn nếu anh là người… già chuyện.

Anh nhắn tin cho tôi rời rạc. Tôi giữ thông lệ từ đầu tự mình đặt ra là chỉ trả lời anh chứ không bắt chuyện trước. Những dòng tin của anh thường đem đến cho tôi niềm vui như những dòng comment hài hước thông minh, chẳng Nông Dân chút nào cả. Nếu bẵng đi những tin nhắn này cả mấy ngày thì tôi như thiêu thiếu một điều gì quen thuộc.

Có  lần thức khuya để viết bài, chuông tin nhắn vang lên. Là anh ư, tôi lẩm bẩm, tưởng anh biến luôn rồi nữa chứ!

- Em còn thức phải không?

- Dạ.

- Em nghe anh đàn hát nhé!

- Ủa, nghe nói anh bị cà lăm mà.

- Mỗi lần say anh lại hết bị cà lăm.

- Xạo quá! Anh hát đi.

Anh vừa đệm đàn guitar vừa hát bài Xin còn gọi tên nhau:

- Tình trong cơn ngủ mê rồi phai trên hàng mi. Để khi mình nhớ về, mộng thành mây bay đi, còn gì trên đôi tay. Nên thầm hờn dỗi mình. Cho tình càng thêm say.

Ôi, làm sao mà anh lại biết tôi thích bài này, thích những đêm thức khuya, có tiếng hát của ai đó không phải là ca sĩ, không phải phát ra từ máy tính, mà từ một nơi nào đó trên bãi bờ của biển đêm, hay từ đồi cao vi vu tiếng thông reo.

Anh chỉ hát một khúc thôi rồi im bặt. Say mà sao khôn thế? Chắc là sợ… hết pin.

- Anh ca hay quá, mai mốt anh ca tiếp cho em nghe nhé!

Im lặng không nói, không một chữ trả lời. Người chi mà lạ lùng.

Có lần mới năm giờ sáng anh đã nhắn:

- Phượng Vỹ ơi, chắc là anh mê em rồi!

- Em tin là anh không xạo. Mà xin anh đừng manh động. Tội nghiệp em! Em đang run đây nè!

Tôi không run, chỉ nghe mình choáng váng.

Không biết anh đang ở nơi xó xỉnh nào, tôi tạm tin anh để nhắn cà phê với anh.

- Anh đang ở xa em lắm, lại sợ gặp mặt sẽ mê em thêm.

- Mê thêm thì sao?

- Khó dứt ra được!

- ???

Im lìm!

Lại có lần anh nhắn cho tôi mấy câu thơ:

Ta đang uống rượu một mình

Thấy tình ta tựa như hình mây bay

Thấy đời mòn mỏi cuộc say

Say từ tiền kiếp đọa đày yêu em.     

Là sao đây? Anh lại say nữa rồi. Cái ông Nông Dân này, mỗi lần say là toàn nhạc với thơ.

- Thơ của ai vậy anh?

Lại im lìm!

Đó là tin nhắn cuối cùng của anh gửi cho tôi.

Bỏ quy ước tự đặt ra cho mình, tôi nhắn tin rồi gọi trước cho anh. Tất cả đều bặt vô âm tín.

Người chi mà lạ kỳ, chắc là nông dân này về quê cày ruộng rồi! Hóa ra đàn ông ai cũng đều như cánh chuồn chuồn, khi vui thì đậu khi buồn… chuồn luôn.

Mỗi lần mở blog ra, tôi đều thầm chờ đợi anh xuất hiện. Vẫn trắng toát khung comment trống không nằm hoang vu lạnh lẽo. Vẫn đôi mắt quầng thâm hiền hiền của anh nhìn tôi từ một nơi nào rất xa lại rất gần. Vẫn tiếng hát anh còn vọng dư âm vương víu từ ngõ hồn tôi xôn xao. Và tôi cũng thấy mình quá ngu ngơ khi khù khờ gửi tin yêu đến cho người trên mạng ảo. Rồi nhơ nhớ, tiêng tiếc một điều gì dấu ái vừa vuột mất đi. Có thể nào mi lại nhớ người ta dễ dàng thế sao, này lòng kiêu hãnh của ta ơi?

Nhiều câu hỏi được đặt ra cho sự im lặng trống vắng này, và tôi hoảng hốt khi nghĩ có điều gì không may đã xảy đến cho anh.

oOo

Khí hậu Đà Lạt mùa này không lạnh như tôi tưởng, đủ se se dễ chịu cho những người quen chịu đựng cái nắng nóng bức của Sài Gòn như tôi. Lần đầu tiên đến, phố núi đối với tôi thật tuyệt. Nơi nào cũng hoa, đường nào cũng dốc. Nhà cửa phố xá quanh quanh theo sườn đồi. Sương mù không nhiều, chỉ thấy xa xa phía sau hậu viên khách sạn, mấy lớp sương mỏng như khăn voan hờ hững choàng qua vai đồi thông xanh thẳm.

Khuôn viên của khách sạn rộng. Tôi ngồi xuống chiếc ghế mây trong góc quầy cà phê, ngắm màu nắng nhàn nhạt dưới thung lũng dưới kia. Dây tầm xuân bò dọc theo lan can nở mấy nụ xanh rung rinh. Nhạc Phạm Duy mở vừa đủ nghe, tha thiết buồn buồn: Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi. Còn gì đâu nữa mà khóc với cười...

Một góc bên kia là bàn của mấy ông uống bia đang rôm rả nói cười. Hình như mấy ông thuộc hội văn nghệ của phố núi này. Qua loáng thoáng câu chuyện của họ, tôi đoán như vậy. Và dễ dàng nhận ra nhà văn trẻ Đinh Vũ, vì anh có bộ tóc dài thượt và râu quai nón. Chân dung anh thường xuất hiện trên báo chí.

Rượu vào thơ ra, họ hứng chí đọc thơ oang oang. Mấy ổng là vậy, có khi ngồi quán cóc bên đường cũng xua tay múa chân đọc thơ nhưi nào cũng là nhà của họ vậy.

- Ê Vũ, mày ngâm thơ không được thì hát hò đi chứ!

Cả bàn vỗ tay, cây đàn guitar được người phục vụ mang ra đưa cho Đinh Vũ. Anh vừa so lại dây vừa cười: Xin còn gọi tên nhau nhé!

Tôi quay phắt lại vì cái giọng hát tôi quen chứ không phải vì bài ca tôi thích. Đúng là anh rồi, không lầm lẫn đi đâu được. Vẫn chỉ một điệp khúc đó, vẫn tiếng đệm đàn đó, vẫn giọng trầm trầm đó. Tôi bước qua đứng trước mặt anh:

- Là anh Nông Dân đó phải không?

Anh ngẩng đầu lên nhìn tôi thảng thốt:

- Ôi, Phượng Vỹ!

Anh đứng dậy dựng cây đàn lên ghế, bối rối nhìn tôi:

-  Em lên đây bao giờ vậy?

Tôi không trả lời anh mà chỉ muốn khóc.

Các bạn của anh đồng loạt rộ lên:

- Hơ, thằng Vũ đang bị em tầm nã!

Họ đứng dậy đùa bông lông thêm mấy câu nữa rồi ra về. Chỉ còn anh và tôi.

- Ngồi xuống đi em. Em uống gì nào?

-  Cho em ly rượu vang.

Nhìn vẻ mặt buồn buồn của anh, tôi không nỡ hỏi nhiều. Mà đối với anh, tôi có quyền gì để hỏi chứ? Tôi thật là con nít.

Uống nửa ly rượu vào, đứa con gái rụt rè trong tôi biến mất. Tay tôi níu tay anh, mắt tôi ngó sâu vào mắt anh:

- Có phải bốn câu thơ nhắn lần cuối cùng bữa đó cho em là thơ của anh làm phải không?

- Có gì quan trọng? Mà sao em biết hay vậy?

- Anh coi thường sự nhạy cảm của em rồi, mấy câu đó nói là anh đã… yêu em! Mà đã lầm lỡ rồi, sao không dũng cảm xưng tội, để phải… chạy trốn nhỉ?

- Dạ, tại quá ham chơi nên trốn học… mấy tháng thôi “cô cô” ơi!

Tôi phì cười. Trước đây anh cứ xưng mình là Dương Quá và gọi tôi là “cô cô” để nhờ tôi truyền nghề… viết văn. Người chi mà khôn quá. Trong truyện Thần điêu đại hiệp của Kim Dung, chẳng phải là học trò Dương Quá cứ đòi cưới cô cô Tiểu Long Nữ đó sao?

Đến lượt tôi đánh trống lảng:

- Quá giỏi ha, còn thêm một tội nữa! Nhà văn mà giả nai bái sư với con bé lơ mới vào nghề này nhé!

Và nhắc lại câu hỏi mà anh chưa trả lời:

- Sao anh trốn em?

Anh buông một câu rất sến:

- Anh viết văn không đủ nuôi thân mình, nên đành hẹn kiếp sau sẽ không trốn em nữa.

- Sao anh không nói rõ?

- Anh sợ nói ra em sẽ cho anh hèn nhát đào thoát! Anh khổ như con chó từ hồi bé đến giờ rồi, nên không muốn lây vạ cho em.

Đó là một trong nhiều điều mà tôi đã suy đoán, là điều làm tôi nhẹ nhõm hơn tất cả mấy điều.

- Anh có biết em lo cho anh đã có chuyện không may xảy ra không? Anh ác độc hơn cả… mụ phù thủy!

- Ô, mà trước đây anh nào thấy dấu hiệu gì em sẽ lo cho anh đâu?

- Anh xạo quá đi!

Người phục vụ nhắc chúng tôi đã đến giờ khách sạn đóng cổng. Tôi tiễn anh:

- Thôi anh về đi, em chỉ còn hai ngày ở lại đây thôi. Ngày mai anh phải chở em đi chơi cho khắp hết Đà Lạt. Chừng nào em về lại Sài Gòn rồi thì anh thích trốn tiếp thì cứ trốn. Chứ đừng trốn sớm. Bỏ em bơ một mình ở xứ lạnh này, tội nghiệp.

Tôi cũng vừa buông một câu dài dòng rất sến! Ai đó đã nói thường khi yêu, đôi khi hai người sẽ trở thành sến tất!

Lúc này, trong tôi có hai nửa. Một nửa cuồng nhiệt muốn trì níu anh làm của riêng mình. Một nửa kia nhu mì lỏng tay cho anh muốn trôi đi đâu thì đi. Nửa sau yếu ớt này không còn là của tôi mà là của anh, tùy thuộc vào anh có đủ dũng cảm để dắt tay tôi đi về phía trước hay không.

Lúc này, tôi nhẹ tênh cả người. Chỉ cần ngày mai bên anh nơi phố núi này là đủ rồi. Cảm ơn thành phố của hoa, sương mù và tình yêu sẽ cho tôi có một giờ bên anh. Huống chi tôi sẽ có đến cả hai ngày!

Đêm bình yên. Tôi tưởng tượng ngày mai tôi sẽ ngồi sau chiếc xe máy Trung Quốc cà tàng của anh. Anh chở tôi lòng vòng hết những con đường của Đà Lạt. Cuối cùng dừng lại bên vệ đường có ngọn đồi thoai thoải bạt ngàn hoa dã quỳ vàng. Chúng tôi nắm tay nhau chạy băng trên cánh rừng này. Và tôi mơ tôi và anh từ từ bay bổng lên, từ từ tan loãng giữa khoảng không. Tôi hòa tan vào màu hoa, anh hòa tan vào màu nắng. Màu vàng hoa nắng không còn buồn bã nữa mà rực rỡ lên màu lạ thường. 

TRƯƠNG ĐÌNH TUẤN
truonghuynhtth@gmail.com
READ MORE - GIẤC MƠ CỦA HOA VÀ NẮNG – Truyện ngắn của Trương ĐìnhTuấn

Monday, January 30, 2012

Nguyễn Thanh Xuân - MẤY Ý KIẾN VỀ BÀI CA DAO 10 QUẢ TRỨNG...


Nguyễn Thanh Xuân
 MẤY Ý KIẾN 
VỀ BÀI CA DAO 10 QUẢ TRỨNG
VÀ NGUỒN GỐC CỦA NÓ
 
       Bài ca dao mà Bộ Giáo dục đưa vào chương trình dạy cho con em cả nước học ở cấp Phổ thông Trung học và ghi rỏ là của tỉnh Quảng Trị. Đây là một niềm vinh dự lớn của tỉnh nhà. Tôi thấy: cả tỉnh thì rộng lớn mà trong câu chữ, tiếng nói, đời sống sinh hoạt và nhất là địa danh ghi trong bài tôi hình dung như ở vùng quê tôi, bởi tôi thuộc lòng từ nhỏ. (Tôi sinh năm 1929, khi rời quê hương đi tập kết tôi đã 25 tuổi). Xin trình bày ý kiến dưới đây:

        Bài in trong sách giáo khoa năm 1992 và 2000 như sau:

      Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn/ Tháng khốn tháng nạn/ Đi vay, đi dạm/ Được một quan tiền/ Ra chợ Kẻ Diên/ Mua con gà mái về nuôi/ Hắn đẻ ra mười trứng:
       Một trứng ung
       Hai trứng ung
       Ba  trứng ung
       Bốn trứng ung
       Năm trứng ung
       Sáu trứng ung
       Bảy trứng ung
       Còn lại ba trứng
       Đẻ ra ba con
       Con diều tha
       Con quạ bắt
       Con mặt cắt xơi
       Đừng than phận khó ai ơi
       Còn da lông mọc, còn chồi cây lên .  
     
       Bài ca dao ở quê tôi như sau: (đã tham khảo và thống nhất với các cụ cao tuổi ở quê). 
      Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn/ Đi vay đi dạm/ Được một quan tiền/ Ra chợ Kẻ Diên/ Mua con gà mái về nuôi/ Hắn đẻ ra mười trứng:
   Một trứng ung
         Hai trứng ung
   Ba trứng ung
   Bốn trứng ung
   Năm trứng ung
   Sáu trứng ung
         Bảy trứng ung
   Còn lại ba trứng                              
   Nở được ba con                               
   Con diều tha                                   
         Con quạ gắp (quắp)                        
   Con mặt cắt lôi                               
   Lấy chi đâm dánh (nhánh) nảy chồi          
   Khổ như ri chừ đà quá khổ
         Lần hồi cũng qua. (1)
         (1) Những chữ gạch chân là dị biệt với bản trong sách giáo khoa. Đến năm 2000 sách giáo khoa có chữa câu "Đẻ ra ba con” thành “nở ra ba con”.

        Đi vào nội dung:

        A. Nguồn gốc:

1. Về địa lý và đời sống  

      Về mạn cực nam của huyện Hải lăng, tỉnh Quảng trị, men dòng Ô lâu có các làng: Mỹ chánh, Lương điền, Hà lộc, Hà lỗ, Câu nhi, Văn quĩ, Hưng nhơn, An thơ và Phú kinh nay thuộc các xã Hải chánh, Hải Sơn, Hải tân và Hải hòa. Vùng đất này đã đóng góp cho đất nước nhiều nhân tài vừa văn vừa võ.

       Các làng trên đều có nhánh từ sông chính (Ô lâu) đổ ra đồng ruộng thông thẳng đến Diên sanh (Kẻ Diên), thủ phủ của huyện Hải lăng. Hồi đó việc đi lại chủ yếu là đường thủy. Các làng hạ lưu đi chợ Kẻ Diên bằng ghe thuyền, sáng chôống đi chợ, trưa về.

     Quê tôi là vùng trũng (-8 đến -10 độ so với mặt biển), độc canh lúa nước, hằng năm bị hai con nước đe dọa. Lũ Tiểu mãn tháng tư âm lịch và lũ thu đông kéo dài từ tháng tám đến hết tháng mười. Câu ca “Ông tha mà bà chẳng tha/ Làm cho con nước hai ba tháng mười” đã nói lên cơn lũ dai dẳng và khốc liệt ấy.

     Là vựa lúa của huyện Hải lăng nhưng trước đây chưa có hệ thống tưới tiêu nên có làm mà không có ăn. Đầu tháng tư lúa bắt đầu chín, lũ Tiểu mãn đe dọa. Lúa đang xanh cũng gặt, gặt không kịp nước cuốn trôi. Thế là đi đứt vụ mùa thu hoạch chinh. Quê tôi không có đất trồng hoa màu nên rau không có mà khoai sắn cũng không. Người dân thật vô cùng khốn khổ. Sau tháng ba, tháng tư quả là tháng khốn tháng nạn. Nhớ lại, năm 1999, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về thăm xã Hải hòa trong trận lũ khủng khiếp đó, thì nhân dân cả nước và bạn bè Quốc tế đều biết đến mảnh đất vùng sâu này.

2. Địa danh

            Tôi chú ý bốn từ “RA CHỢ KẺ DIÊN” Thông thường, đến một nơi nào đó người ta dùng từ: đi, về. Đi đâu? về đâu? Quảng trị quê ta còn dùng nhiều từ khác: vô, ra, lên, xuống, qua, lại ví như vô Sài gòn, ra Hà nội, lên rừng, xuống biển, qua chợ (cách sông)…dĩ nhiên không nói ngược lại là ra Sài gòn, vô Hà nội.

           Ta xem chợ Kẻ Diên là điểm đến là trục tọa độ để xét. Nội hạt huyện Hải lăng: Hải thượng xuống chợ, Hải khê lên chợ, Hải quy vào chợ và các xã từ phía cực nam Hài lăng là ra chợ. Thế “ra chợ kẻ Diên” phải chăng các làng từ chợ vào các làng giáp Thừa Thiên Huế, là cội nguồn xuất xứ bài ca dao này.

            Những ý kiến trên đây, bước đầu tôi tự xác nhận là nơi xuất xứ và cho là đúng bởi trong tỉnh ta, cả trong nước không nơi nào có tên chợ Kẻ diên và đời sống tương tự.

            B. Những dị biệt và cảm nhận:

1. Phân tich từ dị biệt:

             Sách Văn học 10 xuất bản năm 1992 ghi là: “Còn lại ba trứng/ đẻ ra ba con/ con diều tha/ con quạ bắt/ con mặt cắt xơi/ Đừng than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc còn chồi cây lên”

            Còn ba trứng đẻ ra ba con thì thật là sai vì gà đẻ trứng, ấp trứng, trứng nở ra gà con chứ gà mẹ không trực tiếp đẻ ra gà con. Còn khi chữa lại: còn ba trứng nở ra ba con nghe có điều chưa chuẩn, vì ba trứng chưa ung chắc gì đã nở được ba con. Đầu óc chị (nhân vật tiêu biểu tác phẩm - NTX) rối bời, chị nghĩ mông lung: 10 trứng ung 7 có lẽ giống gà đẻ kèm hay gà trống nhà bên còn quá non, trời nóng nực thế này liệu gà mẹ có chịu ấp cho không, lại những con “mát” tai ác bu đầy ổ, nó có đủ mạnh để đạp vỏ trứng ra không, cho nên những ngày ấp tiếp đó lòng chị như lửa đốt. Có được ba con là hy vọng cuối cùng của chị. Khi nở được ba con (mẹ tròn con vuông) chị mới thở phào nhẹ nhõm. Cái cảm giác hạnh phúc nhờ ở chữ ĐƯỢC. Câu nở ra ba con như là mặc nhiên là phải có ba con, nó không làm cho chị lo lắng hồi hộp, không đúng với tâm trạng khi vừa thực tế chứng kiến bảy trứng ung. Chữ ĐƯỢC thật hay tôi nghĩ không có từ nào thay nổi.

             Khi đã có ba con rồi lại bị tuột khỏi tay nốt. Ở đây tôi chưa phân tích nổi đau buồn của chị mà phân tích các chữ dị biệt trong các câu: Con diều tha (đúng rồi) con quạ gắp, con mặt cắt lôi chứ không phải như sách giáo khoa là con quạ bắt, con mặt cắt xơi. Vì rằng diều quạ mặt cắt là lũ ăn cướp ngày. Diều tha nó cũng tha đến một nơi an toàn nào đó nó mới dám ăn. Quạ từ trên cao rình mò sà xuống gắp (quắp) lấy gà con bay vút lên. Ta hình dung từ bắt là chủ động là ở mặt bằng như bắt gà trong chuồng, bắt tay nhau. Từ quắp mới đúng. Mặt cắt xơi thấy càng không ổn, kẻ cướp phải bay đi vội vã làm gì có thì giờ và tâm trạng thoải mái mà “xơi”. Rảnh rang nhàn rỗi mới ngồi chơi xơi nước hay đài các như các mệ trong hoàng gia triều Nguyễn “xôi không đậu cậu không xơi” Quê Quảng trị không dùng từ “xơi” trong trường hợp này.

            Đặc biệt hai câu cuối nội dung của quê tôi hoàn toàn khác với các bản lưu hành trong sách giáo khoa, những câu nghe thật thương thật thực tế .Khi đã mất cả rồi chị thốt lên câu: Lấy chi đâm nhánh nẩy chồi/ Khổ như ri chừ đà quá khổ…
          
2. Cảm nhận

       Theo tôi tác giả bài này là một nông dân trung niên, chị (đàn bà không phải đàn ông) năng động không bó tay chịu khổ mà quyết vươn lên trong cuộc sống. Đêm nằm chị vắt óc suy nghĩ: mùa màng thất bát rồi phải làm sao đây và chị đã tìm ra “phương án khả thi” là đi vay tiền mua gà nuôi đẻ. Thức ăn thì nó bươi móóc lúa rơi lúa lép trong rơm rạ, may ra được đàn gà, có rổ trứng: cái ăn cái bán cái trả nợ. Đến đây, kế hoạch nuôi gà không may bị thất bại. Chị (có lẽ một mình) cảm thấy quanh mình bao khó khăn: sưu cao thuế nặng lãi mẹ đẻ lãi con…ba con gà con bé bỏng cũng bị một lũ ác điểu hoành hành. Tại sao? Rỏ ràng trước mắt chị những ba con, cả bầy hung ác ấy. Chị ngồi thừ ra hồi lâu càng nghĩ càng bế tắc căng thẳng, chị bật lên lời kêu “Lấy chi đâm nhánh nẫy chồi”

            Lời kêu than thốt lên từ miệng người thiếu phụ thật đau xót buồn tủi não lòng. Trước mắt chị còn một thực tế nghiệt ngã là miếng ăn hằng ngày của cả gia đình , chị ngậm ngùi tự nhũ: vừa an ủi vừa động viên: “lần hồi cũng qua”. Lần hồi cũng qua như đã bao năm cái cực cái khổ cứ đeo đẳng cuộc đời chị, nên “lần hồi cũng qua” là một sự bằng lòng và xác đáng ở thời điểm đó. Trong cái lần hồi của chị tôi thấy có mầm mống vươn lên trong thời gian tới. Tôi tin thế !

             Lại nói về hai câu cuối trong sách giáo khoa “Đừng than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc còn chồi cây lên”. Rỏ ràng hai câu này là lời khuyên của người ngoài cuộc, mặc dầu có ý tốt là gặp thất bại cũng đừng chán nản, nhưng lời khuyên nghe chung chung, dễ dãi, trơn tuột, vay mượn, khuyên cho ai ơi…Lời khuyên không thấu cái nỗi mất mát đau buồn cụ thể của chị. Mặt khác từ đầu bài cho đến câu “mặt cắt lôi” là đoạn chị kể về cuộc sống, về kế hoạch làm ăn và những điều bất lợi xẩy ra. Nào ! ta đã thấy chị than thở gì đâu, mà ai đó vội khuyên: “Đừng than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc còn chồi cây lên”. Theo tôi, đưa nhân vật thứ hai (người khuyên) vào là thừa và làm giảm đi cái chí khí của người nông dân tiêu biểu trong cuộc vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt để giành sự sống… Chỉ một nhân vật là đủ. Chị ta tự nói lên “lần hồi cũng qua” đó mới chính là lạc quan yêu đời mà nhiều bài viết đã đồng tình. Xin nói thêm: người ngoài khuyên, là khuyên, mới là khả năng chưa biến thành hiện thực, cho nên tôi thấy người trong cuộc nói lên: thua keo nay bày keo khác, ấy mới chính là logich của tác phẩm.

            Tôi không dám khẳng định bài ca dao là của Vĩnh Hưng, Hưng Nhơn làng tôi, nhưng có góp phần thì cũng có lý, bởi địa lý, cuộc sống, nỗi lòng y hệt nhân vật trong tác phẩm “10 quả trứng”

Bài do anh Lê Đăng Mành giới thiệu,
                                            xin mời các bạn đọc và cùng trao đổi với
Nguyễn Thanh Xuân
Quê thôn Hưng Nhơn, Hải Hoà, Hải Lăng, Quảng Trị.
Thường trú 487/2 Đường Cổ Nhuế, Từ liêm, HN.
Đt : (04) 62650037- 0986 465 346


Ảnh của Nguyễn Như Khoa




***
READ MORE - Nguyễn Thanh Xuân - MẤY Ý KIẾN VỀ BÀI CA DAO 10 QUẢ TRỨNG...

Sunday, January 29, 2012

Hoạ sĩ Võ Xuân Huy: Mỹ thuật Thái Lan được toàn xã hội quan tâm


Thuyền chài ở vịnh Hạ Long. Tranh của họa sĩ Thái Lan Direk Kingnok



Võ Xuân Huy sinh năm 1970 tại Quảng Trị. Hiện là giảng viên trường cao đẳng Mỹ thuật Huế. Hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam. Đã thực hiện nhiều triển lãm tại Việt Nam và quốc tế.

Cùng với 43 giảng viên các trường cao đẳng và đại học mỹ thuật Việt Nam đang theo học chuyên ngành nghệ thuật và nghệ thuật ứng dụng tại Thái Lan, hoạ sĩ Võ Xuân Huy sẽ hoàn tất luận án cao học. Dưới đây anh trò chuyện với bạn đọc Sài Gòn Tiếp Thị về vài đặc điểm cơ bản của hội hoạ hiện đại Thái Lan.


Nếu nhìn vào lịch sử, thì mỹ thuật hiện đại Thái Lan bắt đầu như thế nào, có nhiều khác biệt với Việt Nam không?

Mỹ thuật hiện đại Thái Lan và Việt Nam có nét tương đồng từ thời điểm mở trường đào tạo mỹ thuật, ở ta là 1925 và họ là 1926; tất cả đều do người châu Âu thành lập (Pháp và Ý). Việc đào tạo lúc bấy giờ mang phong cách hàn lâm cổ điển; sáng tác theo các trào lưu nghệ thuật đang thịnh hành ở châu Âu thời đó, đặc biệt là phái Ấn tượng.

Còn sự khác biệt: ở Việt Nam, toàn quyền Đông Dương ký quyết định thành lập trường mỹ thuật theo sự đề nghị và vận động của một vài hoạ sĩ, mà đại diện là Victor Tardieu (1870 – 1937); ở Thái do chính nhà vua mời nhà điêu khắc Corrado Feroci (1892 – 1962) mở trường. Các sinh viên nhiều thế hệ của giáo sư điêu khắc Corrado Feroci gặt hái được nhiều thành tựu nghệ thuật. Về sau có nhiều khác biệt hơn nữa, bên cạnh sự đào sâu nghiên cứu nền mỹ thuật cổ giàu thành tựu và bản sắc, họ còn nhanh chóng thể nghiệm theo các trào lưu nghệ thuật mới trên thế giới. Nhiều tác phẩm phản ảnh sâu sắc các biến cố văn hoá, chính trị, xã hội theo nhiều thủ pháp và khuynh hướng khác nhau, kể cả sáng tác theo khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Ở giai đoạn hiện nay thì thế nào?

Thái Lan đào tạo mỹ thuật theo mô hình đương thời của các nước châu Âu và Mỹ. Có thể nêu vài tên tuổi điển hình như Fua Haripitak (1910 – 1993), Pitoon Muamgsomboon, Haloo Nimsamer, Misiem Yipinsoi, Kien Yimsiri, Practuang Emjaroen và hiện nay như Montien Bonma, Araya Rasdjarmearsooli, Surasi Kulsongwong, Navin Rawanchaikul, Rirurit Tiravanija…

Sinh viên mỹ thuật ở Thái được phép tiếp cận và thử nghiệm mọi thủ pháp, mọi khuynh hướng, trào lưu trên thế giới. Xu hướng đào tạo chung là thể nghiệm nghệ thuật thị giác. Tác phẩm có thể là sự kết hợp nhiều chất liệu từ đất, đá, vải, bông, len, mây tre, sơn dầu, acrylic… và mix media. Sinh viên trình bày bài ở mọi không gian từ trần, tường, nền nhà, hành lang, góc sân trường, trên cây… Bên cạnh việc đào tạo sinh viên thể nghiệm nghệ thuật theo xu hướng đương đại, các trường mỹ thuật còn đào tạo sinh viên chuyên ngành Thái Arts nhằm bảo tồn và phát huy vốn cổ dân tộc.


Một điểm khác biệt nữa là họ không dạy sinh viên vẽ cái gì mà dạy sinh viên vẽ như thế nào, và về chất liệu, vật liệu, loại hình phục vụ cho ý tưởng. Sinh viên phải bảo vệ trước giáo viên hướng dẫn và hội đồng theo lộ trình từ chủ đề, ý tưởng, khái niệm, hình thức tạo hình, chất liệu, kỹ thuật, tiến trình. Hai học phần quan trọng là nghệ thuật thị giác và thể nghiệm nghệ thuật thị giác luôn song hành và hỗ trợ nhau.

Nếu so với Việt Nam thì đây hẳn là sự chênh lệch trong việc đào tạo mỹ thuật, chúng ta còn nhiều bất cập và lạc hậu. Lịch sử Việt Nam có nhiều biến động dữ dội và gấp gáp hơn, song cũng như văn học, mỹ thuật của chúng ta chưa có tác phẩm đủ tầm cỡ, đủ chiều kích để phản ảnh hai cuộc chiến tranh và thời hậu chiến. Đến nay khung chương trình, giáo trình ở Việt Nam cơ bản vẫn không thay đổi, giống y mấy chục năm qua. Sinh viên bị buộc chỉ chọn một chất liệu để làm chuyên khoa như sơn mài, lụa, sơn dầu hoặc đồ hoạ. Các môn nghệ thuật đương đại như mix media, video art, sắp đặt, trình diễn… chưa được đưa vào giảng dạy lý thuyết và thực hành chính thức. Vì thế, các cuộc thể nghiệm nghệ thuật mới do sinh viên sau khi ra trường thực hiện thường có kết quả hết sức mơ hồ, dễ dãi và may rủi. Bài tốt nghiệp của sinh viên chỉ là một tác phẩm, trong khi đó ở Thái thường là tám tác phẩm theo cùng một chủ đề, một phong cách.

Họa sĩ võ Xuân Huy



Theo tôi biết thì Thái Lan không xem giáo dục là quốc sách, vậy họ làm thế nào để có được nền tảng mỹ thuật như vậy?

Việc giáo dục và phát triển mỹ thuật ở Thái Lan được sự quan tâm của toàn xã hội từ hoàng gia, chính phủ đến các nhà tài trợ. Hoàng gia Thái Lan có công lớn trong việc kiến tạo nên bộ mặt mỹ thuật Thái Lan hiện đại. Nhà vua hiện nay cũng từng theo học hội hoạ và các tác phẩm ông vẽ về hoàng hậu và thiếu nữ được xem là một trong những cột mốc quan trọng của hội hoạ hiện đại Thái Lan. Ngoài ra, nhiều triển lãm được các ngân hàng bảo trợ, đáng chú ý là triển lãm mỹ thuật của ngân hàng Bangkok và ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan. Hệ thống phòng tranh đóng vai trò quan trọng trong việc tạo không gian cho nghệ thuật phát triển, đứng đầu là gallery của Hoàng gia Thái.

Hiền Hoà (thực hiện)
SGTT.VN
Ngày 23.07.2010

Đã đăng trên trang Web của Đại Học Văn Hóa Hà Nội http://huc.edu.vn/
READ MORE - Hoạ sĩ Võ Xuân Huy: Mỹ thuật Thái Lan được toàn xã hội quan tâm

Thanh Trúc - ĐỌC " LỬA ĐÊM " NGHỈ VỀ THƠ TRƯƠNG NGUYỄN




 Trước năm 1975, tôi đã đc nhng bài thơ Đo đăng rãi rác trên nhng tp chí Pht Giáo như:Viên Âm, Liên Hoa, Phật Giáo Việt Nam, Từ Quang, Đuốc Tuệ...và một số thi phẩm như: " Không Bến Hạn " của Huyền Không, "Bóng Hoa Đàm " của Trúc Diệp mà tên tuổi của các vị đã một thời vang bóng . Những thi phẩm đó, lúc bấy giờ có giá trị như một tiếng nói của tỉnh thức thể hiện được màu sắc tươi mát của dòng tuổi Từ Bi, ngạt ngào hương Đạo Hạnh.


Sau năm 1975, tôi cũng đã đọc được một số bài thơ Đạo đăng trên những đặc san Vu Lan, Phật Đản, nhất la' trên tờ báo Giác Ngộ và các mặt báo trong nước hiện nay viết về Phật Giáo, trong đó có nhà thơ Trương Nguyễn.

Thơ Trương Nguyễn có thể nói lấy từ chất liệu đời làm vốn liếng sinh hoạt tinh thần coi như là lẽ sống trong suốt tiến trình của thân phận con người.Nỗi khổ đau lớn nhất của con người là sống bằng ý niệm nhị nguyên nên chỉ thấy bên cạnh cái xấu vẫn có cái đẹp. Bên cạnh cái rộng lớn vẫn tiềm ẩn cái nhỏ nhoi: Trong cái thực đã chứa mầm hư huyễn. Rất may mắn Trương Nguyễn đã thoát ly được ý niệm nhị nguyên nên mới thấy ra :

‘'Ta ngắm chưa tròn trăng đã khuyết
  Dầu hao - đĩa cạn tối dày thêm
 Mỗi lần em đến như sương tuyết
Nắng đã lên đâu bóng cuối thềm?''
( Huyễn )
Vượt thoát khỏi ý niệm nhị nguyên, nhà thơ nhìn rõ mọi sự vật đều nương vào nhau mà sinh khởi, khởi sinh:

" Thấy trong giọt nước chính em bây giờ"
( Giọt sương )
‘'trăng và nước giao duyên từ vô thỉ
Đừng xẻ dòng sóng dội mảnh trăng tan
Hãy giữ lấy làn nươc êm dòng nước
Và thảnh thơi như gió núi mây ngàn''
(Trăng và nước)


Bị ràng buộc bởi những hệ luỵ của cuộc đời, phiêu bòng trong những cảm giác nổi trôi cua ý thức, Trương Nguyễn đã giật mình nhìn lại ở chính mình một khả năng sâu thẳm, một khuôn mặt nguyên sơ:

 "Ngàn năm nào chọn lửa
  Nay về lại nơi xa
Soi bóng mình trên nước
Tìm lại vẻ nguyên sơ"
( Hương Pháp )

Tìm lại vẻ đẹp nguyên sơ là tìm về tự tánh thanh tịnh mới có tuệ nhãn xuyên suốt tỏ rõ một thực tại sinh động :
‘'Đêm ba mươi mai nở cánh nhiệm mầu''
 (Đoá hoa Xuân)
Hay :

‘'Nụ cười Xuân như những cánh mai vàng ‘'
(Con đường Xuân)

Đứng về mặt hiện tượng giới mà nói thì sự vật vốn biến động vô thường do tâm thức biến hiện nên nhà thơ Trương Nguyễn sau bao ngày đêm đeo đuổi:

"Ta chạy theo ngày và đuổi theo đêm
Tìm hình bóng của cái tôi ảo tưởng"

Đến lúc chợt ra sự cố chấp của thực hữu là phi lý:

"Rồi một ngày chẳng nhận ra ta nữa
Nơi rộn ràng loang loáng gai chông"

Cuối cùng chỉ có Hiểu để rồi Thương mới là khát vọng bức thiết của loài người:

"Thương nhân sinh lưu chuyển kiếp vô thường"
( Đi tìm nàng thơ )


Ngay cả khi nỗi đau trầm thống dằn vặt mỗi lần Tết đến, thiên hạ lo đi sắm cái nầy vật nọ, riêng nhà thơ Trương Nguyễn cũng đi chợ Tết; nhưng không một đồng dính túi nên chỉ biết ngắm, nhìn và khi nhận:

"Sáng nay đi chợ Tết
Với bàn tay rỗng không
Nhắm hàng hoa thoả thích
Ghi vào tận đáy lòng"
( Đi chợ Tết )
Để rồi, nhà thơ tự an ủi mình bằng tấm lòng thương yêu chân thật và hẹn lại vợ con ở mùa Xuân sau:

‘'Thôi đành thôi cứ vậy
Nghèo khó mà thương yêu
Năm sau Xuân có đến
Ta đi mua sắm nhiều''

Và trong những bài thơ viết cho vợ hay cho người em thân yêu chăng nữa, Trương Nguyễn cũng lấy tấm lòng để hiểu tấm lòng mong tìm ra một con đường sáng lung linh hạnh phúc:

"Em vẫn tự gieo trồng
Trên mảnh ruộng đầy nhân ái
Một niềm thương đi suốt những tháng năm
( Mảnh ruộng )
"Hãy ngủ đi em
Quên đời một lúc
Để thấy trên đôi môi của em
Thoáng nở một nụ cười"
( Theo em vào giấc ngủ )

Đối với tình bằng hữu, người còn kẻ mất, Trương Nguyễn vẫn giữ được tấm lòng chung thủy, trước sau:

"Từ những cơn đau - Từng nỗi dày vò
Đã vun đắp nên biến thành thực tại
Anh vẫn sống bằng tấm lòng ưu ái
Ở trên tay số phận chẳng nhân từ"
( Phận người )

Phút chia tay đối với nhà thơ Trương Nguyễn cũng lắng sau trong tiềm thức khi dòng nhựa tình người lưu chuyển thì hồn thơ cũng dễ dàng soi tới:

"Bên thềm cũ bóng trăng xưa chiếu diệu
Nét "đan thanh dung dị" toả lan dần
Màu sáng bạc trùm lên cây cỏ
Thức thâu đêm thương nhớ vạn lần"
( Bên thềm cũ )

Khi viết đến đây, tôi nghĩ rằng Trương Nguyễn có lúc đã để cho Niệm Tưởng chi phối dòng tư tưởng như những dòng thác luân lưu, dù thoáng qua trong chốc lát vẫn âm thầm len lén gieo vào tâm thức nhà thơ những khổ thọ hay lạc thọ mà bản thân anh đã hơn một lần cọ xát, chịu đựng. Và cũng chính vì vậy mà thơ của Trương Nguyễn có một lối đi riêng biệt, mang phong thái chững chạc, một biệt tướng độc lập với bất cứ một nhà thơ nào khác.

Nói cho cùng, đoá hoa nghệ thuật của Trương Nguyễn bắt nguồn từ Hoa Đạo phát ra tự tâm những rung động nhẹ nhàng mà sâu lắng, dù chưa thăng hoa đến độ rực rỡ thì ít ra nó cũng điểm tô phần nào cho đời sống tinh thần tìm kiếm sự an tĩnh của tâm hồn trước dòng đời vẫn đục, khổ luỵ ...
                                                                    
THANH TRÚC
             (Cử nhân Văn Chương và Triết Học ĐHVK Sài  gòn 1964)

Bài do anh Trương Nguyễn gởi tặng
 truongnguyen49@yahoo.com.vn

READ MORE - Thanh Trúc - ĐỌC " LỬA ĐÊM " NGHỈ VỀ THƠ TRƯƠNG NGUYỄN